Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 30/3 - Lê Minh Nguyên

Biển Đông: ASEAN và Trung Quốc bàn về COC ở Cam Bốt --- TQ: 'Làm gì có đảo nhân tạo' ở Biển Đông! Đại diện của Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN gặp nhau tại Siem Reap (Cam Bốt) để bắt đầu bàn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt, ông Chum Sounry, cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra trong hai ngày 29 và 30/03/2017.<!>
Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc, hoan nghênh phán quyết của tòa. Dù vẫn còn bất đồng, Bắc Kinh luôn tỏ ra quan tâm đến việc đúc kết một bản quy tắc ứng xử với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, Cam Bốt thường phản đối mọi ý định của ASEAN dựa trên sự đồng thuận, để tố cáo các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, đồng thời thường xuyên ngăn cản các nước thành viên thảo luận các tranh chấp với tư cách là một khối thống nhất.

Phnom Penh Post đã không liên lạc được với các thành viên tham gia cuộc họp để yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, vai trò nước chủ nhà của Cam Bốt nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ phía chuyên gia. Theo ông Pou Sovachana, trợ lý giám đốc Viện Hợp Tác và Hòa Bình Cam Bốt (CICP), được Phnom Penh Post trích dẫn, cuộc họp cấp cao tại Siem Reap có thể giúp Cam Bốt cải thiện danh tiếng đối với các thành viên còn lại của ASEAN, thay vì luôn bị coi là « nước luôn ủng hộ Trung Quốc ».
Tuy nhiên, ông Paul Chambers, thuộc đại học Naresuan Thái Lan, nhận định « Cam Bốt đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán lần này, nhưng đối với Trung Quốc, để làm suy yếu mọi sự phản đối của ASEAN trước hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông ».

Còn ông Sophea Hok, một quan chức của bộ Thông Tin, khẳng định Cam Bốt « chỉ là nước chủ nhà » và cho rằng Trung Quốc và Singapore mới là những nước chủ chốt. - RFI

***
Trung Quốc nói không có cái gọi là đảo nhân tạo nào tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này nói hôm thứ Năm 30/3.
Bắc Kinh lặp lại rằng bất kỳ việc xây dựng nào của Trung Quốc cũng chủ yếu nhằm phục vụ cho các mục đích dân sự.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng biển có giàu trữ lượng tài nguyên này, đã tiến hành bồi đắp đảo và xây dựng các công trình trên một số đảo thuộc Trường Sa, nơi mà các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Các công trình được xây gồm có các sân bay, cảng biển, cùng một số các cơ sở khác, và trong một số trường hợp có liên quan tới việc đổ ra một lượng cát khổng lồ để bồi đắp các bãi đá hoặc các thực thể tự nhiên vốn chỉ nhìn thấy vào lúc thủy triều xuống thành các đảo.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nói rằng có lẽ đã có sự hiểu lầm nào đó, tuy nhiên ông nói đã có những công trình xây dựng mà Trung Quốc hoàn toàn có quyền tiến hành bởi Trường Sa là phần lãnh thổ được thừa hưởng từ lâu đời của Trung Quốc.

"Làm gì có cái gọi là đảo nhân tạo," ông Ngô nói trong cuộc họp báo thường lệ. "Hầu hết các công trình xây dựng là nhằm phục vụ các mục đích dân sự, trong đó có các cơ sở quốc phòng cần thiết."
Khi bị hỏi dồn về lời bình luận trên, ông Ngô từ chối giải thích và nói Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ thông tin về công tác xây dựng của mình.

Hôm thứ Hai, một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc có vẻ như đã gần hoàn tất việc xây dựng các cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Biển Đông, và nay có thể triển khai được các phi cơ chiến đấu và các thiết bị khí tài quân sự khác tại đó vào bất kỳ lúc nào.
Báo The Guardian của Anh dẫn nguồn Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, theo đó nói các hình ảnh thu được hồi tháng này cho thấy có ba căn cứ không quân lớn 'big three' đã được xây dựng.

AMTI nói rằng việc xây dựng được tiến hành trên các bãi đá Subi, Mischief (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn), và Fiery Cross (Đá Chữ Thập), dựa vào kết quả phân tích những hình ảnh có độ phân giải cao chụp từ vệ tinh trong thời gian hai năm.

Bắc Kinh liên tục bác bỏ các cáo buộc rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, nơi có tuyến giao thương hàng hải quan trọng trị giá chừng 5 nghìn tỷ đô la qua lại mỗi năm. - BBC

2.
Trung Quốc đóng tầu đổ bộ tấn công cực lớn

Trung Quốc đã bắt đầu đóng một thế hệ tầu đổ bộ tấn công mới nhằm tăng cường vai trò của lực lượng hải quân trong việc phô trương sức ở nước ngoài. Những chiếc tầu này sẽ giúp Bắc Kinh quyết đoán hơn trong yêu sách chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tăng cường đội tầu tuần tra tại eo biển Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang trở nên căng thẳng.
Theo một số nguồn tin quân sự, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 30/03/2017 trích dẫn, tầu đổ bộ chở trực thăng 075 LHD (Landing Helicopter Dock) hiện đang được một công ty đóng tầu ở Thượng Hải chế tạo. Chiếc tầu lội nước này có kích thước lớn hơn các tầu tương tự được thiết kế trước đó cho Hải Quân Trung Quốc.

Giới chuyên gia quân sự cho biết kiểu tầu 075 LHD có thể đóng vai trò một hàng không mẫu hạm, là nơi cất cánh của nhiều loại trực thăng khác nhau để tấn công tầu đối phương, các lực lượng trên bộ, hoặc tầu ngầm ở Biển Đông.

Quyết định đóng chiến hạm lớn nhất được đưa ra vào lúc Trung Quốc nâng tầng quan trọng của lực lượng hải quân trong việc xác quyết chủ quyền ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng tăng số lượng tầu tuần tra gần Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên căng thẳng hơn kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống.
Theo thiết kế, tầu 075 LHD có trọng lượng rẽ nước 40.000 tấn, dài 250 mét, có thể chứa ít nhất 30 máy bay trực thăng được trang bị vũ khí. Nhà sản xuất là tập đoàn Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua Shipbuilding) ở Thượng Hải. - RFI

3.
Nga muốn mở rộng ảnh hưởng ở vùng Bắc Cực

Diễn Đàn Quốc Tế về Bắc Cực lần thứ tư được tổ chức từ ngày 28 đến 30/03/2017, tại Arkhangelsk, Nga, với sự tham dự của tất cả các nước nằm kế cận Bắc Cực (Canada, Hoa Kỳ, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Greenland) cũng như các quốc gia quan tâm đến những thách thức thương mại tại đây, như Trung Quốc, Nhật Bản. Bởi vì Bắc Cực có một vị trí chiến lược về mặt quân sự và thương mại. Nhất là khi nhiệt độ trên trái đất tăng, làm tan băng, giúp cho việc khai thác trở nên dễ dàng hơn. Do vậy, từ nhiều năm qua, Nga đã không dấu diếm tham vọng của mình đối với vùng Bắc Cực.
Thông tín viên Muriel Pomponne từ Matxcơva cho biết thêm thông tin :

Dimitri Rogozine, phó thủ tướng Nga phụ trách tổ hợp công nghiệp quân sự, ngay từ năm 2015, đã giải thích : Bắc Cực, đó là lãnh thổ của chúng ta và chúng ta sẽ bảo đảm an ninh cho khu vực này. Chúng ta cũng sẽ làm ăn tại đây.
Để khẳng định sự hiện diện của mình, Nga đã triển khai một hạm đội 40 tàu phá băng tại vùng này, trong đó có một tàu phá băng mới của quân đội. Nga cũng xây dựng tại Bắc Cực một căn cứ và tổ chức các cuộc tập trận trên quy mô lớn.

Thế nhưng, Nga rất muốn chứng minh rằng thềm lục địa của nước này trải dài, vượt ra ngoài giới hạn 200 hải lý hiện nay, để đòi thêm 1,2 triệu cây số vuông.
Bởi vì Bắc Cực chiếm tới 20% trữ lượng dầu lửa của thế giới và khác với Nam Cực, lãnh thổ này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các thỏa thuận quốc tế. Nơi đây thu hút sự quan tâm của các tập đoàn dầu khí lớn. Ví dụ dự án khí đốt rất lớn của hãng Total đang được hoàn tất, ở phía bắc bán đảo Yamal.

Nga không chỉ muốn khai thác vùng này mà còn muốn kiểm soát các hoạt động trung chuyển dầu khí thông qua tuyến đường mới ở phía bắc, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Các nước kề cận như Canada, Hoa Kỳ, Na Uy, Đan Mạch cũng muốn tham gia kiểm soát tuyến đường này mới này. - RFI

4.
Ngoại trưởng Mỹ công du Thổ Nhĩ Kỳ với trọng tâm là hồ sơ Syria

Ngày 30/03/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lịch trình, ông Tillerson hội đàm với thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và gặp tổng thống Recep Erdogan. Phía Mỹ tập trung thảo luận về tình hình Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ dường như không muốn thay đổi lập trường và muốn nêu hồ sơ trục xuất giáo sĩ Fethullah Gülen, bị Ankara coi là chủ mưu vụ đảo chính hụt hồi giữa tháng Bẩy năm 2016.
Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette tường trình :

Hoa Kỳ đã giữ khoảng cách rất xa đối với cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ankara và các nước châu Âu trong những tuần gần đây, liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tăng quyền hạn cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhìn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thì tân chính quyền Mỹ vẫn có thái độ không rõ ràng và chính quyền Ankara chờ đợi xem Washington sẽ phản ứng ra sao trên các hồ sơ chủ chốt.
Trước tiên là việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen, đang lưu vong tại Mỹ và bị Ankara tố cáo là chủ mưu vụ đảo chính hụt. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng là Hoa Kỳ sẽ bớt cứng rắn hơn trong việc trục xuất nhân vật này. Tiếp theo là hồ sơ Syria và vấn đề người Kurdistan. Thổ Nhĩ Kỳ có hai yêu sách: Mỹ ngừng ủng hộ lực lượng du kích Kurdistan mà Ankara coi là khủng bố và việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch đánh chiếm Raqqa.

Tóm lại, chuyến công du của ngoại trưởng Tillerson diễn ra trong lúc Ankara có nhiều yêu sách đối với Washington, đó là những yêu sách mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ dường như không sẵn sàng thương lượng, bất chấp cái giá phải trả. - RFI

5.
Quan hệ Mỹ-ASEAN: 5 khuyến cáo cho chính quyền Trump

Với tất cả những tiết lộ khác nhau về các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, giới phân tích càng lúc càng lo ngại trước điều được cho là sự thờ ơ tương đối của tân chính quyền Mỹ đối với Đông Nam Á so với thời Obama. Tuy nhiên, chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 30/03/2017 đã cho rằng nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy là chính sách can dự vào châu Á của chính quyền Donald Trump vẫn là một sự tiếp nối của đường lối ngoại giao Mỹ nói chung, chứ không phải là một sự đoạn tuyệt như nhiều người bi quan thường nghĩ. Trong chiều hướng đó, tờ báo đã nêu bật 5 điểm mà Hoa Kỳ cần chú ý trong chính sách Đông Nam Á của mình.

Theo Prashanth Parameswaran, tác giả bài phân tích dài mang tựa đề « Trắc nghiệm ASEAN thực thụ của (tổng thống Mỹ) Trump - Trump’s Real ASEAN Test », tân tổng thống Mỹ Donald Trump thoạt đầu đã khiến cả Đông Nam Á lo ngại với ba quyết định được cho là phản ánh một chính sách đối ngoại theo kiểu « America First – Nước Mỹ trên hết » : Rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, đặt lại câu hỏi về chính sách Một nước Trung Hoa duy nhất và cấm cửa công dân từ 7 nước Hồi Giáo (dẫn tới những tin đồn vô căn cứ về khả năng mở rộng ra một số quốc gia Đông Nam Á).
Tuy vậy, theo The Diplomat, phải thấy rằng chính quyền Donald Trump chỉ mới ở những ngày đầu, và chính sách đối ngoại còn đang sơ khai. Trong bối cảnh đó, đã có một số dấu hiệu tích cực :

Đầu tháng Ba này, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp các đại sứ và đại biện của các quốc gia ASEAN tại Washington, và đã cố trấn an về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực. Bên cạnh đó, mặc dù việc bổ nhiệm dàn nhân sự chuyên trách tiến triển chậm hơn so với các chính quyền trước, nhưng các nhà ngoại giao và quan chức các nước ASEAN cũng đã bắt đầu tiếp xúc được với các quan chức chính quyền Trump ở các cấp khác nhau để lên kế hoạch thăm viếng cho năm nay.

Sắp tới đây sẽ có hai sự kiện quan trọng : Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ thăm Indonesia trong khuôn khổ một vòng công du châu Á rộng lớn hơn, và một cuộc họp giữa ngoại trưởng Tillerson và các đồng nhiệm ASEAN.

Theo The Diplomat, vào lúc chính sách Đông Nam Á của chính quyền Trump bắt đầu hình thành, điều quan trọng là chính sách đó phải giúp Mỹ duy trì được vai trò một cường quốc Thái Bình Dương, có năng lực và quyết tâm củng cố an ninh, thịnh vượng và dân chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, biết cộng tác với nước Đông Nam Á để đối phó với những thách thức chung theo chiều hướng vừa thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ nhưng vẫn bảo đảm sao cho các đối tác giữ được quyền tự chủ và tự do hành động của họ.

Muốn thế thì theo bài báo, cần phải thực hiện năm điều :

Tiếp tục tập trung mối quan tâm vào Châu Á
Trước tiên hết, theo The Diplomat, chính quyền Trump phải đảm bảo rằng Hoa Kỳ vẫn tập trung vào châu Á trong chính sách đối ngoại.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trên thế giới thường không phù hợp với vị trí của nó trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, với việc Washington thường xuyên bị phân tâm vì lo lắng đến các khu vực khác từ Balkans đến Trung Đông.

Chính sách tái cân bằng gần đây chính là một nỗ lực nhằm điều chỉnh lại vấn đề, với việc Mỹ ưu tiên cho châu Á nhưng vẫn tiếp tục giải quyết các mối quan ngại ở các nơi khác trên thế giới, điều mà bất kỳ một siêu cường toàn cầu nào đều làm.
Mặc dù có thể không chấp nhận thuật ngữ tái cân bằng, nhưng chính quyền Trump nên thể hiện tinh thần của nó và giảm bớt mối quan ngại về khả năng Hoa Kỳ lơ là khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Ngày nay, khi nói chuyện với một quan chức ngoại giao Đông Nam Á, khó tránh được đề tài Hoa Kỳ lại có thể bị lôi cuốn vào khu vực khác - có thể là Trung Đông – và xa rời châu Á…

Đối với The Diplomat, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump là làm sao gạt bỏ được mối quan ngại là quan điểm Nước Mỹ Trên Hết sẽ tác hại đến một chính sách đối ngoại theo hướng Châu Á Trước Hết.

Xây dựng lại nền tảng của sức mạnh Mỹ

Điểm thứ hai là chính quyền Trump nên xây dựng lại nền tảng tạo nên sức mạnh của Hoa Kỳ vốn là cơ sở giúp Mỹ dấn thân lâu dài vào vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Cho dù những dự báo về ngày tàn của Mỹ đã bị phóng đại quá mức…, phải nói là chính sách tài chính thiếu trách nhiệm và những chệch choạc chính trị mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua đã làm tăng thêm nỗi lo về sức mạnh của Hoa Kỳ.

Mặc dù đây là nhiệm vụ của nhiều chính phủ, nhưng chính quyền của tổng thống Trump đang có cơ hội bắt tay vào việc xây dựng nền móng tại Hoa Kỳ cho chính sách của Mỹ ở Châu Á
Về phương diện quân sự, điều này đang được tiến hành với triển vọng rất khả quan nhờ ngân sách quốc phòng dồi dào hơn, không còn bị khống chế. Nhưng vế quân sự phải được cân bằng với những động thái trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, bằng không thì Mỹ có thể bị chỉ trích là có chính sách quá nặng về quân sự.
Về phía kinh tế, chính quyền Trump phải giải quyết các vấn đề mang tính chất cơ cấu như phát triển cơ sở hạ tầng và đưa ra được một chính sách thương mại phù hợp hơn với mong muốn của đa số dân Mỹ. Việc rút ra khỏi Hiệp Định TPP buộc chính quyền phải tiến bước với một số sáng kiến kinh tế thay thế, kể cả với một vài thỏa thuận song phương quan trọng hoặc một vài hình thức sắp xếp nhỏ khác.

Tìm thế cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung

Điểm thứ ba, chính quyền Trump phải tìm được thế cân bằng trong việc vừa hòa dịu, vừa cảnh giác trong quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù các chính quyền Mỹ vẫn thường cho thấy là thoạt đầu họ luôn gặp khó khăn khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, tuy nhiên, dù đúng hay sai, thì nhiều nhà quan sát nghiêm túc ở Đông Nam Á đều đã có cảm giác là chính quyền Trump thay đổi quá đột ngột, từ một lập trường cực kỳ hiếu chiến, qua một thái độ quá mềm mỏng.

Một ví dụ được The Diplomat nêu lên là hiện đang có tâm lý hoài nghi về khả năng chính quyền Trump đã « đi đêm » với Bắc Kinh trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, và hy sinh các vấn đề khác như Biển Đông. Mặc dù những nỗi lo ngại đó hoàn toàn sai lạc, nhưng tại vùng Đông Nam Á, các cảm nhận có thể nhanh chóng biến thành suy nghĩ thực.

Chính quyền của tổng thống Obama được cho là đã làm tốt hơn trong việc lôi kéo Trung Quốc thay vì đối đầu trên những vấn đề không cần thiết. Chính quyền Trump cần sớm tìm ra thế cân bằng tốt hơn và báo hiệu điều này cho khu vực biết, bởi vì điều đó sẽ quyết định cách tiếp cận của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc…
Trên bình diện này, các nước Đông Nam Á sẽ xem xét kỹ lưỡng hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào tháng 4. Việc đạt được thế cân bằng cũng sẽ làm tăng khả năng làm việc của chính quyền Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, về cách đối phó với một Trung Quốc đang vươn lên, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nước này.

Thận trọng xử lý các mối đe dọa
Điểm thứ tư là chính quyền Trump nên dấn thân vào vùng Đông Nam Á không chỉ thông qua lăng kính của những mối đe dọa hạn hẹp đối với Mỹ, mà là nhằm vào những lợi ích lâu dài.

Việc yêu cầu các các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN cố gắng nhiều hơn để giúp Hoa Kỳ giải quyết những vấn đề quan trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ - chống lại Nhà Nước Hồi Giáo hay đối đầu với Trung Quốc - có thể đạt hiệu quả nếu được làm đúng. Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng phải thấy rằng một chính sách Trung Quốc không cân bằng, hoặc là một mối đe dọa liên quan đến chủ nghĩa khủng bố bị đánh giá là quá mức, cũng có thể khiến cho cư dân các nước Đông Nam Á thiếu tích cực trong việc ủng hộ Mỹ, hay cũng như hạn chế phạm vi hoạt động của giới hoạch định chính sách…
Tương tự như vậy, ngay cả khi việc ông Trump tham gia các hội nghị thượng đỉnh tại châu Á còn được chú ý hơn Obama, thì chính quyền của ông phải chứng minh rằng họ ủng hộ chính sách đa phương ở Đông Nam Á . Cho dù ASEAN làm việc chậm chạp, thì các nước Đông Nam Á và ASEAN là một tác nhân quan trọng trong việc giúp ông Trump và các cố vấn của ông đối phó với những thách thức mà họ cho là quan trọng như khủng bố và an ninh hàng hải.

Cho dù ông Trump và những thành viên khác trong chính phủ của ông phải kiên nhẫn khi dự những cuộc họp thượng đỉnh như vậy, thì đấy cũng là cơ hội để tiến hành những cuộc gặp gỡ song phương quan trọng với nhiều nước khác bên lề hội nghị, kể cả với chủ tịch ASEAN (Philippines năm 2017, Singapore 2018). Song phương và đa phương không hề mâu thuẫn với nhau.

Xử lý đúng đắn vấn đề nhân quyền và dân chủ
Điểm cuối cùng là chính quyền Trump cần bảo đảm rằng dân chủ và nhân quyền vẫn là trụ cột của chính sách châu Á của Mỹ. Ông Trump thường được mô tả là ít quan tâm đến việc thúc đẩy giá trị của Mỹ mà chỉ quan tâm đến những quyền lợi thương mại hẹp hòi.

Theo The Diplomat, xử sự không đúng trên vấn đề các quyền (tự do) thật sự là một sai lầm, vì điều đó cho thấy là Mỹ muốn vứt bỏ dân chủ và nhân quyền đối với một số quốc gia như Thái Lan hay Philippines, và sẽ giảm đi khả năng gây sức ép của Mỹ trên các quốc gia này…
Vạch ra một đường lối rõ ràng cũng giúp cho ê kíp của ông Trump đi trước các sự kiện, với các cuộc bầu cử ở Malaysia và Cam Bốt trong năm tới đây, với khả năng diễn ra những thay đổi quan trọng hay phản ứng dữ dội… - RFI

Tin Hoa Kỳ
6.
Ông Trump sẽ tiếp ông Tập tại Florida

Trung Quốc xác nhận thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Hoa Kỳ và gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida vào ngày 6 và 7 tháng Tư.

Thương mại sẽ là chủ đề chính trong cuộc trao đổi giữa hai người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh chuyện Bắc Hàn.
Quan hệ hai nước đã có khởi đầu khá chông gai khi ông Trump sau khi đắc cử đã nhận cuộc điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan, thế nhưng đã sự căng thẳng đã dịu xuống khi tổng thống Hoa Kỳ tái thừa nhận chính sách "Một Trung Quốc".

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng Mười Hai, ông Trump đã tỏ ý nghi ngờ khi nói rằng: "Tôi hoàn toàn hiểu chính sách 'Một Trung Quốc', nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta phải chịu theo chính sách 'Một Trung Quốc' trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc liên quan tới các vấn đề khác, trong đó gồm cả vấn đề thương mại."
Tuyên bố này khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng rằng chính sách "Một Trung Quốc" là cơ sở để đặt quan hệ với Washington.

Tuy nhiên, ông Trump đã làm giảm căng thẳng bằng việc gọi điện thoại cho ông Tập hồi giữa tháng Hai, ủng hộ 'Một Trung Quốc'.
Tổng thống Hoa Kỳ nói cuộc trao đổi 'rất nồng ấm', và nói thêm: "Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất, rất tốt vào đêm qua, và đã thảo luận về rất nhiều chủ đề. Đó là một cuộc nói chuyện dài."

Bắc Hàn cũng sẽ là một vấn đề then chốt được bàn tới.
Ông Trump nói Trung Quốc 'đã không làm được mấy để giúp đỡ' trong vấn đề Bắc Hàn, một quốc gia ma ông gọi trong một tin đăng trên twitter là 'hành xử rất xấu'.
Quyết định chọn Mar-a-Lago làm địa điểm gặp gỡ khiến cho quy mô và tầm cỡ của cuộc gặp cấp nhà nước phần nào bị giảm nhẹ

Ông Tập trở thành nhà lãnh đạo thứ hai trên thế giới tới đây, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng Hai. - BBC

7.
TT Trump ký luật S.305, chỉ định ngày 29/3 là Ngày Cựu chiến binh Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký dự luật S. 305 thành luật hôm thứ Ba 28/3, khuyến khích việc treo quốc kỳ Mỹ vào ngày 29/3 hàng năm để tôn vinh Ngày Cựu chiến binh Việt Nam.
Theo tin từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump viết trên Tweeter:

"Tối nay tôi rất tự hào đã ký dự luật S. 305, khuyến khích trưng bày quốc kỳ Hoa Kỳ vào Ngày Cựu chiến binh Việt Nam hàng năm, ngày 29/3".
Phó Tổng thống Mike Pence hôm thứ Tư cũng lên Tweeter ca ngợi Tổng thống ký thành luật dự luật tôn vinh các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu Việt Nam.

Thứ Tư vừa rồi đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Cách đây đúng 44 năm vào ngày 29/3/1973, các binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Chương trình tin tức của đài FOX trích lời Tổng thống Nixon thời bấy giờ tuyên bố  rằng: "ngày mà chúng ta mong đợi và cầu nguyện cuối cùng đã đến."
Đài truyền hình FOX nhắc lại rằng nhiều cựu chiến binh đã bị đối xử tồi tệ sau khi hồi hương về nước vì nhiều người chống đối chiến tranh Việt Nam, và đổ lỗi cho các quân nhân về tình hình bi thảm ở Việt Nam.

44 năm sau, các cựu chiến binh giờ đã được thừa nhận và chính thức vinh danh nhờ nỗ lực của Thượng nghị sĩ Joe Donnelly, đại diện bang Indiana.
Ông Donnelly và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ bang Pennsylvania Pat Toomey là đồng tác giả của Dự luật S. 305, công nhận các cựu chiến binh Mỹ chiến đấu tại Việt Nam.

Thông báo do Thượng nghị sĩ Donnelly công bố sau khi  dự luật do ông tiến cử trở thành luật, có đoạn viết:
"Vào cuối cuộc chiến, rất nhiều cựu chiến binh của chúng ta trở về từ chiến trường Việt Nam đã không được giang tay chào đón, những cống hiến của họ không được công nhận. Dự luật lưỡng đảng này sẽ giúp đất nước chúng ta vinh danh thế hệ cựu chiến binh đã dạy chúng ta thế nào là lòng yêu nước và phụng sự tổ quốc. Họ xứng đáng được tôn vinh về cống hiến và hy sinh của họ. Tôi vui mừng được làm việc với Thượng nghị sĩ Toomey để cổ vũ cho Ngày cựu chiến binh Việt Nam."

Dự luật này được Thượng viện phê duyệt với sự ủng hộ của lưỡng đảng hôm 8/2, và được Hạ viện thông qua hôm 21/3. Tổng thống Trump ký dự luật ấy thành luật, có hiệu lực từ đêm 28/3.
Trong số 2.7 triệu binh sĩ Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam, hơn 58.000 binh sĩ đã hy sinh và hơn 304.000 người bị thương, theo Military Times. - VOA

8.
Mỹ: Thượng Viện chính thức điều tra vụ Nga xen vào bầu cử tổng thống

Chủ tịch Uỷ Ban Tình Báo của Thượng Viện Mỹ hôm nay 30/03/2017 chính thức mở cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua theo hướng có lợi cho ứng viên Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Richard Burr, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo của Thượng Viện Mỹ hôm qua phát biểu trong cuộc họp báo là mục đích của phiên điều trần hôm nay là cung cấp thông tin cho công chúng, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp nơi trên thế giới biết về những gì Nga đã làm.

Theo thượng nghị sĩ Burr, ủy ban điều tra của Thượng Viện có trách nhiệm cho tất cả mọi người biết thông tin vì các nước hiện đang phải đối đầu với nạn vu khống ứng viên tổng thống, và nước Mỹ nên cảnh báo các nước sắp có bầu cử về khả năng và ý đồ của Nga.
AFP cho biết cũng trong cuộc họp báo này, thượng nghĩ sĩ Burr khẳng định là Matxcơva cũng can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống ở Pháp.

Ứng viên tổng thống cực hữu Marine Le Pen của Pháp hôm thứ Sáu tuần trước đã được tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp tại điện Kremlin. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin khẳng định Matxcơva không can thiệp vào bầu cử tổng thống Pháp.
Thẩm phán liên bang ở Hawai gia hạn lệnh đình chỉ sắc lệnh di trú mới của TT Donald Trump trên toàn quốc

Thẩm phán Derrick Watson giải thích là quyết định đình chỉ tạm thời mà ông đưa ra hôm 15/03 đã thành mệnh lệnh chính thức và bắt buộc phải thực hiện. 
Tổng chưởng lý Hawai Doug Chin cho biết là lệnh này sẽ có hiệu lực vô thời hạn và chính quyền của tổng thống Donald Trump không thể thực thi sắc lệnh di trú. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ sẽ kháng quyết. - RFI

Tin Việt Nam
9.
Việt Nam xác minh căn cứ quân sự Trung Quốc ở Trường Sa

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất chuỗi căn cứ quân sự ở Trường Sa. Đó là phát biểu của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra trong ngày 30/3.
Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Trung Quốc và Philippines sẽ đàm phán song phương về biển Đông, và nhắc lại quan điểm của Việt Nam là khuyến khích các quốc gia giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

Ngoài ra, ông Lê Hải Bình cũng nói thêm Việt Nam ủng hộ cuộc họp giữa đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và đánh giá cao tính quan trọng của bộ quy tắc này trong việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
Trung Quốc bác cáo buộc xây sân bay ở Trường Sa

Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 3 lên tiếng nói không hề có cái gì gọi là ‘đảo nhân tạo’ tại khu vực Biển Đông và lặp lại luận điểm là mọi hoạt động xây dựng ở đó chủ yếu cho mục tiêu dân sự.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng như vừa nêu sau khi vào ngày 27 tháng 3 vừa qua Nhóm Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ công bố báo cáo nêu rõ Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng 3 sân bay để đáp các máy bay chiến đấu ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Báo cáo của CSIS dựa vào những bức hình vệ tinh chụp được và đi đến kết luận các đường băng, nhà vòm chứa máy bay, khu vực đặt radar và công trình đặt tên lửa đất đối không kiên cố đã hoặc gần hoàn tất.
Các cơ sở này được xây dựng trên ba bãi đá là Subi, Vành khăn và Chữ Thập. Việt Nam hiện đòi chủ quyền đối với toàn bộ các bãi này. - RFA

10.
Nông sản tồn kho vì Trung Quốc ngưng thu mua

Hàng loạt sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang bị ép giá và lâm vào tình trạng tồn hàng do phát triển tự phát và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết những tháng đầu năm, đặc biệt là dịp giáp tết nguyên đán, giá thành thịt heo giảm sút mạnh do Trung Quốc bất ngờ ngừng mua khiến người dân phải chịu thua lỗ nặng. Hiện tại giá heo đã tăng lên nhưng không đáng kể và người dân vẫn chưa dám nuôi nhiều vào thời điểm này.

Gà lông trắng cũng bị giảm giá mạnh hồi đầu tháng 3 do số lượng gà quá nhiều mà Trung Quốc lại hạn chế mua. Hiện tại giá gà mới bắt đầu rục rịch tăng lên do nhu cầu tăng và gà Mỹ đang tạm dừng nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng nông sản khác bị ảnh hưởng do Trung Quốc đột ngột ngừng mua, bị ép giá hoặc không tiêu thụ được dẫn đến tồn hàng như dưa hấu ở Sóc Trăng, chuối ở Đồng Nai, chanh dây ở Gia Lai… - RFA

11.
Việt-Mỹ thảo luận tăng cường thương mại song phương

Hoa Kỳ và Việt Nam trong hai ngày 27 và 28 tháng 3 có vòng họp trong khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) của hai nước tại Hà Nội để thảo luận biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại cũng như giải quyết các vấn đề thương mại song phương còn tồn tại. Trong cuộc họp, các đại diện của Mỹ đã kêu gọi Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề song phương, bao gồm các vấn đề liên quan đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, thương mại số, dịch vụ tài chính, hải quan, hàng công nghiệp, minh bạch và quản trị tốt, và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Hai bên cũng nhất trí khởi động các nhóm công tác tập trung giải quyết các vấn đề song phương, bắt đầu với các nhóm về các vấn đề nông nghiệp và an toàn thực phẩm, hàng công nghiệp, các vấn đề sở hữu trí tuệ và thương mại số.

Phía Mỹ cũng đã xem xét việc thực hiện hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO của Việt Nam, cũng như sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định Công nghệ Thông tin mở rộng của WTO.

Đây là cuộc họp TIFA đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 2011 và được phía Mỹ coi trọng và đánh giá như cơ hội để khẳng định lại cam kết của Chính phủ Tổng thống Donald Trump về mở rộng quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hoá lớn thứ 16 của Mỹ, với thương mại hàng hoá hai chiều đạt 52,3 tỷ USD. Cũng trong năm 2016, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 10 của Mỹ với kim ngạch đạt 2,7 tỷ USD. - RFA

12.
Việt Nam chỉ trích giải Phụ nữ Dũng Cảm vinh danh blogger “Mẹ Nấm”

Việt Nam hôm thứ Năm chỉ trích giải Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh blogger và cũng là nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bà Quỳnh thường được biết đến dưới bút danh "Mẹ Nấm". 

Bà Quỳnh, 37 tuổi, bị bắt giam hồi tháng 10/2016 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Bà là một trong 13 phụ nữ trên toàn thế giới được Đệ nhất Phu nhân Melania Trump trao Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói việc trao giải cho một người bị điều tra vì vi phạm luật pháp Việt Nam là "không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước".

Việt Nam gần đây rất quan tâm đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Như bất kỳ nước nào khác, Việt Nam sẽ mất mát nhiều khi ông Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Việt Nam ngoài ra đang tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông và vì vậy đã tăng cường liên minh với Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Barack Obama.

Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Quỳnh vì "đã viết nhiều blog về các vấn đề môi trường và nhân quyền ở Việt Nam, đưa ra các luận cứ chặt chẽ để truyền cảm hứng cho thay đổi và minh bạch hơn".

Mặc dù Việt Nam có những cải cách sâu rộng về kinh tế và ngày càng cởi mở đối với những thay đổi xã hội, trong đó có quyền của người đồng tính và chuyển giới, Đảng Cộng sản vẫn duy trì kiểm duyệt chặt chẽ với truyền thông và không khoan nhượng đối với những lời chỉ trích. - VOA

13.
Tình trạng ‘sếp nhiều như nhân viên’ trong bộ máy hành chính Việt Nam

Trong những ngày cuối tháng 3, các đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam về cải cách bộ máy hành chính đã làm việc với một loạt các tỉnh. Đầu tháng này, các đoàn giám sát cũng làm việc với một số bộ.
Báo chí Việt Nam tường thuật rằng sau các cuộc làm việc này, các đoàn giám sát một lần nữa xác định rằng một số tỉnh, bộ có số lượng lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên, một tình trạng đã tồn tại trong những năm gần đây và hiện chưa có dấu hiệu gì sẽ cải thiện.

Chưa có thống kê đầy đủ được công bố chính thức về tình trạng tại các bộ và các tỉnh, nhưng thông tin trên báo chí nêu lên những con số bị đánh giá là “khó coi”.
Tại Bộ Giao thông Vận tải, Vụ Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên; Vụ Tổ chức Cán bộ có 8 lãnh đạo, 14 chuyên viên, Cục Đường sắt 30 lãnh đạo, 72 chuyên viên. Nhiều đơn vị số lãnh đạo vượt cả số nhân viên, như Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Tương tự, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông có tỉ lệ lãnh đạo trên nhân viên là 41/31. Thậm chí Cục Quản lý Xây dựng Đường bộ có số lượng lãnh đạo gần gấp đôi nhân viên là 28/15.

Tình trạng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không sáng sủa hơn. Tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động ở Vụ Tổ chức cán bộ 11/11, ở Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục là 20/26.
Trong số các tỉnh, Thanh Hóa gây chú ý vì có nhiều đơn vị có số lãnh đạo cao hơn nhân viên. Sở Tư pháp tỉnh có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động. Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 6 phó giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến cuối năm 2016 có 5 phó giám đốc.

Không dừng ở đó, một số đơn vị của tỉnh chỉ có lãnh đạo mà không hề có nhân viên, như Qũy Bảo trợ Trẻ em chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó và không có nhân viên. Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử cũng có một cấp trưởng và hai cấp phó.
Hai tỉnh khác được báo chí nhắc đến vì có vấn đề tương tự là Quảng Ninh và Hải Dương với các tít báo như “Đề nghị Quảng Ninh không để tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên” trên báo Tiền Phong, hay “Hải Dương: Lãnh đạo nhiều gấp 2 lần nhân viên” trên báo Người Lao Động.

Giải trình với đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói việc bổ nhiệm cán bộ của họ là theo đúng quy định của chính quyền trung ương.
Lý giải về điều tưởng như là nghịch lý này, chuyên gia Đinh Duy Hòa viết trong một bài đăng trên trang VietnamNet: “Tỉnh quyết sở ấy có bao nhiêu biên chế, ví dụ sở A có 45 người. Theo quy định của trung ương, sở A được tổ chức 5 phòng. Như vậy tổng lãnh đạo của sở A sẽ gồm giám đốc sở, cộng 3 phó giám đốc sở, cộng 5 trưởng phòng, cộng 10 phó trưởng phòng, bằng 19 người (công chức lãnh đạo phòng tối đa là 3). Trong thực tế sẽ có phòng có 4 hoặc 5 biên chế, như vậy rõ ràng công chức lãnh đạo là nhiều hơn nhân viên, nhưng vẫn đúng quy định”.

Từng là Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ, đã nghỉ hưu năm 2014, chuyên gia Hòa cũng giải thích về công tác nhân sự ở cấp bộ trong bài viết của mình: “Mỗi bộ được tổ chức bao nhiêu vụ, cục; vụ nào được tổ chức bao nhiêu phòng [điều đó] được quy định trong nghị định của Chính phủ. Cái này thì bộ cũng như tỉnh đều chấp hành nghiêm chỉnh. Chuyện còn lại là của bộ: Quyết định vụ B bao nhiêu người, bổ nhiệm vụ trưởng và phó vụ trưởng, trưởng và phó trưởng phòng trong vụ (giả sử theo quy định của Chính phủ, vụ có 3 phòng thì công chức lãnh đạo của vụ sẽ là: 1 vụ trưởng, 3 phó vụ trưởng, 3 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng, [tổng cộng] bằng 13, trong khi biên chế chung cả vụ được duyệt là 18 hoặc 20). Cuối cùng lại là lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định”. 

Ông Hòa cho rằng các cơ quan trung ương và địa phương làm đúng theo quy định hiện hành dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”. Ông gợi ý rằng cách làm khác đi là nghiêm túc định nghĩa lại “những cái tưởng đơn giản như phòng là gì, vụ là gì, cục là gì, lúc nào thì tổ chức phòng, lúc nào thì tổ chức vụ, làm thế nào ra chính xác số lượng người trong một phòng, một vụ”. Chuyên gia này nhận định làm như vậy “sẽ ra ngay số lượng hợp lý lãnh đạo trong một phòng, một vụ”.

Từ góc độ từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét với VOA rằng cũng như nhiều luật khác, các quy định về bộ máy hành chính Việt Nam đã được xây dựng “thiếu cơ sở thực tế” nên dẫn đến lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên. Ông nói:

“Tất cả những chủ trương đó là những chủ trương mà ban bành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời. Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện được”.

Tình trạng bộ máy hành chính các cấp có quá nhiều lãnh đạo làm cho nhiều người phải than trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống rằng “quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”.

Theo số liệu trên báo chí trong nước, Việt Nam ước tính có 2,8 triệu cán bộ, công chức và viên chức. Bên cạnh đó là nhiều người đã nghỉ hưu và những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Toàn bộ số người “hưởng lương và mang tính chất lương” lên tới 11 triệu người. Trong một cuộc phỏng vấn với một báo Việt Nam hồi giữa năm ngoái, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói “không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”.

Việc tinh giản biên chế trong những năm gần đây ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam. Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản đã ra một nghị quyết về vấn đề này hồi tháng 4/2015. Nhưng trên thực tế, các con số cho thấy dường như đang có diễn biến ngược chiều. 

Tại một hội thảo về cải cách bộ máy hành chính nhà nước do đoàn giám sát của quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2, thông tin được công bố cho biết vào năm 2016, các cơ quan trung ương được giao quản lý 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế là 3.734.302 người, vượt 8.743 người.
Luật sư Trần Quốc Thuận nói nhà nước Việt Nam đã đặt ra giải pháp là thay thế chế độ biên chế suốt đời bằng hợp đồng lao động, nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm chỉnh. Ông nói:
“Tất cả chuyển sang hợp đồng. Giờ những người đã làm lâu thì có thể hợp đồng 5 năm là dài nhất. Rồi 3 năm, 2 năm, 6 tháng. Tự nhiên cái hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích sự ra. Thiếu gì giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái thói là nói một đằng, làm một nẻo”.

Hội thảo về cải cách bộ máy hành chính nhà nước chỉ ra rằng vì có “tâm lý ngại va chạm” nên các cơ quan, tổ chức “chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế”. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và quản lý biên chế “còn buông lỏng” và “chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh”. - VOA

Link:

1 nhận xét:

  1. Did you know you can create short links with LinkShrink and make money for every visit to your short urls.

    Trả lờiXóa