Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Khảo tiếng Hán Việt - Phạm Văn Bân

Lời nói đầu - Bài viết này nhằm trình bày các vấn đề thực tế của tiếng Hán Việt trong ngôn tự Việt Nam trên quan điểm thực dụng đại chúng; bỏ qua các liên quan lịch sử cũng như lý luận ngôn ngữ học khó cảm nhận được Với một đề tài rộng lớn và khó khăn như vậy thì bắt buộc phải xảy ra sai sót! Kính mong quý vị rộng lòng tha thứ và bổ túc hoặc sửa sai cho các sai sót, nếu có. Tôi xin thành thật cám ơn trước.
1)Tổng quát: Khi mới thấy cục xà bông lần đầu tiên từ Pháp du nhập vào, người Việt Nam không có tiếng để gọi; vì vậy đọc tiếng Pháp "savon" theo giọng Việt Nam là xà bông. Tiếng xà bông được gọi là tiếng Pháp Việt. Với thời gian sử dụng lâu dài, chữ xà bông tự nhiên hóa thành tiếng Việt, gọi là tiếng Việt có gốc Pháp. Tương tự như vậy, khi ngôn tự Việt Nam mượn tiếng của Mán, Mèo, Tày Đen, Tày Trắng, Tày<!>
Đỏ, Thổ, Nùng, Lào, Chiêm Thành, Chân Lạp, Anh, Cambodge, v.v... thì gọi là tiếng Mán Việt, Mèo Việt, Tày Đen Việt, v.v...
Trong lãnh vực ngôn tự, không có vấn đề"tự ái dân tộc", cũng không có chuyện "tiếng nước tôi giàu có, vẻ vang, hay hơn hẳn tiếng nước anh" mà chỉ là một phương tiện để thông đạt với nhau mà thôị Lịch sử tiếng Việt Nam cũng na ná như của các nước khắp nơi trên thế giới: không có chữ thì cứ tự nhiên mượn mà xài, đơn giản vậy thôị Chính vì thế mà khi xét lịch sử ngôn ngữ, người ta kết luận rằng không có thứ tiếng nào được gọi là thuần cả. Trải qua khoảng 8,000 năm, tất cả các tiếng nói đều pha trộn và vay mượn lẫn nhaụ Rồi với thời gian, tất cả đều phát triển, trở nên phong phú và tiến bộ hơn.
Muốn hay không muốn thì đó vẫn là sự thật. Xin các người Việt Nam "bảo hoàng hơn vua" không nên nóng giận khi tôi viết: tiếng Việt chỉ là một thứ tiếng nói bình thường như mọi thứ tiếng nói trên thế giới, không nghèo nàn mà cũng không giàu có, không có gì vẻ vang mà cũng không có gì nhục nhã, không có gì siêu việt mà chỉ có các đặc điểm riêng như bất cứ thứ tiếng nào khác. Tiếng Việt chỉ là một phương tiện để người Việt thông đạt với nhau; hãy bỏ qua các mánh khóe tuyên truyền, kích động tâm lý không đúng đắn. Nếu có khách quan thì mới biết chỗ hay, chỗ dở của mình mà sửa đổi cho ngày càng khá lên; còn như cứ tự cho tiếng nước mình là "giàu đẹp, phong phú, vẻ vang" hơn tiếng nước khác thì giống y như việc so sánh chó nước tôi khôn hơn chó nước anh, răng bò nước tôi trắng hơn răng bò nước anh; trong khi thực tế khách quan thì cứ hễ là chó thì chó ở nước nào cũng khôn như nhau, cũng biết trung thành với chủ và bò nước nào thì răng cũng trắng cả !
Thiết nghĩ việc tán dương tiếng Việt quá đáng là cố tình nói sai sự thật, võ đoán và sẽ không thuyết phục được ai cả, nhất là đám con cháu có cơ may học được tinh thần phân tích khoa học của Âu Tây.
Ngoại trừ các tiếng sử dụng trong đời sống hàng ngày như: ăn, ngủ, đi, chạy, cái bàn, cái ghế, cái nhà, con mèo, con chuột, con chó, cục đường, cục đá, cục gạch, cây me, cây ổi, cây trứng cá, v.v... thì tiếng Việt Nam phải mượn rất nhiều từ các tiếng nói khác, đặc biệt là tiếng Mường. Thuở ban đầu lịch sử, có giả thuyết cho rằng giống người Mường chính là giống dân nguyên thủy của người Việt bây giờ.
Trong cuốn "Chánh tả tiếng Việt", giáo sư Lê Ngọc Trụ viết:

"Gốc tích dân tộc và văn hóa ở tại Bắc Việt. Có lẽ thời thượng cổ, tổ tiên ta đã cư trú những vùng triền núi, từ sông Đà (Hắc Giang) tới Quảng Bình, gần gũi với dân Mường; dấu vết còn lại là tiếng nói những vùng nầy cũng cứng và có chỗ tương tợ tiếng Mường. Thí dụ:

Mường: ka, kảy, kốk, kảw
Hà Tĩnh: ga, gái, kộk, gạw
Hà Nội: gà, gái, gốc, gạo.

Dân Mường, dân miền núi, cứ rút lần rải rác vô dãy núi Hoành Sơn. Họ không bị ảnh hưởng văn hóa của nước ngoài, nhất là của hai đại cường quốc Tàu và Ấn nên còn giữ những cổ tục. Tiếng nói của họ cũng không biến đổi nhiềụ Nhờ vậy, so sánh hai thứ tiếng mới thấy tiếng Việt và tiếng Mường có lẽ do một gốc mà ra.
Dân Việt hay dời dân lập nghiệp, lần xuống đồng bằng, kiếm chỗ đất đai phì nhiêu dễ sanh sống hơn; đó là đồng bằng sông Hồng Hà. (Lúc cổ thời không tiến vào Nam, xứ Lâm Ấp của người Chàm vì lẽ núi non cản trở, đất đai chật hẹp khó sanh sống.) Tiếng nói, nhờ nước sông Hồng Hà cũng "thanh dịu" dần."
Có lẽ tiếng Mường là gốc của tiếng Việt nhưng sau hơn 2,000 năm lịch sử thì tiếng Việt ngày nay đã rời xa cái gốc về giọng nói cũng như số lượng từ ngữ tất nhiên phải nhiều hơn gấp bội lần do kết nạp thêm tiếng Hán ở phía Bắc và tiếng Mã Lai (cá, đã, sẽ, đang), Môn Khmer (đốt, cháy, mặn, chát, chua), Thái Lan, Chân Lạp, Chiêm Thành ở phía Nam.
Xét về tỷ lệ mượn chữ thì việc mượn tiếng Hán đặc biệt nhiều khủng khiếp! Nhiều đến nỗi hễ cứ nói hoặc viết thì người Việt Nam, dù có ý thức hay không có ý thức, đều sử dụng rất nhiều tiếng Hán, được đọc theo khẩu âm của người Việt, gọi là tiếng Hán Việt.
Tiếng Hán Việt đã có trong tiếng Việt Nam ngay từ thuở ban đầu có chủng tộc Việt Nam (trước thế kỷ I), sau đó là thời gian bị Trung quốc đô hộ khoảng 1,000 năm. Trong thời gian này, chữ viết cho cả nước là chữ Hán. Đến thời kỳ độc lập, khoảng 1,000 năm (trừ khoảng 20 năm bị nhà Minh đô hộ vào đầu thế kỷ XV và 100 năm bị Pháp chiếm làm thuộc địa), thì chữ viết vẫn là chữ Hán. Người Việt Nam dùng chữ Hán trong mọi lãnh vực dùng đến chữ: công văn, khoa học, lịch sử, giáo dục, văn chương, v.v... Chỉ mới gần đây (khoảng 100 năm) thì mới có lối chữ abc xuất hiện do công sức của các giáo sĩ truyền đạo Thiên chúa từ nhiều nước đến Việt Nam như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Pháp, v.v...

Trải qua suốt một thời gian khoảng 2,000 năm sử dụng chữ Hán liên tục như vậy thì lẽ tất nhiên ảnh hưởng to lớn của chữ Hán là một sự kiện lịch sử khách quan trong tiếng nói và chữ viết Việt Nam.
Tiếng Việt Nam là thứ tiếng tổng hợp rất nhiều thứ tiếng, trong đó tiếng Hán Việt ước tính chiếm hơn 70%. Vì tiếng Hán Việt nhiều quá, sử dụng lâu quá, phổ thông quá và giọng đọc khác hẳn giọng Trung quốc cho nên có thể nói rằng đa số tiếng Hán Việt đã được Việt hóa rồi; hay nói cách khác, đa số tiếng Hán Việt trong ngôn tự Việt Nam là tiếng Việt có gốc là tiếng Hán.

2)Đặc điểm của tiếng Hán Việt:

Một câu hỏi tất nhiên phải đặt ra là làm sao phân biệt được tiếng Hán Việt và tiếng Việt, đặc biệt đối với những người không học chữ Hán hoặc chỉ có trình độ Trung Học Việt Ngữ, hoặc những người Việt quen dùng ngoại ngữ, lâu dần trình độ hiểu biết tiếng Việt có thể trở nên kém cỏị Có vài cách như sau:
Cách làm biếng là phàm khi gặp chữ Việt nào mà không hiểu nghĩa một cách rõ ràng hoặc không chắc viết đúng chánh tả hoặc ít nghe thấy thì hầu chắc chữ đó là chữ Hán Việt. Thí dụ: A Phú Hãn (Afghanistan), việt dã (chạy đua việt dã), thị phi (chuyện thị phi ở đời), công xúc tu sỉ, bị vong lục, tối hậu thư, hàn thử biểu, địa chấn ký, ký âm pháp, trắc địa học, nhân sinh quan, vũ trụ quan, đàn việt, tiềm thủy đỉnh, nạn nhân mãn, thẩm mỹ, quốc sắc thiên hương, thục nữ yểu điệu , ngũ cốc, phiếm diện, cảnh sát, bảo tàng viện, hàn lâm viện, bộ nội vụ, bộ quốc phòng, bộ ngoại giao, khủng bố, đức mô khắc lạp tây (democracy), yên tư phi lý thuần (inspiration), Tòa Bạch Ốc, Nữu Ước, Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn, Tây Nhã Đồ, La Tỉnh (Los Angeles), Thánh Hà Tây (San Jose), Chi Gia Kha (Chicago), Gia Nã Đại (Canada), Vọng Các (Bangkok), Mạnh Mãi (Bombay), Đức Lợi (Delhi), Cổ Ba (Cuba), Nã Phá Luân (Napoléon), Lư Thoa Rousseau), Cam Địa (Gandhi), Bối Đa Phần (Beethoven), A Lý Sĩ Đa Đức (Aristote), Phú Lãng Sa (France), Ý Đại Lợi (Italie), A Mỹ Lợi Gia (Amérique), Âu La Ba (Europe), Á Tế Á (Asie), v.v...
Cách ít làm biếng là ngẫm nghĩ nghĩa và cách dùng của chữ. Nếu một chữ nào đó đứng một mình, có nghĩa nào đó nhưng không tạo thành từ ngữ được thì chữ đó là chữ Hán Việt. Thí dụ:

+++thiên: trờị Người Việt nói: "tôi nhìn trời", không nói "tôi nhìn thiên." Tuy nhiên, khi dùng với chữ cặp đôi, hoặc đồng nghĩa hoặc phản nghĩa, thì có thể nói : "của thiên trả địa". Từ ngữ: thiên tài, thiên tai, thiên tạo, thiên bẩm, thiên cơ, thiên hạ, thiên văn, thiên tính, thiên nhiên, thiên lương, thiên lôi, thiên hình vạn trạng, thiên niên kỷ.

+++địa: đất. Người Việt nói: "đất này mới được bón phân", không nói "địa này mới được bón phân". Từ ngữ: địa cầu, địa dự địa lý, địa bàn, địa điểm, địa đồ, địa hình, địa vâ,t, địa thế, địa chấn ký, địa chất học, địa chỉ, địa hạt, địa lôi, địa phương, địa mạch, địa từ.

+++nhân: ngườị Người Việt nói: "dạy con lòng thương người", không nói "dạy con lòng thương nhân". Từ ngữ: nhân đạo, nhân tài, nhân khẩu, nhân lực, nhân tâm, nhân tình thế thái, nhân sự, nhân loại, nhân bản, nhân ái, nhân chủng học, nhân chứng, nhân cách, nhân duyên, nhân đức, nhân phẩm, nhân quyền, nhân sinh quan, nhân tính, nhân hậu, nhân mãn, nhân nghĩa, nhân viên, thương nhân, công nhân, văn nhân.

Cách "khó" nhất là học ... tiếng Hán, nhờ đó mà tự khắc phân biệt được tiếng Hán Việt và tiếng Việt thuần túỵ Dưới đây là một số đặc điểm của tiếng Hán Việt trong ngôn tự Việt Nam.

a)Về âm vận:

Xét về tiếng nói thì có hai loại: loại thứ nhất là tiếng biến âm, biến nghĩa (tonal languages), nghĩa là sự lên giọng hay xuống giọng làm thay đổi nghĩa của tiếng (như tiếng của các nước châu Phi, Nam châu Á, thổ dân Mexico, v.v...) Loại thứ hai là tiếng bất biến âm, bất biến nghĩa (nontonal languages), nghĩa là sự lên giọng hay xuống giọng không làm thay đổi nghĩa của tiếng (như Nhật Bản, Úc Á, Anh, Pháp, châu Âu). Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng trong loại tiếng "biến âm, biến nghĩa" là phát âm và hiểu đúng nghĩạ
Tiếng Hán và tiếng Việt là loại tiếng biến âm, biến nghĩa, có nhiều dấu giọng nên ngoài cách phát âm đúng, dùng đúng nghĩa chữ còn phải chú trọng đến vấn đề chánh tả. Lấy thí dụ phát âm tiếng tinh phải khác với tin, và khi bỏ dấu vào thì nghĩa chữ tinh khác nghĩa các chữ tình, tính, tỉnh, tĩnh và tịnh (tin cậy, tin vui và tinh anh, tinh binh, tinh đời, tinh ranh, tinh chế, tinh khiết, tinh thể, tình ái, tình cảm, tình cờ, tình duyên, tình hình, tình nghi, tình nghĩa, nóng tính, bản tính, tính chất, tính đố, tính khí, tính mạng, tính nết, tính sổ, tính từ, tỉnh điền, tỉnh dụng, tỉnh bơ, tỉnh lẻ, tỉnh giấc, tỉnh khô, tỉnh ngộ, tỉnh táo, tỉnh trưởng, thanh tĩnh, tĩnh dưỡng, tĩnh từ, tĩnh vật, tĩnh trí, tĩnh tọa, tĩnh mịch, tĩnh tâm, tịnh tiến, tịnh độ, thanh tịnh.)
Gần đây, khi viết thơ trên lưới điện toán, một số người Việt hoặc do không có xóp que tiếng Việt, hoặc do lười biếng đánh các ký hiệu dấu VIQR, hoặc muốn che dấu lỗi chánh tả nên viết không có dấụ Tất nhiên người đọc có thể đoán nghĩa căn cứ vào nội dung bài viết nhưng nghĩ cho đến cùng thì bắt buộc phải bỏ dấu bởi cái cốt cấu trúc của tiếng Việt là dấu giọng. Không có dấu giọng thì không còn là tiếng Việt nữa.
Khác với loại tiếng đa vận (polysyllabic, nhiều âm tạo ra một nghĩa), tiếng Hán là loại tiếng độc vận (monosyllabic, một âm có một nghĩa) và chữ viết là loại chữ biểu ý, biểu nghĩa (không thể ráp vần abc mà đọc được) Chính do hai đặc điểm vừa nêu mà tiếng Hán có quá nhiều tiếng phát âm giống y như nhau nhưng nghĩa và cách viết lại khác nhau (gọi là tiếng đồng âm, dị nghĩa, dị hình.) Ngay cả chữ viết cùng một hình đồ giống nhau nhưng có chữ lại bao gồm nhiều nghĩa khác nhaụ Thí dụ: xét chữ tu sỉ trong câu "Nếu cởi truồng đi ra phố là phạm tội công xúc tu sỉ." Trước hết, nếu biết công xúc tu sỉ là tiếng Hán Việt thì sẽ giúp viết đúng chánh tả, không viết cong súc hoặc cong sút tu sĩ. Xét về nghĩa:

+Âm Tu có sáu kiểu chữ chính, viết như sau:
1)tu: 8 nét, bộ Nhân (người): sửa (tu thân)
2)tu: 11 nét, bộ "Nữ" (đàn bà): chị (cổ ngữ)
3)tu: 5 nét, bộ "Dương (con dê): có hai nghĩa:
a)thức ăn ngon (trân tu)
b)mắc cỡ, thẹn thùng (hàm tu: có nét thẹn thùng)
4)tu: 7 nét, bộ "Nhục" (thịt): nem
5)tu: 2 nét, bộ "Hiệt" (đầu): cần gấp (cấp tu, thiết tu)
6)tu: 12 nét, bộ "Tiêu" (tóc dài): râu tủa rạ Từ ngữ: liên tu: tua bông sen. Thành ngữ: Liên tu bất tận: túa ra, tiếp diễn không ngừng.

+Âm Sỉ có sáu kiểu chữ chính, viết như sau:
1)sỉ: 6 nét, bộ "Khẩu" (cái miệng): há miệng rạ
2)sỉ: 6 nét, bộ "Tâm" (tim, lòng): lấy làm nhục (sỉ nhục), xấu hổ.
3)sỉ: 19 nét, bộ "Mịch" (sợi tơ nhỏ): cái lưới bịt tóc.
4)sỉ: 10 nét, bộ "Y" (áo): cởi áo ra, cách chức (sỉ khí, sỉ chức)
5)sỉ: 11 nét, bộ "Túc" (chân): dép làm bằng cỏ .
6)sỉ: 19 nét, bộ "Túc" (chân): giày dép làm bằng cỏ. Từ ngữ: sỉ lý tương nghênh: múa giày ra đón (khách).
Trong thực tế, khi nói câu thí dụ nêu trên, người Trung quốc căn cứ vào nội dung (context) của vấn đề đang đề cập để xác định nghĩa của âm. Còn nếu viết xuống thì vì các chữ đều biểu nghĩa (và dị hình) nên nhìn vào là biết nghĩa ngay, không sao lẫn lộn được.
Tiếng Việt Nam cũng là loại tiếng độc vận nhưng ngày nay người Việt Nam không viết chữ Hán nữa mà lại viết theo kiểu chữ biểu âm, ráp vần abc lại để phản ảnh giọng nói, hay nói cách khác là nói sao viết vậỵ Khổ nỗi là tiếng đồng âm nhưng khác nghĩa trong tiếng Việt cũng nhiều không kém tiếng Hán. Nay dùng hệ thống biểu âm cho nên người Việt sẽ vô cùng khó khăn, chỉ có thể căn cứ vào nội dung để đoán mò mà thôi - đôi khi đoán được, đôi khi đành chịu thua, không cách nào để xác định nghĩa của các chữ Hán Việt đồng âm được!
Trong thí dụ "Nếu cởi truồng đi ra phố là phạm tội công xúc tu sỉ" có người đoán lờ mờ là "xúc phạm các vị tu sĩ (người tu hành)". Rồi làm sao để đoán nghĩa chữ công? Trong đầu người Việt có các chữ: công sức, công việc, công dụng, công lao, công hiệu, công suất, chiến công, thành công, uổng công, công kích, tấn công, phản công, công đoàn, thủ công, đấng hóa công, bãi công, công đức, công trình, công nhân, công cộng, công dân, công quyền, công hàm, công chức, công chúa, công lý, bất công, công hữu, công ích, công khai, công quỹ, công phẫn. Nếu biết tiếng Hán thì sẽ biết chữ công có bốn nghĩa chính, viết thành bốn chữ khác nhau:
+công: chung (công cộng, công dân, công chúng)
+công: kết quả của một hành động nào đó (công dụng, công lao, công hiệu)
+công: đánh (công kích, tấn công, phản công)
+công: thợ, lao động (công đoàn, thủ công)
Nghĩa đúng của câu: "Nếu cởi truồng đi ra phố là phạm tội công xúc tu sỉ" là "lấy làm nhục nhã, xấu hổ, mắc cỡ, thẹn thùng khi xúc phạm đến công chúng". Một thí dụ khác về khổ nạn đồng âm: "nam nữ thụ thụ bất thân" Người không học chữ Hán, đọc câu này thì không cách nào hiểu được sự khác biệt giữa hai chữ "thụ thụ". Muốn hiểu, phải đi về cái gốc chữ Hán. Một chữ "thụ" có nghĩa là "chịu nhận lấy (thụ mệnh, thu nhận), thuộc bộ "Hựu" và chữ "thụ" kia có nghĩa là "cho, trao cho (truyền thụ), thuộc bộ "Thủ", nghĩa của câu này là: người nam và người nữ không đ ược sờ mó, đụng chạm, gần gũi, thân mật khi trao đổi vật gì đó với nhaụ

b)Về nghĩa:
Khi dùng tiếng Hán Việt thì phải lưu ý hai vấn đề thường xảy ra: trật tự văn phạm và nghĩa của các tiếng cùng âm mà khác nghĩa, khác cách viết.
Một số tiếng Hán Việt vẫn còn giữ âm Hán, khi nói ra thì âm nghe rất giống và khi sử dụng thì vẫn giữ nguyên cấu trúc văn phạm của chữ Hán. Thí dụ: mại (bán), mãi (mua), niên (niên lịch), động (động từ), đông (mùa Đông), lão (ông lão), cảng (hải cảng), thủy (thủy thủ), ánh (ánh tà dương), không (không khí), đậu (đậu xanh), như (giống như), thân (thân cây), nhung (nhung lụa), thích (vui thích), phấn (bụi phấn), xứ (xứ sở), sự (sự việc), diễn giảng, báo chí, tự điển, mục lục, họa sĩ, bưu chính, bưu điện, tính tình, tính mệnh, tính khí, tình dục, tình trạng, chỉnh đốn, chỉnh lý, chỉnh tề, chỉnh toàn, chính đại, chính đáng, chính quả, chính giáo, v.v....
Một số tiếng Hán Việt không còn giữ âm Hán, khi nói ra thì âm nghe khác hẳn và khi sử dụng thì tuân theo cấu trúc văn phạm của chữ Việt, gọi là tiếng Việt có gốc Hán. Cần lưu ý rằng vào thời xa xưa, tiếng Hán đã bị đọc trại theo khẩu âm của người Việt thời đấỵ Rồi với thời gian trôi qua, cả giọng đọc của người Trung quốc và Việt Nam đều thay đổi, cho tới nay thì một số tiếng Hán Việt hoàn toàn khác hẳn về âm, không còn hơi hướm đọc trại nữạ Thí dụ: nhịn (nhường nhịn) do chữ Hán "nhẫn", gần (xa gần) do chữ Hán "cận", cứng (cứng ngắt) do chữ Hán "cang/cương", chia (phân chia) do chữ Hán "chi", giết (giết bò) do chữ Hán "sát", thiêng liêng do chữ Hán "linh", đàn (đàn bò) do chữ Hán "đoàn", cuốn (cuốn sách) do chữ Hán "quyển", thơ (thơ ca) do chữ Hán "thi".
Chữ Hán đã có trước khi có giấy và máy in (hơn 2,000 năm nay) cho nên việc ghi chép một chữ rất khó khăn; rồi từ cái khó này mà có khuynh hướng giản tự hoặc nuốt chữ (tỉnh lược, ẩn dụng và khuyết dụng) Xin đơn cử một thí dụ về trật tự văn phạm thường gặp như sau:

Thay vì:
nhân chi tâm (lòng của người) thì ẩn chữ "chi", nói: nhân tâm (lòng người)
nhân chi khẩu (miệng của người) thì nói: nhân khẩu (miệng người)
nhân chi lực (sức của người) thì nói: nhân lực (sức người)
nhân chi tài (tài của người) thì nói: nhân tài (tài người)
thiên hạ chi nhân (người ở dưới khắp bầu trời ) thì nói: thiên hạ (thế giới loài người)
thục nữ chi yểu điệu: sự yểu điệu của thục nữ.
Không nói "tâm nhân, khẩu nhân, lực nhân, tài nhân, hạ thiên, v.v..." Trong thực tế, nếu đảo ngược trật tự văn phạm trên đây của chữ Hán Việt để nói theo trật tự văn phạm Việt Nam thì có ba vấn đề xảy ra:

+Chữ Hán Việt trở nên vô nghĩa hoặc tối nghĩa:
Không được đảo trật tự của các chữ: tương quan, quan trọng, cơ quan, cơ thể, thời cơ, hiếu danh, hiếu sắc, thị hiếu, hý kịch, hý trường, phương diện, phương pháp, phương trình, cảnh sát, Nho giáo, nho sĩ, hải cảng, hải quân, hải phận, hành khách, du khách, khách sáo, nhan sắc, nhan đề, thanh lâu, cao lâu, đa cảm, đa đoan, đa nghi, đa tạ, ưng thuận, nhàn nhã, thiếu phụ, sản phụ, quả phụ, sơn cước, sơn dân, độ lượng, chế độ, báo cáo, cáo phó, nguyên cáo, bị cáo, cáo trạng, quảng cáo, duy vật, duy tâm, yếm thế, yếm nhân, thương hàn, tử thương, ngoại thương, nội thương, bản chất, bản doanh, nhiệm vụ, đảm nhiệm, quyền lực, quyền hạn, quân dịch, phục dịch, tai hại, quan niệm, chánh phạm, tòng phạm, tương đối, tuyệt đối, toàn quyền, tư bản, vong bản, bản ngã, lợi dụng, cố chấp, cố thủ, v.v...

+Chữ Hán Việt sinh ra nghĩa khác:
Đảo chữ bộ hạ thành hạ bộ. Tương tự như vậy, xin tự đảo các chữ dể thấy nghĩa đổi: quả nhân, phạm tội, phân hóa, ai cảm, tận lực, khách quan, hiếu sự, vi phạm, thực hiện, chiến tranh, sĩ tử, công lao, tước chức, thủ hạ, đầu hàng, v.v...

+Chữ Hán Việt vẫn giữ nghĩa:
Đảo trật tự các chữ Hán Việt sau đây thì thành trật tự văn phạm Việt Nam nhưng không đổi nghĩa: Đông phương, Tây phương, sắc tướng, thương tổn, thương cảm, quyền uy, bản nguyên, lợi ích, lợi hại, lợi danh, ân ái, ân oán, thù hận, oán thù, phá hủy, cầu nguyện, ước nguyện, hoang phí, hư thực, cổ tích, nam tính, nữ tính, đấu tranh, trang nghiêm, phần mộ, phản bội, tạ từ, xưng hô, luận đàm, lạc lưu, luật pháp, liên kết, kết cấu, kết giao, biến cải, tranh đoạt, trang điểm, ưu điểm, nhược điểm, thần thánh, xuất phát, hoảng hốt, hao tổn, bệnh tật, gia tăng, tăng giá, mưu kế, độc kế, ác độc, tàn bạo, lão ông, tiên ông, từ biệt, giao phó, tra khảo, vinh hiển, vinh quang, sung bổ, thánh kinh, ái tình, v.v...

c)Luật hỏi ngã:
Giọng phát ra ngang bằng, cao hay thấp, khứ hay nhập quyết định đánh dấu hỏi hay ngã. Quy ước về dấu hỏi, ngã rất tinh vi, tùy theo giọng đọc mà có luật hẳn hoị Đây vừa là cái khó, vừa là cái hay của chánh tả tiếng Việt.
Trong tiếng Hán Việt thì luật hỏi ngã phải theo luật tứ thanh do Thẩm Ước là nhà văn nổi tiếng thời nhà Lương, (Tề 479-501, Lương 502-556, Trần 557-587) đề rạ Vũ Đế nhà Lương hỏi Thẩm Ước rằng: "Thế nào là tứ thanh: bình, thượng, khứ, nhập?" Đáp: "Xin đọc theo giọng của bốn chữ thiên, tử, thánh, triệt."
Nghĩa là: những chữ đọc giống âm thiên thì gọi là bình thanh, những chữ đọc giống âm tử thì gọi là thượng thanh, những chữ đọc giống âm thánh thì gọi là khứ thanh, những chữ đọc giống âm triệt thì gọi là nhập thanh.
Trong cuốn Văn Pháp Chữ Hán (cổ Hán văn) của Phạm Tất Đắc, trang 1085, viết:
"Ý nghĩa của tứ thanh được giải thích bằng bốn câu thơ về thời Đường:
Bình thanh thương cảm mà yên ổn,
Thượng thanh cao giọng như nâng lên,
Khứ thanh trong trẻo mà vẳng xa,
Nhập thanh ngắn tiếng mà thúc bách
(Bình thanh ai nhi an,
Thượng thanh cao nhi cử,
Khứ thanh thanh nhi viễn,
Nhập thanh đoản nhi xúc).
Về thời Minh, tăng sĩ Chân Không đặt ra bốn câu ca để hình dung tứ thanh:
Bình thanh đường phẳng chẳng gập ghềnh,
Thượng thanh hô cao sức kiện cường,
Khứ thanh rõ ràng thương cảm đường xa,
Nhập thanh ngắn, thôi thúc, gấp thâu tàng.
(Bình thanh bình đạo mạc đê ngang,
Thượng thanh cao hô mãnh lực cường,
Khứ thanh phân minh ai viễn đạo,
Nhập thanh đoản xúc cấp thâu tàng)."

Mỗi thanh lại chia ra hai bậc: bổng và trầm mà thành ra tám cung bậc. Bậc bổng gồm những dấu: bình (không dấu), thượng (dấu hỏi), khứ (dấu sắc), nhập (dấu sắc đi với các chữ có chữ c, ch, p, t ở cuốị) Bậc trầm gồm những dấu: bình (dấu huyền), thượng (dấu ngã, nặng), khứ (dấu ngã, nặng), và nhập (dấu nặng đi với các chữ có chữ c, ch, p, t ở cuối).

Nói tổng quát, luật hỏi ngã cho cả hai tiếng Hán Việt và Việt là: thanh có gốc chữ là dấu hỏi, sắc hoặc không dấu thì đánh dấu hỏi và thanh có gốc chữ là dấu huyền, nặng, ngã thì đánh dấu ngã. Nếu không biết cách phân tích gốc chữ (tự nguyên) thì chỉ còn cách là học thuộc lòng hoặc học mẹo mà thôi!

Thay vì phân tích về luật hỏi ngã khá rắc rối, khó áp dụng được trong thực tế thì giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có giới thiệu một mẹo rất hay; đó là "mình nên nhớ viết là dấu ngã". Nghĩa là nếu gặp một chữ Hán Việt bắt đầu bằng một trong những âm đầu của những chữ trong câu trên thì cứ mạnh tay bỏ dấu ngã. Một ngoại lệ duy nhất: chữ ngải trong ngải cứu (tên một cây thuốc).
Thí dụ:
+M (mình): mỹ mãn, mẫn cảm, mãnh hổ, mẫu số, mãng xà, miễn dịch, mã lực, giờ mão, kiểu mẫu, mãn khóạ
+N (nên): truy nã, trí não, nam nữ, nỗ lực.
+NH (nhớ): nhũng nhiễu, nhã nhặn, nhẫn nại, nhuyễn thể, nhiễm độc, nhãn hiệu, thổ nhưỡng.
+V (viết): vũ lực, vãng lai, vãn cảnh, vĩnh viễn, hùng vĩ, vĩ tuyến
+L (là): phụ lão, nguyệt liễm, kết liễu, lữ khách, lễ độ, thành lũy, lãnh đạm, lẫm liệt
+D (dấu): dã man, dũng cảm, dung dưỡng, dĩ nhiên, diễm lệ, diễn viên
+NG (ngã): ngôn ngữ, tín ngưỡng, ngưỡng mộ, nghĩa cử, nghiễm nhiên, hàng ngũ, ngũ sắc, vị ngã, Nguyễn Dụ
Còn tất cả tiếng Hán Việt không bắt đầu bằng các âm M, N, NH, V, L, D, và NG thì cứ bỏ dấu hỏị Tuy nhiên, cần lưu ý khoảng 20 chữ dưới đây không tuân theo luật vừa nêu:
kỹ (kỹ thuật, kỹ xảo, kỹ nữ), bãi (bãi chức, bãi khóa), bĩ (bĩ cực, vận bĩ), hữu (bằng hữu, hữu ích, hữu khuynh), phẫu (giải phẫu), cữu (linh cữu), tiễn (tiễn biệt, tống tiễn, hỏa tiễn), tiễu (tiễu trừ, tiễu phỉ), trẫm (tiếng vua xưng), trĩ (ấu trĩ, chim trĩ), trữ (tích trữ), huyễn (huyễn hoặc), hỗ (hỗ trợ), hỗn (hỗn loạn, hỗn hợp), hãm (giam hãm, hãm hại), đãng (phóng đãng, quang đãng), quẫn (khốn quẫn, quẫn bách), xã (xã hội), hoãn (trì hoãn), quỹ (thủ quỹ, quỹ tích), suyễn (bệnh suyễn), cưỡng (cưỡng ép), tuẫn (tuẫn nạn), đễ (hiếu đễ), sĩ (kẻ sĩ).

Đọc thêm:

Khi sáng tạo ra hệ thống chữ viết abc, các vị cố đạo không dùng lối viết "biểu ý" của chữ Hán (symbolic system) mà lại dùng hệ thống ký hiệu để "biểu âm", nghĩa là "nghe nói ra sao thì ký âm như vậy" (phonetic system), lấy giọng nói miền Bắc làm tiêu chuẩn để xác định giọng nói và cách viết chung cho cả nước. Chính vì vậy mà người miền Bắc không viết sai chánh tả nhiều như người miền Trung và miền Nam.
Trong quá trình lắng nghe giọng miền Bắc, rồi dùng bộ chữ La tinh để ký âm thì các cố đạo không đủ chữ để ghi cho hết các giọng của tiếng nói Việt Nam. Do đó, họ phải sáng tạo ra thêm ký hiệu na ná như nguyên tắc chế biến chữ của người La Mã khi mượn bộ chữ Hy Lạp.
Vào khoảng 1000 năm trước Tây lịch, người Phoenicians và Semite (nay là người Do Thái, Ả Rập sống ở miền Đông Mediterranean) khởi sự dùng các ký hiệu hình đồ (graphic signs) để ghi lại âm thanh của tiếng nóị Người Hy Lạp mượn hệ thống chữ viết này để lập ra bộ chữ Hy Lạp. Rồi người La Mã mượn từ bộ chữ Hy Lạp để tạo ra 23 chữ cái La tinh. Đến thời Trung Cổ, bộ chữ này được gọi là Trung Cổ Hy Lạp (Medieval Greek) với khá nhiều cải thiện và được sử dụng trong khoảng từ năm 800 đến 1500. Cuối cùng là hệ thống chữ viết ngày nay.
Trong quá trình sáng tạo bộ chữ La tinh, người La Mã đã biến chế, thêm bớt chữ Hy Lạp để có thể phiên âm tiếng nói La tinh.
Dưới đây là vài thí dụ:
+++ Vì cần phân biệt 2 âm g và k, nhưng bộ chữ Hy Lạp không có, cho nên họ đã lấy chữ C, thêm một dấu gạch ngang chữ C để tạo ra chữ G.
+++ Người Hy Lạp cả chữ I cho nguyên âm I và bán nguyên âm Y; do đó, để phân biệt với chữ I, người La Mã móc thêm một dấu hình lưỡi câu để tạo thành chữ J.
+++ Chữ R của Hy Lạp: người Hy Lạp viết chữ R giống như chữ P, vì vậy, để phân biệt với chữ P sẵn có, người La Mã quẹt thêm cái đuôi để tạo ra chữ R.
+++ Các chữ F, U, V, W và Y đều phát xuất từ hình đồ Y của người Phoenician.
+++ Người La Mã dùng chữ Y cho nguyên âm "U" và bán nguyên âm "W" và từ đó mà sinh thêm ra phụ âm "V" bằng cách cắt cái đuôi của chữ Ỵ Vào thế kỷ 17, chữ U được sáng tạo và kéo dài mãi đến thế kỷ 19 thì mới thực sự được hoàn chỉnh về nhiệm vụ của nó trong hệ thống chữ cái: V được dùng để khởi sự một chữ (phụ âm) và U (nguyên âm) có thể ở bất cứ vị trí nàọ
+++ Chữ W được sáng tạo trong thế kỷ 7 ở Anh để ghi bán nguyên âm "w", đọc là "double -u" bởi vì cách viết của hai chữ "u" dính lạị Tuy nhiên, do phát minh ngành in cách nay khoảng chừng 500 năm, chữ W được in thành hai chữ V: người Pháp đọc là "double-v" nhưng người Anh vẫn đọc "double-u".
+++ Chữ Y đầu tiên được dùng để ghi âm "u", tức upsilon. Dần dần bị sử dụng lẫn lộn với I; tuy nhiên, ngày nay mọi người đã xác định và quy ước rõ ràng Y là bán nguyên âm và I là nguyên âm.

3)Tiếng Hán Việt trong ca dao Việt Nam:

Tiếng Hán Việt có ảnh hưởng quá sức to lớn trong tiếng nói Việt Nam! Cứ mở bất cứ tài liệu, báo chí Việt Nam nào ra thì người ta sẽ thấy đầy rẫy tiếng Hán; thậm chí ngay cả trong hình thức văn chương truyền khẩu, bình dân nhất là ca dao, vốn được xem là dùng toàn tiếng Việt thuần túy, cũng tràn đầy tiếng gốc Hán. Thử lấy một thí dụ là bài ca dao "Lỡ Làng" trong cuốn Hán Văn Giáo Khoa Thư của Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giaọ Bài này làm theo thể thơ lục bát biến thể, thuần túy Việt Nam (gieo vần ở lưng chừng câu (yêu vận) trái với cách gieo vần của thơ Hán là gieo vần ở chữ cuối câu cước vận):

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
(bản HVGKT: Sao anh không hỏi những ngày còn không?)
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu!
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra ?

Thoạt đọc thì ai cũng cảm thấy chỉ có hai chữ "tầm xuân" (nghĩa là tìm xuân, tên một loài hoa) là tiếng Hán Việt, ngoài ra bài ca dao dùng toàn tiếng Việt thuần túỵ Tuy nhiên, xem kỹ thì không phải vậỵ Những tiếng Hán Việt vẫn còn giữ nguyên âm Hán là: hoa, tầm xuân, đồng, không, như, câụ Những tiếng Việt có gốc Hán là: hái do chữ Hán "thái", vườn do chữ Hán "viên", cà do chữ Hán "gia", xanh do chữ Hán "thanh", biếc do chữ Hán "bích", tiếc do chữ Hán "tích", thay do chữ Hán "tai", lồng do chữ Hán "lung". Toàn bài có 71 chữ, trong đó tiếng Hán chiếm 11 chữ, tiếng Hán Việt chiếm 10 chữ và tiếng Việt thuần túy chiếm 50 chữ.

Chú thích:
Cần lưu ý rằng có tiếng vừa là tiếng Hán, vừa là tiếng Việt thuần túỵ Trong bài ca dao trên, các tiếng Hán "tầm, đồng, và câu" vừa là tiếng Hán, vừa là tiếng Việt, có nghĩa khác nhau như sau:
+Tầm (Hán): khoảng cách 8 thước Tàu (tầm nhìn), bến sông, hâm lại, một loại cỏ, một loại cá, cái chảo lớn; nghĩa trong bài là tìm (tầm nã, tầm chương trích cú, tầm sư học đạo).
+Tầm (Việt): bậy, vớ vẩn (nói tầm bậy, tầm phào)
+Đồng (Hán): cùng như một (đồng bọn, đồng âm, đồng bào, đồng ca, đồng cam cộng khổ, đồng bệnh tương lân), đứa bé (tiểu đồng), con ngươi (đồng tử); nghĩa trong bài là đồng (kim loại) .
Tiếng đồng đã biến nghĩa theo thời gian. Nguyên người xưa đúc tiền bằng đồng nên hai chữ đồng tiền có nghĩa đơn giản là tiền làm bằng đồng. Nhưng về sau, tiếng đồng không còn được hiểu là chất đồng nữa mà biến thành một tiếng mới với một nghĩa mới dùng để chỉ cái vật tròn tròn, dẹp dẹp, có lỗ (vuông hoặc tròn) dùng để định giá trị đồ vật. Thí dụ: đồng xu, đồng bạc. Rồi về sau nữa, khi giấy bạc xuất hiện, mỗi tờ giấy thay cho mỗi đồng bạc tròn tròn trước kia cũng được gọi là đồng. Thế là chữ đồng là chất đồng đến chữ đồng là đơn vị tiền tệ ngày nay có cả một sự cách biệt về nghĩa khá xạ

+Đồng (Việt): đồng ruộng, đồng áng, đồng bóng. Ca dao:
Rủ nhau đi cấy, đi cầy,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưụ
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừạ
+Câu (Hán): đều, cong, bắt (câu lưu, câu thúc), rãnh nước, lưỡi câu, ngựa con chạy giỏi (thiên lý câu)
+Câu (Việt): câu văn, chim bồ câu, rau câu, câu chuyện, câu nệ.
Bây giờ hãy xét một bài ca dao khác mà tôi không nhớ tựa đề, chỉ còn lưu lại một cảm tình, khâm phục cho ý chí cần cù kiếm sống của người dân quê lam lũ Việt Nam (chân phải cứng và đá phải mềm!):

Người ta đi cấy lấy công,
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông nước, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm,
Trông sao chân cứng, đá mềm,
Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng.
Bài này chỉ có một tiếng Hán Việt vẫn còn giữ nguyên âm Hán là: công. Những tiếng Việt có gốc Hán là: trông do chữ Hán "trướng", cứng do chữ Hán "cang, còn đọc là cương", yên do chữ Hán "an". Toàn bài có 42 chữ, trong đó tiếng Hán chiếm 1 chữ, tiếng Hán Việt chiếm 11 chữ và tiếng Việt thuần túy chiếm 30 chữ.

Sự kiện lẫn lộn tiếng Hán, Hán Việt và Việt thuần túy đòi hỏi người Việt phải học kỹ lưỡng tiếng mẹ đẻ của mình để có thể hiểu, nói và viết tiếng Việt thành thạo, đúng chánh tả và dùng đúng nghĩạ Không phải cứ sinh ra là người Việt thì tự nhiên biết nói tiếng Việt đúng giọng, xài đúng nghĩa và viết đúng chánh tả! Để hiểu tiếng Việt cho thấu đáo thì bắt buộc phải hiểu cái gốc chữ Hán của nó; giống như muốn hiểu tiếng Pháp thì phải lần về cái gốc La tinh, Hy Lạp vậỵ

4) Cách dùng chữ Hán Việt:

Trong văn học, một số rất đông người Việt chủ trương không dùng tiếng Hán Việt, nhất là trong khoảng 700 năm phát triển nền văn chương chữ Nôm (thế kỷ XIII - XIX). Gần đây là phong trào Tự Lực Văn Đoàn, với nhiều nhà văn như Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyết chú trọng phổ biến tiếng Việt thuần túỵ
Văn thơ, tiểu thuyết, ca dao, tục ngữ dùng tiếng Việt giản dị, dễ hiểu nên tạo một cảm giác gần gũi, thân mật, đi thẳng vào tâm não của người đọc. Thí dụ: bài thơ Đường luật "Thu Điếu" của Nguyễn Khuyến (1835 - 1910), người duy nhất đỗ đầu cả ba kỳ thi chữ Hán trong lịch sử Việt Nam (còn gọi là Tam Nguyên Yên Đổ):

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teọ
Sóng nước theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ bay vèọ
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teọ
Tựa gối ôm cần, câu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèọ

Đây là bài thơ tả thu nổi tiếng nhất trong văn thơ Nôm, cho đến nay chưa thấy bài nào có thể so sánh được! Nét độc đáo của bài thơ là chỉ với 56 chữ bình dị mà tạo nên một phối hợp rất đắc thể so với mọi ràng buộc gắt gao của thể thơ Đường. Vượt lên trên kỹ thuật dùng chữ và âm vận, bài thơ còn vẽ nên một bức tranh thu êm đềm ở miền quê Việt Nam, với màu sắc và đường nét thật nhẹ nhàng: một chiếc thuyền nhỏ lờ lững trong ao, nước trong nhưng lạnh lẽo (gợi ý thời gian là mùa thu), rồi sóng nước gợn tí, lá vàng bay, phía trên là những từng mây lơ lửng trôi, để rồi lồng trong khung cảnh đó là một thi nhân:

Tựa gối ôm cần, câu chẳng được.
Cá đâu đớp động dưới chân bèọ

Lời thơ dễ dàng, âm điệu đơn giản nhưng không chút tầm thường; nhất là cách dùng tử vận "eo" với các chữ Việt Nam thuần túy: lạnh lẽo, trong veo, bé tẻo teo, sóng biếc, hơi gợn tí, bay vèo, lơ lửng, vắng teo, tựa gối, đớp động, chân bèo" đã khiến bài thơ rất đắc cách, mang lại một cái gì thong dong, nhàn hạ vốn dĩ thân quen trong tâm hồn người Việt.

Tuy tiếng Việt thuần túy có nhiều đặc điểm hay một cách riêng (có nhiều tiếng tượng thanh, tượng hình hơn so với các tiếng khác: gió thổi ào ào, suối chảy róc rách, mưa tí tách rơi, lom khom nhổ mạ, lững thững dạo chơi) nhưng phải biết cách sử dụng.

Trong thời gian trước năm 1975 và sau đó độ năm năm, chánh quyền miền Bắc hô hào sử dụng tiếng Việt thuần túỵ Thay vì dùng chữ "phi cơ trực thăng, thủy quân lục chiến, bảo sinh viện, hội Hồng Thập Tự" thì dùng "máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ, nhà đỡ đẻ, hội Chữ Thập Đỏ". Chữ máy bay lên thẳng có thể chấp nhận được nhưng lính thủy đánh bộ thì nghe kỳ quá. Thủy và bộ là tiếng Hán Việt đi với hai tiếng Việt lính và đánh nghe loạc choạc, loảng xoảng. Nhà đỡ đẻ, hội Chữ Thập Đỏ thì nghe tục và xoàng quá, làm mất đi cái nghiêm chỉnh và tầm cỡ của bệnh viện và hộị

Trong những năm gần đây, có lẽ vì đã tới tận mức của sự thái quá nên từ khuynh hướng "dùng tiếng Việt thuần túy" lại đổi sang dùng toàn tiếng Hán Việt. Cái gì cũng vậy, hễ rơi vào thái cực là saị Bây giờ, báo chí Việt Nam rất sính tiếng Hán Việt. Vào tháng 5, 2001, tôi về Việt Nam nghỉ hè, mua một số báo như: Công An, Pháp Luật, Phụ Nữ, Thanh Niên để tự tìm hiểu về tiếng Việt ngày naỵ Càng xem tôi càng kinh ngạc: tại sao họ lại ưa chuộng tiếng Hán Việt dữ quá! Các chữ : bức xúc, ách tắc, giai điệu quê hương, chiến sĩ đặc nhiệm, chiến sĩ trinh sát, chiến sĩ hình sự, thông báo chiêu sinh, tài khoản, nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân, v.v... rõ ràng là rất khó hiểu đối với đại chúng. Buông xấp báo ra mà tôi cảm thấy tối tăm mặt mũi, lỗ tai lùng bùng.
Phải chăng sính dùng tiếng Hán Việt để chứng tỏ sự thông thái uyên bác?
Thực ra, khách quan mà nói thì tiếng Hán Việt đã có một thời gian dài được tôn trọng. Nó được xem là loại ngôn ngữ bác học, thậm chí là tiếng để nói với thần thánh và người chết. Ngày xưa, người Việt Nam phải khấn tổ tiên bằng tiếng Hán Việt, khấn nôm (tức tiếng Việt thuần túy) là vô lễ.
Người xưa cũng không bao giờ dám dùng giấy có ghi chữ Hán để gói các vật dơ bẩn. Có lẽ do truyền thống xa xưa này mà tiếng Hán Việt thường được coi là sang hơn tiếng Việt thuần túỵ Gọi "thầy cả, thầy giáo, người phụ giúp thầy giáo, thầy cãi, thầy chùa, thầy thuốc, thầy lang, thầy bói, thầy coi tử vi, thầy pháp, thầy tướng, thầy coi sao" nghe không sang bằng "linh mục, giáo sư, phụ khảo, phụ giáo, luật sư, nhà sư (đôi khi nịnh bợ nên đặt ra các chức vị đại đức, thượng tọa), bác sĩ, tử vi gia, pháp thuật gia, tướng số gia, chiêm tinh gia, v.v..." Trong thực tế sinh hoạt cũng như sách vở, cái tính chất "sang" này đã tạo ra không biết bao nhiêu lố lăng, khôi hài lẽ ra phải cười nhưng tồi tệ quá đến nỗi có khi không sao cười được!

Tiếng Hán Việt được chuộng có lẽ vì nghe kêụ Điều này thấy rất rõ qua cách đặt tên con cái của người Việt Nam. Đặt tên Ái thay cho Yêu, Bạch thay cho Trắng, Bảo thay cho Báu, Bân thay cho Mộc mạc, Bích thay cho Xanh, Cường thay cho Mạnh, Diễm thay cho Đẹp, Diệp thay cho Lá, Giang thay cho Sông, Đắc thay cho Được, Lương thay cho Tốt, Trúc thay cho Tre, Hoa thay cho Bông, Lâm thay cho Rừng, Quyên thay cho Đẹp, Nguyệt thay cho Mặt trăng, Thủy thay cho Nước, Liên thay cho hoa sen, Mỹ thay cho Đẹp, Giai thay cho Đẹp, Minh thay cho Sáng, Hải thay cho Biển, Sơn thay cho Núi, Long thay cho Rồng, v.v... Rất hiếm thấy cô gái nào có tên Trần Thị Đẹp, Nguyễn Thị Nước, Phạm Thị Xanh. Ở ngoại quốc, sau 1975, một số đông người Việt Nam chỉ giữ họ, còn tên thì đổi ra John, Tom, Jack, Linda, Monique, Jane, Susane, Yvonne, v.v..... Đọc tên John Tran, Monique Nguyen, Yvonne Phạm nghe cũng ngồ ngộ.

Về mặt ngôn ngữ học, căn cứ vào nguyên tắc đồng nhất và thuần túy, người ta chủ trương nếu một khi dùng tiếng Hán Việt cho một từ ngữ nào thì phải dùng toàn tiếng Hán Việt, không nên chen lẫn vừa tiếng Hán Việt, vừa tiếng Việt thuần túỵ Tuy nhiên, có vài trường hợp không xác định được, các tự điển không thống nhất với nhaụ Thí dụ: nói chánh trị hay chính trị? Âm Hán là chính, âm Hán Việt là chánh. Người Việt Nam dùng lẫn lộn chánh và chính trong tất cả trường hợp, nhưng khi gọi các người đứng đầu thì luôn luôn dùng chữ chánh (chánh tổng, chánh văn phòng, chánh án).

Thực tế dùng chữ một cách dễ dãi của người Việt đã tạo ra nhiều từ ngữ ghép tiếng Hán Việt và tiếng Việt thuần túy, xài bởi nhiều người và quá lâu cho nên mặc dù nghe lỉnh kỉnh nhưng phải chấp nhận, không sao bác bỏ được. Thí dụ: (chữ Hán Việt viết nghiêng và đậm)

nghĩ ngợi, danh tiếng, thuyền bè, thơ vănsách vở, công việc, thì giờ, làng , trí óc, xương cốtxác thịt, đường lộcầu đường, hồ ao, đầu đuôi, chủ tớ, sức lực, lo liệutranh dành, cầu xin, ẩn náu, sinh đẻ, sao chép, nịnh bợ, thiêu đốt, thay thếchiếm đóng, trao tặngthoái lui, náo nức, hung tợn, ngu dại, liều mạngthanh vắng, yên lặng, tài giỏi, v.v...


Kết luận:

Điều đáng lưu ý là cố gắng dùng tiếng Việt thuần túy khi có thể được; không có thì mới dùng tới tiếng Hán Việt để tránh bị gọi là "trưởng giả học làm sang, dốt hay nói chữ." Đừng gượng ép dùng tiếng Hán Việt; những tiếng Hán Việt nào đã phổ thông, đã Việt hóa rồi thì tha hồ xàị Được vậy thì giọng nói, câu văn nghe mới tự nhiên. Trong trường hợp cần nghiêm trang như đặt tên trong giấy khai sanh (khác với tên tục - để kiêng - như thằng Cu, cái Tẹo), tên cơ quan, tên tổ chức hoặc cần diễn tả ý tứ một cách trang trọng, gọn gàng và chính xác thì nên dùng tiếng Hán Việt bởi vì tiếng Hán Việt mang theo nó tất cả cái sâu sắc, súc tích, chính xác của tiếng Hán.
Phạm Văn Bân 

Không có nhận xét nào: