Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Khi một đại thi hào khóc con gái rượu - Đàm Trung Pháp


Tuyển tập “Les Contemplations” (Chiêu Niệm) của Victor Hugo (1802-1885) chứa đựng 158 bài thơ ghi lại các kỷ niệm của ông về những chuyện vui buồn trong đời sống thường nhật, gồm cả nỗi đớn đau khôn lường do cái chết mang lại. Tất cả được thi hào sáng tác trong khoảng thời gian từ 1830 đến 1855 và cho xuất bản năm 1856. Trong số những bài ghi lại nỗi đớn đau vì tử biệt trong “Les Contemplations,” vô số độc giả trong cũng như ngoài nước Pháp đã coi bài “Demain, dès l’aube” (Ngày mai, ngay lúc rạng đông) như một tuyệt tác mà có người đã học thuộc lòng ngay sau lần đọc đầu tiên.<!>

Victor Hugo viết bài ấy trong dịp tưởng niệm hàng năm lần thứ tư sự qua đời quá sớm của cô con gái đầu lòng Léopoldine. Tuyệt tác chỉ gồm 12 dòng thơ chia làm 3 đoạn (strophes) giản dị trong sáng nhưng đậm nét sầu thương dùng để dựng lên trong tâm trí thi hào một chuyến sắp đi thăm mộ cô con gái thương yêu nhất của ông.

Mời quý độc giả xem bản dịch bài thơ “Demain, dès l’aube” sang tiếng Việt của bút giả, với kỳ vọng nó “đã không làm mất đi” ý nghĩa nguyên thủy một tuyệt tác lẫy lừng của vị đệ nhất thi hào Pháp Quốc. Để tiện việc so sánh và lưu trữ làm tài liệu, nguyên tác tiếng Pháp xuất hiện ngay dưới bản dịch. Khi làm công việc “liều lĩnh” này, bút giả biết mình “có cơ nguy” bị lên án là dám “phản bội” một tuyệt tác, như lời cảnh cáo chí lý từ lâu của dân tộc Pháp – “traduire, c’est trahir.” Vì thế, nếu có điều gì thất thố làm phiền lòng bạn đọc, xin được miễn chấp trước.

Ngày mai, ngay lúc rạng đông, khi vùng quê bừng sáng.
Cha sẽ lên đường. Con ơi, cha biết con nóng lòng chờ đợi.
Cha sẽ đi qua rừng, cha sẽ đi qua núi.
Cha không thể nào lâu hơn nữa ở xa con
Cha sẽ bước đi, mắt chìm sâu trong suy nghĩ,
Không nhìn quanh, chẳng nghe động tĩnh chi,
Cô đơn, lạc lõng, lưng khòm tay chắp
Lòng sầu đau, ngày với cha sẽ tối như đêm
Cha sẽ không ngắm ánh chiều vàng rơi xuống,
Cũng như cánh buồm xa thẳm hướng Harfleur,
Và khi tới cha sẽ đặt cho con trên mộ
Chùm ô rô xanh lá và thạch thảo trổ hoa.

Demain, dès l’aube, à l’heure où blanchit la campagne
Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m’attends.
J’irai par la forêt, j’irai par la montagne
Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.
Je marcherai, les yeux fixés sur mes pensées,
Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.
Je ne regarderai ni l’or du soir qui tombe
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur
Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

Bài thơ dẫn người đọc đi xuyên qua miền đồng quê vùng Normandie phía tây bắc nước Pháp, nhưng tác giả chưa cho biết chuyến đi sẽ dẫn tới nơi nào. Rồi lần lượt người đọc thấy tác giả thì thầm những lời âu yếm với một người nào đó đang chờ mong ông, tiếp theo là một hình ảnh đăm chiêu của ông với lưng khom và đôi tay khoanh trước ngực như đang cầu nguyện một điều gì trên đường đi hành hương đến một nơi nào chưa rõ. Qua nguyên tác bằng tiếng Pháp, cho đến hết 10 dòng thơ đầu, người đọc nhiều phần sẽ “đoán” đây là một cuộc hẹn hò của hai tình nhân, vì hai đại từ nhân xưng thân mật “je” và “tu” rất hợp cho hoàn cảnh này. (Buồn thay, bản dịch của bút giả đã “làm mất đi” lời đoán thú vị đó, chỉ vì hai đại từ nhân xưng “cha” và “con” của tiếng Việt không thể nào áp dụng cho hai tình nhân được! Bút giả chỉ còn có nước “đổ tội” cho sự khác biệt trong cách sử dụng đại từ xưng hô giữa tiếng Pháp và tiếng Việt mà thôi).
Mãi tới khi bàng hoàng với hai dòng thơ chót, người đọc mới thấy được cuộc hẹn hò lạ thường này thiêng liêng và cận kề trái tim Victor Hugo bội phần hơn bất cứ một cuộc hò hẹn nào khác trong đời của vị đệ nhất văn thi sĩ nước Pháp. Léopoldine là trưởng nữ và cũng là cô con gái yêu dấu nhất (có thể so với “con gái rượu” trong nếp sống dân Việt) của Victor Hugo.. Bốn năm về trước, khi cô 19 tuổi và người chồng mới cưới đã chết đuối trong dòng sông Seine ở khúc gần thị trấn nhỏ Villequier vì chiếc thuyền của họ bị lật. Ông bố Victor lúc ấy đang du lịch với tình nhân ở miền nam nước Pháp và chỉ được biết muộn màng về cái chết thảm của con gái khi ông ngồi xem nhật trình trong một quán cà phê!
Nỗi đoạn trường ấy đã được Victor Hugo thổ lộ trong bài thơ “À Villequier” cũng trong tuyển tập “Les Contemplations.” Bên mộ Léopoldine tại Villequier sát bờ sông Seine thơ mộng, nơi cô tử nạn bốn năm về trước, thi hào đã than thân với Đấng Vô Cùng:

Thượng Đế hỡi! vết thương này rướm máu đã quá lâu
Trong hồn tôi nỗi xót xa mỗi lúc chỉ thêm sâu
Và trái tim tôi chịu thua, nhưng chưa hề cam phận
Ô mon Dieu! cette plaie a si longtemps saigné
L’angoisse dans mon âme est toujours la plus forte
Et mon cœur est soumis, mais il n’est pas résigné

“Demain, dès l’aube ” là bài thơ trữ tình chất ngất nỗi tiếc thương mà người cha Victor Hugo viết cho cô con gái yêu dấu nhất của mình đã phải lìa đời quá trẻ. Câu kết tuyệt chiêu của bài thơ là một ước ao “bất tử hóa” cuộc đời tươi đẹp nhưng vắn số của ái nữ Léopoldine. Còn gì khác có thể đóng vai một ẩn dụ toàn bích hơn là chùm ô rô “lá mãi xanh màu” và cụm thạch thảo “hoa muôn đời nở” đã được người cha lẫy lừng tên tuổi âu yếm đặt trên mộ để người đời không bao giờ quên được nàng? Nếu như khẳng định của thi hào Alfred de Musset (1810-1857) rằng “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux” (Những bài ca tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất) lúc nào cũng đáng tin cậy, thì “Demain, dès l’aube” của Victor Hugo phải là một điều minh chứng siêu phàm và vĩnh cửu. 

Đàm Trung Pháp
10-01-2017

Không có nhận xét nào: