Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Đá Banh, Chuyện Bên Lề - Hoàng Nga

blank 
Nhà tôi, hầu như ai cũng mê đá banh. Kể cả con gái. Hồi nhỏ, chị tôi hay được ba tôi dẫn đi coi trực tiếp ở sân vận động thị xã. Lúc đó chưa có truyền hình. Lâu lâu có trận trực tiếp truyền thanh trên radio, ba tôi… nghỉ làm, ở nhà nghe ông Huyền Vũ “…s…ú…t”. Phải nói là ông Huyền Vũ thật đại tài. Ông nói như nước chảy, chỉ nghe ông tường thuật mà cứ tưởng như đang được ngồi đâu đó ở sân vận động Tao Đàn hay sân Cộng Hòa xem các cầu thủ làm bàn, tung lưới, hay đá hụt.<!>
 Mấy ông anh tôi và hai thằng em út thì khỏi nói cũng biết là chết mê chết mệt môn túc cầu này như thế nào. Tôi nhớ gần nhà tôi thuở ấy có cái vườn ương cây giống rộng thênh thang của chính phủ, cũng là nơi bọn con trai hay tụ tập, nên cứ sễnh ra là mấy ông lại chạy đi. Ông anh lớn tôi dạo đó học trường tây, về nhà không ai giúp bài vở nên phải đi học thêm ở một ông thầy dạy kèm chỉ nói tiếng Pháp, thì giờ rất eo hẹp vậy mà không biết sao cũng kiếm ra được lúc để biến mất. Nhưng phải nói là về sau hai thằng em tôi mới “ghê gớm” hơn, vì không những hai thằng chỉ chạy qua đó, mà còn mất tiêu ở những chỗ tôi không thể nào tìm được!

Cả nhà tôi “nghe” đá banh cho tới khi có truyền hình. Lúc ấy các anh tôi đã vào Sài Gòn học, nên mỗi bận về thăm nhà là tay xách nách mang lủ khủ đủ loại tạp chí thể thao cho lũ em. Vì vậy chúng tôi bắt đầu được nhìn mặt cầu thủ tường tận hơn, gần hơn. Những tên tuổi cầu thủ nổi tiếng không còn chỉ được nghe từ radio, và những bàn luận từ… ba tôi và bạn của ông, mà “hiện ra” một cách rất rõ ràng. Từ thủ môn Lâm Hồng Châu, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang, tiền đạo Quang Đức Vĩnh, rồi Đỗ Thới Vinh, Cù Hè, Cù Sinh, Ngôn 1 Ngôn 2…, đến cả những những người đi trước, thần tượng của ba tôi như thủ môn Phạm Văn Rạng, cầu vương Lý Huệ Đường…
Tôi, đến lúc đó bắt đầu vào tuổi mới lớn, phải thú thật là không mê đá banh lắm lắm như những thành viên khác trong nhà, nhưng cũng coi theo và cũng thuộc luật lệ môn thể thao này. Tuy nhiên tôi mới là đứa khám phá ra có nhiều cầu thủ bóng tròn thuở ấy rất… đẹp trai, rất phông độ! Và người hùng trong “mộng” của tôi lúc đó là trung vệ Nguyễn Văn Mộng, vốn được mệnh danh “đầu vàng” với những cú đánh đầu tuyệt vời.
Tôi không nhớ mình có được thấy cầu thủ Nguyễn Văn Mộng đánh đầu cú nào vào lưới đối thủ hay không, nhưng sau năm 75, nghe một số cầu thủ vẫn còn bị kẹt lại, trong đó có người hùng của mình, tôi vừa thương cảm, lại vừa… vui. Một kiểu vui rất tiểu nhân, như thể vì họ cũng… bị ở lại như tôi. Khi lớn lên rồi tôi mới hiểu đó vốn là cái tâm lý sợ bị bỏ rơi, sợ còn lại một mình. Mà quả thật như vậy, những ngày tháng sau đó, sự thay đổi của xã hội khiến tôi chỉ muốn nghe, chỉ muốn thấy, chỉ muốn nhìn những gì đã quen thuộc với mình trong quá khứ mà thôi. Chuyện những người nổi tiếng bị kẹt lại sau khi miền Nam mất khiến tôi yên tâm dầu họ chẳng biết tôi là ai, và dầu đó là một tâm lý rất ích kỷ, nhỏ mọn.
Khoảng giữa hay gần cuối năm 76, lúc tôi đã về sống ở huyện lỵ Xuân Lộc, đã đi học trở lại, đã có bạn bè, thì tôi nghe cầu thủ Nguyễn Văn Mộng đang về đó. Ở tại nhà của một trong những tên con trai theo đuổi cô bạn thân của tôi. Ba hắn làm việc gì đó, giữ chức vụ gì đó của phòng thể dục thể thao huyện. Tôi không ưa tên này. Bạn tôi càng không ưa ác liệt hơn. Nhưng một trưa nắng đổ chang chang, bụi đỏ bay mịt mù, một thứ bụi đỏ không thơ mộng gì cả như ông Phạm Thiên Thư tả “ai mang bụi đỏ đi rồi”, tôi rủ con bạn đến nhà hắn. Bạn tôi trợn mắt hỏi để làm gì. 

Tôi ậm ừ:
- Để thấy ông Nguyễn Văn Mộng bằng xương bằng thịt.
Con bạn cà trớt của tôi bật cười hô hố:
- Chời, dậy chớ xưa nay mày tưởng ổng là hồn ma bóng quế hay là đồ gỗ, đất sét?
Cái lý do tôi nói là chỉ để nhìn thấy “người hùng” hoàn toàn không được con nhỏ chấp nhận nên tôi dỗi. Tôi đi học một mình không thèm chờ nó. Ngang qua ngôi nhà “người hùng” đang có mặt, tôi lấy hết can đảm, bặm môi gõ cửa. Tên con trai đi ra. Thấy tôi, hắn sững sờ. Vì bình thường hắn vẫn cố làm thân với tôi để có hy vọng gần hơn với bạn tôi nhưng có lẽ trong đời hắn không thể nào gặp một con kỳ đà nào bự hơn tôi; vì vậy sự xuất hiện của tôi trước ngưỡng cửa nhà hắn với một nụ cười tươi y như hoa nylon trên môi khiến hắn muốn… bật ngửa. Hắn tròn mắt một hồi, nhưng thay vì hỏi lý do tôi gõ cửa, hắn lại hỏi “H. đâu?”.

Nụ cười trên môi tôi tắt ngấm liền mà sau này nhớ lại tôi phải bật cười khi nghĩ chỉ số thông minh của hắn có tăng lên đột ngột ở mức cao nhất cũng làm sao hiểu được “ý đồ” của tôi lúc ấy! 
Tôi đã cau mày hỏi lại hắn:
- Cầu thủ Nguyễn Văn Mộng đâu?
Hai câu hỏi, thật là đường hai lối mộng! Tên con trai ngó tôi chằm chằm năm ba giây. Chắc hắn thất vọng não nề như tôi đã thất vọng não nề. Hắn xụ xuống, rồi trả lời tôi, giọng khô còn hơn cả cá khô:
- Về Sài Gòn rồi!
Về Sài Gòn rồi! Thần tượng của tôi về Sài Gòn rồi! Về hồi nào sao tôi… không biết! Tôi ngó tên con trai bằng ánh mắt… căm phẫn rồi quay ngoắt bước xuống bậc thềm nhà hắn, bỏ đi một mạch. Phía sau lưng tôi có tiếng ý ới vói theo:
- Ảnh về Sài gòn sáng nay rồi.
Tên con trai không biết nếu trời sụp xuống có lẽ còn dễ chịu hơn tâm lý tôi lúc đó. Tôi vừa quê vì đã làm một chuyện hết sức vô duyên vừa xấu hổ khi tự “đánh giá” mình… liều lĩnh quá.
Thỉnh thoảng nhớ chuyện xưa, tôi vẫn phì cười vì nếu như lúc  ấy cầu thủ Nguyễn Văn Mộng đang ngồi đâu đó trong phòng khách nhà hắn, sau câu hỏi của tôi, tên con trai đó có giới thiệu đi chăng nữa, thì chắc tôi cũng chỉ dám lí nhí cúi đầu, chứ chưa biết có dám chào ông một câu hay không! Tuy nhiên “duyên phần” của đôi bên kể như chấm dứt, cho dù sau này tên ấy vẫn lẽo đẽo theo tôi kể lể chuyện “anh” Mộng bị chấn thương đầu gối, “anh” Mộng xuống Xuân Lộc định làm huấn luyện viên mà không được, lần sau “ảnh” xuống…, vân vân và vân vân, nhưng tôi vẫn nhất định không năn nỉ con bạn mình bồ với hắn. Mùa hè năm đó, bạn tôi đi lấy chồng.

Tôi cũng thôi không còn coi đá banh. Nhưng lý do là mẹ tôi đã bán cái TV từ đời tám hoánh để lấy tiền mua gạo. Lý do thứ hai là cái huyện lỵ buồn thảm đó chỉ có điện từ sáu giờ chiều đến chín giờ tối mỗi tuần ba buổi mà lại chớp chớp tắt tắt, nhảy múa như lên đồng. Nếu đài truyền hình có chiếu trực tiếp hay gián tiếp, hay gì gì đi nữa cũng không thể nào coi cho hết một trận đấu. Trong nhà tôi, thì những poster cầu thủ đội tuyển quốc gia Đức năm 1974 chị tôi gửi về từ Darmstadt, nào Maier, Vogts, Beckenbauer, G. Müller…, cùng những bài báo và hình ảnh của các đội banh miền nam Việt Nam trước 75 đều lần lượt theo nhau hoặc bị mẹ tôi chụm vào nồi cháo heo của bà, hoặc bị đốt vì chiến dịch văn hóa, hoặc bị một đứa nào đó đem đi nộp kế hoạch nhỏ cho trường.
Cầu thủ cũ, tôi chỉ biết Tam Lang còn đá cho Cảng Sài Gòn.
Bẵng đi một thời gian, cho mãi đến khoảng mùa hè năm 1988, tôi mới có dịp coi một trận đấu trên TV. Một trận ra trò. Trận chung kết cúp châu Âu giữa hai mãnh hổ Hòa Lan-Đức. Người rành rẽ gọi đó là trận “trả thù” của đội áo cam Hòa Lan cho lần thua Đức ở giải chung kết thế giới năm 1974. Tôi không biết nhiều nhưng biết đó là trận hết sức ngoạn mục, khi hai cựu cầu thủ Franz Beckenbauer của Tây Đức đối đầu với Rinus Michels, Hòa Lan, trong vị trí huấn luyện viên của hai đội.
Tôi không “có duyên” với tiền vệ -sau là trung vệ- xuất sắc một thời của miền nam Việt Nam, nhưng khi qua sống ở Đức, thì lại “có duyên” với cầu thủ Đức. Tôi được hân hạnh diện kiến ông Beckenbauer khi tiễn cô cháu ra phi trường. Cháu tôi lúc ấy đã là MC khá nổi tiếng của đài truyền hình Đức, từng phỏng vấn Beckenbauer, lúc thấy nhau, hai người đã đến chào hỏi, chuyện trò nên tôi mới có dịp được đứng… kế bên. Và tuy không trực tiếp trao đổi “lời qua tiếng lại” (ha ha) với cựu thủ quân nổi tiếng thế giới, người được người Đức gọi là “der Kaiser”, hoàng đế, nhưng chắc có lẽ tôi cũng nên… khoe, kiểu thấy sang bắt quàng, vì đã khiến cho biết bao người ở chung quanh đó ngoái nhìn tò mò và ngưỡng mộ. Beckenbauer lúc ấy đang là huấn luyện viên lừng lẫy của đội tuyển FC Bayern, nơi tôi sinh sống, và cũng là người vừa dẫn dắt đội tuyển Đức giựt cúp thế giới cách đó không lâu.

Người thứ hai tôi được hân hạnh mặt đối mặt là Oliver Bierhoff, cầu thủ hay nhất nước Đức năm 1998. Thật ra không có lý do gì ghê gớm cả. Chỉ đơn giản là Bierhoff tới tiệm chúng tôi ăn tối mà thôi. Chúng tôi đã không nói cho nhân viên phục  vụ biết, và cũng sắp xếp để Bierhoff ngồi quay lưng vào vách không cho ai nhìn thấy mặt, tuy nhiên cuối cùng thì ai cũng biết vì Bierhoff trả tiền bằng thẻ tín dụng! Toàn bộ sự nghiệp của Bierhoff, tôi chả nhớ anh chàng chơi ở vị trí nào, làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia bao lâu, nhưng nhớ Bierhoff hết sức nhã nhặn và… đẹp trai như tài tử đóng phim!!!
Đá banh, tôi không phải là một ủng hộ viên hết lòng, cũng không phải là fan cuồng nhiệt gì cả, nhưng vì nhiều kỷ niệm, nhiều điều dính dáng đến trái bóng tròn nên vẫn nao dạ mỗi bận được xem một trận đấu nào đó. Bên này không như châu Âu, cổ động viên không ra đường cờ xí, áo xống rồi la hét đánh trống thổi kèn náo loạn, nên những mùa giải lớn, tôi và con em tôi từ Arizona gọi điện thoại cho nhau, vừa coi vừa… bình luận um sùm mà thôi.
Nhưng đá banh, với tôi là môn thể thao hết sức đẹp. Tôi yêu đội tuyển Anh, đội tuyển Brazil vì cách chơi gentle, lịch sự một cách rất đáng yêu của họ. Cũng thích cách ủng hộ nhiệt tình của nhiều fan, như mùa giải Âu Châu 2004, qua Amsterdam thấy cả thành phố rực rỡ một màu cam óng ả, mà đến ngẩn ngơ. Cả khi nhìn sự điềm tĩnh và thái độ khiêm nhường của nhiều huấn luyện viên, tôi cũng cảm thấy mình học được nhiều bài học.
Tôi nghĩ, tham dự bất cứ cuộc chơi nào cũng phải có thắng thua. Cũng sẽ có người yêu kẻ ghét. Giải U23 vừa kết thúc, Việt Nam được lãnh cúp “Á Hậu”, tôi vui lây với niềm vui của nhiều người, buồn lây với cái buồn của đội tuyển, tuy nhiên cũng có chút nghĩ suy với cái yêu cái ghét của bàn dân thiên hạ. Trên tinh thần thuần túy thể thao, khi theo dõi một vài tin tức quanh chuyện U23, thấy đó đây nhiều người nghĩ đến chính trị hỏi sao với những bất công của xã hội và sự xâm lược mà người ta không xuống đường ầm ĩ như vậy để phản đối, tôi đã không khỏi ngạc nhiên. Theo thiển ý của tôi thì đấu tranh có vô vàn đường lối chứ đâu phải chỉ “xuống đường” mới đúng. Gandhi chủ trương bất bạo động nhưng Phạm Hồng Thái đã đánh bom vào Sa Diện đó thôi. Tôi cũng nghĩ ý nghĩa của hai việc xuống đường này hoàn toàn khác nhau làm sao có thể so sánh như vậy được. Bởi ủng hộ đá banh thì đâu có cần một chính kiến, hay chính nghĩa. Cứ thấy khoái là xuống đường và hò hét cho vui. Hoàn toàn có thể kể như một chuyện giải trí, hay ủng hộ tinh thần đội nhà mà thôi. Cũng không thể nói đất nước còn nghèo, nhiều người còn đói mà lại rần rộ chuyện vô bổ. Bởi nói như vậy thì làm gì trên thế giới có những đội tuyển Nam Mỹ đá hay đến… nổi da gà!
Tuy nhiên, cũng trong khi theo dõi, một vài tin tức cứ làm tôi bỗng buồn ngang. Là chuyện các cô thoát y chạy rông ngoài đường trong những ngày xôn xao U23 giải châu Á vừa qua, sau đó lại cộng thêm chuyện trên chuyến phi cơ đặc biệt đón các cầu thủ trẻ về nước, các cô chiêu đãi viên hàng không đã ăn mặc hở hang, nhảy múa uốn éo gợi dục, làm những hành động mà nam nhân thấy còn xấu hổ huống gì đàn bà con gái như tôi. Điều này làm tôi nhớ lại những cuộc tiếp đón long trọng và đầy xúc động của những nước đã dành được chiến thắng trong các giải vô địch túc cầu thế giới. Gần đây nhất, năm 2014, khi xem trực tiếp truyền hình có đến hơn nửa triệu người Đức hân hoan chào đón những người hùng của họ trở về từ Brazil mà tôi cứ ứa nước. Đó không phải vì tôi có hơn mười lăm năm sống ở đó mà chỉ vì lòng tự hào, niềm vui và sự trân trọng mang ơn của người dân đối với những kẻ có công khiến tôi cảm động.
Tôi biết là chuyện đất nước, nói hoài không hết, mà chuyện đá banh, thì chắc cũng còn dài dài…

HOÀNG NGA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét