Trung Quốc kêu gọi ASEAN nói "không" với can thiệp từ bên ngoài
Trong một ám chỉ rõ ràng là nhắm vào Mỹ, ngoại trưởng Trung Quốc vào hôm nay, 25/07/2017 đã kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết với nhau và nói « Không » với các thế lực bên ngoài đang tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. <!>
Ông Vương Nghị đã phát biểu như trên nhân chuyến ghé thăm Manila, vài hôm trước khi Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên Hiệp Hội Đông Nam Á khai mạc dưới quyền chủ tọa của Philippines.
Phát biểu với một nhóm phóng viên, ngoại trưởng Trung Quốc đã ca ngợi « động lực mạnh mẽ » của đà cải thiện quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh dưới thời tổng thống Duterte đã xa rời đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ để chạy theo Trung Quốc.
Theo ông Vương Nghị, bang giao Trung Quốc-Philippines được cải thiện đã góp phần bảo đảm ổn định cho vùng Biển Đông. Trên cơ sở đó ông khuyến cáo ASEAN như sau :
« Nếu vẫn còn một số thế lực bên ngoài và bên trong khu vực không muốn thấy Biển Đông ổn định và vẫn muốn khuấy động Biển Đông, chúng ta cần phải cùng nhau đứng lên và nói không với các thế lực đó ».
Ngoại trưởng Trung Quốc không nói đích danh thế lực nào, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, đó rõ ràng là một lời đả kích nhắm vào Mỹ.
Bắc Kinh yêu sách chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông, kể cả tại các vùng biển sát bờ biển của các láng giềng. Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng sức áp đặt yêu sách chủ quyền, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của 4 thành viên ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Thái độ quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động bị coi là « quân sự hóa » Biển Đông đã bị Hoa Kỳ thường xuyên chỉ trích, và Mỹ đã nhiều lần cho tàu chiến áp lại gần các hòn đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, khiến Bắc Kinh bực tức.
Mỹ, cùng các đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ cũng trợ giúp các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines tăng cường năng lực giám sát biển. Điều cũng không hợp ý Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, chuyến thăm Manila hôm nay và chuyến ghé Thái Lan vào hôm qua, hai đồng minh mới của Bắc Kinh trong ASEAN, có thể là nhằm lôi kéo thêm hai nước này, một tuần trước khi mở ra một loạt hội nghị khu vực trong khuôn khổ hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN tại Manila, có sự tham gia của cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc. - RFI
2.
Biển Đông: Hải quân Indonesia bác bỏ tin bắn ngư dân Việt Nam
Hãng tin AP hôm nay, 25/07/2017, cho biết hải quân Indonesia đã bác bỏ việc bắn bị thương bốn ngư dân Việt Nam vào cuối tuần qua, mà chỉ bắn chỉ thiên cảnh cáo, tại vùng biển mà theo họ là của Indonesia. Đây là sự cố thứ hai trên Biển Đông giữa hai quốc gia Đông Nam Á trong vòng hai tháng qua.
Phát ngôn viên hải quân Gig Jonias Mozes Sipasulta nói rằng chiến hạm KRI Wiratno-379 đã bắn một phát cảnh báo về hướng mũi tàu, khi nhận ra hai tàu Việt Nam đi vào khoảng bốn hải lý bên trong vùng biển Indonesia. Trong thông cáo tối qua, Sipasulta nói rằng việc ngư dân Việt Nam bị bắn là không đúng sự thật, vì hai chiếc tàu đánh cá ngay lập tức đã rời đi.
Tuy nhiên, theo thuyền trưởng Nguyễn Thành Ngọc trên báo Bình Định được AP trích dẫn, các tàu cá Việt Nam lúc đó đang đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 100 hải lý, thì bị hải quân Indonesia tấn công. Bốn ngư dân trúng đạn bị thương trong đó có hai người bị thương nặng và hiện đang được chữa trị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo chí Việt Nam cho biết cụ thể, tàu BĐ 31153 TS đang thả trôi để câu mực tại vị trí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thì bỗng dưng một tàu lạ xuất hiện áp sát, bắn xối xả vào tàu cá mà không hề ra tín hiệu gì. Các ngư dân phải nằm rạp xuống sàn tránh đạn, thuyền trưởng ra lệnh mở hết tốc lực chạy trốn. Các tàu cá bên cạnh cũng bỏ chạy tán loạn, hai tiếng đồng hồ sau mới thoát được việc truy sát của hải quân Indonesia. Báo Tuổi Trẻ đăng hình vỏ đạn rơi xuống sàn tàu BĐ 31153 TS.
AP nhắc lại hồi tháng Năm, nhiều tàu cá Việt Nam đã được cảnh sát biển Việt Nam giải cứu khi bị hải quân Indonesia toan ngăn chận tại vùng biển chồng lấn.
Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới gồm 13.000 đảo, hồi đầu tháng đã đổi tên khu vực phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của mình tại Biển Đông thành « Biển Bắc Natuna » nhằm khẳng định chủ quyền. Hàng trăm tàu đánh cá nước ngoài đã bị Jakarta cho đánh đắm. - RFI
3.
Máy bay Trung Quốc áp sát không phận Đài Loan
Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) ngày 24/7 xác nhận các máy bay ném bom Trung Quốc bay sát không phận phía nam của Đài Loan trong một phi vụ diễn tập đường dài sáng cùng ngày. Tháng này Trung Quốc đã tiến hành một số phi vụ kiểu này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói 4 máy bay ném bom H-6K từ miền nam Trung Quốc bay sát bên ngoài Vùng Nhận diện Phòng không Đài Loan khi tiến vào Eo biển Bashi. Sau khi lượn vòng không phận phía nam của Đài Loan, các máy bay này hướng về phía bắc, trên eo biển Miyako của Nhật Bản, rồi trở về căn cứ tại miền nam Trung Quốc, Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết thêm.
Cuộc diễn tập ngày 24/7 là cuộc tập trận mới nhất trong 3 cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc trong tháng này.
Vào ngày 13 tháng 7, một phi đội máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận tại Eo biển Bashi và Eo biển Miyako. Vào ngày 20 tháng 7, mười máy bay ném bom H-6K Trung Quốc cũng bay vòng Đài Loan thực hiện diễn tập đường dài ngoài biển.
Phi đội này cũng bao gồm máy bay Thiểm Tây Y-8 với các trang bị điện tử có thể làm nhiễu ra-đa của đối phương, che chắn cho các máy bay và tàu chiến Trung Quốc khi tiến vào không phận hay hải phận của kẻ thù.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói những lực lượng liên hệ của Đài Loan ngày 24/7 đã được điều động để theo dõi và đáp ứng tình hình. - VOA
4.
Tàu chiến Mỹ nổ súng cảnh cáo tàu Iran
Một tàu hải quân Mỹ tuần tiễu trong vùng Vịnh Ba Tư đã nổ súng cảnh cáo một tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, sau khi chiếc tàu này áp sát tàu chiến Mỹ, một giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận với VOA hôm 25/7.
Chiến hạm USS Thunderbird đã nổ “vài phát cảnh cáo” khi chiếc tàu Iran chạy với tốc độ nhanh tiến gần đến mức chỉ cách tàu Mỹ có 140 m, theo giới chức Mỹ.
Những phát súng cảnh cáo được bắn đi như một giải pháp cuối cùng sau khi chiếc tàu Iran không đáp ứng những lời kêu gọi từ phía Mỹ trên sóng radio và tín hiệu của các tàu Mỹ, 5 lần dùng còi hú để phát đi tín hiệu nguy hiểm được quốc tế công nhận.”
Một giới chức quốc phòng cho VOA biết là có hai chiếc tàu của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đang tuần tiễu với chiến hạm USS Thunderbird khi xảy ra vụ chạm trán.
Giới chức Mỹ mô tả sự cố này là “mất an toàn và không chuyên nghiệp.” Ông nói:
“Những hành động mất an toàn và có tính cách khiêu khích của người Iran không làm được gì ngoại trừ tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm một cách hoàn toàn không cần thiết.”
Tháng trước, một tàu hải quân Iran đã dùng tia laser nhắm vào một máy bay trực thăng Mỹ đang hộ tống 3 tàu hải quân trên eo biển Hormuz.
Lúc dó, Trung Tá Bill Urban, người phát ngôn của Hạm đội 5, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết chiếc tàu Iran tiến gần cách chiến hạm USS Batan của Mỹ có 730 m. - VOA
5.
Áp dụng luật đại lục, nền tự trị đặc khu Hong Kong bị đe dọa?
Hong Kong hôm 25/7 loan báo kế hoạch gây nhiều tranh cãi, cho phép các giới chức ở Hoa lục thực thi luật áp dụng trên đại lục bên trong một trạm xe lửa Hong Kong, trong một sự dàn xếp về di trú bị giới chỉ trích coi là vi phạm nền tự trị của Hong Kong, và đe dọa các quyền tự do hiện hữu của đặc khu này.
Luật căn bản, được coi như tiểu hiến pháp của đặc khu Hong Kong, quy định rằng ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, các đạo luật của Trung Quốc không được áp dụng tại thành phố Hong Kong, và không có cơ quan bộ sở nào có quyền can thiệp vào các vấn đề ở Hong Kong.
Tuy nhiên chính quyền địa phương nói rằng các khu bến cảng Hoa Lục ở bên trong trạm xe lửa, dự kiến mở cửa vào mùa thu năm tới, sẽ được coi như bên ngoài ranh giới lãnh thổ Hong Kong, và vì thế các điều khoản trong Luật Căn bản không được áp dụng.
Là một cựu thuộc địa của vương quốc Anh, Hong Kong được giao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, cư dân được hưởng các quyền tự do rộng rãi - mà người dân Hoa Lục không được hưởng, và một nền tư pháp độc lập dưới công thức “một quốc gia, hai thể chế.”
Nhưng vụ các điệp viên Hoa lục bắt cóc những nhà bán sách ở Hong kong hồi năm 2015 vì đã xuất bản những quyển sách chỉ trích Trung Quốc, và các nỗ lực của Bắc Kinh để loại những dân biểu được bầu vào hội đồng lập pháp địa phương một cách dân chủ, đã làm lung lay niềm tin vào nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế.” - VOA
6.
Hoa Kỳ 'có thể cấp vũ khí' cho Ukraine
Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine cho biết Washington đang tích cực cân nhắc liệu có nên gửi vũ khí để giúp chống lại phiến quân được Nga hậu thuẫn hay không.
Ông Kurt Volker nói với BBC rằng cấp vũ khí cho lực lượng của chính phủ Ukraine có thể thay đổi cách tiếp cận của Moscow.
Ông Volker là cựu đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO và được bổ nhiệm vào vai trò mới của mình hồi đầu tháng này.
Ông nói rằng ông không nghĩ rằng đây sẽ là động thái khiêu khích.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine.
"Vũ khí tự vệ, những loại giúp Ukraine phòng thủ, chẳng hạn như để tiêu diệt xe tăng, sẽ thực sự giúp" để ngăn chặn Nga đe dọa Ukraine, ông Volker cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
"Tôi sẽ không phỏng đoán vấn đề này sẽ đi tới đâu, đó là một vấn đề cần thảo luận thêm và sẽ được quyết định, nhưng tôi nghĩ rằng lập luận rằng việc này sẽ khiêu khích Nga hoặc củng cố thêm cho Ukraine chỉ cách nghĩ thiển cận," ông nói thêm.
Ông nói sự thành công trong việc thiết lập hòa bình ở miền đông Ukraine sẽ đòi hỏi những gì mà ông gọi là một cuộc đối thoại chiến lược mới với Nga.
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 10.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng Tư năm 2014, ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình. Cuộc giao tranh đã làm hơn 1.6 triệu người phải ly tán.
Một thoả thuận ngừng bắn đã được ký tại Minsk trong tháng Hai năm 2015, nhưng các điều khoản của nó khó có thể xem là được thực thi hoàn toàn.
Tuần trước, quân đội Ukraine cho biết năm lính của họ thiệt mạng trong vụ pháo kích lớn ở Donetsk phía bắc nơi phiến quân chiếm giữ.
Quân đội cho biết ba lính Ukraine cũng chết do trúng mìn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi đây là "giai đoạn một ngày đẫm máu nhất của năm 2017" trong cuộc xung đột đông Ukraine và đã đổ lỗi cho phiến quân "do Nga hậu thuẫn" thực hiện. - BBC
7.
Tổng thống Venezuela khẳng định đang bị CIA âm mưu lật đổ
Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro hôm 24/07/2017 đòi các chính phủ Mỹ, Mêhicô và Colombia giải thích về việc được cho là tham gia một âm mưu do CIA chuẩn bị nhằm lật đổ ông.
Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo giám đốc CIA Mike Pompeo vì theo ông, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ « hợp tác trực tiếp với chính quyền Mêhicô và Colombia để lật đổ chính quyền Venezuela ». Ông Maduro yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump phải làm rõ những từ ngữ mà theo ông là « ngạo mạn, mang tính can thiệp » của ông Pompeo.
Ngoại trưởng Venezuela Samuel Moncada đăng trên Twitter các phát biểu của ông Mike Pompeo mà theo ông thì đây là cuộc trả lời phỏng vấn trong một diễn đàn an ninh tại Aspen (Hoa Kỳ) hôm 20/7. Theo tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha này, giám đốc CIA đã nói : « Tôi đến Bogota và Mêhicô cách đây hai tuần, đã nêu ra đề tài (chuyển đổi chính trị tại Venezuela), cố giúp họ hiểu những gì có thể làm nhằm đạt kết quả tốt hơn tại khu vực ».
Bộ Ngoại Giao Colombia trong thông cáo hôm qua khẳng định chưa bao giờ can thiệp vào việc nội bộ của Venezuela. Phía Mêhicô cũng « thẳng thừng bác bỏ » các cáo buộc, đồng thời cho biết « sẵn sàng tham gia vào một giải pháp hòa bình, dân chủ cho cuộc khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela, thông qua con đường ngoại giao ».
Đối lập Venezuela tuần này tìm mọi cách để ngăn chận cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến vào 30/7 tới. Phía tổng thống Maduro tuyên bố : « Chủ nhật này, dù mưa bão hay sấm sét, cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến vẫn tiến tới theo ý định của nhân dân ».
Từ bốn tháng qua, hầu như hàng ngày đều diễn ra các cuộc biểu tình đòi tổng thống Nicolas Maduro phải ra đi. Đã có 103 người đã thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và hàng trăm người bị bắt. - RFI
8.
Hai 'giám mục' Winston Blackmore và James Oler bị kết án tội đa thê
Hai nhà lãnh đạo tôn giáo Canada vừa bị Tòa án tối cao British Columbia kết án tội đa thê.
Phiên tòa đã nghe ông Winston Blackmore, 61 tuổi, kết hôn với 24 phụ nữ. Người anh rể của ông, ông James Oler, 53 tuổi, kết hôn với năm người.
Cả hai đều bị truy tố về tội danh đa thê. Mỗi người phải đối mặt với án tù tối đa là 5 năm.
Phán quyết mang tính bước ngoặt này được xem là một phép thử đối với ranh giới về tự do tôn giáo ở Canada.
"Hiến chương về Quyền là luật tối cao của Canada nhưng chúng ta phải nhận ra rằng các quyền trong Hiến chương này không phải là tuyệt đối", Wally Opal, cựu Trưởng công tố British Colombia nói với kênh CTV News sau khi phán quyết được đưa ra hôm thứ Hai.
Ông Blackmore và ông Oler đến từ Bountiful ở đông nam BC, một cộng đồng tôn giáo gồm khoảng 1.500 người được thành lập năm 1946.
Cả hai đều là từng là giám mục một giáo phái Mormon ly khai, Giáo hội Chính thống các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (FLDS).
Ông Blackmore bị trục xuất khỏi FLDS năm 2002 và ông Oler thay thế vị trí này.
Giáo phái có các chi nhánh tại Hoa Kỳ, với khoảng 10.000 thành viên.
Đa thê là bất hợp pháp theo Điều 293 của Luật hình sự Canada.
Cảnh sát Hoàng gia Canada bắt đầu điều tra về giáo phái này ở Bountiful vào những năm 1990.
Nhưng những nỗ lực đưa vụ án ra xét xử đã bị cản trở do thiếu rõ ràng về mặt pháp
Trong năm 2011, Tòa Thượng thẩm British Colombia ra quyết định coi luật chống đa thê của Canada là vấn đề liên quan đến Hiến pháp.
Tòa án tối cao nói luật đó đề ra một giới hạn hợp lý về tự do tôn giáo ở Canada.
Phán quyết hôm thứ Hai có lẽ chưa phải là quyết định hợp pháp cuối cùng.
Luật sư của ông Blackmore, ông Blair Suffredine, nói với tòa án rằng ông dự định sẽ thách thức luật chống đa thê nếu khách hàng của ông ta bị kết án có tội.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ này sẽ có thể còn được đưa lên tới Tòa Tối cao Canada. - BBC
9.
Miến Điện: Mưa lũ cuốn trôi chùa vàng
Nước lụt dâng cao nhận chìm một ngôi chùa Phật giáo tại miền trung Miến Điện, khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Nhà chức trách cảnh báo sẽ tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới.
Những đoạn video được phổ biến trên mạng xã hội cho thấy ngôi chùa dát vàng Thiri Yadana Pyilone Chantha bị nhận chìm xuống dòng sông Ayeyarwady cuộn sóng tại khu vực Magway, khiến mọi người bàng hoàng.
Ông U Pyinnya Linkkara, người quay được cảnh này, cho biết chùa bị phá hủy hôm 20/7.
“Ngôi chùa được xây vào năm 2009 cách sông khá xa nhưng năm tháng qua đi, bờ sông bị xói mòn và rồi hôm nay cả ngôi chùa bị nhận chìm xuống sông,” ông nói với AFP.
Ông cho biết lụt lội xảy ra thường xuyên tại đây trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, nhưng lũ lụt năm nay đã xói mòn bờ sông tới mức báo động. Ông nói thêm một số làng xã ven sông bị nước cuốn trôi hoàn toàn.
“Hiện dân làng sợ không dám cư ngụ ở đây nữa. Lụt hiện giảm bớt nhưng xói mòn vẫn tiếp tục,” ông nói.
Myanmar là một trong những quốc gia gặp nhiều tai ương nhất châu Á, thường bị bão, lụt, nhiệt độ khắc nghiệt và thỉnh thoảng bị động đất.
Ít nhất 2 người thiệt mạng và hơn 90.000 người phải sơ tán vì lũ lụt tại miền trung và miền nam Myanmar trong tháng này, theo chính phủ thống kê.
Mực nước dâng cao kể từ khi những cơn mưa mùa dai dẳng bắt đầu trút xuống miền trung Myanmar vào đầu tháng 7, khiến nhiều người phải sơ tán đến những vùng cao hơn hay tìm nơi cư trú tại các chùa chiền, một giới chức cứu trợ nói.
Đa số thiệt hại xảy ra tại vùng Magway, nơi ngôi chùa bị nước cuốn trôi. Hơn 60.00 người phải rời bỏ nhà cửa vì nước dâng.
“Tình hình hiện đang được kiểm soát nhưng những gì sẽ xảy ra còn tùy thuộc vào thời tiết,” ông Ko Ko Naing, Tổng giám đốc Bộ xã hội, cứu trợ và tái định cư nói với Reuters.
“Chúng tôi đã chuẩn bị hỗ trợ cho những khu vực bị lũ lụt vì việc này xảy ra mỗi năm.”
Cơ quan khí tượng thủy văn của chính phủ đã đưa ra những cảnh báo về lũ lụt đối với một vài thị trấn trong những ngày sắp tới vào lúc mưa mùa lớn tiếp tục đổ xuống Myanmar.
Chính phủ đã cung cấp thực phẩm và những trợ giúp khác cho tổng cộng 116.817 người sơ tán cho đến ngày 24/7, cũng như cung cấp nơi tạm trú dài hạn cho những người bên ngoài các khu định cư.
Một người bị chết đuối tại vùng Sagaing và một người khác bị cuốn trôi khi đang vượt qua một dòng suối tại bang Chin, ông Kay Thwe Win, một viên chức định cư cho biết.
Báo nhà nước loan tin mưa lũ làm vỡ một con đập nhỏ tại vùng Bago hôm 22/7. - VOA
Tin Hoa Kỳ
10.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions dưới hai gọng kềm
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions đang chịu áp lực từ quốc hội Mỹ về các cuộc tiếp xúc của ông với đại sứ Nga ở Washington, và cũng bị áp lực từ Toà Bạch Ốc về quyết định của ông, rút ra khỏi cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump với Nga.
Trong hai ngày liên tiếp từ ngày 24/7, ông Trump chỉ trích ông Sessions trên trang Twitter, và còn đề nghị người lẽ ra nên bị săm soi phải là bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Tổng thống Trump viết trên trang Twitter của ông:
“Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã có lập trường rất YẾU về những tội của Hillary Clinton (liên quan tới những email và máy chủ của Đảng Dân chủ) và về những kẻ rò rỉ tin tình báo!”
Ngày hôm trước, 24/7, Tổng thống Trump mô tả ông Sessions là “Bộ trưởng Tư pháp bị vây bủa của chúng ta", và đặt câu hỏi tại sao ông Sessions “không điều tra những tội ác của ‘'Hillary Gian trá' & và các quan hệ với Nga’?”
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư Pháp Thượng viện, kêu gọi ông Sessions hãy ra trước ủy ban trong thời gian sớm nhất để trả lời những câu hỏi về những cuộc đối thoại giữa ông với cựu đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Lúc đó, ông Sessions làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, và là nghị sĩ đại diện bang Alabama tại Thượng viện.
Báo Washington Post hôm thứ Sáu vừa qua tường thuật rằng ông Kislyak hồi năm ngoái đã nói với cấp trên của ông ở Moscow rằng ông đã thảo luận các vấn đề liên quan tới chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ với ông Sessions, tương phản với những gì mà ông Sessions đã nói về các cuộc gặp gỡ với phía Nga.
Tờ báo cho biết thông tin vừa kể đã được thu thập do chặn được những liên lạc giữa ông Kyslyak với Moscow.
Trong thư gửi cho Chủ tịch ủy ban Chuck Grassley để hối thúc ông mời Bộ trưởng Tư pháp Sessions ra điều trần, Thượng nghị sĩ Feinstein viết:
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng, Ủy ban Tư pháp phải được tận tai nghe lời điều trần của ông Bộ trưởng Tư pháp.”
Ông Al Franken, một thành viên khác của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư Pháp, và là người chỉ trích ông Trump, nói mẫu đối thoại nghi đã diễn ra giữa ông Sessions với ông Kislyak là “một diễn biến đáng nghi ngại về mối quan hệ giữa ban vận động của ông Trump và Nga.”
“Bây giờ đã rõ ràng hơn bao giờ hết là ông Jeff Sessions cần phải ra khai chứng trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, để chúng ta có thể tìm một số câu trả lời.”
Nhưng ông Franken sau đó nói với CNN rằng Chủ tịch ủy ban Grassley “không muốn ông Sessions trở lại để điều trần.”
Một người phát ngôn của ông Grassley tối 24/7 nói với VOA rằng chủ tịch ủy ban muốn ông Sessions ra trước ủy ban trễ hơn trong năm nay, sau khi toán giới chức cấp cao của Bộ trưởng Tư pháp đã yên vị, “để có thể có một bức tranh toàn cảnh về cách hoạt động của bộ với đầy đủ nhân viên.”
Người phát ngôn, ông Taylor Foy, nói nhóm thiểu số tại Thượng viện bên Đảng Dân chủ cứ “một mực kéo dài tiến trình chuẩn thuận các nhân vật được đề cử vào Bộ Tư pháp Mỹ”, và điều đó đã gây thêm khó khăn cho ủy ban trong việc thi hành chức năng giám sát của mình.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện giám sát hoạt động của Bộ Tư pháp Mỹ, và là một trong nhiều ủy ban quốc hội đang điều tra việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Hồi tháng Ba, ông Sessions tự nguyện rút ra khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga, sau khi xuất hiện thông tin theo đó ông đã không tiết lộ đầy đủ chi tiết về những cuộc tiếp xúc giữa ông với đại sứ Kislyak của Nga trong tháng trước, khi ra điều trần trước ủy ban Thượng viện để được chuẩn thuận cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.
Ông Sessions bác bỏ chỉ trích cho rằng ông đã nói dối với ủy ban thượng viện, và tuyên bố tự nguyện rút lui không tham gia bất cứ cuộc điều tra nào liên quan tới Nga, vì ông đã từng là cố vấn của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử.
Quyết định rút lui đó đã làm ông Trump giận dữ. Ông đổ lỗi cho ông Sessions là vì quyết định của ông này đã đưa tới việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt Robert Mueller, giờ là người dẫn đầu cuộc điều tra để xem liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.
Bất chấp những lời chỉ trích liên tục của ông Trump, ông Sessions nói ông vẫn muốn giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tuần trước, ông Trump nói ông đã không chọn ông Sessions cho chức vụ đó, nếu biết ông Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga. - VOA
11.
Đơn phương trừng phạt Nga, Quốc Hội Mỹ làm châu Âu bất bình
Dự luật mới gia tăng trừng phạt Nga do Hạ Viện Mỹ biểu quyết ngày 25/07/2017 không những làm cho Matxcơva tức giận mà còn gây bất bình cho Bruxelles. Các công ty châu Âu trong lãnh vực khí đốt, hợp tác với Nga, có thể bị vạ lây.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa phải hứng chịu một chiến dịch tấn công mạng và tung tin thất thiệt gây nhiễu bầu cử tổng thống mà Nga bị xem là thủ phạm, các nhà lập pháp Mỹ tìm cách trói tay tổng thống Donald Trump. Nhất là vào lúc này, lãnh đạo hành pháp Mỹ muốn cải thiện quan hệ với chủ nhân điện Kremlin. Vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée và can thiệp vào nội tình Ukraina là lý do chính thức để trừng phạt.
Theo AFP, tổng thống Donald Trump không có cách nào cưỡng lại. Tại Hạ Viện Mỹ, số thân hữu của Matxcơva đếm không đầy năm ngón tay. Ở Thượng Viện, trong kỳ biểu quyết hôm 02/06 vừa qua, các biện pháp trừng phạt mới được 98 phiếu thuận trên tổng số 100.
Sau Hạ Viện, văn kiện sẽ được đưa lên Thượng Viện để biểu quyết chung cuộc vào giữa tháng Tám.
Nội dung của dự luật tương đối rộng, bao trùm luôn Iran và Bắc Triều Tiên. Trừng phạt Teheran, nhất là Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế ở Iran bị Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố. Trừng phạt Bình Nhưỡng vì Kim Jong Un liên tục thử tên lửa đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ.
Quốc Hội Mỹ còn tự cho quyền can thiệp khóa tay tổng thống trong trường hợp Donald Trump quyết định đình hoãn các biện pháp trừng phạt Nga đang thi hành. Nghi ngờ chủ nhân Nhà Trắng tìm mọi cơ hội thuận tiện để hòa giải với đối thủ Nga, phe lập pháp không để Donald Trump một cơ may nào hết.
Trước sức ép của lưỡng viện Quốc Hội, Nhà Trắng gián tiếp cho biết tổng thống sẽ ký ban hành dự luật. Tuy nhiên, cho dù Donald Trump dùng quyền phủ quyết thì Quốc Hội lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2 phần 3 để thông qua.
Mỹ trừng phạt Nga đụng chạm tới quyền lợi châu Âu
Từ Berlin, Paris cho đến Ủy Ban Châu Âu ở Bruxelles đều không chấp nhận sáng kiến « đơn phương » của Quốc Hội Mỹ.
Từ trước đến nay, đồng minh hai bờ Đại Tây Dương luôn đoàn kết thành một khối trong các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ bán đảo Crimée. Phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu Margaritis Schinas lo ngại mất « tình đoàn kết trong G7 » cho dù chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean - Claude Juncker có tuyên bố từ trước thượng đỉnh G20 là Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng đáp ứng.
Nhiều nước châu Âu, nhất là Đức tức giận, bởi vì với đạo luật mới này, tổng thống Mỹ có thẩm quyền trừng phạt các doanh nghiệp thầu xây ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Cụ thể, những công ty như Engie của Pháp, Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo … đối tác của kế hoạch « North Stream 2 - Bắc Hải Lưu 2 », nối liền Nga với Đức. Các doanh nghiệp này sẽ khó vay tiền của ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia các cuộc gọi thầu của Nhà nước Mỹ.
Từ khi Tây phương ban hành cấm vận và trừng phạt Nga, Washington và Bruxelles có vạch ra một « làn ranh đỏ » là không để ảnh hưởng đến nguồn khí đốt mà châu Âu mua của Nga. Thế mà Mỹ đơn phương hành động không phối hợp với đồng minh.
Phản ứng bất bình của Liên Hiệp Châu Âu có lẽ đã được Quốc Hội Mỹ lắng nghe. Trước khi biểu quyết, dự luật được sửa đổi đôi chút, chỉ liên quan đến những ống dẫn phát xuất từ Nga mà thôi. Nói cách khác, những ống dẫn khí đốt từ vùng Kavkaz của Kazakhstan, đi ngang qua lãnh thổ Nga, đến châu Âu không bị ảnh hưởng. - RFI
12.
Thượng Viện đồng ý thảo luận dự luật cải tổ y tế
Thượng Viện Mỹ hôm Thứ Ba với tỉ số phiếu 51 thuận và 50 chống, quyết định tiến hành tranh luận tại cuộc họp khoáng đại Thượng Viện, dù rằng chưa biết là với dự luật cải tổ y tế nào. Phó Tổng Thống Mike Pence là người bỏ lá phiếu quyết định cho chiến thắng này.
Thượng Nghị Sĩ Susan Collins của tiểu bang Maine và Lisa Murkowski ở Alaska là hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa duy nhất đứng về phía Dân Chủ để bỏ phiếu chống, theo bản tin của ABC News.
Trước khi cuộc bỏ phiếu khởi sự, người phản đối lá ó trong khu vực khách thăm viếng tại Thượng Viện hô hào kêu gọi hủy bỏ dự luật thay thế Obamacare.
Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa, Arizona), tuần qua vắng mặt vì bị khám phá ung thư não, trở lại thượng viện để bỏ phiếu thuận cho việc tiến hành cuộc tranh luận. Sự xuất hiện của ông được đồng viện ở cả hai đảng hoan nghênh nhiệt liệt, ABC News cho hay.
“Tôi bỏ phiếu cho đề nghị tiến hành cuộc tranh luận và đưa ra các tu chính,” ông McCain nói. “Tôi không bỏ phiếu cho dự luật với nội dung hiện nay. Đây chỉ là cái khung cho dự luật sẽ được đưa ra. Tất cả chúng ta đều hiểu điều này.”
Trưởng Khối Đa Số Cộng Hòa tại Thượng Viện, ông Mitch McConnell, nói rằng cuộc tranh luận tới đây sẽ là một “tiến trình tu chính công khai”.
Trong bản thông cáo đưa ra hôm Thứ Ba, Tổng Thống Donald Trump cho hay ông hoan nghênh các thượng nghị sĩ vì có một bước lớn lao để “chấm dứt cơn ác mộng Obamacare”, cũng theo ABC News. - nguoiviet
13.
Giá nhà tại Mỹ càng ngày càng đắt đỏ
Theo Zillow, một công ty địa ốc, trị giá ở giữa của mọi căn nhà tại Hoa Kỳ trong Tháng Sáu đã vượt quá $200,000, tức tăng 7% so với năm 2016.
Việc định trị giá nhà trên toàn quốc là một công việc khó khăn, bởi vì có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới trị giá đó, gồm địa điểm, tình trạng của căn nhà, kích thước lô đất, thẩm mỹ, và ngay cả vấn đề phong thủy. Và rồi không thiếu các kinh tế gia, các công ty dữ kiện và các website mua bán nhà đất đưa ra quan điểm của họ về trị giá nhà hiện nay.
Hiệp Hội Địa Ốc Toàn Quốc (NAR) đã báo cáo giá bán ở giữa của một căn nhà tại Hoa Kỳ vượt quá $200,000 từ hơn một năm nay, nhưng sự đo đạc đó chỉ phản ảnh những căn nhà đã bán rồi, không phải là mọi căn nhà ở mọi khu dân cư trên nước Mỹ.
Hiện giờ, những căn nhà đắt tiền đang bán chạy bởi vì có sự thiếu hụt trầm trọng về loại nhà có giá khởi đầu trên thị trường. Những căn nhà đắt tiền có số lượng cao hơn khiến giá ở giữa cao hơn. Giả sử những chủ nhà cho thuê đột nhiên tống khứ một vài triệu căn nhà giá rẻ vào thị trường, và những căn nhà này bán nhanh chóng, giá ở giữa sẽ giảm xuống ngay lập tức.
Chỉ số của Zillow xét tới mọi căn nhà, không phải chỉ những căn nhà mới bán, mặc dù đó là căn bản để so sánh.
Công ty Zillow đã bị chỉ trích về sự ước lượng trị giá nhà mà vài chủ nhà cho rằng không chính xác và làm hại trị giá nhà của họ. Sự ước lượng có tuyệt đối chính xác không? Dĩ nhiên là không.
Đôi khi sự ước lượng của họ chênh lệch rất nhiều, đôi khi chỉ chênh lệch chút ít, nhưng theo bà Svenja Gudell, kinh tế gia trưởng của Zillow, ưu điểm của những sự ước lượng này là nó không bị ảnh hưởng bởi thành kiến.
Ước lượng trị giá nhà là một công việc phức tạp, nhưng lý do đằng sau sự gia tăng trị giá nhà là do số cung thiếu thốn. Theo Zillow, số nhà được rao bán đã sụt giảm hơn 11% trong Tháng Sáu so với một năm trước, với sự sụt giảm nhiều nhất tại các thị trường lớn như San Francisco (giảm 26%), Minneapolis-St Paul (giảm 30%), Washington DC (giảm 20%), và Seattle (giảm 24%).
Thị trường nhà trên toàn quốc vẫn nóng bỏng và không tỏ dấu hiệu gì là sẽ chậm lại, dù giữa lúc vài thị trường địa phương đã nguội bớt một cách rõ rệt. Tuy nhiên, bà Gudell nói, dù tại những vùng trong đó thị trường địa ốc đã chậm lại, trị giá nhà hiện ở mức cao nhất hoặc gần mức cao nhất. Khả năng lựa chọn của người mua bị giới hạn, nhu cầu cao và sự cạnh tranh tỏ ra gay gắt.
Số cung đang duy trì sự tăng giá ở tỉ lệ hai con số trong vài thị trường đô thị lớn, và những thị trường thường cung cấp những căn nhà mà nhiều người đủ sức mua hiện giờ không còn nữa. - nguoiviet
Tin Việt Nam
14.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên 9 năm tù, 5 năm quản chế --- Các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga
Hôm 25/7, Luật sư Hà Huy Sơn cho VOA biết Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam vừa tuyên án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Nga.
“Phiên tòa diễn ra một ngày và kết thúc lúc 16 giờ 30. Tòa tuyên 9 năm và 5 năm quản chế.”
Bà Trần Thị Nga bị bắt ngày 21 tháng Giêng năm 2017 vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Bà Trần Thị Nga, còn được biết đến qua tên Thúy Nga, là người tranh đấu vì dân chủ, nhân quyền, và môi trường ở Việt Nam. Trước khi bị bắt, bà phản đối hãng Formosa Hà Tĩnh trong thảm họa môi trường biển miền Trung, cũng như giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai.
Luật sư Sơn nói việc tranh tụng và lời bào chữa của ba luật sư trong phiên tòa xét xử “an ninh quốc gia” không được ghi nhận:
“Lời bào chữa của các luật sư nói rằng Viện Kiểm sát cáo buộc dựa trên các chứng cứ không hợp pháp và đề nghị trả tự do vô tội. Nhưng tòa không ghi nhận ý kiến nào cả.”
Về phần nhà tranh đấu, bà Nga xuất hiện trước tòa tuy có vẻ mệt nhưng rất tĩnh táo, tuyên bố bà vô tội, bà chỉ chống bất công, tham nhũng. Luật sư Sơn chia sẻ:
“Trong lới nói sau cùng của chị Nga, chị nói chỉ chống bất công, tham nhũng, tố cáo thảm họa môi trường, chị không chống ai cả; chị không chống nhân dân.”
Các trang Facebook nói chính quyền Hà Nam kiểm soát nghiêm ngặt phiên tòa kéo dài một ngày. Dù tòa tuyên bố đây là một phiên tòa công khai, nhưng người thân và bạn bè của bà Nga không được vào phòng xét xử.
Trên mạng cũng xuất hiện hình ảnh của các nhà vận động nhân quyền tọa kháng để phản đối phiên tòa xét xử bà Trần Thị Nga.
Trước đó luật sư Sơn nói với VOA rằng có nhiều khả năng bà Nga phải đối mặt với một bản án “có sự chỉ đạo”.
Nhiều tổ chức vận động nhân quyền ở Hoa Kỳ và Châu Âu như Human Rights Watch, Đài Quan sát Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho Nhân quyền, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, đều kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy bãi bỏ mọi cáo buộc và phóng thích ngay lập tức nhà hoạt động Trần Thị Nga.
Theo báo chí trong nước, nhà hoạt động 40 tuổi này đã bị nhà chức trách Hà Nam bắt hồi cuối tháng 1 năm nay, đúng lúc bà “đang truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” - VOA
***
Hai tổ chức gồm Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), lên tiếng phản đối ngay sau khi có tin về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế mà tòa án tỉnh Hà Nam tuyên đối với nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga.
Ân Xá Quốc Tế cho đó là một bản án vô nhân đạo và kêu gọi Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ án đó vì tù nhân lương tâm Trần Thị Nga không làm gì khác ngoài việc ôn hòa bảo vệ quyền con người.
Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, ông Josef Benedict, nói rằng bản án tuyên cho bà Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 là lần tuyên án thứ hai trong vòng không đầy một tháng đối với một nhà hoạt động nữ chuyên bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Josef Benedict cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam đang tăng cường nổ lực bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa trong nước. Chính quyền Hà Nội đang tiêu diệt những cá nhân can trường cũng như gia đình họ chỉ để nhằm đe dọa những người khác lên tiếng.
Đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, cũng kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt biện pháp đàn áp đối với những blogger can đảm như bà Trần Thị Nga.
CPJ nhắc lại việc nhà hoạt động Trần Thị Nga bị giam giữ hơn 6 tháng trời trước khi bị đưa ra xét xử. Còn trước khi bị bắt bà này từng lên tiếng về tình trạng bị sách nhiễu trong nhiều năm. Vào năm 2014 bà bị tấn công bằng tuýt sắt khiến bị thương ở tay trái và chân phải.
Theo Ân Xá Quốc Tế thì hiện có hơn 90 tù nhân lương tâm tại Việt Nam và con số này đang tăng lên.
Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt ngay những hạn chế hà khắc đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Còn theo CPJ thì Việt Nam hiện bỏ tù ít nhất 8 nhà báo kể từ năm 2016 đến nay khi mà tổ chức này tiến hành thống kê hằng năm về tình trạng nhà báo bị tù tội khắp thế giới. - RFA
15.
Thủ tướng Phúc thị sát Formosa: cảnh báo hay thông qua
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến thăm công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) được truyền thông Việt Nam tường trình rằng ông nhấn mạnh “nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy,” song nhiều người chỉ trích cho rằng chuyến “thị sát các hạng mục” của ông Phúc hôm 24/7 là “cú bật đèn xanh” cho nhà máy của công ty Ðài Loan bị cáo buộc đã gây ra thảm họa môi trường biển khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển thuộc 4 tỉnh miền trung hồi năm ngoái.
Nhà máy thép Formosa được xem là lớn nhất Ðông Nam Á đặt tại Hà Tĩnh này báo cáo với Thủ tướng Phúc rằng họ “đã nghiêm túc chấp hành các cam kết, và đến nay đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm.”
“Những cái thông tin này không mới,” nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Việt Nam bình luận. “Cách đây mấy tháng chúng tôi đã từng nghe rồi. Tôi không phải là nhà chuyên môn về luyện thép, cho nên tôi không hiểu cái lỗi cuối cùng, cái lỗi thứ 53 là lỗi gì.”
Cùng đi với Thủ tướng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng Formosa hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, an toàn môi trường, đã đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường, bảo đảm đạt tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với chính phủ Việt Nam. Về môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, ông Hà khẳng định, đã an toàn. Còn đại diện Bộ Y tế cho biết mẫu hải sản được kiểm tra cho thấy hải sản cả tầng nổi, tầng đáy ở 4 tỉnh miền trung hoàn toàn an toàn.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định: “Về mặt khoa học mà nói, năm ngoái họ tích tụ lại để vét, xúc sửa đường ống, họ thải ra một loạt, nồng độ rất lớn cho nên cá chết hàng loạt ở dọc 4 tỉnh trung bộ. Nếu họ rút kinh nghiệp, họ không để dồn lại, mà họ chỉ thải từ từ. Tất nhiên là việc sử lý chất thải có nâng lên, chứ không để nguyên như cũ, họ gia giảm tốn kém hơn một tí. Nhưng họ sẽ thải từ từ, ngày này sang ngày khác, thì cá sẽ không chết đâu, nhưng nó sẽ ăn phải chất độc và nhiễm độc. Mình sẽ ăn cá, nước mắm làm từ cá, thì mình cũng sẽ nhiễm độc. Nếu họ làm kiểu âm thầm như thế, thì chắc chắn hiểm họa cho người dân Việt Nam vẫn còn khủng khiếp lắm.”
Ông Tạo nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng cái tuyên bố đó của ông Phúc là thể hiện quyết tâm của đảng, nhà nước Việt Nam là để cho Formosa tiếp tục hoạt động ở Việt Nam.”
Formosa cho biết hiện tại tổng vốn đầu tư vào dự án là hơn 10,6 tỉ đôla, dự kiến cuối năm sẽ tăng lên 11,6 tỉ đôla. - VOA
16.
Chuyên gia: ‘VN dừng dự án Repsol không làm TQ thôi tham vọng’ --- Việt Nam rút dự án khoan dầu Repsol: ‘hành động bất lực, hèn nhát’
Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa xác nhận hay phủ nhận tin của BBC hôm 24/7 nói Bắc Kinh đe dọa dẫn đến việc Hà Nội “lệnh” cho hãng Repsol ngừng khoan dầu khí ở BiểnĐông.
Đến cuối buổi chiều 25/7, chính quyền Việt Nam vẫn chưa ra tuyên bố nào. Trong khi đó, mới có tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi dừng khoan dầu ở một địa điểm tranh chấp thuộc Biển Đông, theo tin Reuters hôm 25/7.
Địa điểm được nhắc đến là nơi hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha lâu nay có hoạt động hợp tác với Việt Nam.
Tường thuật của Reuters cho hay, tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục Khảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã được hỏi có phải Trung Quốc đã ép Việt Nam hay công ty dầu của Tây Ban Nha phải dừng khoan hay không.
Ông Lục trả lời rằng: “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho tình hình tích cực phải khó khăn mới có được ở Biển Đông”. Ngoài ra, ông không cung cấp thêm chi tiết.
Người phát ngôn ở Bắc Kinh cũng nhắc lại là nước ông có chủ quyền không tranh cãi về quần đảo Trường Sa, được Trung Quốc gọi là Nam Sa, cũng như có quyền tài phán về các vùng biển và thềm lục địa liên quan, theo tin của Reuters.
Talisman-Vietnam, công ty con của Repsol, đã bắt đầu khoan tại địa điểm tranh chấp hồi giữa tháng 6. Việt Nam gọi đó là lô 136-03. Lô này cũng nằm bên trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông.
Tin của BBC hôm 24/7 nói Bắc Kinh đã cảnh báo hồi tuần trước với Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, dữ liệu của hãng Thomson Reuters cho thấy hôm 24/7 tàu mang dàn khoan Deepsea Metro I vẫn ở đúng vị trí cũ như khi bắt đầu tiến hành khoan ở lô này hồi giữa tháng 6.
Vẫn theo tin Reuters, một tàu hải quân Indonesia đi ngang qua đó hôm 22/7 tường trình lại là họ thấy 3 tàu cảnh sát biển và 2 tàu cá Việt Nam gần đó, và không có dấu hiệu rắc rối nào.
Sự thiếu vắng những phản ứng chính thức ồn ào của cả Việt Nam và Trung Quốc được giới quan sát cho là trái ngược với những tranh cãi, căng thẳng mà hai nước từng có liên quan đến chủ quyền, biển đảo trước đây.
Vụ việc từng làm nổ ra đối đầu và đấu khẩu gay gắt giữa hai nước trong thời gian gần đây là khi Trung Quốc đưa dàn khoan khổng lồ Hải dương 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi hè năm 2014.
Về sự “yên ắng tương đối” hiện nay, tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, phân tích với VOA về thái độ và hành động của Trung Quốc:
“Trung Quốc, trong sự kiện này, họ có thể có những tính toán để mà thực hiện cho đúng cam kết của họ là họ tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng của các nước khác. Nên là họ không tạo ra những scandal trong mối quan hệ để có thể làm phức tạp hóa vấn đề”.
Ở thời điểm này, thông tin Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực đối với các vị trí của Việt Nam ở Trường Sa vẫn chưa được xác nhận.
Nhưng tiến sĩ Trục lưu ý đến những sự kiện trong quá khứ, như hải chiến Hoàng Sa 1974, đụng độ Trường Sa 1988, hay việc Trung Quốc xây đảo, quân sự hóa các đảo gần đây. Ông nói điều này nhắc nhở rằng tính đến việc Trung Quốc dùng biện pháp quân sự là một “suy diễn logic”.
Cũng như nhiều nhà phân tích khác, vị cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ khẳng định Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông.
Vì vậy, ông cho rằng dù Việt Nam có chấp nhận nhượng bộ ở một hay một vài dự án dầu khí, điều đó cũng vẫn không làm thay đổi tham vọng của Trung Quốc đối với vùng biển giàu tài nguyên:
“Việt Nam vì lý do nào đó mà hủy hợp đồng khai thác với Talisman thì không phải vì Việt Nam thôi việc này mà Trung Quốc lại thôi các tính toán của họ để tiến hành bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Tôi cho rằng chủ trương của Trung Quốc không thay đổi. Nó không phụ thuộc vào việc Việt Nam đình hoãn hay chịu chấp nhận rút dàn khoan. Nguyên nhân chính là tham vọng của họ. Nguyên nhân chính là cuộc tranh chấp địa chính trị giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Cho dù Việt Nam có thôi đi, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thôi đâu, mà chiến lược của họ vẫn tiếp tục, thậm chí còn mạnh hơn, nếu Mỹ, ASEAN, quốc tế không có những hoạt động mạnh mẽ cản trở, vô hiệu hóa tất cả các biện pháp vô lý cua Trung Quốc”.
Về việc Việt Nam chưa lên tiếng, theo tiến sĩ Trần Công Trục, có thể là vì Hà Nội thấy các quyền và lợi ích “chưa bị đe dọa”.
Những ngày qua, thông tin về việc Việt Nam đề nghị Repsol ngừng khoan dưới sức ép của Trung Quốc đã được một số người có tầm ảnh hưởng lớn chia sẻ trên mạng xã hội. Hàng nghìn người đã bình luận với đa số ý kiến cho rằng đây là “một bước lùi” hay “một thất bại” của Việt Nam.
Cũng có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho việc này sẽ dẫn đến sự ngại ngần của các công ty và các nước khác trong hợp tác dầu khí với Việt Nam, càng làm Việt Nam đơn độc trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. - VOA
***
Các nhà bình luận và phân tích nhận định rằng nếu thực sự Việt Nam đã yêu cầu công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận lời đe dọa từ Bắc Kinh, thì điều này vô cùng bất lợi đối với Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã ‘lùi bước’ và tỏ thái độ ‘hèn nhát’ trong vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Từ Melbourne, Australia, bà Ann Đỗ, một người theo dõi sát vấn đề Biển Đông từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nói với VOA-Việt ngữ:
“Nếu Việt Nam lùi hay rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của Trung Quốc thì có nghĩa là Việt Nam đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ quyền của mình.”
Talisman-Vietnam là công ty con thuộc tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet.
Hôm 24/7 BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi lô Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam, phía Trung Quốc gọi lô này Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Đây là khu vực nằm trong đường “chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra và tuyên bố chủ quyền.
Theo nguồn tin của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục tại địa điểm này.
Bà Ann cho biết dự án khai thác tại lô 136-03 đã trì hoãn trong ba năm qua và vừa rồi được Repsol tái khởi động, thuê tàu khoan nước ngoài và triển khai dự án vào tháng trước.
“Dự trù Repsol đã bỏ ra 300 triệu đôla cho mỏ này. Nếu khai thác không thành công thì buộc phía Việt Nam đền bù hợp đồng và uy tín hợp tác sẽ suy giảm. Phía Việt Nam cũng muốn đẩy tốc độ khai thác dầu khí để tăng nguồn thu ngân sách. Thu thì chưa thấy, bây giờ thấy thiệt hại trước mắt - vì khả năng đền hợp đồng rất là cao.”
Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin của BBC.
Hôm 25/7 giáo sư Carl Thayer nói với VOA rằng vào ngày 15/7 ông được một nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội cho biết Việt Nam đã chỉ đạo một công ty con của Repsol ngừng khoan dầu tại lô 136-03 trên Biển Đông.
Hôm 23/7, nhà báo độc lập Trương Huy San ở thành phố Hồ Chí Minh đã dự báo “có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc,” và ông nhận định rằng “nhưng lần này thì có vẻ như Hà Nội đang đơn độc.” Tuy nhiên, ông không cho biết nguồn đưa tin dự báo này.
Nhà báo độc lập có bút danh Huy Đức viết: “việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136-03 không chỉ như một dự án khai thác dầu-khí đơn thuần mà còn để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng nên chờ một thời gian nữa để đánh giá xác thực thông tin do tác giả BBC Bill Hayton đưa. Tuy nhiên, ông nói nếu đúng như thế thì việc “Nếu đúng như thế thì đây là một hành động hèn nhát. Nhưng vì thiếu thông tin, nên chúng ta không nên đánh giá một cách vội vã như vậy. Cũng có những tin nói rằng việc thăm dò đã kết thúc, đã thu thập được đầy đủ dữ liệu, xong việc rồi thì rút. Nếu đúng như vậy thì chúng ta lại đánh giá khác đi.”
Trao đổi với VOA, Facebooker Quốc Võ nói: “không phải do việc Việt Nam cho dự án của Repsol rút lui, mà là bị áp lực từ phía nào đó, có thể từ phía Tây Ban Nha và Repsol, dù rằng trên danh nghĩa là Việt Nam bỏ theo như báo chí loan.”
Ông cho biết thêm rằng Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, vào tháng trước đã đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội sau khi thăm Madrid, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Repsol Exploitation. Tướng Long là người đã nói với phía Việt Nam rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”
Ông Quốc Võ nói: “Ai là người chủ động đã gây ra vụ này, trong khi báo chí nước ngoài loan tin này trước, chứ không phải báo chí lề phải trong nước?”
Nhà quan sát Ann Đỗ, người thường xuyên trao đổi thông tin với nhà báo Bill Hayton của hãng tin BBC, nhận định rằng việc Việt Nam rút dự án này cho thấy sự bất lực của chính quyền do Đảng lãnh đạo trước sự hung hăng bá quyền của Trung Quốc:
“Dân chúng sẽ thấy Đảng và Chính phủ không còn khả năng bảo vệ quốc gia và lãnh thổ được nữa. Chính họ cũng cảm thấy bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói các nhà bình luận cũng nên thận trọng trong việc đánh giá hành động của Việt Nam khi thông tin chưa thật sự rõ ràng, đặc biệt trong tình cảnh khó lường ở Biển Đông:
“Trong tình hình thông tin chưa thật rõ ràng và đầy nhạy cảm, khó lường giữa các cường quốc trên Biển Đông, nhất là với sự hung hăng của Trung Quốc và khả năng có thể xảy ra các cuộc đụng độ, thì chúng ta nên thận trọng trong việc đánh giá.”
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Việc khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa cho đến nay được Việt Nam thực hiện khéo léo qua ký kết và thực hiện các hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty khai thác dầu phương Tây.”
Nay trước áp lực và đe dọa tấn công từ Bắc Kinh, nhà nước Việt Nam đành yêu cầu tập đoàn Repsol dừng khai thác mỏ dầu nhiều tiềm năng mà có người cho là nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, khả năng bảo vệ chủ quyền trong chính sách Biển Đông hiện tại có vẻ như khó có thể thực hiện, theo kết luận của luật sư Lê Công Định. - VOA
17.
Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận thanh tra đất
Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 25/7 chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.
Đây là kết quả thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Một người dân Đồng Tâm không muốn nêu tên cho biết người dân Đồng Tâm phản đối kết luận này:
Dân Đồng Tâm không đồng ý với kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội. Dân Đồng Tâm sẽ gặp trực tiếp Thanh tra Thành phố Hà Nội để đối thoại. Hiện tại đang yêu cầu họ đối thoại.
Kết luận thanh tra nói là dựa vào nguồn gốc đất theo Quyết định ngày 14-4-1980 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định ngày 10-11-1981 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, Quyết định ngày 20-10-2014 của UBND Thành phố.
Cũng theo bản kết luận, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng nhưng đã bộc lộ sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài. Cụ thể là việc tiếp tục để người dân sản xuất nông nghiệp khi hợp đồng canh tác đất hết hạn vào năm 2012.
Ngoài ra, các đơn vị quốc phòng chưa thực hiện di dời một số hộ dân sinh sống trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép.
Thanh tra Thành phố đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo các đơn vị quốc phòng rà soát, và quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, trong đó có diện tích 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn.
Ngoài ra, Thanh tra Thành phố cũng đề nghị có biện pháp thu hồi ngay những diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn.
Sau khi kết luận thanh tra được công bố, cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, là một trong 4 người dân Đồng Tâm bị Công an Hà Nội bắt hôm 15/4 với cáo buộc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Tâm cho biết cụ và người dân Đồng Tâm không đồng tình với kết luận này.
Báo Dân Việt trích lời cụ Kình nói rằng cụ và nhiều người dân khác ở Đồng Tâm vẫn bảo lưu quan điểm đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha đã được cắm mốc giói rõ ràng, còn lại là đất nông nghiệp của người dân.
Cụ Kình cũng nói thêm là sau khi Hà Nội công bố dự thảo Kết luận thanh tra vào ngày 7/7 thì đến ngày 20.7 thành viên Tổ đồng thuận đã đến trực tiếp Thanh tra thành phố trao văn bản phản bác, đồng thời mong muốn xin một bản Dự thảo kết luận thanh tra nhưng Thanh tra Hà Nội cho biết “vì nguyên tắc nên không thể đáp ứng yêu cầu".
Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà thực tế là do tranh chấp đất đai.
Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.
Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.
Ngày 7 tháng 7, dự thảo kết luận thanh tra được đưa ra, sang đến ngày 20 tháng 7, người dân Đồng Tâm có văn bản yêu cầu thanh tra lại. - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét