Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Ui bánh Xèo lề đường sao ngon quá thế ?

Giá chỉ 5.000 đồng nhưng mỗi chiếc bánh xèo đều “dư sức” làm ấm lòng người Sài Gòn với vỏ bánh giòn tan, nhân bánh thơm nức mùi gạo, rau sống lại nhiều, nước mắm chua ngọt thì thơm ngon miễn bàn.Độ một tháng nay, Sài Gòn chìm trong mưa bão. Chiều đi làm về ngoài đường, gió lạnh cứ sầm sập buốt thịt buốt da. Những lúc ấy, người ta lại thèm một hơi ấm từ bữa cơm gia đình, với đầy những món ăn chân phương giản dị do chính tay mẹ làm.<!>

Nhưng Sài Gòn mà, có phải ai cũng có gia đình ở đây, một số có nhà thì về nhà, chứ những ai là người con xa quê xa xứ, sống tạm bợ nơi phố thị đông người thì chỉ biết lầm lũi đi về căn phòng trọ nào đó, rồi ngó phía xa ngoài cửa sổ, có hơi ấm gia đình cứ khẽ khàng loang ra từ ngôi nhà nào đó, mà cho mình cái cớ để bật khóc.
Có bao giờ, những người con xứ Bình Định thèm một cái bánh xèo nóng giữa mùa mưa Sài Gòn cho nguôi nỗi nhớ nhà?
Những người con xa quê đó, có lẽ sẽ vì tủi thân mà lao ra khỏi nhà, giữa làn hơi mưa ải mục vừa tạnh để nhanh chân đi tìm chút hương vị quê hương mình, để ăn một chút thôi cho nguôi nỗi nhớ. May thay, Sài Gòn là phố thị tuy chật chội đông đúc nhưng lại mang trong mình mối giao hòa đồng đẳng muôn đời, ở đây, món gì cũng có.
Vì Sài Gòn biết, Sài Gòn thương những số phận nương náu xa quê để mà giữ trong lòng mình những nét văn hóa ẩm thực đầy đủ của những vùng miền từ Bắc vào Nam. Trong số đó, nổi tiếng thì có các món xứ Bắc với các loại bún, các món miền Tây với mâm cơm đậm vị xứ sông nước, các món miền Trung chuẩn vị Huế thương, Quảng nhớ.
Tuy không nổi tiếng, nhưng bánh xèo Bình Định nơi đây vẫn tấp nập thực khách, khiến bà chủ làm không sao xuể.

Vậy mà nhỏ nhẻ thôi, cũng có một món khác, tuy không quá nổi tiếng nhưng nó vẫn giữ cho mình bản sắc rất riêng, để cứ mỗi chiều mưa giữa lòng Sài Gòn là phục vụ cho những thực khách xa quê, hoặc bất cứ ai mê hương vị giòn rụm của bánh xèo Bình Định. Và một trong những điểm bán bánh xèo chuẩn vị vùng đất võ này chính là quán của cô Phan Thị Bốn (sinh năm 1967, người gốc Bình Định).
Cô Phan Thị Bốn, người “giữ lửa” quê hương bằng những chảo bánh xèo nóng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Quán không có tên, chỉ nằm khép nép trước một lối đi cụt của một căn nhà tại số 177, đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Dù vậy, chiều nào quán cũng nườm nượp khách quen, cũng như là khách lạ hiếu kỳ tự hỏi “bán cái chi mà đông”, hay “bán món gì mà trông rực lửa cả một quãng đường“. Quả thật, dù đúng chất quán lề đường bình dân với ghế cóc xanh đỏ, ngồi chênh chao bên cạnh chiếc bàn nhựa rẻ tiền, giá mỗi chiếc bánh chỉ 5.000 đồng lẻ nhưng cô Bốn luôn biết cách khiến chúng trở nên hấp dẫn vì những bếp lửa hồng đẹp mắt với tiếng bánh chín nghe xèo xẹo vui tai.
Lỡ một lần ăn thử bánh xèo chuẩn vị Bình Định nơi đây, thế nào cũng xao xuyến vì mùi vị độc đáo.
Đó chỉ là chiêu đầu để cô Bốn dụ dỗ khách lạ, khách nào mắc “bẫy” sà vô ngồi kêu hai ba cái bánh xèo Bình Định với tâm lý “ăn thử cho biết” thì thể nào cũng xao xuyến con tim vì sự độc đáo ngon miệng cũng như là tánh tình hào phóng đúng kiểu người con đất võ của cô. Có lần, mới dọn hàng ra chưa có khách, cô Bốn vui miệng kể nghe về quá khứ hình thành của cái quán bánh xèo bình dân này như sau:
“Cô vô đây lâu rồi, năm nào không nhớ rõ. Hồi đó ở quê, cả nhà làm nông không có ăn, nghĩ Sài Gòn là đất lành để những người tha hương kiếm tiền thì cả gia đình cô đánh liều dắt díu vô Sài Gòn làm ăn, mặc dù có biết “làm ăn” gì đâu, nhưng cũng kệ, đói nghèo mà. Rồi sau đó vô, may mắn là cô có người quen giới thiệu cho chỗ bán này nè, hỏi cô nấu gì bán đi chứ ít học, lại không nghề ngỗng thì mình dùng cái tài của mình thôi chứ sao.
Nhờ quán bánh xèo này, cô Bốn nuôi cả mấy miệng ăn trong gia đình.

“Vậy là cô nghĩ ngay tới cái món bánh xèo này, hồi đó nhà cô hay tự nấu ăn với nhau, ai cũng khen cô làm ngon, thế là cô mở quán bán luôn, tính ra cũng lâu rồi, cô không nhớ đâu, bán bánh xèo ngày nhiêu cái còn không nhớ, sao mà biết được bán mấy năm”.
Cô Bốn cũng tâm sự thêm về cái sự khó khăn cơ cực trong những ngày đầu từ quê nghèo chỉ có ruộng đồng bùn đất đặt chân lên thành phố phải nói là hiện đại bậc nhất cả nước này. Cô kể lúc mới xuống xe đò, nói gì cũng không ai hiểu, đã vậy còn bị xe ôm gian dối, biết ở quê lên nên tìm cách chặt chém. Chưa hết, lúc mới buôn bán bánh xèo này cũng có ai thèm ăn đâu, vì thứ nhất là nó lạ, thứ hai là người ta thấy quán bình dân quá, sợ ăn không ngon lại tốn tiền.
Cô Bốn trầm tư kể về những ngày đầu bán buôn cơ cực.

Cắn răng chịu lỗ một thời gian dài, ráng bán có khi tới 1, 2 giờ khuya mà không hết, rồi sau đó có vài khách ăn quen người ta giúp cô “quảng cáo” qua việc truyền miệng, rồi dần dà quán cứ đông lên mỗi ngày, tới bây giờ cứ chiều chiều là số lượng khách nườm nượp.
“May mà trời thương, cái đất Sài Gòn này thương, tưởng khó sống mà chỉ cần buôn bán có tâm thì thế nào cũng làm ra tiền phải không con. Ủa mà cô nói nãy giờ nghe có hiểu hết không? Trời đất, nói nãy giờ thấy im re, chắc hiểu phải không? Dân Sài Gòn ai cũng nói người Bình Định nói giọng khó nghe, cô thấy bình thường mà ta, đó là cô ráng nói dữ lắm đó, chứ thử cô nói đặc sệt tiếng Bình Định là khỏi nghe nha” – cô Bốn vừa cười vừa nói, “bào chữa” cho cái giọng xứ miền Trung nghe như hát của mình.
Những chảo bánh luôn luôn “rực lửa”.

Quả thật, cô vui tánh hài hước là vậy, nhưng đó không phải là lý do chính để cái quán của cô đông khách, chiều lòng được cả những tầng lớp thị dân Sài Gòn từ lao động bình dân, sinh viên, cho đến những thực khách sành ăn, trí thức, có điều kiện đi xe hơi này kia kia nọ.
Mà lý do nằm trong từng cái bánh xèo chỉn chu đúng vị quê hương do cô làm ra. Vỏ bánh ngoài thì giòn tan, bên trong lại ấm nóng mềm mềm, thơm mùi gạo, nghệ tươi, cuộn chút rau sống cùng bánh tráng, chấm chút nước mắm chua ngọt, thì ai ăn cũng nức nở khen ngon, nhất là vào ngày mưa, cái món này làm ai cũng như tan ra vì một nỗi êm dịu chưa bao giờ biết tới.
Một phần bánh xèo giản dị, nhưng ăn vào thế nào cũng bị mê hoặc ngay.

Bánh xèo ở đây cô Bốn làm theo đúng công thức xứ Bình Định với bột gạo phải làm từ gạo mùa cũ, mua về xay ra, bán ngày nào xay ngày đó, chứ không giống như nhiều hàng bánh xèo làm bột bánh từ loại bột gạo khô mua ở chợ. Sau đó để có màu sắc, cô Bốn pha tí nước nghệ tươi vào, tuyệt đối không dùng bột nghệ vì cô nói nó không thơm, cái gì cũng phải tươi mới thơm ngon.
Nước mắm thì pha chua ngọt vừa ăn, với mắm cốt, giấm chua, một chút chanh, đường, tỏi và ớt. Đặc biệt, theo cô nói, giấm thì phải dùng giấm thanh để đảm bảo khi ăn bánh thực khách sẽ không quá khó chịu vì mùi, và giấm thanh cũng không làm át hẳn hương thơm nồng nàn của tỏi và ớt, chúng sẽ quyện lại để tăng thêm mùi vị cho bánh xèo.
Mọi thứ đều chỉn chu từ rau, bánh cho tới nước chấm và bánh tráng cuốn.

Chưa hết, thứ tuyệt vời nhất để làm nên cái tên bánh xèo Bình Định này chính là bánh tráng dai, loại bánh tráng này khiến thực khách vô cũng thích thú vì dai mềm, dậy thơm mùi gạo mà khi cuốn cũng không bao giờ bị rách giữa chừng, làm khách mất hứng.
Nhân bánh thì khỏi nói chắc ai cũng biết, chúng bao gồm thịt và tôm, cùng tí giá sống chứ không cần dừa khô thái sợi, đậu xanh giã nhuyễn như bánh xèo miền Nam hay các loại khoai thái sợi như bánh xèo xứ Bắc. Thịt thì phải thái lát mỏng, con tôm cũng không cần loại tôm to vì to quá không ngon, không đúng kiểu bánh xèo Bình Định.
Ăn thử một lần trong ngày mưa, đảm bảo ai nấy sẽ tan ra trong nỗi êm dịu chưa biết bao giờ.

Rau sống ăn kèm thì riêng cô có biến tấu đôi chút, nó không phải loại rau “loạn xà ngầu” để cuốn ăn bánh xèo kiểu Bình Định, mà cô Bốn đã thay bằng kiểu rau của bánh xèo miền Nam với xà lách, cải bẹ xanh, húng, quế, diếp cá. Cô Bốn nói, người Sài Gòn không thích ăn rau sống làm sẵn rồi trộn lẫn kiểu miền Trung nên cô thay như vậy cốt chiều lòng khách.
Điều đặc biệt nhất ở những cái bánh xèo Bình Định do cô Bốn làm ra mà khiến cô luôn tự hào khi nói về đó chính là tất cả các nguyên liệu ngoại trừ những thứ tươi sống như thịt tôm, rau giá, thì toàn bộ đều được cô “nhập” về Sài Gòn từ quê mình. Cô nói: “Cô quen rồi con, mua đồ ở xứ mình, dân mình, chỗ mình tin tưởng cho ngon với đảm bảo. Và một phần cũng giúp quê nghèo của mình, chứ ai vô Sài Gòn cũng bám rễ ở đây thì buồn cho quê lắm, dù sao cũng là gốc gác xứ võ phải không con?”.
Bánh xèo luôn hầm hập ấm áp trên chảo để vỏ ngoài giòn tan, bên trong lại mềm mại thơm nức mùi gạo.

“Xứ võ” cái từ cô hay dùng khi nhắc tới nơi cô sinh ra, nơi có ông bà tổ tiên muôn đời gầy dựng gia đình cơ nghiệp, đủ để hiểu rằng cô có một tình thương mãnh liệt với nguồn cội cô ra đời. Đó cũng là lý do, cô làm ra những chiếc bánh chuẩn vị Bình Định mà không thể lẫn vào đâu được, làm bằng cả cái tâm, cái tình.
Và cũng chính bằng điều đó, cô đã gặt được một quả ngọt trên tại cái đất Sài Gòn này khi vừa tậu được căn nhà 700 triệu, cô khoe: “May mắn là buôn bán tích góp được số tiền, mua căn nhà 700 triệu dưới Thủ Đức để vợ chồng, với 3 đứa con ở chung cho vui, lại đỡ được nhiều chi phí. Ai cũng nói cô sao hên, chứ hào phóng quá như cô sao tiết kiệm được tiền”.
Cô Bốn hào hứng kể về việc nhờ bán bánh xèo mà tậu được căn nhà 700 triệu.

Quả thật, biết cái sự hào phóng của cô Bốn ít có ai nghĩ có thể để dành được con số 700 triệu để mua một căn nhà từ hai bàn tay trắng. Cái sự hào phóng của cô thể hiện rõ trong lối buôn bán nghĩa tình, cho đi mà không cần nhận lại như trong cái chuyện mà hôm nào đó, cô vui vẻ vừa kể vừa vỗ đùi chan chát như sau:
“Hôm bữa, cô làm mấy cái bánh mang về cho ông anh đi xe hơi nào đó, về ăn sao không biết tự dưng vài hôm sau quay lại, hạ kính xe kêu chồng cô ra để… gửi thêm tiền vì cho nhiều rau sống quá. Bữa đó tự dưng thấy vui quá chừng, không phải vì có thêm tiền, mà là được người ta thương vì tính tình vợ chồng cô thật thà”.
Ánh lửa cứ phập phồng cùng âm thanh xèo xẹo làm ấm cả một con đường đang lạnh lẽo những rèm mưa tuôn…

Đang hí hoáy tám chuyện, thì trời Sài Gòn bỗng đổ mưa lâm râm, cô Bốn hí hoáy phụ chồng giăng tấm bạt ra cho khách khỏi ướt rồi luống cuống kéo “đồ nghề” vô phía trong. Vài ánh đèn xe rẽ hướng dòng người đang chạy mưa như vịt đồng ngoài lộ, tấp vô ăn bánh xèo. Cô Bốn nhận ra khách quen, chắc là đồng hương nên hai người nói chuyện với nhau bằng giọng bản xứ không ai hiểu.
Xong vị khách sà xuống kêu 3 cái bánh xèo, cô Bốn vui vẻ nhanh tay đổ bột lên mấy chảo lửa đang nghi ngút khói thơm từ loại gỗ dạt đốt lò được xưởng thợ mộc nào đó cho ban sáng. Ánh lửa cứ phập phồng cùng âm thanh xèo xẹo làm ấm cả một con đường đang lạnh lẽo những rèm mưa tuôn…
Theo Trí Thức Trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét