Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Lời Xin Lỗi Muộn Màng - Huỳnh Thị Liên Hoa

Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, mà sao câu nói không thành lời ấy, vẫn cứ vang vọng mãi trong đầu tôi...
“Xin lỗi Anh, ngàn lần xin lỗi Anh.”
Đó không phải là lời nhạc trong một bản tinh ca, mà là lời nói chân thật tự đáy lòng tôi, thầm gởi đến một quân nhân Hoa Kỳ đã từng phục vụ tại chiến trường nam Việt Nam trước năm 1975...., người mà tôi chỉ gặp có một lần, nói có một câu và câu nói ấy, sự việc đó đã theo tôi mấy chục năm qua, tôi âm thầm ray rứt với lỗi lầm của mình...
<!>
Hội An - thành phố nơi tôi được sinh ra và lớn lên, một thành phố nhỏ bên bờ sông Thu, dòng sông bên lỡ bên bồi đã là nguồn cảm hứng, là đề tài cho biết bao nhiêu thi sĩ của phố Hội

Tôi - lúc đò là một nữ sinh của trường Trung Hoc Trần Quý Cáp, một trường Trung Học lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Khi tôi bắt đầu bước chân vào trường Trung Học thì gia đình tôi dọn về nơi ở mới, căn nhà số 92/7 đường Lê Lợi, đối diện với Tiểu khu Quảng Nạm. Thành phố Hội An của tôi nhỏ xíu, chỉ có mấy con đường lớn giáp vòng, thế mà có đến 5, 6 tiệm sách….như nhà sách Bình Minh, đối diện lệch với nhà cũ của tôi ở đường Cường Để; nhà sách Rạng Đông. ở gần chợ; nhà sách Nhất Tiếu, ở ngay chợ; nhà sách Thống Nhất, ở ngã tư Lê Lợi; nhà sách Trương Kim Điền, và sau nay có nhà sách ở gần nhà tôi (mà tôi lại quên mất tên!), gần cạnh quán cà phê Thy Thy của anh Căn...Nói thế để thấy là dân Hội An hiếu học dến chừng nào! (không hổ danh là con cháu đất Ngũ Phụng Tề Phi ).

Khi thi vào đệ thất, tôi chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Tiếng Anh hồi đố còn rất mới mẻ đối với người Việt Nam nói chung và người Hội An nói riêng, cho nên những học sinh Anh văn không có cơ hội cũng như phương tiện để trao dồi Anh ngữ

Lại nói về nhà sách Trương Kim Điền, đó là tiệm sách của nhà bạn Chanh, học cùng lớp với tôi, nhà bạn ấy rất dông con gái, ai cũng dễ thương hết (dễ thương nhưng mà thương không dễ đâu đấy nhé ). Có thể ví thế mà nhà sách TKD phát triển rất nhanh...trên bạn Chanh có vài người chị gái, và một chị có chồng là thông dịch viên, thầy Thành, sở dĩ tôi gọi là thầy, vì thầy Thành, ngoài công việc chính là thông dịch cho người Mỹ, thầy còn mở lớp dạy thêm Anh văn cho những hoc sinh kém tiếng Anh, trong đó có tôi.

Lớp Anh văn của thầy Thành nằm trên đường Lê Lợi, trước mặt đình ông Voi, cách quán cà phê Đạo vài căn nhà. Tôi và Kim Ngân, một người bạn cùng lớp, rủ nhau đi học thêm Anh văn, lớp học mỗi tuần chỉ có một buổi từ 2:00 giờ đến 6:00 giờ chiều ngày thứ năm. Lúc bây giờ, hình như chiến tranh càng lúc càng gia tăng, tiếng súng vọng về từ xa, mỗi đêm dồn dập hơn, thành phố về đêm cũng sáng hơn không phải vì đèn hay sao đêm mà do những đám hỏa châu liên tục thay nhau thắp sáng bầu trời, tôi thấy từng đợt các tân sĩ quan về trình diện Tiểu Khu nhiều hơn, những khuôn mặt non choẹt, trông thật dễ thương và tội nghiệp, chắc là mới vừa rời ghế nhà trường....Nhưng buồn thay, vào thời điểm đó, chiến tranh thì mặc chiến tranh, hoc sinh chúng tôi vẫn cắp sách đến trường, vô tư không cần biết ai đang ngăn giặc thù, để cho mình được yên ổn ngồi trên ghế nhà trường !!!

Và tôi....cô nữ sinh Trần Quí Cáp...vẫn ngày hai buổi cắp sách đến trường, và mỗi chiều thứ năm ôm vở đến lớp thầy Thành để luyện tiếng Anh. Thầy Thành dạy văn phạm còn phần luyện giọng thì nhờ một người Mỹ, trong số những người cố vấn ở trong Tiểu Khu, đến luyện cho các học sinh, thường thì những buổi luyện giọng chỉ là một buổi nói chuyện thân mật giữa thầy (Mỹ) và học trò (VN). Lớp Anh văn của thầy Thành là một lớp tổng hợp, hoc sinh thì gồm các lớp từ đệ thất đến đệ tứ, ngoài ra còn có các anh chị đã ra đời đi làm, muốn luyện thêm tiếng Anh để tiến thân trên "hoạn lộ", do vậy lớp có nhiều trình độ, cao, thấp, không đều nhau. Hồi đó tôi chỉ là cô học trò lớp đệ thất hay đệ lục gì đó, nghĩa là mới bắt đầu làm quen với ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng mẹ đẻ, Anh văn chỉ mới bập bẹ vài câu...

- Anh tên gì?

- Anh có khỏe không?

- Nhà anh ở đâu?

Làm sao tôi có thể nói chuyện với người Mỹ! nhất là trao đổi quan điểm chính trị?

Sự non nớt, yếu kém đã đẩy tôi đến chổ vô tình làm tổn thương một người, một người lính mà đáng lý ra tôi phải nói với anh ấy rằng chúng tôi, đất nước chúng tôi rất cần sự hiện diện của các bạn, để gìn giữ non sông và bảo vệ tổ quốc... Nhưng buồn thay! tôi đã nói ngược lại những gì tôi cần phải nói.

Tôi còn nhớ rất rỏ vào một buổi chiều, ở lớp học thầy Thành, một người lính Mỹ, không rỏ tên gì, có lẽ thầy Thành có giới thiệu nhưng tôi không để ý vì còn mãi nói chuyện với bạn bè. Sau khi nói chuyện với vài người học sinh ở bàn trên, anh chỉ vào tôi (có nghĩa là anh muốn nói chuyện với tôi ) và hỏi:

- Bạn có thích sự có mặt của chúng tôi (những người lính Mỹ) trên quê hương của bạn không?

- Không, tôi không thích.

- Hãy cho tôi biết, lý do vì sao?

- Chỉ vì tôi không thích.

Vì sao tôi đã nói năng như vậy? Đơn giản chỉ vì ngày ấy tôi dốt tiếng Anh, không có đủ từ vựng để nói... do đó tôi sợ phải nói nhiều, lại thêm cái bệnh sĩ diện hão của tuổi mới lớn và cứ muốn làm ra vẻ "ta đây" một con người khệnh khạng, bất cần đời.

Sau khi nghe câu trả lời của tôi, anh mỉm cười gượng gạo và quay lên. Ôi cái cười trên khuôn mặt anh! Cho đến giờ này tôi vẫn không quên cái nét ngỡ ngàng như anh vừa làm một điều gì phật ý người đối diện, cái cười ngượng ngập trên gương mặt sượng sùng, non trẻ mới tội nghiệp làm sao! Phải, anh còn rất trẻ, khoảng ngoài 20, nếu không vì phải sang Việt Nam để giúp chúng tôi gin giử quê hương, hay nói đúng hơn nếu không có chiến tranh Việt Nam, có lẽ giờ này anh đang ngồi trong giãng đường của một trường Đại Học nào đó ở quê hương anh...

Tôi thảng thốt, chợt nhận ra mình sai rồi, tôi đã nói gì thế nhỉ? Ma quỷ nào đã khiến xui tôi trả lời như thế? Có lẽ mặc cảm yếu kém trước bạn bè đã biến tôi thành một người vô ơn bội nghĩa, tại sao tôi lại có thể mang cả một tảng băng lạnh giá dội vào bầu nhiệt huyết cháy bỏng trong lòng anh?

Có lẽ ngày rời ghế nhà trường, chia tay với gia đình, cha mẹ, người yêu (nếu có)....anh mang cả một tấm lòng thương yêu dành cho những người khốn khổ đang từng phút vật lộn với bom đạn, chiến tranh, trên vùng đất xa xôi mang tên Việt Nam, anh nghĩ rằng nơi xa đó người ta đang cần, rất cần sự có mặt của anh và cả một bầu nhiệt huyết đi bảo vệ hòa bình cho thế giới. Thế nhưng nơi đây, giờ phút này...anh nhận được gì? Từ những người mà anh đã trao tặng cả tuổi xuân của đời mình. Tôi thẫn thờ quên cả ngồi xuống, nghe trong lòng mình như có một cái gì cháy bỏng lên, và cái cảm giác đó vẫn theo tôi cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại...

Vào thập niên 60, cuộc chiến Việt Nam ngày càng khốc liệt, không có ngày nào là không nghe đạn nổ, Việt Cộng thường xuyên pháo kích vào thành phố, thành phố Hội An nhỏ bé thân yêu của tôi đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu là đạn pháo của Cộng quân, có thể chúng chỉ muốn nhắm vào những cơ quan quân sự như Tiểu Khu, đồn Công Binh, tòa Hành Chánh Tỉnh.... Nhưng chưa bao giờ chúng đạt được ý nguyện, đạn pháo chỉ toàn rớt xuống nhà dân và trường học.

Thành phố của tôi, có một cái còi báo động, dùng để báo cho bà con, dân chúng biết trước khi đạn pháo của Cộng quân nổ, một vài giây, để có thể tìm cho mình một chỗ núp an toàn. Khi nghe còi hụ hai tiếng liên tục, có nghĩa là "đạn thù sắp vào thành phố", phải lo tìm nơi an toàn mà tránh, chờ đến khi nghe một tiếng còi, tất cả xong rồi, trở lại sinh hoạt bình thường. Ai chết thì cứ chết, ai bị thương thì cứ nằm chờ xe cứu thương!

Cuộc sống của người dân Hội An chúng tôi vào giửa thập niên 60 là thế đó. Có một đêm tôi đi học thêm Pháp văn, lớp của thầy Trí, ở trường Diên Hồng, bên cạnh trụ sở Hội Đồng Xã, lớp học từ 6:00 đến 9:00 tối, Đêm đó vào lớp chưa được bao lâu thì còi hụ báo động, tiếng còi lanh lảnh vang lên trong cái tỉnh mịch của màn đêm, chúng tôi, khoảng 20 học sinh, hốt hoảng, hổn loạn, tìm chổ núp, nhưng giữa lớp học làm gì có hầm trú ẩn! Thế là cả bọn chui xuống gầm bàn, mong sao có một phép mầu nào đó có thể biến cái bàn học trò bằng gổ mỏng manh, ọp ẹp trở thành một thành trì kiên cố bảo vệ cho mình....

Sau một hồi còi báo yên, thầy cho về. Càng đi gần đến nhà, lòng tôi càng lo âu, như trên đã nói nhà tôi ở ngay trước cổng Tiểu Khu và lần này có lẽ Việt Cộng nhằm vào Tiểu Khu. Trời ơi! Thế thì chắc là nhà tôi "lãnh đủ", điện cúp tối đen như mực, tôi dọ dẩm tìm được cửa nhà....vừa đưa tay xô cánh cửa kính khép hờ, tôi rụng rời nghe tiếng loảng xoảng của những mảnh kính vở rào rào xuống đất, trong nhà tối om, mọi người đâu hết rồi? Má tôi? Các em tôi? Tôi òa khóc gọi to:

- Má ơi!

Chân dẫm bừa lên những mảnh kính vương vãi dưới đất, cố gắng nhìn xuyên thủng màn đêm để tìm những khuôn mặt thân thương, tôi nghe có tiếng người trong phòng ngủ, Má tôi gọi:

- Phúc ơi! vào đây con.

Tôi vừa khóc, vừa cười. Má tôi đây rồi! Các em tôi đây! Gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn! Cám ơn Trời Phật đã gìn giữ, che chở cho những người mà con yêu thương! Chính vào lúc ấy, bỗng dưng khuôn mặt của người lính Mỹ, trong lớp học thầy Thành lại hiện ra trong đầu tôi. Trong đời sống của tôi, hơn 40 năm qua, sau ngày đó, không biết đã có bao nhiêu lần anh hiện về trong ký ức tôi, bao nhiêu lần tôi thầm nói lời xin lỗi, cho dù nói chỉ để cho một mình tôi nghe!

Đầu nắm 1974, tôi lập gia đình, cuối năm sinh con trai kháu khỉnh, chồng tôi là một người lính... Tôi chưa kịp bắt chước chị vợ anh nghĩa quân, tiếp đạn cho chồng giết giặc… thì Cộng Sản đã tràn vào chiếm hết miền Nam!

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên quê hương tôi đâu đâu cũng có trại tù, mà Cộng Sản gọi là trại Cải Tạo. Đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế kiểu cộng sản ngăn sông cấm chờ làm dân miền Nam đang ăn cơm trắng, giờ phải ăn bo bo, khoai mì.

Những năm tháng sống dưới chế độ Xã Hội chủ nghĩa đã làm tôi thực sự hãi hùng, dân tôi đói rách triền miên. Tôi âm thầm thương tiếc cho Hòn Ngọc Viễn Đông, nay đã bị Búa Liềm đập vỡ tan tành... Trong nỗi tiếc thương vô vàn ấy, tôi càng thấy rõ hơn là người Mỹ đã tới quê hương tôi không phải để chiếm đất, cũng chẳng để cướp của, mà chỉ là để giúp bảo vệ tự do cho miền Nam. Nghĩ lại tôi càng thấy xấu hổ, khi chính mình thời trẻ dại đã nói lời nói lời vô ơn bạc bẽo với chàng lính Mỹ, khi anh đang hy sinh cả tương lai, mạng sống để đến giúp bảo vệ tự do cho người dân một đất nước xa xôi.

Ngày về thăm thủ đô Washington, đứng trước bức tường đá đen, khắc tên năm mươi tám ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình trên đất nước Việt Nam, tôi thấy tim mình se thắt khi nhìn những khuôn mặt non trẻ trong những tấm hình nho nhỏ trên bia đá, có anh tuổi đời chỉ vừa mới đôi mươi, như người lính Mỹ trẻ tôi gặp trong lớp học tiếng Anh năm xưa. Đó cũng là lứa tuổi con trai tôi hiện nay.

Với tấm lòng người Mẹ, một sự cảm thông sâu xa với những người đã mất đi núm ruột của mình, tôi cuối đầu thầm khấn: "Xin chân thành cám ơn các bậc cha mẹ, đã sinh ra những người con anh dũng này. Hôm nay, là một người Việt Nam, tôi trân trọng đặt một vòng hoa nho nhỏ với tất cả lòng thành để tưởng niệm các anh, những người đã chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng tự do...”

Trong phút tưởng niệm và khấn nguyện, tôi thấy lòng biết ơn tràn ngập, không chỉ với những người đã hy sinh, mà là với tất cả các chiến binh Hoa Kỳ đã từng chiến đấu ở Việt Nam.

Thầy Thành hiện đang sống ở Mỹ. Có thể thầy vẫn còn nhớ câu chuyện nhỏ trong lớp học Anh Văn của thầy ngày xưa. Nếu một cơ duyên nào đó, thầy đọc được những dòng này và... nếu như người lính Hoa Kỳ ấy vẫn còn trên cõi đời này, xin cho tôi được nói lời xin lỗi cho dù có muộn màng!

Huynh Thi Lien Hoa

Không có nhận xét nào: