NINH BÌNH, Việt Nam (NV) – Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin cả trăm chiếc xe cơ giới đủ loại đã được huy động để san ủi, dựng lễ đài tại khu mộ huyệt mà ông Trần Đại Quang đã chuẩn bị từ lâu tại quê nhà cho mình sau khi chết.
<!>
Các báo như Dân Trí, Thanh Niên, Dân Việt,… tường thuật cho hay, đèn điện thắp sáng trưng hối hả làm cả ban đêm cho kịp. Hàng trăm dân làng đã bị trưng dụng để dọn dẹp đường xá, cắt tỉa cây cối.
Theo tường thuật, nơi chôn cất ông Quang vốn là đất ruộng của dân địa phương, nằm bên một con sông nhỏ, được gia đình ông mua rồi “dồn thửa” thành diện tích lớn mấy mẫu tây. Hai bên bờ sông được xây kè đá đẹp mắt.
Nhiều tờ báo ban đầu tường thuật, “khu đất này rộng khoảng 2-3 héc ta (20,000 – 30,000 m2), nằm trên cánh đồng lớn ở xã Quang Thiện, phía trước là ngôi làng gắn với tuổi thơ của Chủ tịch nước. Vị trí này cũng nằm sát quốc lộ 10, tuyến tránh thị trấn Phát Diệm, giao thông khá thuận tiện.” Nhưng sau đó các bài viết đã cắt bỏ chi tiết này.
Báo Dân Việt cho biết, “Lễ an táng từ 15 giờ 30 phút cùng ngày tại quê hương của Chủ tịch nước, xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.”
“Thông báo cũng nêu rõ, trong hai ngày Quốc tang (ngày 26 và 27.9.2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.”
Dân chúng bình luận trên mạng bầy tỏ sự ngạc nhiên về sự chuẩn bị cái “lăng mộ” của một “ông vua đỏ” chẳng khác gì chuẩn bị lăng mộ của những ông vua thời xưa, trong khi luật lệ của chế độ quy định mộ phần của người chết không quả 5 mét vuông.
Trên trang “facebook Trương Huy San” nhà báo Osin-Huy Đức viết: “Một chính thể giành được quyền bởi cam kết với dân chúng dẹp bỏ những tàn dư phong kiến thì lãnh đạo không thể lăng tẩm như vua. Dùng tiền ngân sách đã không nên, dùng tiền tư càng khiến dân đặt thêm nhiều câu hỏi (không phải cứ Chủ tịch là “Bác”; không phải bất cứ ai đeo 4 sao đều như “Đại tướng”).”
“Đành rằng, nghĩa tử nghĩa tận. Đành rằng kỷ luật Đảng cũng như tố tụng cần một quy trình. Nhưng cái chết luôn là cơ hội để thiên hạ định luận. Sơn son thếp vàng cho những cái ngai đã mục ruỗng; ca tụng mà bất chấp dân chúng đang bàn tán… là cách tốt nhất để gửi đi những thông điệp tiêu cực.”
Facebooker “Lê Dũng Vova” nêu ra hàng loạt câu hỏi: “Dự án khu an táng ông Quang có diện tích như vậy thì còn lớn hơn cả diện tích nghĩa trang Mai Dịch hiện nay. Không rõ số đất nông nghiệp này được gia đình ông Quang mua khi nào hay nhà nước cấp theo tiêu chuẩn nào, qui định nào của pháp luật? Luật sử dụng tài nguyên đất đai điều khoản nào cho phép lấy đất hai lúa để chuyển đổi sang xây lăng mộ? Nếu mỗi công chức cấp cao lại chiếm vài héc ta để làm của riêng, xây lăng mộ thì còn đâu ruộng đất của quốc gia, của dân cấy trồng nữa?”
Tương tự, nhà báo Tâm Chánh, trên trang facebook cá nhân bình luận: “Con đường của những người cộng sản rồi cũng dừng lại…ở lăng mộ của họ.”
“Có thế thật, nhiều đảng viên cộng sản thời này, từ lãnh đạo cấp cao cho đến cấp tầm tầm, thấp thấp rầm rộ xây mộ, xây lăng, xây phủ, xây điện.”
“Mộ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đang gấp rút xây dựng trên một khu ruộng quê ông. Rộng đâu cỡ 3ha, bằng cỡ lăng Minh Mạng, cũng hào, cũng kè, cũng uy nghi bề thế. Nghe đâu ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu cũng về với đất trên những mảnh ruộng nhiều hơn bình quân ruộng đất đầu người quê họ.”
“Đất đai nhỏ hẹp, ruộng đồng manh mún, để làm được khu mộ như vậy, phải hợp thửa. Ruộng đất vẫn là của sở hữu toàn dân, dân chỉ mới được quyền sử dụng có thời hạn. Trên đất ấy, lăng mộ vẫn được xây như đã là hương hoả của riêng, can gì thời hạn quyền sử dụng ngắn dài.”
Tại Việt Nam, đảng cộng sản dành hẳn nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, làm nơi chôn cất các lãnh đạo chóp bu hay các quan chức cao cấp, các nhân vật có nhiều công trạng với chế độ. Tuy nhiên, nhiều năm qua nghĩa trang này gần như hết chỗ và phải mở rộng thêm khoảng 3,000m2. Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến các cựu lãnh đạo, như Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải, và bây giờ là Trần Đại Quang, chọn nơi an táng tại quê nhà. (KN-TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét