Cali Today News – Thập niên 80-90, người Việt ở Việt Nam và người Việt ở Mỹ đều hoang mang vì nhiều chuyện thanh niên Việt di tản một mình trở thành tội phạm nguy hiểm và bị bị trừng phạt nặng, bị lên ghế điện, hay bị trả về Việt Nam. Tại Viêt Nam, nhiều câu chuyện chuyền qua tai làm cho những ai cho con đi vượt biên lo lắng không ít.
<!>
Một người mẹ có con vượt biên, đã nhận quà con gửi về, một hôm được công an đến báo đi thăm nuôi tại nhà tù Chí Hòa! Một người mẹ, bi thảm hơn, một hôm nhận được một thùng quà, mở ra xem thì thấy đầu lâu con trai mình vì cậu này khi bị tử hình, đã khẩn khoản quan tòa cho gửi đầu lâu của cậu về cho mẹ? Một nhóm 4 thanh niên bị lên ghế điện cùng lúc vì tội hãm hiếp và giết nạn nhân còn trong tuổi vị thành niên… Một số câu chuyện có thực, số khác thì hoang đường, đã làm cho cộng đồng Việt tại Mỹ, nhất là tại khu Bôn Sa, là nơi tập trung khá nhiều người Việt thành công trong thương mại sớm nhất nước Mỹ, hoang mang, nhìn lại con cái mình. Nhưng điều gì đã trễ thì trễ rồi, không còn phương cứu vãn nữa.
Thực tế, hiện tượng trẻ Việt Nam “bụi đời”, làm nên những tội phạm nguy hiểm, sau những năm 2000 đã giảm đi rất nhiều, vì lớp thanh thiếu niên được cha mẹ cho đi vượt biên một mình đã không còn nữa. Nhưng không phải đã hết vấn nạn thanh thiếu niên bụi Việt Nam. Gần đây, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy môt vài em gái, ăn mặc lôi thôi, đứng hút thuốc bên ngoài Phúc Lộc Thọ, vài em trai tóc tai bù xù, thọc tay túi quần, cũng đứng lờ đờ nhìn ra đường. Một thanh niên khoảng dưới 30, ngồi trước khu chợ Bolsa, cầm tấm bảng che ngực: “Tôi mới đi tù về! Xin giúp đỡ!” Cách đây không lâu, vào một buổi tối có sương mù, người viết lái xe đi vào khu vực gần Bolsa, nơi các ngã tư gần nhau. Đột nhiên một em gái, khoảng dưới 18 từ trong bờ đường, chạy ra cản đầu xe và nói nhanh bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Bác cho mượn cái phôn, cần gọi cha mẹ đến đón gấp!” Nhìn cô bé gầy gò với cặp mắt nai tơ, người viết thấy thật thương cảm, biết rằng đây lại là một trẻ bụi đây, nếu ngồi trong xe, đưa phôn cho cô bé qua cửa sổ, thì cái phôn sẽ biến mất ngay, nhưng không đưa, thì cũng áy náy, lỡ ra cô bé cần gọi cha mẹ thì sao? Người viết bèn mở cửa ra, và mở rất nhanh rồi đứng ra ngoài cũng rất nhanh, nhìn thẳng vào cô bé và nói: “Cháu cầm phôn ngay tại đây và gọi bố mẹ đi!” Sau đó, đưa phôn cho cô bé rồi lạng chân, đứng chắn phía ngoài để ngừa chuyện cô này giật phôn bỏ chạy. Thấy tình hình này, biết là gặp ông già gân rồi, cô bé cầm phôn và nói tiếng Anh: “Hey! We’re busted! Get going!” (Ê! Bị bể mánh rồi! Dọt lẹ!), trả lại phôn, rồi quày quả đi vào bóng tối. Nếu người viết không đề phòng thì việc giúp người này chắc chắn sẽ bị trả ơn í nhất là việc mất phôn, tệ hơn thì lãnh một cái gậy vào đầu bởi một bọn núp sẵn môt bên đường nhào tới, đập cho một gậy, và cướp xe luôn. Sau đó, vừa lái xe đi, vừa bàng hoàng, thương cảm cho những mái đầu xanh đã trở thành bụi, những đứa trẻ này đã từng được cha mẹ, anh em, họ hàng nâng niu, nâng như nâng trứng, đã từng có những ngày tháng vui vẻ, yêu đời, hạnh phúc dưới mái trường và mái nhà,khi còn bé đã từng được ôm ấp, hôn hít bởi cha mẹ, mỗi nụ cười của chúng là môt niềm vui lớn lao cho cả gia đình.. Và bây giờ, tương lai của chúng ra sao? Chết bờ chết bụi? Ở tù rục xương? Thật đau lòng!
Nước Mỹ là nước đứng hàng đầu trong số những quốc gia coi trọng việc giáo dục con trẻ vị thành niên, nhất là những trẻ đuợc gọi là Trẻ Bụi Đời (Run-Away teens). Nhiều trung tâm giáo dục đuợc thiết lập cách đặc biệt để huấn luyện, cố vấn, và giúp đỡ các em học một nghề chuyên môn để cho các em một tuơng lai bình thuờng như những trẻ khác. Hầu như tiểu bang nào cũng có những Trung Tâm Giáo Dục trẻ em hư hỏng và tại các trường Trung Học, có những lớp học đặc biệt dành riêng cho các em đã lỡ sa chân vào “bụi”. Tại miền Nam California, ngoài các trường đặc biệt huấn luyện tại chỗ (1) trên căn bản Một-Và-Một, nghĩa là chỉ một học sinh và một thầy cô mà thôi, còn những lớp dậy trên Internet (2), gọi là Online Training Centers. Trong tất cả các lớp kể trên, các em được huấn luyện để trở thành những học sinh tốt với những điều kiện học tập khá tiện nghi, nhưng một trong những trung tâm đuợc đánh giá cao nhất là Ironwood, Residential Treatment Center ở tiểu bang Main, nơi không những cố vấn, chữa trị các chứng bệnh tinh thần cũng như thể chất cuả các em, còn bảo đảm việc học cuả các em đuợc thông suốt. Chỉ cần từ 6 đến 9 tháng học tập, các em sẽ say mê với việc học, và một khi đuợc ra khỏi trung tâm, các em sẽ tiếp tục cắp sách đến truờng, và quên đi mọi quá khứ không vui cuả tuổi trẻ.
Trong cộng đồng Việt Nam, hiện tượng các em thiếu niên bỏ nhà đi “bụi” cũng không phải là nhỏ nhưng đa số cha mẹ muốn dấu những điều không hay xẩy ra trong gia đình mình, nên ít thống kê. Người ta chỉ có thể biết được một số em hư hỏng qua quan hệ thân tình hoặc bà con, họ hàng mà thôi. Có gia đình cả ba, bốn đứa con đều hư hỏng, ma túy, trộm cắp, đĩ điếm. Điều quan trọng là sự hiểu biết về vấn đề trẻ em “bụi” trong các gia đình Việt Nam lại khác nhau rất xa, đôi khi vì suy nghĩ sai lầm nên nhiều bậc cha mẹ đã để các em trở thành bất trị và khi tìm đến cố vấn (Counselor) thì đã quá trễ. Một số bậc phụ huynh vẫn quan niệm rằng: đa số trẻ em hư hỏng, trộm cắp là vì không có cha mẹ, vượt biên sang Mỹ một mình, nên dễ sinh hư. Nhận xét này rất đúng với những em qua Mỹ theo diện “mồ côi” vào những thập niên 80 đến 90. Trong một cuốn phim tài liệu giáo dục về người Mỹ gốc Á được chiếu tại lớp học về “Asian Americans” ở trường Cal State Fullerton, em N. sang Mỹ đầu năm 1980 một mình và được đỡ đầu bởi một gia đình đạo đức và rất nghiêm khắc . N. phải làm tất cả mọi công việc vệ sinh trong nhà, và không được đi học vì em chưa biết một câu tiếng Anh nào. Hàng ngày, sau khi xong việc, em cứ ngồi ngay bậc cửa, ngó mông lung vào những cánh đồng mônh mênh, những hàng rào ngả nghiêng, và con đường hun hút không một bóng người. N. cảm thấy cô đơn dễ sợ, nên khi một cán sự Xã hội đến thăm em, N. đã làm dấu xin đi chỗ khác. Em được toại nguyện, nhưng trong khi chờ đợi, em phải về một trại tạm trú có nhiều em khác cũng đang chờ đi. Xui cho em, là trong số những kẻ chờ đợi ấy, có một tay hư hỏng, đã từng xài ma túy, và phải trở đi trở lại trung tâm này nhiều lần, để đổi cha mẹ nuôi. N. đã làm quen, và trong một lúc cô đơn quá, em đã thử hút để rồi sặc sụa, nôn mửa ghê gớm. Sau đó, em được chuyển đi một nhà mới. Ở đây, cha mẹ nuôi rất dễ thương, cho em đi học. Nhưng, lại nhưng, vì đã thử một hai lần ma túy, nên sau một hai tháng ở nhà mới, cơn ghiền lên làm em căng thẳng vô cùng. Vì không biết diễn tả với ai, em bồn chồn tìm cách kiếm tiền đi hút. Không ai cho, nên em lập mưu ăn trộm tiền của bố mẹ nuôi và trốn ra chợ, lang thang tìm mấy tên lưu manh. Chuyện này quá dễ, nên em đã dần dần sa chân vào chốn bùn nhơ. Đến khi bị phát giác, cha mẹ nuôi đành trả em lại trung tâm. Và, một khi “tay đã dính chàm”, chuỗi liên hệ của nghiện hút, trộm tiền, rồi chuyển sang ăn cắp, và ăn cướp không xa. Khi em 18 tuổi, là lúc em ra tòa lãnh án 15 năm tù về tội cướp của và giết người. Được phỏng vấn, em đã tỏ vẻ ân hận rằng đã vượt biên sang đây một mình, không có cha mẹ đi cùng! Cha mẹ nuôi của em thì cho rằng em rất dễ thương, nếu không nghiện hút.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân làm trẻ vị thành niên đi “bụi. Rất nhiều trường hợp trẻ hư và đi “bụi” từ các gia đình tiếng tăm, giầu sang. Người viết đã có dịp trò chuyện với hai anh em trai, người anh 20 tuổi, cậu em mới 16. Nhìn dáng dấp bề ngoài và nghe giọng nói dễ thương, ít chửi thề, không ai có thể tưởng tượng rằng cả hai anh em đã từng vào tù ra khám nhiều lần vì tội trộm cassette xe hơi, và cũng không ai biết rằng hai em là con của một vị Bác sĩ tại Quận Cam. Em S., là anh cả trong một gia đình êm ấm, bất ngờ, ba mẹ em ly dị, các em phải ở với dì ghẻ. Thiếu tình thương của mẹ, trong khi cha lại lo săn sóc những đứa em cùng “không cùng cha cùng mẹ” khác để lấy cảm tình của dì ghẻ, hai em bất mãn, bỏ nhà đi “bụi” và bị bắt ngay. Vào tù một lần, hai lần thành quen, các em chẳng ngán nữa. Dĩ nhiên, sau khi ra tù, S. phải đi làm việc trong vài tiệm của người Việt, lấy tiền mặt để nuôi em, nhưng thỉnh thoảng, thiếu tiền mua quần áo cho cậu em, S. lại ăn cắp.
Phục ông anh và cũng vì những câu chuyện kể sống động cuả anh đã kích thích bản chất “quậy” cuả những đưá trẻ con nhà giầu, cậu em mới 15 tuổi đã tập tễnh theo chân anh, để cả hai anh em đều có tiền án. Tuy vậy, cả hai em vẫn dễ thuơng. Có lần, S. cười nói với người viết: “Để em biểu diễn thử chôm cái máy cassette của anh cho mà xem!” Thế là chỉ trong 3 phút, em đã mở được cửa xe, không tiếng động, rồi làm bộ rờ mấy con ốc của cái máy cassette, em cười: “Ha! Ha! Chỉ thêm 30 giây nữa là cái máy của anh thành đồ âm phủ!” Một lần, biết cái máy cassette cuả nguời viết bị hư, S. lẳng lặng mang một túi vải đựng khoảng gần chục cái cassette mà em đã “chôm” ở đâu đó, đến tặng cho nguời viết: “Anh xem cái nào xài đuợc thì lấy, em lắp vào cho. Nếu không thích cái nào hết, em đi kiếm cái khác cho anh. Ba muơi giây thôi!”
Nguời viết hoảng quá, nhìn đống máy cassette mà lo sợ: “Thôi, cám ơn em. Anh không thể lấy đuợc cái nào hết. Làm như vậy, thì cũng là cùng băng với em rồi. Mai mốt cảnh sát hỏi, em lại chỉ đúng anh, thì bỏ mạng!”
S. cuơì, buồn buồn: “Anh không thích thì thôi!” Nhưng chỉ một lát sau, em lại cuời ha hả, kể chuyện tù cho nguời viết nghe. Tính em vui và thông minh như vậy đó, mà rất tiếc, không có cơ hội để làm người đàng hoàng chỉ vì bất mãn với cha mẹ đã bỏ nhau làm cho em thiếu tình cha mẹ. (Sau này, không gặp em nữa, nghe nói em đã vào nhà tù người lớn!)
Cũng vì ly dị, em T. mới 17 tuổi đã thành sát nhân. Người viết gặp em lúc em đã ra tù, sau khi thọ án 5 năm, và em đã thành một thanh niên 22 tuổi. Nhìn em với dáng dấp cao to, 5 feet 11, đẹp trai, trắng trẻo, chẳng ai ngờ rằng em đã cầm súng bắn chết một tay băng đảng khác khi tay kia theo dõi em, và tính chôm số ma túy trị giá gần $500,000.00 mà em có trách nhiệm đi giao hàng tận Seattle. Tâm sự của T. cũng gần giống tâm sự của S., nghĩa là vì cha mẹ bỏ nhau, em thiếu tình thương, nên đi “bụi” rồi gắn vào ma túy. Cha em cũng là một y sĩ, từng là Đại Úy Quân Y ngày trước. Trong một lần em cãi lại cha vì việc học, người cha nổi nóng quát lớn: “Đồ con nhà mất dậy! Mày tưởng ngon lắm sao? Không có tao nuôi mày, thì mày không có gì mà bỏ vào mồm! Mẹ mày cưng mày lắm vào! Đi mà kiếm mẹ mày đi!” Thế là T. đi, nhưng không muốn kiếm mẹ, vì mẹ cũng có dượng khác, nên em đi kiếm du đãng làm bạn. Cuộc đời em bây giờ đã có sổ đen theo dõi. Không biết em có cơ hội tiếp tục học lại không, vì lúc người viết gặp em, T. đang đứng bán hàng cho một tiệm Việt Nam.
Ngoài sự lơ là, lại có vài nguyên nhân ngược lại. Được cưng chiều lắm, cũng biến con thành một nỗi khổ của gia đình và xã hội. Em gái tên H. mới 17 tuổi, đã được mẹ cho lái xe xịn đi học và đi chơi, dù em không có bằng lái xe! Ỡ Utah, một tiểu bang lạnh, nên cảnh sát cũng hờ hững, ít chặn đường xét bằng lái những thiếu niên mặt còn hôi sữa. Nhà chỉ có hai phòng, bốn mẹ con nằm dúm lại một phòng, còn một phòng thì nhường cho cô tiểu thư vừa trăng tròn lẻ! Trong phòng của em, nào Tivi, cassette, nào phôn cầm tay, một dàn computer, và một tủ quần áo đầy nhóc tên hiệu nổi tiếng. Ỷ mình có chút nhan sắc và vóc dáng cao đẹp, em đòi đủ thứ son phấn, móng tay, và muốn nhuộm tóc mầu gì, mẹ cho mầu ấy! Khi em lơ đãng việc học, mẹ có hỏi nhẹ nhàng thì em lại gầm lên. Thế là mẹ chịu thua! Đi tắm, em không mang chi vô phòng tắm hết, nhưng đứng gào ra cho mẹ mang vào, từ xà bông, quần áo lót, đến khăn tắm, nhưng mẹ chỉ đuợc để trong cửa và cấm nhìn. Bà mẹ lỡ nhìn thân thể con, là cục cưng gào lên, chửi rủa mẹ không tiếc lời! Em gái mà dùng đủ thứ danh từ tục tĩu vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt để mắng mẹ! Người mẹ, vì thấy em không có tình cha ( cha mất sớm) nên cắn răng chịu, đến khi em bỏ học, và đến sống chung với một ông già có nhiều vợ thì thất kinh. Nhờ quan tòa, cảnh sát, cán sự Xã hội… chiến đấu mãi mới mang được em về nhà, và chấp nhận em cứ chửi mắng mẹ như con ở!
Tại một tiểu bang khác, gia đình chỉ có hai chị em gái, một 17, một 14, đang học giỏi thì giở chứng, bỏ học liên miên. Rồi vắng nhà luôn vài hôm! Bố mẹ cuống lên đi tìm mãi mới đưa được em về, nhưng chỉ lấy được cái xác, còn hồn em ở đâu đâu, gọi không nói, hỏi không thưa, chỉ rình bố mẹ đi vắng là dọt! Nhờ vả đủ người cũng không tìm ra cách làm em thay đổi, mãi sau, qua một người cố vấn, mới biết rằng cô em đã có chút bầu tâm sự đuợc vài tháng.
Bà mẹ khóc muốn hết nuớc mắt, gọi nguời viết: “Bác có cứu cháu thì lại nói chuyện với cháu giùm.” Không cách gì hơn, đành phải truy lục cậu bé -“bố đứa trẻ”, và chấp nhận cho cưới sớm. Khi cố vấn nghe tâm sự mới biết là các em đều được bố mẹ chiều hết cỡ, mới 13 tuổi đã cho làm “neo”, căng da mặt, nhuộm tóc, xỏ toòng teng vào lỗ mũi, bôi son đen… Tất cả những tiện nghi ấy được trao cho con gái thoải mái mà không để ý đến việc giáo dục con làm sao sống cho nên người.
Đa số những bậc phụ huynh chiều con quá đáng thành “sợ con”, biến con thành một kẻ ích kỷ, không còn nghĩ đến chia xẻ trách nhiệm, hạnh phúc, và đau buồn với ai, ngay cả với bố mẹ. Các em không bao giờ thấy mình có nhiệm vụ phải rửa chén, hút bụi, lau nhà, dọn dẹp, nấu nướng, mà chỉ biết rằng mình muốn gì cũng được. Những bậc phụ huynh đó, sau này, khi thấy con đã hư, muốn thay đổi quan niệm của con cái mình thì cũng y như việc đứng dang tay ra giữa đường, cản chiếc xe của con, khi con đã được cha mẹ cho phép phóng hết tốc lực từ lâu. Sự va đụng nhất định sẽ xẩy ra, một là cha mẹ tắt thở, hai là con cái gẫy chân, què tay.
Đời sống bên Mỹ này là một chuỗi thử thách có đáp số. Khôn quá thì bị cạnh tranh, bị ghen tị, bị nguời âm mưu giết chết; dại quá thì bị thiên hạ đè, cũng chết, chỉ những nguời hiêủ biết, biết nhắm đến việc tìm hạnh phúc trong gia đình, trong việc giáo dục con cái, mới thấy hạnh phúc thật sự.
Chu Tất Tiến. 16/11/16
(1) Fusion Academy & Learning Center. (http://www.fusionacademy.com)
(2) Turning D Ranch (http://www.turningdranch.com/blog/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét