WESTMINSTER, California (NV) –Người đàn ông ăn mặc dữ dằn với dây nhợ lủng lẳng trên người, luôn mang kính đen, đầu quấn khăn, tóc để dài… từng là một tay giang hồ bạt mạng. Vậy nhưng, ông quyết định thành người “homeless” vì một … người phụ nữ!
<!>Từ “homeless” để nói về ông có lẽ phải để trong dấu ngoặc kép, bởi vì theo ông nói: “Một kẻ homeless có phải là homeless thật, hay homeless giả, hay đang đóng vai homeless?”Trở thành người vô gia cư với ông là một điều bất khả kháng. Ông trốn chạy! Người không hiểu chuyện có thể nói ông không đứng đắn, đàng hoàng, trách nhiệm. Ông nói: “Đừng bao giờ phán xét một người khi không hiểu hết câu chuyện của người đó. Có nhiều lúc tôi chán đời, phẫn chí nhưng điều quan trọng là tôi không làm gì trái với lương tâm, để tâm hồn mình bình an.”
Mang nợ một người phụ nữ
“Khi tôi muốn điên lên, thì tôi gặp cô ấy, nữ hoàng Bolsa. Trong mắt nhiều người, cô ấy không bình thường. Nhưng với tôi, cô ấy là một người bạn đáng quý,” ông chia sẻ.Nữ hoàng Bolsa mà ông nhắc có tên là Vũ Thị Thu Lan, bà mắc chứng bệnh Bipolar, là một chứng bệnh tâm thần mà người mắc bệnh đi từ thái cực cảm tính này qua thái cực khác, từ cảm thấy hưng phấn, kích thích quá độ đến bị trầm cảm, lờ đờ, không thiết làm gì cả.
“Trên con phố Bolsa này có lẽ Thu Lan không xa lạ với mọi người. Cô ấy nói rất nhanh, lúc nào cũng phải nói, nói liên tục, nhiều lúc nổi nóng, la lối, lớn tiếng, hay chạy nghênh ngang giữa đường… nhưng cô ấy lành tính,” ông nói.Từ năm 2008 ông bước chân vào “thế giới người homeless.” Để có tiền sống, ông đi sòng bài. “Kiếm tiền bằng cách đó thôi, chứ tôi không muốn làm kẻ ăn xin. Tôi đi hàng loạt sòng bài như Harrah’s, Pala, Pechanga, Valley View, Spotlight 29… bằng xe buýt. Đi xe tốn $20, nhưng làm gì có tiền trả. Lên sòng bài họ cho $35, thế là trả tiền xe, còn dư $15 để kiếm vận may,” ông kể.
Ông kể tiếp: “Bất cứ ai đi xe buýt lên sòng bài đều có tiền. Tôi dùng số tiền đó để đánh cược. Nếu thắng thì tốt, còn thua thì nhịn đói. Họ nhả con tép bắt con tôm. Có lúc thắng lúc thua, nhưng thua nhiều lắm, chơi không lại đâu, vì vốn quá ít. Nếu không chơi thì có $15 để sống qua ngày.”
Ông cho hay, chơi gì chơi, vẫn phải dành $1 để ăn ổ bánh mì không, vì: “Cả ngày không ăn gì cũng được nhưng tối phải có gì trong bụng mới ngủ được. Uống nước máy, tắm rửa giặt giũ ngoài đường. Cuộc đời homeless có người thương, có người khinh, có người ghét, có người ganh tỵ… đủ mặt của cuộc sống.”“Cứ vậy mà tôi sống qua ngày mấy năm trời, cho đến lúc gặp Thu Lan. Thường không đi đâu tôi ngồi ngoài hiên tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches ở góc đường Moran và Bolsa. Thấy tôi một mình, cô ấy kiếm chuyện, rồi không ngờ cũng có lúc cô ấy và tôi hiểu được nhau,” ông kể.
Ông nói: “Rồi tôi nghe Thu Lan hát, với tôi thì cô ấy hát rất hay. Tôi mới nói chơi với cô ấy là phải chi có cây đàn, tôi sẽ đàn cho cô ấy hát. Ấy vậy mà cô ấy đưa tiền cho tôi mua cây đàn thật. Thế là tôi mua một cây guitar, rồi hai đứa nghêu ngao hát.”“Khi cô ấy cất lên hát bài ‘Chuyện Tình Lan và Điệp,’ từ tân nhạc đến cổ nhạc đều hay và mùi mẫn lạ thường. Lúc đó tôi mới thấy bỏ ra hơn $100 mua cây đàn không phí tiền chút nào, bởi vì cô ấy là một ca sĩ rất giỏi. Vì sao tôi nói như vậy? Là một ca sĩ thực sự thì chỉ cần nghe dạo đàn là bắt được tông liền. Cô ca rất có hồn, đó mới là ca sĩ,” ông nhận xét.
Vậy là từ năm 2011, ông và nữ hoàng Bolsa kết hợp lập ra ban nhạc vô gia cư có tên Mây Lang Thang đi hát dạo quanh các chợ ABC, Saigon City, tiệm ăn Kang Lạc, Liên Hoa BBQ, Thạch Chè Hiển Khánh ở chợ T&K…Ông cho biết: “Không phải hát rong thì muốn hát gì hát đâu, chúng tôi đều phải tập dượt cẩn thận. Ca sĩ Thu Lan phải mặc đồ mới mỗi khi ra mắt trước công chúng. Chúng tôi phải thay đổi địa điểm liên tục vì lâu lâu cảnh sát lại… hỏi thăm.”
Đi hát được hơn ba năm, thì giữa năm 2014, ông và nữ hoàng Bolsa quyết định nghỉ. “Tới lúc ca sĩ không thích hát nữa thì phải nghỉ. Cô ấy là một lãng tử mà, cô ấy chịu hát suốt mấy năm trời là hay lắm rồi. Phải nói rằng cô ấy làm việc nào ra việc đó, hát ra hát, còn khi không hát thì nói liên tục, nhiều lúc nổi nóng, la lối, lớn tiếng… Thế mới là nữ hoàng Bolsa chứ,” ông cười nói.
In danh thiếp
Hỏi ông có học đàn không, vì bản nhạc nào ông cũng “chơi” được. Ông tâm sự: “Hồi còn nhỏ, những năm đầu 1970 khi tôi 7-8 tuổi, nhà hàng xóm có anh kia đánh đàn rất hay, chủ yếu chơi bolero và slow. Đêm nào tôi cũng nghe đàn và nghe mấy cô hát hò. Để được học đàn, mỗi lần học tôi phải mang một nắm thuốc lào cho anh đó.”“Rồi khi qua Mỹ năm 1980, thời đó nhạc rock rất nổi tiếng, tôi có ước mơ được đứng trên sân khấu trong ban nhạc, cầm cây đàn nhảy điên cuồng. Tôi cũng bỏ rất nhiều tiền để mua sách vở học đàn, nên kỹ thuật đàn cũng vững,” ông kể.Ông kể tiếp: “Thời thanh niên tôi suy nghĩ, học đàn có cái hay, chỉ cần một cây đàn thôi, lỡ mà sa cơ thất thế mình dùng khả năng gì mình có để kiếm sống, là cái nghề tay chiêu. Có lẽ vì nghĩ đến nghề tay chiêu phòng hờ từ thời thanh niên, mà đến nay nghề này ‘vận’ vào tôi! Mấy năm qua tôi sống ngoài đường được nhờ nó, nghề đàn.”
Nhưng hơn năm nay ông nghỉ nghề đàn, không lẽ ông đón xe buýt vào sòng bài? Ông cười hề hề: “Cũng có vào chút chút, nhưng tôi quay trở lại nghề cũ rồi, cái nghề mà tôi học dang dở hồi mới tốt nghiệp trung học.”Nói rồi ông đưa ra một danh thiếp với nội dung: “T-J Điện Nhà. Sửa chữa và thiết kế mọi trở ngại về điện, ổ điện, công tắc 1-3-4 chiều, nâng công suất, dời đồng hồ… Tel: 714-317-2165, 714-277-0446.”
Theo ông, đây là lần đầu tiên ông làm một danh thiếp “hoành tráng” sau 35 năm sống ở Mỹ với bao hỉ, nộ, ái, ố đã trải qua. Vậy nhưng, gọi thử vào số điện thoại này, số đầu tiên thì lúc được lúc không, số thứ hai thì luôn trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng.“Số đầu là số của tôi, bố tôi xin được cái điện thoại miễn phí này, nhưng pin dở lắm, tắt máy hoài. Còn số kia là số của bố tôi, ông ít khi dùng điện thoại, chỉ nhận tin nhắn. Thành thử với điện thoại như vậy, tôi làm cũng bữa đực bữa cái, vì khi nhận được điện thoại gọi lại thì khách hàng đã sửa ở chỗ khác,” ông phân trần.
Ông cho biết: “Hồi mới tốt nghiệp trung học tôi đi học nhiều nghề lắm như cắt tóc, sửa xe, điện… nhưng chưa tới bến, cũng vì ham chơi mà bỏ hết. Tôi vượt biên qua Mỹ năm 1980 khi 17 tuổi, đến năm 22 tuổi tôi tốt nghiệp trung học. Với những nghề đã học được, dù lở dở, nhưng những năm 1986-1987 tôi cũng có việc làm, từ đi làm hãng, làm nhà hàng, rồi làm thợ sửa điện, sửa mái nhà.”
“Cái duyên tôi đến với nghề sửa mái nhà, cũng là cái họa với gia đình tôi. Thời gian đầu gia đình tôi ở bang Missouri, do có bà cô và ông bác ở đó. Trong khu nhà tôi ở, tôi có quen một anh người Đức, là thợ sửa mái nhà giỏi lắm. Anh rủ đi làm chung và từ đó tôi học được cách đi mái nhà, cách lợp mái gỗ, mái gỗ composite, mái ngói…” ông cho hay.
Ban nhạc Mây Lang Thang của đôi “nghệ sĩ hè phố” Vũ Thị Thu Lan-Phạm Bình Thuận những ngày đi hát dạo năm 2012. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
Phiêu bạt giang hồ và cái tang bất thình lình
Ông tâm sự, sau thời gian đi sửa mái nhà vừa làm vừa chơi, thì cuối năm 1989 đầu năm 1990 ông kết bè nhóm và đi phiêu bạt giang hồ. “Lúc đó cứ leo lên xe là đi, kết bạn tứ phương từ đó. Băng nhóm tôi đứa nào cũng có võ, và lì lắm. Nhưng chúng tôi chơi rất đẹp, có điều luật đàng hoàng. Không bao giờ đánh lén, không chơi hội đồng, ai muốn chơi thì chơi tay đôi, chơi rất công bằng,” ông kể.“Đồng ý không phải kết bè nhóm là đúng. Nhưng tôi vô hoàn cảnh bắt buộc rồi. Hồi đó tôi kết bạn với những người mà tôi đã nợ cái tình, cái nghĩa nên tôi phải trả. Thử hỏi, người ta chưa biết mình là ai mà dám mời mình về nhà ở chung và đối xử như một chính nhân quân tử khi nói: Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, mà người ta nói và làm được, thì mình cũng phải đối đãi với người ta đàng hoàng,” ông kể tiếp.
Ông cho biết: “Lúc đó tôi đi xuyên bang tứ phương, Texas, Alabama, Georgia, California… và chưa một lần bị bắt. Nhóm tôi gồm bảy người, thì hai người bạn đầu tiên là anh em họ với nhau rủ tôi về nhà ở chung, trong đó có một người cùng thương một cô gái, và tôi cũng thương cô gái này. Cuối cùng, để giữ tình bạn, tôi chọn cách ra đi.”“Sau ba, bốn năm theo băng nhóm thì năm 1993-1994 tôi giải nghệ, về bang Massachusetts và ở Boston, vì lúc này bố tôi và ông anh kế đã dọn đến nơi này sống, còn ông anh lớn vẫn ở bang Missouri. Khi đi tay trắng, khi về cũng trắng tay. Bởi vì lúc theo bạn bè, ăn chơi xả láng, coi tiền bạc như rác. Chia tay ‘gác kiếm’ thì chỉ đủ tiền đi máy bay và trả tiền taxi về nhà. Thế nhưng với bố tôi, tôi vẫn là một đứa con nít, ông vẫn mua giày mới, quần áo mới, lúc nào cũng chăm sóc tôi như khi còn bé,” ông trần tình.
Sau khi “gác kiếm” thì ông xin đi làm ở hãng in khoảng hai, ba năm; đến năm 1997 thì quay trở lại làm nghề sửa mái nhà vì nghề này kiếm nhiều tiền hơn.
Ông kể: “Nghề này đi làm dễ lắm, lái xe chạy vòng vòng thấy chỗ nào lợp mái nhà hay gỡ mái nhà, không cần hỏi gì hết, cứ thoải mái leo lên thang, đi một vòng trên mái nhà rồi giả bộ hỏi quản lý ở đâu, dù biết quản lý đang ngồi ở đó. Vì tôi biết trước, quản lý sẽ hỏi mình có biết đi trên mái nhà không, thành thử khỏi cần tới xin việc. Tôi cứ giả bộ đi một vòng trên mái nhà rồi đi xuống, họ thấy rồi thế nào cũng kêu làm. Nghề này nguy hiểm lắm, nên muốn làm được thì phải biết đi trên mái nhà.”“Làm được một thời gian thì tôi giới thiệu hai người bạn vào làm. Tuy nhiên, tới kỳ trả lương nhưng hai người bạn đòi tiền lương chủ không trả. Bực tức vì bạn bị đối xử như vậy, Thứ Bảy đi làm ra tôi lấy hai cây súng bắn đinh rồi lái xe về nhà luôn. Chủ gọi điện thoại cho tôi, tôi mới nói ‘Mày không trả tiền cho bạn tao thì tao giữ cái này’,” ông kể tiếp.
Ông cho hay: “Sau đó họ cho nhân viên hẹn tôi ở tiệm McDonald’s gần nhà tôi, nhưng có cảnh sát theo dõi. Rồi cảnh sát theo tới thẳng nhà, lúc đó tối, trời lạnh. Đó là Tháng Ba, 1998, ở Massachusetts lạnh lắm. Sau khi xuống garage đưa súng bắn đinh cho họ thì cảnh sát còng tay tôi.”“Khi đi lên nhà, anh tôi thấy tôi bị còng thì chửi tục. Rồi cảnh sát xịt hơi cay vào mắt tôi. Anh tôi đang rửa mặt ở bồn rửa chén, vừa rửa vừa tiếp tục chửi tục và thách cảnh sát bắn, và cảnh sát bắn thật, vì họ nói anh tôi chống lại họ. Rốt cục, sau khi ra tòa, cảnh sát chỉ bị giáng chức rồi thôi, trong khi gia đình tôi nhận một cái tang,” ông buồn bã nói.
“Duyên nợ” trở thành người “homeless”
Hai năm sau đó ông bỏ nghề sửa mái nhà, quay trở lại hãng in cho đến năm 2000 thì qua California vì: “Bà cô tôi qua bên này gọi điện thoại về nói là bên này vui lắm, nhiều người Việt ở, cuộc sống rất tốt cho sức khỏe của bố tôi. Thêm vào đó, Massachusetts có quá nhiều kỷ niệm buồn. Rồi hai cha con, mỗi người lái một xe từ Massachusetts qua California.”Sang California, ông làm ở tiệm sửa xe, rồi sửa chữa nhà cửa. Khi cuộc sống dần ổn định thì người bạn đi nhà thờ chung với cha ông làm mai một người phụ nữ cho ông. Nghe lời cha, ông đi cắt tóc dài cho ngắn lại, để gặp người phụ nữ đó.
“Cô ấy người Bình Dương, nhỏ hơn tôi sáu tuổi, làm nghề giữ trẻ. Khi tôi gặp cô ấy là cuối năm 2005, đầu 2006. Lúc đó tôi cũng hơn 40 tuổi rồi, bố tôi nói ăn chơi bao năm như vậy được rồi, giờ lập gia đình để bố có cháu ẵm bồng, nên tôi cũng đồng ý quen,” ông chia sẻ.Ông kể: “Nhưng ở đời khó nhất là làm vừa ý người khác. Cô ấy đòi hỏi quá nhiều, dù chỉ mới quen biết thôi. Tuy nhiên, lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, cô ấy đã mang thai giọt máu của tôi. Thế nhưng, thay vì trân trọng đứa con trong bụng, cô ấy với mẹ cô ấy cứ hăm dọa phá cái thai. Vì đứa con nên tôi với cô ấy cũng nên nghĩa vợ chồng, dù không có đám cưới.”
“Sau khi chính thức có danh phận, cô ấy đòi rất nhiều tiền, và cho rằng tôi giấu tiền không đưa cho cô ấy. Ngày càng nặng nề không khí mùi tiền, vì cô ấy nghĩ tôi làm biết bao nhiêu năm trời thì tiền ở nhà băng rất nhiều. Và oan nghiệt thay, khi bụng mang thai tám tháng, cô ấy lấy đồ giác hơi giác đầy trên bụng, rồi báo cảnh sát là tôi hành hung cô ấy,” ông kể tiếp.Ông tiếp lời: “Tháng Bảy, 2007, tôi bị bắt ba tháng ở tù. Khi đó bố tôi vẫn tin tôi đánh cô ấy. Ở tù chỉ ba tháng mà tôi cảm nhận được mọi sự hành hạ trong này. Rất uất giận, nhưng vì con, tôi bỏ qua. Ra tù giam, tôi bị kết án tiếp ba năm tù treo vì bị quy vào tội bạo hành. Và rồi, cũng vì quấn quýt khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cô ấy lại có mang với tôi đứa con gái.”
“Trò cũ diễn lại. Tôi thật không ngờ cô ấy lại gian ác như vậy. Năm 2008 khi mang thai đứa thứ hai, cô ấy tiếp tục kiện ra tòa là tôi đánh cô ấy, hành hạ cô ấy này nọ. Lúc này ra tòa tôi thắng. Khi đó, bố tôi mới tin những gì tôi nói,” ông chua chát nói.
Ông cay đắng nói tiếp: “Mọi thứ cũng vì tiền. Sau đó, chúng tôi ly thân, bởi vì trong đạo Công Giáo, ly dị rất khó. Đến lúc này cô ấy kiện đòi tiền cấp dưỡng mỗi tháng cho hai đứa con, mỗi đứa là $850. Liên tục cô ấy hăm dọa tôi, cứ hai tháng tôi phải trình tòa một lần. Làm bao nhiêu tiền ra để đưa cô ấy nuôi con nhưng cô ấy không hài lòng, và cho rằng tôi còn giấu tiền ở đâu đó. Sau nhiều lần suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định làm ‘homeless,’ tức không còn tài sản gì cả.”“Thế là tôi bị bắt, nhốt vào tù 10 ngày. Sau khi ra tù, tôi không còn trình diện ở tòa nữa, chính thức trở thành người ‘homeless.’ Nhưng nói gì nói, tôi vẫn nợ cô ấy vì để lại hai đứa con!” ông cười buồn.
Thuốc lá là “người bạn” không thể thiếu của ông. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“Tự do với tôi chua chát quá”
Đến Tháng Mười, 2010, ông chính thức thoát án tù treo sau hai năm tuyên bố là người “homeless.” Và từ năm 2008, khi bước chân vào “thế giới người homeless” đến nay, ông vẫn chưa biết mặt đứa con gái út ra sao.Hỏi ông, từ ngày qua Mỹ đến giờ, ông có hối tiếc gì không? Ông thẳng thắn nói: “Phải chi tôi đừng quen biết người phụ nữ đó thì tốt hơn.”
Và điều hối tiếc nhất với ông, đó là: “Tôi ân hận vì đã liên đới làm người anh ruột bị cảnh sát bắn. Ở trên đời, có có những người bạn không nên quen biết, không nên làm bạn thì tốt hơn. Đến giờ suy nghĩ lại, phải có lý do nào đó mà ông chủ mới không trả lương cho hai người bạn tôi giới thiệu vào làm, trong khi tôi làm thì chủ vẫn trả. Giá như tôi hỏi nguyên nhân, thì tôi đã không làm như vậy, để gây hậu quả cho gia đình mình.”Nhìn lại cuộc đời mình, người đàn ông “homeless” nói rằng: “Ngẫm lại mà hơn 35 năm tôi sống ở xứ tự do này. Nhưng tự do với tôi chua chát quá. Tất cả cũng tại tôi, sai lầm này đến sai lầm khác. Giá như làm lại được, những chuyện buồn sẽ không thể xảy ra.”
Ông kể, ông sinh năm 1963, trong một gia đình gốc Bắc di cư vào Phan Thiết. Ông sinh đẻ ở Phan Thiết, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận nên từ đó ông có tên là Phạm Bình Thuận. Rồi cuối cùng gia đình ông sống ở Đông Xuyên, Cầu Đen, nằm giữa Vũng Tàu với Long Thành, trước khi sang Mỹ.Ông có tất thảy bảy anh em, nhưng mẹ ông đã mất năm 1977 do tai nạn cùng với bốn người em gồm hai trai và hai gái. Năm 1980, ông vượt biên cùng hai người anh, riêng cha ông trễ chuyến tàu nên hai năm sau mới tìm đường vượt biển.
Nói về cuộc sống hiện tại, ông cho rằng: “Bố tôi gần 90 tuổi rồi, ông vẫn sống một mình ở Santa Ana. Thỉnh thoảng tôi có ghé qua nhà để thăm ông. Thật sự mà nói, những chuyện xảy ra như vậy, tôi chẳng muốn làm phiền bố nữa.”
“Đóng vai ‘homeless’ thì tôi phải đóng cho trọn. Ngủ ngoài đường, vòng vòng khu Bolsa, ở xung quanh đường Moran và Dillow. Tôi bị cảnh sát phạt hoài vì cắm trại bất hợp pháp, cứ bao nhiêu giấy phạt thì bị cộng dồn rồi đi làm lao động công ích,” ông nói.Ông cho biết: “Giờ thì tôi được người bạn cho chiếc xe chạy, cũng là chỗ ngủ của tôi và nữ hoàng Bolsa, không còn phải ngủ vỉa hè nữa. Giờ có xe nên một ngày trung bình tôi phải có ít nhất $20. Số tiền này tôi có nhiều cách kiếm, chưa kể có những người tốt giúp vài trăm đô la mà không cho biết tên. Và tôi vẫn làm việc sửa điện nhà, đôi khi đến sòng bài tìm vận may…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét