Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Tình Nghĩa Vợ-Chồng của những cựu tù “cải tạo” - Hàn Giang Trần Lệ Tuyền



Mùa Hè năm nay, chúng tôi đã sang Hoa Kỳ tham dự Ngày Hội Ngộ Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng vào ngày 15/07/2018, tại Nam Cali.
Riêng tôi, không bao giờ quên những hình ảnh, từ những giây phút đầu cho tới cuối của Ngày Hội Ngộ.
Tôi nhớ những lời phát biểu của Anh Phan Thanh Thắng, Trưởng Ban Tổ Chức, có một đoạn ngắn: “Chúng ta hội tụ về đây, để tạ ơn nhau, để tạ ơn những người Mẹ, người Vợ, người thân, đã lặn lội ngàn dặm đến trại tù thăm chúng tôi…”<!>
Quả đúng như thế, không có gì cao quý bằng những tình nghĩa Phu-Thê, tình Mẫu-Phụ Tử, tình Huynh Đệ, đã chứng minh cho những tấm lòng cao quý ấy, mà tôi đã từng viết: Trại tù “cải tạo” của Việt cộng, là nơi thử nghiệm về Chất Người.

Tôi đã chứng kiến, ở những nơi ấy, đã cho con người hiểu được những tấm lòng cao quý, sắt son, thủy chung, của những người vợ của những người cựu tù “cải tạo”.

Những năm dài trong nhà tù “cải tạo” tôi đã được người Mẹ già lặn lội trèo non, vượt đèo, lội suối, vào tận rừng sâu để thăm con. Có một lần, vào dịp Tết, Mẹ tôi, vì nghĩ đến tôi không có gì ăn trong ba ngày Tết, và cứ tưởng sẽ được gặp tôi, nên đã lên trại thăm tôi vào ngày mồng Một Tết. Nhưng “quy định” của trại tù là phải đến mồng Bốn Tết mới được “thăm nuôi”. Bởi, ba ngày Tết, không có “công an vũ trang dẫn giải” đi ra nhà thăm nuôi.

Vì thế, Mẹ của tôi phải nằm ngủ không có màn chiếu giữa cái lạnh thấu xương của mùa Đông tại “nhà thăm nuôi” chờ ba ngày sau mới được gặp tôi!

Chính những năm tháng ấy, tôi thấu hiểu được những nỗi đau buồn của các vị cựu tù “cải tạo”, khi họ không được thân nhân thăm viếng, nhất là những người có vợ con. Và nhất là trong những dịp Tết Nguyên Đán, mỗi ngày, khi nghe cái loa phóng thanh gọi tên những người được ở nhà, không đi ra đồng, vì có người thân “thăm nuôi”. Tôi hiểu được các vị ấy đau buồn đến mức độ nào, khi biền biệt, không hề thấy bóng dáng của vợ con! Họ đau buồn, không phải chỉ vì những món quà, mà họ hết sức đau buồn, vì những năm tháng mỏi mòn, khi biền biệt, không hề thấy bóng dáng của vợ con!

Tôi nhớ đến Chị Bạch Nhạn, vợ của Bác sĩ Phùng Văn Hạnh, và Chị Kim Quy, vợ của Thiếu tá Nguyễn Văn Chước. Hai Chị đã tìm cách đưa con cái đi vượt biển, thoát đến bến bờ Tự-do trước, nhưng hai chị thì ở lại để tiếp tục “thăm nuôi” chồng trong tù.

Riêng Chị Kim Quy, có nhiều người bà con của anh chị nói “Bà cứ đi, rồi gửi tiền cho chúng tôi thăm ổng cho”; nhưng chị Kim Quy nói:
“Không có ai thăm chồng tôi bằng tui được, nên tui không đi, mà phải ở lại để thăm chồng tui cho tới ngày ổng về”.

Quả Trời cao không phụ lòng người, nên sau khi ra tù, Thiếu tá Nguyễn Văn Chước và Bác sĩ Phùng Văn, Hạnh đã cùng vợ con sum họp nơi hải ngoại.

Ngày Hội Ngộ Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng. Khi bước vào của Phòng Hội, tôi nhìn thấy một người có dáng cao, tay cầm chiếc gậy, đội chiếc mũ thấp, không thấy rõ khuôn mặt, mà tôi chưa kịp nhận ra, cho đến khi Ông lên tiếng:
“Anh là Nguyễn Văn Chước đây”.

Tôi bàng hoàng, vì không ngờ đó là Anh Nguyễn Văn Chước, vì tôi nhớ hình ảnh của anh ngày xưa, dù ở trong nhà tù “cải tạo”, nhưng nhờ có Chị Kim Quy, một người vợ tận tụy thăm anh, nên trông anh khỏe mạnh.

Tôi đứng im, nước mắt tôi trào tuôn, tôi vội vàng nói với anh:
- Em xin lỗi anh, vì em chưa kịp nhận ra anh. Ngày xưa ở trong tù, mỗi ngày đều gặp anh khi đi cấy, gặt… ngoài đồng.

Anh Nguyễn Văn Chước nói:
“Anh đã 92 tuổi rồi em”

Còn nhiều những kỷ niệm trong ngày Hội Ngộ này, tôi sẽ viết lại qua những bài khác.

Nhưng riêng có một hình ảnh, mà suốt đời tôi không thể quên. Đó là, một buổi chiều tối, chúng tôi đến nhà của anh Lê Địch Hữu, để hội ngộ quý anh cựu tù “cải tạo” như Nghĩa Huynh Lê Quang, anh Nguyễn Uyên, anh Phạm Thái…

Khi chúng tôi ngồi vào bàn uống nước, trước khi cùng đi ăn với nhau trước ngày Hội Ngộ, thì Nghĩa Huynh của tôi, Thiếu tá Lê Quang đã cầm tay tôi và kéo tôi đi quanh nhà của anh Lê Địch Hữu. Tôi hỏi anh, đi đâu vậy?

Thiếu tá Lê Quang nói:
- Thì cứ đi vào đây, rồi sẽ biết.
Tôi đi theo Anh Lê Quang và anh Lê Địch Hữu, cho đến khi vào một căn phòng. Anh Lê Quang nói:
- Em hãy nhìn đi!

Trước mặt tôi là Chị Lê Địch Hữu. Chị nằm đó, thân thể đã gầy yếu, không thể đi lại. Nước mắt tôi rơi rơi, vì không được cho biết trước.

Anh Lê Địch Hữu nói:
- Đã tám năm rồi đó, bả bị tai biến, hàng ngày tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc cho bả. Nhưng những năm tháng dài tôi ở tù “cải tạo”, thì chính vợ tôi là người đã lặn lội, lên tận núi rừng để thăm nuôi tôi trong tù. Bây giờ, tôi lo cho bả, cũng có là bao.

Tôi cầm đôi tay của chị Lê Địch Hữu. Đôi tay gầy yếu, lạnh ngắt. Tôi đỡ chị ngồi dậy một lát. Chị nói chuyện được, nhưng yếu ớt. Tôi được biết, chị không thể tự lo cho mình, nên hàng ngày anh Lê Địch Hữu phải tắm rửa, giúp cho chị ăn, uống… Nghĩa là anh lo cho chị như một đứa trẻ…

Sau đó, chúng tôi cùng nhau đi ăn. Không biết các vị trong bữa ăn, có người không vào phòng chị Lễ Địch Hữu, có ai nghĩ đến chị. Còn tôi, tôi cứ nhớ hình ảnh của chị Lê Địch Hữu, một người vợ của cựu tù “cải tạo” đang nằm héo hắt trên chiếc giường, đã làm tim tôi thắt lại. Ngày xưa khi còn mạnh khỏe, chị đã băng rừng lội suối, mang xách những “món quà thăm nuôi” là những thứ cần thiết ở trong tù, như mắm ruốc, cá khô, đường, bột ngọt… để nuôi sinh mạng của chồng, mà trên tất cả là mòn quà Tinh Thần là cao quý nhất, để người tù “cải tạo” có thể vơi bớt những đau đớn khi bị hành hạ, đọa đày, lao động khổ sai…

Sau ngày Hội Ngộ Cựu tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi định viết lại những hình ảnh này, nhưng chưa viết, thì vào tháng 11/2018, trong dịp sang Anh quốc, để tham dự Lễ Tưởng Niệm 55 năm Tổng Thống Ngô Đình Diệm Vị Quốc Vong Thân, được Anh Nguyễn Đức Chung đưa đến nhà của Anh Nguyễn Văn Loan; cũng một cựu tù “cải tạo”.

Lần này, tôi lại cũng lại gặp một người vợ của cựu tù: Vợ của anh Nguyễn Văn Loan. Chị Nguyễn Văn Loan cũng đã từng làm tất cả những gì như chị Lê Địch Hữu đã làm, khi anh Nguyễn Văn Loan ở trong nhà tù của Việt cộng.

Nhưng giờ đây, chị Nguyễn Văn Loan cũng đã bị bệnh thận, ung thư máu nhiều năm qua. Tôi cầm đôi tay của chị, nhìn thấy nhiều vết sưng, bầm, vì “lọc máu”.

Thường xuyên, ba ngày trong tuần, anh Nguyễn Văn Loan đều đưa chị đi lọc máu. Anh Nguyễn văn Loan nói:
“Tôi thấy rất có phúc mới cưới được bả là vợ của tôi. Dù bây giờ, tôi có lo cho bả như một đứa trẻ, thì cũng như bả lo cho tôi ngày xưa khi bị tù vậy”.

Dẫu bị bệnh nan y, nhưng chị Nguyễn Văn Loan đã được chồng và con cái tận tụy lo cho thật chu đáo. Người con trai lớn của anh chị đã đặt mua cho chị một chiếc giường y khoa đặc biệt, để chị có thể tự điều chỉnh các thế nằm, ngồi theo ý muốn.

Qua hai cảnh ngộ của anh chị Lê Địch Hữu tại Mỹ, và anh chị Nguyễn Văn Loan tại Anh quốc. Tôi vô cùng cảm phục những hy sinh của những người vợ của các cựu tù “cải tạo”.

Nhân mùa Giáng Sinh 2018 này, tôi luôn cầu xin Trời Cao sẽ đổ xuống gia đình của anh chị Lê Địch Hữu và anh Nguyễn Văn Loan thật nhiều ân sủng, để hai Chị bớt đi những đau đớn về thế xác và cả tinh thần.

Ngàn đời sau, hậu thế sẽ không quên một trang sử đầy đau thương và nước mắt, mà những cựu tù “cải tạo”, và của những vợ của cựu tù, đã hy sinh, gian truân, cay đắng muôn phần… đã lặn lội ngàn dặm thăm chồng ở chốn rừng sâu, núi thẳm dưới chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam. Trang sử ấy sẽ không phai mờ, sẽ là những tấm gương Tiết Liệt, cho lớp hậu sinh nên ghi lòng, tạc dạ.

Xin kính mời quý độc giả đọc lại bài này, để thấy thêm một tấm gương Tiết Hạnh Khả Phong:

11/12/2018
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét