Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI - Chúc Mừng Thư Quán Bản Thảo 18 năm cùng bạn đọc (banvannghe)

 
blank
      Số báo đầu tiên













Thời gian như một chớp mắt. Mới ngày nào hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn cùng nhóm bạn thuộc “thế hệ chiến tranh” cho ra đời Thư Quán Bản Thảo (TQBT), trúng vào dịp cả nước Mỹ đang rúng động với sự kiện 911 của bọn khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda, nhằm mục đích giữ gìn và phổ biến những sáng tác của bạn bè thân hữu và những người làm văn học nghệ thuật của miền Nam trước 1975. Thế mà hôm nay TQBT đã vừa tròn 18 tuổi và đang bước vào năm thứ 19. Một chặng đường thật dài. Em xin được chúc mừng TQBT cùng hai anh.<!>

Nhìn lại con đường đã qua.
“Cuộc chơi bắt đầu. Tập 1 mỏng như một cái ngoắc tay rụt rè. Cuộc chơi tiếp tục. Tập 2 dầy thêm một ngón tay níu. Rồi những cánh tay choàng tới, ân cần… Bạn bè lần lượt trở về càng lúc càng đông… Từ một góc bàn viết gá nhờ giàn bếp, trong một gác lửng cheo leo giữa một chung cư ngất ngưởng đến một chiếc bàn khuất lấp trong một góc quán cà phê ồn ào… xa hơn nữa, bất ngờ hơn nữa, những dòng thơ những trang chữ viết lén viết lút bay vuột sang từ bên kia biển dữ… Cứ vậy, bài vở lần lượt bay đi bay lại, rồi được sửa chữ, sắp trang… Những đêm sau một ngày vất vả ở hãng xưởng, những ngày thứ bảy chúa nhật sau một tuần lễ mưu sinh mệt đừ … Vẫn vui, vẫn cặm cụi, vẫn cằn nhằn vì những trễ nải, … mà vẫn vui, vẫn cặm cụi và vẫn cằn nhằn… Xong một chặng đường, bài vở lại theo đường điện thư gởi vèo qua một căn nhà khác ở Plainfied (NJ), chui xuống hầm và in thành tập bằng một loại máy in “duy nhất”, thứ máy in được biến chế bằng đủ loại thập vật phế thải kể cả nồi niêu soong chảo của vợ nhà.

Giấy, mực thì rình mua trên E-bay hay bán tháo bán đổ ở những cửa tiệm phá sản. Báo in xong cắt dán bằng tay, keo nung nóng đốt phỏng tay là thường… Vẫn vui, vẫn say mê, vẫn hớn hở mỗi lần nhìn thấy từng tập báo hoàn thành. Rồi cột rồi bó rồi vác từng thùng chất lên xe chạy ra nhà bưu điện, gởi đi tám hướng. Vác mệt còng lưng, dán tem mệt nghỉ. Vẫn vui, vẫn mừng… Cám ơn, cám ơn vô vàn những tấm lòng đã làm một việc gần như “khùng khịu” nhất đời để cuộc chơi chung của bạn bè còn có cơ tiếp diễn, để người quen kẻ lạ còn có chỗ trải bày tâm sự, để văn chương khỏi bị “cách” cái “mạng” oan tình.” (1)
18 năm. 86 số báo không định kỳ vẫn đều đặn tới tay bạn đọc với số trang dày theo thời gian.
Số 1-17: Tuyển tập thơ văn
Số 18: Y Uyên + Tuyển truyện Y Uyên
Số 19: Nguyễn Nghiệp Nhượng + tập truyện NNN
Số 20: Nguyễn Bắc Sơn + thơ NBS (Chiến tranh VN và tôi)
Số 21: Võ Hồng
Số 22: Viết trong khói lửa
Số 23: Vũ Hữu Định + thơ VHĐ toàn tập
Số 24: Hoài Khanh + 4 tập thơ HK
Số 25: Văn thơ xứ Quảng
Số 26: Nguyễn Nho Sa mạc + Vàng Lạnh (thơ NNSM)
Số 27: Phan Nhự Thức + Đốt Tuổi (tái bản thơ PNT)
Số 28: Tuyển tập thơ văn mùa hạ
Số 29: Từ Thế Mộng + thơ TTM (Lẽo Đẽo Một Phương Quì)
Số 30: 3 tác giả (Trần Huiền Ân, Mang Viên Long & Cao Thoại Châu)
Số 31: 3 người viết
Số 32: Trần Dzạ Lữ
Số 33: Tạp chí Ý Thức
Số 34: Lê văn Trung + thơ LVT (Bi Khúc)
Số 35: Trường xưa
Số 36: Khuất Đẩu + 3 tác phẩm của KĐ
Số 37: Thư từ Tuy Hòa
Số 38: Hơi thở đồng bằng
Số 39: Tạp chí Trước Mặt
Số 40: Những mùa Giáng sinh khó quên
Số 41: Tuyển tập thơ văn mùa xuân
Số 42: Mẹ
Số 43: Cha
Số 44: Tưởng niệm Thảo Trường
Số 45: Mây Viễn Xứ - Giới thiệu Nhà thơ Lâm Hảo Dũng
Số 46: Nhà văn Doãn Dân
Số 47: Nhà thơ Luân Hoán
Số 48: Tạp chí Bách Khoa
Số 49: Lâm Vỵ Thủy + Thơ LVT (Sao em không về làm chim thành phố)
Số 50: Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
Số 51: Cõi Đá Vàng + truyện dài CDV của Nguyễn thị Thanh Sâm
Số 52: Khoa Hữu & Nh. Tay Ngàn + thơ KH (Lửa)
Số 53: Tạp chí Văn
Số 54: Ba lô mang theo hồn thơ văn
Số 55: Dương Nghiễm Mậu + Bút ký DNM (Địa ngục có thật)
Số 56: Những Vấn Đề Văn Học
Số 57: Văn chương Blog
Số 58: Tính nhân bản trong văn chương miền Nam
Số 59: Phùng Thăng + 2 dịch phẩm của PT (Những ruồi, Kẻ lạ ở thiên đường)
Số 60: Tạp chí Sáng Tạo + sách báo ST (Thơ ST, Tuyển truyện ST, Thảo luận ST + Toàn bộ ST chụp lại)
Số 61: Hiện tượng những nhà văn nữ
Số 62: Tạp chí Khởi Hành
Số 63: 20 năm văn học miền Nam & tạp chí Vấn Đề
Số 64: Tạp chí Trình Bầy
Số 65: Tưởng niệm nhà văn Hoàng Ngọc Hiển & giới thiệu tạp chí Thời Tập + điểm sách của HNH
Số 66: Tạp chí Hiện Đại
Số 67: Trong Lớp Khói Màu & giới thiệu tạp chí Văn Nghệ
số 68: Văn chương chửi thề & giới thiệu tạp chí Nghệ Thuật
Số 69: Tạp chí Mai
Số 70: Nhà thơ Phạm Ngọc Lư & Biên Cương Hành + thơ PNL (Đan Tâm)
Số 71: Chiều đầy bông Phùng Thăng
Số 72: Giới thiệu tạp chí Văn Học (1962 – 1975)
Số 73: Giới thiệu tạp chí “di cư” Văn Hóa Nguyệt San (1952 – 1974)
Số 74: Báo sinh viên và Nguyệt san Tình Thương
Số 75: Những số báo văn học cuối cùng của miền Nam
Số 76: Nhà văn Lữ Quỳnh
Số 77: Nhà văn Triều Sơn
Số 78: Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ
Số 79: Trần Hoài Thư vẫn còn mãi đam mê
Số 80: Cõi thơ Cao Đông Khánh
Số 81: Nguyễn Kim Phượng: người lính viết văn & dịch giả ở tiền đồn
Số 82: Nhà văn Trần Doãn Nho
Số 83: 10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận (Trầm Kha, Y Uyên, Phan Huy Mộng, Nghiêm Sỹ Tuấn, Trần Như Liên Phượng, nhạc sĩ Dzũng Chinh, Hoài Lữ, Doãn Dân, Nguyễn Phương Loan, Song Linh)
Số 84: Tưởng nhớ 9 bằng hữu cộng tác viên (Nguyễn Bắc Sơn, Đinh Cường, Phạm Ngọc Lư, Hoàng Ngọc Hiển, Lê Văn Thiện, Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Lâm Anh, Trần Văn Nam)
Số 85: Lữ Kiều Thân Trọng Minh
Số 86: Trần Phong Giao và những người viết trẻ

blank blank
Bìa trước và sau TQBT số 86 tháng 10-2019

Những ngày đầu khi hai anh Thư và Nhàn mới bước vào tuổi 60, vẫn còn khỏe để cáng đáng mọi việc. Chị Yến vẫn cùng anh Thư lái xe đi thư viện Cornell hay Yale để tìm Di Sản Văn Chương miền Nam… Hãy nghe anh Trần Hoài Thư chia sẻ nỗi khó khăn của một trong những lần ấy. Để hiểu. Và cảm thông.

“… 4 giờ sáng mồng 7 Tết Tân Mão, bắt đầu rời nhà. Rời nhà khi trời còn đen tối, khi tuyết bão, khi trời sương mù dày dặc. Khi chúng tôi đến Scranton, cách thư viện Cornell khoảng 50 dặm, vào lúc 8 giờ sáng thì đường đông đá. Chiếc xe chạy đầu chạy chậm lại khiến tôi, quen như một phản xạ, cũng đạp thắng, và đạp rất nhẹ. Vậy mà xe đã mất điều khiển trợt tự do. Hết trái, rồi qua phải, không thể kiềm chế nó nổi... Trong khi đó phía đường ngược chiều nằm phía bên trái, một chiếc xe truck chạy ngược lại. Tôi chỉ còn biết nhắm mắt. Tôi hiểu là tôi đang chờ một chuyện chẳng lành, vì có thể chiếc xe của tôi xe bay xuống đầu xe truck. Chân tôi lại đạp thắng, ra gì thì ra. Chiếc xe quay vòng trên đường rồi sau đó lao đầu vào vùng tuyết dày dặc bên đường... Rồi nằm ụ ở đó, chôn sâu dưới đống tuyết đến ngang tầm tay lái. Cửa xe không thể mở ra. Chúng tôi bị kẹt trong xe. Rất may là máy vẫn nổ, đèn vẫn sáng. Rất may có hai chiếc xe khác đậu lại bên đường. Một người đàn bà hớt hải chạy lại hỏi có sao không. Và gọi giùm 911. Chừng 15 phút sau, xe cảnh sát tới. Hơn một giờ sau, xe kéo xuất hiện. Xem lại xe. Không hề hấn gì, ngay cả một vết sơn trầy xước. Rõ ràng, tuyết không còn khắc nghiệt mà trái lại quá bao dung. Tuyết mềm mại, giữ gìn che chở mạng sống chúng tôi. Lòng tuyết là lòng mẹ, lòng cha, lòng Trời Đất. Sự mầu nhiệm này chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mới cảm nhận. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến thư viện Cornell. Lần này xe mở đèn emergency và chạy rất chậm. Bằng mọi giá, Bàn Tay Cho Yến phải được tìm lại, phải được có mặt trên tạp chí này, như là tấm lòng của một người bạn văn chương, một đồng đội cũ về một nhà văn và một người lính đã nằm xuống tức tưởi trong cuộc chiến hôm qua...
Anh Doãn Dân ơi, cảm tạ anh đã che chở và giữ gìn chúng tôi...” (2)

blank
Số báo cuối cùng chị Yến còn đi thư viện Yale tìm tài liệu.

Giờ đây, chị Yến đang nằm trong Nursing Home vì ảnh hưởng sau trận đột quỵ liệt nửa người bên trái vào cuối tháng 12/2012, sức khỏe và tinh thần chị cũng không còn như xưa. Anh Trần Hoài Thư trở thành một trong những caregiver của chị, với nhiệm vụ nấu ăn, giặt giũ.
“Với bàn chân với tội hình
Ta lê chân đến với mình hôm nay
Ngoài sân tuyết phủ ngập đầy
Chân mang bọc nhựa thay giày bốt cao
Ngày xưa quanh quẩn chiến hào
Giày saut trận mạc, bạc màu núi sông
Bây giờ vợ vợ chồng chồng
Bao nylon bọc đôi bàn chân sưng
Ngày xưa lội suối băng rừng
Ngày nay lội tuyết
ngập đường mênh mông
Ngày xưa là một quê hương
Ngày nay là một tấm lòng có nhau
Sá gì cái bàn chân đau
Thương ta
     mình gắng nuốt (cơm) vào, ta vui” (3)
Còn hai người "đầu tàu" của TQBT cũng “xất bất xang bang” vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 này. Họa vô đơn chí. Anh Nhàn bất ngờ phải vào cấp cứu trong bệnh viện. Bạn bè lo lắng tới tấp viết điện thư hỏi thăm. Rồi các anh Nguyễn Xuân Thiệp (từ Dallas), Lương Thư Trung, Cái Trọng Ty, anh chị Phan Xuân Sinh và anh Tô Thẩm Huy đã vào bệnh viện Memorial Hermann, Houston thăm anh. “Chưa biết bệnh tình nặng nhẹ ra sao, còn chờ kết quả thử nghiệm, nhưng anh Nhàn rất vui có bạn bè vào thăm hỏi, ngồi nói chuyện sang sảng, kể đủ mọi chuyện, từ chuyện đánh vật với ma trong nhà thương đến chuyện nằm trên giường dùng điện thoại viết bài cho TQBT số tới v.v...” (4). Gần đây tôi mới biết thêm anh Nhàn đã bị cắt bỏ túi mật vào hai năm trước (xin đọc bài viết ngắn "Tham Thực Cực Thân" của anh đi trong số này.)
Còn anh Trần Hoài Thư khi thức dậy “thấy nằm dưới chân giường với hai cục u như quả bóng bàn trên trán, thêm con mắt sưng húp thấy máu trào ra hai bên khóe dưới chân giường. Phải gọi 911. Nằm nửa buổi.” (5)

blank blank
Hai nhân vật trụ cột của TQBT vào đầu tháng 9/2019

Nhưng bệnh tình và chuyện gia đình không ngăn hai anh tiếp tục cuộc chơi. Trong bệnh viện anh Nhàn vẫn viết. Anh Thư vẫn tiếp tục lo bài vở, sáng tác, in ấn... để báo được phát hành.
“Con tôi đã thức dậy rồi
Đang thi nhau nhả những tờ giấy in
Đứa dưới hầm, đứa ở trên
Đứa chạy chậm, đứa “run” nhanh cấp kỳ
Đứa chớp đèn báo bị jammed
Đứa cho biết giấy đã vơi cạn rồi
Vậy mà vui quá là vui
Hình như xuân cũng về rồi, bạn ơi

Con tôi đã thức dậy rồi
Thư Quán Bản Thảo sắp ra đời, bà con!” (6)
Trong năm qua anh Trần Hoài Thư cũng đã nghiên cứu và thực hiện flipbook các tạp chí văn học nghệ thuật miền Nam như Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Nghiên Cứu, Mai, Văn, Văn Học, Văn Nghệ, Tân Văn, Văn Hóa Nguyệt San, Vấn Đề, Trình Bầy, Hiện Đại, Tình Thương, Ý Thức... Một kho tài liệu quý báu của Di Sản Văn Chương miền Nam. Thật đáng ngưỡng mộ!
“Sáng thức dậy
Pha tách cà phê
Ngồi lại trước máy
tiếp tục layout cuốn Văn viết về Võ Phiến năm 1974
Đã được 77 trang
Vừa làm vừa đọc
Ít ra công việc cũng mang đến những niềm vui trí tuệ
Trí tuệ từ cách làm sao biến những hàng chữ mờ không rõ nhòa nhạt vì quá lâu, nửa thế kỷ rồi còn gì
trở thành lung linh màu mực mới
từ color sang black and white
từ 2 color sang 16 color

Vui mừng đến muốn khóc
Khi trí não ta vẫn còn lành lặn
Để biết thêm về ngôn ngữ CSS, HTML5
Để vui vầy như con nít ráp Lego
Ôi trí tuệ
Tôi đang mang nó vào cuốn Văn về Võ Phiến này
Tôi sẽ làm những margin đều đặn
Những vết đen được tẩy đi
Những chữ mờ được rõ ra
Tôi sẽ viết CSS custom class để làm flipbook được đẹp hơn
Để cám ơn ông” (7)

Không biết nói gì hơn, em xin chúc mừng cùng hai anh trong dịp này. Mong hai anh luôn được bình an và sức khỏe để tiếp tục dấn bước trên con đường đã chọn. Để Thư Quán Bản Thảo tiếp tục là mái nhà của những anh em cầm bút và những bạn đọc còn yêu mến, mong chờ ngày Thư Quán Bản Thảo phát hành. Để được cầm trên tay tờ báo nặng trĩu tấm lòng với Văn Chương Miền Nam một thời rực rỡ.

Trần Thị Nguyệt Mai
14/9/2019
(từ: hocxa.com)
(1) Cao Vị Khanh - Có Một Thời Như Vậy
(2) Trần Hoài Thư, Đi tìm Bàn Tay Cho Yến, TQBT số 46 tháng 4/2011, tr. 5
(3) Trần Hoài Thư - Sá gì với cái chân gout
(4) Trích điện thư ngày 2/9/2019 của anh Tô Thẩm Huy
(5) Trích điện thư ngày 2/9/2019 của anh Trần Hoài Thư
(6) Trần Hoài Thư - Con tôi đã thức dậy rồi
(7) Trần Hoài Thư - Cái Còn Lại

Không có nhận xét nào: