Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Các thuốc giảm sốt, chống đau - Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Inline images 1

Chúng ta đang trong thu. Thu rồi đông. Thu, đông là hai mùa nhiều cảm (cold), cúm (flu), dễ bị nếu chúng ta không cẩn thận rửa tay ngày nhiều lần,tránh sờ mắt, mũi, miệng, không chích ngừa cúm. Chúng ta có thể phải cần đến thuốc giảm sốt, chống đau.<!>

Các thuốc giảm sốt, chống đau thông dụng aspirin, acetaminophen, naproxen, ibuprofen bán ngoài thị trường không cần toa bác sĩ rất hữu dùng nếu chúng ta biết cách dùng, ngược lại sẽ phí tiền hoặc có hại.
Nhiều vị dùng chúng ngay cả những lúc không cần phải dùng đến chúng. Như bị sổ mũi chút, hoặc ho, không nóng sốt, không đau nhức gì cả, cũng đem thuốc ra dùng, vì nghĩ rằng chúng trị cảm. Có vị uống thuốc Tylenol (acetaminophen) mỗi ngày, cho rằng uống vào thấy khỏe. Tylenol không giúp chúng ta khỏe, thuần túy chỉ là thuốc giảm sốt, chống đau.
Một báo cáo từng cho biết, đến 25% người ở Mỹ hàng ngày dùng các thuốc chống đau bán ngoài thị trường không cần toa bác sĩ (gọi là các thuốc “over the counter”) uống quá lượng thuốc chỉ dẫn. Nhất là trong mùa lạnh, nhiều thuốc đề chữa cảm, cúm mua tự do cũng chứa chất thuốc giảm sốt, chống đau.
Aspirin, naproxen, ibuprofen thuộc nhóm thuốc NSAIDs (nonsteroidal anti-inflammatory drugs, thuốc chống viêm không có chất steroid), được dùng để giảm sốt, chống đau, kể cả những cái đau của phụ nữ lúc có kinh. Trong máu, chúng tác dụng qua cơ chế ngăn cản diếu tố cyclooxygenase, cần trong sự sản xuất prostaglandin, một chất khiến chúng ta cảm thấy đau, vì thế giảm thiểu việc sản xuất prostaglandin, và giúp chúng ta bớt đau. Nhưng các thuốc này có thể gây chảy máu bao tử, suy thận trên một số người. Nguy cơ chảy máu bao tử càng cao hơn ở người đang phải dùng thuốc chống đông máu (như warfarin), thuốc steroids, và người uống rượu. Những thuốc này cũng có thể khiến áp huyết tăng lên.
http://www.medware.ru/wp-content/uploads/2016/07/NPVP.jpg
Aspirin                                                                              
Aspirin (tên thương mại: Anacin, Bayer, Bufferin, Ecotrin) có tính chống viêm sưng, làm giảm sốt, trị nhức đầu, đau bắp thịt, khớp, …
Một số vị cần dùng aspirin với lượng thấp hàng ngày để ngừa chết cơ tim cấp tính (heart attack) và tai biến mạch máu não (stroke).
Asprin có thể gây nóng ngực, đau bao tử, loét bao tử. Ở trẻ em, chúng ta không nên dùng aspirin, vì aspirin có thể gây hội chứng Reye khiến trẻ ói mửa, hôn mê, chết (Người ta nhận thấy hội chứng này hay xảy ra khi các cháu nhiễm cúm, trái rạ, và dùng aspirin).
Ibuprofen                                                                                                                                                                                                                          Ibuprofen (Advil, Motrin) ít hại cho bao tử hơn aspirin, và tác dụng kéo dài hơn, nên thường được dùng để giúp giảm đau, bớt sưng trong những trường hợp chấn thương. Ibuprofen cũng giúp giảm sốt, chống đau khi chúng ta nhiễm cảm, cúm.
Ở người đang dùng aspirin (để ngừa heart attack, stroke), ibuprofen có thể ảnh hưởng đến tác dụng của aspirin, và gây đau, chảy máu bao tử nhiều hơn.
Naproxen                                                                                                                                                                                                                          Naproxen (Aleve) có tác dụng tương tự ibuprofen, song tác dụng của naproxen kéo dài hơn ibuprofen, nên có thể dùng mỗi 8-12 tiếng thay vì mỗi 6-8 tiếng như ibuprofen.
Giống ibuprofen, ở người đang phải dùng aspirin, naproxen có thể ảnh hưởng đến tác dụng của aspirin, và gây đau, chảy máu bao tử.
Acetaminophen                                                                                                                                                                                                                Acetaminophen (Tylenol, Anacin Aspirin Free) không gây đau, chảy máu bao tử, nên tốt cho những vị mang bệnh loét bao tử, dội ngược bao tử – thực quản (gastroesophageal reflux disease) nên không dùng được aspirin, ibuprofen, naproxen.
Nó cũng an toàn hơn cho trẻ em và người mang bệnh dễ chảy máu hoặc đang phải dùng thuốc chống đông máu (như warfarin).
Nhưng acetaminophen gần như không có tác dụng chống viêm sưng (trong những trường hợp chấn thương chẳng hạn, thuốc có thể giúp giảm đau nhưng không làm bớt sưng), và uống quá liều lượng dù chỉ vài ngày có thể độc cho gan. Người uống rượu nhiều nên rất cẩn thận khi dùng acetaminophen, vì rượu và thuốc cộng lại có thể đưa tới suy gan (liver failure) với các triệu chứng vàng da, buồn nôn.
Chất acetaminophen rất hay có trong những thuốc tổng hợp đề chữa các triệu chứng của cảm, cúm. Nếu đang dùng acetaminophen (Tylenol) dài lâu để chữa đau khớp chẳng hạn, nay bị cảm, cúm, uống thêm các thuốc tổng hợp để chữa các triệu chứng của cảm, cúm, chúng ta nhớ cẩn thận đọc công thức của thuốc tổng hợp, xem chúng có chứa acetaminophen không, kẻo chúng ta sẽ uống quá lượng acetaminophen cho phép mỗi ngày.
Tóm lại, thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Những chất thuốc mua tự do ngoài thị trường như aspirin, acetaminophen, naproxen, ibuprofen cũng có những tác dụng phụ, có khi nguy hiểm, của chúng. Chúng ta nên cẩn thận - nhất là những vị đang dùng aspirin với mục đích ngừa heart attack hay stroke - khi dùng những thuốc trị cảm, cúm, vì nhiều thuốc đề trị cảm, cúm có chứa những chất này. Có gì thắc mắc, muốn biết thuốc để trị cảm, cúm trong chứa những chất gì, chúng ta nên hỏi ý kiến của dược sĩ tại chỗ bán thuốc, hoặc bác sĩ của mình. Đọc kỹ chỉ dẫn trên chai thuốc, không nên uống quá liều lượng chỉ dẫn, và dùng thuốc càng ngắn hạn càng tốt. Nếu có triệu chứng gì bất thường, như đi cầu ra phân đen, vàng da, vàng mắt, chúng ta nên đi khám bác sĩ ngay, và nhớ đem theo chai thuốc để bác sĩ xem. Cũng xin nhớ, aspirin, acetaminophen, naproxen, ibuprofen thuần túy chỉ là những thuốc giảm sốt, chống đau, không có tác dụng ngừa cảm, cúm, cũng không giúp cảm, cúm ra đi mau hơn. Khi bị cảm, nếu chúng ta không nóng sốt, không ớn lạnh, đau nhức, chúng ta không cần dùng đến chúng. Còn cúm, thường có nóng sốt cao, nhức đầu dữ, đau mỏi bắp thịt, chúng ta cần đến những chất thuốc này để dễ chịu hơn, nhưng khi triệu chứng do cúm thuyên giảm, chúng ta ngưng thuốc sớm thì tốt. ◘

Không có nhận xét nào: