Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Vĩnh biệt nhà thơ Trần Văn Nam - Nguyễn Mạnh Trinh

blank
Nhà thơ Trần Văn Nam (1939-2018)

Nhà thơ Trần Văn Nam vừa ra đi lúc 9:30 sáng ngày 10 tháng 1 năm 2018 tại Walnut City, CA. Chủ nhật trước, ngày 7 tháng 1, chúng tôi (anh Phạm Phú Minh, Thành Tôn, Hoàng Xuân Trường, Trần Yên Hòa và tôi) có đến thăm anh thấy anh vẫn còn tỉnh táo nói chuyện về kỷ niệm ngày xưa lúc anh dạy học, lúc anh làm thơ. Lúc đó chỉ thấy anh hơi mệt khi nói chuyện nhiều thôi chứ không ngờ anh lại ra đi chỉ mấy ngày sau như vậy.<!>
Thăm Trần Văn Nam
Bạn bè đến thăm Trần Văn Nam tại nhà riêng ngày 7 tháng 1, 2018. Đứng từ trái: Trần Yên Hòa, Thành Tôn, Hoàng Xuân Trường (trong chú thích trước ở BVN là Hoàng Dung, nhà văn), Phạm Phú Minh, Nguyễn Mạnh Trinh.
Tôi quen biết anh Trần Văn Nam vào những năm đầu thập niên 80 ở Hoa Kỳ. Chính trong nhà in nhỏ của nhà thơ Nguyên Sa ở đường Grand trong thành phố Irvine, tôi đã làm “thợ vịn” để in tập thơ “Đêm Cho Thơ Tình và Âm Nhạc” của anh do nhà xuất bản Đời. Cũng như đã nhận bài từ tay anh viết về nhà thơ Đinh Hùng để in trong Đinh Hùng Tác Giả & Tác Phẩm. Nhà thơ Nguyên Sa thường hay tổ chức những cuộc gặp gỡ nhỏ chỉ có vài người thân trong đó có anh tham dự. Mỗi lần họp mặt, lúc đó chừng một, hai tháng một lần, tôi thường ngồi cạnh bên anh và cũng ít nói chuyện nhiều. Đặc biệt anh có nụ cười rất hiền hậu và có dáng vẻ của một ông thầy giáo nghiêm túc đứng đắn. Tôi biết anh đọc sách và theo dõi báo chí Việt ngữ rất nhiều, nhất là thi ca. Đọc những cuốn sách anh viết theo những chủ đề nghiên cứu, tôi đã thấy được sự cố công của anh và tấm lòng trân trọng yêu mến chữ nghĩa, sách vở. Về sau này, lúc gần đây, chúng tôi cũng thường gặp nhau ở tiệm cà phê Factory cho đến khi anh từ trần. Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười chân chất hiền hòa của anh mỗi khi găp mặt.
Tôi nhớ lại tên tuổi Trần Văn Nam. Từ “Thơ Tình Độc Nhất” in ở quê nhà năm 1963 đến “Đêm Cho Thơ Tình và Âm Nhạc” in ở xứ người năm 1991. Cũng Trần Văn Nam từ “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam: Phân Định Thi Ca Hải Ngoại” đến “Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975. Và cũng Trần Văn Nam với thơ và khảo luận đăng trên Văn, Khởi Hành ở quê nhà trước năm 1975 và sau này trên các tạp chí văn học ở hải ngoại như Đời, Văn Học…
Nguyễn Vy Khanh đã viết về những tập thơ của Trần Văn Nam đã xuất bản ở Việt Nam những năm 1963 và 1964” trong bộ sách Văn học Miền Nam 1954-1975:
“Nội dung siêu hình và sự đào sâu tâm lý dưới dạng văn ảnh và huyền truyện, đã là những thi tính trong triết học và Trần Văn Nam đã áp dụng tính chất văn ảnh có chất thơ ấy trong một số sáng tác như bài “Nhền Nhện và Dã Tràng” cũng như bài “Con Sông Dài Qua Kinh Thành Cũ” (trong “Tập Thơ Độc Nhất” và “Tập Thơ Bổ Khuyết” xuất bản năm 1964 tại Sài Gòn). Phần chúng tôi gọi là thơ văn xuôi là nói về hình thức vì với tác giả họ Trần, văn ảnh trong triết học thường ở dạng văn xuôi. Mặt khác, trước đó Trần Văn Nam đã từng chủ trì “Thơ đẹp là một vận chuyển toàn bộ như bài ông viết trên tạp chí Văn (số 142 ra ngày 15/11/1969, Sài Gòn). Theo ông cảm thức cái đẹp của thi ca phát xuất từ kinh nghiệm sáng tác thơ, đó là một vận chuyển từ cuộc đời và nghệ thuật và là một vận chuyển nối kết các từ ngữ thẩm mỹ – ông đã dẫn chứng thơ ông và của một số thi sĩ thời trước 1960 để luận chứng. Có thể xem đây là một thứ “thi ca tự truyện” mà mỗi con chữ, ý, tình phải “đi vào tiểu sử” của người sáng tác, độc giả mới hiểu hết được cái thẩm mỹ của văn bản thi ca. Như vậy với Trần Văn Nam, văn chương phải chạm đến cõi siêu hình nhưng đồng thời phải mang các chất hiện thực và thẩm mỹ tính. Và ông đã liên tục đi tìm cách thế nghệ thuật thể hiện sáng tác cho riêng mình và giải mã tinh túy văn học nói chung, thi ca cách riêng…”
Nhà thơ Nguyên Sa viết về tập thơ của Trần Văn Nam in ở hải ngoại “Một Đêm cho Thơ, Tình và Âm Nhạc”:
“Tình yêu trong thơ Trần Văn Nam là một tình yêu lớn. Nếu so với âm thanh, tình yêu đó là một bản hòa tấu. Nếu mượn màu sắc để so sánh, tình yêu trong thơ Trần Văn Nam hiện ra như một cầu vồng ngũ sắc. Hình ảnh thiên nhiên có thật nhiều trong thơ Trần VănNam bởi lẽ nhà thơ này có một phần trái tim dành cho những cánh đồng thơ ấu của quê hương cũ, có những khu rừng thẳm sâu kỷ niệm, có những biển mênh mông khi đe dọa, lúc an ủi ngày dứt áo ra đi. Những khúc nhạc lên đến đỉnh cao cảm xúc trong thơ Trần Văn Nam là tình yêu đam mê cất giấu trong những khu vườn êm đềm nhất của nội tâm."
Quê hương Trần văn Nam:

Độ chừng bốn chục năm xưa

Cây xoài con két buổi trưa đường làng
Thôn Phong Thạnh, vùng Nha Trang
Xa xôi như đã qua sang cõi nào
Kêu trong vòm lá xanh cao
Bóng chim biền biệt bay vào hư không”
Xa hơn quê hương Nha Trang là quê hương Bến Tre:

Suốt một đời vẫn thấy nước trường giang

Chuyến phà quanh co, bãi cồn bát ngát.
Và hôm nay trong cuộc đời tha hương đầy ắp trong hồn Trần Văn Nam là quê hương Việt Nam vì:

Xứ này thâu hẹp núi sông

Nghe tàu đêm chạy lòng không nỗi niềm
Gối chăn, tàu đến tiếng rền
Ngỡ toa hạng nhất xuôi miền quê xưa.
Việt Nam quê hương đa dạng trong thơ đó, biển cũng muôn màu. Người thơ dao động cực kỳ mãnh liệt trong ngày đi:

Ngày đi nằm dưới sàn tàu

Cảm nghe trăm dặm trên màu biển xanh
Hồi lâu đảo mắt ngó quanh
Rặng bần Tổ Quốc sắp thành phôi pha.
Nhưng rồi những xúc động đến từ dời đổi biệt ly của biển ngày đi cũng tan đi nhường chỗ cho biển muôn đời.
Bản hòa tấu biển trời xanh muôn thuở/ Như loài người hát mãi bản tình ca. Biển là một hình ảnh đậm nét trong thơ Trần Văn Nam cũng như vậy trong âm nhạc.
“Ảo Giác Trong Bản Đàn Độc Tấu” là một bài thơ độc đáo.

Ngón tay bấm, và ngón rung, ngón vuốt

Mưa âm thanh trên mấy sợi tơ đồng
Đường dây đàn thành đại lộ mênh mông
Có bóng em cùng anh đi chung bước
Những dấu nhạc ký âm qua lướt thướt
Cũng biến thành hoa đẹp áo em bay
Trên đường xưa vạt áo em tròn xoay
Đã gói trọn hồn anh thời tuổi trẻ
Anh gõ nhịp trên thân đàn nhè nhẹ
Lại thấy em nhảy múa điệu tình ca
Tiếng vỗ xập xình là nhịp đập tim ta
Gót chân em dập dìu trong xa vắng
Duy chỉ có tiếng em là im lặng
Không nghe gì trong hiện tại cô đơn
Vì em đi đã cách mấy năm tròn
Bỏ lại anh những chiều buồn độc tấu…
Âm nhạc ở đó. Biển ở đó và tình yêu cũng ở đó. Bất kể bối cảnh, dù cây xăng, dù Parking Lot. Cây Xăng. Parking Lot là những bối cảnh đời, biển và nhạc là những bối cảnh tâm tư cho một tình yêu giản đơn, vẻ ngoài trầm lặng nhưng thưc chất cực kỳ mãnh liệt. Bài “Cây xăng 24 giờ” của Trần Văn Nam:

“nếu như em ngại lỡ đường

xe xăng cạn lúc phố phường ngủ mơ
trạm xăng hai mươi bốn giờ
suốt đêm đèn sáng sẽ chờ đôi ta
freeway sát bóng trăng tà
đường khuya khắn khít anh và bóng em.
Bài “Parking Lot ở trên cao” cũng rất tới (cũng thử thi vị hóa một cảnh – vật đô thị):

“Tiễn em ra tận phi trường

về phương trời khác trùng dương cõi ngoài
Parking Lot cách xa đời
Lấy xe về chốn một thời ái ân
Trên cao xe chạy xuống dần
Theo vòng trôn ốc tâm thần quẩn quanh
Biển và trời. Âm nhạc. Quê hương và Tình yêu. Trong thơ Trần văn Nam, qua những tiếp nối đổi đời, qua những khác biệt nhận thức, trước sau, vĩnh viễn Trần Văn Nam. Thơ Trần Văn Nam không giống thơ ai. Nó là Trần Văn Nam. Nghệ thuật trong một phạm vi, chính là tác phẩm mang dấu ấn độc đáo của tác giả.
Có những bài thơ bảy chữ cảm hứng từ những khám phá vật lý vũ trụ mà nhiều người cho rằng đó là một nét đặc sắc của thi ca Trần Văn Nam. Những đề tài có nét hấp dẫn về một vũ trụ mà đối với con người còn nhiều bí mật. Trần Văn Nam thích thú với những khám phá mà con người đã tìm kiếm được từ những thiên thể của trời đất tưởng như mênh mông nhưng lại hiển hiện dưới tầm mắt con người. Ông liệt kê những khám phá mà ông đề cập và viết thành thơ như khám phá do chứng cứ biết được có sự hiện diện của Black Hole tại trung tâm Ngân Hà và tại chòm sao Thiên Nga – hiệu ứng Doppler phát giác vũ trụ đang dãn nở – Thí nghiệm làm hạt đụng hạt khi cho chúng chạy ngược chiều bằng tốc độ ánh sáng nhằm tái tạo hạt căn nguyên, nguồn gốc hình thành vật chất trong vũ trụ – Bạc vàng do đâu mà có trong trái đất – đi tìm những làn vô tuyến bí ẩn từ giải Ngân Hà nghi ngờ do sinh vật có trí khôn ngoài Trái Đất truyền thông với nhau- tại sao có Sao băng, Sao chổi và đá trời- mảnh vụn thiên thạch kể lại thiên tai làm tuyệt chủng loài khủng long – mắt ta không thể thấy thế giới sự vật phát ra tia hồng ngoại, tia cực tím, tia vô tuyến radio, tia X-ray – những tia vũ trụ vẫn đang đâm xuyên qua thân thể chúng ta – vật chất tàng hình chi phối sự vận hành vũ trụ sau Big Bang…
Thực ra đề cập tới tất cả những khám phá về vũ trụ kể trên mà tác giả đã kể ra bằng thơ có lẽ là một công việc không phải dễ dàng. Thi ca khó có ngôn ngữ vượt qua kiến thức cụ thể bằng sự lãng mạn. Nhưng, nhà thơ Trần Văn Nam đã linh động để đơn giản hóa những chi tiết phức tạp mà ngôn ngữ thi ca khó chuyên chở những cảm hứng riêng ông. Thí dụ như trong bài Vành Đai Tro Bụi đăng trên tạp chí Văn:


“Quá giải Ngân Hà bãi ngọc trai

Một vì sao nổ chói vành đai
Vành ngoài tro bụi hào quang tụ
Sóng đến ta mất ba tháng dài
Vành trong tia chớp đến ta lâu
Hơn một năm sau tới địa cầu
Sai biệt thời gian vành ánh sáng
Tính cùng tốc độ thành chiều sâu
Sai biệt làm đơn vị xa xôi
Làm thời gian đo đạc pha phôi
Ngân Hà chín vạn năm qua giáp
Sao khuất nào triệu triệu dặm soi
Vùng tối Tinh Vân nơi hóa sinh
Thoát hình sao mới từ u minh
Bụi hơi cuồn cuộn nguồn quang tuyến
Trọng lực kết tinh sao chuyển mình
Thiên thể vần xoay kết tụ bè
Thiên hà vào quỹ đạo hôn mê
Rải trời ngàn bãi sao lênh láng
Trái đất tìm đo sóng dội về.
Viễn vọng thăm dò cuối giải sao
Nghe mà tưởng tượng mình tiêu dao
Tưởng chừng trái đất gần nhau lắm
Quê cũ đâu đây biển sóng gào.
Có người đọc xong bài thơ hỏi có chất thơ không trong bài “Vành Đai Tro Bụi” này? Thì nhà văn Mai Thảo chủ nhiệm tạp chí Văn trả lời: “Thơ phải có vũ trụ có biển trời. Tại sao không có chất thơ trong bài này”… Riêng Trần Văn Nam cũng trả lời: “Kỳ diệu của vật lý hạch tâm, của vật lý vũ trụ, của cái nhìn y khoa về cơ thể con người, đó chưa phải là thơ. Nếu đồng hóa, chính là vì tác giả quá cảm kích tưởng kỳ diệu khoa học đã là thơ. Ví dụ kỳ diệu của trọng lực khủng khiếp nơi vực trời Black Hole có người đồng hóa điều đó với thơ…”
Không những là một nhà thơ, Trần Văn Nam còn là một người theo dõi rất sát sinh hoạt văn nghệ để cố gắng tìm một lối sáng tác riêng. Do đó, ông ghi nhận những dòng văn chương lần lượt những thời kỳ văn học sử bắt đầu từ năm 1954 với những chặng thời gian 1954-1963, 1963- 1975 và dòng văn học ở hải ngoại từ 1975 đến tận bây giờ.
Trần Văn Nam đã hoàn tất hai tác phẩm: một là “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam Phân định thi ca hải ngoại” và hai là “Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học sau năm 1975”.
Trước đây ông có dự thảo một tác phẩm “Thi Nhân Việt Nam Hải Ngoại” (những bản sắc dễ nhận diện). Ông viết với cái tâm thức của một nhà thơ với nỗ lực đi tìm một phương cách xử dụng ngôn ngữ thơ có tính khai phá và đặt căn bản trên những kinh nghiệm rút tỉa từ những thi sĩ khác trong những thời gian không gian khác. Có lẽ các bài viết của ông được xuất hiện đa phần trên báo chí nên bố cục của tác phẩm ít có tính tập trung và đó cũng là biểu hiện của sự thay đổi của văn học Việt nam có quá nhiều biến chuyển thời thế và văn học cũng thay đổi theo những biến cố chính trị.
“Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại” đã được nhiều người đọc với tâm cảm chia sẻ và thích thú. Thật ra, làm được công việc ấy, phải có một sự cố công, đọc và suy nghĩ hàng ngày để có được những nhận định trong sáng và lôi cuốn độc giả đồng thuận. Ông đã có hiểu biết căn bản vững vàng trên sự theo dõi sít sao tình trạng thi ca và với cái tâm trong sáng để nỗ lực đi tìm cái tuyệt mỹ của ngôn ngữ thơ. Là một nhà giáo được đào tạo từ đại học sư phạm về môn Việt văn và cũng là một người có căn bản triết học, tác giả có một kiến thức để dễ dàng phân tích sự kiện văn học và tổng hợp thành những tiểu luận phong phú nhiều đóng góp cho bộ môn phê bình văn học Việt Nam.
Là một người yêu thơ và muốn tìm kiếm một đường lối sáng tạo cho thi ca của mình nên ông đã đọc thơ của những nhà thơ nổi tiếng và không nổi tiếng để mong có những dẫn chứng cụ thể cho vấn đề mà ông nghiên cứu. Những bài viết như “Vũ Hoàng Chương và ẩn số vũ trụ”, “Hàn Mặc Tử, lãng mạn hay tượng trưng”, “Nước Pháp qua thơ Cung Trầm Tưởng”, “Sự đồng điệu và đột ngột trong thơ Đinh Hùng”, “Lục bát bí ẩn trong thơ Nguyên Sa”, “Thơ bảy chữ cũa Tô Thùy Yên”, “Đường gươm đơn sơ trong thơ Mai Thảo”, “Văn Cao, dòng sông ba nhánh sương mù”, “Dấu vết kỹ thuật trong thơ Quang Dũng”, “Bố cục tập trung trong luc bát Nguyễn Đức Sơn”, …đã đánh những dấu mốc trong tiến trình nhận định của ông. Ông đọc thơ và diễn giải theo cách nhìn của mình, có lúc đơn sơ nhưng cũng chứa đựng nhiều khám phá lý thú. Nhiều khi ông muốn phân tích cụ thể để nhận định thế nào là thơ hay để vượt qua những nhận định xét đoán của độc giả tùy theo cảm xúc và hứng khởi của mỗi cá nhân. Xem ra, đó là một nỗ lực và rất là khó để độc giả thay đổi cảm nhận bởi vì có thể thơ hay nhưng không gây được cảm giác ưa thích cho độc giả.
Trần Văn Nam cũng để ý đến những nỗ lực cách tân để thay đổi cảm quan nhận thức của người đọc. Qua những nhà thơ mà ông trích dẫn hoặc tham khảo những bài viết trên trang mạng Tiền Vệ, Da Màu hay trên tạp chí Thơ những bài viết như “Những dấu hiệu hiện đại hóa trong thơ hải ngoại”, “Thơ vắt dòng, một hiện tượng thi ca hải ngoại”, “Thơ Hậu Hiện Đại và thơ Tân Hình Thức”, chúng ta có thể có một phần nào nhận thức về những phong trào làm mới thi ca theo trào lưu của thế giới.
Một phần quan trọng trong tác phẩm khi tác giả Trần Văn Nam muốn làm công việc đóng những cột mốc văn học sử khi nhìn lại tiến trình của thi ca Việt Nam từ hai mươi năm văn học Miền Nam đến văn học Việt ở hải ngoại. Trong bài viết “Quy tụ thơ hoài hương vào những vùng trọng điểm” tác gỉa phân biệt giữa hai cách viết “tiểu luận và sưu tầm” và ông đã sưu tầm tất cả những thi sĩ mà ông phân loại theo từng khuynh hướng và trích dẫn hai câu thơ tiêu biểu xuất sắc nhất theo từng trọng điểm. Có người khi đọc bài này đã cho rằng tác giả đã chú trọng đến lượng nhiều hơn là phẩm. Bởi vì với hai câu thơ khó có thể hình dung chính xác chân dung thi sĩ và nếu “sưu tầm” qúa nhiều thi sĩ sẽ có tình trạng không tương xứng giữa các thi sĩ được nhắc đến. Dẫu sao, ở trong một hoàn cảnh đọc được nhiều thơ Việt Nam trên khắp thế giới để “sưu tầm” lại cần phải có nhiều thiện chí về thời giò và tiền bạc để mong hoàn tất được một bài viết như thế này…
Tác phẩm “Tiếp nối dòng cảm thức văn học sau năm 1975” gồm những bài viết về thời kỳ văn học sau 1975 tuy nhiên vẫn nhắc đến những dữ kiện văn học từ thuở còn ở quê nhà và cả những dữ kiện trên văn học thế giới. Thí dụ như bài “Nhân có tập văn đưa triết học vào sáng tác, nhớ lại đặc điểm một thời” là cảm nghĩ khi đọc tập cảo bút xuất bản năm 1973 ở quê nhà của Trần Nhật Tân. Hay bài viết “Văn học Miền Nam: qua chủ đề của một tạp chí về người lính trong văn chương và nhà văn đô thị trước năm 1975.” Hoặc bài viết về Quang Dũng, bài viết về Lâm Vị Thủy, về Phù Hư, về di cảo mấy ngàn trang của nhà thơ Nh. Tay Ngàn…
Trong sách, ông cũng trích dẫn văn của nhiều tác giả nổi tiếng của văn học thế giới nhằm để làm rõ ràng hơn chân dung tác gỉa cũng như không gian, thời gian mà họ xuất hiện. Như trích dẫn văn của Jean Paul Sartre qua tác phẩm “La Nauseé” mà Phùng Thăng dịch là “Buồn Nôn”. Hay cũng trích dẫn văn của Albert Camus qua tác phẩm “L’Etranger” (Kẻ Xa Lạ). Và ông cũng đề cập đến Yukio Mishima với Kim Các Tự. Và cả Franz Kafka trong tác phẩm “Lâu Đài”. Theo chủ quan của tôi, tác giả Trần Văn Nam tuy chỉ trích dẫn văn qua các bản dịch Việt ngữ cũng như các bài viết giới thiệu nhưng ông đã đi sâu vào các chi tiết rất lý thú mà một người ham đọc với tâm cảm chia sẻ cống hiến. Nói đến tên tuổi của các tác giả nổi danh thế giới kể trên, nhiều người chỉ có vài nhận thức sơ sài. Nhưng nếu họ đọc những bài viết công phu kể trên, sẽ có một hiểu biết khả dĩ.
Trần Văn Nam cũng chọn âm nhạc làm đề tài với tổng số mười bài trên 64 bài. Có lẽ tỉ lệ ấy khá cao. Ông viết về âm nhạc không phải với cái nghe của một nhạc sĩ mà với cái cảm của một người nghe nhạc. Hình như ở những ca khúc, ông tìm thấy được kỷ niệm của đời mình. Những bản nhạc xuất bản thời xưa với nét vẽ Duy Liêm nhắc ông đến những địa danh Sài Gòn. Những lời ca nhắc ông đến những cuộc tình thơ mộng thời đi học. Và ông cũng viết về bài thơ được phổ nhạc như một chia sẻ ấm áp giữa thi sĩ và nhạc sĩ….
Trần Văn Nam cũng tổng kết cuốn sách của mình với 7 bài viết liên hệ đến triết học và ông cũng tự coi như những dư vang kiến thức triết học Tây Phương mà ông đã từng theo học trong những niên học ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và dĩ nhiên cũng thêm những trau dồi từ sách vở và suy ngẫm riêng tư từ đời sống. Trong bài viết “Những văn ảnh có chất thơ trong triết học” ông phân biệt “thi ca, một vấn đề triết học” và “tính chất thi ca trong triết học”. Theo ông từ lịch sử triết học Tây phương, có hai triết gia đã làm cho thi ca trở thành vấn đề của triết học, Đó là Schopenhauer và Heiddeger. Đối với Schopenhauer, nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng là cách thế giải thoát con người ra khỏi ngục tù dục vọng mà ông gọi là “ý chí muốn sống”. Còn Heideger là triết gia của chân lý hữu thể. Và thi ca là một cửa ngõ đi tìm hữu thể bởi vì tính cách sáng tạo của nó với cung cách đem cái gì từ hư vô ra ánh sáng. Thi ca làm xuất lộ hữu thể tức là bản chất của sự vật. Còn chất thơ trong triết học là một vấn đề thuộc lãnh vực văn chương. Một ví dụ khi đọc tới những biến thiên dời đổi trong lãnh vực địa chất học, hoặc tìm thấy những huyền ảo của khám phá khoa học về sự thống nhất thể từ vật chất siêu vi tới những thiên hà vĩ đại trong vũ trụ. Chúng ta cảm thấy từ ngôn ngữ diễn đạt cho nên văn chương vẫn giữ vai trò quan trọng. Cũng vậy, ta cảm thấy cái hay của triết học không hẳn do hệ thống lý luận chặt chẽ mà do chất thơ của văn ảnh và nét thâm trầm của huyền thoại….
Đọc toàn bộ sáng tác của tác giả Trần Văn Nam, chúng ta có nhận định thế nào? Một nhà thơ đã có tác phẩm thi ca xuất bản ở quê nhà cách nay từ thập niên 1969. Một nhà nghiên cứu văn học đã có nhiều đóng góp từ những bài viết trên các diễn đàn văn chương từ trong nước đến hải ngoại. Hay một nhà biên khảo cần cù có nhiều tâm huyết với văn chương. Có người nhận định đó là chân dung phong phú của tác giả Trần Văn Nam.
Riêng tôi, vẫn có ý nghĩ đó là một chân dung thi sĩ có nhiều cá tính. Ông rất muốn có nét sáng tạo trong văn chương của mình nên không ngại phiêu lưu vào những lãnh vực đầy dẫy gay go khó khăn. Ông viết biên khảo dù về triết học hay khám phá khoa học về vũ trụ mênh mông, cũng chỉ là để cho những bài thơ của mình.
Khi ông vừa ra đi, đọc lại những bài thơ, để nhớ tới một người thơ có nụ cười hiền, với đôi mắt như muốn cười theo… Bây giờ đã đi xa vào cõi trời của không gian vô tận. Vĩnh biệt anh, Trần Văn Nam.

Nguyễn Mạnh Trinh

Không có nhận xét nào: