Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 1/8 - Lê Minh Nguyên


Asean và Trung Quốc sẽ chính thức thông qua Khung COC
Ngoại trưởng các nước Asean và Trung Quốc đã sẵn sàng để chính thức thông qua một “thỏa thuận khung về Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông” trong cuộc họp sắp tới ở Manila ngày 6 tháng 8, nhật báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này cho biết.<!>
Mục đích của văn kiện này là tránh để các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông bùng nổ thành xung đột bạo lực.
Đây sẽ là cơ sở hướng dẫn các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC). Như vậy là phải mất 15 năm sau khi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông ra đời hồi năm 2002 (DOC), các nước liên quan mới đạt được một bước tiến quan trọng về COC.

Do mang tính ràng buộc pháp lý nên COC được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, trong khi DOC chỉ là tuyên bố thể hiện ý chí chính trị của các bên.

Cuộc họp quy tụ các ngoại trưởng diễn ra trong khuôn khổ tuần lễ kỷ niệm 50 năm Asean, với các cuộc họp của các quan chức Asean dưới sự chủ trì của Philippines từ ngày 2 đến ngày 8/8.
“Chúng tôi mong đợi các ngoại trưởng Asean và Trung Quốc sẽ thông qua bản khung về Quy tắc ứng xử tại cuộc họp hôm Chủ nhật”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nói hôm 1/8.

Ông Bolivar nói việc thông qua khung COC sẽ “củng cố cam kết” của các bên liên quan, muốn đạt COC để tránh xung đột quân sự trên Biển Đông.
Hiện chưa rõ chi tiết của văn bản khung này. Theo Bộ Ngoại giao Philippines thì chi tiết của văn bản này sẽ không được công bố. Sau khi các ngoại trưởng thông qua thì văn bản này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11.

Tờ Sun Star Manila dẫn lời ông Bolivar nói trong một cuộc họp báo:

“Bản khung về cơ bản sẽ đưa ra đề cương của Bản Quy tắc Ứng xử. Sau khi được thông qua và chuẩn thuận, chúng tôi hy vọng các cuộc thảo luận về một bộ Quy tắc ứng xử thật sự sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc.”

Theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, thì tháng 5 vừa rồi, quan chức các nước Asean đã đạt được đồng thuận về dự thảo khung COC tại một cuộc họp ở thành phố Quý Dương, thuộc tỉnh Quý Châu của Trung Quốc. 

Cuộc họp này diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và người đồng cấp Singapore Chee Wee Kiong.

Tại cuộc họp lúc đó, Thứ trưởng Lưu nói với báo chí rằng theo bản lộ trình thì các nước dự kiến sẽ hoàn tất tham vấn về văn bản khung cuối cùng của COC trong nửa đầu năm 2017. - VOA

2.
Tập Cận Bình: TQ không cho phép chia tách lãnh thổ --- Ngày Bát Nhất đề cao tinh thần chiến đấu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh dấu kỷ niệm 90 năm từ ngày thành lập quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với lời tuyên bố rằng nước ông sẽ không bao giờ nhường một tấc đất nào cho các thế lực ngoại bang.
Ông Tập nhấn mạnh thông điệp của ông về niềm tự hào Trung Quốc hôm 1/8 trước cử tọa gồm các quan chức đảng và các sĩ quan cao cấp của Giải phóng quân Nhân dân ở Bắc Kinh.

Ông phát biểu:

"Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, tổ chức hay chính đảng nào phân tách bất cứ phần nào thuộc lãnh thổ Trung Quốc ra khỏi đất nước vào bất cứ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào".
Trung Quốc đang dính líu vào nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi họ biến một số đảo và rạn san hô thành những cơ sở quân sự, bỏ ngoài tai các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của các nước láng giềng châu Á-Thái Bình Dương.

Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đang xúc tiến một chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng dưới quyền lãnh đạo của ông Tập.
Chương trình này bao gồm việc bổ sung công nghệ mới và các tàu sân bay trong một cố gắng nhằm đưa Trung Quốc lên ngang hàng với Hoa Kỳ. - VOA

***
Núi Nanh Sói hay Lang Nha Sơn, là tác phẩm thuộc thể loại Kinh kịch vừa ra mắt khán giản trong buổi công diễn hôm 31/07 tại Bắc Kinh để đề cao lòng ái quốc.
Vở kịch dựa trên cuốn truyện "Năm dũng sỹ trên Đỉnh Lang Nha" ca ngợi tinh thần quyết tử của quân Trung Quốc chống lại phát-xít Nhật thời Thế Chiến 2.

Nhưng nay, các chiến dịch cổ vũ lòng ái quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra rầm rộ trước Đại hội Đảng 19 cuối năm 2017 còn có mục tiêu hướng lòng yêu nước vào sự ủng hộ cho Đảng Cộng sản.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày quân cộng sản do Mao Trạch Đông, Chu Đức và Lâm Bưu chỉ huy đánh quân Tưởng Giới Thạch trong Khởi nghĩa Nam Xương (1927), chủ đề quân sự và ái quốc được tuyên truyền rất mạnh trên cả nước Trung Quốc.

Cùng lúc, các ý kiến "tiêu cực" ngay lập tức bị kiểm duyệt và lên án bởi đông đảo những người ủng hộ chính quyền trên các trang mạng như Sina Weibo và WeChat.
Bài "Bắc Kinh có 20 triệu người vờ sống tốt", nói công nghiệp hóa quá đà, di dân và chi phí đắt đỏ khiến nhiều người ở thủ đô Trung Quốc chỉ gắng tồn tại qua ngày, hơn là tận hưởng cuộc sống.

Bài viết được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi được đăng vào tuần trước.

Tác giả Trương sau đó đưa ra lời xin lỗi, dù nhiều người nói rằng ông bị ép buộc.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước đột nhiên nhấn mạnh những điều tích cực của cuộc sống ở Bắc Kinh.

Học tập các chiến sỹ Hải quân

Cũng nhân dịp này, hãng tin Tân Hoa nói thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh tổ chức các trại hè học tập quân sự cho sinh viên, học sinh trên chiến hạm mang tên Thích Kế Quang (Qi Jiguang - một vị tướng ở thế kỷ 16).
Trên chiếc tàu ̣đỗ ở cảng Lữ Thuận, các em được người hướng dẫn giới thiệu về lịch sử của Hạm đội Bắc Hải, và tham gia các đợt học về lý thuyết quân sự cùng luyện tập đi biển.

Hôm 30/07, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), ở Khu tự trị Nội Mông để chứng kiến lễ duyệt binh và diễn tập quân sự lớn có trình diễn phi cơ và thiết giáp đời mới.
Ông Tập Cận Bình cảnh cáo "kẻ xâm lăng" và nói Quân Giải phóng "có đủ sự tự tin cùng khả năng đánh bại kẻ thù nào dám xúc phạm" Trung Quốc, theo các hãng thông tấn.

Sang ngày 1/08, các báo Ấn Độ đưa tin bộ đội Trung Quốc đã đi sang vùng Barahoti thuộc Uttarakhand trong đất Ấn Độ chừng 1 km, dọc đường kiểm soát giới tuyến thực tế (Line of Actual Control - LAC).

Tuy nhiên, tin tức từ chính Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói tin về sự xâm nhập của Trung Quốc là không chính xác vì đây chỉ là sự khác biệt trong cách diễn giải vị trí của đường giới tuyến thực tế.

Dù vậy, điều chắc chắn là căng thẳng Trung - Ấn đang diễn ra tại cao nguyên Doklam gần biên giới ba nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Còn tại Biển Đông, sau tin tức về sự căng thẳng quanh bãi Tư Chính, phía Nam quần Đảo Hoàng Sa, có tin trên trang Foreign Policy, trong bài của nhà báo Bill Hayton, viết rằng một tàu thăm dò địa chấn, HYSY760, được bảo vệ bởi một hạm đội nhỏ, đang trên đường đến khu vực này.

Bãi Tư Chính là nơi Việt Nam nói hoàn toàn thuộc chủ quyền của mình.
Trở lại bài học cho sinh viên Trung Quốc ở Cảng Lữ Thuận vùng Đông Bắc, nhìn ra biển Nhật Bản.

Con tàu mang tên vị tướng Thích Kế Quang, người không chỉ chống quân Nguyên mà còn học nhiều từ võ nghệ và chiến thuật của các băng đảng cướp biển người Nhật khi chỉ huy hạm đội duyên hải của Nhà Minh.

Một trong những phương châm của ông dạy cho binh sỹ trong bộ sách võ nhiều chương là "Võ nghệ muốn hiệu quả không cần phải đẹp mắt". - BBC

3.
Trung Quốc chính thức mở căn cứ quân sự tại Djibouti

Trung Quốc vào ngày 1 tháng 8 chính thức mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên trong nghi thức thượng cờ tại căn cứ Djibouti ở vùng Sừng Phi Châu.

Đây cũng là ngày mà Giải Phóng quân Nhân dân Trung Quốc kỷ niệm 90 năm thành lập.
Đài Phát thanh Trung Quốc loan tin có hơn 300 người tham dự buổi lễ, trong đó có phó chỉ huy Hải quân Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti.

Công tác xây dựng căn cứ Djibouti được bắt đầu vào năm ngoái và là căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc; mặc dù Bắc Kinh chỉ cho rằng đó là một căn cứ hậu cần.

Tin cho biết căn cứ Djibouti sẽ được dùng đặc biệt làm nơi tiếp liệu cho các tàu hải quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và nhân đạo ở vùng biển ngoài khơi Yemen và Somali.
Djibouti có diện tích tương đương Xứ Wales và nằm tại vùng cửa phía nam Biển Đỏ trên đường vào Kênh Suez. Tại đất nước nhỏ bé Djibouti nằm giữa ba nước Ethiopia, Eritrea và Somalia còn có căn cứ của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp.

Trong giới ngoại giao có suy đoán Trung Quốc sẽ xây dựng các căn cứ quân sự khác ở nước ngoài nữa, như ở Pakistan chẳng hạn, thế nhưng chính quyền Bắc Kinh bác bỏ tin đó. - RFA

4.
Pence: ‘Nga phải thay đổi nếu muốn Mỹ bỏ cấm vận’

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tuyên bố các hành động ngoại giao của Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới sẽ không làm giảm quyết tâm của Hoa Kỳ, bảo vệ an ninh của chính mình và các đồng minh.
Phát biểu hôm 1/8 trong chuyến thăm Gruzia, ông Pence nói dự luật về các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Donald Trump sẽ ký trong thời gian sắp tới, gửi đi một thông điệp "rất rõ ràng" rằng "lập trường của Nga sẽ phải thay đổi" liên quan với các hoạt động của nước này ở Ukraine và sự hỗ trợ dành cho Iran và Syria.

Quốc hội Mỹ với số phiếu áp đảo đã thông qua lệnh trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ, và cùng lúc áp đặt các biện pháp mới đối với Iran và Bắc Triều Tiên. Nga đã đáp lại bằng cách yêu cầu Hoa Kỳ cắt giảm 755 người từ tổng số 1.200 nhân viên của họ ở Nga.
Ông Pence phát biểu:
"Tổng thống và Quốc hội Mỹ thống nhất với nhau trong thông điệp của chúng tôi gửi tới Nga: một mối quan hệ tốt đẹp hơn, việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, đòi hỏi Nga phải rút lại những hành động đã dẫn đến việc buộc phải có những biện pháp trừng phạt".

Ông Pence đang công du một số quốc gia nhằm thể hiện sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với các đồng minh trong khu vực.

Phát biểu sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili ở Tbilisi, ông Pence nói Hoa Kỳ sẽ làm việc với Gruzia để chống lại sự xâm lược của Nga và "tìm kiếm một giải pháp hoà bình" khôi phục đường biên giới được quốc tế công nhận.

Năm 2008, Nga can thiệp quân sự ở Gruzia, và sau đó công nhận các nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, là các quốc gia độc lập. Một số nước khác cũng công nhận nền độc lập này, mặc dù phần lớn các quốc gia coi các khu vực này vẫn là một phần của Gruzia.

Ông Pence phát biểu:
"Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia bên trong đường biên giới nước này được quốc tế công nhận, và dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ bác bỏ bất cứ tuyên bố nào của bất kỳ quốc gia vào bất cứ lúc nào nào, phá hoại nguyên tắc này lâu đời này".
Phó Tổng thống Mỹ hôm 1/8 cũng sẽ tới Montenegro, thành viên mới nhất của NATO. - VOA

5.
Venezuela bắt hai lãnh đạo đối lập --- Mỹ: Tổng thống Venezuela, một kẻ độc tài

Hai lãnh đạo đối lập ở Venezuela là Leopoldo López và Antonio Ledezma vừa bị bắt, thân nhân của hai người nói.
Họ đã phải chịu quản chế tại gia sau khi bị các cáo buộc xúi giục bạo loạn trong các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi 2014.

Gia đình nói không biết hai người bị bắt đưa đi đâu.

Mọi việc diễn ra chỉ hai ngày sau kỳ bỏ phiếu gây tranh cãi, là thời điểm nổ ra bạo lực trên đường phố khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
Tổng thống Nicolás Maduro đã triệu tập họp quốc hội để viết lại hiến pháp Venezuela giữa lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ leo thang vào hôm 1/5.
Ông nói rằng bước đi này sẽ tạo ra hòa bình và mở cơ hội đối thoại qua việc đưa các phe phái lại bên nhau trong xã hội phân cực ở Venezuela.

Nhưng phe đối lập cáo buộc tổng thống đang tìm cách viết lại hiến pháp nhằm tối đa hóa quyền lực và gạt ra bên lề cơ quan lập pháp vốn do phe đối lập kiểm soát.
Họ đã tẩy chay kỳ bỏ phiếu và kêu gọi người dân Venezuela xuống đường biểu tình. Việc bỏ phiếu đã bị các lãnh đạo Mỹ-Latin, Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ lên án.

Ngày diễn ra việc bỏ phiếu trở thành ngày có nhiều người thiệt mạng nhất kể từ khi làn sóng biểu tình phản đối bắt đầu nổ ra.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Steve Mnuchi hôm thứ Hai tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã áp lệnh trừng phạt lên Tổng thống Maduro và gọi ông là "kẻ độc tài, bất chấp nguyện vọng của nhân dân Venezuela".

'Bị đưa đi'

Ông López bị đưa đi khỏi nhà riêng vào lúc 12:27 giờ địa phương (04:27GMT) hôm thứ Ba, vợ ông, Lilian Tintori viết trên Twitter.Một video cho thấy ông bị các thành viên lực lượng tình báo Venezuela, Sebin, bắt đưa đi.
Bà Lilian Tintori viết rằng bà buộc Tổng thống Nicolás Maduro phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra với chồng bà.
Con gái của ông Ledezma, Vanessa Ledezma, cũng đăng một video cảnh cha cô mặc bộ đồ pyjama và bị lực lượng Sebin đưa đi.

Cả hai ông Ledezma và López đều là các gương mặt chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp Venezuela trong 2014, là đợt khiến 43 người từ cả hai phe phái chính trị chống nhau thiệt mạng.
Họ đóng vai trò ít quan trọng hơn trong các cuộc biểu tình gần đây bởi bị quản chế tại gia, nhưng các thông điệp trên video mà họ đưa ra vẫn được đăng tải và lan đi nhanh trên các trang web đối lập. - BBC

***
Tòa Bạch Ốc ngày 31/7 tuyên bố Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, giờ đây là một kẻ độc tài sau khi chiếm trọn quyền hành thông qua sự kiện mà Washington mô tả là một cuộc bầu cử giả hiệu của Nghịa hội Lập hiến Quốc gia hôm Chủ nhật.

“Ông Maduro không chỉ là một nhà lãnh đạo tồi. Ông ấy giờ đây là một tay độc tài,” cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster tuyên bố tại một cuộc họp báo.

Chính phủ Mỹ ngày 31/7 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Maduro. Đây là động thái mạnh tay nhất của chính quyền Trump đối với chính phủ Maduro để đáp lại cuộc bầu cử hôm qua.

Loan báo này chưa bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan đến ngành dầu mỏ nước này, nhưng chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét tới phương án đó.
Theo các biện pháp chế tài nhắm vào ông Maduro vừa được thông báo, tất cả tài sản của nhà lãnh đạo Venezuela nằm dưới quyền tài phán của Mỹ bị phong tỏa và công dân Mỹ không được phép làm ăn với Tổng thống Maduro.

“Bằng cách chế tài ông Maduro, Hoa Kỳ khẳng định quan điểm đối với các chính sách của chính quyền Maduro và ủng hộ người dân Venezuela muốn đưa đất nước trở lại nền dân chủ thịnh vượng toàn vẹn,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo.
Ông Mnuchin cho biết những ai tham gia vào cơ quan lập pháp mới của Venezuela có thể sẽ bị Hoa Kỳ chế tài vì gây phương hại cho nền dân chủ Venezuela.

Tại Caracas hôm nay, ông Maduro ăn mừng cuộc bầu cử của cơ quan lập pháp mới vốn dự kiến sẽ mang lại cho đảng xã hội cầm quyền những quyền hạn lấn lướt.

Nguồn tin của Reuters cho hay theo sau các biện pháp chế tài Tổng thống Maduro có thể sẽ là các biện pháp trừng phạt nhắm vào những quan chức cấp cao của nước này cũng như các biện pháp nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ, tùy thuộc vào phạm vi chính phủ Maduro đưa Quốc hội mới đi vào hoạt động sau cuộc bầu cử hôm 30/7. - VOA

6.
Tokyo phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan đến vùng hải giới hai nước

Nhật Bản vừa trao công hàm phản đối Trung Quốc về việc cho triển khai giàn khoan dầu khí gần đường trung tuyến phân cách vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trên biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã loan báo tin trên vào hôm nay, 01/08/2017 ở Tokyo.
Phát biểu trước báo giới, ông Kishida tuyên bố « Thật là hết sức đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương hoạt động khai thác tại khu vực nói trên trong khi ranh giới trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông chưa được phân định ».

Đây là một vùng có mỏ khí đốt phong phú ở cả hai bên đường ranh. Tokyo lo ngại rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh khai thác khu vực có thể hút khí đốt từ các mỏ bên phần của Nhật 
Theo ông Kishida, chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức phản đối thông qua các kênh ngoại giao sau khi xác nhận hoạt động của Trung Quốc hồi tháng trước. Tokyo, sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh ngừng đơn phương phát triển các mỏ khí đốt gần đường trung tuyến.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, đây là giàn khoan thứ 16 mà Trung Quốc triển khai tại vùng biển Hoa Đông sát đường trung tuyến phân cách hải giới hai nước, trong đó có 12 giàn khoan di động,
Còn chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì cho biết, Tokyo đang kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán dựa trên thỏa thuận song phương năm 2008 về cùng khai thác khí đốt tại khu vực trên.

Các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ sau vụ đụng độ giữa một tàu cá Trung Quốc và tàu của Tuần Duyên Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông hồi năm 2010. - RFI
|
|

7.
Bangkok bị tố cáo sang Lào bắt cóc đối lập Thái Lan

Hãng tin AFP ngày 01/08/2017 tiết lộ, ông Wuthipong Kachathamakul, một nhà đối lập có tiếng tăm chống tập đoàn quân sự Thái Lan và phê phán vương triều, lánh nạn ở Lào, đã bị bắt cóc. Giới thân hữu quy cho an ninh Thái Lan là thủ phạm nhưng Bangkok phủ nhận.

Wuthipong Kachathamakul còn có biệt danh là KoTee, một nhân vật cột trụ của phong trào Áo Đỏ, kiên trì chống chính quyền quân sự Thái từ khi chính phủ dân cử của thủ tướng Yingluck Shinawatra bị đảo chính vào năm 2014.

Để tránh truy bức, KoTee chạy sang Lào tạm trú và từ đây ông cung cấp cho mạng xã hội Thái Lan phim ảnh, bình luận chống tập đoàn tướng lãnh và vương triều.

Tin ông Ko Tee bị một nhóm người võ trang, nói tiếng Thái, đến tận nhà riêng ở Vientiane bắt cóc, đã được thân hữu của ông loan báo từ mấy ngày qua.

Chính quyền Cộng sản Lào không bình luận gì về vụ việc này.

Đến thứ Ba 01/08/2017, lãnh đạo tập đoàn quân sự kiêm thủ tướng Thái Lan, Chan-O-Cha tuyên bố là đã « yêu cầu chính phủ Lào tìm kiếm » nhưng Vientiane « không biết KoTee ở đâu và cũng không biết đâu mà tìm ».
Chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Thái, tướng Thawip Netniyom nhìn nhận « có theo dõi » nhà đối lập nhưng « không có biện pháp nào khác ». Tướng Thawip quy cho phe Áo Đỏ loan truyền tin đồn đối lập mất tích với dụng ý « ngụy tạo thông tin ».

Tuy nhiên, theo AFP, đây không phải là lần đầu tiên một nhà hoạt động Thái Lan mất tích ở Lào. Tháng 06/2016, Ittipon Sukpaen, một nhà tranh đấu ít tiếng tăm hơn KoTee mất tích gần thủ đô Vientiane. Hơn một năm qua vẫn chưa ai biết rõ số phận ông Sukpaen ra sao. - VOA

8.
Trump nói ‘sẽ giải quyết’ vấn đề Bắc Hàn thử tên lửa --- Tên lửa Bắc Triều Tiên: Quốc tế ít có giải pháp --- Tàu ngầm Bắc Triều Tiên hoạt động khả nghi gần Nhật Bản
Bắc Triều Tiên ngày càng trở thành mối quan tâm địa-chiến lược hàng đầu đối với chính quyền của ông Trump. Và những lời tuyên bố mạnh miệng của các quan chức ở Washington đang trở nên cứng rắn hơn sau khi Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức các lệnh trừng phạt quốc tế và lần đầu tiên tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tổng thống Donald Trump họp với nội các của ông hôm 31/7. Khi các nhà báo được vào phòng họp trong một khoảng thời gian ngắn lúc đầu cuộc họp, một nhà báo hỏi về phản ứng của ông trong cương vị tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, sau khi Bắc Triều Tiên thử thêm mộttên lửa liên lục địa. Tổng thống Trump nói:
"Chúng tôi sẽ xử lý Bắc Triều Tiên. Chúng tôi sẽ có thể xử lý đất nước đấy. Nước đấy sẽ bị xử lý. Chúng tôi xử lý tất cả mọi thứ".

Liệu cách giải quyết đó có bao gồm hành động quân sự? Vài giờ sau điểm này được làm rõ trong cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc.

Sarah Sanders, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc, nói:

"Như chúng ta đã nói nhiều lần trước, tổng thống sẽ không phát biểu ồn ào về bất cứ quyết định nào, nhưng chúng tôi không loại trừ bất cứ phương án nào".

Hoa Kỳ cho đến nay đáp trả bằng các cuộc thử tên lửa đạn đạo của chính mình và điều máy bay ném bom chiến lược bay trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, theo kế hoạch đã định, cuộc tập trận quân sự quy mô thường niên sẽ diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc trong tháng 8. - VOA

***
Thứ Sáu 28/07/2017, Bắc Triều Tiên thông báo bắn thử thành công tên lửa liên lục địa có tầm bắn đến 10.000 km theo như thẩm định của các chuyên gia trang mạng Mỹ 38 vĩ tuyến Bắc. Liên quan đến chủ đề này, báo Libération (01/08/2017) trong bài phân tích dài đề tựa « Bắc Triều Tiên vào thời điểm thử sức nảy lửa », cho rằng quốc tế không có nhiều giải pháp trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Trước hết, Libération nhận định cứ như Kim Yong Un đang trêu tức Donald Trump, trong một cuộc đọ sức bắt đầu từ tháng Giêng năm 2017. Nhưng sự việc cũng cho thấy Bắc Triều Tiên đã có những bước tiến vượt bậc trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền năm 2011, như nhận xét của bà Valerie Niquet, phụ trách mảng Châu Á của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược được Libération trích dẫn.
Tổng cộng Bắc Triều Tiên đã bắn thử gần 80 tên lửa đạn đạo và tiến hành 3 vụ thử hạt nhân, riêng trong năm 2016 là hai vụ. Những sự kiện dồn dập này nay buộc giới chuyên gia và truyền thông Mỹ phải thay đổi cách nhìn và cách đánh giá năng lực tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tính cho đến giờ, trong cuộc đọ sức này, phần thắng đang nghiêng về lãnh đạo Kim Jong Un. Trong khi Donald Trump không ngừng nguyền rủa « chiến lược kiên nhẫn » của người tiền nhiệm, Barack Obama, thì những lời dọa nạt cũng như các cuộc biểu dương sức mạnh của Donald Trump như điều tầu sân bay, gia tăng các cuộc thao dượt quân sự chung với Nhật Bản và Hàn Quốc hay như điều oanh tạc cơ B-1B đến bán đảo Triều Tiên hầu như không làm cho Bình Nhưỡng chùn bước.

Trước những mối đe dọa « ngày càng lớn và nghiêm trọng » theo như lời của Donald Trump hay thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe, cộng đồng quốc tế gần như bất lực, có rất ít các giải pháp trong hồ sơ này.

Tấn công quân sự : Một kịch bản tồi tệ
Bởi vì Seoul, với 25 triệu dân, chỉ cách biên giới với Bắc Triều Tiên có khoảng 40 km và gần như nằm trong tầm ngắm của các khẩu đại pháo, cũng như là các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Chúng được đặt trên những bệ phóng di động, rất khó định vị và được cất giấu khắp nơi trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Đó là chưa tính đến phản ứng của Trung Quốc, đồng minh lâu đời của quốc gia khép kín nhất hành tinh. Bắc Kinh không hề mong muốn nhìn thấy lính Mỹ ngay trước cửa nhà. Do đó, giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên còn có một hiệp ước hợp tác ký năm 1961 quy định đôi bên cùng nhau bảo vệ trong trường hợp bị tấn công.
Libération dẫn lời chuyên gia Changhee Park, giáo sư đại học an ninh quốc gia tại Seoul, lưu ý là người dân Hàn Quốc cũng không muốn thấy nổ ra chiến tranh và Hoa Kỳ hiểu rất rõ điều đó. Theo vị giáo sư này trước giải pháp quân sự, vẫn còn có nhiều biện pháp khác để đề cập đến.

Vũ lực không được, trừng phạt cũng không xong

Từ tháng 7/2006, hơn một chục nghị quyết Liên Hiệp Quốc đã được thông qua, chưa kể đến nhiều biện pháp trừng phạt do Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đơn phương đề ra, nhưng vẫn không ngăn cản được Bắc Triều Tiên ngưng các chương trình thử tên lửa.
Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn vào Bắc Kinh đồng minh thân cận nhất. Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Changhee Park, khó có thể trông đợi vào Trung Quốc có thể làm được gì nhiều hơn. Bắc Triều Tiên sụp đổ là điều Bắc Kinh không hề mong muốn.
Thương thuyết : giải pháp duy nhất có thể
Đây cũng chính là nhận định của ông James Clapper cựu giám đốc tình báo dưới thời chính quyền Obama. Nhưng cơ hội này từ nhiều thập niên qua đã bị bỏ lỡ. Những bất đồng và thách thức chồng chất khiến cho mọi cuộc thương thuyết thêm khó khăn. Giờ chỉ còn hy vọng vào phạm vi và khung thảo luận.

Yêu cầu « Giải trừ hạt nhân » như là điều kiện tiên quyết giờ đã lỗi thời, một cách « tiếp cận phi lý » như phân tích của Moon Chung-In, giáo sư danh dự trường đại học Yonsei, tại Seoul. Bài học kinh nghiệm từ Lybia với cái chết bi thảm của nhà độc tài Kadhafi đã giúp cho chế độ Bình Nhưỡng hiểu rõ kho vũ khí nguyên tử là chìa khóa vàng đảm bảo sự sống còn cho chế độ.
Do đó, tốt hơn hết là « Hoa Kỳ nên từ bỏ ảo tưởng và nên đàm phán một thỏa thuận nhằm tạm ngưng các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên » như nhận xét của giáo sư sử học người Nga Andrei Lankov, đang giảng dậy tại đại học Kookmin, Seoul.
Về điểm này, chuyên gia Pháp Valérie Niquet có cho rằng : « mục đích đầu tiên của Bình Nhưỡng – thậm chí là cả Bắc Kinh là thúc đẩy Hoa Kỳ ngồi lại vào bàn đàm phán và có thể chấp nhận một cách không chính thức Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử qua việc nhấn mạnh đến mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các tên lửa của Bình Nhưỡng ».
Nói tóm lại, như tựa đề bài nhận định trên mục Ý kiến của báo Le Figaro, thì tình hình tại Thái Bình Dương u ám chẳng khác gì như « những đám mây đen”. - RFI

***
Trên đài truyền hình Mỹ CNN, ngày 31/7/2017, các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết một tàu ngầm Bắc Triều Tiên đã có nhiều hoạt động tại vùng biển quốc tế gần Nhật Bản.
Hãng Reuters, trích lời hai nhân viên bộ Quốc Phòng Mỹ : một tàu ngầm lớp Romeo của Bình Nhưỡng đã đi vào vùng biển gần Nhật Bản, cách Bắc Triều Tiên 100 km. Đây có thể là một cuộc thử nghiệm “hệ thống phóng tên lửa lạnh” của Bình Nhưỡng.

Phương pháp phóng tên lửa này lợi dụng áp suất dưới mặt biển để phóng và châm ngòi tên lửa trên không trung, thay vì châm ngòi trên bề mặt tàu ngầm, tránh gây hư hại thân tàu cũng như thiết bị trên tàu.
Hoạt động tàu ngầm này diễn ra trong bối cảnh Bắc Triều Tiên, trước đó ba ngày, đã phóng thử nghiệm tên lửa liên lục địa. Theo các chuyên gia, nếu bay theo quỹ đạo trực diện, tên lửa này hoàn toàn có thể bắn tới phần lớn lãnh thổ Mỹ, bao gồm các thành phố Los Angeles, Denver, Chicago.
Tuy vậy, theo ông Micheal Elleman, cố vấn Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (International Institute for Strategic Studies), Bình Nhưỡng vẫn gặp trục trặc về thiết bị phóng tên lửa. Khi bay vào bầu khí quyết, lớp vỏ bọc tên lửa nổ tung do không chịu được áp suất.

Nhưng ông Elleman vẫn tỏ ra quan ngại về khả năng phát triển công nghệ tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo tính toán của ông, cũng như của Lầu Năm Góc, từ nay đến cuối năm, chính quyền Kim Jong Un hoàn toàn có khả năng làm chủ được kỹ thuật bắn tên lửa tới tận lãnh thổ Mỹ. - RFI


9.
Bhutan: Trận địa khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Cũng tại châu Á, báo Le Monde chú ý đến tình hình căng thẳng tại cao nguyên Doklam, trên dãy núi Himalaya qua bài viết đề tựa « Tại Bhutan : Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau ». Đây là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Khoảng 300 binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, chỉ cách nhau vài chục mét, đang trong trạng thái cẳng thẳng, theo dõi lẫn nhau.
Ngày 28/07, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã tới Bắc Kinh và được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp để thảo luận các biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai cường quốc khu vực.
Theo giải thích của nhật báo, nhân danh hiệp định được ký năm 1890 giữa nhà Thanh - Trung Quốc và Anh Quốc, Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với cao nguyên rộng 269 km vuông ở phía tây Bhutan.

Chính quyền Bhutan thì khẳng định ngược lại rằng việc Trung Quốc thâm nhập vào lãnh thổ này là một sự vi phạm nhiều thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký kết. Theo đó, cả Trung Quốc và Bhutan tôn trọng tính trung lập của vùng lãnh thổ có tranh chấp trong khi chờ đợi giải quyết cuộc xung đột này. Trong ba thập niên qua, hai bên đã gặp nhau 24 lần.

Trong khu vực Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng tranh giành ảnh hưởng, nơi vốn được coi là sân sau của New Delhi. Sri Lanka xích lại gần Trung Quốc, cho Bắc Kinh thuê nhiều hải cảng và đón tiếp tàu ngầm Trung Quốc cách không xa bờ biển của Ấn Độ.

Dưới sức ép của Trung Quốc, chính quyền Nepal đã ngăn chặn di dân Tây Tạng. Như vậy, trong khu vực này, Bhutan là nước duy nhất không rời khỏi vùng ảnh hưởng của Ấn-Độ.

Theo nhận định của Le Monde, khi buộc Ấn Độ phải điều quân tới Bhutan, Bắc Kinh đã đẩy New Delhi vào tình thế mâu thuẫn, bất lợi. Sự hiện diện của quân đội Ấn Độ làm xấu đi hình ảnh của New Delhi, bị cáo buộc có tư tưởng bành trướng. Mặt khác, tại Bhutan, cũng có nhiều ý kiến phản đối và nhấn mạnh rằng nước này không nằm trong sự bảo hộ của Ấn Độ, và cũng không phải là chư hầu của Trung Quốc. - RFI

10.
Thế Vận Hội Paris 2024 gần như chắc chắn

Los Angeles ngày 31/07/2017 chính thức thông báo đạt được thỏa thuận với CIO để đón Thế Vận Hội năm 2028. Quyết định này như vậy đã mặc nhiên trao cho Paris quyền đăng cai Olympic 2024.

Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế không đau đầu khi phải chọn giữa « kinh đô ánh sáng » hay « thành phố của các thiên thần ».
Thỏa thuận ba bên giữa Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, Paris và Los Angeles sẽ phải được ký kết chính thức trước khi được đưa ra để thông qua lần cuối tại cuộc họp của CIO ở Lima -Peru vào ngày 13/09/2017.

Paris và Los Angeles là hai thành phố còn lại trong cuộc chạy đua giành quyền tổ chức Olympic 2024. Bốn thành phố lớn là Hamburg (Đức), Roma (Ý), Budapest (Hungary) và Boston (Mỹ) trước đó đã rút ra khỏi cuộc đua vì những lo ngại liên quan đến quy mô, chi phí và tính chất phức tạp của việc làm chủ nhà cho sự kiện này.
Los Angeles đã từng tổ chức rất thành công hai Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1932 và 1984, còn Paris thì trước đó một chút, cũng từng là chủ nhà đón hai kỳ Olympic 1900 và 1924.

Một trong những nguyên do khiến Paris kiên quyết giành quyền tổ chức Thế Vận Hội 2024 là việc thủ đô Pháp muốn nhân dịp đó kỷ niệm luôn 100 năm ngày Paris tổ chức Olympic 1924. - RFI

Tin Hoa Kỳ
11.
Thay đổi nhân sự cấp cao ở Toà Bạch Ốc

Toà Bạch Ốc nói tân Chánh Văn Phòng John Kelly sẽ “có toàn quyền” để củng cố sức mạnh, mang lại khuôn khổ và kỷ luật cho chính quyền của Tổng thống Trump. Một người phát ngôn nói tất cả các nhân viên ở Cánh Tây Toà Bạch Ốc sẽ báo cáo với ông Kelly, kể cả ái nữ của Tổng thống Ivanka Trump và chồng cô, cố vấn cấp cao Jared Kushner. Từng đứng đầu Bộ An ninh nội địa, ông Kelly là một tướng lãnh 4 sao về hưu. Cùng lúc ông Kelly được bổ nhiệm thì Giám Đốc Truyền thông Anthony Scaramucci từ nhiệm sau vỏn vẹn 10 ngày được đưa vào chức vụ này. Thông tín viên Zlatica Hoke của VOA có thêm các chi tiết sau đây.
Ông Scaramucci từ nhiệm tiếp theo sau cuộc phỏng vấn đầy những lời chửi thề thô tục với tạp chí The New Yorker, trong đó ông tấn công nhiều người, kể cả ông Reince Priebus, cựu Chánh Văn Phòng của Tổng thống Trump. Ông Scaramucci khoe rằng ông báo cáo trực tiếp lên Tổng thống, chứ không phải qua ai cả.

Tại một cuộc họp báo ngày 31/7, người phát ngôn của Toà Bạch Ốc thừa nhận ông Trump cho rằng những ngôn từ của ông Scaramucci trong cuộc phỏng vấn ấy “không thích hợp” với chức vụ mà ông nắm giữ.

Bà Sarah Huckabee Sanders nói:
“Chắc chắn Tổng thống Trump cảm thấy rằng những lời lẽ của ông Anthony là ‘không phù hợp’ đối với một người nắm chức vụ của ông, và ngoài ra, Tổng thống cũng không muốn đặt gánh nặng lên vai Tướng Kelly, phải chấp nhận thứ tự kế nhiệm kiểu đó.”

Ông Scaramucci sau đó ngỏ lời xin lỗi về những phát biểu của ông, nhưng người phát ngôn Toà Bạch Ốc nói ông sẽ không có một nhiệm vụ nào khác trong chính quyền của Tổng thống Trump.

Trước đó trong ngày, ông Trump chào mừng ông Kelly tại cuộc họp nội các của ông.

“Chúng ta ai cũng biết đến ông. Chúng ta tôn trọng ông. Và ngưỡng mộ những gì ông đã từng làm.”

Ông Kelly thay thế ông Reince Priebus, người bị bãi nhiệm sau vỏn vẹn 6 tháng trong chức vụ này.

Ông Priebus là Chánh Văn phòng phục vụ ngắn ngày nhất trong lịch sử. Giáo sư môn Khoa học Chính trị David Cohen thuộc Trường Đại học Akron, nói với VOA qua Skype:

“Khi lên làm Tổng thống, ông Donald Trump rõ rệt đã dựng nên một hệ thống trong đó quyền hành của chánh văn phòng không được rõ rệt. Trên thương trường trước đây, ông Trump quen với việc nhiều người có thể gõ cửa vào nói chuyện trực tiếp với ông, và cá nhân ông có thể nói chuyện với rất nhiều người, và khi lên cầm quyền, ông muốn điều hành Toà Bạch Ốc theo cách đó.”

Nhưng theo Giáo sư Cohen, trao đặc quyền cho nhiều người được trực tiếp vào gặp và thảo luận với Tổng thống, kể cả ông Scaramucci, đã tạo ra tình trạng hỗn loạn trong chính quyền ông Trump. Cựu tướng Kelly đã thương thuyết để được trao nhiều quyền hành hơn so với người tiền nhiệm, ông Reince Priebus. Theo truyền thống, Chánh Văn Phòng là nhân vật quyền lực thứ nhì trong Toà Bạch Ốc.
Giáo sư Cohen nói với VOA qua Skype:

“Chánh Văn Phòng trên thực tế là những người điều hành toàn thể Toà Bạch Ốc để bảo đảm mọi sự đều diễn ra theo đúng chương trình. Chánh Văn Phòng là người mướn và sa thải nhân viên. Họ là người tổ chức nhân viên, giám sát các hồ sơ và những người được vào Phòng Bầu dục để đàm đạo với Tổng thống. Họ quản lý thời giờ của Tổng thống, và do đó đóng một vai trò thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của Toà Bạch Ốc thời nay.”

Ông Trump đã hứa trao toàn quyền cho ông Kelly để điều hành nhân viên Toà Bạch Ốc, nhưng ông bác bỏ nhận định cho rằng chính quyền của ông đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. - VOA

12.
TNS McCain chỉ trích ông Trump về Afghanistan

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain hiện ở tiểu bang quê nhà Arizona, bắt đầu điều trị ung thư não.
Trước khi rời Washington, ông McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, chỉ trích chính quyền ông Trump là ‘không có chiến lược nào để đạt được thành công ở Afghanistan sau sáu tháng nắm quyền’.

Ông McCain nói khi Thượng viện thảo luận Đạo luật trao thẩm quyền Quốc phòng vào tháng 9, ông sẽ đề nghị một tu chính án dựa trên lời tư vấn của một số nhà lãnh đạo quân sự giỏi nhất nước Mỹ, để đưa ra một chiến lược đi đến thành công trong việc phục vụ các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ tại Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã hứa sẽ trình lên Quốc hội một chiến lược vào giữa tháng 7.

Hoa Kỳ đã chiến đấu chống quân Taliban ở Afghanistan từ năm 2001. - VOA


13.
TT Trump trao Huân chương Danh dự cho cựu chiến binh Việt Nam
Ông Jim McCloughan, một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, hôm thứ Hai 31/7 được trao Huân chương Danh dự, còn gọi là Danh dự Bội tinh, vì những hành động anh dũng trong trận Tam Kỳ- Núi Quế năm 1969. Ông là người đầu tiên nhận Huân chương Danh dự từ tay Tổng thống Donald Trump.

Núi Quế nay thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là một địa danh được các binh sĩ Mỹ gọi là Nui Yon Hill. Thông tín viên VOA tại Ngũ Giác đài, Carla Babb nói anh hùng chiến tranh McCloughan đã cứu mạng 10 binh sĩ trong cuộc chiến kéo dài ba ngày tại núi Quế.

Sự kiện đã giúp mang về cho McCloughan huy chương quân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ diễn ra cách nay gần 5 thập kỷ, trong một sự cố mà Jim McCloughan, một người lính cứu thương phục vụ Quân đội Hoa Kỳ, miêu tả là “ba ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời binh nghiệp” của ông.
Lúc đó là tháng 5/1969 khi cuộc chiến Việt Nam đang tới hồi khốc liệt. McCloughan tuy bị thương nhiều lần, nhưng nhất mực không rời khỏi chiến trường để tiếp tục nhiệm vụ cứu thương cho đồng đội.

Ông McCloughan kể lại:
“Tôi nhìn xuống và thấy máu chảy khắp người, tôi nói tôi không đi đâu cả. Vì các anh sẽ cần đến tôi.”

Trong trận chiến đó, lính cứu thương McCloughan là một trong 89 binh sĩ Mỹ phải đối đầu với gần 2,000 chiến binh địch.

Cựu chiến binh Joe Middendorf nói:

“Thành thực mà nói, tôi không hiểu bằng cách nào mà chúng tôi không bị hoàn toàn tiêu diệt. Lực lượng địch đông không kể xiết, họ có mặt ở khắp mọi nơi.”

Lúc ấy Thượng sĩ Middendorf là người nổ súng để mở đường cho lính cứu thương McCloughan, người được đồng đội gọi là "Doc" chạy, để anh có thể lao ra giữa các làn đạn và đưa đồng đội bị thương về địa điểm an toàn.
Joe Middendorf nói:

“Không thể tin được khi chứng kiến cảnh Doc lao ra giữa lằn đạn như thế. Các ông biết đấy, không phải là ai cũng có thể làm được chuyện đó.”

Ông Bill Arnold là một trong 10 binh sĩ Mỹ được ông McCloughan cứu sống.
Sau khi bất ngờ rớt ra khỏi chiếc máy bay trực thăng, Arnold bị sốc mạnh và không thể nhúc nhích, anh nhìn lên và trông thấy điều mà anh không hề trông đợi.

Arnold kể:
“Có ai dám lao ra giữa các làn đạn như thế không chứ? Chỉ có Doc. Anh ấy chạy tới cứu tôi.”
Trong giờ phút nguy kịch đó, một chiếc trực thăng được phái đến để giải cứu các binh sĩ, không thể hạ cánh.

Cựu chiến binh Mike Martino kể:
“Khi máy bay trực thăng bay trở ra, tất cả mọi hy vọng đều tan biến mất. Mọi thứ như chìm im lặng.”
Thiếu đạn dược, không còn lương thực, không còn nước uống, khi ấy McCloughan nghĩ dến gia đình và cầu nguyện.

"Lạy Chúa, nếu ngài đưa tôi ra khỏi địa ngục trên trái đất này để tôi có thể nói với bố ‘con yêu bố’, và ôm lấy bố, tôi nguyện sẽ là một người cha tốt nhất, một huấn luyện viên giỏi nhất và là một người thầy tận tụy nhất.”
McCloughan và nhiều đồng đội đã sống sót ngày hôm ấy. Ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ bỏ dở trong Chiến tranh Việt Nam – là dạy học và huấn luyện thể thao trong nhiều năm.
Bây giờ, ông được ghi thêm tước hiệu "Anh hùng nước Mỹ "vào danh sách những thành tựu của mình. - VOA

14.
TT Trump: Sẽ không ngưng tweeting

Dù đã có rất nhiều lời khuyên về “vạ Twitter” trong thời đại này còn nguy hiểm hơn “vạ miệng”, Tổng Thống Donald Trump sáng sớm Thứ Ba khẳng định rằng ông sẽ không ngưng việc tweeting.
Qua Twitter, ông Trump cho hay: “Chỉ có bọn truyền thông giả tạo và kẻ thù của Trump muốn tôi ngưng việc dùng mạng xã hội (110 triệu người). Đây là cách duy nhất để tôi đưa sự thật đến mọi người!”

Bản tweet được gửi ra một ngày sau khi tướng Thủy Quân Lục Chiến hồi hưu John Kelly được bổ nhiệm là tân chánh văn phòng của ông Trump. Hôm Thứ Hai ông Trump gửi tweet “không hề có hỗn loạn trong Tòa Bạch Ốc!”

Ông Kelly được giao nhiệm vụ tái lập trật tự trong khu vực gọi là “Cánh Tây-West Wing” của Tòa Bạch Ốc, nơi đặt Văn Phòng Bầu Dục của Tổng Thống cũng như văn phòng của các phụ tá thân cận.
Trong hành động đầu tiên nhằm xác định thẩm quyền, ông Kelly hôm Thứ Hai buộc tân giám đốc thông tin Tòa Bạch Ốc Anthony Scaramucci phải ra đi và thay đổi hệ thống làm việc để tất cả các cố vấn cao cấp, kể cả con gái và con rể của ông Trump, đều phải thông qua ông.

Nhân vật đứng hàng thứ nhì của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Dick Durbin, tiểu bang Illinois, nói rằng ônng Kelly nay ở vị trí có thể ổn định được Tòa Bạch Ốc và đây là một điều tốt cho đất nước.
Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa, South Carolina) cũng có lời khen ngợi ông Kelly, nói rằng “Lính Thủy Quân Lục Chiến có thể thi hành hầu như mọi nhiệm vụ. Họ nay đổ bộ vào Tòa Bạch Ốc và mở được một đầu cầu.”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông James Mattis, cũng là một cựu đại tướng TQLC. - nguoiviet
|
15.
Cảnh sát Mỹ không nghe lời TT Trump xúi ‘mạnh tay hơn’

Sau khi Tổng Thống Donald Trump đưa ra lời phát biểu hôm Thứ Sáu, trong đó có vẻ khuyến khích cảnh sát hãy mạnh tay hơn đối với những người bị họ tống giam, lập tức, nhiều cơ quan cảnh sát trên khắp Hoa Kỳ tự tách biệt giữa họ với những gì tổng thống nói.
Ðài ABC News trích phát biểu của ông Trump nói trước các cảnh sát tại Brentwood, New York, trong đó có đoạn ông nói: “Khi quí vị thấy những người phạm luật bị quăng vào sau xe, tôi muốn nói là: ‘Làm ơn chớ nên quá lịch sự với chúng nó.’”

Ngay sau buổi nói chuyện của ông Trump, Sở Cảnh Sát Suffolk County (SCPD), mà khu vực trách nhiệm của họ thuộc nơi ông Trump vừa nói chuyện, lập tức đưa ra lời phản hồi qua trang mạng twitter, trong đó nói: “SCPD có chủ trương và qui định khắt khe liên quan đến việc quản lý tù nhân. Vi phạm những qui định này sẽ bị xử phạt hết sức nặng.”
Một tweet khác viết thêm: “Là một cơ quan công lực, chúng tôi không hề và sẽ không dung tha việc quá nặng tay đối với tù nhân.”

Theo chân SCPD là những đồng nhiệm của họ trên khắp Hoa Kỳ. Những cơ quan này dùng mạng xã hội để bày tỏ sự bất mãn của họ đối với phát biểu của ông Trump, đồng thời nhắc lại chủ trương của họ trong việc quản lý người bị họ giam.
Tweet của Gainesville Police Department (GPD) viết: “Tổng thống đưa ra lời phát biểu hôm nay, trong đó khuyến khích cảnh sát hãy tàn bạo hơn. Nhưng GPD bác bỏ điều ấy và vẫn tiếp tục phục vụ người dân bằng sự kính trọng họ.”

Các cơ quan hoặc giới chức cảnh sát khác cũng có tiếng nói tương tự gồm Boston Police Department, Cảnh Sát Trưởng Richard Ross của Philadelphia, Cảnh Sát Trưởng Kathleen O’Toole của Seattle, Cảnh Sát Trưởng Michael Harrison của New Orleans, Cảnh Sát Trưởng Art Acevedo của Houston, New York Police Department, Cảnh Sát Trưởng Charlie Beck của Los Angeles, và Los Angeles County Sheriff’s Office. - nguoiviet

Tin Việt Nam
16.
Ông Đinh Thế Huynh 'điều trị bệnh'

Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đang "điều trị bệnh" và loan báo ông Trần Quốc Vượng tạm thời tham gia Thường trực Ban Bí thư.
Ông Đinh Thế Huynh giữ chức Thường trực Ban Bí thư, là nhân vật số 5 trong hàng ngũ Đảng.
Ông Trần Quốc Vượng hiện là ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Loan báo ngày 1/8 cho biết ông Trần Quốc Vượng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/8/2017.
Như vậy, ông Vượng tạm thời đảm đương cả hai chức vụ quan trọng của Đảng.
Hôm 26/7, trên Facebook, cây bút Huy Đức là người đầu tiên đưa tin về sức khỏe ông Đinh Thế Huynh.

Cây bút nổi tiếng cho biết từ tháng 5/2017, ông Huynh "chưa một lần xuất hiện trước công chúng cũng như trước các hoạt động của Đảng".
Tin do cây bút Huy Đức đưa ra đã chứng tỏ chính xác, vì thông cáo của Đảng cho biết phiên họp ngày 28/7 của Bộ Chính trị đã quyết định giao nhiệm vụ mới cho ông Trần Quốc Vượng.
Ông Trần Quốc Vượng 64 tuổi, đã là ủy viên trung ương ba khóa liên tục, và được bầu vào Bộ Chính trị từ khóa 12. - BBC

17.
Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) vừa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng là ông Phan Huy Khang, nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank.

Trước đó, hồi giữa tháng 7, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank "sai phạm nghiêm trọng". Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước thì hành vi này không gây thiệt hại cho Sacombank nên đề nghị không xử lý ông Bê và các cá nhân về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bình luận với BBC về ông Trầm Bê bị bắt tạm giam, kinh tế gia Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học kinh tế Quốc dân, phỏng đoán vụ án này "có liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao" và "khi quyền lực của giới chóp bu có sự thay đổi thì họ đưa những nhân vật có sai phạm nghiêm trọng ra xử lý".

"Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong những vụ sáp nhập ngân hàng, làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như các cổ đông của những ngân hàng liên quan," PGS TS Phạm Thế Anh nói.
Thông cáo của Bộ Công an nói ngày 31/7, bộ này đã khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong đó, 16 bị can cũng bị bắt tạm giam, gồm cả ông Trầm Bê và Phan Huy Khang.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH (Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo báo Thanh Niên, ông Trầm Bê đã gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho sáu công ty do ông Phạm Công Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Tháng 4/2013, ông Danh và Phan Thành Mai, ông Mai Hữu Khương, ông Nguyễn Quốc Viễn đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp Phan Huy Khang triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền.
Cũng theo báo Thanh Niên, để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank.

Ngày 26.4.2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27.4.2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
Nhận xét về vai trò và uy tín của Ngân hàng Nhà nước trong những vụ sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam, kinh tế gia Phạm Thế Anh nói với BBC:

"Uy tín của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam trong việc xử lý tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua rõ ràng là không cao, thể hiện qua các vụ sáp nhập, thâu tóm các ngân hàng với nhau. Sau những vụ sáp nhập đó có những thiệt hại rất lớn đối với hệ thống ngân hàng, đối với nền kinh tế."

Ông Phạm Thế Anh cho biết theo quan điểm cá nhân của ông, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn trong những vụ sáp nhập ngân hàng chẳng hạn như của Southern Bank và Sacombank.

"Họ đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng cũng như các cổ đông có liên quan đến những ngân hàng này."

"Theo tôi, nếu xử lý riết ráo, ngoài những cá nhân mắc sai phạm này, còn phải xử lý những lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình trong những vụ bê bối trong các ngân hàng trong thời gian vừa qua", TS Phạm Thế Anh bình luận.

Khi được hỏi liệu sắp tới có biến đổi gì trong thể chế quản lý ngân hàng ở Việt Nam sau những vụ án lớn như thế này, TS Phạm Thế Anh nói rất khó mà đoán được vì "nó có liên quan đến các vấn đề chính trị phức tạp chứ không thuần túy là các vấn đề kinh tế".

Con đường thâm nhập vào giới ngân hàng của ông Trầm Bê

* Năm 1991, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dưng Bình Chánh

* Năm 2002, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh

* Năm 2004, ông Trầm Bê giữ chức phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank).

* Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa rút khỏi ban lãnh đạo của Southernbank để tham gia vào HĐQT của Sacombank.

* Ngày 1-10-2015, Southernbank và Sacombank hoàn thành các thủ tục sáp nhập. Ông Trầm Bê cũng xin thôi chức PCT Thường trực HĐQT Sacombank.

* Ngày 24-2-2017, Ngân hàng Nhà nước chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và con trai ông, ông Trầm Khải Hòa, tại Sacombank. - BBC

18.
Biển Đông: Việt Nam lùi bước trước Trung Quốc vì Mỹ thờ ơ? --- Việt Nam: Trung Quốc không được chiếu phim trên đảo Phú Lâm

Từ hai tuần lễ nay, thời sự Biển Đông sôi động trước một thông tin chưa được bên nào xác nhận chính thức : Việt Nam đã cho tập đoàn Tây Ban Nha Repsol khoan dò dầu khí tại lô 136-06, nằm ở ven vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, một lô mà Trung Quốc cũng cho là của họ, đặt tên là Vạn An Bắc và giao quyền khai thác cho một hãng dầu khí khác tại Hồng Kông. Bắc Kinh đã gây sức ép, dọa tấn công vào các vị trí của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Thế là Hà Nội đã lùi bước, ra lệnh cho Repsol rời khỏi khu vực.
Trong một bài viết mang tựa « Tuần lễ Donald Trump để mất Biển Đông - The Week Donald Trump Lost the South China Sea », đăng trên trang blog của tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 31/07/2017, nhà báo kiêm nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông Bill Hayton, một trong những người đầu tiên tiết lộ các thông tin kể trên, đã lược lại diễn biến của sự kiện mà ông gọi là Việt Nam « khuất phục » trước Trung Quốc và cho rằng sở dĩ Hà Nội làm như vậy là vì không thấy Mỹ có động tĩnh gì trước hành vi đe dọa dùng võ lực của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Về diễn biến của vụ việc, nhà báo Bill Hayton ghi nhận trước tiên thái độ bạo dạn lúc ban đầu của Việt Nam khi bật đèn xanh cho hãng Talisman Vietnam, công ty con của tập đoàn Repsol, đưa tàu khoan dò Deepsea Metro 1 đến khu vực lô 136-06 để bắt đầu khoan vào khoảng trung tuần tháng 6/2017. Việt Nam dư biết là Trung Quốc có thể sẽ tìm cách ngăn chặn, vì thế đã cho tàu Cảnh Sát Biển cũng như tàu có hình thức là dân sự đến bảo vệ tàu khoan của hãng Talisman.

Mũi khoan thử đầu tiên đã phát hiện một trữ lượng rất đáng kể chủ yếu là khí đốt, với một ít dầu hỏa và hãng Talisman hy vọng sẽ khoan tới độ sâu của giếng này vào cuối tháng 7/2017.

Thế nhưng Trung Quốc đã nhảy vào cản trở, trước hết là trên bình diện ngoại giao. phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc tướng Phạm Trường Long đã đến Hà Nội ngày 18/06/2017 và đòi Việt Nam dừng ngay việc khoan dò. Bị Việt Nam từ chối, nhân vật này cắt ngắn chuyến thăm, hủy bỏ một chương trình giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước.

Sức ép của Bắc Kinh trên Hà Nội càng lúc càng tăng và từ ngoại giao đã chuyển sang quân sự. Theo nhà báo Bill Hayton, một số nguồn tin từ Hà Nội cho biết là đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu mời lên để đe dọa một cách thẳng thừng rằng : Nếu Việt Nam không chấm dứt khoan dầu khí và hứa không bao giờ thăm dò trên vùng biển đó nữa, thì Trung Quốc sẽ có hành động quân sự nhắm vào các cơ sở của Việt Nam trên Biển Đông.

Cũng theo Bill Hayton, thông tin nói trên đã được một số nguồn tin khác xác nhận với chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc.

Theo nhà báo Bill Hayton, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn cách đối phó. Theo nguồn tin mà tập đoàn Repsol có được thì trong Bộ Chính Trị, đa số các ủy viên chủ trương tiếp tục khoan dò, cho rằng Trung Quốc chỉ dọa suông mà thôi, nhưng lại có hai phiếu chống mang tính quyết định của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch. Sau hai cuộc họp căng thẳng giữa tháng 7/2017 : Việt Nam khuất phục trước Trung Quốc và chấm dứt khoan dò.

Lập luận chiếm ưu thế là Việt Nam không thể dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền Trump trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Bill Hayton : « Hà Nội thường trông chờ hậu thuẫn ngầm của Washington để chống lại những đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, chính quyền Trump cho thấy là họ không hiểu hoặc là không quan tâm đúng mức đến lợi ích của các nước bạn hay các đối tác tiềm năng ở Đông Nam Á để đứng ra bảo vệ đối tác trước sự hung hăng của Bắc Kinh ». Vào lúc Việt Nam bị Trung Quốc hù dọa thẳng thừng, thì chính quyền Trump lại ngập đầu trong các tranh cãi về gián điệp Nga và dự luật cải tổ y tế.

Bài báo kết luận bi quan : « Repsol hiện đang dùng xi măng bít giếng khoan thử nghiệm và chuẩn bị rời đi. Các thông tin từ khu vực cho biết một chiếc tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc, chiếc Hải Dương Thạch Du HYSY760, được một đội tàu nhỏ bảo vệ, đang trên đường đến nơi để tự mình khoan dò. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS đã bị Trung Quốc xé bỏ, và trật tự dựa trên luật pháp bị giảm thiểu… Giá mà Hà Nội nghĩ là sẽ được Washington chống lưng thì có thể Trung Quốc sẽ phải chùn bước - và như vậy uy tín của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ tăng cao. Đằng này thì Trump đã để cho khu vực trôi về phía Bắc Kinh.” - RFI

***
Bộ Ngoại giao Việt Nam Phản đối Trung Quốc xây rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp.

Phản đối của Việt Nam đưa ra sau khi cách đây hơn một tuần Trung Quốc khai trương rạp Ngân Long Tam Sa hiện đại trên đảo Phú Lâm, thuộc thành phố Tam Sa, thành phố mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Truyền thông báo chí Việt Nam hôm 1/8 trích tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn các hành động tương tự”.

Theo báo Dân Việt, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm, Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói:

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế và không thể làm thay đổi được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.”
Tin nói 200 cư dân và binh sĩ đã xem một bộ phim Trung Quốc tại rạp Ngân Long Tam Sa trong ngày khai trương hôm 22/7. Không có thông tin về bộ phim được trình chiếu trong ngày khai trương là phim gì -- nói về chiến tranh, tuyên truyền hay giải trí?

Phú Lâm, hiện do Trung Quốc kiểm soát và gọi đó là Vĩnh Hưng đảo, là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa đang trong vòng tranh chấp với Việt Nam.
Trung Quốc cũng đã xây các đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự, đường băng, để tăng cường kiểm soát khu vực.
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền chống chéo nhau và đối nghịch với Trung Quốc trên Biển Đông. - VOA
|
|

19.
Tổ tư vấn kinh tế “góp phần hạn chế ảnh hưởng của nhóm lợi ích”

Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa được thành lập sẽ đưa ra một kênh ý kiến độc lập, không bị các nhóm lợi ích chi phối, một nhà quan sát chính trị-kinh tế trong nước nói với VOA.

Tổ tư vấn kinh tế gồm 15 thành viên được Thủ tướng Phúc tái lập hôm 28/7 sau một thời gian dài bị giải thể dưới chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhiệm vụ của tổ tư vấn kinh tế là tư vấn cho Thủ tướng về chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Tổ tư vấn cũng sẽ khuyến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và ứng phó với các biến động của kinh tế trong nước và thế giới, theo báo chí trong nước.

Một ngày sau khi được thành lập, tổ tư vấn kinh tế đã có phiên họp đầu tiên với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7. Các thành viên tổ tư vấn được cho là đã khuyến nghị ông Phúc có những biện pháp chuyển đổi mô hình kinh tế, cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện năng suất lao động, theo tường thuật của tờ VnExpress.

Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên của tổ tư vấn kinh tế dưới thời của các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói động thái tái lập tổ tư vấn của ông Phúc là “điều đáng mừng” vì nó cho thấy ông Phúc “coi trọng ý kiến của các chuyên gia”.

Theo ông Doanh, một trong những tác động tích cực của động thái này là đưa ra tiếng nói không bị các nhóm lợi ích chi phối.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:
“Tình hình kinh tế bây giờ diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia có kiến thức rộng, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, không bị ảnh hưởng của các nhóm lợi ích vốn làm bóp méo các quyết định đúng đắn.”
Ông Doanh nói mặc dù quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Thủ tướng nhưng ít nhất tổ tư vấn kinh tế sẽ “đưa ra ý kiến độc lập, khách quan, có căn cứ thực tiễn và khoa học.”

Nhận định về thành phần của tổ tư vấn kinh tế này, ông Doanh cho rằng:

“Việc tổ tư vấn có các nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài là một dấu hiệu tích cực. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa mà các nước liên kết với nhau chặt chẽ. Ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có hiểu biết về điều kiện kinh tế thế giới sẽ giúp cho các quyết định của Việt Nam phù hợp với diễn biến của thế giới.”
Về kinh nghiệm tham gia vào tổ tư vấn kinh tế dưới thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ông Doanh cho biết:

“Tôi đã tham gia tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1993 và tham gia trực tiếp vào tổ tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tôi đánh giá rất cao tinh thần lắng nghe và tham khảo ý kiến rất cầu thị, nghiêm túc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Đặc biệt Thủ tướng Phan Văn Khải đã sử dụng tổ tư vấn rất chặt chẽ. Thủ tướng (Khải) còn đòi hỏi ban nghiên cứu có ý kiến xem xét các văn bản quan trọng. Trong nhiều trường hợp chúng tôi không đồng ý với các tờ trình thì Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi xem xét đã trả lại tờ trình và không ký. Người ta thường nói thời kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải thì các văn bản được ký ít có sai lầm.”

Ông Doanh đã từ chối bình luận khi được hỏi lý do tại sao cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thể Ban nghiên cứu của ông Khải chỉ một ngày sau khi nhậm chức hồi năm 2016.

Về khuyến nghị về các chính sách kinh tế cho Chính phủ, ông Doanh nói ông đồng ý với các ý kiến của tổ tư vấn trong phiên họp vừa rồi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông nói thêm:

“Cần tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế từ chỗ dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đầu tư vào khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thể chế, tăng cường tính minh bạch, có trách nhiệm giải trình.”
Tổ tư vấn kinh tế bao gồm 15 thành viên, trong đó có các nhà nghiên cứu, giảng dạy hiện đang làm việc tại các Đại học của Mỹ, Pháp, Nhật và Singapore cùng các chuyên gia kinh tế trong nước. Tổ tư vấn do ông Vũ Viết Ngoạn, cựu chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đứng đầu. - VOA

20.
Việt Nam: Thùng bia của thế giới

Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy « Các hãng bia lớn đang dòm ngó Việt Nam ». Hai hãng bia lớn của nhà nước rao bán cổ phần, một chiến dịch khơi dậy sự thèm muốn của nhiều hãng lớn trong lĩnh vực sản xuất bia rượu.
Trong năm 2016, gần 3,6 triệu lít bia đã được tiêu thụ tại Việt Nam. Theo ước tính, mức tiêu thụ này có thể đạt đến 4,7 triệu lít vào năm 2021. Một mức tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á nhờ một « nền văn hóa ẩm thực đường phố và hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng ».

Nếu đi sâu vào chi tiết, mức tiêu thụ bia tính trên đầu người tại Việt Nam là rất cao 42l/năm, so với mức 17l trên toàn châu Á và 30 lít tại Pháp.

Do đó, việc Saigon Beer Alcohol Beverage Corp. (Sabeco) chuyên sản xuất các hiệu bia Saigon và 333, và Hanoi Beer – Alcohol & Beverage (Habeco) cho thương hiệu bia Hanoi là hai hãng bia nhà nước lớn nhất, chiếm giữ đến 57% thị phần của cả nước, rao bán cổ phần đã thu hút sự quan tâm của nhiều hãng bia lớn : AB InBev, Asahi hay như Heineken, vốn dĩ đã chiếm đến 23% thị phần bia tại Việt Nam. - RFI

21.
Hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN tại Hà Nội

Hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN 2017 diễn ra tại Hà Nội từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 tháng 8 với sự tham gia của 80 sinh viên và giảng viên từ 10 quốc gia Đông Nam Á.
Thông cáo báo chí từ chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)  ngày 1/8 cho biết những người được chọn tham gia hội thảo là những nhân vật có thành tích học tập, làm việc xuất sắc và quan tâm đến việc phát triển kinh tế của cộng đồng, quốc gia và khu vực.

Hội thảo sẽ bao gồm các phiên thảo luận, thử thách nghiên cứu và thăm quan thực tiễn nhằm tạo động lực và củng cố năng lực của giới trẻ để đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững của cộng đồng và khu vực.
Trong buổi lễ khai mạc hôm 1/8, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Ted Osius nói với những người được chọn tham dự rằng họ chính là những người lập nên những chính sách cho đất nước và sẽ lèo lái nền kinh tế để xây dựng một xã hội thịnh vượng hơn.

Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) được Tổng thống Obama thành lập năm 2013 nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và kết nối trong ASEAN, giúp các bạn trẻ gắn kết và có năng lực hơn.

Năm ngoái, khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Việt Nam và gặp gỡ các thành viên của YSEALI, một thành viên của chương trình này, cũng là một nhà tranh đấu dân chủ nhân quyền, anh Trần Hoàng Phúc đã bị chặn gặp ông. Ngày 3/7 vừa qua anh Phúc đã bị công an Hà Nội bắt giam với cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự - Tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. - RFA

22.
Hoa Kỳ tăng thuế chống phá giá lên tôm nhập từ Việt Nam

Thông tin từ Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra từ cuối tuần qua cho biết tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 1,42% thay vì 1,16% như trước đây.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Thủy sản Thuận Phước, có tôm xuất khẩu sang Mỹ nói rằng việc tăng thuế này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói sở dĩ Bộ thương mại Mỹ tăng thuế vì họ bị các nhà đánh bắt và nuôi tôm ở Mỹ khiếu nại lên Tòa Thương mại Mỹ rằng tòa này đã dùng mức lương ở Bangladesh quá thấp để so sánh tương đồng với Việt Nam là không phù hợp. Quyết định mới của tòa án dựa trên mức lương ở Ấn Độ, cao hơn, làm qui chiếu so sánh với Việt Nam.

Vì Việt Nam hiện chưa được Mỹ công nhận là nước có cơ chế thị trường, cho nên để tính toán xem các công ty Việt Nam có phá giá hay không thì Mỹ sẽ dùng một quốc gia thứ ba có mức sống tương đồng để làm cơ sở tính toán.
Việt Nam cũng có quyền kiện lên tòa án Mỹ về quyết định vừa nêu của Bộ Thương mại Mỹ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo là năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài trị giá 8 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng VASEP nêu rõ mức xuất khẩu 8 tỉ đô la Mỹ là không mới, mà Việt Nam đã đạt được mức này lần đầu tiên vào năm 2014, nhưng sau đó bị sụt giảm.
VASEP nói rằng dù thị trường Mỹ đang gặp khó khăn ở mặt hàng cá tra, do những trở ngại bảo hộ mậu dịch của Mỹ, nhưng đã bù lại được bằng thị trường Trung Quốc. 

Ngoài ra sự tăng trưởng mạnh của các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng góp phần làm cho Việt Nam tăng trưởng mạnh ngành xuất khẩu thủy sản.
Một yếu tố quan trọng được VASEP đưa ra nữa là các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được thêm vào nhiều giá trị gia tăng, tức là chế biến và đóng gói hoàn hảo hơn, điều này làm cho sản phẩm của Việt Nam được lên giá. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét