Người Mỹ, đất nước Mỹ đã mở rộng cánh tay nhân ái đón nhận cả triệu người Việt Nam chúng ta tị nạn cộng sản. Có người Mỹ, có đất nước Mỹ, chúng ta mới có ngày hôm nay sống thoải mái trong no ấm đầy đủ. Rời bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn ra đi ai không đau lòng đứt ruột. Nhưng nếu tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa thì có lẽ chúng ta sẽ còn đau đớn biết bao! May mắn cho chúng ta nơi quê hương thứ hai này vô cùng tốt đẹp và độ lượng, nhân từ, bác ái. Chẳng những chúng ta được sống một đời sống tự do mà con cháu chúng ta lại có cơ hội vươn lên làm người, được học hành giáo dục tốt đẹp và trở thành những nhân tài hữu dụng, hữu ích cho đời. Biết bao nhân tài người Việt đã có những đóng góp, cống hiến to lớn cho quốc gia Hoa Kỳ.Thử nghĩ coi, nếu những thế hệ con cháu chúng ta giờ này còn sống trong nước thì thân phận sẽ ra sao?Đương nhiên là thất học và lớn lên tìm kiếm trong cuộc mưu sinh tạp nhạp, nếu như không đứng đầu đường só chợ bán vé số thì cũng đạp xích lô hay phe phẩy chợ giời. Không thể nào lớn nổi thành người ít ra là một vài thế hệ nữa! Còn số phận những người "chế độ cũ" kẹt lại trong nước - thuộc thế hệ chúng tôi - tới giờ phút này vẫn là thảm kịch với tất cả sự bi đát não nề. Do đó càng nghĩ tôi càng thấy mình (và tất cả người Việt tị nạn tại Mỹ) phải biết ơn người Mỹ, đất nước Mỹ. Riêng chúng tôi - những người tù cải tạo - còn phải tri ân tổng thống Mỹ Reagan, nhà ngoại giao Robert L. Funseth (người được Tổng thống Reagan bổ nhiệm đặc trách thương thuyết với chính quyền cộng sản Việt Nam về tù nhân chính trị) những viên chức Mỹ đã tận tình can thiệp với giới chức nhà nước cộng sản Việt Nam và mở đường cho chúng tôi sang Mỹ định cư. Nói tới những vị ân nhân người Mỹ mà không nhắc tới một ân nhân người Việt Nam tôi nghĩ là một thiếu sót lớn. Vị ân nhân này là bà Khúc Minh Thơ.Tên tuổi bà mấy chục năm nay chẳng những người Việt trong nước, người Việt hải ngoại, mà cả thế giới đều biết tên tuổi bà. Người ta đã viết nhiều nói nhiều về bà, nhưng tôi nghĩ có viết thêm về bà nữa cũng không thừa, vì bà xứng đáng được như vậy. Cuộc đời bà cũng là một thảm kịch. Năm 23 tuổi đã trở thành góa phụ. Chồng bà, một sĩ quan quân lực VNCH tử trận trong một trận phục kích của địch tại quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, để lại cho bà ba con thơ: đứa lớn 4 tuổi, đứa thứ hai 16 tháng tuổi và đứa thứ ba còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ. Cha bà - một nhà giáo - bị cộng sản bắt thủ tiêu, giờ này vẫn chưa biết mồ chôn ở đâu. Và mẹ bà cũng bị địch giết ngay tại nhà mình. Chiến tranh đã làm bà mất đi ba người thân yêu nhất trong đời, do đó "vì thảm cảnh của đời tôi", bà tự nguyện cố gắng hết sức mình làm tất cả những công việc giúp cho những người kém may mắn khỏi bị đau khổ, mất mát và được hưởng những gì con người có quyền hưởng. Tám năm trời dòng dã âm thầm hoạt động trong kiên trì nhẫn nại để vận động với Quốc hội Mỹ, với giới chức Mỹ "nhiều lần tôi thất vọng đến hết chịu nổi" vì "không thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm", bà Khúc Minh Thơ đã đạt được mục đích. Bản thỏa hiệp lịch sử giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhà nước cộng sản Việt Nam về việc đưa các cựu tù chính trị VN sang định cư tại Hoa Kỳ được ký ngày 30.7.1989 (người ta quen gọi là chương trình H.O.) Từng đoàn người cựu tù cải tạo, gần 300.000 người (cùng với gia đình) tới tấp "bay" sang Hoa Kỳ định cư, làm lại cuộc đời mới. Cám ơn bà Khúc Minh Thơ - một nữ lưu thời đại - một ân nhân lớn của những người tù cải tạo chúng tôi.Người thứ hai tôi muốn nói tới ở đây, và tôi nghĩ, tôi có bổn phận phải nói tới với tất cả sự ngưỡng mộ, thán phục cũng như tri ân. Ông đã làm chúng ta hãnh diện về ông: người thanh niên, người con thân yêu của đất nước Việt Nam của những năm 70 thế kỷ 20. Hơn nữa, ông xứng đáng với danh vị một anh hùng. Đó là chàng trai nước Việt Trần Văn Bá. Trần Văn Bá sinh năm 1945 tại tỉnh Sa Đéc thuộc miền Nam Việt Nam. Ông là con trai thứ của dân biểu quốc hội lập hiến thời đệ nhị cộng hòa Trần Văn Văn. Ông Trần Văn Văn thời đệ nhất cộng hòa trong nhóm Caravelle gồm 18 nhân vật trí thức như các ông kỹ sư Phan Khắc Sửu, bác sĩ Phan Huy Quát, luật sư Trần Văn Tuyên, giáo sư Trần Văn Hương vv... họp báo ra tuyên ngôn đòi hỏi chính quyền TT Ngô Đình Diệm mở rộng tự do dân chủ, không đàn áp bắt bớ giam cầm đối lập. Tất cả bị bắt tù đầy ra Côn Đảo. Sau đảo chánh 1963, ông Phan Khắc Sửu được nhóm tướng lãnh mời làm quốc trưởng. Ông Trần Văn Văn bị kẻ thù ám sát vào năm 1966. Trần Văn Bá sau khi chịu tang cha, sang Pháp du học, tốt nghiệp cao học kinh tế năm 1971 và làm giảng nghiệm viên đại học Nante, đồng thời cũng là Chủ tịch Tổng hội sinh viên VN tại Paris từ năm 1973 đến 1980. Sau 30 tháng tư 1975, đau lòng vì quê hương đất nước dân tộc chìm ngập trong tăm tối tù đầy, Trần Văn Bá cùng một số bạn hữu năm 1980 bí mật rời nước Pháp về VN lập chiến khu chống trả bạo quyền cứu dân cứu nước. Ông cùng các bạn thành lập Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam. Nhưng chí lớn chưa thành mộng lớn chưa đạt, ông và tổ chức bị cộng sản bắt vào năm 1984. Ông bị kết án tử hình và đã vì tổ quốc hy sinh ngày 8.1.1985. Lẽ ra, như đa số những sinh viên du học nước ngoài, sau khi học hành thành đạt với mảnh bằng cao và có địa vị trong xã hội, người ta thường bỏ qua nhiều thứ - dù là thiêng liêng trọng đại thuộc một phạm trù cao đẹp, lý tưởng - để sống một cuộc đời hưởng thụ với vợ đẹp con khôn nhà lầu xe hơi nơi đất nước người. Nhưng với Trần Văn Bá thì không. Ông đã từ bỏ tất cả những vinh hoa phú quý đang có trong tầm tay. Thù nhà nợ nước còn chất nặng trĩu trên hai vai. Viết tới đây tôi bất chợt nghĩ tới người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Tới thảm kịch hai cha con lúc Nguyễn Trãi đưa tiễn cha mang gông cùm nơi cổ bị đầy sang đất thù. Tôi không hề có ý tưởng so sánh giữa bậc tiền bối với kẻ hậu sinh. Mà chỉ muốn nói tới ý chí quật cường bất khuất, lòng yêu nước dạt dào của hai người thanh niên trí thức dám sả thân hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, vì đại nghĩa. Một người, cha bị kẻ thù bắt tù đầy biệt xứ. Một người, cha bị kẻ thù giết đang lúc sự nghiệp lên cao. Thân xác Trần Văn Bá đã tan rữa trong lòng đất nhưng tinh thần tên tuổi ông bất diệt, tồn tại mãi cùng thời gian, cùng non sông đất nước. Không thành công nhưng ông đã thành nhân. Ông xứng đáng là hậu duệ của những Bà Trưng, Bà Triệu, của những Trần Bình Trọng, Nguyễn Thái Học... Thời nay còn được bao người như Trần Văn Bá? Ngày 15.11.2007 tại Tòa Đại sứ Hung Gia Lợi ở Thủ đô Washington, Sáng hội Victims of Communism Memorial Foundation đã chính thức truy tặng huân chương "Tự Do Truman - Reagan" (Truman - Reagan Medal of Freedom Award) cho Trần Văn Bá để vinh danh tinh thần tranh đấu kiên cường cho lý tưởng tự do dân chủ của nhân loại. Cùng được vinh dự này còn có hai người nữa là tiến sĩ János Horváth (người Hung Gia Lợi) và dân biểu liên bang Mỹ Dana Rohrabacher. Đây là một vinh dự lớn không chỉ riêng cho Trần Văn Bá mà còn cho tất cả người Việt chúng ta. Với huân chương "Tự Do Truman - Reagan", Trần Văn Bá đã đi vào lịch sử tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ của loài người, cùng với những nhân vật tên tuổi thế giới như Đức Giáo Hoàng John Paul II, tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel, tổng thống Ba Lan Lech Walesa, khoa học gia người Nga Elena Bonner... và nhiều người nữa đã được nhận huân chương cao quý này. Tấm gương vì quốc gia dân tộc, vì đại nghĩa đồng bào, với ý chí quật cường hào hùng bất khuất của Trần Văn Bá sẽ còn sáng ngời mãi. Trần Văn Bá, chúng tôi hãnh diện vì ông!Thanh Thương Hoàng
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét