Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Quốc Học & Đồng Khánh: trường anh, trường em - Phanxipăng


Ở hữu ngạn dòng Hương thơ mộng, có 2 trường trung học nổi tiếng: trường nam sinh Quốc Học và trường nữ sinh Đồng Khánh. 
Hai ngôi trường kề cận nhau, gắn bó với nhau, 
tạo nên nét dễ thương "rất Huế".<!>

Thầy trò Quốc Học trước cổng trường năm 1913

Biển hiệu Pháp tự Quốc Học trường môn
thuở trường mới thành lập nay còn bảo lưu. 
Ảnh: Phanxipăng
QUỐC HỌC - KHẢI ĐỊNH - NGÔ ĐÌNH DIỆM
Theo chỉ dụ ngày 17 tháng 9 năm Bính Thân (23-10-1896) của vua Thành Thái, và nghị định ngày 18-11-1896 của toàn quyền Armand Rousseau, Pháp tự Quốc Học trường đã xuất hiện "tại Thuỷ sư (1) tả doanh công thổ". Quốc sử quán triều Nguyễn từng ghi rõ trong Đại Nam nhất thống chí như vậy. Đó là pho sách đầu tiên đề cập đến trường Quốc Học. Di tích bình phong Long Mã được dựng vào năm thành lập trường, ngay mặt tiền đường Jules Ferry, nay là đường Lê Lợi, hiện vẫn còn nguyên trạng.
Ban sơ, "trường trung học quốc gia, cái trường Pháp - Việt chính của toàn cõi An Nam" chỉ gồm cổng gỗ có gác treo chuông đồng và mấy dãy nhà tranh tre tuềnh toàng: một tòa "giám đốc đường" 3 gian 2 chái; ba dãy nhà, mỗi dãy gồm 3 gian để các nhà giáo cùng học sinh nội trú; hai dãy lớp học, dãy trước 30 gian, dãy sau 16 gian. Cổng trường làm kiểu gác gỗ, có treo chuông đồng. Hình ảnh Quốc Học thuở ấy được ghi lại khá chi tiết bởi thầy giáo Le Bris, đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) (2) năm 1916.
Từ tháng 5-1915, dưới sự chỉ huy của thầu khoán Le Roy, trường Quốc Học được tái thiết bằng gạch ngói khang trang trên mặt bằng rộng hơn 5ha. Riêng cổng chính xây bằng xi măng theo lối tam quan dân tộc cổ truyền đang hiện hữu, hình ảnh thường được dùng làm biểu tượng cho trường Quốc Học, được thiết kế và thi công từ bao giờ? Không ít kẻ nhầm tưởng cổng đó xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Trong một chuyến về Huế sưu tập tư liệu để thực hiện hợp tuyển thơ-nhạc-hoạ-ảnh nghệ thuật Quốc Học trường tôi (NXB Thuận Hoá, Huế, 1996), Phanxipăng gặp nhà giáo Nguyễn Đình Hàm. Lúc ấy, đã 85 tuổi, thầy Hàm vẫn tường thuật khúc triết:
- Năm 1933, cổng trường được xây mới theo lối kiến trúc Nhật Bản, hai cột có khắc đôi câu đối chữ Hán của Nguyễn Đức Đôn: Vạn lý xa thư lai hỗn nhất / Bách niên sơn thuỷ kiến cao thanh (Vạn dặm xa thư về một mối / Trăm năm sông núi thấy cao xanh). Đến thời tôi làm hiệu trưởng (1956 - 1958), xét thấy cần chỉnh lý lại cổng chính cho phù hợp với vẻ uy nghi và rộng lớn của toàn bộ công trình, chính tôi đã vẽ kiểu và thuê thợ xây lại cổng như hiện nay. Cổng có 2 tầng mái, lợp ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, là nghệ thuật kiến trúc Huế rất đặc trưng. Trước cổng, tôi cho gắn biển xi măng cốt thép có đắp nổi 3 chữ quốc ngữ Trường Quốc Học, lại chua thêm 2 chữ Hán 國學 hai bên. Năm 1979, có người cho rằng chữ nho là "đồ ngoại" nên đục bỏ.
Đất nước "trải qua nhiều cuộc bể dâu" thì trường Quốc Học cũng bao phen thay tên, đổi hiệu. Từ năm 1932, trường được gọi Lycée Khải ĐịnhĐến năm 1955 - Collège Quốc Học. Sang năm 1957 - Collège Ngô Đình Diệm. Và từ năm 1958 đến nay, lại trở về "tên cúng cơm": Quốc Học.
Cũng cần thêm rằng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực trường bị giặc chiếm đóng và biến thành trại lính khiến một bộ phận thầy trò Quốc Học phải tản cư ra Hà Tĩnh, lập trườngtrung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1946 đến năm 1949. Mãi đến ngày 29-4-1955, toàn bộ thầy trò Quốc Học mới trở về dạy và học tại ngôi trường thân yêu của mình bên bờ Hương.
Khi Quốc Học mới thành lập, Ngô Đình Khả - một trung thần triều Nguyễn, nguyên phán sứ Toà Khâm ở Huế - được vua Thành Thái thưởng hàm Thái Thường Tự Khanh và bổ nhiệm làm chưởng giáo (tức hiệu trưởng) từ năm 1896 đến năm 1902.
Giai đoạn 1902 - 1945, việc điều hành trường đều do người Pháp đảm nhiệm, mà đầu tiên là hiệu trưởng Nordeman (tên Việt hoá là Ngô Đê Mân) và cuối cùng là hiệu trưởng Vincenti. Vị hiệu trưởng Việt Nam kế nhiệm tiếp đó là giáo sư Phạm Đình Ái - người đã chỉ đạo việc dạy và học bằng tiếng mẹ đẻ lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta (gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn được áp dụng từ năm 1945).
Các nhà giáo tiếp nối nhau làm hiệu trưởng trường Quốc Học từ ấy đến nay: Hoàng Ngọc Cang, Phạm Văn Nhu, Nguyễn Hữu Thứ, Huỳnh Hoà, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Đình Hàm, Đinh Quy, Dương Thiệu Tống, Nguyễn Ký, Nguyễn Văn Lâu, Phan Khắc Tuân, Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Xuân Tự, Đặng Xuân Trừng, Nguyễn Chơn Đức, Nguyễn Phước Bửu Tuấn.
Đầu tháng 9-1996, trong lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc Học, hiệu trưởng lúc ấy là nhà giáo ưu tú Đặng Xuân Trừng đã phát biểu:
- Qua một thế kỷ thành lập và phát triển, trường Quốc Học thân yêu rất xứng đáng là "chiếc nôi văn hoá của dân tộc". Dù trải bao chế độ chính trị khác nhau, mục tiêu và phương pháp đào tạo từng thời kỳ cũng khác nhau, nhưng học sinh Quốc Học luôn tìm cho mình con đường đi đúng: học để thành người, học để giúp đời. Trong nhiều hoạt động ở trong nước và cả quốc tế, nhiều thầy cô giáo và học sinh Quốc Học đã trở nên vô cùng kiệt xuất, vô cùng vinh dự.
Quả vậy, chỉ cần điểm qua một số tên tuổi từng xuất thân từ mái trường này cũng đủ thấy kỳ tích giáo dục của Quốc Học. Về chính trị và quân sự có: Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, Cao Văn Khánh, v.v. Ghi thêm: cả hoàng thân Xuphanuvông và quyền chủ tịch nước CHDCND Lào là Phumi Vôngchichit cũng từng học Quốc Học. Về khoa học tự nhiên - công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn có: Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Bửu Hội, Nguyễn Thiệu Lâu, Võ Quang Yến, Cao Huy Thuần, Đặng Văn Ngữ, Lê Viết Khoa, Nguyễn Đình Tứ, Đinh Ngọc Lâm, Thanh Nghị, Thái Văn Trừng, Lâm Quang Huyên, Huỳnh Hữu Tuệ, Hoàng Tuệ, Hoàng Tuỵ, Hoàng Thị Châu, v.v. Về văn học nghệ thuật có: Lê Văn Miến, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Võ Liêm Sơn, Tôn Thất Đào, Nguyễn Hữu Ba, Điềm Phùng Thị, Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Xuân Tâm, Thúc Tề, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Thâm, TchyA, Nguyễn Văn Thương, Phan Văn Dật, Tế Hanh, Trần Thanh Địch, Lê Cao Phan, Trần Hoàn, Văn Giảng, Nhị Hà, Lê Mộng Nguyên, Lê Mộng Hải, Hoàng Nguyên, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng Miên, Phạm Mạnh Cương, Đào Xuân Quý, Đặng Nhật Minh, Ngô Kha, Trần Quang Long, Châu Kỳ, v.v. Về giáo dục có: Hồ Đắc Hàm, Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Ưng Quả, Nguỵ Như Kontum, Trần Đình Gián, Đinh Xuân Lân, Hoàng Thiếu Sơn, Vân Bình Tôn Thất Lương, Nguyễn Dương Đôn, Cao Văn Luận, Hà Như Chi, Đinh Xuân Lâm, Lê Trí Viễn, Hoàng Thiếu Sơn, Lê Hải Châu, v.v.
Hiện nay, thầy trò Quốc Học bao thế hệ vẫn luôn tự hào về ngôi học đường uy nghiêm có bề dày lịch sử - văn hóa đáng kể. Tình nghĩa ấy được thể hiện qua hợp xướng Quốc Học trường tôi do Trần Ngọc Tĩnh sáng tác năm 1978 mà học sinh của trường vẫn thường trình diễn:
Trường hỡi! Ta mến yêu
Trường ơi! Ta tự hào
Dù cách xa muôn trùng
Vẫn hoài thương nhớ
Trường ơi!

Trường Quốc Học nhìn từ trên cao. 
Ảnh: Phanxipăng
ĐỒNG KHÁNH - TRƯNG TRẮC - HAI BÀ TRƯNG
21 năm sau khi trường Quốc Học khai giảng niên khoá đầu tiên, trường Đồng Khánh mới được khởi lập ngay bên cạnh. Chiều 27 tháng 5 năm Đinh Tị (15-7-1917), đích thân vua Khải Định cùng toàn quyền Albert Sarraut đặt viên đá đầu tiên để xây dựng trường nữ sinh Đồng Khánh (3). Ngay trong buổi lễ, nhà vua đã cho đặt xuống móng một số kỷ vật trong hộp kim loại gồm 10 đồng bạc "Khải Định thông bảo" và đôi biên bản buổi lễ ghi bằng chữ quốc ngữ cùng chữ Pháp. Từ đó, dưới sự chỉ huy cũng của thầu khoán Le Roy, ngôi trường xinh xắn dần hình thành trong thời hạn chưa đầy 2 năm.
Với Collège Đồng Khánh, những vị hiệu trưởng đầu tiên là phụ nữ Pháp: Yvonne Lebris, Dubois, Boudron Damasy, Crayol, Mauriège, Gabrielle Martin. Từ năm 1945 đến nay, điều hành trường này là các hiệu trưởng người Việt: Võ Thị Thể, Hồ Thị Thanh, Đào Thị Xuân Yến (quả phụ Nguyễn Đình Chi), Nguyễn Thị Quýt, Nguyễn Thị Tiết, Đặng Tống Tịnh Nhơn, Tôn Nữ Thanh Cầm, Thân Thị Giáng Châu, Lê Thị Tường Loan, Phan Thị Bích Đào, Lê Thị Vui, Ngô Thị Chính, Phan Thị Thái Hà, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hà Thúc Định, Lê Huy Linh, Ngô Thị Thủy, Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Nguyễn Chơn Đức, Nguyễn Thị Hoài Thu, Ngô Đức Thức.
Suốt thời gian dài, trường Đồng Khánh chỉ dạy bậc tiểu học và trung học đệ nhất cấp (tương đương bậc trung học cơ sở hiện nay), do đó các nữ sinh đủ điều kiện học trung học đệ nhị cấp (tương đương bậc trung học phổ thông hiện nay) phải qua trường Quốc Học. Niên khóa 1963 - 1964, trường Đồng Khánh bắt đầu mở lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 sau này). Đặc biệt, trong chương trình giảng dạy và học tập, cùng các môn mà ngành giáo dục quy định, trường Đồng Khánh còn chú trọng nữ công gia chánh là môn chế biến thức ăn, may vá, thêu thùa, cắm hoa, trang hoàng nhà cửa, v.v., nhằm giúp nữ sinh vẹn toàn công-dung-ngôn-hạnh.
Niên khóa 1975 - 1976, trường trung học Đồng Khánh đổi tên thành trường cấp III Trưng Trắc, đến niên khóa 1981 - 1982 lại chuyển thành trường THPT Hai Bà Trưng.

Nữ sinh trường Đồng Khánh năm 1929. 
Ảnh: National Geographic

Năm 1959, nữ sinh Đồng Khánh tưởng nhớ Hai Bà Trưng
Tính đến nay, ngôi trường này đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh tài năng, có những đóng góp tích cực đáng kể. Đó là Trần Thị Như Mân từng đại diện thầy trò trường Đồng Khánh, thảo điện thư gửi toàn quyền Alexandre Varenne đòi ân xá nhà ái quốc Phan Bội Châu; về sau, Trần Thị Như Mân trở thành hiền thê của học giả Đào Duy Anh (1904 - 1988). Đó là Lê Thị Kinh, bí danh Phan Thị Minh, cháu ngoại của chí sĩ Phan Châu Trinh, con của đốc học Lê Ấm và Phan Thị Châu Liên, chị ruột của Lê Khâm tức nhà văn Phan Tứ, chị em bạn dì của chính khách Nguyễn Thị Bình; Lê Thị Kinh từng giảng dạy trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, hiệu phó trường Đại học Công nghiệp nhẹ Hà Nội, tham gia đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Paris, công tác trong Bộ Ngoại giao, làm đại sứ Việt Nam tại Ý kiêm nhiệm một số nước vùng Địa Trung Hải. Đó là nha sĩ Phùng Thị Cúc tức điêu khắc gia Điềm Phùng Thị. Đó là nữ tiến sĩ triết học Thái Kim Lan. Đó là các nhà thơ, nhà văn Tôn Nữ Thu Hồng, Trần Thị Thu Vân tức Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Nguyệt Tuệ tức Nguyệt Tú, Nguyễn Khoa Bội Lan, Thân Thị Ngọc Quế, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Hoàng Thị Thương tức Quế Hương, Nguyễn Thị Thiếu Anh, Hồ Đắc Thiếu Anh, Tôn Nữ Thu Thủy, Trần Thùy Mai. Đó là các ca nhạc sĩ Trần Thị Lục Hà tức Hà Thanh, Trương Thị Nhân tức Tân Nhân, Đoàn Lan Hương. Vân vân và vân vân.
Giai đoạn ngôi học đường này mới thành lập, nữ sinh trường Đồng Khánh mặc đồng phục áo dài màu tím. Điều đó giúp màu tím Huế tạo ấn tượng quá dễ thương, đã được thơ-văn-nhạc-vẽ-ảnh ghi nhận. Nguyễn Bính sáng tác bài thơ Màu tím Huế. Phạm Xuân Luận cũng soạn bài hát trùng nhan đề Màu tím Huế. Hoàng Nguyên thì soạn ca khúc Tà áo tím.
Sau đó, nữ sinh Đồng Khánh mặc đồng phục áo dài xanh nước biển. Từ năm 1955, đồng phục áo dài trắng. Màu trắng khơi gợi bao cảm hứng tuyệt vời cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Tranh lụa Trắng của Tôn Thất Văn diễn tả 5 nữ sinh trường Đồng Khánh tản bộ trên đường rợp bóng cây trong Thành Nội - Huế. Bài thơ Trắng của Phanxipăng gồm 3 khổ, đây là khổ đầu:
Áo em trắng quá ôi trắng quá!
Làm sao anh đủ sức nhìn ra?
Dẫu vận cả nghìn thành công lực
Hàn Mạc Tử kia cũng quáng gà! (4)
TRƯỜNG ANH BÊN CẠNH TRƯỜNG EMQuốc Học và Đồng Khánh sóng đôi bên nhau trông ra dòng sông từng được thi hào Nguyễn Du ghi nhận:
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu.
Mặt tiền đều là rue Jules-Ferry, nay gọi đường Lê Lợi.Mặt hậu đều là rue Rheinard, nay gọi đường Ngô Quyền.
Ngăn giữa hai trường là avenue Monseigneur d’Adran / đại lộ giám mục Bá Đa Lộc, sau đổi thành đường Phủ Cam, từ năm 1960 đến nay gọi đường Nguyễn Trường Tộ. Đó là nơi gặp gỡ các cô cậu học trò giờ tan trường, bãi lớp. Nam thanh nữ tú bao thế hệ gọi con đường này bằng lắm cái tên ngồ ngộ: ngõ Tỏ Tình, lối Chờ Đợi, đường Đưa Đón, đại lộ Tương Tư, phố Cây Si, đường Long Não, v.v. Cây Si chắc chắn nghĩa bóng. Còn Long Não? Nghĩa bóng ắt đừng nên. Nghĩa đen thì quả thật, lề đường Lê Lợi có trồng nhiều cây long não được thế giới định danh khoa học Cinnamomum camphora (L.) Sieb. thuộc họ Lauraceae, chứ vệ đường Nguyễn Trường Tộ bấy lâu nay râm mát nhờ tán bao cây phượng vỹ trổ hoa màu đỏ Delonix regia (Bojer ex Hook.) Raf. thuộc họ Fabaceae, gần đây có điểm xuyết mấy cây phượng vỹ trổ hoa tím Jacaranda mimosifolia thuộc họ Bignoniaceae.
Tầng lầu Đồng Khánh bên nớ. Dãy lớp Quốc Học bên ni. Giờ ra chơi, hai phái tóc dài tóc ngắn đứng bên cửa sổ vẫy tay mà í ới:
- Trường em ơi hỡi trường em,
Chớ nhai me ổi lem thèm trường anh.
- Trường anh ơi hỡi trường anh,
Thương nhau dễ sợ nhưng đành ngó lơ.
Nhiều mối tình trường anh, trường em đã đến. Rồi đi. Như những dòng sông nhỏ (Trịnh Công Sơn). Cũng không hiếm những mối tình trường anh, trường em đã thành chồng nên vợ, hạnh phúc vô ngần.

100 đèn lồng kỷ niệm 100 năm 
trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng (1917- 2017) 
do trường Quốc Học tặng. 
Ảnh: Phanxipăng
Không chỉ là hai cơ sở giáo dục cổ kính, uy nghi, bề thế, giỏi giang, xinh đẹp, uy tín, Quốc Học và Đồng Khánh còn là hai công trình tiêu biểu trong hệ thống di tích tạo nên vùng văn hóa Huế đặc trưng. Nhắc đến Huế tất nhớ Quốc Học, càng không thể quên Đồng Khánh, và ngược lại.Bộ sách Quốc Học Huế xưa và nay gồm 2 tập do Trần Phương Trà chủ biên (NXB Văn Hóa Thông Tin, 2013) cùng đặc san Kỷ niệm 100 năm thành lập trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng (1917 - 2017) vừa ấn hành có nhiều bài đề cập trường anh, trường em long lanh muôn vàn kỷ niệm, ở đây chỉ ghi nhan đề những tác phẩm nhắc hai trường với tên người viết trong ngoặc đơn:
  • Les deux collèges voisins / Hai ngôi trường bên nhau (Phạm Quất Xá)
  • Một thời để nhớ rất lâu [Về Quốc Học - Đồng Khánh] (Tôn Thất Lan)
  • 100 năm Quốc Học - Đồng Khánh và sứ mệnh canh tân đất nước từ giáo dục (Trần Đình Hằng và Thanh Biên)
  • Quốc Học - Đồng Khánh dễ ghét và dễ thương (Dương Thị Điểu và Thân Thị Vân Hà)
  • Cặp đôi Quốc Học - Đồng Khánh (Nguyễn Xuân Hoa)
Xuôi ngược xa gần, nhà thơ Huy Cận cũng thường xuyên hồi tưởng về Huế với trường anh, trường em gắn bó:
Hai trường tình nghĩa láng giềng,
Nhớ nhưng nào có nhớ riêng trường nào.
Dặm trường biển thẳm, trời cao,
Nhớ về Huế những năm nào tuổi xuân. 

Đường Nguyễn Trường Tộ giữa 
2 trường Quốc Học & Đồng Khánh – Hai Bà Trưng. 
Ảnh Phanxipăng
_________________
  • (1) - Dinh Thuỷ Sư là nơi trú đóng của lực lượng thuỷ quân hoàng gia từ năm 1806, niên hiệu Gia Long thứ V.
  • (2) - Tập san của Hội "Những người bạn cố đô Huế" (Association des Amis du Vieux Hué), thường được gọi tập san Đô Thành Hiếu Cổ
  • (3) - Là vua thứ 9 nhà Nguyễn Gia Long, vua Đồng Khánh húy Ưng Súy, hoàng khảo của vua Khải Định - vua thứ 12.
  • (4) - Từng đăng trên nhiều báo chí, in trong nhiều sách, bài thơ Trắng của Phanxipăng đã được các nhạc sĩ Tôn Thất Lan, Quách Ngọc Hiếu, Hình Phước Liên, Vĩnh Phúc lần lượt phổ thành ca khúc. Có thể đọc lại Trắng trong Chim Việt Cành Nam http://chimviet.free.fr/thoviet/phanxipang/phanxipt_Trang.htm#trang
  • Không có nhận xét nào: