Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

“BÀN LOẠN” CHUYỆN KINH KHA - Lê thị HoàiNiệm


Kinh Kha hành thích hụt Tần Thuỷ Hoàng           
            Thời buổi bây giờ chung quanh ta sao có lắm chuyện nguy hiểm, chiến tranh giặc giã liên miên, khủng bố, giết chóc tràn lan, gần thì ở bên Cali mới đây, còn xa thì ở tận thủ đô nước Pháp, Somali, Pakistance, Brussels (Belgium) v..v và vv. Với kỹ thuật thông tin tiến bộ ngày nay, chỉ cần ngồi một chỗ là có thể nhìn thấy hết, biết khắp bốn bể năm châu, chỗ nào đạn lạc bom rơi, nhà cháy người chết chỏng gọng, người bị thương rên la kêu khóc. Rồi bão tố, sóng thần, tornado, lụt lội khắp nơi, những “thằng chỏng” cứ nổi lềnh bềnh, người không có chỗ ở, thiếu cả cái ăn. Bom thả xuống, người nào chết thì chết, kẻ còn sống dắt nhau chạy loạn hàng đoàn người đông như kiến, không biết rồi tương lai sẽ đi về đâu? Rồi hạn hán khô rốc khô ráy để cành khô cây héo cháy rừng liên miên, nhiều "cơ ngơi" đẹp như mơ trong phút chốc biến thành bình địa. <!>
           Ăn cướp ăn trộm ở đây cứ nhè mấy cái máy ATM có nhiều tiền đút "đít xe" vào khiêng trước, rồi vô nhà ăn cướp ăn trộm sau, dù có máy quay phim chiếu sờ sờ ra đó nhưng cảnh sát chẳng chộp được tên nào vì mặt mày cứ bịt kín như Ninja trong phim ảnh hành động, hay mấy người “Hồi giáo” dã man giết người không chịu để lại cái đầu cho người ta…ăn cúng giỗ. Rồi cảnh nam thanh nữ tú vô ngồi trong rạp chiếu phim, ăn bắp rang, uống nước ngọt tìm chút thanh thản cho tấm thân cực khổ làm việc trong suốt tuần, đang lúc nhìn lên màn ảnh thấy Romio và Juliet đang…hôn nhau mùi mẫn, đang diễn tả tình thương mến thương cao độ bỗng nghe tiếng nổ bùm, cổ lạnh ngắt rồi từ từ đi thẳng mà không biết ông cố nội nào kêu đi (dĩ nhiên Chúa không có gọi bất tử và vô duyên như vậy).
          Xem TV mãi rồi cũng mệt óc, nên những giờ rỗi rảnh phải đi tìm nhạc mà nghe để cho tâm hồn thanh thản. Nhạc Mỹ, nhạc Tây nghe hoài cũng…chán, thôi thì trở về mở nhạc Việt để nghe tiếp. Nhưng loại nhạc mới bây giờ, những người cao tuổi như tôi chẳng thể nào nghe nổi hết một bài, vì đa số có lời ca thì…vô duyên, trơ trẽn, trần trụi, ca sĩ thì chỉ có..hét và uốn éo thân người, nhiều lúc “dở quá nên phải hở”…, còn một loại nữa thì…rên rỉ, than vãn nghe sao mà ớn lạnh. Cuối cùng đi tìm nhạc cũ mà nghe, nhạc tiền chiến, nhạc tình, nhạc thời trang, nhạc lính, nhạc nào cũng nghe được hết, không có lựa chọn “sến-sang”, vì có nhiều ca sĩ trẻ bây giờ cũng hát lại nhiều bài ca thuộc loại “mùi” thời trước 75, và nhiều người “nổi tiếng” cũng nhờ những bài nhạc tình hồi năm nẳm đó.
            Cũng bởi tôi nghe ca sĩ hát bài “Thương về Quán trọ” của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo viết vào những năm trước 75, lời ca trong bài hát diễn tả tình cảm hai người bạn thân nhau thắm thiết bèn viết thư gửi cho nhau khi người kia lên đường “tòng quân nhập ngũ”. Nhưng bài hát đang...tỉ tê tâm sự mùi mẫn, tình thương mến thương dào dạt, bỗng ông nhạc sĩ đâm ngang:.... “Lúc này nơi quán trọ buồn vui có gì không? Biên thư kể chuyện  nhé, đời Lính oai hùng đó nhưng cũng nhiều gian lao, anh biết rồi tại sao(?). Đừng hẹn tôi ngày về, Vì đường xa thiên lý, đời trai như chiến sĩ Kinh Kha một lần đi, Bạn anh vì nước vì anh rỉ máu thắm da vàng người Việt Nam!” mà lấy làm thắc mắc, vì từ trước đến nay thỉnh thoảng tôi vẫn nghe người ta nhắc tên ông Tàu này,nên phải đi tìm hiểu…
          Không phải tôi là người “chống Tàu cộng” nên bất cứ chuyện gì cũng chống ráo. Nhưng tôi không hiểu tại sao chuyện ông Kinh Kha bên Tàu lại…thâm nhập kỹ vào từng câu chữ trong sách vở, lối suy nghĩ, so sánh ngay cả hành động của không ít người VN có chữ nghĩa một thời vậy nhỉ?. Trong bài hát viết cho người Lính VNCH anh hùng, những “hậu duệ” nối gót tiền nhân chống quân Tàu  ngót cả ngàn năm trước mãi đến sau này, như vua Quang trung đại phá quân Thanh, ngay cả trong những năm TT Ngô Đình Diệm chấp chánh cũng còn “không muốn thấy” những hình ảnh, tên tuổi người Tàu “thống trị” trên quê hương ta nhiều quá, nên những trường Tàu bắt phải đổi tên Việt (?), người Tàu phải vào công dân Việt, có quốc tịch Việt Nam, vậy thì lý do gì ông Tàu Kinh Kha lại chen vào bài hát cho Lính nhỉ?, và ông Kinh Kha là ai vậy?

        Cố gắng tìm câu trả lời thì được biết Kinh Kha chỉ là MỘT NHÂN VẬT THỜI CHIẾN QUỐC bên Tàuvà tôi đã đi tìm xem phim “Kinh Kha” do tài tử Tàu Hồng kông đóng (Tàu thật chứ không phải Tàu Hồng Kông bên hông Chợ Lớn), nhưng hoàn toàn được chuyển âm ra tiếng Việt nam, ở đó chỉ thấy một ông tài tử Tàu suốt ngày mặc quần áo dơ bẩn, uống rượu như hũ chìm, nhiều khi phải đi “ăn xin”. Buồn vì gia cảnh đã bị “nhà tan, cửa nát”, có cô bạn gái cũng không giữ được dưới tay bọn thổ phỉ, sơn tặc. Một con người “hèn yếu, nhu nhược”, suýt chút nữa rút kiếm tự tử nếu không nhờ người bạn tên Kỳ ngăn cản. Và chuyện đời lan man về sau đưa đẩy bị “dụ khị” đi làm “thích khách”. Trong phim chỉ có ông tướng Phàm gì đó là có dũng khí nhất. Và tôi cũng tìm tòi đọc các sách báo viết về Kinh kha, đa số người Việt viết chuyện đều khen Kinh Kha có can đảm vượt qua sông Dịch vào nước Tần để ám sát vua Tần là Tần Thủy Hoàng, cho dầu…thất bại bị..chết chém. Họ khen Kinh Kha là một “dũng sĩ” một đi không trở lại.
             (Nên về sau này hễ người nào làm việc gì hơi…không bình thường, bất chấp có đạt được thành quả tốt hay không? mà nhiều khi bị những người tử tế cho là…làm việc khùng điên, tự nhiên đem thân đút đầu vào chỗ chết mà thiếu đầu óc suy nghĩ, chỉ vì cái “danh dỏm”, có khi còn…làm phiền người khác, thì họ bèn so sánh người đó mí ông Kinh Kha, coi mòi “Rất Đúng!”)
         Nhưng tôi “tâm đắc” nhất là bài viết của nhà văn VŨ BẰNG, tiếc rằng bài viết quá dài nên xin phép trích ngang một vài đoạn chính trong đó.
        
         VŨ BẰNG (Trung Bắc chủ nhật, Hà nội, s.178 -10/10/1943.Lai nguyên Ân, ST)
        Kinh Kha không phải là người nước Yên. Kha là dòng dõi quan đại phu nước Tề tên là Khánh Phong. Khánh Phong chạy sang nước Ngô, ở đất Chu Phương. Sở đánh giết Khánh Phong. Họ hàng lại chạy sang Vệ, đem kiếm thuật bảo vệ Nguyên quân. Nguyên quân không dùng, Kha bỏ sang Yên, đổi họ Kinh.
        Trước sau, sách không hề chép rằng Kinh Kha có ý muốn trả thù cho tổ phụ. Chỉ hay nói rằng tính Kha ham rượu; yêu mến một người Yên là Cao Tiệm Ly. Rượu say, Tiệm Ly khéo đánh cái trúc, Kinh Kha theo dịp hát theo, hát xong chảy nước mắt khóc rồi lại than thở, cho là thiên hạ không ai biết mình. Thế thôi. Cái lòng yêu nước và chí phục thù nước cũ của Kha chưa chắc đã bằng Ngũ Viên vậy. Nếu không có Điền Quang giới thiệu với thái tử Đan, người ta tự hỏi Kinh Kha sẽ làm những gì hay là cứ uống rượu và khóc vì không ai biết mình. Kinh Kha không biết tạo thời thế và có một quan niệm rất sai lầm về đời.
          Người ta chưa thấy Kinh Kha là dũng sĩ ở một cử chỉ hay giọng nói nào cả. Chỉ mãi đến khi thái tử Đan bày tỏ công việc nhờ Kha, Kha mới nói được câu hay: “Tôi hèn kém, e không làm nổi việc ấy”. Đó không phải một câu nói nhún. Chính là sự thực. Người dũng sĩ đáng lẽ “biết mình hèn kém, không làm nổi việc ấy”, nên thôi là phải. Đằng này không. Thái tử Đan dập đầu cố xin rằng: “Vì trọng tấm lòng có nghĩa của ngài, Đan này xin uỷ sinh mệnh vào ngài đó, xin chớ chối từ”. Kinh Kha lại hai ba lần từ chối rồi mới nhận lời. Như vậy Kha có một cái hơn người là tự ti, nhưng ta không thể không trách Kha là một người mềm yếu quá, đi làm việc lớn, biết là mình không làm được việc lớn mà cứ làm, chỉ vì nể một người anh em. Người dũng sĩ không bao giờ xử việc đời như thế. Muốn làm việc gì cũng tất phải nghĩ cho vạn toàn mới được. Cái chết sau này của Kha không có một ý nghĩa cao bằng cái chết của Nhiếp Chính và Yêu Ly có lẽ vì thế chăng? Ngày nay ta có thể ví cái chết đó với cái chết của của người không biết bơi, thấy bạn sắp chết đuối kêu cứu, cứ nhảy bừa xuống nước. Bảo rằng biết đâu sự may rủi không xui cho người không biết bơi cứu được bạn là nói lếu. Sự tất nhiên phải thấy là hai người sẽ ôm nhau mà chết. Nể bạn như thế là rồ dại, cứu bạn như thế là điên cuồng. Kẻ trí không bao giờ làm như thế. Cái chết đó là cái chết buồn cười mà vô ích. Kẻ cứu bạn đó lại còn đáng bị khiển trách nữa, vì không biết tự ti, lại đi hủy thân mình đi cho đắc tội với cha mẹ đã sinh ra mình! Cái dũng đã không được, cái trí đã không có, lại mất cả cái hiếu nữa, lại mất cả cái nhân nữa (vì Kinh Kha mà Điền Quang, Ô Kỳ chết, Tần Vũ Dương mất xác nước người), thế thì còn gọi là dũng sĩ sao được nữa? Nguyên từ khi được Kha, Đan đãi Kha như Điền Quang vậy. Ngày đêm thờ phụng, kính cẩn tôn lên làm thượng khanh. Xây một cái quán để Kinh Kha ở. Thái tử Đan ngày đêm đến thăm, cung phụng ăn uống rất hậu, lại hiến xe ngựa và gái đẹp tuỳ ý Kinh Kha sở thích. Kha một hôm cùng thái tử đi chơi ở đông cung, thấy ở dưới ao có con rùa lớn nổi lên. Kha toan nhặt viên ngói để ném rùa. Thái tử liền đưa thoi vàng để thay hòn ngói. Lại một hôm, cùng thì cưỡi ngựa, thái tử có con ngựa quý ngày đi nghìn dặm, Kha bỗng nói gan ngựa ăn ngon lắm. Sau, thấy nhà bếp đem món ăn đến, tức là gan con ngựa quý mà thái tử đã sai giết cho Kha ăn. Đan lại làm tiệc đãi Kha ở Hoa Dương đài, đem một mỹ nhân yêu quý của mình ra mời rượu, lại sai mỹ nhân gảy đàn làm vui. Kinh Kha thấy hai tay mỹ nhân trắng muốt như ngọc, khen rằng: “Hai tay đẹp quá!” Tiệc tan, Đan sai nội thị đem cái ngọc bàn đựng đồ vật biếu Kinh Kha. Kha mở xem thì là cái tay của mỹ nhân mà thái tử đã chặt ra để tỏ cho Kha biết là mình không còn tiếc gì!
          Kha ra đi hành thích vua Tần, không đợi Cáp Nhiếp; đi hành thích vua Tần mà biết trước là có đi không về; đi hành thích vua Tần chỉ mang theo có một con dao nhọn vào cái nước Tần nguy hiểm, chung quy chỉ vì nể thái tử Đan, vì cảm cái nghĩa khí và tấm lòng đãi khách của thái tử vậy. “Thái tử đãi Kha này hậu đến thế kia ư?” Xét ra thái tử Đan thờ phụng kính cẩn Kinh Kha chưa chắc vì đã được thấy cái vũ dũng và trí lược của Kha, nhưng chính là vì thấy Kha có thể làm việc cho mình….
          Ta trọng Kinh Kha về chỗ đó. Biết là nguy hiểm mà cứ đi, đi mà biết sẽ không về, cái nghĩa ở với bạn như thế thật là quý báu. Chỉ tiếc rằng cái chết đó hơi phí quá, và không hẳn đã phải là cái chết của dũng sĩ.
VŨ BẰNG (Trung Bắc chủ nhật, Hà nội, s.178 -10/10/1943. Lai nguyên Ân, ST)
(ngưng trích)
           
            Sau khi đọc xong bài viết của nhà văn nổi tiếng Vũ Bằng từ hơn nửa thế kỷ trước, nhận định của ông đã soi rõ được cái nhìn rất “chính xác” của tôi về ông Tàu tên Kinh Kha. Ông Kinh Kha ra đi hành thích Tần Thủy Hoàng chẳng qua vì “cám cái ơn cung phụng” của Thái tử Đan nước Yên, chứ đâu có anh hùng gì (?). Vậy thì làm sao “so sánh” được với những người Chiến sĩ VNCH anh hùng nhỉ ? sự so sánh có quá ư là…khập khiễng không?. Không biết ông N/S có đi lính ra trận ngày nào không? Hay “Lính thành phố em ơi đừng chê!” mà viết nhạc bằng …lời? đến nỗi Người Lính chưa ra trận hoặc mới vừa ...tòng quân nhập ngũ chưa biết đi về đâu mà đã bị ông N/S “trù ẻo” một đi không trở lại(?) như ông Kinh Kha.
 
            Nhớ ngày trước mỗi lần gia đình nào phải “tiễn người đi”, ai ai cũng mong có ngày đón về, như lời đoạn cuối trong bài hát "Đêm tái ngộ" của N/S Y Vân: “Anh bước xuống tàu ngơ ngác vài giây, khi thấy em cười bên ánh đèn soi, Nhìn nhau mà nói không nên lời, nơi cũ lúc xưa tay rời, thì nay lại tay cầm tay.” 
         Đầu tiên người được “tiễn” phải vào quân trường thụ huấn đàng hoàng, ít nhất là phải 3 tháng hay chín tháng (không có thêm mười ngày), nếu không thì hai hay 4 năm từ quân trường Võ bị chứ có ít ỏi gì (quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu mà!). Nhưng ngay giờ tiễn biệt, người ở lại luôn “chúc lành” cho người đi, theo kiểu phim Tàu (lại cũng phim tàu) là phải “bảo trọng” hoặc thượng lộ bình an, nhớ …viết thư về và nghỉ phép nhớ về thăm nhà nhen! bởi vậy mới có 24 giờ phép của N/S Trúc Phương, mà người tuổi trẻ nào thời đó đã “đi Lính” (cũng như người yêu của Lính) cũng đều thích thú, nhất là câu hát tả cảnh hai người yêu nhau gặp lại mừng vui đến nỗi chỉ “vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay”.
           Đó, người ta đi Lính ai ai cũng mong ngày về, khi về nhìn thấy nhau vui đến nỗi …nói không ra lời, mà chỉ dùng động từ “tu quơ” để diễn tả tình cảm thôi! Người Lính VNCH không vì thù hận gia đình mà đi …úynh giặc, người Lính ra trận vì phải “tự vệ”, “đi quân dịch là thương ni giống” (Bức Tâm Thư- Lam Phương). Y như trường hợp người chủ nhà, đang ở trong nhà của mình yên ấm, bỗng có đám cướp đến muốn ..cướp trọn căn nhà của mình với nhiều vũ khí trên tay, dĩ nhiên mình phải “tự vệ” chống lại chúng để “giữ nhà” chứ! người Lính VNCH đâu có khác chi, ngoài chiến trường nếu mình không “bắn” đối phương thì mình chết chắc (?).
        Người Lính đâu có làm việc cho riêng ai, cũng chẳng có ai “cung phụng” thật đầy đủ về mọi thứ. Người Lính mỗi tháng lãnh lương một lần mà đâu có nhiều nhõi gì, có khi phải nuôi cả một…đại gia đình vợ con nheo nhóc (thế mới có câu hát: “Tiền Lính là tính liền, nhiều khi nghèo như điên…”. Người Lính đâu có người chủ nào “dã man” như ông Thái tử nước Yên, mới nghe ông Kinh Kha “khen” thịt ngựa ngon, là đi giết ngay con ngựa quí thân thương của mình để  “mần thịt” cho ông Kinh Kha ăn, mới nghe KK khen cô người hầu có bàn tay đẹp, thế là đi chặt phứt hai bàn tay của người ta để tặng cho ông Kinh Kha vui, mặc cho người hầu đau đớn rên la, có khi bị…nhiễm trùng mà chết cũng không chừng, nếu không cũng phải ca bài “người về nay đã cụt tay”... Người Lính đâu có “ông chủ” nào tàn ác như vậy nhỉ? Mà người Lính cũng đâu có dễ “mua chuộc” như vậy? (hay là ông thấy ở đâu đó có trường hợp người mặc áo Lính được..cung phụng như vậy? để dễ dàng cho người có “thẩm quyền sai đâu chạy đó"? nhưng chắc đó chỉ là trường hợp…cá biệt?)
            Khi người Lính ra trận luôn có “bộ chỉ huy hành quân”, có kế hoạch hành quân, có phương án hành động, có chiến thuật, chiến lược, có quân phong quân kỷ… vv..vv.., chứ đâu có…khật khưỡng, tàng tàng, tay cặp nách…chai rượu và con dao với...cái đầu lâu rồi đi...khơi khơi vào nước người ta để hành thích ông Vua của họ. Người Lính ra trận là mong chiến thắng, chiến thắng mới giữ được sự yên bình cho người dân, mới giữ được Tổ Quốc, (như các trận chiến thắng năm Mậu Thân, hay Mùa hè Đỏ Lửa và rất nhiều những trận chiến oai hùng khác chẳng hạn...) chứ người Lính nào cũng “một đi không trở lại” như cái ông Kinh Kha kia, thì nước VNCH đã ..tiêu tùng vào tay giặc từ hồi năm nẳm rồi chứ đâu sống được đến ..21 năm. (Hồi đó chắc mấy anh Sinh Bắc tử Nam mới …một đi không trở lại?).
          Thế mới biết là người VN mình ngày trước (ngay cả bây giờ cũng còn) đã bị tiêm nhiễm lịch sử, nhân vật nước Tàu nhiều quá, nhất là ông Kinh Kha! Một con người chỉ biết có “ăn chơi” rượu chè be bét, suốt ngày lo ca hát đờn địch, nên không nghe nói tới chuyện ông có vợ con gì nữa, sau khi "chia tay” người bạn gái trên hang cốc, mà nếu có, chắc là người đàn bà xui tận mạng nhất…thế giới. Mà người vợ cũng chẳng “hãnh diện” gì khi có ông chồng đi làm …toi mọi cho người ta để được “ăn nhậu, gái ghiếc”, để người ta “lợi dụng” sai đi làm những việc nguy hiểm cho việc trả thù nhà người ta, mà chính đương sự không thể làm được, một “con cờ thí” như vậy thì làm sao mà gọi là “anh hùng” nhỉ?
          Người viết xin lỗi tác giả bản nhạc, nếu ông còn..tại thế (?), chắc ông cũng …cười vui khi có người “lên tiếng phản đối” về sự “so sánh” của ông, có nghĩa là người ta đã nghe rõ từng lời ca trong bài hát của ông, rằng thì là ông đã…“nâng” nhân cách người Lính VNCH vượt không gian từ ta qua tàu chẳng...hợp tình hợp cảnh tí nào cả. Tui “nhân danh” người  vợ Lính, không “bằng lòng” với lối so sánh của ông: “đừng  hẹn tôi ngày về, vì đường xa thiên lýđời trai như chiến sĩ Kinh Kha một lần đi..” (kiểu này chắc có quá nhiều…góa phụ ngây thơ hồi đó?), nên lên tiếng “bàn loạn” cho vui, chứ không có “ý đồ” gì khác. Vì dù sao, bài hát cũng đã viết hơn bốn muơi năm rồi và đã “thẩm thấu” vào không biết bao nhiêu lỗ nhĩ của người nghe. Và người hát thì cứ ..nỉ non trên…từng cây số.! Rất may, hầu hết người Lính đã không như ông Kinh Kha sang sông Dịch, mới ..rút dao ra đã bị quân sĩ vua Tần..chém bay đầu, vì không có “đường gươm bách chiến bách thắng”, vì không có thế võ nào tuyệt luân ngoài tài...ăn nhậu. Nhưng người Lính VNCH, ngoài một số đã hy sinh ngoài trận mạc, đa số đã trở về với gia đình dù rằng... “bạn anh vì nước vì anh rỉ máu thắm da vàng người VN!” như lời bài hát ở câu sau cùng, cũng nhờ tài thao lược qua nhiều năm tháng, dẫu rằng cuối cùng vẫn không giữ được nước, chẳng qua vì “vận nước”! thế thôi....Tiếc thật!

Lê thị Hoài Niệm. 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét