Samsung chưa muốn liều lĩnh đầu tư vào Bắc Triều Tiên vì lo sợ các lệnh trừng phạt của quốc tế.REUTERS/Andrew Kelly/File Photo Hàn Quốc đang nóng lòng muốn thiết lập lại các dự án hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên. Seoul muốn nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ giữa hai miền và khởi động lại quan hệ hợp tác thương mại song phương. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là tập đoàn Samsung, không muốn liều lĩnh đầu tư vào Bắc Triều Tiên vì sợ bị quốc tế trừng phạt. Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :<!>
« Chính phủ Hàn Quốc đang gây sức ép để ông Lee Jae Yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, triển khai một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng vào Bắc Triều Tiên. Các nguồn tin thân cận với tập đoàn Samsung khẳng định như trên với báo Nikkei Asian Review.
Điều đó giải thích tại sao ông Lee Jae Yong được mời tháp tùng tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, một trong những nguồn tin trên cho biết. Nhưng dường như hãng Samsung vẫn đang ngập ngừng, vì đầu tư vào Bắc Triều Tiên ẩn chứa nhiều rủi ro và các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm cấm mọi giao thương với chế độ Kim Jong Un.
Ông Lee Jae Yong đang lâm vào tình thế khó xử. Người thừa kế tập đoàn Samsung đã bị giam tù nhiều tháng vì liên quan tới một vụ án tham nhũng, và hiện đang trong giai đoạn chờ phán quyết của Tòa Án Tối Cao.
Thế nhưng, nhiều tập đoàn khác của Hàn Quốc, chẳng hạn LG, không giấu diếm sự quan tâm đối với nguồn nhân công Bắc Triều Tiên được đào tạo, giá rẻ và nói cùng tiếng Triều Tiên, cũng như là thị trường Bắc Triều Tiên có nhiều cơ hội phát triển. Những doanh nghiệp Hàn Quốc này đã thành lập các nhóm làm việc để chuẩn bị cho các dự án đầu tư trong tương lai. Nhưng họ sẽ không thể làm được gì chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn còn được duy trì. »
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích thông cáo của bộ Quốc Phòng nước này cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo và đồng nhiệm Mỹ James Mattis hôm nay đã điện đàm để trao đổi về các kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim vừa qua tại Bình Nhưỡng.
Hai bộ trưởng đồng ý sẽ nỗ lực trong lĩnh vực quân sự để bảo đảm thực thi các biện pháp phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và có thể kiểm chứng được. Các bộ trưởng cũng thống nhất duy trì hợp tác quốc phòng và an ninh.
Vẫn theo Yonhap, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tăng sau thượng đỉnh lần thứ ba với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. 72% số người được hỏi hài lòng về kết quả thượng đỉnh.
Mỹ phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc mua vũ khí của Nga
Quân đội Trung Quốc duyệt binh ngày 30/07/2017.STR / AFP
Viện lý do Bắc Kinh mua chiến đấu cơ và tên lửa địa đối không của Nga, Washington ngày 20/09/2018 thông báo trừng phạt Cục Phát Triển Thiết Bị của Trung Quốc và lãnh đạo cơ quan quân sự này "vi phạm luật của Mỹ trừng phạt nước Nga" đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc coi đây là một quyết định gây ra "những hậu quả nghiêm trọng".
Trung Quốc năm 2017 mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 và gần đây hơn, mua nhiều trang thiết bị liên quan đến tên lửa địa đối không S-400 của Nga. Quyết định trừng phạt một đơn vị quân sự Trung Quốc càng khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh thêm căng thẳng.
Thông tín viên đài RFI, Anne Corpet, từ Washington cho biết đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ nhắm vào một cơ quan ngoại quốc trong khuôn khổ đạo luật trừng phạt Nga.
"Đơn vị thuộc quân đội Trung Quốc và lãnh đạo cơ quan này bị trừng phạt do đã mua 10 chiến đấu cơ và trang thiết bị có liên quan tới loại tên lửa địa đối không. Họ sẽ không thể tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ nữa cũng như không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Các biện pháp nói trên được đưa ra trong khuôn khổ đạo luật của Mỹ quy định trừng phạt bất kỳ một ai mua bán vũ khí với Matxcơva. Đạo luật này đã được thông qua hồi năm 2017 với đa số áp đảo nhưng chưa bao giờ được áp dụng.
Đạo luật trừng phạt nhắm vào Nga cho đến lúc này chủ yếu mang tính răn đe. Sau khi có thông báo các trừng phạt, một quan chức Hoa Kỳ coi đó là một "bước tiến quan trọng".
Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh việc trừng phạt nói trên, xin trích, 'không nhằm phá hoại khả năng quân sự của một quốc gia". Mục tiêu đề ra là 'bắt Matxcơva phải trả giá cho việc đã can thiệp vào bầu cử Mỹ và đã can thiệp vào một số các hoạt động có ác ý khác, đặc biệt là tại Ukraina'.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn thông báo đã đưa thêm vào danh sách đen 33 cá nhân, bị cấm mọi giao dịch trong lĩnh vực quân sự. Như vậy danh sách này giờ đây bao gồm tổng cộng 72 thực thể và cá nhân, trong đó có hai tập đoàn cung cấp vũ khí quan trọng của Nga".
Bắc Kinh phản ứng gay gắt
Trong cuộc họp báo sáng ngày 21/09/2018, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố : "Cử chỉ của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và làm phương hại mạnh mẽ đến bang giao song phương, đến quân đội của hai nước".
Bắc Kinh kêu gọi Washington "điều chỉnh sai lầm này, bằng không Mỹ sẽ phải trả giá cho những hậu quả" từ quyết định nói trên. Ông Cảnh Sảng nhắc lại, Nga là một đối tác chiến lược của Trung Quốc.
Matxcơva cũng đã lên tiếng. Thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Sergueï Riabkov, trong một thông cáo, lên án Hoa Kỳ "đùa với lửa" đe dọa "ổn định thế giới".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét