Thế là chấm dứt những ngày hè vui chơi, cháu tôi rời San Francisco nhà ngoại để về lại Texas. Buổi chiều con trai đón tôi tại phi trường San Antonio rồi đưa về nhà. Buổi tối hai mẹ con lại ra phi trường để đón con dâu và cháu nội. 12 giờ đêm, trời Texas giảm độ nóng, xa lộ trống trơn, cuộc sống yên bình. Tôi thích phi trường San Antonio vì nó không lớn nhưng rất tiện nghi. Những bảng chỉ dẫn rõ ràng. Ở bãi đậu xe có những dấu hiệu dành cho hành khách. Lối ra có vẽ những bước chân và ghi rõ " Lối ra". Lối vào phi trường cũng có những dấu chân "lối vào" để hành khách không đi lạc. Nhìn những bước chân hướng dẫn vẽ dưới đất tôi có cảm tình với những người đã nghĩ ra cách này. Dễ thương và chu đáo thiệt. Ở khu nhận hành lý, hành khách chỉ có một lối ra duy nhất bằng thang cuốn và một thang máy dành cho xe lăn và xe đẩy con nhỏ. Cửa thang máy vừa mở, các cháu tôi ùa ra ôm cứng lấy cha. Hơn một tháng xa cách các cháu quá mừng được về nhà.<!>
Chỉ hai ngày được nghỉ ngơi, cháu tôi lại phải tiếp tục những chương trình học ngoài giờ mà những ngày hè đi chơi bị gián đoạn. Nào học piano, thể thao, học múa Ba Lê.
Lớp học piano là một trung tâm dạy đủ các loại nhạc. Guitar, Piano, Violon... Mỗi môn học có phòng riêng và cách âm nên không làm phiền các lớp khác. Cháu trai tôi được học một thầy còn trẻ, còn cháu gái học một cô giáo rất xinh và vui vẻ.
Thật lòng tôi không nghĩ cháu tôi có khiếu về âm nhạc. Vì cháu học thì nhanh, đánh đúng nốt nhạc và được thầy cô giáo khen. Nhưng về nhà ít khi nào chúng tự ngồi vào đàn và say sưa thực hành. Có lẽ tôi quá khắt khe vì cháu còn quá nhỏ. Nhưng âm nhạc đòi hỏi năng khiếu, rèn luyện và sự đam mê. Nhu cầu cho con học đàn dường như là phổ biến trong các gia đình Việt Nam tại Mỹ. Tiền mua một cây đàn piano không phải rẻ. Mướn thầy dạy nhạc cũng không phải ít tiền. Công chở tới lớp và ngồi chờ mới thấy sự hy sinh của cha mẹ quá lớn. Thế nhưng khi các cháu lên tới đại học, bao nhiêu đứa theo đuổi âm nhạc. Chiếc đàn piano nằm im lìm như sự xa vắng của con cái. Cha mẹ nhìn cây đàn hoài niệm một thời con còn bé nhỏ. Nhớ những nốt nhạc đầu tiên vang lên trong căn nhà hạnh phúc.
Mỗi tuần hai lần cháu gái tôi đi học múa Ba Lê ở hai địa điểm khác nhau. Nghe nói chỗ đó cũng gần nhà. Nhưng ở Texas gần có nghĩa là đi khoảng 25 đến 30 phút mới tới. Địa điểm thứ nhất là ở trong khuôn viên một trường Đại học. Phòng tập rất rộng, có gắn kiếng 3 bên để các cháu có thể thấy động tác của mình. Đến giờ dạy, các cháu dễ thương trong bộ đồ tập vào phòng. Cô giáo đóng cửa lại, phụ huynh ngồi ở phòng chờ, hết giờ mới được gặp con.
Nơi đây ở tầng cuối có một hồ bơi thật lớn. Mực độ nước trong hồ từ thấp nhất cho các cháu bé đến thật sâu dành cho người lớn. Có phòng thay đồ, phòng vệ sinh ngay bên cạnh. Các phao bơi rất nhiều và đủ cỡ dành cho các cháu. Lần nào đi, con dâu tôi cũng cho các con tắm để giết thời gian chờ đợi. Cháu tôi tập múa xong đi xuống lầu và tập bơi trước khi về nhà. Tôi ngồi trên bờ hồ nhìn các cháu tung tăng dưới nước lòng thật vui. Chúng rủ bà nội xuống tắm. Tôi lắc đầu mà thẹn vì bà nội không biết bơi.
Địa điểm thứ hai cháu tôi học múa là một trung tâm giải trí của khu vực trong một cái park thật lớn. Có sân bóng chuyền, bóng rỗ ... Bãi cỏ mênh mông, mùa đá banh trên sân cỏ ba bốn đội thiếu nhi giao tranh vui lắm. Trong trung tâm văn phòng rất rộng. Có phòng để tập múa, phòng chơi game, có huấn luyện viên đá banh, bóng rỗ, bóng chuyền ...Năm vừa rồi cháu trai tôi trong đội banh thiếu nhi, cũng thi đấu nhiều trận. Cuối mùa cũng được phần thưởng. Lớp huấn luyện về thể thao sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9. Bây giờ thời tiết còn quá nóng có lẽ không thích hợp cho các môn thể thao ngoài trời.
Tôi hỏi cháu nội "Con có thích đi học không? " cháu nhìn tôi lắc đầu. Tôi lại hỏi: " Con không thích đi học. Vậy con thích gì?" Cháu cười thật tươi và nói không cần suy nghĩ :" Con thích ở nhà đọc sách và chơi game" Tuổi thơ thành thật và dễ thương như vậy đó. Sao mà cháu giống tôi ngày xưa quá. Nghỉ hè rong chơi thỏa thích không muốn đến trường một chút nào. Nhất là vào năm học mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Mọi thứ đều thay đổi.
Ở đây, ngày tựu trường, phụ huynh phải mua đầy đủ những yêu cầu của nhà trường dành cho một năm học. Một cái list dài phải đi vài nơi mới mua xong. Cùng con đi mua dụng cụ học sinh giao nộp cho nhà trường, chúng tôi vào khu vực bán đồ dụng cụ học sinh. Cầm trên tay những quyển tập, những hộp bút chì màu vừa đẹp, vừa rẻ bán cho học sinh "Back to School " tôi mới thấy sự ưu việt của xã hội Mỹ. Vào tháng tám mỗi năm, mọi cửa hàng đều dành ưu tiên cho các cháu. Có những khu riêng bán dụng cụ học sinh đại hạ giá. Dù nghèo thế mấy cũng có thể mua đầy đủ cho con đến trường. Quần áo, backpack, giày, vớ...đều có giá rẻ bất ngờ.
Chúng tôi đến trường vào ngày nhận lớp đầu niên học. Đi theo chúng tôi là hai thùng đồ to kềnh để giao nộp cho giáo viên. Một cái list dài ghi rõ phải mua những thứ gì. Giấy, viết, phấn màu, viết màu, Tissues, tai nghe và rất nhiều thứ cần thiết dùng cho suốt năm học.
Đó là một ngày hội thật vui của thầy, trò và phụ huynh học sinh. Bãi đậu xe chật cứng. Phụ huynh nườm nượp ra vào, tay xách nách mang. Học sinh vui vẻ chào nhau, rối rít chuyện trò. Chúng tôi dùng chiếc xe kéo có 4 bánh xe bỏ hai thùng sách vở vào để kéo đi vì khá nặng. Tưởng chỉ có nhà mình lập dị, ai dè nhiều người cũng làm vậy. Tên lớp, số phòng, tên giáo viên được ghi vào một tờ giấy khi phụ huynh vào ký tên ở bàn tiếp tân. Bên trong trường rất rộng chia làm nhiều khu vực. Mỗi khu vực là hành lang rất dài. Mỗi hành lang có một bảng ghi rõ dãy lớp và số phòng. Từ số phòng đầu tiên đến số cuối cùng nên rất dễ tìm lớp. Chúng tôi đi vào hành lang dãy lớp dành cho mẫu giáo của cháu Emma. Phía trước mỗi lớp có một bảng nhỏ ghi rõ số phòng, tên họ và hình của giáo viên phụ trách. Trên bức tường hành lang mỗi lớp là một tấm bảng giấy to được cô giáo trang trí thật đẹp. Có từng ô xinh xắn để cô giáo sẽ ghi tên học sinh lớp mình năm học mới.
Cháu Eli năm nay lên lớp hai. Các lớp hai học riêng biệt ở một dãy nhà bên hông trường. Năm nay cháu sẽ học hai cô giáo. Một cô dạy môn toán và khoa học. Một cô dạy về văn và các môn khác. Hai lớp thông với nhau bằng một cánh cửa nối kết hai phòng.
Sau khi ghi tên, giao nộp học cụ, nghe cô giáo trình bày về cách dạy và giới thiệu lớp phụ trách, chúng tôi đi vào khu căn tin của trường. Nơi đây có rất nhiều bàn tiếp tân để phụ huynh và nhà trường giải quyết những thắc mắc nếu có. Các cháu tôi phải đi xe bus đến trường, nên đến bàn ghi tên, lấy thẻ rồi sắp hàng để được tiếp xúc với người phụ trách. Thủ tục hoàn thành, tên họ đã được đưa vào computer, mỗi cháu nhận được một bảng màu đỏ gắn ở ba lô. Có ghi tên họ, lớp, tên cô giáo, số phòng. Mỗi ngày xe bus đến đón ở địa điểm cố định trong khu gia cư ngay đầu đường nhà con tôi. Buổi chiều xe bus trả trở về địa điểm cũ đúng giờ rất an toàn.
Các cháu tôi đã trở lại trường học. Buổi sáng đưa các cháu ra xe bus, tôi đứng nhìn bầy trẻ con trong xóm đi học ríu rít mà thương. Người phụ trách ân cần đưa từng đứa lên xe, cô tài xế đưa tay chào tạm biệt. Qua cửa kính cháu tôi vẫy vẫy. Xe chạy đã xa, tôi còn đứng đó tần ngần. Khu nhà yên tịnh thật đẹp trong buổi sớm mai. Tôi lại nhớ bài "Tôi đi học " của Thanh Tịnh. Ôi tuổi thơ của ngày đó dễ thương biết ngần nào. Không có xe bus đưa rước, không có backpacks, không có game, không có tất cả những phương tiện hiện đại. Tuổi thơ tươi đẹp như buổi bình minh, như hoa trong vườn, như không khí trong lành thôn dã. Tất cả đều tinh anh và rất chân quê.
Ngày đó bằng tuổi cháu tôi bây giờ, tôi học lớp tư cô giáo tên Ngẫu. Ngày đầu tiên khai giảng, tôi mặc đồ con trai giống như hai anh của tôi. Tóc cắt bum bê, tay cầm nón lá. Một hình ảnh thật tếu và buồn cười. Má tôi cho sách vở vào một cái túi vải bố, má tự may tay. Có sợi dây dài mắc trên vai. Tôi đến trường với hai anh rồi đi vào xếp hàng ở dãy lớp dành cho mình. Cô giáo ghi tên tôi là Nguyễn Thị Chín theo tên gọi ở nhà. Mãi tới khi học hết lớp trường làng phải ra trường quận, ba má tôi mới trình khai sinh để làm hồ sơ chuyển trường. Lúc đó tôi mới biết mình có tên khác. Một cái tên cũng chẳng đẹp chút nào.
Trường làng chỉ vỏn vẹn có 4 lớp học chứ không rộng thênh thang nhiều lớp như các trường Tiểu học bây giờ. Ông Hiệu Trưởng kiêm giáo viên dạy lớp nhì. Ba cô giáo dạy ba lớp, lớp vỡ lòng, lớp tư và lớp ba. Cứ mỗi sáng chúng tôi cắp sách đến trường. Vì trường gần nhà nên đứng ở nhà có thể thấy mấy học sinh chơi chạy nhảy trong sân. Thầy đánh kẻng, học trò xếp hàng trước lớp. Thầy cô đi dài theo hàng, kiểm tra quần áo, tay chân có sạch sẽ không rồi mới cho vào lớp. Đứa nào bị lỗi sẽ bị phạt quỳ gối, khẻ tay trước khi giờ học bắt đầu. Hết giờ kẻng đánh, chúng tôi sắp hàng tan lớp về nhà ăn cơm và ngủ trưa. Khoảng 2 giờ là lớp học buổi chiều. Giấc ngủ trưa chưa đã, gió hiu hiu nên nhiều đứa ngủ gục. Ông thầy giáo già hay dùng cây roi mây dài. Ông nhún ngọn roi từ xa, gốc mây cốc đầu một cái bụp là tỉnh ngủ ngay.
Vì đây là trường của đồn điền người Pháp nên tới lớp nhì là chúng tôi phải học tiếng Pháp và lịch sử Pháp. Cứ vài ba tháng là có thanh tra Pháp đến kiểm tra. Mỗi năm vào ngày Tết tây, học trò giỏi được chọn đi tặng hoa cho chủ sở và xếp người Pháp. Vào cuối mỗi niên học, thầy hiệu trưởng chọn mỗi lớp một học sinh giỏi nhất ra quận Long Thành lãnh thưởng. Đó là một vinh dự rất lớn cho việc học tập. Nhưng năm nào phần thưởng của chủ Tây cũng có giá trị hơn hẳn các phần thưởng được nhận từ trường Quận.
Học hết lớp nhì trường làng, chúng tôi được ra học lớp nhất trường Quận. Ở thôn quê học tới lớp nhì là đã khá. Biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ nhân chia. Cha mẹ thường cho nghỉ học ở nhà phụ việc hay giữ em. Một lớp mấy chục đứa học mà ra trường quận không có bao nhiêu.
Học lớp nhất trường quận chúng tôi phải mặc đồng phục và mang cơm theo để ăn bửa trưa. Sáng sớm mấy đứa chờ nhau đi một lượt. Chúng tôi nối đuôi nhau đi xe đạp trên con đường đất đỏ của lô cao su. Đến một trạm gát lửa có chòi cao chúng tôi trèo lên đó lấy cơm ra ăn sáng. Ăn xong tuột xuống, lên xe đi tiếp. Vượt qua con dốc cuối lô cao su là đến xã Lộc An. Qua khỏi xã Lộc An mới đến xã Phước Lộc. Ngôi trường Tiểu học của tôi nằm đối diện trại Nguyễn Hữu Ngộ thuộc dinh quận Long Thành.
Xã Lộc An có một con suối nước trong veo. Qua khỏi cây cầu của con suối là một ngôi chùa rất đẹp xưa và cổ kính. Giờ tôi không nhớ chùa tên gì. Chỉ nhớ con suối đó lúc về tụi con trai hay xuống tắm. Tụi con gái chúng tôi ngồi giữ xe, nghỉ mệt và chờ tụi nó. Tắm xong là cả bọn lên xe đạp về nhà. Con trai con gái lúc đó cứ mầy tao thật vui, không hề có ý nghĩ nam nữ bậy bạ.
Học hết lớp nhất chúng tôi thi Tiểu Học rồi thi tuyển vào Đệ Thất công lập. Đậu kỳ thi tuyển cam go này, tôi mặc áo dài làm học trò Trung Học. Lúc này vì học sinh ra trường quận hơi đông, nên sở cao su cho một chiếc xe thùng chở học trò ra Long Thành và chiều rước về. Người tài xế là ba tôi nên tôi thường được ngồi cabin. Chỉ trừ khi có người già hay người có bầu muốn quá giang về vì chiều đã hết xe lam. Tôi leo ra sau thùng xe vui đùa với bạn bè.
Ngày xưa ở quê má tôi có tiệm tạp hóa tại nhà. Tiệm bán bánh kẹo, dầu hôi, nước mắm, cá khô... và có cả dụng cụ học sinh. Gần ngày tựu trường các chú, cô đến nhà mua vở, bút chì, bút mực, bình mực, giấy chậm, bao vở, nhản vở, bảng đen, phấn... về cho con đi học. Thường thì họ mua chịu. Tới đầu tháng công nhân lãnh lương họ mới trả tiền.
Học lớp vỡ lòng thì chỉ vỡ, viết chì, bảng đen và phấn. Cô giáo tập cho học trò quen mặt chữ cô viết trên bảng đen. Học sinh viết vào bảng nhỏ của mình đưa lên cho cô giáo kiểm tra. Vở tập viết có những đường gạch chuẩn. Học sinh tập viết chử trên đó cho đúng.
Lên tới lớp tư ( lớp hai bây giờ) thì bắt đầu học toán, học thuộc lòng, viết chính tả....bằng bút mực.
Trước hết mình nói về bình mực. Bình mực lúc đầu bằng thủy tinh, có nắp đậy cẩn thận. Thường được đựng trong một cái túi vải có dây buộc cầm trên tay cho khỏi đổ. Thật ra vấn đề là ở cái nắp bình mực. Khi mở nắp ra thì mực đã dính vào tay, cho nên lúc nào tay tôi cũng vấy đầy mực. Chấm mực để viết chữ cho đẹp, khỏi lem cũng là một nghệ thuật của học trò. Viết mà chấm nhiều mực quá thì mực đọng vũng ở đầu ngòi viết, phải vẫy một cái cho mực rơi bớt ra. Mấy đứa con trai phá nhau cũng vẫy mực vào áo quần nhau cho bỏ ghét. Có khi cả bình mực bị vô ý đổ vào vở lấm lem, thầy khẻ tay thật đau, phải xé trang giấy đó hoặc ngày mai phải mua vở mới.
Mực ngày xưa bán từng viên và học trò chỉ được viết màu xanh hay màu tím. Mực viên được ngâm với nước lạnh và đổ vào bình. Con gái còn hay dùng trái mồng tơi hòa làm mực viết cho dễ thương. Các Thầy thì dùng mực đỏ để chấm bài. Tên nào mà bài thầy trả lại đỏ lòm thì biết ngay bài nhiều lỗi. Sau này tiến bộ có bình mực bằng nhựa, nghiêng qua nghiêng lại hay dốc ngược xuống mực cũng không đổ ra ngoài rất tiện lợi cho học trò.
Cây viết có hai phần: Cán viết và ngòi viết . Cán viết thon thon đầu lớn đầu nhỏ bằng gỗ sơn xanh đỏ. Cây viết có điểm tí bông hoa được tráng một lớp vẹc ni cho bóng thì bán mắc hơn một chút. Ở đầu cán viết có chỗ để gắn ngòi viết. Có hai loại ngòi viết. Ngòi viết lá mít thì thô to bản, hình có cạnh tam giác hai bên. Nhìn không được đẹp nhưng chắc và ít bị tà ngòi. Ngòi lá tre nhỏ và mảnh hơn. Viết chữ nét rất đẹp nhưng nếu đè nhiều sẽ bị tà đầu hay gảy mất một bên phải thay ngòi mới.
Mỗi khi viết tôi hay đè thử bên ngoài xem nét đã vừa chưa, mực xuống có đều không rồi với viết vào vỡ. Mỗi khi viết xong một hàng phải dùng giấy chậm, chậm cho khô rồi mới viết tiếp. Chỉ cần không cẩn thận thì mực sẽ lem, nhòa chữ viết không đọc được.
Ngoài ra còn một loại ngòi viết nữa là ngòi viết rông. Đầu viết to bảng hơn dùng để viết tựa bài hay ngày tháng. Ông thầy Giáo Lượm của tôi còn có một con cóc bằng đá đặt trên bàn viết. Ông hay phóng nhẹ đầu ngòi viết rông xuống đó chỉnh ngòi để chữ viết đẹp hơn.
Lên tới trung học đã có thể dùng viết máy . Viết máy thì không có thể dùng mực viên như thời tiểu học. Mực phải loại không có cặn để bơm vào trong cây viết. Lúc đó dùng mực đen Waterman để xài. Thường đi học cũng phải mang bình mực theo để hờ khi viết nhiều hết mực. Có nhiều loại viết máy ra đời, nhưng loại Pilot và Parker là hai loại viết được ưa chuộng nhất.
Tôi nhớ anh Tám tôi, dành dụm mãi mới mua cho em gái một cây viết máy hiệu Pilot khi tôi được lãnh thưởng ưu hạng. Anh cốc vào đầu tôi âu yếm:
-Thưởng cho em nè! Ráng học giỏi nha.
Tôi cầm cây viết muốn khóc. Mừng quá đi thôi vì nhà nghèo làm gì tôi mơ ước được cây viết này. Mặc dù tôi quý lắm nhưng không dám dùng thường, sợ sẽ bị hư hay mất. Tôi đi học vẫn xài cây viết máy rẻ tiền.
Bây giờ anh tôi đã mất, viết bài này tôi lại thương anh tôi quá.
Ngày xưa đi học, chữ viết rất quan trọng. Môn tập viết ngày nào cũng phải có, Chữ viết thường, chữ viết hoa phải nắn nót, ngay hàng thẳng lối. Nhìn cuốn vỡ học sinh thì biết ngay sức học và hạnh kiểm trò đó. Chữ viết còn biểu lộ tâm tính của người học trò. Sau này qua Mỹ, khi các con tôi học tiểu học, ông xã cũng thường bắt các con viết chữ. Ông cẩn thận chỉnh từng nét và bắt phải nằm trong ô, cân đối và đều nét. Nhưng rồi khi lên Trung học, đại học, các cháu phải viết thật nhanh, đôi khi phải viết tốc ký, chữ viết không còn như xưa. Nhiều lúc tôi đọc cũng không ra.
Đi học ở trường ngày xưa không có sách, chỉ học theo bài dạy của thầy cô rồi viết vào vở. Lên tới lớp nhất thì mỗi mùa tựu trường phải mua khoảng 10 cuốn vở mới đủ các môn học. Vở phải được bao lại cẩn thận và dán nhản bên ngoài. Tùy theo thầy cô quy định phải bao màu gì và nhản ghi như thế nào. Thầy tôi đơn giản miễn là bao vở sạch sẽ là được rồi, tôi dùng tờ Thế Giới Tự Do bao rất đẹp.
Nói tới vở, ngoài các loại vở rẻ tiền, giấy không được tốt, viết hay bị lem thì có hai loại vở được đánh giá là loại tập vở phẩm chất cao nhất. Bìa vở cứng, hình rõ và đẹp. Phía sau quyễn vở luôn luôn có in bảng cữu chương. Loại thứ nhất là tập vở hình xích lô máy, giấy tốt, trắng, dày, không lem mực được mọi học sinh ưa chuộng.
Loại tốt đứng hạng nhì là tập vở Olympic có hình ông lực sĩ cầm bó đuốc, ở dưới là quả địa cầu, giấy cũng tốt nhưng không bằng hiệu xích lô máy.
Thời Tiểu học, quyển vở là gương mặt học trò. Vở phải sạch sẻ, không được để cuốn mép. Có cô còn bắt đánh số từng tờ để không thể xé vở. Tựa bài phải được gạch dưới đàng hoàng. Ngày tháng phải viết chữ to cho rõ ràng. Mỗi ngày sau hàng ghi ngày tháng còn có một câu cách ngôn hay châm ngôn ghi ở dưới. Thầy thường giảng câu ca dao hay tục ngữ này cho học trò nghe như một bài giảng luân lý đầu ngày.
Sau 1975 con tôi đi học mới thảm. Quyển vở mua của hợp tác xã xấu đui. Từng trang vở ngà ngà hiện lên những đường vân của bột xay chưa kỹ. Viết lên là bị lem nhòe ra thật tội. Cầm quyển vở của con trên tay tôi nhớ những quyển vở học ngày xưa. Nhớ trường nhớ lớp. Nhớ một thời đi học yên vui. Thời gian đi qua, xã hội và nền văn minh lại đi xuống.
Con đường tôi đi học mấy chục năm trước giờ cũng dẫn con tôi tới trường. Rồi con cũng vào ngôi trường Trung học ngày xưa tôi đã học. Buổi sáng tôi nấu cơm độn khoai mì. Bửa trưa con ăn cơm độn với cá trích kho tiêu hay nước mắm kho quẹt. Bảng tên trường đã đổi, bài vở hoàn toàn không giống thời đi học của tôi. Ngọn cờ bay phất phới trước sân trường cũng đã khác và đối nghịch. Chiến tranh đã chấm dứt nhưng vẫn còn nhiều tồn đọng trong xã hội, trong trường học, trong lòng người.
Mùa tựu trường năm nay con cháu tôi cả chín đứa đang vào niên khóa mới. Nước Mỹ dành nhiều ưu tiên cho trẻ em. Xã hội tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đi lên, tiến bộ và thành công.
Cháu ngoại tôi hai đứa cũng học ngay trường Trung Học ngày xưa mẹ nó từng học.
Ba thế hệ chúng tôi nối bước nhau đi vào trường, vào lớp.
Yêu và nhớ quá một thời học sinh.
Nguyễn thị Thêm
nguoiphuongnam/blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét