Khuôn mặt trái xoan hiền hậu và giọng nói nhỏ nhẹ, Hồng Ân mang dáng dấp nữ một sinh trung học hơn là một giảng viên đại học. Thằng Hòa thân hình cao lớn và da sạm nắng, người Tuy Hòa, và lại là em thằng Thiên học đệ nhất (lớp 12) với tôi ở Ban Mê Thuột; do đó, chúng tôi thân nhau rất nhanh.
Ngoài ra, ban Vật lý còn có thư ký trực văn phòng buổi sáng là Minh Phụng. Nàng trạc mười chín, hai mươi tuổi, tóc cắt ngắn, mặt tròn duyên dáng, dáng người nhỏ bé và thon đẹp, và trông như con búp bê. Buổi chiều, nàng làm việc trong xưởng sửa chữa điện tử của thầy Phong ở Thiên Ngân Truyền hình trên đường Gia Long, tiệm bán ti-vi và đồ điện tử quảng cáo rộng rãi nhất Sài gòn.
Chương trình Thực tập kéo dài 15 tuần, tuần thứ 16 thi cuối khóa. Khi những cơn mưa về chiều trở lại và báo hiệu mùa nghỉ hè sắp đến, phòng thí nghiệm sửa soạn đóng cửa ba tháng trong lúc Đại học Y khoa di chuyển sang cơ sở mới. Chiều ngày cuối cùng, thầy Phong gọi tôi, Hồng Ân, và thằng Hòa vào họp, nét mặt thầy trầm buồn,
“Các anh chị cũng biết, năm qua viện đại học gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy phép hoạt động. Bộ Quốc gia Giáo dục gây áp lực để viện tổ chức thành đại học cộng đồng hai năm, Y sĩ đoàn Sài gòn phản đối việc thành lập đại học y khoa mới, và cha viện trưởng sáng lập từ chức. Trường y khoa vẫn tiếp tục giảng dạy, nhưng chưa có nguồn tài trợ bên ngoài và sĩ số sinh viên không đạt tới mức dự trù. Bác sĩ Duy Khoa trưởng quyết định cắt giảm nhân viên và chỉ giữ lại trưởng phòng là anh Ba Hoa, mong chị Ân và anh Hòa hiểu cho.”
Vậy là Hồng Ân và thằng Hòa bị cho nghỉ việc. Đợi họ ra về, thầy Phong ngượng ngập vỗ vai tôi,
“Tôi có việc cần nhờ và chỉ có anh mới làm được.”
“Dạ thầy cần chi?”
“Cô Minh Phụng . . . thú thật với anh, tôi có chút liên hệ tình cảm . . . nay cần chấm dứt và không nên gặp nhau. Vả lại, việc làm của cô ấy trong ban Vật lý không còn nữa.”
“Dạ em sẽ cố gắng giúp thầy.”
“Đây là địa chỉ cô ấy bên Gia Định, anh tới nhà buổi tối tiện nhất.”
Nể thầy, tôi hăng hái nhận lời, nhưng khi nghĩ tới làm sao nói với Minh Phụng tôi mới chới với. Tôi vấn kế cô em Nhật Lệ, nàng cười khúc khích,
“Mà cô Minh Phụng đó có đẹp không đã?”
“Dáng nhỏ thó rất mi-nhon, nhưng không phải típ người của anh. Em đừng bày đặt gán ghép mất công.” “Mi-nhon” (tiếng Pháp “mignonne”) chỉ cô gái xinh xắn dễ thương.
“Em biết anh thích phụ nữ người cao, chân dài, và thân hình đầy đặn. Nhưng trong khi chờ đợi người yêu lý tưởng sao không cua cô mi-nhon, biết đâu gần gũi nhau một thời gian anh đổi gu và yêu nàng say đắm?” “Gu” (tiếng Pháp “goût”) là vị giác hay thị hiếu về người khác phái.
“Em tập thói quen nói nhăng nói cuội từ hồi nào vậy?”
“Tại em thấy anh lủi thủi một mình, tội dễ sợ!”
Phỏng theo lời khuyên đùa của cô em, tôi đến mời Minh Phụng đi uống cà-phê và nghe nhạc, nàng vui vẻ nhận lời. Tôi chở nàng theo đường Nguyễn Văn Học chạy lên Gò Vấp tới quán Hương Xưa có vườn cây đẹp và cả chỗ riêng tư để tâm sự. Một buổi tối khá vui vẻ và dễ chịu đi qua, tôi đưa nàng về nhà và trước khi chia tay nói ấp úng,
“Thầy Phong nhờ anh chuyển lời. . . Minh Phụng không phải đến làm việc ở phòng Vật lý hay Thiên Ngân Truyền hình nữa.”
“Không cần anh nói, em đã biết từ hồi tối,” nàng khóc thút thít và chạy nhanh vào nhà.
* * *
Mùa hè nghỉ làm việc, tôi đến nhà thầy Phong hàng tuần để thảo luận tìm đề tài khảo cứu của luận án tiến sĩ kỹ sư. Sau buổi họp, tôi trò chuyện với vợ thầy là cô Emily người Úc và đùa giỡn với con trai hai người là bé Oliver. Một hôm nhằm sinh nhật của cô, tôi mời thầy cô đi ăn tối ở nhà hàng Quốc tế trên lầu thương xá Tam Đa; sau đó cô muốn đi nghe nhạc, tôi đề nghị phòng trà Đêm Màu Hồng ưa chuộng nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ.
Lần đầu tiên đi phòng trà Sài gòn, cô Emily say sưa thưởng thức tiếng ca điêu luyện và lối trình diễn trang trọng của các nghệ sĩ Đêm Màu Hồng, trong đó có Xuân Giang, cô ca sĩ giọng trầm trong ban nữ tam ca Việt Đông hát dân ca ba miền Bắc-Trung-Nam độc quyền ở đây. Xuân Giang là sinh viên y khoa Minh Đức và học với tôi và thầy Phong. Nàng nhận ra chúng tôi, lại bàn lễ phép chào hỏi, và hãnh diện giới thiệu với mọi người. Được vị trưởng ban nhạc, một nhạc sĩ lừng danh, hân hoan mời lên hát, cô Emily lên sân khấu trình bày bản “Giọt Mưa Trên Lá” của Phạm Duy (1921 - 2013) lần lượt bằng Anh ngữ (lời của Mitch Miller) và Việt ngữ,
The rain on the leaves is the tears of joy
Of the girl whose boy returns from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears
When the mother hears her son is no more.
Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về.
Khán giả vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng giọng ca tuyệt diệu của cô Emily. Cô long lanh nước mắt,
“Tôi sung sướng quá! Cám ơn Ba Hoa. Sinh ra và lớn lên trong âm nhạc mà sang Sài gòn tôi chỉ đi dạy Anh văn. Anh Phong là khoa học gia, dành thì giờ nghiên cứu và soạn thảo, và ít có thì giờ cùng tôi thưởng thức âm nhạc.”
Từ đó, sau khi tôi xong việc, cô Emily rủ thầy Phong đi nghe nhạc, nhưng lần nào thầy cũng thoái thác và nhờ tôi đưa cô đi giùm. Những ngày hè qua mau, đề tài khảo cứu đã định đoạt, và tôi sửa soạn đi trình diện khóa Huấn luyện Quân sự Học đường cấp III để tiếp tục hoãn dịch vì lý do học vấn. Buổi tối cuối cùng, chúng tôi nghe nhạc ở phòng trà Queen Bee trên lầu thương xá Eden rồi tản bộ dọc theo đại lộ Nguyễn Huệ xem thành phố về đêm. Cô bé bán hoa lài xâu từng chuỗi trên lề đường ríu rít mời, tôi mua cả rổ và quàng lên cổ cô Emily. Cô ngạc nhiên,
“Anh thường lịch sự với phụ nữ như thế sao?”
“Trước đây cô em gái em đi lạc trong một thời gian dài và phải bán hoa lài để sống còn. Thấy cô bé bán hoa và nhớ đến em mình, em không thể không mua.”
“Dầu sao anh cũng đáng được cám ơn thật nồng nàn,” cô hôn lên má tôi, “Ô, chết rồi, son môi dính đầy trên má anh, quay sang tôi chùi cho,” cô mở ví tìm khăn mù-soa.
“Không hề gì đâu cô! Vết son trên má là một dấu hiệu may mắn cho đàn ông.”
Một ông thợ chụp hình dạo bằng máy chụp hình lấy liền Polaroid tưởng chúng tôi là đôi tình nhân và mời chụp hình. Cô Emily âu yếm tựa vào người tôi, đặt chụp bốn kiểu khác nhau, và cười thích thú,
“Tôi mang về anh Phong coi, cho anh ấy biết đã bỏ lỡ bao nhiêu chuyện vui. Trông anh đáng yêu quá đi mất, lát nữa tôi phải hôn ở má bên kia để anh may mắn thêm. Lâu rồi mới được một buổi tối hạnh phúc!”
>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét