Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Làm sao ngăn dân Thủ Thiêm ăn tết ở thủ đô Hà Nội? - RFA

Dân Thủ Thiêm ùn ùn kéo ra thủ đô Hà Nội đang là nỗi lo của Chính Phủ Việt Nam. Điều này thể hiện thành chỉ đạo tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 đã diễn ra ngày 3-12. Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt do phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng để xử lý các vụ việc nổi cộm. "Ví dụ như trong mấy tháng gần đây bà con tỉnh phía Nam ra Hà Nội nhiều, với nhiều bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết, xử lý như vụ việc Thủ Thiêm. Để dịp Tết bà con hạn chế ra Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu mời bí thư các tỉnh, thành tham gia tổ công tác này để giải quyết các vụ việc nổi cộm", ông Mai Tiến Dũng nói {1}
<!>
Từ năm 2014 đến nay, hơn 100 hộ dân Thủ Thiêm thuê trọ gần trụ sở Ban tiếp dân Trung ương trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội). Do đoàn người thuê trọ lâu ngày, luôn mang theo băng rôn yêu cầu xử lý vụ khiếu kiện đất, nên người dân địa phương quen mặt, thường gọi họ là cư dân “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” {2}
Viễn ảnh đoàn người dân Thủ Thiêm với những bang rôn, khẩu hiệu rực lửa trên các đường phố Thủ Đô trong ngày tết chắc hẳn sẽ làm xấu đi những báo cáo đẹp đẽ về nhân quyền với các tổ chức quốc tế, còn với dư luân, với người dân trong nước đó là chuyện hàng ngày chẳng đáng để chính phủ quan tâm.
Viễn ảnh đoàn người dân Thủ Thiêm với những băng rôn, khẩu hiệu rực lửa trên các đường phố Thủ Đô trong ngày tết chắc hẳn sẽ làm xấu đi những báo cáo đẹp đẽ về nhân quyền với các tổ chức quốc tế, còn với dư luận, với người dân trong nước đó là chuyện hàng ngày chẳng đáng để chính phủ quan tâm.
Vấn đề đặt ra là ông Trương Hòa Bình vốn dĩ là tướng Công An có cách nào trong thời gian ngắn ngủi trong hơn một tháng có thể giải quyết những bức xúc ngày càng gia tăng của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm trong 20 năm nay?
Nhiều tháng qua, các lãnh đạo đảng, chính quyền TP. HCM họp hành, tiếp xúc cử tri liên miên nhưng tiến độ giải quyết nguyện vọng của người đang dừng chân tại chỗ. Mới đây nhất ngày 4-12 tại kỳ họp HĐND TP, ông Nguyễn Thiện Nhân, người từng thật thà tuyên bố “Tôi nói giọng Bắc nhưng tôi là người Nam” cho biết: "Thành phố đã có 3 cuộc làm việc với các Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND thành phố qua 5 nhiệm kỳ để làm rõ trách nhiệm, cái gì đúng, cái gì sai. Lần làm việc mới nhất là hôm chủ nhật 2/12, ông Nhân cho biết Ban cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo đúng yêu cầu của Thanh tra Chính phủ {3}. Cái kết luận mà ông Nhân đề cập là văn bản số 1843, xác định Thủ Thiêm chỉ có 4,3 ha bị giải tỏa ngoài quy hoạch giống như con voi bị biến thành con kiến.
Công bằng mà nói, lãnh đạo TP.HCM cũng làm đuợc một chuyện cụ thể là căn cứ vào kết luận 1483 xác định được ranh giới của 4,3 ha đất giải tỏa ngoài quy hoạch và đề ra chính sách kế hoạch 821 gồm 10 điểm để giải quyết khiếu nại của người dân trong phạm vi 4,3 ha này. Tuy nhiên, qua các cuộc tiếp dân, tiếp xúc cử tri của ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội, Chủ Tịch HĐND TP người dân, cử tri đã phản đối hoàn toàn đề xuất này vì cho rằng kết luận của Thanh tra chỉ là văn bản nội bộ và chưa phản ánh đầy đủ thưc trạng sai phạm, có đến 5 khu phố ngoài ranh bị giải tỏa chứ không chỉ có 4,3 ha và chính sách 10 điểm của TP còn quá chung chung.
Tiếp thu ý kiến người dân ông Phong thừa nhận nói trong cuộc tiếp xúc lần trước bà con cũng đã nêu vấn đề 5 khu phố nằm ngoài ranh, hôm nay bà con cũng tiếp tục nêu. “Như tôi đã nói, buổi gặp hôm nay là để xin ý kiến bà con việc thực hiện kết luận 1483. Nhưng hôm nay phát sinh thêm nội dung này, tôi sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ về nguyện vọng của cô bác.
Tiếp xúc với bà con, tôi đã nghe rất nhiều ý kiến cho rằng 5 khu phố nằm ngoài ranh, đề nghị Thanh tra có nghiên cứu. TP cũng sẽ làm việc với các bộ Tài nguyên - môi trường, Xây dựng. Tinh thần là rất lắng nghe ý kiến cô bác, còn quá trình làm việc như thế nào tôi sẽ báo cáo lại sau” {4} Như vậy, đàng sau những lời hứa chung chung, kế hoạch cụ thể duy nhất giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm đã hoàn toàn phá sản.
Trước đó, ngày 7-9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra chỉ rõ UBND thành phố đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình phê duyệt và thu hồi khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, thành phố đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng... trên khu đất đã quy hoạch tái định cư.
Việc này dẫn đến hậu quả là không đủ đất bố trí tái định cư, phá vỡ quy hoạch đã phê duyệt. Việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài, cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng.{5}
Số lượng đơn thư khiếu nại của người dân Thủ Thiêm đã tăng vọt, từ 115 hộ dân thường xuyên khiếu nại ở Hà Nội, lượng đơn thư tăng lên hàng chục lần. Riêng tại quận 2, tính đến hết ngày 18-10 đã có 2.206 hộ dân thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đến UBND quận 2 nộp đơn kiến nghị, phản ảnh (đơn riêng lẻ) với nội dung tập trung về yêu cầu được biết chính sách, chủ trương và được giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch {6}.
Nội dung khiếu nại của người dân không chỉ trong việc 160 ha đất tái định cư bị chia cho 51 doanh nghiệp mà còn liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp khác. Tại buổi tiếp xúc của tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân TP khóa IX với cử tri quận 2 chiều nay 22-11, một số cử tri đề cập đến chuyện cần làm rõ việc mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm theo quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Cử tri Nguyễn Thị Tám - sinh sống tại KP1, phường Bình Khánh - cho biết từ đây đến cuối năm, người dân Thủ Thiêm mong muốn cơ quan chức năng trả lời rõ câu chuyện trong và ngoài ranh tại KĐTM Thủ Thiêm. Người dân hiện mong ngóng từng ngày vì nhiều người hiện sinh sống trong cảnh không có nhà cửa {7}
Như vậy, kỳ hạn giải quyết khiếu nại trước tết không chỉ là mong muốn của chính phủ mà còn là thách thức của người dân Thủ Thiêm. Nhưng việc giải quyết của chính quyền quá chậm và có khoảng cách quá xa với mong muốn của người dân. Sai phạm ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình màn trời chiếu đất, hàng trăm ha bị cưởng chiếm trái phép nhưng chính quyền chỉ muốn bó gọn trong 4,3 ha thì khó thể nào ý đảng lòng dân gặp nhau.
Sáng 8.12, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã cho ý kiến các chính sách dự kiến đối với 321 hộ dân trước đây ở khu vực 4,3 ha ngoài ranh Thủ Thiêm, cụ thể như sau: đối với phần diện tích đất đã được quy hoạch cho giao thông toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) đi qua khu vực 4,3 ha, Thống nhất giữ nguyên quy hoạch để phục vụ lợi ích chung. Phần diện tích đất còn lại trong khu 4,3 ha được quy hoạch dành cho dịch vụ, thương mại và xây dựng chung cư. Chung cư này được sử dụng cho tái định cư.
Thống nhất giao Ban cán sự Đảng UBND TP đề xuất chính sách đền bù thiệt hại về tinh thần và vật chất cho 321 hộ dân trước đây ở khu vực 4,3 ha theo kết luận của Thanh tra Chính phủ{8}.
Trên các diễn đàn mạng xã hội lập tức có nhiều ý kiến không đồng tình. Fb của luật sư Nguyễn Tấn Thi đã đặt câu hỏi “Nhìn chung các chính sách này tương tự như chính sách đối với người bị thu hồi đất, nó không khác gì là tiếp tục bị thu hồi. Có khác chăng là giá đất đền bù mới và các chính sách khác có đảm bảo quyền lợi cho người dân hay không mà thôi.Sự khác nhau giữa người dân trong quy hoạch trước đây đã bị thu hồi so với những hộ nằm ngoài ranh quy hoạch là gì?” {9}
Nhà báo Lê Nguyên My Thời báo Kinh Tế Sài Gòn thì bình luận rằng “Nói chung là ông Nhà nước đã thu hồi rồi thì dù việc thu hồi có sai, ông Dân vẫn không được thu hồi lại” {10}. Người khách quan đã thấy bất hợp lý như vậy thì chắc hẳn 321 hộ bị thu hồi sai khó có thể đồng tình.
Bức xúc trước thực trạng không nhà, không chỗ nương thân trong khi những kẻ được giao đất đang giàu lên nhanh chóng khi giá đất Thủ Thiêm tăng vọt lên hàng trăm triệu một m2, một số người dân Thủ Thiêm đã thực hiện phương châm của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong thời đầu đổi mới “phải tụ cứu mình trước khi trời cứu”. Không thể chờ ơn mưa móc, sự công tâm sửa sai của chính quyền, họ đã tự quay về cất nhà trên nền đất cũ.
Ngày 4-12, tại kỳ họp HĐND TP, đại diện UBND quận 2 cho biết theo ghi nhận của quận, hiện có ba hộ dân về dựng lại nhà tôn trong khu vực đất thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, có hai hộ dân ở khu phố 1, phường Bình An nằm trong ranh dự kiến khu 4,3ha được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hộ còn lại ở phường An Khánh. Còn ở phường Bình Khánh người dân chỉ rào đất lại chưa xây dựng nhà. Hiện quận đã lập biên bản và xử lý theo đúng quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Pháp luật nào cho phép chính quyền thu hồi sai đất của người dân, đã biết thu sai nhưng vẫn không trả lại mà ép họ phải vào sống trong khu tạm cư chật chội, thiếu thốn trăm bề?
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết quan điểm của Thành ủy xác định: đối với những hộ dân Thủ Thiêm đã di dời nhưng khó khăn về chỗ ở sẽ được mời hết vào khu tái định cư, sau đó sẽ giải quyết theo thủ tục. "Đã làm việc phải đúng thủ tục pháp luật, nếu làm ngược sẽ phức tạp thêm" - ông nói. {11}
Rất tiếc là trong lập luận này và kế hoạch 321 đã nêu, ông Nhân đã tự mâu thuẩn với mình. Pháp luật nào cho phép chính quyền thu hồi sai đất của người dân, đã biết thu sai nhưng vẫn không trả lại mà ép họ phải vào sống trong khu tạm cư chật chội, thiếu thốn trăm bề? Đối với người dân Việt miếng đất cái nhà đi liền với khúc ruột, ngoài giá trị tài sản nó còn là tình cảm thiêng liêng. Một chính quyền do dân, vì dân lẽ nào lại nhẫn tâm lấy đất đai, nhà cửa sinh kế của người dân sai trái như vậy?
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã đưa lên fb clip vidéo hình ảnh của một nhóm bà con Thủ Thiêm kéo lên găp một cán bộ Phường tên Thi theo lời mời của anh này với một hộ dân đang xây nhà trên đất cũ. Họ muốn cả tập thể cùng gặp để đối thoại vì tất cả sẽ cùng cất nhà chứ không riêng một hộ được mời. Cán bộ phường né tránh với lý do trụ sở chật hẹp không đủ chỗ, người dân sẵn sàng chấp nhận đứng ở ngoài sân hay bất cứ ở đâu nhưng không nói chuyện cá nhân. Cuộc đối thoại bế tắc và những người dân tự tin ý muốn của họ là chính đáng.
Nếu theo chân lý "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" không cần hội họp liên miên, cứ để người dân quay về đất cũ thì chắc hẳn người dân Thủ Thiêm sẽ vui vẻ ăn tết tại chỗ mà không phải gồng gánh đường xa ngàn dặm ra Hà Nội. Nhưng qua ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân và Ban Thường Vụ Thành Ủy, đã lở lấy thì lấy luôn chắc hẳn ngươi dân phải làm điều gì đó. Không chỉ 321 hộ trong khu vực 4,3 ha mà sẽ là hơn 2.200 hộ đang khiếu nại {11}.
Sức mạnh cưỡng chế của chính quyền chắc hẳn cũng sẽ được huy động như ở Cống Rộc, Văn Giang, Đồng Tâm…nhưng quy mô chắc hẳn sẽ lớn hơn nhiều.
RFA Gió Bấc

2018-12-09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét