Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Đêm Hồng Ân - Uyên Sồ

dem hong an

Tất cả khu bãi rác chìm trong bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp. Từ già tới trẻ, ai nấy đều hớn hở. Các ông già bà cả bảo nhau rằng từ khi cha sinh mẹ để đến giờ họ chưa từng được thấy những con người như thế này, những người hoàn toàn lạ hoắc, nhưng lại thân thiện với họ như những người họ hàng máu mủ. Dường như những kẻ lạ hoắc này không nhìn thấy sự dơ dáy trên áo quần, trên cơ thể họ; không ngửi thấy mùi xú uế nồng nặc trong những căn chòi rách nát của họ.
<!> 
Không. Không. Không. Hoàn toàn không. Những kẻ cả đời chỉ biết gầm mặt vào rác, từ đời ông đến đời cháu, bỗng nhiên được nâng niu, trân quí như các vị thượng khách trong một đại yến của nhà vua. Đúng là chuyện cổ tích- truyện cổ tích giữa thế kỉ 21! Và mắt họ long lanh lệ.

Họ là dân tứ xứ đổ về đây. Mẫu số chung của họ là nghèo, nghèo cùng cực. Không một tấc đất cắm dùi. Không chằng không rễ. Có người còn chẳng biết ất giáp gì về nguồn gốc, bản quán. Họ như những cây cỏ hoang mọc tràn lan khắp mọi nẻo đường. Họ như loài ruồi, loài nhặng, hễ chỗ nào có hơi hám của sự sống là bu lại. Bến xe, góc chợ, bãi rác…Họ không sống bằng việc lợi dụng lòng trắc ẩn của bá tánh mà bằng mồ hôi của chính họ. Từ những đứa trẻ nhỏ cho đến người già ốm yếu. Từ sáng sớm cho đến tối mịt. Thảy thảy đều tất bật kiếm miếng ăn bỏ bụng. Rồi bước chân du mục qui tụ họ về đây, cắm rễ tại cái bãi rác này.

Mỗi lần có xe chở rác từ nội thành tới là một lần đám người cùng khốn này mở cờ trong bụng. Đã thành thông lệ, hễ cứ nghe tiếng xe rác từ xa, họ liền reo hò ầm ĩ và gọi nhau í ới. (Họ có thể phân biệt rõ ràng tiếng máy xe rác với tất cả những tiếng máy của các loại xe khác). Và rồi, già trẻ, lớn bé, mỗi người một một cái bao bố và một cây sắt chạy túa ra, đứng đợi bên đống rác như đoàn quân chờ đợi phút giây vào trận. Khi chiếc xe làm xong nhiệm vụ, vụt chạy đi để lại phía sau đám bụi mù như màn sương dày của một buổi sớm mùa đông thì lập tức đoàn quân ô hợp, không ai bảo ai, nhất tề nhào vào nguồn sống kếch xù vừa được đổ xuống, lom khom đào đào bới bới. Những tiếng reo mừng rỡ. Những tiếng chửi thề cáu kỉnh. Những màn cãi cọ…Đó là hoạt cảnh thường xuyên diễn ra ở cái bãi rác này. Tối đến, dưới ánh sáng nhạt nhòa của những bóng đèn đường hắt xuống, người ta đổ những bao bố lúc ban ngày ra, nhặt nhạnh, phân loại để một tuần sau đó, họ mang bán cho các vựa ve chai ở thị trấn. Bầu không khí nhộn nhịp như cảnh làng quê lúc vào mùa.

Đám đàn ông túm tụm lại bên chai rượu. Món mồi của họ có thể là mấy hộp cá, hộp thịt tìm được trong đống rác. Đối với họ, đó là thứ cao lương mỹ vị tuyệt vời. Ngửa cổ lên trời, tu một hơi chất men cay xè, miệng hít hà ngợi ca miếng mồi kiếm được, mắt lim dim mộng mơ về một tương lai sẽ có thêm nhiều những thứ thực phẩm ngon lành như vậy và kể cho nhau nghe kinh nghiệm tìm của ngon vật lạ. Những trận cười long trời lở đất giúp họ quên đi nhọc nhằn, cay đắng của kiếp nghèo. Thỉnh thoảng cũng xảy ra hỗn chiến do ma men, nhưng may mắn chưa đến nỗi xảy ra án mạng. 

Đám trẻ con thì xúm xít khoe nhau những “ chiến lợi phẩm” vừa thu được. Đó có thể là một con búp bê bằng vải hay bằng nhựa, tuy không còn nguyên vẹn nhưng đã được lau chùi cẩn thận. Đó có thể là một cái xe ô-tô hay mô-tô đã hỏng hóc hoặc một chiếc tàu bay bị gãy cái cánh quạt. Mặc, những thứ vật dụng kia vẫn có thể phát ra âm thanh đúng với từng loại. Tiếng rít, tiếng rú của xe, của tàu phát ra từ những cái miệng trẻ thơ vẫn cứ ầm ầm một góc trời. Những cái miệng nhỏ bé, sau khi gầm rú cho thỏa lòng khát khao, lại cười tít mắt hay trêu chọc nhau chí chóe. Ở một góc nào đó, một đứa trẻ đang hì hục vẽ vẽ, tô tô những bức hình trên một tờ giấy chẳng lấy gì làm sạch sẽ cho lắm bằng những mẩu bút chì màu lượm được từ đống rác hồi sáng.

Tất cả những thứ phế thải kia đối với đám người cùng đinh này thực là báu vật. Chúng đem lại nụ cười hân hoan cho họ trong chốc lát. Đời sống của họ cứ trôi đi theo thời gian. Hết thế hệ này sang thế hệ khác. Những đứa trẻ mới chào đời hôm qua sẽ lại tiếp nối ông bà, cha mẹ, anh chị chúng như các thế hệ đi trước. Đống rác mãi mãi vẫn là nguồn sống của họ. Lâu lâu họ lại nghe tin đồn nơi đây sẽ bị xóa sổ để làm một công trình nào đó. Họ đón nhận nguồn tin với nỗi lo âu và thầm cầu Trời, khấn Phật cho cái tin xâu ấy không trở thành hiện thực. Thực ra, không phải tất cả bọn họ đều an phận. Cũng có vài ba người- thường là tụi trẻ- đã bỏ đi tha phương cầu thực với hi vọng cuộc đời có thể đổi khác. Thế nhưng, cuối cùng cũng đành phải trở lại nơi chốn này để tiếp tục đào bới rác mà sống lây lất qua ngày; vì ở cái đất nước này, những đứa đầu chày đít thớt thì mãi mãi chỉ là rơm rác mà thôi.

Phải, bọn người đầu chày đít thớt này mãi mãi chỉ là rơm rác. Xã hội dường như không biết đến sự hiện diên của họ. Không hộ khẩu. Không giấy tờ tùy thân. Giả dụ như ngộ có người nào đó trong số họ, trên đường ra thị trấn mua bán mà bị xe đụng chết thì chẳng ai biết tên tuổi, địa chỉ để mà thông báo cho gia đình y. Thỉnh thoảng cũng có nhân viên công lực tới để xem xét tình hình rồi lại ra đi. Cặp mắt nhà nghề của ông ta chỉ thuần tra xét mà thôi. Một vài câu hỏi bâng quơ. Rác thì hơi đâu để ý cho mệt. Chỗ nào mà chẳng có rác. Rác ngổn ngang giữa chốn thị tứ náo nhiệt. Rác la liệt giữa miến quê heo hút. Rác biết thân biết phận nên cũng chẳng kêu than, trách móc. Rác chỉ cần “ ngày ba bữ vỗ bụng rau bình bịch” mà thôi. Hạnh phúc của rác đơn giản như thế đó. Rác lặng lẽ đến ở giữa đời rồi lại lặng lẽ rời khỏi nơi chốn đã một thời hiện hữu.

Thế nhưng…Chữ “ nhưng” luôn luôn có mặt trong cuộc sống để đem lại hạnh phúc hoặc bất hạnh cho con người. Và chữ “ nhưng” đối với rác là một vị tiên cao cả, hào phóng. Vị tiên ấy đã đem đến cho rác những con người bằng xương bằng thịt có nụ cười khả ái, có tiếng nói dịu dàng, có ánh mắt thân thiện. Chưa bao giờ rác nhận được những nụ cười, giọng nói và ánh mắt như thế. Trọn đời rác, rác toàn bắt gặp những cặp mắt khinh khi, giọng nói hách dịch, còn nụ cười thì chẳng hề có. Đúng là một phép lạ. Và phép lạ đó bắt đầu vào buổi sáng hôm nay.

Như thường lệ, mặt trời lên để báo hiệu thêm một ngày cần lao trên bãi rác. Người lớn sửa soạn cơm nước. Tụi trẻ uể oải thức giấc trong tiếng càu nhàu vì bị hối thúc như nông dân hối thúc đàn trâu ra đồng. Ở một căn chòi phát ra tiếng hát cải lương. Đó là cái la-dô cũ lượm được trên đống rác rồi đem đi sửa chữa. Dù sao nó cũng giúp bọn người cơ bần đôi phút giải trí hầu quên đi phần nào cực nhọc. Có nhiều tiếng hát theo làm cho buổi sáng có chút sinh khí. Người ta thuộc nằm lòng bài ca này vì được nghe đi nghe lại bao nhiêu năm tháng rồi. 

Ăn uống xong xuôi, bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để kiếm sống rồi nghe ngóng, đợi chờ tiếng xe chở rác. Từ xa vọng tới bao nhiêu thanh âm, nhưng những cái tai ở đây không đợi chờ những thanh âm ấy. Trời đã sáng rõ mà sao thứ máy nổ quen thuộc chưa có nhỉ? Một vài người nhấp nhổm, đứng lên, ngồi xuống. Nhiều dự đoán được đưa ra. Dự đoán nào cũng hợp lí. Duy nhất có một dự đoán mà không ai dám động tới: bãi rác bị xóa sổ.

Bỗng từ ngoài đầu đường vang lên nhiều tiếng máy xe, nhưng vẫn không phải là tiếng xe đổ rác. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau dò hỏi. Tiếng xe mỗi lúc một gần hơn. Đúng là đoàn xe đó đang tiến vào đây. Nhưng là xe gì? Của ai? Đến để làm gì? Những câu hỏi đó không ngừng làm rối trí đám người cùng khổ này. Hay chính quyền đến để cưỡng chế họ, bắt buộc họ phải di dời khỏi nơi này để thực hiện một dự án nào đó? Tim họ đập thình thịch. Tụi nhỏ thường ngày nô đùa, chạy nhảy, nhưng lúc này đây tụi nó cũng chia sẻ với ông bà, cha mẹ nỗi lo sợ mất nguồn sống nên ngồi im re. Những cặp mắt thơ ngây cũng thấp thoáng áng mây đen khủng khiếp.

Cuối cùng thì đoàn xe cũng dừng lại trước những ánh mắt nghi ngại kia, cách dãy chòi ọp ẹp vài chục mét. Đám cùng đinh khố rách áo ôm nín thở, giương to mắt để nhìn, để dò xét và sẵn sàng có phản ứng. Họ còn gì để mất nữa đâu. Một chiếc xe tải lớn, hai chiếc loại bảy chỗ và cả chục xe gắn máy phân khối lớn. Một lực lượng hùng hậu. Phen này ắt hẳn sẽ xảy ra biến cố to đây. Bụng bảo dạ như thế. Những cặp mắt ẩn tàng bão táp nhìn nhau. Những cái đầu gật gật. Những cánh tay nhúc nhích. Những đôi chân co co duỗi duỗi. Lác đác vài người trở về chòi và lát sau trở ra với cuốc, xẻng, xà-beng. Mắt đục ngầu.

Những con người lạ hoắc kia vẫn không mảy may hay biết về tinh thần và thái độ của đám đông mà họ sắp đối mặt. Họ vẫn cười cười, nói nói, chỉ chỉ trỏ trỏ. Có những cái lắc đầu. Rồi họ tiến về phía bọn người cùng khổ. Họ ăn mặc lịch sự, đi đứng đường hoàng, vẻ mặt thân thiện. Không có ai trong số họ mặc sắc phục của nhân viên công lực. Khi chỉ còn cách đám đông độ vài ba mét thì một người đàn ông trong số họ tiến lên trước. Ông ta ở độ tuổi trung niên. Hai tay chắp trước bụng, bằng một giọng nhỏ nhẹ, ông cất tiếng:

- Kính thưa quí cụ, ông bà và toàn thể anh chị em, chúng tôi là giáo dân giáo xứ TIN MỪNG thuộc Tổng Giáo phận SÀI GÒN. Nhân dịp lễ GIÁNG SINH, chúng tôi đến đây để mừng ngày đại lễ với quí cụ, quí ông bà và anh chị em.

Ông ta chấm dứt câu nói bằng nụ cười hiền lành. Tất cả dân cư của bãi rác, không ai bảo ai, nhất loạt đứng lên vỗ tay và reo hò vang dội. Tiếng vỗ tay và hò reo của họ to đến độ làm rung rinh cả đất trời. Tiếng vỗ tay sẽ còn chưa chịu ngừng nếu không có bàn tay của người đàn ông lúc nãy vãy vãy ra hiệu chấm dứt.

Sở dĩ họ vỗ tay to và dài như vậy là vì họ đã trút bỏ được nỗi lo sợ ghê gớm đè nặng tâm trí họ từ khi đoàn người này xuất hiện. Hơn thế nữa, cung cách của đoàn người và nhất là của người đàn ông kia càng khiến họ an tâm. Không chỉ an tâm mà còn sung sướng vì họ được đối xử như con người- một sự đối xử mà từ trước đến giờ họ chưa bao giờ được đón nhận. Họ trao cho nhau những nụ cười hể hả, những ánh mắt vui mừng. Có trông thấy những cái miệng móm mém của các cụ già thì mới thấu hiểu được niềm vui của những kẻ từ bao lâu nay phải đứng bên lề xã hội. Hôm nay, từ giờ phút này, họ đã được hội nhập vào thế giới của con người. Họ không còn phải là rơm rác nữa. Ôi! Còn hạnh phúc nào bằng!

Khi sự im lặng đã trở lại, người đàn ông tiếp tục nói:
- Thưa bà con, bây giờ tôi xin trân trọng giới thiệu với bà con một người, một người mà bà con đã từng gặp gỡ bấy lâu nay, tại bãi rác này.
Quay lại phía sau, ông ta nói:
- Xin mời…

Và một người đàn ông cũng thuộc tuổi trung niên bước ra. Vừa trông thấy người đàn ông này, tất cả cư dân bãi rác nhất tề “ ồ ” lên một tiếng rõ to. Đúng là người mà họ đã từng gặp gỡ bao lâu nay. Ông ta là tài xế xe đổ rác, nhưng là một tài xế rất đặc biệt. Ông ta không chửi thề, gắt gỏng ngậu xị như những tay tài xế khác, không phì phèo thuốc lá. Nói năng nhỏ nhẹ, lại hay cười nữa. Nụ cười của ông mới hiền hậu làm sao! Ông hay hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia cảnh của mọi người. Thỉnh thoảng, ông ta còn móc trong túi ra ít tiền để cho người già hoặc em nhỏ có vóc dáng yếu đuối. Đặc biệt hơn cả là lần nào đến đổ rác, ông ta cũng đem theo cho đám dân nghèo mạt hạng ở đây khi thì thùng mì, lúc thùng quần áo cũ hay giày dép, kẹo bánh… Nểu có người đau yếu, ông ta còn mang thuốc cho nữa. Bà con ở đây ai cũng quí mến và mong mỏi mau đến lượt đổ rác của người tài xế này.

Bây giờ thì ông ta ở đây, đang đứng trước mặt họ, nhưng không phải trong vai trò một tài xế mà là một người công giáo. À, thì ra ông ta có đạo nên có lòng thương người như thế. Tự nhiên, ai nấy đều cảm thấy xúc động. Lác đác có người lấy ống tay áo chùi nước mắt đang chảy xuống hai gò má đen đúa.

Bỗng từ trong đám cư dân nghèo bước ra một người thanh niên. Anh ta khoảng gần ba mươi tuổi. Anh ta bước tập tễnh từng bước khó khăn vì chỉ còn một chân và phải chống nạng. Khi đến trước mặt người tài xế, anh ta quì xuống. Tất cả những người giáo dân đứng phía sau hai người đàn ông xôn xao bàn tán, không biết nguyên do của việc làm này. Ông tài xế vội vàng cúi xuống đỡ anh thanh niên đứng dậy và nói: 
- Ồ! Sao anh lại làm thế? Đứng lên chứ!

Một dòng lệ chảy ra từ khóe mắt người thanh niên. Anh ta nói với các giáo dân của xứ đạo TIN MỪNG: 
- Thưa bà con giáo dân, ông tài xế này là ân nhân cứu mạng của tôi. Nếu không có ông thì tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay. Số là…

Một lần nọ, khi đang đào bới rác, anh dẵm phải một cái đinh. Vì không có kiến thức về khoa học và y học, nên đã dẫn đến tình trạng nguy kịch khi vết thương bị nhiễm trùng nặng. Biết tin này, người tài xế, sau khi hoàn tất công việc, đã tức tốc chở người thanh niên đến bệnh viện trong thành phố. Tại đây, anh bị cắt mất một chân. Bác sĩ còn bảo, nếu chỉ chậm trễ một ngày nữa thôi là anh sẽ chết. Mọi phí tổn đều do ông tài xế đài thọ. Không chỉ duy nhất một mình anh m à còn nhiều người khác nữa trong đám người cùng khổ ở bãi rác này. Mỗi lần đổ rác xong, người tài xế tốt bụng đều nấn ná ở lại để xem ai có cần giúp đỡ thì sẵn lòng giúp. Nếu có người bệnh nặng khó qua khỏi, anh trở về với nét mặt đăm chiêu và sau đó sẽ có một nhóm người đến chăm sóc tận tình, bất kể thời gian. Khi bệnh nhân đã trở về cát bụi thì được giúp đỡ mai táng tươm tất. Những vị ân nhân đó không đòi hỏi chi hết, ngay cả lời cám ơn. Họ đến âm thầm và ra về lặng lẽ. Đó là các giáo dân trong giáo xứ TIN MỪNG. Vài người trong số họ hôm nay cũng có mặt.

Anh thanh niên chấm dứt câu chuyện trong thổn thức. Im lặng. Tất cả đều im lặng. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía người tài xế. Rồi đột nhiên, một trận mưa ào ào đổ xuống, nhưng không làm ướt ai cả, vì đó là trận mưa của tiếng vỗ tay. Người ta vỗ tay để ca ngợi một tấm lòng cao cả. Người ta vỗ tay để biểu thị lòng biết ơn.

Người tài xế đứng đó, hai chắp trước ngực, môi mỉm cười, cúi sâu người xuống để chào cư dân của bãi rác. Trông anh, người ta tưởng chừng đó là một đóa huệ trắng tinh và ngào ngạt hương đã, đang và sẽ còn vươn cao trên đỉnh ngọn núi rác.

Khi cơn mưa vỗ tay chấm dứt, người đàn ông đứng bên cạnh anh tài xế mỉm cười, đưa tay chỉ vào người tài xế và nói: 
- Thưa quí vị, bác tài đây chính là cha sở của chúng tôi.

Đám lê dân trố mắt ngạc nhiên và đồng thanh: “Hoan hô cha! Hoan hô cha! Hoan hô cha!”.

Đợi cho niềm vui của đám đông lắng xuống, cha sở cất tiếng. Đại ý ngài nói về chương trình sinh hoạt của ngày hôm nay, bao gồm: khám sức khỏe, phát thuốc, phun thuốc diệt muỗi, nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống, thánh lễ Giáng Sinh. Nghe cha nói, bà con vui mừng hớn hở, cười cười nói nói. Lũ trẻ con reo hò muốn vỡ tung cả trái đất.

Khi cha nói xong, phái đoàn giáo dân bắt tay vào việc liền. Thanh niên nam nữ (những người mười tám, đôi mươi, đi chung với nhau trên các xe gắn máy) chia nhau ra thành từng nhóm: nhóm khuân đồ từ trên xe tải lớn xuống. Đó là những thùng lớn, vài ba cái bàn cùng ít ghế đẩu và ghế dựa, những tấm vải nhựa; nhóm đi quanh các căn chòi phun thuốc; nhóm làm hang đá. Họ vừa làm vừa ca hát khiến cho bầu không khí vui vẻ, sinh động. Lũ trẻ con thích lắm. Chưa bao giờ chúng được chứng kiến những con người đầy sức sống và đầy lòng nhân ái như thế. Chúng cứ giương mắt éch ra mà chiêm ngưỡng, chỉ trỏ. Có đứa miệng nhép nhép. Các anh, các chị đến bên cạnh, vỗ vai, chòng ghẹo chúng khiến chúng không thể nào nhịn cười được.

Ở các bàn khám bệnh và phát thuốc, các bác sĩ làm việc không ngưng tay. Già trẻ, lớn bé xúm xít lại để được khám bệnh. Đây là lần đầu tiên trong đời họ được khám bệnh một cách tận tình. Những câu hỏi nhẹ nhàng. Những câu cắt nghĩa cặn kẽ. Không một biểu lộ khó chịu nào, dù là nhỏ nhặt nhất trên gương mắt cảu các thầy thuốc. Thay vào đó là những nụ cười và những câu bông đùa dí dỏm khiến cho họ tiêu tan mặc cảm hèn kém, nghèo khổ, bệnh tật. Lẽ dĩ nhiên họ mang trong người nhiều thứ bệnh lắm. Có cụ già kể lể cà kê dê ngỗng về những sự bất an của cơ thể và nỗi lo.Các vị lương y mỉm cười, vui vẻ giải thích cho các cụ khiến nỗi lo tan biến để thay vào nụ cười hả hê, mãn nguyện. Rời bàn khám với bịch thuốc trên tay, họ có cảm giác như các bệnh tật đã biến mất và sẽ biến mất mãi mãi trong thân thể họ.

Sau khi mọi công việc hoàn tất, tới giờ ăn và nghỉ trưa.

Mấy cái bàn dùng khám bệnh lúc ban sáng bây giờ đầy ắp thức ăn. Bánh mì, bánh bao, xôi, bánh ngọt, trái cây và nước uống. Có cả bia nữa. Những lon bia nằm đó mời mọc đám đàn ông. Khỏi phải nói, cư dân bãi rác, thoạt nhìn thấy đã nuốt nuốt nước miếng ừng ực. Thường ngày, bọn người cùng khổ này phải ăn những thức ăn dư thừa của dân thành phố bỏ đi. Hôm nay, họ được ăn những món mà cả đời họ hằng ao ước, thèm thuồng, không phải là nhặt được trên núi rác mà là trên bàn sạch sẽ, trang trọng. Chúng được gói ghém kĩ càng trong các hộp giấy. Thế không phải là hạnh phúc thì là gì? Hơn nữa, họ còn được tôn trọng khi ai muốn dùng thứ gì thì cứ tự nhiên đến lấy, ăn bao nhiêu cũng được, ăn cho đến lúc no nê, thỏa chí thì thôi.

Cha sở và các giáo dân, mỗi người một phần ăn, đến quây quần với họ trên những tấm vải nhựa. Vừa ăn vừa tỉ tê tâm sự. Những mẩu chuyện hài hước làm cho bầu khí mỗi lúc một thêm phần thân thiện.

Buổi chiều, các anh chị tập hát và dạy trò trơi cho các em nhỏ. Những bài hát lành mạnh, vui tươi cùng các trò chơi làm cho chúng có cảm giác gần với nhau hơn thường ngày. Thời gian qua, mỗi đứa là một ốc đảo. Chúng vẫn quấn quít bên nhau đấy, nhưng chưa thực sự gần nhau, thương nhau lắm. Qua các bài hát và trò chơi này, chúng được giáo dục về lòng yêu thương, đoàn kết. “ Gần nhau ta cho nhau yêu thương tình loài người. Gần nhau ta cho nhau tin yêu, đừng gian dối. Gần nhau ta cho nhau ánh mắt nhân loại này. Tình yêu thương trao nhau xây đắp nên tình người. Cho dù rừng thay lá xanh đi. Cho dù biển cả có phân ly. Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi”. Trái tim chúng rộn ràng như trong ngày hội. Bàn tay nắm bàn tay mà cảm nhận được máu của bạn đang chảy tràn sang tay mình. Nóng hôi hổi. Mắt lồng mắt. Âu yếm mặn nồng. Hôm nay chúng mới có một ngày sống thực sự để biết tuổi thơ là gì, tuổi thơ có gì, tuổi thơ cần gì. Chúng đã bị cuộc đời tàn nhẫn cướp mất tuổi thơ, cướp mất trái tim trong sáng để trở nên chai đá. Hôm nay, những người anh, người chị từ phương xa đến đã cho chúng bầu trời xanh thắm, đã trả lại cho chúng vị ngọt ngào của tuổi thơ từ lâu bị cướp đoạt. Từ khi lọt lòng mẹ cho đến ngày hôm nay, chúng luôn luôn mang mặc cảm tự ti hèn kém, lúc nào cũng cúi đầu xuống. Ông bà và cha mẹ chúng cũng thế. Vậy mà hôm nay, chúng đã được trả lại nhân phẩm để hãnh diện ngẩng cao đầu mà nói to cho thiên hạ biết: “ Tôi là NGƯỜI. Chúng tôi là NGƯỜI ”.

Người ta hân hoan đến độ quên cả thời gian. Khi mặt trời đi vào bên kia địa cầu và phủ bóng tối lên muôn vật, lúc ấy người ta mới thốt lên: “Tối rồi! ”. Tối nay, cư dân của bãi rác được tham dự Thánh lễ Giáng Sinh. Qua bài giảng trong Thánh lễ của cha sở giáo xứ TIN MỪNG, họ mới hiểu rõ hình ảnh một hài nhi trần trụi nằm trong hang đá. Thì ra, đó là Đấng cứu thế. Ngài cũng sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo giống như họ. Họ cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thoải mái vì đã có một người đồng cảnh ngộ với họ. Ngài đến để chia sẻ nỗi đau với những người cùng khổ, trong số đó có họ. Ngài ở xa họ quá, cả về không gian và thời gian. Thề nhưng, con cái của Ngài thì đang ở đây, bên cạnh họ, suốt từ sáng đến giờ; đặc biệt là cha sở đã ngày ngày chia sẻ với họ nỗi đau, nỗi buồn trong bao năm tháng qua. Cha sở cũng lam lũ, cũng bần củng như họ, cũng đầu tắt mặt tối như họ. Giữa họ và cha sở cùng các giáo dân kia không có hố sâu ngăn cách, không có thành lũy che chắn; chỉ có duy nhất một sợi dây cột chặt lại: tình người, tình bác ái. Đâu có lòng yêu thương ở đấy có Đức chúa Trời…Bài thánh ca ấy đã mang đến cho họ niềm tin để sống.

Hợp tan tan hợp là luật tuần hoàn của Tạo hóa.

Sau khi húp xong những bát cháo gà nóng hổi, thơm phức, cha sở và các giáo dân giáo xứ TIN MỪNG chia tay với bà con. Bịn rịn. Nước mắt. những nụ cười méo xệ. Đoàn xe ra đi trong nỗi buồn của những người cùng khổ.

Bầu trời đêm đầy sao. Trong những căn chòi quanh bãi rác, vẫn còn nghe vang vang bài thánh ca: “Người đến xóa mọi bất công… Người đến cứu kẻ cơ hàn và ban phúc bình an…”. Rồi những dòng lệ chảy tràn trên cặp má sạm đen. Cũng trong những căn chòi ấy, những đứa trẻ chân tay sần sùi, ghẻ lở, tóc tai đỏ hoe, miệng mỉm cười đi vào giấc mộng thần tiên…

                                  Uyên S

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét