Phụ nữ ai rồi cũng phải đến cái độ “hồi xuân”. Nhưng đôi lúc chuyện hồi xuân của các bà vợ lại là vấn đề đau đầu của các đức ông chồng.
<!>
Có lẽ không có lĩnh vực nào ảnh hưởng đến cung cách hành xử của con người bằng tâm lý. Từ dạy dỗ con cái trong nhà, đến chính sách giáo dục tư/công, suy tư mua và bán/tiếp thị (marketing), văn hóa tập thể/tổ chức, quản lý thay đổi (change management), đào tạo nhân tài/lãnh đạo, tâm lý chiến v.v…, và đặc biệt là tác động chính trị. Mọi cuộc vận động hay thay đổi chính trị đều cần đến kiến thức nền tảng, nếu không phải là chuyên môn nhất, về tâm lý để mang lại hiệu quả và kết quả sau cùng.
Ít có một Lãnh đạo quân sự và chính trị nào quan tâm nhiều đến lĩnh vực tâm lý như Dwight D. Eisenhower, vị Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ từ năm 1953 đến 1961, và cũng là Tổng tư lệnh Tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh trong Thế Chiến II, chỉ huy cuộc chiến từ châu Phi đến châu Âu.
Sau Thế Chiến II, trong lá thư đề ngày 2 tháng Giêng 1946 gửi cho Tướng Maxwell Taylor, lúc đó giữ vai trò Tổng Chỉ huy Học viện Quân sự West Point, một trong những Trường đào tạo Lãnh đạo quân sự và chính trị danh tiếng nhất của Hoa Kỳ, Tướng Eisenhover khuyến khích Tướng Taylor xây dựng ngành tâm lý vào trong giáo trình của West Point, vì ông cảm thấy rằng rất nhiều thất bại về Lãnh đạo, mà ông đã quan sát trong Thế Chiến II là kết quả của sự thiếu giáo dục và hiểu biết của cấp Chỉ huy về tâm lý [1]. Trong lá thư Eisenhover viết cho Taylor, ông cho rằng: Ngành tâm lý thực tiễn và tâm lý áp dụng, từ lý thuyết đến thực hành, ít nhất cũng làm thức tỉnh phần lớn các Học viên về sự cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề con người trên cơ sở con người, để cải thiện khả năng Lãnh đạo và hành xử nhân sự trong Quân đội nói chung.
Theo Giáo sư Michael D. Matthews, thành viên cao cấp của Khoa học Ứng xử và Lãnh đạo của Học viện West Point, và là một trong các Chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tâm lý quân sự, thì tâm lý là ngôi nhà tự nhiên cho ngành Lãnh đạo học chính thức. Các Học viên có thể chọn năm chương trình học sau đây: Tâm lý thiết kế, lãnh đạo, quản lý, tâm lý và xã hội học. Và ít có trường Đại học nào tại Hoa Kỳ cung cấp chương trình học một cách đa dạng như Học viện West Point. Đó là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Eisenhower hơn bảy thập niên qua. Giáo sư Matthews kết luận rằng: Sau cùng có lẽ Eisenhower đúng, vì kiến thức căn bản của tâm lý là bao gồm nhân cách, căng thẳng, kiên trì, học tập, và trí nhớ, cùng hành vi xã hội, đều là những điều mà các nhà Lãnh đạo cần biết để Lãnh đạo một cách hiệu quả.
Tâm lý trong thời đại này ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong vai trò Lãnh đạo thuộc mọi địa hạt và mọi cấp bậc. Nếu Lãnh đạo không tốt thì không chỉ giảm hiệu lực và còn hiệu năng của nhân viên, và sau đó còn mất người. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, 60 đến 70 phần trăm nhân viên làm việc không hết khả năng của mình, làm mất đi năng suất trị giá 450 tỷ đô la, và sau đó bỏ việc đi nơi khác không phải vì công ty, mà vì Lãnh đạo trực tiếp của mình [2]. Nhiều nghiên cứu khác cũng kết luận tương tự.
Theo Giáo sư, nhà Nghiên cứu và cũng là nhà Điều trị/thực hành tâm lý, Melanie Greenberg, Lãnh đạo chủ yếu là về con người, và những nhà Lãnh đạo tài hoa nhất là bậc thầy của động lực và cảm hứng [3]. Công việc của người Lãnh đạo, theo Greenberg, là “tạo ra và duy trì môi trường cảm xúc tích cực, trong đó sự căng thẳng và sự đòi hỏi phải làm việc trong một thế giới cạnh tranh, và luôn thay đổi được bù đắp bằng sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cơ hội phát triển, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, và chia sẻ những phần thưởng của thành công của tổ chức.” Khoa học thần kinh trong thập niên qua đã khám phá vô vàn kiến thức về chức năng cảm xúc nhưng rất nhiều Lãnh đạo hiện nay vẫn không am tường về vấn đề này.
Ba lĩnh vực quan trọng dựa trên tri thức tâm lý khoa học có thể giúp cho mọi Lãnh đạo hiện nay trở nên hiệu quả hơn là: Quản lý lo lắng và sợ hãi; giải quyết thay đổi và bất định; và cổ động người khác.
Một, biết quản lý sợ hãi và lo lắng của mình và nhân viên khi bị áp lực để giữ vững tinh thần và tín nhiệm của nhân viên và khách hàng là cực kỳ quan trọng. Tâm lý giúp được điều này nếu chúng ta ý thức những cảm xúc của mình, không để bị phần não Amygdala chiếm đoạt lấy phần não lý trí pre-frontal cortex/PFC.
Hai, bộ óc con người thích những tình huống quen thuộc và có thể dự đoán được, và đương nhiên không thích rủi ro, cho nên nó nhìn thay đổi và bất định như là mối đe dọa. Hiểu được như thế, Lãnh đạo tập làm quen và chịu đựng những khó chịu về cảm xúc để rộng mở tiếp thu các nguồn tin mới để cân nhắc, tính toán và kiểm soát lại chiến lược, thử thách và cơ hội đang gặp phải.
Ba, con người chúng ta tự nhiên được động viên để tối-đa-hóa phần thưởng và tránh đau đớn. Vì thế khi Lãnh đạo trừng phạt nhân viên vì lỗi lầm, hay vì những lý do khác, họ giết chết sự sáng tạo, nhưng nếu họ xem lầm lỗi là cơ hội để học hỏi và phát triển, và ai mà không lầm lỗi, nó sẽ giúp cho nhân viên phát triển kỹ năng và muốn thử tìm các giải pháp mới, sáng tạo và tốt hơn.
Hiểu được nguyên cơ con người, Lãnh đạo có thể tối-đa-hóa sự tham dự và cam kết của nhân viên mình, vì ai cũng muốn thấy mình có giá trị và các đóng góp của mình được trân trọng. Những Lãnh đạo thất bại chịnh yếu là vì thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với người khác. Như đã trình bày trong loạt bài về Abraham Lincoln, tài năng xuất chúng của ông nằm ở chỗ ông hiểu tâm lý con người, nhất là những nhu cầu cảm xúc cá nhân của tất cả những người ông làm việc với.
Alphabet/Google là một trong những công ty thành công nhất và mô hình tiêu biểu trong thời đại nay, vì nó tạo ra môi trường làm việc hiệu quả nhất. Họ nghiên cứu và hiểu rõ rằng an toàn tâm lý là tiêu chuẩn quan trọng nhất để một đội làm việc với nhau hiệu quả nhất.
Chúng ta, ở trong bất cứ vai trò nào, là cha hay mẹ, anh hay chị, Giáo viên hay công chức, Lãnh đạo quốc gia hay một Hội Sinh viên v.v…, khi hiểu được điều này và biết áp dụng thì kết quả làm việc của mình sẽ tích cực và hiệu năng hơn nhiều.
Như thế, chúng ta cũng hiểu được vì sao những nền chính trị và văn hóa chuyên sử dụng tối đa bạo lực và sợ hãi không thể tiến bộ, nhất là về sự phát triển con người toàn diện. Đúng ra những tác hại do các chính sách cai trị này là vô cùng lớn lao, mà bài thơ “Từ Vượn Lên Người” của Nguyễn Chí Thiện đã phản ảnh thực tế này.
Cách sử dụng bạo lực, trừng phạt, chửi mắng, đe dọa v.v…, ngay cả với những người thân thương nhất, với con cái của mình, vẫn còn hiện hữu rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, vì chính chúng ta đã từng là nạn nhân. Không ý thức, chúng ta sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và lan truyền từ đời này sang đời khác những thứ tệ hại nhất.
Tôi tin rằng con người và đất nước Việt Nam có thể vượt qua các chướng ngại, và có thể trở thành cao siêu, lớn mạnh và vĩ đại, vì chúng ta có khả năng như bao dân tộc khác. Nhưng với điều kiện là chúng ta hiểu được bản chất con người, tức thẩm thấu tâm lý và quyết tâm áp dụng nó. Khoa học thần kinh và tâm lý nói chung là kiến thức vô cùng quan trọng, và là phương tiện để giúp chúng ta xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ, một đất nước dân chủ và nhân bản, cách đối xử với nhau hài hòa và nhân ái, để góp phần mang lại những cái hay nhất từ con người (bring out the best in people) thay vì mang ra những cái tệ hại nhất (bring out the worst in people) mà các chế độ cường quyền đã làm.
Chúng ta có thể nhận ra và nỗ lực giúp cho các thế hệ mai sau vượt qua chính mình để vươn lên cùng với các nền văn minh khác.
Phạm Phú Khải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét