Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Minh Đức Hoài Trinh và Văn Bút - Sơn Tùng

img034.jpg
Sơn Tùng, Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Anh, Ngô 
Tịnh Yên (tại Đại Hội Văn Bút Quốc Tế Guadalajara)

Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút có thể viết nhiều thể loại khác nhau. Làm thơ, viết văn, truyện dài, truyện ngắn, viết báo. 
Trước 30.4.1975, Minh Đức Hoài Trinh là hội viên Văn Bút Quốc Tế (International P.E.N) thuộc Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (Cộng Hòa) ở Sài-Gòn. Sau 30.4.1975 chị định cư tại Pháp và gia nhập Trung tâm Văn Bút Pháp.
<!> 
Với tư cách này, Minh Đức Hoài Trinh đã tham dự Đại-hội Văn Bút Quốc Tế (International P.E.N Congress) kỳ 42 tổ chức tại Sydney (Úc) năm 1977. Tại đây chị đã lên tiếng tố cáo chính sách đàn áp của CSVN đối với văn nghệ sĩ Miền Nam Việt Nam, và đã khởi đầu một cuộc vận động để thành lập một Trung Tâm Văn Bút cho những người cầm bút Việt Nam lưu vong.
Năm sau, 1978, tại Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 43 ở Stockhom, Thụy Điển, Minh Đức Hoài Trinh đã nạp đơn xin lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại với danh sách 20 hội viên (số hội viên tối thiểu theo đòi hỏi của Điều Lệ VBQT). Đại Hội Đồng bỏ phiếu: thuận và chống ngang nhau với 23 phiếu. Tổng Thư Ký VBQT Alexandre Blokh, dù ủng hộ đơn gia nhập của Việt Nam nhưng đã bỏ phiếu trắng vì không muốn lá phiếu của ông làm thay đổi quyết định của Đại Hội Đồng.
Nỗ lực vận động của Minh Đức Hoài Trinh đã thành công một năm sau, 1979, tại Đại Hội VBQT kỳ 44 ở Rio de Janeiro, Brazil, khi Đại Hội Đồng bỏ phiếu chấp thuận 25/12 để thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Abroad P.E.N Center).
Có thể nói đây là một kỳ công mà ngoài Minh Đức Hoài Trinh không ai khác có thể làm được với thực tế chính trị lúc ấy khi Chiến tranh Việt Nam vừa chấm dứt được vài năm, thế giới đang thở một hơi nhẹ nhõm, đa số các nước có chân trong Văn Bút Quốc Tế mang tâm trạng hèn nhát không muốn làm mất lòng kẻ chiến thắng từng được họ coi như những nhà “giải phóng”. Minh Đức Hoài Trinh đã khôn khéo thuyết phục được sự ủng hộ của ông Tổng Thư Ký VBQT Alexandre Blokh, và vận động lôi kéo được một số đại biểu hết lòng yểm trợ, lên tiếng phát biểu đồng thuận trước Đại Hội Đồng, nhưng quan trọng nhất vẫn là những lời kêu gọi tha thiết của chị với những bằng chứng cụ thể về việc các người cầm bút Việt Nam đang bị ngược đãi và đày ải trong nhà tù.
Thành công của Minh Đức Hoài Trinh tại Văn Bút Quốc Tế lúc ấy làm giới cầm bút người Việt tị tạn rất phấn khởi, nhất là tại Pháp. Khi trở về Paris, chị đã được các sinh viên và nhà văn, trí thức đón tiếp trong không khí mừng vui và cảm động.
Có ai tự hỏi do mãnh lực nào người nữ sĩ mảnh mai yếu đuối ấy, sau khi nước mất nhà tan, vừa đặt chân lên đất định cư mới, trong lúc mọi người đang lo gây dựng lại đời sống của chính mình thì Minh Đức Hoài Trinh đã dành tất cả tâm trí và thì giờ, sức lực, để lo cứu những đồng nghiệp đang gặp nạn ở quê nhà? Đó chính là nét đẹp và cao quý nhất trong đời sống của Minh Đức Hoài Trinh. Có thể nói không nhờ Minh Đức Hoài Trinh thì không bao giờ có cái gọi là Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
Nhưng, nếu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là niềm vui lớn của Minh Đức Hoài Trinh thì cũng là nỗi buồn đã gặm nhấm tâm hồn chị trong những năm về sau. Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại ra đời không bao lâu đã trở thành mục tiêu đả kích và đánh phá của CSVN, khi những nhà văn bị đàn áp và cầm tù ở Việt Nam nhận được sự quan tâm trợ giúp của đồng nghiệp ở hải ngoại qua Văn Bút Quốc Tế và trường hợp của từng người được theo dõi để can thiệp qua Ủy Ban các Nhà Văn bị Cầm tù của VBQT (Writers in Prison Commitee).
Mấy năm đầu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại chỉ gồm một nhóm nhỏ những người cầm bút tại Pháp, đặc biệt là ở Paris. Năm 1982, Minh Đức Hoài Trinh theo chồng di chuyển sang Hoa Kỳ và không còn sinh hoạt với Văn Bút, khi Trung Tâm VBVNHN được mở rộng tới nhiều nước với tám chi nhánh, cũng được gọi là “trung tâm”. Tám “trung tâm” trong một “trung tâm” với những sinh hoạt thu hẹp trong nội bộ ít được bên ngoài biết đến.
Người bên ngoài bắt đầu nghe nhiều về “chuyện Văn Bút” khi xảy ra những xáo trộn nội bộ vào năm 1995, và kéo dài trong nhiều năm. Khởi đầu với một ông chủ tịch mãn nhiệm kỳ muốn “ngồi lại” đã không theo con đường quy định trong bản Điều Lệ, rồi tìm cách “tự phong”, gây ra tình trạng “hai Văn Bút” khiến Văn Bút Quốc Tế phải can thiệp.
Văn Bút Quốc Tế có thiện chí muốn giúp VBVNHN giải quyết vấn đề nội bộ nhưng đã không hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề, nên thay vì giúp giải quyết đã vô tình làm cho nó trầm trọng, rắc rối hơn. Chẳng khác nào thầy lang bắt mạch sai, bốc thuốc lầm xuýt làm chết con bệnh.
Vụ xáo trộn trong VBVNHN lúc đầu chỉ là sự không tôn trọng Điều Lệ của một ông cựu chủ tịch. Thay vì trừng phạt người có tội, ông Tổng Thư ký Blokh, người có thẩm quyền giải quyết, do bị ai đó rỉ tai, lại nghĩ rằng có hai phe xung đột nhau trong VBVNHN, và ông đã nhờ một người đứng ra làm trung gian hòa giải, giúp đưa hai phe lại với nhau.
Người được ông Blokh nhờ làm trung gian hòa giải là ông TrầnThanh Hiệp, Luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris, một người quen biết, có một dạo làm chủ tịch VBVNHN, nhưng đã ra khỏi Văn Bút sau khi hết làm chủ tịch cái hội nhà văn để đi làm chính trị kiểu chủ trương “hòa hợp hòa giải với phía bên kia”.
Trong một văn thư ngắn đề ngày 9.4.1996 có chữ ký của cả chủ tịch và tổng thư ký Văn Bút Quốc Tế khi ấy gửi cho tôi mà nội dung chỉ gồm bảy hàng chữ thông báo đã nhờ ông Trần Thanh Hiệp lập một ủy ban gồm các cựu chủ tịch Văn Bút VN Hải Ngoại để giúp đem hai phía lại với nhau và báo cáo kết quả với Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế họp tại Guadalajara, Mexico, vào tháng 11 năm 1996.
Thời hạn để nhờ ông Trần Thanh Hiệp giúp hòa giải nội bộ Văn Bút VNHN là 6 tháng. Với một người công chính và biết việc có thể giải quyết trong 6 tuần lễ,  nhưng đã được ông Trần Thanh Thiệp kéo dài tới gần 6 năm với kết quả là ông Trần Thanh Hiệp được Văn Bút Quốc Tế “cảm ơn” không mấy vinh dự và sự khai trừ ra khỏi Văn Bút Quốc Tế của 11 người thuộc “phe”  ông “đặc cử” TTH mà ông cho là “chính truyền” và đề nghị Văn Bút Quốc Tế “đăng quang”.
Những gì diễn ra trong gần 6 năm ấy đã làm tâm hồn một số người trong cuộc rỉ máu mà tôi đã ghi lại trong hai cuốn bút ký “Làm Người, Làm Văn, Làm Loạn” (2000) và “Cái Nghiệp Văn Báo” (2013).  Ở đây, tôi chỉ nói về trường hợp của Minh Đức Hoài Trinh.
Như đã nói, Minh Đức Hoài Trinh đã “sinh ra” Văn Bút VN Hải Ngoại, và đã rời khỏi nó vào năm 1982. Đến năm 1996, khi xảy ra vụ khủng hoảng nội bộ Văn Bút VN Hải Ngoại, ông Trần Thanh Hiệp được Văn Bút Quốc Tế “nhờ”, hay do chính ông xin việc, lập ra một ủy ban để giúp hòa giải nội vụ, Minh Đức Hoài Trinh lại được ông Hiệp mời vào cái ủy ban mà ông đặt cho cái tên kềnh càng là “Văn Bút Quốc Tế - Ủy Ban Đặc Cử Tái Thống Nhất Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại” và giao cho chị cái chức “phát ngôn viên” làm cảnh.
Nhưng sau một thời gian ngắn, nhìn rõ thâm tâm của ông Hiệp, Minh Đức Hoài Trinh đã quyết định cùng phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đi tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 63 tại Guadalajara.
Ông Hiệp đã tìm mọi cách ngăn cản, kể cả đe dọa, và đã được Minh Đức Hoài Trinh trả lời bằng một lá thư bảy dòng đề ngày 5.10.1996 với nội dung như sau:
“Dựa theo văn thư đề ngày 3.10.1996 của văn hữu đề cập sự việc tham dự Đại Hội VBQT nhóm họp tại Guadalajara của tôi. Thiết nghĩ việc tôi muốn tham dự Đại Hội này hay không, và đi với ai, đó là quyền cá nhân. Nếu vì lý do đó gây trở ngại cho Ủy Ban Đặc Cử, thì tôi, vốn là Sáng Lập Viên của VBVNHN, kể từ ngày hôm nay không còn là Phát Ngôn Viên của Ủy Ban Đặc Cử do luật sư làm Chủ Tịch nữa.”
Minh Đức Hoài Trinh đã khẳng khái chọn chỗ đứng. Chỗ đứng của người chính trực, của lẽ phải, và lương tâm. Từ đó, Minh Đức Hoài Trinh đã đứng hẳn về phía đối nghịch với ông Trần Thanh Hiệp, qua Đại Hội Văn Bút Quốc Tế ở Guadalajara 1996, rồi Đại Hội Văn Bút Quốc Tế ở Edinburgh 1997, sau khi “Ủy Ban Đặc Cử” đã bị giải tán, nhưng ông Trần Thanh Hiệp vẫn chưa hết can thiệp vào chuyện nội bộ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, dù chỉ là một người ngoài cuộc, để phá hoại.
Trận chiến bất đắc dĩ này đối với những hội viên chân chính trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là một nỗi buồn đến “làm rỉ máu tâm hồn” khi phải nhìn thấy những cái xấu xa, bẩn thỉu, hèn hạ của một số người cũng mang danh trí thức, nhà văn, nhà thơ…được phơi bày ra trước mắt trí thức năm châu.
Tôi đã nhìn thấy nỗi buồn ấy trong đôi mắt của Minh Đức Hoài Trinh khi chị bước vào phòng họp của hai kỳ Đại Hội Văn Bút Quốc Tế ở Guadalajara và Edinburgh để nghe người ngoài phân xử về những tranh chấp giữa người Việt Nam với nhau.
Chắc cảm giác của chị khi ấy khác hẳn với cảm giác khi chị bước vào phòng họp của tổ chức quốc tế này để đánh động lương tâm trí thức năm châu  trước thảm kịch đang diễn ra tại Việt Nam, và vận động thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
Tại Guadalajara, trong bữa ăn trưa riêng giữa ông Blokh và phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Minh Đức Hoài Trinh hơi vui lên một chút vì gặp lại người bạn xưa. Chị tránh không nói gì tới chuyện lủng củng nội bộ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Tôi đã nhân dịp này nói cho ông Tổng Thư Ký Văn Bút Quốc Tế biết sự thật là không có “hai phe” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và đề nghị Văn Bút Quốc Tế đứng ra tổ chức một cuộc bỏ phiếu bằng thư để hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại bầu ra một chủ tịch mới, trong đó tôi sẽ không ra ứng cử. Ông Blokh tỏ vẻ ngạc nhiên, có lẽ ông đã hiểu phần nào sự thật, ông vui mừng chấp thuận đề nghị của tôi và hứa khi trở về London sẽ tiến hành ngay một cuộc bỏ phiếu bằng thư. Vẻ vui mừng cũng hiện ngay trên gương mặt Minh Đức Hoài Trinh. Mọi người đều nghĩ như vậy là cơn ác mộng sẽ sớm chấm dứt. Chúng tôi ra về với niềm vui trong lòng và thông báo cho hội viên như món quà mà mọi người trông đợi
Nhưng, những gì đã diễn ra sau đó lại không như mọi người trông đợi. Ông Trần Thanh Hiệp không thích chuyện Văn Bút được giải quyết mau lẹ và dễ dàng như vậy. Với danh nghĩa chủ tịch “Ủy Ban Đặc cử Tái Thống Nhất VBVNHN”, ông Hiệp có “lộ đồ” của riêng ông cho việc “tái thống nhất”. “Lộ đồ” ấy nó quanh co khúc khuỷu, đầy hầm hố và sẽ không đưa tới đâu mà ông muốn dùng vào mục đích chính trị không mấy trong sáng của mình. Ông đã viết nhiều bài báo, đào sâu thêm hố chia rẽ trong VBVNHN, vu cáo những cá nhân không phục tòng mình và bịa đặt nhiều chuyện hoang đường để phá hoại cuộc bỏ phiếu bằng thư, khiến VBQT phải rút lại sáng kiến ấy.
Hậu quả là đã làm cho cuộc khủng hoảng nội bộ VBVNHN đi đến chỗ bế tắc, mặc dù nhiều người có thiện chí đã cố làm mọi cách để tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng cũng không đi đến đâu mà còn bị vu cáo và phỉ báng, kể cả Minh Đức Hoài Trinh. Chị đã bị vài “hội viên  Văn Bút” xúc phạm với những lời lẽ của hạng người thấp hèn trong khi họ cũng là bác sĩ, giáo sư, nhà văn, nhà thơ…
Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đã thực sự biến thành một vũng bùn do vài kẻ tâm địa đen tối cố tình quậy lên. Cho đến năm 2000, khi Văn Bút Quốc Tế có Tổng Thư Ký mới, Tiến Sĩ Terry Carlbom, ông Trần Thanh Hiệp bị hoàn toàn loại ra ngoài lề, vấn đề Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mới được giải quyết với một “Đại Hội Tái Lập” được tổ chức tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn vào tháng 3 năm 2001 có sự tham dự của Phó Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế, bà Joanne Leedom-Ackerman, và ông Tổng Thư Ký Terry Carlbom.
Theo yêu cầu của hầu hết hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Minh Đức Hoài Trinh lại một lần nữa nhận vai trò thuyền trưởng “con tàu Văn Bút” thêm hai năm. Sau đó, chị mới thực sự gác bút, và “gác kiếm”.
Thật vậy, Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút có một sứ mạng. Chị vừa cầm bút, vừa cầm một thanh kiếm vô hình. Chị không chỉ cầm bút như một nghề, một sinh kế, hay viết để kiếm danh và để cho ngòi bút phiêu du đến những bến bờ vô định. Khi viết văn, làm thơ, hay khi lặn lội tới nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và trên thế giới với tư cách là một ký giả, hay tham gia sinh hoạt tập thể, Minh Đức Hoài Trinh luôn luôn trung thành với một sứ mạng.
Chị có một lý tưởng, một niềm tin, một hoài bão mà trong suốt hơn 50 năm, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù ở lãnh vực nào, chị cũng tận tụy với sứ mạng của một người cầm bút chân chính, bằng tài năng đa dạng, bằng trái tim nhạy cảm của một nghệ sĩ, lòng nhiệt thành của một chiến sĩ, và bằng năng lực phi thường của chị, để nói lên sự thật, tình người, lòng khát khao công lý và tự do của dân tộc Việt Nam.
Bài này được viết để truy điệu chị Minh Đức Hoài Trinh, một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, và một chiến sĩ vừa nằm xuống.
Virginia 15.6.2017
S.T.

Không có nhận xét nào: