Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Hoa Tím Bằng Lăng - m Nguyễn Duy An


Vì chiều cao “rất khiêm tốn” của mình, tôi cứ phải loay hoay điều chỉnh cái máy video cầm tay, cố gắng thâu lại hình ảnh của Tuân đang từ từ bước lên khán đài nhận bằng kỹ sư để mai mốt mang về Việt Nam “vinh quy bái tổ”. Tuân là đứa con “rất đặc biệt” của chúng tôi. Vợ chồng tôi mới cưới nhau được 10 năm nhưng Tuân năm nay vừa tròn 22 tuổi! Gia đình bên vợ và người ngoài cứ nghĩ nó là con riêng của tôi mang theo từ Việt Nam; và chúng tôi nghĩ Tuân cũng tin như thế, vì mỗi lần gọi điện thoại về Việt Nam nó vẫn gọi mẹ tôi là bà nội. Tuy nhiên, Tuân vẫn một lòng kính trọng Oanh như mẹ ruột, và vợ tôi cũng rất thương yêu và lo lắng cho nó ngay cả trước khi chúng tôi nên vợ thành chồng. <!>
Sau bao nhiêu lần thử nghiệm và biết chắc chắn tôi không thể có con; thay vì buồn phiền, Oanh lại săn sóc cha con tôi nhiều hơn. Đã mấy tháng nay nàng chạy ngược chạy xuôi lo thu tục giấy tờ để tuần sau chúng tôi về Việt Nam nhận một đứa cháu gái của tôi làm con nuôi. Ngày nhận được kết quả thử nghiệm xác định tôi không thể có con, Oanh đã âu yếm nhìn tôi thỏ thẻ: “Ngay từ đầu em vẫn tin anh. Em không buồn đâu anh ạ! Em chấp nhận số phận, nhất là chúng mình đã có Tuân... Tuy nhiên, em nghĩ chúng mình cũng nên nhận thêm một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Nếu anh đồng ý, em sẽ lo giấy tờ để chúng mình nhận một đứa con của chú Khang làm con nuôi. Mình nuôi cháu vẫn tốt hơn...” Đó là lý do Oanh sắp xếp để ngay sau khi Tuân ra trường, chúng tôi sẽ về Việt Nam thăm gia đình và nhất là đưa Tuân về thăm lại mộ Trang, người mẹ ruột của Tuân đã ra đi trong tủi nhục ngày nó mới được 3 tháng tuổi, và Tuân trở thành “con trai” của tôi từ hơn hai mươi năm về trước tại Bình Giả, Việt Nam.
° ° ° ° °
Ngày đó tôi cũng khoảng tuổi của Tuân bây giờ... Tôi trở về Bình Giả năm 1979, sau mấy năm gồng mình cầm cự với nghề “gõ đầu trẻ” tại một trường tiểu học ở vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Sông Bé. Tôi thương đám học trò nghèo đói nhiều lắm nhưng chính tôi cũng không chịu nổi cảnh đói nghèo vì lương không đủ ăn nên đành phải bỏ trường về quê ăn bám gia đình sống qua ngày. Sau mấy năm vừa dạy học, vừa làm rẫy sống lây lất qua ngày, sức tôi đã kiệt quệ! Tôi đã “cắt hộ khẩu” ở trường cũ, nhưng không xin “nhập hộ khẩu” tại Bình Giả vì tôi trở về với ý định tìm đường vượt biên. Đã mấy năm rồi, bà con trong làng ai cũng biết tôi đi dạy học ở vùng “Kinh Tế Mới”, và thỉnh thoảng vẫn về quê thăm cha mẹ cũng như xin thêm gạo, bắp... nên không ai thắc mắc hay hỏi han giấy tờ tạm trú. Mùa mưa năm đó, ngoài việc chuẩn bị dầu nhớt cho chuyến vượt biên chung với một số bạn bè ngoài Láng Cát, tôi vẫn theo các em làm rẫy, làm ruộng, và nhất là vào rừng kiếm măng tre. Trong một dịp mò mẫm giữa rừng tre, tôi đã gặp lại anh Thành, một người trốn trại cải tạo, đang lẩn trốn trong rừng để tìm cách liên lạc với người vợ mới cưới được mấy tuần trước ngày anh đi học tập. Hôm đó trời trở cơn giông đột ngột, tôi chạy vội tới một gốc cây bằng lăng để trú mưa vì lúc đi rừng tôi quên không mang theo áo mưa. Lúc tới được gốc “cây cổ thụ”, tôi đã “hồn vía lên mây” khi nghe tiếng gọi tên mình vọng xuống từ ngọn cây:
- Toàn. Toàn phải không?
Tôi ngơ ngác kiếm tìm xem ai đã gọi mình, nhưng trời đã tối mịt vì cơn mưa trong rừng nên chẳng thấy gì. Tôi sợ quá, đang định chạy trốn thì một sợi giây thòng xuống từ một cành bằng lăng rậm rạp phía trên đầu... Một bóng người trùm kín trong chiếc áo mưa cũ kỹ, vừa tuột xuống vừa lên tiếng:
- Mình đây. Thành đây.
Anh Thành đã xuống đất. Tôi đứng chết sững ngó đăm đăm người “đàn anh” nổi tiếng đẹp trai và hào hùng của mấy năm về trước, bây giờ ốm yếu da bọc xương, đen đủi hốc hác đang run cầm cập vì đói và rét. Tôi ngập ngừng:
- Trời ơi! Đúng là anh Thành đây mà. Sao anh ra nông nỗi này?
- Mình trốn trại cải tạo về đây đã mấy tuần rồi nhưng không dám về nhà vì sợ bị bắt lại. Trời xui đất khiến cho mình gặp được Toàn ở đây. Đúng là số mình chưa chết.
- Anh đừng nói gở. Bây giờ anh tính sao?
- Toàn có gì ăn không? Hơn hai tuần nay mình...

Tôi chỉ định đi kiếm măng vài tiếng đồng hồ nên chẳng mang theo gì ngoài con dao cán dài để đào măng. Cũng may trong túi còn gói thuốc lá và mấy miếng kẹo cao-su (chewing gum). Sau khi kể cho tôi nghe sơ qua về cuộc đào thoát từ trại cải tạo, anh bẻ một cành hoa bằng lăng mầu tím, khắc một dấu hiệu đặc biệt lên đó và nhờ tôi mang về cho Trang, vợ anh, đang ở với cha mẹ chồng trên Xuân Mỹ, Làng Ba. Tôi vội vàng trở về, hẹn hôm sau sẽ dẫn người nhà của anh vô rừng sớm. Thấy tôi trở về với một cành hoa bằng lăng mầu tím, mẹ và em gái tôi ngạc nhiên lắm, nhưng tôi cũng chẳng giải thích. Tôi dò hỏi đứa em gái về Trang, vợ của anh Thành. Lúc đó tôi mới biết chuyện anh Thành trở về Bình Giả sau năm 1975 với một cô gái người miền Nam, bổn đạo mới. Gia đình anh Thành không chấp nhận nhưng cũng đành xin cha xứ làm phép cưới cho hai người mấy tuần trước ngày anh ấy lên đường đi “học tập”. Năm đó Trang mới 17 tuổi, nhưng vì loạn lạc, gia đình chẳng còn ai nên đã theo người yêu là anh Thành trở về Bình Giả. Niềm vui chưa trọn vẹn thì hoàn cảnh ngang trái đã chia cách đôi vợ chồng trẻ hơn bốn năm nay. Trang ở với gia đình cha mẹ chồng như một chiếc bóng cô đơn bên đường, mòn mỏi đợi chờ ngày chồng trở lại!
Tôi mang cành hoa bằng lăng mầu tím lên Xuân Mỹ tìm nhà anh Thành. Hai bác tỏ vẻ khó chịu khi tôi hỏi thăm và muốn gặp Trang. Về sau tôi mới hiểu là ở Bình Giả đâu có ai mang hoa tới nhà cho con gái; hơn nữa, nàng lại là một người con gái đã có chồng! Từ nhà bếp đi lên, nhìn thấy tôi cầm cành hoa bằng lăng mầu tím trong tay, nàng đứng sững sờ nhìn tôi, miệng ấp úng nói không nên lời. Tôi vội vàng lên tiếng:
- Có người nhờ tôi trao cành hoa này cho Trang. Có dấu hiệu khắc trên đó.
Trang cầm cành hoa rồi bật khóc nức nở:
- Trời ơi! Anh Thành! Anh đã gặp anh Thành...
Bác gái vừa đỡ Trang ngồi xuống bên cạnh, vừa dồn dập hỏi tôi:
- Cậu Toàn gặp thằng Thành nhà tôi ở mô rứa? Công an đang truy nã nó mấy tuần nay. Trang nín đi con. Tai vách mạch rừng. Chết! Chết cả nhà bây giờ! Ngày nào cũng có người tới nhà hạch hỏi về nó. Ông đóng cửa lại mau đi. Khổ thân con tôi!
Tôi thầm thì kể lại cuộc gặp gỡ anh Thành trong rừng hồi chiều cho hai bác và Trang nghe. Cuối cùng cả nhà quyết định sẽ chuẩn bị một số thức ăn và thuốc men rồi tờ mờ sáng hôm sau Trang xuống nhà tôi đi vào rừng tìm gặp anh Thành. Nếu có ai hỏi thì nói là gia đình tôi thuê nàng đi làm cỏ lúa ở Đồng Tròn. Bác trai cũng muốn đi theo nhưng không dám vì sợ hôm sau công an lại tới nhà làm việc.
Suốt một tuần liền, ngày nào Trang cũng “đi làm thuê” cho tôi để vào rừng gặp gỡ anh Thành. Cám cảnh trước hoàn cảnh hiện tại, sau mấy ngày bàn bạc cùng gia đình, tôi đã quyết định nhường chỗ trên ghe cho anh Thành. Chúng tôi cũng sắp xếp cho anh Thành theo xe bò của một người quen ở Hòa Long đi lấy cọc tiêu để tránh gặp gỡ những người quen, rồi tôi đón anh ấy ra Long Hương “ở nhờ” nhà một người bạn thân của tôi để chờ ngày ra đi. Hơn hai tháng trời, tôi và Trang trở thành những người đi buôn chuyến.
Thực ra, tôi chỉ chở Trang ra Long Hương gặp chồng, có khi ở đó một hai ngày trong lúc tôi đi Hố Nai, Gia Kiệm... lo việc riêng. Người trong làng đã bắt đầu đồn đãi về việc tôi và Trang đi buôn chung với nhau, nhất là còn đi qua đêm nữa! Mẹ tôi buồn lắm! Mặc dầu tin tôi, nhưng “lời ong tiếng ve” đồn thổi nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn về chúng tôi nên bà rất khổ tâm. Cha mẹ của anh Thành có vẻ bình tĩnh hơn vì nghĩ rằng những lời đồn đãi đó sẽ làm người ta quên dần chuyện anh Thành trốn trại cải tạo. Tôi vẫn xem Trang như một người bạn thân vì tôi cũng chỉ hơn nàng một tuổi, còn anh Thành thì xem tôi như một đứa em ruột, “một vị cứu tinh” đã dám liều mình cưu mang và giúp đỡ anh trong cơn hoạn nạn.
Anh Thành và một số bạn bè của tôi đã ra đi đột ngột trước ngày dự tính vì công việc “bến bãi” bị đổ bể. Sau một tuần không thấy tin tức gì về chiếc ghe đó, chúng tôi yên chí anh Thành đã ra khơi bằng yên. Tôi lại theo bạn bè tìm cách mua lại một chiếc ghe cũ ở Cần Giờ, đút lót xin giấy tờ tạm trú và bắt đầu công việc sửa chữa chuẩn bị một chuyến đi mới. Công việc bề bộn nên gần ba tháng sau tôi mới trở về thăm gia đình. Mẹ tôi vừa khóc vừa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của Trang. Nàng đã có thai, bụng càng ngày càng lớn. Anh Thành coi như mất tích vì không có tin tức gì. Bà con trong họ chất vấn nàng nhiều lần về đứa bé trong bụng. Lúc đầu cha mẹ anh Thành tin Trang, nhưng không biết làm sao để giải thích. Mọi người đổ tiếng xấu cho tôi và nàng. Dần dà cả gia đình nhà chồng cũng tin lời đồn đãi của thiên hạ, nhất là chờ mãi không thấy tin tức gì của anh Thành nên bắt đầu hạch hỏi và coi khinh nàng. Hai bác đã xuống nhà nói chuyện với mẹ tôi, có vẻ trách móc và đặt vấn đề tại sao chính tôi cũng trốn biệt từ mấy tháng nay. Mẹ tôi chỉ biết ngồi khóc vì tủi nhục! Em gái tôi cũng nửa tin nửa ngờ nên đã tìm gặp Trang để hỏi cho ra lẽ. Nó tin lời giải thích của Trang nên càng ngày càng thân với nàng.
Tuổi trẻ bồng bột và nhiều tự ái nên tôi đã lên gặp cha mẹ anh Thành đôi co và cãi vã với cả gia đình và giòng họ anh ấy để bênh vực cho Trang, nhưng rồi mọi người lại càng khinh bỉ và ghét bỏ Trang nhiều hơn trước. Quá tủi nhục và hổ thẹn, Trang đã liều mình tự tử! Cũng may người nhà phát giác kịp thời và cứu chữa cho nàng và bào thai trong bụng. Mặc dầu được cứu sống nhưng Trang trở nên lầm lì ít nói, sống vật vờ như một cái xác không hồn giữa sự khinh ghét của giòng họ nhà chồng.
Lúc bấy giờ em gái tôi cũng mới mang thai nên đã bàn với mẹ xin cho Trang về ở chung cho đỡ buồn và cùng đỡ đần giúp đỡ nhau trong lúc bầu bì cho có chị có em. Chính vì lòng tốt của em gái tôi mà cả làng đều nghĩ đứa con trong bụng Trang là của tôi. Mỗi lần tôi về thăm, Trang khóc nức nở không phải vì nỗi tủi nhục khi bị mọi người phỉ báng, nhưng nàng khóc vì đã làm hại danh dự của gia đình tôi. Lại một lần nữa, mẹ tôi gọi hai đứa lên hỏi han ngọn nguồn, và khi nghe chúng tôi thề thốt không hề có tà ý với nhau, mẹ tôi đã “ngồi xổm trên dư luận” để nhận Trang làm con tinh thần trong khi mọi người nghĩ rằng mẹ tôi làm thế để tránh tiếng vì bà đã biết chắc chắn bào thai trong bụng Trang là cháu nội của bà. Mẹ tôi âm thầm ngậm đắng nuốt cay để an ủi vỗ về Trang, mong cứu vớt một linh hồn vì mẹ tôi sợ rằng Trang lại liều mình tự tử như mấy tháng trước. Ôi! Mẹ đã hy sinh chịu nhục vì con và vì thương một người côi cút trong cơn hoạn nạn. Con xin cúi đầu bái phục lòng can đảm của mẹ cho đến trọn đời.
Trước ngày ra đi, tôi đã trở về để từ giã gia đình. Ngay khi biết tin tôi sắp sửa ra đi, Trang đã khóc nức nở và chuyển bụng sinh con. Vì bao nhiêu biến cố xẩy ra dồn dập suốt thời kỳ mang thai, Trang đã trải qua một đêm dài đau đớn, quằn quại đến kiệt sức nên y tá trong làng đề nghị phải đưa nàng đi cấp cứu ở bệnh viện để mổ. Đáng lẽ sáng hôm sau tôi phải trở lại Cần Giờ để chuẩn bị ra đi, nhưng tôi đi không đành nên đã lỡ một “chuyến đò”. Tôi theo mẹ và Trang ra bệnh viện. Trong lúc làm thủ tục giấy tờ trước khi đưa Trang lên bàn mổ, người ta đòi phải có thân nhân ký tên trong giấy tờ nên tôi đã đứng ra lo liệu... Cũng có thể vì lầm lẫn, và cũng có thể do số phận an bài nên các bác sĩ và y tá đã ghi tên tôi là “chồng” của Trang trong hồ sơ bệnh lý. Đó là lý do tại sao Tuân trở thành con tôi! Khi nghe tin Trang đi mổ, cha mẹ anh Thành cũng ghé thăm và xin lỗi mẹ tôi vì những hiểu lầm trước đây. Mẹ tôi cũng không chấp nhất gì nên mọi người đều vui vẻ.
Sau hai tuần Trang được xuất viện, trở về nhà với mẹ tôi. Mẹ tôi bàn qua với hai bác việc lên cha xin rửa tội cho cháu, và chính tờ giấy bệnh viện ghi tên tôi là cha đứa nhỏ đã gây nên sóng gió ồn ào cả xứ đạo. Cha xứ lắng nghe, nhưng Ban Hành Giáo và bà con trong họ anh Thành quyết liệt phản đối. Họ đến nhà hạch hỏi mẹ tôi đủ điều. Tuổi trẻ háo thắng nên tôi đã nổi nóng đuổi hết mọi người và quyết định chẳng thèm xin rửa tội cho Tuân nữa! Tôi chỉ muốn mọi người để cho chúng tôi yên nhưng miệng người không phải dễ “khóa”! Tôi ngang tàng chấp nhận sự dèm pha của mọi người và cứ hiên ngang ngẩng đầu tiếp tục chạy mánh tìm ghe lo chuyện vượt biên lần nữa. Lần này tôi quyết định sẽ đưa mẹ con Trang cùng đi.
Tôi có thể “đạp dư luận xuống bùn đen” để sống, nhưng Trang phải âm thầm than khóc từng đêm, nức nở đè nén “nỗi oan Thị Kính” từng giờ từng phút nên đã bị băng huyết cho đến chết, và chết trong tủi nhục vào một đêm tôi vắng nhà! Tôi trở về nhìn xác Trang nằm im bất động mà thấy lòng muốn nổi loạn. Tôi biết chắc chắn những phút cuối đời Trang đã phải quằn quại trong đớn đau tủi nhục! Tôi đã thực sự thù ghét mọi người trong xứ khi biết tin “người ta” không muốn cho tôi chôn Trang ở nghĩa trang giáo xứ vì bà con trong làng nghĩ rằng Trang đã tự tử! Tôi không hiểu tại sao cả xứ lại lên án và “trừng phạt” thân xác một người đã chết trong khi hằng tuần ở nhà thờ vẫn đọc kinh “Thương Người Có 14 Mối, Thương Xác 7 Mối”, trong đó có ghi rõ việc “chôn xác kẻ chết!”
Đâu có ai hiểu được nỗi đau đớn và tủi nhục đã gặm nhấm tim gan Trang từng giây từng phút vì bị cả làng, cả xứ kết tội oan ức, và nhất là sự dằn vặt nàng phải gánh chịu vì đã “gieo họa” cho gia đình tôi! Đâu có ai ở gần kề bên Trang trong những giây phút cuối đời của nàng để “kết án” nàng đã “liều mình tự tử”!!! Mẹ tôi muốn lên xin cha xứ giúp đỡ nhưng tôi đã điên lên phản đối. Tôi nhờ bạn bè ở xa về đào huyệt chôn Trang trong một góc rẫy của gia đình tôi ở mép rừng. Tôi đã bỏ xưng tội, bỏ lễ cả mấy năm trời vì lòng thù hận vẫn chưa nguôi! Đã nhiều đêm tôi gục đầu dưới tượng chịu nạn van xin lòng nhân từ hay thương xót của Chúa thay đổi trái tim “thù hận” của tôi, và tôi cũng xin Ngài thương tha cho những người đã kết tội “oan” cho chúng tôi! Tôi chỉ thật sự trở về với Chúa như “một con chiên lạc” mấy tuần trước ngày vượt biên...
Cháu Tuân tuy mồ côi mẹ nhưng được bú nhờ sữa của em gái tôi cũng mới sinh được vài tháng nên cháu vẫn lớn lên theo ngày tháng trong tình thương yêu đùm bọc của gia đình tôi. Tôi vẫn đi đi, về về tìm mối làm ghe vượt biển. Những hôm ở nhà, thỉnh thoảng tôi bế Tuân ra rẫy, đến ngồi bên mộ Trang khấn nguyện. Công việc làm ghe càng ngày càng khó khăn nên mãi 4 năm sau tôi mới thành công. Trước khi lên đường, tôi đã vô rừng tìm kiếm và đào được một cây bằng lăng nhỏ đem trồng bên mộ Trang để làm kỷ niệm. Lúc bấy giờ Tuân đã chạy nhanh, nói sõi và lúc nào cũng quấn quít bên tôi những ngày tôi về quê.
Cuối cùng tôi quyết định sẽ dẫn Tuân cùng đi mặc dầu mẹ tôi can ngăn nhiều lần. Tôi đã đi và tôi đã đến. Chính nhờ sự liều lĩnh của tôi mà Tuân có được ngày hôm nay. Tôi hãnh diện vì sự thành đạt của Tuân. Tôi mang ơn Oanh vì nàng đã tận tình yêu thương săn sóc “cha con” tôi từ bao nhiêu năm qua. Nếu không có tình yêu và lòng vị tha thông cảm của Oanh, tôi đã ngã quỵ trong cô đơn nơi xứ lạ quê người, và Tuân lại một lần nữa thành trẻ “mồ côi”!
Nhìn hình ảnh Tuân hiên ngang bước lên khán đài, tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Tôi không khóc khi Trang chết. Tôi không khóc khi phải chôn nàng ở mép rừng thay vì chôn ở nghĩa trang của giáo xứ. Tôi không khóc khi từ giã mẹ già và gia đình ra đi, nhưng giờ này tôi khóc vì biết chắc chắn Tuân đã trưởng thành, và mấy ngày nữa sẽ về thăm mộ mẹ đang nằm cô đơn hiu quạnh dưới gốc cây bằng lăng “cha con tôi” đã trồng trước ngày “biệt xứ”.
° ° ° ° °
Oanh đứng nép sát vào người tôi, run run cảm động nhìn Tuân đốt hương cắm lên mộ Trang rồi quỳ xuống gục mặt khóc thật to. Tôi dìu Oanh đến cạnh gốc cây bằng lăng đã bị đốn từ mấy năm trước, chỉ còn một số chồi non mới lên được vài mét. Tôi kinh ngạc khi khám phá ra một cành bằng lăng mới chớm vài nụ hoa mầu tím. Tôi với tay bẻ rồi cùng Oanh đến quỳ bên cạnh Tuân, nhẹ nhàng đặt cành hoa mầu tím trên ngôi mộ của Trang. Tuân ngẩng mặt lên nhìn hai chúng tôi khẽ nói:
- Con biết mẹ con đang mỉm cười bên kia thế giới. Con xin thay mặt cha mẹ quỳ lạy ba má đã nuôi con nên người.
Tuân nhẹ nhàng trao cho tôi tờ giấy thử nghiệm mẫu DNA xác định nó và tôi không phải “cha con”!
 
Nguyễn Duy-An ​

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét