Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Người già và những rủi ro trong mùa lạnh - Hoàng Chiêu Ấn

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, mỗi một trong ba người lớn tuổi (65 tuổi trở lên) té ngã mỗi năm, nhưng chưa đến phân nửa số người té ngã đó khai thiệt với bác sĩ gia đình. Với người lớn tuổi, té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết hoặc thương tật suốt cả đời. Hai mươi đến ba mươi phần trăm những người té ngã phải chịu những chấn thương từ trung bình đến nặng như rách da, gãy xương hông hoặc chấn thương đầu. Tôi khá rành về chuyện này, vì tôi đã có kinh nghiệm bản thân rồi. Hơn tám năm về trước, tôi đi trên bãi đậu xe có nước đóng băng, mất đà, thắng lại không kịp, trượt chân té, đập một bên đầu xuống đường bất tỉnh. Bác sĩ nhà thương cho biết một số mạnh máu trong đầu tôi bị vỡ gây máu tụ sưng bên trong (nội xuất huyết), tổn thương dây thần kinh làm ảnh hưởng đến các cử động tay chân và khả năng phát âm. Cho đến nay, có lúc yếu mệt, tôi đớ lưỡi nói không rõ tiếng, miệng khi nhai hay cắn trúng môi, các ngón tay lóng cóng gõ bàn phím trật chữ, và nhất là hai chân bước đi rất liêu xiêu lạng quạng. Tôi vẫn tiếp tục té đều đều nhưng không nặng, chỉ trầy mặt trầy tay và ê ẩm mình mẩy chút đỉnh. Dù sao, thật may là tôi vẫn còn sống nhăn để lai rai viết lách.<!>
Đối với đám dân số người già 70 tuổi trở lên (geriatric population), té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương, vượt quá con số tai nạn xe hơi nữa. Bác sĩ đưa ra những lời khuyên như sau cho các ông bà cao tuổi:
– Mang giày đế cao su để có sức bám (traction) với mặt đường vững chắc hơn.
– Luôn luôn vịn tay vào cầu thang khi đi lên hoặc xuống các bước thang lầu và nhớ bật đèn sáng lên. Trong xóm tôi đã có xảy ra vài trường hợp người già chết vì té thang lầu.
– Nên dọn sạch tuyết xung quanh nhà: lối xe vào chỗ đậu, lối đi bộ, hiên nhà, sàn gỗ lộ thiên (deck) sau nhà, v.v…
– Đi bộ từng bước ngắn để dễ giữ cho cơ thể được thăng bằng; tay rảnh rang, đừng khuân vật nặng. Khi đi chợ, nên dùng xe đẩy của siêu thị.
– Đừng nên vội vã, nên cẩn thận để ý đường đi và lúc bước lên xe. Nhìn mặt đường, mặt sàn, thảm cầu thang để khỏi vấp té. Nếu cần, nên dùng gậy chống hoặc xe vịn. (Tôi lại cảm thấy cây gậy làm tôi vướng víu và dễ mất thăng bằng; khi chống gậy, tôi vẫn té như thường).
– Duy trì chương trình tập thể dục ở nhà. Nên nhớ một điều là cho dù bạn đã cẩn thận đề phòng nhưng khi té thì vẫn té vì xui xẻo. Nhớ nên có điện thoại trong túi để nếu té ngã thì còn kịp gọi thông báo cho người đến giúp. Nếu bạn sống một mình thì việc luôn luôn có điện thoại sẵn trong tầm tay vói càng cần thiết hơn.
Giáng Sinh Trắng, đón mừng năm mới trong đêm giao thừa có tuyết rơi, đối với những người trẻ thì đó là một điều lãng mạn đáng yêu thích. Trượt ván, trượt tuyết, trược băng, chơi thể thao khúc côn cầu, bao nhiêu trò giải trí mùa đông cho giới trẻ. Nhưng mùa lạnh này có thể hết sức nguy hiểm cho người già. Điều này đặc biệt xảy ra trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, bão tuyết và mưa đá. Mùa đông càng kéo dài, người già càng ngao ngán. Một số người có điều kiện lựa chọn trốn lạnh bằng cách bay về vùng nắng ấm.
Nhiều ngày trong mùa đông, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, đường sá ngập tuyết hoặc nước đóng băng rất trơn trợt, mối nguy hiểm đe dọa cho người già tăng cao khi họ có việc cần thiết phải đi ra ngoài: mua sắm thức ăn, thuốc men trị bệnh, đến văn phòng bác sĩ khám bệnh, đi ngân hàng… Đi bộ, dùng hệ thống chuyên chở công cộng, lái xe đều trở nên khó khăn hơn và nguy hiểm hơn.
Ngoài nguy cơ té ngã, một vấn đề khác nữa khi người già đi ra ngoài vào mùa đông là tình trạng hạ thân nhiệt (hypothermia). Chỉ cần nhiệt độ cơ thể, bình thường là 37 độ C, xuống thấp hơn 35 độ C, thì đã có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Người cao niên đặc biệt dễ mắc phải tình trạng này vì vào mùa đông, họ thường giảm khả năng vận động, ít mỡ trong cơ thể và khó cảm nhận nhiệt độ hơn. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng bao gồm da lạnh, run rẩy, nhầm lẫn, yếu, buồn ngủ, nhịp tim chậm và khó thở.
Con cháu của người già có thể giúp cha mẹ ông bà tránh bị hạ thân nhiệt bằng cách thường xuyên nhắc nhở họ phải ăn mặc cho phù hợp với mùa đông. Điều này có nghĩa là phải mặc nhiều lớp quần áo ấm, đội mũ, quàng khăn choàng cổ và mang giày kín. Nếu có tuyết rơi hoặc mưa, người cao niên nên mặc áo khoác không thấm nước. Nếu trời có bão tuyết, gió mạnh, rét cóng, tốt nhất là người cao niên nên ở trong nhà thay vì mạo hiểm ra ngoài.
Bên trong nhà vào mùa đông cũng có rủi ro cho người già. Có những ngôi nhà cũ với hệ thống sưởi điện không đủ hiệu quả nê không đủ ấm khắp nhà. Một số người cao tuổi lại có thói quen tiết kiệm hoặc sợ con cái tốn tiền nên vặn sưởi thấp không đủ ấm. Nhiệt độ trong nhà nếu thấp dưới 18 độ C là đã lạnh vì trung bình phải là 20 hay 21 độ. Nên nhớ một điều quan trọng là người già chịu lạnh dở hơn người trẻ.
Trong số các mối nguy hiểm mùa đông phổ biến nhất đối với người cao niên là bệnh cúm. Trong khi những người trẻ tuổi hơn thường có thể chống lại căn bệnh này, những người già có xu hướng dễ bị bệnh hơn. Trên thực tế, cúm có thể biến thành viêm phổi và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Con cháu nên nhắc cha mẹ chích ngừa cúm đúng hạn kỳ đầu mùa cúm hàng năm. Tránh tiếp xúc với người bệnh và rửa tay thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh cúm và các bệnh khác.
Phiền muộn, ưu sầu, trầm cảm. Chắc bạn cũng thường nghe nói đến thuật ngữ “winter blues” là một loại rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder = SAD). Mùa đông đối với người già “SAD” (buồn) là phải rồi. Ngày ngắn đêm dài, bầu trời ảm đạm thiếu nắng ấm, cảnh vật bao trùm một màu trắng xóa, đường sá lầy lội, co ro ngồi cả buổi nhìn ra cửa sổ hay nằm chèo queo một mình, không buồn, phiền muộn, ưu sầu, trầm cảm, mới là lạ. Không nhận đủ ánh nắng mặt trời ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ ai về mức độ tâm trạng và năng lượng. Thậm chí nó có thể khiến cho các vấn đề về thể chất cảm thấy tồi tệ hơn; người cao niên nào đang có tình trạng sức khỏe yếu kém thì lại càng bị đau nhiều hơn bình thường. Nhức xương!
Do những yếu tố vừa kể, thống kê ở các xứ lạnh đều cho thấy người già chết trong mùa đông nhiều hơn các mùa khác. Khi nhóm người già tại các quốc gia phát triển ngày càng đông hơn, họ cũng chết vào mùa đông nhiều hơn. Tỷ lệ tử vong cũng cao hơn trong thời tiết lạnh và trong mùa cúm.
Bạn có nghe nói đến “Hội chứng Mặt trời lặn” (Sundown Syndrome) không? Đó là một triệu chứng của bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Nó còn được gọi là sự “nhầm lẫn vào cuối ngày” (late-day confusion). Qua các cuộc nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng sự lú lẫn của người già trở nên trầm trọng hơn vào lúc cuối ngày khi mặt trời đã lặn. Người cao niên nào phải vật lộn với điều này có thể cảm thấy bối rối, tức giận, cáu kỉnh và không thể nhớ lại ký ức một khi mặt trời bắt đầu lặn mỗi ngày. Vào mùa đông, ngày rất ngắn, hội chứng này ở người già càng dễ nhận thấy hơn. Ở Toronto lâu lâu lại có tin một ông một bà nào đó quên đường về nhà.
Vấn đề này trở nên tồi tệ hơn khi có ít ánh sáng ban ngày vì đồng hồ sinh học bên trong cơ thể con người bị gián đoạn khi trời tối hơn bình thường. Một cách để ngăn chặn vấn đề này, hoặc ít nhất là giảm các triệu chứng, là tập thói quen hàng ngày thư giãn vào buổi tối, xong đi ngủ sớm và sáng thức dậy sớm cho đầu óc tỉnh táo thảnh thơi để làm việc. Với trường hợp của riêng tôi, làm việc là tào lao viết lách.


Hoàng Chiêu Ẩn

Không có nhận xét nào: