Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Ngọc Lan - Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần: ‘Hội họa là con đường đi không tới’

blank
Ngắm tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần tại phòng tranh Việt Báo. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Giới họa sĩ và những người yêu thích hội họa, nhất là những ai sống quanh vùng Orange County, thêm một lần nữa có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên và bàn luận với nhau về màu sắc, về kỹ thuật, về ý tưởng, về cả nhân tình thế thái nhân đợt triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đang diễn ra tại phòng tranh Việt Báo, Westminster, từ Thứ Năm đến Chủ Nhật, 19 đến 22 Tháng Bảy.<!>
Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948, tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Huế, là thành viên của Hội Đồng Văn Hóa Đông Hawaii.
Sự “tái xuất” của ông sau tám năm “ham chơi,” mê bạn hữu có lẽ cũng là lý do để cuộc triển lãm mang nhiều ý nghĩa hơn về sự chờ đợi, nhớ nhung, thúc hối của những tâm hồn lấy màu sắc làm ngôn ngữ.
Đứng giữa khán phòng, nơi đang hiện diện 28 bức tranh sơn dầu lớn nhỏ của chính mình, người họa sĩ bước vào tuổi 70, nói như tâm sự, “Nói thật ra thì mình ham chơi. Mình ngưng lại tám năm, kể từ năm 2010 sau triển lãm với Đinh Cường ở Paris, để về nhà với bạn hữu, đông lắm. Ban ngày thì uống rượu cùng bạn hữu, vẽ vào ban đêm cho tâm được tĩnh. Rồi mới chắt chiu từng khoảng màu, từ từ thôi.”
“Có điều phải ghi nhận là bạn hữu rất quý mình, thấy mình ham chơi quá nên họ cứ thúc hoài bên lưng suốt cả hai năm nay, nhất là nhà thơ Trịnh Yên Thư. Mình cứ hẹn lần lữa. Đến lúc thấy mình cũng già rồi, mà con đường này là con đường đi không tới, thì cũng phải cố mà thực hiện buổi triển lãm này,” họa sĩ chuyên về tranh trừu tượng nói.
blank
Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần (trái) giữa bè bạn trong buổi triển lãm tranh sơn dầu của chính ông. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Cái đằm thắm, sâu sắc của người họa sĩ vốn ham chơi, mê bạn này còn chất chứa trong cả việc chọn nơi triển lãm, phòng tranh Việt Báo chứ không phải một nơi nào khác. Bởi “hồi xưa tôi làm triển lãm với anh Đinh Cường ở đây, năm 2005, cũng là do anh thúc hối. Năm 2010 tôi sang Paris triển lãm với anh lần nữa và ngưng tới giờ. Đinh Cường mất hai năm rưỡi rồi. Giờ tôi làm triển lãm ở đây là để nhớ anh, để kỷ niệm với Đinh Cường.”
Có mặt tại buổi triễn lãm trưa Thứ Sáu, họa sĩ Phan Chánh Khánh, hiện ở Santa Ana, nhận xét, “Dưới góc của một người thưởng ngoạn chứ không phải một họa sĩ, tôi thấy tranh của Thuần luôn giữ được nét cá biệt, đó là điều tiên quyết của người sáng tạo. Cho nên mỗi lần nhìn thấy tranh, cho dù không có chữ ký, tôi vẫn dễ dàng nhận ra đâu là tranh của Thuần.”
“Chiều hướng của Thuần đi về trừu tượng, bởi qua tranh trừu tượng Thuần gửi gắm được nhiều điều hơn là vẽ hình ảnh cụ thể. Tranh trừu tượng của anh rất súc tích, súc tích về nội dung, về kỹ thuật, về màu sắc,” ông cho biết.
Hỏi họa sĩ Thuần “làm sao để người ngoài hiểu được ý niệm của người họa sĩ, khi xem đây là loại hình nghệ thuật có ngữ không có ngôn?”, ông diễn giải, “Tranh trừu tượng là theo thưởng ngoạn của người xem. Cùng bức tranh, có người nhìn thấy sao giống ngôi nhà tôi ngày xưa, đó là do bức tranh gợi được dĩ vãng ký ức; người khác xem lại thấy sao giống đồng cỏ nào đó mà họ từng bắt gặp.”
“Điều đầu tiên của hội họa là nhìn thấy đẹp không cái đã, từ dẫn dắt cảm quan mới đi vào nội tâm. Còn trừu tượng thì bỏ qua hình thức đó. Nó đi trực tiếp vào tâm cảm của người thưởng ngoạn. Nhưng nói vậy trừu tượng không có nghĩa là quơ đại từ mảng này qua mảng kia. Trừu tượng có động có tĩnh, có nguyên lý âm dương, nó đánh động tâm hồn mình là do những đậm nhạt của màu sắc. Khi mình nhìn, cảm quan mình thấy rung động liền, không cần hiểu. Đó là ngữ không ngôn. Cảm không cần phải lý giải gì hết, cảm chỉ là cảm,” người họa sĩ nói như đang được khơi đúng sở trường của mình.
Quan sát tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, họa sĩ Nguyễn Thị Hợp cho rằng “tranh của ông thể hiện sự tìm tòi, công phu.”
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng thì lại nhìn thấy “sức làm việc của anh Thuần thật là tốt” qua những gì trưng bày tại buổi triển lãm.

blank
“Tranh trừu tượng đi trực tiếp vào tâm cảm của người thưởng ngoạn.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)



Nhà văn Phạm Phú Phong, người từng có những bài viết về sự độc đáo trong tranh Nguyễn Đình Thuần, nhấn mạnh, “Loạt tranh này của ông Thuần là một sự thay đổi, một biểu hiện mới trong lối vẽ của ông, phần nhiều ông dùng màu xanh. Màu sắc trong tranh Nguyễn Đình Thuần luôn mãnh liệt mà tôi phải dùng đến chữ ‘bạo liệt,’ dù là màu nào cũng vậy.”
Không là người thích đùa với màu sắc, cô Nhã Hương, người bạn đời của nhân vật chính trong cuộc triển lãm, có cách thưởng thức tranh riêng: “Tôi thấy tranh anh vẽ màu đẹp, tên đặt cho những bức tranh rất ‘thơ,’ như Cổng Vườn Xưa, Trăng và Thiếu Nữ…”
“Làm bạn đời của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, tôi thấy anh rất khác. Tính anh phóng khoáng, nghệ sĩ lắm, không giận hờn, chấp nhất ai hết, mà cũng không ghét ai. Người ta nói xấu anh, anh vẫn chẳng để bụng, gặp vẫn chào hỏi, bắt tay như thường. Tính anh hay lắm. Tôi nể anh là nể vừa cả tánh tình lẫn tài năng,” cô nói với ánh mắt ngời hạnh phúc lẫn tự hào.
“Hội họa là con đường đi không tới. Đừng nghĩ hôm nay mình bôi mấy miếng màu là nó xong việc. Chỉ là cái duyên, là số phận đẩy đưa mình tới với hội họa, rồi mình cứ đi thôi. Có những đoạn mình tạm dừng là vì mình gặt hái được một bông hoa nào đó. Có lúc mình lại hơi nản tại vì đời sống mình ngắn hạn quá mà cứ làm nữa làm nữa thì nó cũng không tới. Nhưng rõ ràng nó là con đường vô định.” Tôi thích ý niệm đó của người họa sĩ “mê chơi” này.
Ngắm “Thạch Động Hoa Vàng,” “Trăng Cao Nguyên,” “Nỗi Buồn Xanh,” “Ẩn Hoa” hay “Thủy Tinh Vỡ,” “Thiên Thạch,” “Dưới Ánh Trăng,”… của Nguyễn Đình Thuần trong những gam màu, những ẩn dụ, những đường nét khi thanh thản, nhẹ nhàng, lúc như rối bời, hỗn loạn, mỗi người sẽ có những cảm nhận của riêng mình, có thể chẳng giống ai, chẳng liên quan gì đến tên gọi tác phẩm. Nhưng tranh có gợi được gì để níu chân người xem phải dừng lại, ngắm nhìn, ngẫm nghĩ, mới là điều quan trọng.
Và, nhiều người đã phải đứng lại ngắm nhìn trong cách đó khi đến với phòng triển lãm Nguyễn Đình Thuần. 

Ngọc Lan
(từ: NV)

Gặp Gỡ Bạn Văn Tại Triển Lãm Tranh Nguyễn Đình Thuần.
Hội trường Việt Báo ngày 20-7-2018

blank
Triển lãm tranh Nguyễn Đình Thuần, từ phải: Trần Yên Hòa, Nguyễn Đình Thuần, Nhã Ca, thân hữu, họa sĩ Trịnh Cung...

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng
Từ trái: Trịnh Y Thư, Thành Tôn, Trần Thế Phong, Trần Yên Hòa


Trong hình ảnh có thể có: 11 người, bao gồm Thuan Nguyen và Tran Yen Hoa, mọi người đang cười, mọi người đang đứng
Từ phải, TYH, Trần Thế Phong, Nguyễn Đình Thuần, Nhã Ca, họa sĩ Rừng (thứ 6)

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Tran Yen Hoa, mọi người đang đứng và giày
Trần Yên Hòa và Trịnh Y Thư trước tranh Nguyễn Đình Thuần 

Trong hình ảnh có thể có: 7 người, bao gồm Tran Yen Hoa, mọi người đang ngồi và trong nhà
Khách tham dự triển lãm: Từ trái thứ 3, Trần Thế Phong, Thanh Mỹ, Trần Yên Hòa, cuối phải, Trịnh Y Thư

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Tran Yen Hoa, mọi người đang đứng và trong nhà
TYH với nhà thơ Trúc Chi

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Nhà Văn Phạm Phú Minh với tranh Nguyễn Đình Thuần

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Dung Nham, mọi người đang ngồi và trong nhà
Tham dự bế mạc triển lãm tranh Nguyễn Đình Thuần: Nguyễn Đức Bạn, nhà thơ Khế Yem, Thành Tôn, họa sĩ Rừng, Cung Tích Biền.

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, bao gồm Dung Nham và Tran Yen Hoa, mọi người đang cười
Khế Yêm, Hs Rừng, Trần Yên Hòa, Cung Tích Biền.
                            

                                                          Mời tìm đọc:
                         Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét