Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Cửa hàng 0 đồng ‘thơm thảo’ của người Sài Gòn


Sài Gòn có nhiều người cần sự giúp đỡ thì cũng luôn có người luôn sẵn lòng chia sớt, sẻ san, cửa hàng 0 đồng này như một nhịp cầu trung gian nối kết hai điều ấy. Thành phố đắt đỏ, xô bồ, trăm ngàn dịch vụ, dù là những thứ tủn mủn nhất cũng phải bỏ tiền ra mua. Nhưng ngược lại với mặt trái ấy, có những nơi sẵn sàng cho đi rất nhiều mà không cần người nhận trả bất kì khoản phí nào. Mới đây, một cửa hàng đã thu hút sự chú ý của nhiều người khi 'kinh doanh' theo kiểu lạ lùng như vậy: 0 đồng, ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho.Nằm trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, cửa hàng này mở từ 6h đến 11h mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 7, buổi chiều vẫn đón khách nhưng không mở rộng rãi như lúc sáng<!>
Mô hình cửa hàng 0 đồng được ông Nguyễn Viết Hợp (66 tuổi), Chủ tịch Hội giáo xứ Tân Sa Châu khởi tạo từ năm 2016, nhưng chỉ thật sự được 'ăn nên làm ra' từ tháng 5 đến nay.

Ít ai biết, tại nhà thờ này, còn có một mô hình 0 đồng khác còn lâu đời hơn cả cửa hàng trên, đó là bữa trưa 0 đồng cho người nghèo, đã duy trì được hơn 11 năm nay.

Khách đến dùng cơm đa phần người lao động nghèo, người vô gia cư, người già, người bệnh tật…

Mỗi người sẽ được nhận một phần ăn gồm canh, rau, thịt, trái cây mà không phải trả tiền. Nhiều trường hợp đau ốm còn được chuyển phần ăn đến tận nhà

Trong lúc quản lý bếp ăn này, quan sát thấy nhiều người ăn mặc rách rưới đến đây, ông Hợp nảy sinh mong muốn sẽ lo cho họ cái mặc tươm tất hơn, vậy là mô hình cửa hàng 0 đồng ra đời.

Cửa hàng 0 đồng sẽ kêu gọi, tiếp nhận các loại trang phục như áo, quần, giày dép, mũ, túi xách, ba lô... đã qua sử dụng từ mọi người, sau đó lựa chọn, phân loại và mở ra phát cho những ai thiếu thốn. 

Theo chia sẻ, mỗi ngày, nơi này nhận được 400-500 bộ quần áo, và ước tính có khoảng 100 người đến lấy

Số lượng đồ nhiều quá sẽ được đóng gói và chuyển về các tỉnh huyện vùng sâu, vùng xa

Nhiều người đến đây thường không tránh khỏi việc mắc cỡ, ngại ngùng nhưng thái độ tử tế, ân cần của những tình nguyện viên sau đó có thể giúp họ thấy thoải mái hơn

Tại đây, món đồ 'đắt hàng' nhất là áo khoác. Cửa hàng quy định, với những món đồ có số lượng ít như giày, gấu bông, mỗi người chỉ được lấy một cái. Còn với quần áo thông thường, có thể lấy tự do, không giới hạn số lượng và hoàn toàn không mất một đồng nào.

Khi được hỏi có sợ sẽ tồn tại lòng tham, không thiếu vẫn cứ lấy hoặc thiếu ít nhưng lấy nhiều không, ông Hiệp trả lời: 'Lúc mới mở tôi cũng có nghĩ đến trường hợp này. Lòng tham thì chắc chắn là sẽ có nhưng tôi tin nó sẽ không nhiều. Miễn ai đến lấy, mình đều sẵn sàng cho đi. Bởi vì bên cạnh việc có thể giúp đỡ trực tiếp được nhu cầu ăn mặc của một số người khó khăn, quan trọng là mô hình này còn có thể lan rộng ra tinh thần bác ái nữa'.

Câu hỏi này cũng từng được đặt ra khi mới lập nên căn bếp nấu ra những bữa cơm 0 đồng 11 năm về trước. Tuy vậy, ông đã bỏ qua nỗi 'lăn tăn' kia khi ngẫm ra rằng: 'Người ta chịu tới đây, tức người ta chịu mang cái mác nghèo rồi. Ai cũng có lòng tự ái, ai cũng có lòng tự trọng mà. Nên chỉ cần người ta tới, mình đều đón tiếp chu đáo hết'.

Cửa hàng 0 đồng này đóng vai trò như một cầu nối trung gian, giữa những người có thứ cần và những người có thứ muốn cho

Nhiều người lượm ve chai sẵn đường qua ngang thì ghé vào, xin chiếc mũ cũ đội lên đầu, để lại lời cảm ơn và rời đi về phía những ngã đường oi ả nắng trưa. Có nhiều bà mẹ bán vé số chạy xe đạp vào, mừng tủi vì lựa cho con mình một chiếc quần tây đẹp để dành cho ngày khai giảng sắp tới.

Cũng có ông chú xe ôm lạc quan hơn, lựa được chiếc quần jean xanh đậm thì khoe 'cái này mặc đi đám cưới được lắm nè'. Hay cũng có những đứa trẻ đi bán hàng rong cùng mẹ, ngập ngừng nhìn một chú gấu bông trên bàn, lễ phép hỏi người lớn 'cho con xin con này đem về chơi được không?'.

Những thứ đã ít nhiều cũ với người này, nhưng với người khác, vẫn là những cái mới, cái cần, cái giá trị. Thế mới thấy, không có gì là hoàn toàn vô dụng, là phải vứt đi, chỉ là nó chưa được để ở đúng nơi cần nó mà thôi.

Bên cạnh việc là 'cửa hàng quần áo' cho người nghèo, nơi này còn là địa chỉ thiện nguyện uy tín của nhiều nhà hảo tâm.

Họ có một nơi an tâm để gửi gắm những món đồ mình có, có thể trực tiếp chứng kiến những thứ mình đã bỏ ra mang đến niềm vui cho người khác thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét