Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

TT Trump - 100 ngày: FBI, Quốc Hội điều tra sự can thiệp của Nga

Phó Chủ tịch Uỷ ban tình báo Thượng viện, TNS Mark Warner (bên phải) và Chủ tịch Uỷ ban, TNS Richard Burr (trái) gặp báo chí hôm 29/3/2017, để thảo luận cuộc điều tra của uỷ ban vào vai trò của Nga trong bầu cử Mỹ
<!>
Sự tập trung vào dấu mốc 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã bị phân tán vì nhiều cuộc điều tra về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong số những câu hỏi mà các cơ quan thi hành công lực và Quốc hội Mỹ muốn được giải đáp gồm có: liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow hay không?
Ngày 10 tháng 1: Các viên chức tình báo hàng đầu Hoa Kỳ lần đầu tiên ra điều trần về các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.
Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper:
"Chúng tôi tin chắc rằng Tổng thống Putin vào năm 2016 đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mục đích của chiến dịch này là làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ, bôi nhọ Ngoại trưởng Hillary Clinton và làm tổn hại đến triển vọng bầu cử của bà, và trong trường hợp bà đắc cử, phương hại đến nhiệm kỳ Tổng thống của bà. Ông Putin và chính phủ Nga cũng dần dà nhen nhúm ý tưởng muốn thấy ông Trump đắc cử".
Đấy là những lời tố cáo quan trọng nhưng không mang lại giải đáp trong một trong các vụ bê bối chính trị lớn nhất từng làm rúng động Washington trong nhiều năm qua.
Tiếp theo đó là nhiều tuần lễ với những diễn tiến liên tục tới chóng mặt: cố vấn an ninh quốc gia của Trump từ chức, Bộ trưởng Tư pháp, rồi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện rút ra khỏi cuộc điều tra.
Tiếp theo đó Giám đốc FBI cuối cùng thừa nhận công khai điều mà nhiều người đã đồn đoán trong nhiều tuần lễ: FBI đã bắt đầu điều tra vai trò của Nga từ tháng 7 năm ngoái.
Giám Đốc FBI James Comey phát biểu:
"Tôi đã được Bộ Tư pháp cho phép xác nhận rằng FBI đang điều tra những âm mưu của chính phủ Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 - như một phần trong sứ mệnh phản gián của chúng tôi. Cuộc điều tra bao gồm việc tìm hiểu bản chất của bất kỳ mối liên kết nào giữa các cá nhân tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga".
Như trong bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào, FBI muốn biết liệu có bất cứ tội hình sự nào đã xảy ra hay không.
Ông Trump khẳng định các cáo buộc liên quan tới sự can thiệp của Nga là một tin “giả mạo”, đồng thời nói vụ bê bối thực sự là chính quyền của Tổng Thống Obama đã theo dõi ông và các cộng sự của ông trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Trump nói:
"Tất cả đều là những tin giả mạo. Tin giả mạo."
Ông Richard Ben-Veniste, cựu công tố viên trong vụ tai tiếng Watergate, cho hay cuộc điều tra liên quan tới ông Trump khá nghiêm trọng.
"Vụ này nêu bật những yếu điểm của nền dân chủ của chúng ta cũng như của các nền dân chủ khác trên khắp thế giới trong việc đối phó với những hành động can thiệp thông qua hacking, tung tin thất thiệt và các hình thức gây gián đoạn khác mà chúng ta phải đề phòng."
Các nhà lập pháp Mỹ nói họ muốn biết sự thật cho dù có mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa.
Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện Richard Burr:
"Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi không thể nói hết về nhiệm vụ của ủy ban tình báo Thượng viện, là xem xét tất cả các hoạt động mà Nga có thể đã thực hiện nhằm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ".
Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong năm uỷ ban đã xem xét hành động can thiệp của Nga.
Người ta quay sang chú ý tới uỷ ban này sau khi Chủ tịch uỷ ban tình báo Hạ viện Devin Nunes, người dẫn đầu các cuộc điều tra vào vai trò của Nga, rút lui giữa những lời cáo buộc về việc rò rỉ tài liệu mật.
Để tìm câu trả lời, bảy chuyên gia của uỷ ban -đặc biệt được phép tham khảo tài liệu tối mật, bỏ công ra nghiên cứu hàng ngàn tài liệu tình báo mật. Uỷ ban dự định sẽ thẩm vấn ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, trong số ít nhất 20 nhân chứng được yêu cầu xuất hiện trước uỷ ban.
Các cuộc điều tra của FBI được thực hiện từ hai văn phòng ở hiện trường và trụ sở chính của FBI ở thủ đô Washington.
Để phối hợp các cuộc điều tra, tin cho hay FBI đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm ở Washington.
Trao đổi với VOA, FBI từ chối bình luận.
Được hỏi các cuộc điều tra như thế này thông thường kéo dài bao lâu, Giám đốc FBI James Comey hồi tháng trước trả lời:
"Không có chuyện thông thường ở đây. Thật tình mà nói, không thể nào trả lời câu hỏi này."
Tuy nhiên, theo cựu công tố viên vụ bê bối Watergate Ben-Veniste, cuộc điều tra có thể sẽ kéo dài một thời gian dài nữa trong năm tới.
"Điều đó phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các nhân chứng, các thông tin thu thập bằng những phương tiện điện tử khác nhau có khả năng mang nhiều thông tin hứa hẹn cho các điều tra viên .... nhưng điều chắc chắn là, cuộc điều tra sẽ không kết thúc trong một vài tháng".
So sánh với cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc điều tra vào vụ tai tiếng Watergate trong những năm đầu của thập niên 1970 kéo dài hai năm, và cuộc điều tra vụ tai tiếng Iran Contra trong những năm 1980 kéo dài tới 6 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét