Vào đến sở, việc đầu tiên của tôi là gắn chiếc walkie-talkie vào thắt lưng rồi đi một vòng kiểm soát tình trạng khiển dụng của các máy in-chụp Xerox: bắt đầu từ tầng một lên đến tầng năm, mỗi tầng hai máy ở hai đầu.<!>
Hôm nay gặp may, không máy nào nổi đèn báo hiệu bị đứt cầu chì, bị kẹt, hết giấy, hết mực…; tôi chỉ phải “châm” thêm ít giấy mới. Dư thì giờ, tôi chợt thấy cũng nên lên từng chót xem có gì mới lạ. Tôi từng lên đây một lần ngày đầu mới đến. Hãng này trước đóng đô ở Maryland trong tòa nhà ba tầng, sau nhờ làm ăn khấm khá nên thuê một tòa nhà sáu tầng hoàn toàn mới ở Virginia. Trong hai năm, hãng bành trướng thêm hai tầng và dự trù năm tới sử dụng luôn tầng chót.
Tầng lầu vẫn thế, vẫn trống trơn, thênh thang, sạch sẽ. Ánh nắng phản chiếu lên lớp gạch nhựa màu lục có vân tỏa ra một độ sáng mát mắt. Tôi bước đứng sát khung kính khoảng giữa. Vách của tòa nhà được thiết trí toàn bằng khung kính nhuộm màu xanh nhạt ngăn tia tử ngoại.
Bên ngoài, cả một phần không gian tuyệt đẹp. Nền trời biêng biếc sau vô số tòa nhà vươn cao, treo lơi khơi vài đám mây trắng dị hình qua đó một chiếc phi cơ đang chúc mũi xuống phi trường Dulles. Những dáng cây trụi lá không che kín con lộ 66 rộn ràng. Mặt đất thường là hoa cỏ đầy sắc màu giờ đây chỉ là một thảm tuyết trắng xóa mênh mông. Chếch hướng hai giờ, gần gụi nhất là tòa cao ốc bề thế mang biển SpringHill Suites Marriott, nơi mười hôm trước hãng mở tiệc mừng Giáng Sinh cho bốn trăm nhân viên trong một ballroom lộng lẫy. Về phía trái, nằm dọc con hương lộ mới mở là khu townhouse rộng lớn đang xây cất, nghe đâu có đến ba trăm căn. Một tấm biển dựng ngay cạnh đường đề giá từ 250 ngàn. Tôi nhìn cái giá mà thấy mừng. “Từ 250 ngàn” có nghĩa đó là giá thấp nhất. Mười lăm năm trước, cũng một căn tương tự, chúng tôi mua với giá chỉ bằng một phần ba, và bảy năm sau đó, cũng với số tiền này chúng tôi mua được căn single house. Tôi mừng vì cái biển quảng cáo xác nhận chúng tôi ước tính đúng. Và đó chính là động lực khiến nhà tôi thúc đẩy tôi phải… về hưu: bán một căn, nhập tiền lời vào tiền an sinh xã hội là tôi có thể sống lâu… trăm tuổi!
Quyết định nghỉ việc thì không mấy khó nhưng mở lời với Sếp thì quá ngại ngùng. Mở lời thế nào cho Sếp khỏi giận khi mới tuần rồi tôi đã tỏ ra quá hài lòng khi được Sếp đề cử đi học hai tuần bổ túc nghiệp vụ để nhận chức giám thị, cái chức đồng nghĩa với lương bổng cao hơn và công việc thì chỉ cần phụ tá Sếp… chỉ tay năm ngón.
Tiếng talkie reo khẽ. Tôi gỡ máy, bấm nút đáp “tôi nghe”, rồi áp vào tai. Sếp bảo cần gặp tôi ngay. Bình thường mà bị triệu hồi thế này là có rắc rối nhưng hôm nay thì còn sợ chi rắc rối, trái lại còn thấy vui mừng: cơ hội gặp Sếp không cầu mà được.
Văn phòng của Sếp và trung tâm ấn loát của tôi cùng ở tầng trệt, cùng nằm bên phải một hành lang ngăn đôi từ cuối quầy tiếp tân và phòng đợi. Đối diện với giang san của tôi là câu lạc bộ với chừng một trăm chỗ cho nhân viên ăn trưa.
Sếp ngồi kia, đang đọc gì đó. Nghe tôi gõ cửa, Sếp ngẩng lên ngoắc tay. Tôi bước vào mở lời theo thói quen:
- Good morning Mister White. How are you today?
Sếp đưa tay bắt, vui vẻ:
- I am fine. You?
Tôi nói “not very good” rồi im lặng.
Sếp mở mắt lớn nhìn tôi như nhận ra thứ ngôn ngữ tôi không dùng thường ngày. Ông mời tôi ngồi. Tôi ngại ngần thả người lên ghế. Sếp cười cười trước dáng điệu khác thường của tôi:
- Sao? “Không khá lắm” là sao?
Tôi vẫn không biết mở lời thế nào nên cười gượng:
- Ông muốn gặp tôi mà? Tôi có thể làm gì cho ông đây?
- À, tôi muốn nhờ anh coi giùm công việc của phòng. Tôi có buổi họp lúc 9 giờ.
Sếp nhìn đồng hồ, nghiêm giọng:
- Còn nửa tiếng nữa. Nào, có chuyện gì?
Tôi ngồi nghiêng, khuỷu tay chống lên tay ghế, ngập ngừng:
- Mister White, tôi rất tiếc phải thông báo cho ông biết rằng tôi muốn xin nghỉ việc.
Sếp ngạc nhiên kêu to:
- What! What are you talking about?
Tôi cười gượng:
- You heard me.
Sếp vẫn nhìn tôi đăm đăm:
- Anh không đùa chứ?
- Tôi rất nghiêm túc, thưa ông White.
Sếp tôi là Mỹ đen nhưng mang họ White nhìn vào màn hình trước mặt, tay gõ lộp cộp rồi ngã người tựa vào lưng ghế nhắm mắt. Bất ngờ ông chồm tới:
- Căn cứ vào năm sinh tháng đẻ của anh thì phải hai năm nữa anh mới đến tuổi về hưu…
Tôi lắc đầu:
- Chưa đến tuổi chính thức nhưng đã dư cho tuổi hưu non!
- Lãnh hưu non thì… có là bao! Còn đối với hãng, anh làm việc đã được 9 năm, chỉ cần thêm một năm nữa anh sẽ được hưởng hưu bổng bốn trăm mỗi tháng. Nghỉ năm nay anh chỉ được hưởng một nửa theo thâm niên 5 năm.
Vợ chồng tôi đã có cân nhắc phúc lợi này nhưng xét thấy việc về hưu non vẫn có lợi hơn, nhất là bảo đảm mạng sống hơn. Mùa đông bão tuyết với bao hiểm nguy trên cuộc hành trình quá dài đến sở và trở về. Vì vậy, tuy có nao lòng với ân cần của Sếp, tôi vẫn dứt khoát:
- Chúng tôi có bàn tới điểm này nhưng…
- Hằng ngày anh vẫn thấy dăm ba nhân viên trên bảy mươi còn ngồi ở bàn của họ, mà anh chỉ mới sáu mươi tư. Nghe tôi đi, một hai năm nữa có là bao, lại được thêm nhiều tiền…
Tôi nửa đùa nửa thật:
- Mister White, ở đây ông là Sếp nhưng ở nhà, vợ tôi là Sếp! Bà ấy đã hạ lệnh, tôi không thể không nghe!
Sếp ngửa mặt, cười ngất:
- Các bà là Sếp, đồng ý. Nhưng ít nhất anh cũng cho tôi biết lý do xin nghỉ…
- Tối thứ sáu, trên đường về bị snow trơn trợt nên xe tôi hun đít xe phía trước.
Sếp nhỏm tới, chống hai khuỷu tay lên bàn:
- Mừng thấy anh vô sự. Xe ra sao?
- Hai xe trầy sơ sơ thôi, coi như huề. Nhưng bà nhà tôi lý luận: đụng một lần, sẽ có lần hai, lần ba. Bà ấy không muốn… chôn tôi sớm!
Sếp lắc đầu:
- Các bà bao giờ cũng quá lo! Tôi biết anh là good driver! Hãy tiếp tục đi làm, tôi cần anh.
Tôi ngẫm nghĩ mà buồn cười. Cũng cùng thời gian tận tụy 9 năm mà hãng trước lại lạnh lùng cho nghỉ việc dù tôi rất muốn được tiếp tục, còn hãng này tôi tự nguyện xin nghỉ thì lại cố giữ làm thêm.
Tôi thở dài:
- Mister White, ông thật tốt với tôi. Nhưng… xin chân thành cảm tạ nhã ý của ông.
Sếp gục gặc:
- Thì đành tiếc là không giữ được anh. Vậy theo thông lệ, hãng cần hai tuần để tìm người thay thế. Trong hai tuần đó, chúng ta xúc tiến thủ tục nghỉ việc. Anh cần nói gì thêm thì chốc nữa. Bây giờ thì tôi phải đi. Cám ơn anh.
oOo
Nói là làm thủ tục nhưng thật ra chẳng có gì nhiêu khê. Tuần lễ đầu, chỉ mỗi việc phải ký tên vào một tờ giấy xác nhận ngày nghỉ việc, còn thì mọi việc bình thường. Được cái hấp dẫn là chiều thứ sáu, toàn Phòng Dịch Vụ kéo tôi đi nhậu chia tay. Chỗ nhậu là một nhà hàng tôi chưa từng bước chân vào dù chỉ cách hãng 10 phút.
Một biển hiệu chữ nổi màu đỏ HOOTERS nằm bề thế rực rỡ chạy dài suốt chiều ngang cửa chính. Vừa bước qua cửa, nhạc xập xình và độ ấm áp nghe thật dễ chịu. Hình ảnh đầu tiên làm choáng mắt là các các cô chiêu đãi trẻ trung hấp dẫn. Tất cả mặc đồng phục, quần màu da cam cũn cỡn bó sát núi đồi; áo thun trắng ba lỗ, lồ lộ vú vê. Phần áo bên trái in hình con cú đen với hai mẫu tự O của thương hiệu HOOTERS thay cho cặp mắt cú vọ như cặp mắt của tôi.
Chưa kịp lớ ngớ thì một cô chiêu đãi bước đến niềm nở chào hỏi, hướng dẫn chúng tôi treo áo ấm trước khi tiến sâu vào bên trong. Khách hàng đông nghẹt, đa số là đàn ông ở tuổi trung niên. Lớp tuổi của tôi thì ít hơn tổng số hiện hiện của các bà.
Quán được thiết kế đẹp mắt. Chiếm một khu rộng ngay giữa nhà là cái bar rượu và bếp. Ngay trên kệ bày rượu mẫu, ba TV gắn sát trần đang chiếu những màn thể thao khác nhau. Những màn hình tương tự đặt vòng quanh vách ngoài cùng. Vách là những tấm gỗ thông với những gân nổi tự nhiên. Sàn lót gỗ có vân đánh bóng. Bàn ghế được đặt chạy vòng theo quầy xen lẫn những cột trụ chống đỡ mái nhà. Sự sắp xếp khéo léo giúp thực khách ngồi nơi nào cũng xem được chương trình mình ưa thích.
Nhờ đặt bàn trước, mười sáu người của Phòng Dịch Vụ - mười hai ông, bốn bà - được gom vào trọn nửa cánh trái. Chưa kịp ngồi thì có nghe tiếng reo từ phía quầy:
- Hello! Hello Mister White, Mister Vo.
Người gọi là Rick Danton, vị Sếp mà chín năm trước đã phỏng vấn và nhận tôi vào làm ngay sau tôi bị hãng cũ cho nghỉ việc. Đúng là Tái Ông thất mã. Cuộc phỏng vấn lòi ra chúng tôi từng là chiến hữu trên kinh Đồng Tiến. Thời đó Sếp là lính trên một giang đỉnh nằm trong Task Force 116 mà năm 1969 được chuyển giao toàn bộ cho Hải Quân Việt Nam thành Lực Lượng Tuần Thám có tôi làm trưởng toán. Và cũng có thể chính nhờ sự hội ngộ tình cờ này tôi được mướn với giá cao hơn và được tăng lương hậu hĩ hằng năm. Bốn năm sau, ông thăng chức, thăng lên tầng 5 và gửi gấm tôi cho Ron đến thay thế. Chỉ đôi khi chúng tôi mới gặp lại nhau trong các buổi hội họp, tiệc tùng, như đêm nay. Sếp cũ nồng nhiệt xiết tay tôi:
- Nghe tin bạn ta về hưu, chúc mừng, chúc mừng. Đây là hậu cứ mà mỗi chiều chủ nhật Mister White và tôi đóng đô xem football. Có dịp, bạn ta cứ đến…
Tôi gật bừa. Chúng tôi ngồi vào chiếc ghế dài dành sẵn. Tôi ngồi giữa, hai Sếp tả phù hữu bật, một đen trung tuần, một trắng cao niên. Rick Danton say sưa nhắc nhở chiến trường xưa. Còn Ron White, chưa từng đi lính, thì kể chuyện tiếu lâm với ba nhân viên đối diện. Đôi khi mới hướng mắt vào trận Football sinh viên. Kể cũng lạ. Cứ ngỡ rằng thiên hạ chen nhau vào đây là để mãn nhãn trước các nàng Hooters nóng bỏng nhưng không hẳn thế. Chừng như họ đã quá quen, không nhìn vẫn thấy! Thảng hoặc họ mới ghé mắt vài giây. Và chừng như không ai còn nhớ cái giá món ăn thức uống vốn đã cộng thêm chi phí dòm ngó. Nhân lúc chờ cô chiêu đãi rót đầy ly bia mang đến, Ron bất chợt nghiêm giọng:
- Nè, tôi có thắc mắc muốn hỏi lâu rồi mà thấy không tiện. Trước khi chia tay, bạn ta có thể nào giải thích giùm. Tiền lương bạn ít hơn tôi, làm sao bạn làm chủ được ngôi nhà trong lúc tôi còn ở nhà cho mướn?
Tôi nhìn Ron đăm đăm, không tin là thật. Rick cười:
- Hắn nói thật đó! Tôi cũng vậy, cũng đang ở thuê. Hãy tiết lộ cho chúng tôi các đòn phép mua nhà…
Tôi ngại ngùng. Họ là Mỹ chính gốc, đều là Sếp của tôi mà đi hỏi một việc đúng ra tôi mới là người hỏi. Tôi cười:
- Tôi không dám…
Tôi định nói tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà không tìm ra thành ngữ tương đương. Ron nằng nặc:
- Theo cách… bất hợp pháp cũng được. Tụi này không tố cáo đâu!
Tôi giật mình. Thì ra cái từ “đòn phép” ẩn ý là thế. Sự thể đến mức này thì không nói không xong:
- Chả có gì bất hợp pháp! Ai có việc làm cũng đều mua được nhà, nếu muốn. Rất giản dị. Đành là tùy số lương, nhưng căn bản vẫn là tiền “down”; tiền down càng nhiều, nhà càng lớn! Mua được một căn thì cũng mua được căn thứ hai, bởi vì lương mỗi năm một tăng trong khi tiền nhà căn thứ nhất, người mướn đã trả giùm.
Rick gật đầu:
- Đúng. Nhưng lấy đâu ra tiền down?
- Thì để dành!
- Không đủ xài thì lấy đâu để dành!
- Xài thì bao nhiêu cho đủ! Chúng tôi có nhà là vì chúng tôi… dám để dành!
Họ ngẩn ngơ ra vẻ chưa hiểu. Tôi lên mặt thầy đời:
- Người Việt Nam chúng tôi có thành ngữ “An cư, lạc nghiệp”. Căn nhà là ưu tiên, bằng mọi giá phải có! Còn muốn để dành thì nhớ câu này: “Cơm nhà, quà vợ”…
- Hãy nói rõ hơn.
- Đây là kinh nghiệm cá nhân. Cứ làm thử một tháng, một tháng thôi. Sau một tháng, các ông thử tính xem để dành được bao nhiêu và bao lâu thì đủ tiền down cho căn nhà.
Thấy hai Sếp tỏ vẻ lắng nghe, tôi nói thật chậm:
- Đòn phép là đây. Thứ nhất, tuyệt đối tránh xa food machine, mang theo phần ăn trưa. Thứ hai, không xài phí bậy bạ, nhất là không để mang nợ sinh tiền lời tín dụng. Và thứ ba, giảm tối đa đi ăn nhà hàng và nghỉ hè tốn kém.
Tôi ra dấu cả hai chụm đầu gần vào rồi thì thầm:
- Nhất là đừng bao giờ bén mảng đến… HOOTERS!
oOo
Bắt đầu tuần thứ hai, tôi phải huấn luyện cho người thay thế tôi. Công việc cũng dễ dàng vì hắn đang là nhân viên dưới quyền và từng thường thay tôi khi tôi đi phép hay đau yếu. Còn việc huấn luyện cho tay mới tuyển thì do hắn đảm trách. Tôi tà tà đọc email, bài vở từ cái computer đã xóa sạch memory chờ tới giờ cơm gặp Juliet. Đó là cô bạn đồng nghiệp vong niên từ hơn năm qua. Gọi đồng nghiệp cho ngon chớ tôi vào hạng lao công cổ xanh, còn cô thuộc thành phần chuyên gia cổ trắng, làm marketing, trên cùng tầng một với văn phòng Chủ tịch…
Quen nhau cũng tình cờ. Ngay ngày đầu nhận việc của cô, giờ ăn trưa, chúng tôi vào câu lạc bộ cùng lúc. Trong khi tôi hâm nóng thức ăn thì cô đứng chờ đến lượt. Sau đó, thấy tôi ngồi một mình cô xin phép được ngồi chung. Cô đặt hộp thức ăn và lon coke lên bàn, chìa tay ra trước:
- Tôi tên Juliet.
Tôi vẫn ngồi, vươn tay nắm lấy:
- Gọi tôi là Bang. Rất vui được gặp Juliet. Còn Romeo đâu?
Ánh mắt cô rực lên theo nụ cười vụt tắt:
- Romeo chết rồi!
- Thế sao Juliet còn ngồi đây?
Cô cười buồn:
- Ngu sao chết theo!
Thế là ngay buổi quen nhau đầu tiên đó, cô tuôn hết tâm sự. Cô vừa ra đại học thì bị tình phụ nên buồn tình xin việc ở hãng xa. Tôi không yêu cầu cô kể nhưng lại bị buộc phải hứa trưa mai sẽ đến lượt tôi. Thấy cô chân chất, tôi cũng thật lòng. Tôi nói tôi vừa ra trường thì cũng bị bồ đá nên gia nhập Hải quân như là một cách… trả thù! Nghe thế cô vui mừng, hãnh diện khoe rằng cha cô cũng là một sĩ quan Hải quân và đang phục vụ trên một hàng không mẫu hạm hoạt động vùng lò lửa Trung Đông. Cô ít gặp cha nên muốn biết các trải nghiệm hải nghiệp. Dần dần chúng tôi hiểu thêm gia cảnh của nhau. Cô cho biết gốc người Ý, các anh em đều sinh trưởng ở New York. Mẹ còn đi làm. Tôi cũng buộc phải kể lý do gia đình phải rời bỏ Việt Nam và được bảo trợ về Maryland…
Như thường lệ cô xuống đúng giờ. Vừa ngồi xuống ghế, tôi mở lời:
- Hai tuần phép cuối năm, gia đình họp mặt vui vẻ chứ? Mẹ cô thế nào? Anh em ra sao? Có tin chiếc mẫu hạm của ba cô về Mỹ nghỉ bến?
Cô im lặng nhìn món ăn. Một lúc lâu, cô hỏi nhỏ:
- Nghe đồn bác xin nghỉ việc?
Giọng trầm buồn như khuôn mặt. Hẳn cô nghĩ rồi đây phải ngồi ăn với… kẻ không quen. Mấy tên nhân viên của tôi từng nói tôi tốt số. Tôi bảo với họ tuổi cô ta còn nhỏ hơn tuổi con tôi. Chẳng qua cô thích ngồi ăn với tôi là vì cha cô với tôi cùng nghề lính biển. Phần tôi thì cho rằng trời đã giúp cho cơ hội tốt để luyện giọng. Nhưng họ vẫn cười cười. Mà việc gì phải đính chính…
- Ừ, cuối tuần này là ngày chót.
- Thật ư? Đáng buồn cho cháu! Hết rồi những buổi ăn trưa vui vẻ, hết rồi những an ủi giúp cháu an tâm khi nhớ ba cháu.
Tôi cười đùa:
- Hãng có thiếu gì người trẻ tài hoa. Hãy chọn một và biết đâu tình yêu còn giúp cháu an tâm hơn nữa.
Tôi ngạc nhiên thấy cô tỏ ra bẽn lẽn:
- Cháu có… Romeo mới lâu rồi nhưng sợ bác cười nên giấu. Nhà hắn cùng tiểu bang với bác. Chúng cháu đang bàn làm đám cưới. Bác hứa dự nghe. Từ nay đến cuối tuần, xin vui lòng trao dần cho cháu những bí quyết nào đã giúp bác và bà nhà giữ được hạnh phúc trên 30 năm bất kể 10 năm xa cách?
oOo
Ngày làm việc cuối cùng rồi cũng đến. Khi chuông đánh thức reo 6:30, ý nghĩ đầu tiên bật lên trong tâm trí tôi là bữa nay ngày chót, có trễ cũng chẳng nhằm nhò gì! Việc huấn luyện cho người mới tiến triển suông sẻ, vào hãng thì chỉ mỗi việc nhận giấy tờ chính thức nghỉ hưu. Rồi bái bai. Rồi chẳng bao giờ trở lại. Tôi xoay người định ngủ tiếp nhưng tâm trí lại nghĩ lan man. Từ nay ta được phè cánh nhạn mãi tận… cuối đời. Chấm dứt thức khuya dậy sớm, không còn đường sá ngổn ngang. Thảnh thơi thơ túi rượu bầu… Hạnh phúc chợt ào đến mà nghe sảng khoái lạ thường. Cơn sảng khoái lan đi, tỏa ra rồi… vụt tắt. Tội nghiệp cho bà xã. Vẫn dậy sớm thức khuya. Vẫn data entry từ sáng tới chiều. Trẻ tuổi có khi là một tai vạ. Muốn được về hưu sớm như tôi, bà ấy còn phải “cày” thêm… 10 năm nữa. Mười năm, ôi mười năm! Mười năm bà ấy từng đơn thân xứ người vất vả nuôi con. Rồi nay lại mười năm vừa đi làm vừa hầu hạ ông chồng ích kỷ, chây lười! Ta là thứ gì mà lấy đó làm hạnh phúc cho mình? Sao không biết cảm thông, chia sẻ? Phải thức cùng vợ, phải cà phê cà pháo cùng “nàng” rồi…. chở đi làm, rồi đón về. Làm được như vậy thì lại có thể bán bớt một xe, giảm tiền bảo hiểm. Nghĩ ra điều này, tôi thấy mình đang… bay ra khỏi giường!
Bà ấy còn đang ngồi ăn sáng, ngạc nhiên nhìn tôi:
- Tưởng anh còn ngủ. Ngày chót mà…
Tôi ngường ngượng, giả lả:
- Ngày chót, càng cần nên đến đúng giờ… cho đẹp! Và từ ngày mai…
Không, không nên nói. Phải biết dành dụm cả ngạc nhiên…
Vào đến sở trình diện Sếp, được Sếp mời ngồi. Sếp nhấc chiếc bao thơ để sẵn trên bàn, trao tôi:
- Văn kiện nghỉ việc đầy đủ trong bao thư. Thành thật chúc mừng. Tuy nhiên, trước khi ra về vĩnh viễn, làm ơn giúp tôi một việc, việc chót… Tôi có buổi họp đến trưa.
Tôi mừng, vì tôi cũng còn dịp chót ăn trưa với Juliet. Và tôi qua giang sơn của tôi đọc email cũng… lần chót!
Giữa trưa, Sếp trở lại vui vẻ tuyên bố Ông Chủ tịch đang chờ gặp tôi. Tôi nghe mà xúc động. Chỉ là một nhân viên cổ xanh mà cũng vinh dự được Chủ tịch ưu ái tiếp kiến giã từ. Tôi đi cạnh Sếp lên thang máy mà tưởng như mình đang lên mây. Nhưng sao thang máy không dừng ở lầu một, nơi đặt văn phòng Chủ tịch mà vẫn tiếp tục lướt qua. Cũng không dừng ở tầng hai thuộc bộ phận chuyển ngân và tồn trữ dữ liệu cho các ngân hàng, tầng ba của Phòng thanh toán lương bổng cho nhân viên các hãng xưởng, tầng bốn và năm rất hạn chế xuất nhập, nghe đâu chuyên về thảo chương cho DOD (Department of Defense- Bộ Quốc Phòng). Gần đến số 6, thang máy chậm lại. Không lẽ các Sếp lớn dời lên đây. Tầng cao nhất còn bỏ trống chờ được thêm khế ước kia mà!
Cửa thang máy chưa mở hết tôi đã choáng váng nghe tiếng hô đồng loạt của một rừng người trước mặt:
- Happy retirement!
Tôi chợt hiểu và nhận ra ngay hai khuôn mặt thường gặp: Ông Chủ tịch hãng và Bà Chủ tịch Điều Hành. Sếp đẩy lưng tôi, nhắc tôi tiến đến trước họ. Cả hai lần lượt bắt tay chúc tụng: “Happy retirement! You deserve it!” Đám đông vỗ tay vang dội. Tôi đã từng dự nhiều surprise party, vẫn cho rằng có gì đáng ngạc nhiên đâu mà cứ bày vẽ, nhưng giờ thì chính tôi ngạc nhiên thực sự và thấm hiểu ý nghĩa…
Ông Chủ tịch bước tới máy vi âm mời mọi người chọn thức uống. Rồi ông kêu gọi mọi người nâng ly. Thức ăn chọn lọc được mang từ nhà hàng láng giềng Marriott cùng người phục vụ. Tôi hòa vào đám đông, ăn uống cười giỡn. Thỉnh thoảng bắt tay vài người quen mặt không rõ tên. Lại thêm cả nhân viên tôi chưa gặp lần nào. Một số cô thì ôm tôi nồng nhiệt kể cả cô bạn thân thương Juliet. Cô nói khẻ: “I’ll miss you”…
Nửa giờ sau, tôi được mời nhận quà. Ông Chủ tịch đích thân trao hộp quà đầu tiên. Tôi mở ra. Đó là tấm biển đồng khắc mấy hàng chữ xanh với phù hiệu hãng ở cuối. Tôi nâng tấm biển hướng về đám đông, quét chầm chậm từ trái qua phải rồi xoay ngược lại, đọc to: “Presented to Bang Vo in honor of Your Retirement from Data Nework, Co.” Tôi nghe nhiều tiếng reo tán thưởng. Bà chánh văn phòng trao những món kế tiếp: đó là chiếc áo lạnh in tên hãng, một chiếc túi du lịch của ông A, khăn quàng cổ của bà B, đôi găng tay của cô C, chiếc đồng hồ để bàn của bà Chánh văn phòng, chiếc nón lưỡi trai có hàng chữ USS Harry S. Truman nằm trên phù hiệu và số tàu CVN 75 thêu chỉ vàng không đề tên ai tặng. Tôi nghiệm ra ngay một người. Chỉ người đó mới nghĩ đến món quà đặc sắc này. Tôi đưa mắt kiếm tìm. Từ giữa đám đông, Juliet giơ tay cao, vẫy vẫy. Tôi nói bằng đôi môi: “Thank you”.
Cuối cùng là những món quà cồng kềnh. Cồng kềnh mà thiết thực: các dụng cụ làm vườn. Tôi ngỡ ngàng. Những ngày tù tội ở núi rừng miền Bắc ập về. Chín năm nhục nhằn, đói khát. Nhìn cái cuốc, cái sẻng mà vừa thấy vui vừa thấy đau. Cũng những món đó, những người khác chủng tộc ở đây trao tôi qua mỹ ý giải khuây tuổi già trong khi 29 năm trước tại chính quê nhà, những kẻ gọi là đồng bào lại nhằm buộc tôi lao động cho tàn đời! Tại sao? Tại sao có sự nghịch đời như vậy?
Tôi cầm máy vi âm:
- Thưa nhị vị chủ tịch, thưa quý bà và quý ông. Tôi chân thành cảm tạ nước Mỹ đã cho gia đình tôi chốn dung thân. Xin đa tạ hãng Data Network cho cơ hội gia đình chúng tôi sinh tồn. Và xin cám ơn lòng ưu ái của quý ông quý bà hiện diện. Tôi sẽ không bao giờ quên quý vị. Năm mới chúc mọi người hạnh phúc. Xin từ biệt!
Tôi vừa dợm bước thì cánh tay bị ghì lại. Bà Chủ tịch điều hành trao tôi một phong thư đồng thời công bố trong bao thư là phần thưởng của hãng đền đáp 9 năm tôi tận tụy. Đó là hai vé phi cơ và chi phí một tuần tận hưởng Bahamas. Tiếng trầm trồ, xì xào. Tôi chưa biết đáp lời ra sao thì cánh tay Bà choàng qua vai tôi và tiếng nói lại vang khắp phòng:
- Mister Vo, I have one last request to you. Please do as much as you can!
Mọi người ngạc nhiên hướng về Bà Điều Hành. Tôi cũng đứng lặng người chờ đợi. Sếp nhỏ mới nhờ tôi giúp lần chót, giờ lại tới Sếp lớn. Họ… câu giờ kỹ quá! Chờ khi gian phòng lặng im phăng phắc, Bà cất cao giọng:
- Enjoy your retirement!
Vũ Thất
(trích Làm Lại Từ Đầu, 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét