Bức công điện “sắc máu” hiếm có về vụ BOT – như một lời khẳng định không chọn lựa nhân dân – vừa cho thấy sắc thái quyền lực nhóm và rạo rực toan tính lợi ích – Ảnh: Quang Hiếu
Vietnam – Cali Today news – Rốt cuộc, Thủ tướng Phúc đã không chọn nhân dân trong cuộc chạm trán tóe máu ở các trạm BOT.
<!>
Hơn một tháng sau khi BOT Cai Lậy ở Tiền Giang phải “hưu chiến” để chờ nghiên cứu và chỉ đạo của Chính phủ, vào ngày 18/1/2018 ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cung cấp cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu về đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT và Bộ Công an xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm.
Một bức công điện căng thẳng và “sắc máu” hiếm có.
“Tình hình phức tạp tại các trạm thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT” – công điện của Thủ tướng Phúc tỏ ra rất “kiên định phòng chống diễn biến hòa bình”.
Ông Phúc đòi hỏi “cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đồng chí bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật”, và “yêu cầu Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác…), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.
Hơn một tháng trước, vụ BOT Cai Lậy, cùng hàng loạt biến động có thể xảy ra ngày một ngày hai ở các trạm BOT khác, đã khiến Thủ tướng Phúc như bị kẹt giữa ba làn đạn: phản ứng từ người dân và ít nhất hai phe phái xung khắc nhau trong nội bộ đảng.
Trong vụ BOT Cai Lậy, nhiều người đã nhận ra tình trạng phân hóa tung tóe giữa những cơ quan chấp pháp, đặc biệt giữa những người đứng đầu các cơ quan đó, về quan điểm và cách thức xử lý “khủng hoảng BOT”.
Nếu phong trào biểu tình của giáo dân và ngư dân các tỉnh miền Trung phản kháng thảm họa xả thải của Formosa vào năm 2016 đã bị chính quyền và công an khá tương đồng quan điểm để tiến hành nhiều hành động trấn áp, đàn áp, thì rất đáng chú ý, phong trào phản kháng BOT lại làm lộ ra một khoảng khác biệt, nếu không muốn nói là làm lộ ra cái hố phân cách giữa nhóm Bộ Giao thông Vận tải cùng chủ đầu tư BOT – nhóm bị dư luận xã hội từ lâu xem là trục lợi chính sách để “ăn BOT”, với các bộ ngành khác có liên quan đến trách nhiệm “đổ vỏ BOT”.
Trong khi giới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và giới chủ đầu tư các công trình BOT, kể cả chính quyền một số địa phương bị nhiều dư luận cho là có “ăn chịu” với trạm BOT như Đồng Nai, Tiền Giang luôn gào thét đòi “công an vào cuộc xử lý hành vi gây rối kích động, chống đối”, đồng thời “hợp đồng” với công an để dàn hàng trăm cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông, chưa kể cảnh sát trật tự ngay tại hai trạm BOT Biên Hòa và BOT Cai Lậy như một cách để răn đe và khủng bố tâm lý lái xe, hay một quan điểm trong Bộ Công an đòi “xử” những lái xe gây kích động, cụ thể là nêu danh sách 14 xe tải “chạy đi chạy lại trả tiền lẻ”.…, lại xuất hiện tình trạng “chểnh mảng chức trách” trong khối công an.
Tiêu biểu là một quan chức công an – Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, khi trả lời phỏng vấn của trang Zing.vn, đã cho rằng việc tài xế quay đầu nhiều vòng để qua lại BOT Cai Lậy không vi phạm gì cả, trừ khi họ tổ chức kích động gây rối. “Người ta thích thì người ta chạy, có xe thì người ta chạy thôi, miễn sao họ đi đúng luật”, ông Bùi Bé Tư nói huỵch toẹt.
Chẳng mấy khó khăn để hình dung ra tâm trạng đương thời: “Ai ăn nấy chịu”. Nhiều cơ quan công an địa phương, mặc dù có thể đã được chủ đầu tư BOT tận tình “chăm sóc”, nhưng do chẳng hề dính phần với những khoản lợi nhuận khổng lồ đã được chia chác, nên không thể không “lăn tăn” trước trách nhiệm phải “đổ vỏ”.
“Đổ vỏ” lại là bài học vừa kinh nghiệm vừa xương máu đã và đang hiện hình rõ mồn một. Một trong những nhân vật bị xem là “kẻ đổ vỏ vĩ đại” là Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.
Bởi ông Phúc, không thể khác hơn nếu còn muốn ngồi ở ghế thủ tướng, là phải ngày đêm điên đầu tìm kế xử ký vô số hậu quả về nợ xấu, nợ công, ngân hàng, tham nhũng…, và chắc chắn không thiếu vô số đơn thư tố cáo để lại từ người tiền nhiệm là Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng cho đến lúc này và khi Nguyễn Xuân Phúc đã có tới hai năm chấp nhiệm và củng cố quyền lực ở ngôi thủ tướng, liệu thân phận ông còn đáng được một số người thương cảm là “đổ vỏ”?
Hay Thủ tướng Phúc đang nổi lên như một thể quyền lực mới?
Bức công điện “sắc máu” hiếm có về vụ BOT – như một lời khẳng định không chọn lựa nhân dân – vừa cho thấy sắc thái quyền lực nhóm và rạo rực toan tính lợi ích ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét