Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Tiết lộ về những chai nước mắm mà bà con Việt ở Mỹ vẫn hay dùng

Click image for larger version Name: 1.jpg Views: 0 Size: 117.5 KB ID: 1017175     
VBF-Ai cũng biết nước mắm là 1 trong những loại gia vị ăn uống đặc trưng của dân tộc VN. Thế nhưng hầu hết trong chúng ta đều chưa thực sự hiểu thế nào là nước mắm cho đúng và điều này cũng là tình trạng chung của bà con người Việt ở Mỹ hay ở các quốc gia khác. Vậy căn cứ vào đâu để có thể phân biệt được loại nước mắm nào mới được gọi là nước mắm sẽ có trong bài viết sau.
<!>

Ba lần đến Mỹ vào những năm khác nhau: 2014, 2016 và 2017 với thời gian ở lại mỗi lần ít nhất một tháng và thường xuyên vào bếp nấu ăn cho các con – bọn trẻ sinh sống tại tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ – tôi thấy thứ “nước mắm” mà người Việt ở Mỹ đang dùng thực chất chỉ là nước chấm hay còn gọi là nước mắm “công nghiệp”.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam, nước mắm phải được sản xuất từ phương pháp cho lên men tự nhiên một hỗn hợp gồm cá biển tươi và muối biển, trong thời gian tối thiểu từ 9 tháng trở lên. Phần lớn loại nước mắm truyền thống được sản xuất và đóng chai tại các vùng biển của Việt Nam như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết….và có ghi độ đạm ở vỏ chai.
Nước mắm ghi 30 độ đạm (300N) là loại nước mắm có tổng cộng 30g nitơ trong 1 lít nước mắm. Còn theo quy định của tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), điều kiện để được xác định là nước mắm khi dung dịch này chứa độ đạm cao hơn 10gN/l. Do vậy, các loại nước mắm có độ đạm dưới 10gN/lít chỉ được coi là nước chấm, chứ không phải nước mắm. Ở Thái Lan, đây là một trong những biện pháp bắt buộc được áp dụng để phân biệt nước mắm và nước chấm.

alt
alt
Nước mắm Phú Quốc hay còn gọi hai con két sản xuất tại Thái Lan., 

Nhìn vào thành phần các chai gọi là “nước mắm” ở Mỹ sẽ thấy đó là một thứ nước pha chế bao gồm nước mắm nhỉ, không rõ bao nhiêu phần trăm cộng với nước lã, muối, đường và protein từ lúa mì. Thậm chí có loại còn thêm chất điều vị (glutamat hay còn gọi là bột ngọt), màu tự nhiên, hương tự nhiên…và không có chai nào ghi độ đạm. Vì đã được pha chế, cái gọi là “nước mắm” được bày bán ở Mỹ hầu như không có mùi hoặc mùi không nồng, và có vị chát hoặc lạt lạt.

Đa số các chai gọi là “nước mắm” bày bán tại China Town tại trung tâm thành phố Boston hoặc siêu thị Phú Cường tại Dorchester, khu có đông người Việt ở Boston đều được sản xuất tại Thái Lan hoặc Hong Kong, nhưng mang nhãn hiệu Việt Nam, thậm chí mang địa danh nổi tiếng về nước mắm của Việt Nam là Phú Quốc, Phan Thiết. Giá bán trên 3 Mỹ Kim một chai, hoặc gần 5 Mỹ Kim một chai khoảng 600ml. Loại rẻ tiền chỉ hơn 2 Mỹ Kim mang tên “nước mắm mực” được cho là chế biến từ con mực và sản xuất ở Thái Lan.

Điều kỳ lạ là có một số người Việt Nam ở Mỹ thường không nhớ tên nhãn hiệu Việt Hương, Hương Việt, Phú Quốc hay Phan Thiết mà họ gọi tên chai nước mắm theo hình ảnh in trên chai: 3 con cua, một con cua, hai con cua, hai con két, mắm mực….

alt
alt

Đây là nhãn hiệu nước mắm sản xuất tại Vũng Tàu Việt Nam nhưng cũng pha trộn thêm bột ngọt và màu và mùi. 
Tôi tìm đỏ mắt mới thấy một chai nước mắm “made in Vũng Tàu, Việt Nam” là Mắm Việt Hải Yến với giá hơn 4 Mỹ Kim nhưng than ôi, đọc kỹ thành phần hoá ra cũng chỉ là một loại “nước chấm”! Không hiểu các nhãn hiệu nước mắm truyền thống sản xuất tại Việt Nam đi đâu hết mà không thấy xuất hiện ở đây?

Vài người bạn tôi ở California cho biết ở đó có loại nước mắm 40 độ đạm sản xuất tại đảo Phú Quốc Việt Nam nhãn hiệu Red Boat với giá bán gần 10 Mỹ kim một chai 500ml nhưng ở Boston không thấy bán. Bạn bè tôi ở tiểu bang Texas cũng cho hay không tìm thấy nhãn hiệu nước mắm này. Khi lên mạng tìm kiếm thì hoá ra Red Boat có văn phòng chính ở California, do một Việt kiều gốc California thành lập công ty sản xuất nước mắm tại huyện đảo Phú Quốc vào năm 2006 để xuất cảng. Thiệt lạ lùng là hàng Việt thứ thiệt lại mang tên tiếng Anh, còn hàng Tàu được sản xuất tại Hong Kong và Thái Lan thì lại mang tên Việt!

Điều thú vị nhất là Red Boat Fish Sauce có tạo ra một câu chuyện hẳn hoi để tiếp thị, nói về ông chủ Cường Phạm đang làm việc tại hãng Apple gần 20 năm đột ngột xin nghỉ việc để trở về Phú Quốc làm nước mắm xuất cảng sang Mỹ theo tâm nguyện của mẹ của ông, một phụ nữ thích dùng nước mắm truyền thống và thường phàn nàn ở Mỹ không có nước mắm đúng vị để dùng. Red Boat có bao bì đẹp, mang thông điệp có nội dung rõ ràng “100% Pure” với dòng chữ “40 độ N” đầy kiêu hãnh.

Thế nhưng, Red Boat hiện chưa chiếm thị phần áp đảo ở Mỹ, phần vì giá cao, và phần khác, có lẽ vì khẩu vị của người Việt Nam sống ở đây đã thay đổi chăng.

Ai quen dùng loại nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối ở Việt Nam như Khải Hoàn, Thanh Hà, Ông Kỳ được sản xuất tại Phú Quốc hay nước mắm 584 được sản xuất tại Nha Trang khi sang Hoa Kỳ sẽ cảm thấy khó chịu khi dùng thứ “nước mắm” được bày bán để ăn sống, đặc biệt với những món như thịt luộc. Trong khi đó thì bọn trẻ thì hầu như không quan tâm. Lạt hơn và đừng mặn là khẩu vị của bọn trẻ đã quen dần với các món ăn quốc tế khác như Hàn, Nhật, Ý, Mỹ, Mexico…

Bọn trẻ hay trêu tôi: “Cả tháng ở đây bọn con ăn chưa hết một chai nước mắm, còn mẹ sang thì cứ hai tuần là hết một chai!” Từ việc nói cho vui, bọn trẻ thỉnh thoảng phàn nàn rằng cứ mỗi lần vào bếp thì lại nghe nồng mùi nước mắm. Có lần tôi bảo sẽ làm chà bông thịt heo cho bọn chúng ăn, thì đứa nào cũng cản “thôi mẹ đừng làm vì cả căn hộ sẽ nồng mùi lắm”! Khi tôi hỏi bọn trẻ có thích đổi sang dùng một loại nước mắm truyền thống chỉ làm từ cá biển và muối biển không, cả hai cùng ngần ngừ: “Nếu nó nặng mùi và mặn thì thôi…đừng mua mẹ nhé.”

alt
alt
Nước mắm Red Boat. 

Một thực tế khác khá phũ phàng là khi tôi hí hửng mua chai nước mắm nhãn hiệu Mắm Việt Hải Yến để ủng hộ hàng Việt nhằm thay thế cho nước mắm “Ba Con Cua” made in Hongkong thì một đứa con của tôi lập tức bị …dị ứng bột ngọt, một thành phần được pha trộm trong chai nước mắm Việt này – và tôi đành phải bỏ chai nước mắm này đi.

Một cô bạn trẻ của tôi sống ở tiểu bang California hơn 10 năm cũng nói rằng dù biết Red Boat là nước mắm thiệt 100% nhưng cô không chuộng vì thấy mặn và có mùi nhiều quá. Cô cho rằng chắc là vì mình đã quen vị nước mắm công nghiệp. Hỏi thăm các cô bạn cỡ 50 – 60 tuổi định cư ở đây vài chục năm cũng mới thấy họ khá hài lòng với vị nước mắm mực hay nước mắm Ba Con Cua, với lý do vị dịu, ít mùi, dễ ăn.

Con đường chinh phục khách hàng Việt ở Mỹ bằng việc định vị lại hương vị nước mắm truyền thống xem ra còn gian nan lắm ông chủ Red Boat Fish Sauce, nên có lẽ ông nên tính đến việc bán thêm ở thị trường Việt Nam!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét