Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Vì sao phải xuất khẩu cử nhân, tiến sĩ? - Cát Linh RFA

Một giảng viên nhận giấy chứng nhận Phó giáo sư trong một buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội vào ngày 04 tháng 2 năm 2015.
Một giảng viên nhận giấy chứng nhận Phó giáo sư trong một buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội vào ngày 04 tháng 2 năm 2015.<!>
AFP photo



Bộ lao động vừa trình lên đề án với nội dung đưa hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020.
Rất nhiều ý kiến, tranh luận về vấn đề này. Có người cho rằng đề án này làm cho Việt Nam tiếp tục chảy máu chất xám. Có người lại nhận định rằng thất nghiệp là do qui trình giáo dục trong nước không đáp ứng được nhu cầu thực tế của phát triển kinh tế xã hội.
Bằng cấp không đi cùng chất lượng
Theo lời ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội trả lời truyền thông trong nước, con số hơn 200 ngàn cử nhân mới ra trường và thạc sĩ thất nghiệp được đề cập là của năm 2016. Bên cạnh đó, một thống kê khác do báo Vnexpress đưa ra, vào tháng 9 năm 2016, cả nước có hơn 200 ngàn người thất nghiệp thuộc nhóm trình độ đại học. Thống kê này còn cho biết thêm đây chính là nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất.
Phần lớn các công ty họ tuyển chọn thì họ không đặt ra tiêu chuẩn là cử nhân thạc sĩ...Quan trọng nhất là họ có khả năng và kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu của công việc.
- Ông Chu Tiến Dũng
Nhận định về tình trạng những người tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm trong nước, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc công ty phần mềm Quang Trung đưa ra ý kiến của ông trên vai trò của một nhà tuyển dụng lao động:
Phần lớn các công ty họ tuyển chọn thì họ không đặt ra tiêu chuẩn là cử nhân thạc sĩ, hay các bằng cấp. Quan trọng nhất là họ có khả năng và kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Như thế, có thể thấy bốn năm đại học và thêm hai năm để có tấm bằng tiến sĩ thì hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ đã vượt qua được cửa ải đầu tiên của các công ty tuyển dụng, đó là bằng cấp. Thế nhưng theo phân tích của ông Chu Tiến Dũng, có thể hiểu, số người này chưa tìm được việc làm vì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do các công ty trong nước đưa ra. Đó là kỹ năng và khả năng. Ngoại trừ điều kiện tuyển dụng có những yêu cầu cụ thể khác như ông Chu Tiến Dũng nói là “mỗi công ty có tiêu chuẩn khác nhau.”
Khuynh hướng tư nhân những năm gần đây phát triển rất mạnh, một năm tăng trưởng khoảng 30%. Cho nên nhu cầu về làm việc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện làm việc trong các công ty phần mềm thì mỗi một công ty có các tiêu chuẩn cho công việc khác nhau. Tại công ty phần mềm Quang Trung thì có các đòi hỏi cao hơn những nơi khác.
Tuy nhiên có những bạn học ra thì đáp ứng được những nhu cầu đó, nhưng có những bạn thì chưa đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Hệ thống giáo dục bất cập
000_JX7BQ-400.jpg
Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nghe Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện hôm 13/1/2017. AFP photo
Một trong những nguyên nhân dẫn đến người có bằng cấp cử nhân tiến sĩ nhưng vẫn “Chưa đáp ứng được yêu cầu”, theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, đó là vấn đề “muôn thưở mấy chục năm: hệ thống giáo dục không phù hợp với phát triển kinh tế hiện tại”
Chúng tôi biết rất rõ hệ thống các trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học Việt Nam không làm được nhiệm vụ đào tạo con người về mặt chuyên môn tốt nhất. Những lý thuyết dạy trong trường học không có ý nghĩa thực tiễn, trình độc thực hành của sinh viên học sinh rất kém.
Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm, rất nhiều các môn học vô bổ được đưa vào chương trình học đại học, đào tạo tiến sĩ như triết học Marx_Lê, lịch sử Đảng, chủ nghĩa Cộng sản khoa học...
Bên cạnh đó là qui trình tuyển dụng sinh viên đại học khá dễ dàng.
Những lý thuyết dạy trong trường học không có ý nghĩa thực tiễn, trình độc thực hành của sinh viên học sinh rất kém.
- Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
Đại học bây giờ mọc lên như nấm, dẫn đến việc các trường thiếu chỉ tiêu, họ vơ vét tất. Kể cả các trường công lập cũng phải vơ vét sinh viên, dẫn đến các trường dân lập cũng hạ chỉ tiêu. Điều đó dẫn đến chất lượng đại học ở Việt Nam thấp. Chưa kể tâm lý từ xưa đến nay của Việt Nam là vào bao nhiêu cho ra bấy nhiêu.
Không những cử nhân, mà cả bằng cấp tiến sị, thạc sĩ. Giữa năm 2016, Phó Giáo sư Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với VnExpress:
Nhiều người coi bản luận án là sản phẩm chính của đào tạo tiến sĩ. Trong khi giá trị của quá trình đào tạo không nằm ở bản luận án mà phải ở tri thức và năng lực của người nhận học vị tiến sĩ.
Chia sẻ này của ông Hoàng Văn Cường được nêu ra cùng thời điểm với những thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ”, một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ.
“Tiến sĩ giấy” là một cách gọi khác do báo chí trong nước dùng để nói về những người mang bằng cấp như thế.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét đây cũng chính là một trong những lý do dẫn đến tình trạng cử nhân thạc sĩ không tìm được việc làm:
Toàn những đề án tiến sĩ lạ hoắc, vô lý, không có tác dụng gì trong xã hội cả. Viết như là trẻ con viết.
Họ sẽ làm công việc gì?
000_Hkg10134010-400.jpg
Sinh viên đại học Hà Nội nhận bằng cử nhân trong buổi lễ tốt nghiệp tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội hôm 18/11/2014. AFP photo
Theo đề án xuất khẩu lao động do ông Doãn Mậu Diệp dự tính trình lên Chính phủ lần này tập trung vào “lao động có trình độ kỹ thuật”
Tuy nhiên, nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận định đề án này là “một thất bại”
Đấy là một chuyện bi hài, là một chuyện thất bại về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam.
Bi hài vì theo ông, họ không thể tìm được việc trên chính đất nước của mình, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì liệu có hy vọng sẽ tìm được việc ở nước ngoài? Hay đó sẽ là công việc không phù hợp chuyên môn?
Ngô Minh Uyên, cựu du học sinh Nhật Bản, hiện đang làm công việc phiên dịch và quản lý nhóm thực tập sinh ở đảo Shikoku, Nhật Bản cho biết thực tế về công việc của nhóm người này, được gọi là thực tập sinh kỹ năng, một tên gọi khác Nhật Bản dùng để nói về người xuất khẩu lao động phổ thông.
Nói về đối tượng này, cô cho biết:
Đấy là một chuyện bi hài, là một chuyện thất bại về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam. 
- Nhà giáo Đỗ Việt Khoa 
Các bạn đó tốt nghiệp đại học ra, rồi có bạn sắp lấy bằng thạc sĩ, những người học rất cao tuy nhiên không có công việc ổn định ở Việt Nam cho nên họ chọn con đường đi tu nghiệp.
Tuy nhiên, theo Ngô Minh Uyên, bên Nhật hiện đang cần IT, cần kỹ thuật rất cao. Tiếng Nhật ít nhất cũng phải là giao tiếp hàng ngày. Và bắt buộc họ phải trải qua những bài kiểm tra gắt gao của công ty tuyển chọn.
Mức lương cao hơn thì dĩ nhiên yêu cầu của họ sẽ cao hơn. Nói thật là những người tốt nghiệp đại học mà không có việc làm ở Việt Nam chưa chắc họ có đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu của người ta.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cũng không hy vọng về sự nghiệp của số cử nhân thạc sĩ đó ở nước ngoài:
Tôi chắc đa số là làm những việc phổ thông thôi, chứ không phải chuyên môn, hoặc ra nước ngoài người ta phải đào tạo lại.
Chất lượng đầu ra của đại học Việt Nam tạo thành những người có bằng cấp cao nhưng rất khó khăn trong quãng đường kế tiếp là thuyết phục nhà tuyển dụng.
Từ đó, con đường tu nghiệp sinh, hoặc xuất khẩu lao động là con đường những người này phải nghĩ đến. Và hiện nay là đề án mà nhà nước đang tạo ra cho họ.
Không thiếu những ý kiến phản hồi về đề án này vì họ cho rằng chất xám Việt Nam đang tiếp tục tuôn chảy ra nước ngoài một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, sau khi phân tích, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng cần phải xem lại “chất lượng có cao không thì hãy dùng từ là chảy máu chất xám”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét