Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA: NGÔ ĐÌNH DIỆM - Hồi-Ký Lê Xuân Nhuận

            Ngày 23-10-2011, tôi được người quen ở đường Willet gọi báo là có một người muốn được gặp tôi, nên tôi đến gặp. “Người ấy” tự giới-thiệu là “đàn em thân-tín” của cố Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ (Mời xem).   Người ấy giải-thích trường-hợp gặp tôi: – Vào năm 2004, Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ có nhờ tôi mang bỏ vào thùng thư Bưu-Điện một bức thư gửi cho ông Lê Văn Anh, ở Số 5 Đường Willet Court, Thành-Phố Alameda.  Tôi không biết rõ trong thư viết gì.  Nhưng tôi để ý thấy ông cũng là người ở Thành-Phố Alameda, mà trong hồi-ký của ông đăng báo cũng như in sách thì có đề-cập đến Đại-Tá Duệ.  Hôm nay tôi muốn gặp ông, song sợ đường-đột chưa biết tính-tình của ông thế nào, nên ghé vào nhà Ông Lê Văn Anh để hỏi dò trước, vì nghĩ rằng chắc hai ông có quen biết nhau; do đó Ông Anh mới gọi đến ông.   
<!>     


            Tôi hỏi mục-đích người ấy muốn gì.
            Người ấy đáp là bất-đồng với những bài-viết của tôi, nhưng muốn thử-thách xem tôi có dám phổ-biến một bài xác-nhận là có kết-quả cụ-thể trong việc cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và cố Cố-Vấn Ngô Đình Nhu thương-thảo với Ông Hồ Chí Minh và phe cộng-sản Bắc Việt.

            Thấy chuyện có vẻ hấp-dẫn, tôi mời người ấy vào một nhà hàng để ngồi nói chuyện cho thoải-mái hơn.
           
            Người ấy yêu-cầu tôi giữ bí-mật tính-danh, địa-chỉ của mình. Tôi hứa.

            Mở đầu, người ấy nói là cuốn sách “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm” không phải hoàn-toàn do Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ viết, mà ổng chỉ thảo nguệch-ngoạc mấy đoạn hồi-ký, rồi có người khác sửa giùm, phỏng-vấn mà viết thêm vào, cũng như tự họ viết thêm.
            Tôi hỏi: “Làm sao ông biết?” 
             Người ấy trả lời:
            – Tôi là bạn thân (xưa cùng đơn-vị và cùng tổ-chức), hồi đó tôi ở gần ổng, thường đến thăm ổng, nên có nghe thấy việc này.  Nhưng họ đã viết lung-tung, thí-dụ:  đại-tá Trưởng Phòng II Quân-Đoàn II là Trịnh Tiếu mà họ viết là Trịnh Tiến; khi ổng nhắc chuyện có người nói là dân-chúng Miền Trung không thích bị đi Dinh Điền tận trên Cao Nguyên ─ là nói về chuyện Dinh Điền dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa ─ nhưng họ lại gài vào chuyện ổng làm Tỉnh-Trưởng Thừa-Thiên sau này, viết rằng sau này khi ổng ở Huế có rất nhiều người xin đi Dinh Điền mà không đi được.  Thật ra, thời-gian ổng làm Tỉnh-Trưởng ở Huế dưới thời Đệ-Nhị Cộng-Hòa, thì đâu còn có chương-trình Dinh Điền mà đòi xin đi! v.v...

            Tôi đã có đọc cuốn sách ấy rồi, và thấy không cần bình-luận gì thêm, mà chỉ nôn-nóng được nghe người ấy cho biết “kết-quả cụ-thể” của việc đàm-luận giữa họ Ngô và họ Hồ mà thôi. 
             Tôi nói:
            – Xin ông kể ngay về vụ liên-lạc giữa các lãnh-tụ hai Miền.
            Người ấy vẫn còn nói thêm:
            – Tôi muốn để ông biết rõ, là Đại-Tá Duệ trung-thành tuyệt-đối với Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, và cả dòng họ Ngô Đình; và tôi cũng thế.  Dù Đại-Tá Duệ trình-độ không cao*, nhưng tôi rất kính-phục ổng, là một mẫu người “trung-can nghĩa-khí”, đã được “Cụ Tổng”, “Ông Cố” và “Cậu Út” thương-yêu, thì quyết trọn đời tôn-thờ lãnh-tụ ân-nhân của mình, chứ không thay-đổi lập-trường như một số khác có trình-độ cao hơn ổng.  Và đó chính là nỗi khổ-tâm trọn đời của ổng, như tôi sắp kể tiếp theo.
          
-------
            *Sau đó, tôi tìm đọc lại bức thư của cố Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ viết gửi Ông Lê Văn Anh, mới thấy quả thật là Duệ “trình-độ không cao.”  Ai lại không nhớ ngày (tháng, năm) mình đến làm Tỉnh-Trưởng/Thị-Trưởng Thừa-Thiên/Huế, bao lâu, trong thư hồi-âm cho Ông Lê Văn Anh.  (Viết thư tức là có đủ thì-giờ tra-cứu, chứ đâu là phải trả lời điện-thoại tức-thì, mà bảo rằng mình chưa kịp nhớ ra, hay là nhớ sai?)

            Tôi đưa máy điện-thoại lên, định chụp hoặc nhờ kẻ khác chụp giùm một vài tấm ảnh, nhưng bị người ấy chối-từ.
            Tôi đành im-lặng ngồi chờ.  Người ấy xích tới gần tôi, nói chậm và rõ vào sát tai tôi.  Đại-ý như sau:

            – Trước cuộc chính-biến 1-11-1963, Đại-Tá (lúc ấy còn là Thiếu-Tá) Nguyễn Hữu Duệ sai tôi mang một mật-thư của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm ra Huế để kín-đáo trao tận tay cho Ông Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn.  Tôi đã ra Huế vào ngày 30-10-1963, nhưng vì lo-ngại đám người hầu việc tại nhà “Cậu Út” đã bị “Đức Cha” mua-chuộc, nên tôi nấn-ná chờ xem có ai là bạn cũ không; mãi đến chiều ngày 1-11-1963 thì biến-cố lớn xảy ra, thành-thử tôi chưa trao được mật-thư của “Cụ Tổng” cho “Cậu Út”.
             Sau đó, vào lại Sài-Gòn, chờ-đợi cho đến khi có dịp may thoáng gặp lại Thiếu-Tá Nguyễn Hữu Duệ trong tình-huống mới, tôi quá bức-xúc nên mất tự-chủ, đã gật gật đầu, xem như báo-cáo là đã hoàn-thành công-tác mà ổng giao cho, để ổng an-tâm chịu đựng hoàn-cảnh khó-khăn.  Lỡ rồi, từ đó cho đến ngày nay, tôi vẫn còn giữ mật-thư nói trên. . . .
            Tôi hỏi nhẹ-nhàng:
            – Nhưng ông là người thân-tín, vả lại tình-hình đã lắng yên rồi, mà Đại-Tá Duệ đã làm việc lại, đã thăng lên cấp đại-tá, đã được cử làm Tỉnh-Trưởng Thừa-Thiên, bây giờ đã qua Mỹ rồi, còn gì cấn-cái mà ông không nói thẳng ra cho Đại-Tá Duệ biết rõ Sự Thật?
            Người ấy lắc đầu:
            – Ông không là người trong cuộc, nên ông không hiểu rõ đâu. Tôi xin tóm-tắt như sau:

            “Sau khi chế-độ Đệ-Nhất Cộng-Hòa sụp đổ, hai phíakể công cũng như kết tộiđều nhắm vào hai nhân-vật Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, nhất là về vụ tiếp-xúc với phe bên kia.
            “Phía kết tội thì chê-bai là phản-bội Đồng-Minh, phản-bội Chính-Nghĩa Quốc-Gia, đem dâng Miền Nam cho Miền Bắc, chịu làm đàn-em dưới trướng của họ Hồ.
            “Phía kể công thì đề-cao tinh-thần tự-chủ, tái-lập hòa-bình, tạo nên cơ-hội cho Miền Nam ổn-định, giúp cho dân giàu nước mạnh, Việt-Nam Cộng-Hòa trường-tồn.
            “Chúng tôinhững người của chế-độ cũtất-nhiên là phía kể công.  Nhưng đại-đa-số thì chỉ kể công dựa trên lý-thuyết, dựa trên ước-muốn, dựa trên cảm-tính, chứ không đưa ra một kết-quả nào rõ-ràng. . . .”

            Tôi vội xen ngang:
            – Thế sao ông bảo là có kết-quả cụ-thể?
            Người ấy khoát tay:
            – Khoan đã, để tôi nói hết.  Rắc-rối là phía kể công lại chia ra làm hai bên.  Bên này thì chỉ đề-cập đến việc thương-thảo như một giả-thuyết, như một kế-hoạch tuyệt-vời, nhưng chưa thực-thi thì bị Hoa-Kỳ phá vỡ nên mất cơ-hội bằng vàng.  Bên kia thì cho là đã bắt đầu, có chỉ-dấu tốt, nhưng bị Đồng-Minh ngáng chân dở chừng nên mang uất-hận ngút trời. . . .
            – Phần Đại-Tá Duệ, và ông?
            – Ổng cũng như tôi, dù đứng về phía kể công; nhưng lại... khác bên.  Bên Đại-Tá Duệ thì là số đôngđúng ra là ổng đã chịu ảnh-hưởng của họHọ khẳng-định là không có “đi đêm,” rằng việc liên-lạc giữa “Cụ Tổng” & “Ông Cố” với “Cụ Hồ” chỉ do Ông Ngô Đình Nhu bịa ra để bỡn Hoa-Kỳ, đồng-thời “các Tướng” cũng phịa như thế để có lý-do mà “phản” Nhà Ngô.  Bên ấy mạnh miệng nhất, và mạnh thế nhất.  Họ đưa Đại-Tá Duệ đi khắp các Bang, qua Âu, qua Úc, tán-dương sách-lược Cách Mạng Nhân Vị, hoan-hô lập-trường chống Mỹ đổ quân, quyết-tâm bảo-vệ chủ-quyền Quốc-Gia, đề-cao tinh-thần yêu nước và khôi-phục danh-dự cho cố Tổng-Thống và cố Cố-Vấn họ Ngô cùng các cựu cộng-sự-viên...  Đại-Tá Duệ hăng say quá, nên tôi không thể nói gì chống lại ý ổng.
    – Còn về bên ông?
            – Bên tôi thì có một điểm đặc-biệt: ít người nhưng có uy-tín hơn mọi người khác.  Giáo-Sư Tôn Thất Thiện, Tiến-Sĩ Lâm Lễ Trinh, Đổng-Lý Quách Tòng Đức...  Họ đã xác-nhận là đã có tiếp-xúc giữa hai Miền, nhưng chưa thành-công, như mọi người đã biết.  Tuy nhiên, riêng tôi thì khác:  tôi có bằng-chứng là đã có kết-quả cụ-thể thành-công bước đầu. . . .
            – ???
            – Tôi đã tò-mò mở đọc mật-thư của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm gửi cho Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn.

    Người ấy kể cho tôi nghe nội-dung của bức thư ấy, mà tôi chỉ nhớ đại-ý như sau:

            Ngoài những tin-tức đã lọt ra ngoài, thật ra thì chính Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố-Vấn Ngô Đình Nhu đã có nhiều đường dây liên-lạc khác, bí-mật, trực-tiếp với Ông Hồ Chí Minh.  Không lẽ tự dưng mà vào đầu năm 1963 Ông Hồ gửi vào biếu TT Diệm một cành đàotất-nhiên là đã từng có trao-đổi, thông-cảm, thỏa-thuận những gì trước rồi, đến lúc chín muồi thì mới bày-tỏ cảm-tình công-khai.
            Cả hai, NgôHồ đã qua quá-trình dài ngày mặc-cả với nhau.
            Đồng-thuận trước nhất là không còn có binh-lính Hoa-Kỳ hiện-diện tại Miền Nam.
            Miền Bắc gặp nhiều khó-khăn: đối-ngoại thì Nga-Cộng muốn “sống chung hòa-bình” (hòa-hợp BắcNam, ai lo phần nấy, không còn chiến-tranh); Tàu-Cộng thì muốn chiến-tranh, quyết đòi thống-nhất (thôn-tính Miền Nam); đối-nội thì Hồ muốn theo ý Nga, trong lúc Lê Duẩn & Lê Đức Thọ thì muốn theo ý Tàu.  (Việc này là một trở-ngại chỉ mới xảy ra sau khi Ông Hồ đã gửi cành đào vào biếu Cụ Ngô.)
            Miền Nam cũng có khó-khăn: đối-ngoại thì bị Hoa-Kỳ đòi đưa quân vào, trong lúc Giáo-Hoàng Giôn XXIII ủng-hộ một nước Việt-Nam thống-nhất dưới quyền của Hồ Chí Minh; đối-nội thì Mặt Trận Giải Phóng ngày càng lớn lên, Phong-Trào Phật-Tử Tranh-Đấu rộng ra.  (Cả hai cũng đòi đuổi Mỹ như “ta”.)
            Đề-nghị mới nhất là:  Thống-Nhất Đất Nước, với Cụ Hồ Chí Minh là Chủ-Tịch, Cụ Ngô Đình Diệm là Phó Chủ-Tịch, Nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa.  Như thế thì: về đối-ngoại, Miền Bắc đáp-ứng được yêu-cầu của cả Liên-Xô lẫn Trung-Quốc, Miền Nam thoát khỏi áp-lực của Hoa-Kỳ; cả hai Miền thỏa-mãn được ý-đồ của Vatican cũng như ước-muốn của thế-giới qua Pháp, Ý, Ấn-Độ, Ba-Lan; về đối-nội, Miền Bắc hết đổ xương máu, noi gương Miền Nam mà tái-thiết và phát-triển; Miền Nam vừa xóa bỏ Mặt Trận Giải Phóng vừa dẹp tan Phong Trào Phật-Tử Tranh-Đấu.  (Trước đó, Cụ Ngô đòi làm Thủ-Tướng, hay ít nhất cũng là Bộ-Trưởng Bộ Nội-Vụ tức Bộ Công-An, như đã yêu-cầu từ hồi 1945-46, để có thực-quyền, và có thể dành vài ghế Phó Thủ-Tướng, hay Bộ-Trưởng, Thứ-Trưởng, hay Tổng-Cục-Trưởng, cho Cố-Vấn Ngô Đình Nhu và Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn; nhưng đến phút chót thì phe Duẩn+Thọ không chịu, nên Cụ Hồ khuyên Cụ Ngô nhận chức Phó Chủ-Tịch Nước để có vai-vế tương-đương mà cũng có thể có vài Trợ-Lý cho Phủ Phó Chủ-Tịch Nước.  Cụ Hồ hy-vọng là có Cụ Ngô và Ông Nhu bên cạnh thì sẽ vượt được thế-lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.)
            Kết-luận là cả Tổng-Thống Ngô Đình Diệm lẫn Cố-Vấn Ngô Đình Nhu đều cần ý-kiến thuận của Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn, trước khi chính-thức thỏa-hiệp với Chủ-Tịch Hồ Chí Minh, dự-trù sẽ cùng thình-lình công-bố một lần, để đặt cả thế-giới trước một “sự đã rồi”, trong năm 1964 (sẽ thảo-luận thêm, là vào ngày 7-7 hoặc 26-10 theo đề-nghị của Cụ Ngô, hay là vào ngày 19-5 hoặc 2-9 theo đề-nghị của Cụ Hồ). . .

            Tôi hỏi người ấy sao không phổ-biến tin này sớm hơn.  Người ấy trả lời:
            – Mật-thư chưa đến được tay “Cậu Cẩn” thì cả chế-độ đã tiêu-tan rồi.  Sau đó, tôi phải giấu kín, vì sợ nếu Đại-Tá Duệ mà biết là tôitức là chính ổngđã không làm tròn sứ-mạng của Ngô Tổng-Thống tín-cẩn giao cho, thì ổng sẽ hối-hận khủng-khiếp và căm-thù tôi ghê-gớm, không lợi-ích gì cho cả hai...

            Tôi hỏi một câu cuối cùng:
            – Tại sao hôm nay ông lại muốn tôi công-bố chuyện này?
            – Vì Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ đã chết.  Tôi định đợi đến 2-11-2013, kỷ-niệm ngày giỗ lần thứ 50 của “Cụ Tổng” Ngô Đình Diệm và “Ông Cố” Ngô Đình Nhu thì sẽ tung ra.  Đây là kết-quả cụ-thể của cuộc mật-đàm 2 bên, nếu không bị vụ binh-biến 1-11-1963 phá hỏng thì hẳn nước ta đã là một Quốc-Gia thống-nhất, thanh-bình, thịnh-vượng, hùng-cường, nhờ ơn của nhị vị vĩ-nhân, Khai-Sáng Nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa và La-Sơn Phu-Tử Tái-Thế của Việt-Nam.  Tôi sợ qua năm 2012 thì có “tận-thế” theo lịch của người Maya, không còn cơ-hội nào nữa; đồng-thời, tôi muốn thách ông, là người chống lại sáng-kiến và nỗ-lực của Nhà Ngô dàn-xếp nội-bộ giữa 2 Miền Nam+Bắc, xem ông có dám phổ-biến bằng-chứng thành-công này (dù chưa viên-mãn) đến với quảng-đại độc-giả gần+xa?

            Lời kết: “Người ấy” tuyệt đối cấm tôi tiết lộ tên và địa-chỉ trong khi còn sống, vì đây là “bí mật thâm cung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét