News Asia 25/11/2016
Khoảng 5.000 người Hồi giáo Bangladesh biểu tình ở thủ đô Dhaka sau lễ cầu nguyện ngày thứ sáu; trong khi hàng trăm người khác biểu tình tại Kuala Lumpur, Jakarta và Bangkok. Những người biểu tình cáo buộc Myanmar “thanh trừng sắc tộc và diệt chủng” người Rohingya Hồi giáo ở bang Rakhine, miền bắc nước này, theo Channel News Asia.<!>
Bạo lực leo thang ở Myanmar được cho đã làm chết ít nhất 86 người và khiến 30.000 người Rohingya phải rời bỏ nơi sinh sống của họ kể từ năm 2012. Binh lính Myanmar cũng bị cáo buộc tấn công tình dục hàng chục phụ nữ người Rohingya.
Bộ Ngoại giao Malaysia kêu gọi tất cả các bên liên quan kềm chế, tránh làm trầm trọng thêm tình hình. "Malaysia cũng kêu gọi chính phủ Myanmar cần có những hành động cần thiết để giải quyết vụ thanh trừng sắc tộc bị cáo buộc xảy ra ở bang Rakhine. Bộ sẽ triệu tập Đại sứ Myanmar để truyền đạt mối quan ngại của chính phủ Malaysia đối với vấn đề này", Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay trong một tuyên bố, theo Reuters.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Myanmar phủ nhận các cáo buộc, nói rằng các cuộc biểu tình tại Malaysia, Thái Lan và Indonesia được tổ chức dựa trên những "thông tin bị bóp méo" và đó là điều "đáng thất vọng".
Quan chức không nêu tên này nói với Channel News Asia rằng các cuộc biểu tình không giúp giải quyết tình hình, và Myanmar sẽ chỉ có phản ứng với các cuộc biểu tình ở các nước khi "cảm thấy cần thiết".
Nhiều người Myanmar, gồm một số nhà sư, từ các nơi đang kéo về Yangon để tham gia cuộc biểu tình phản đối Liên Hiệp Quốc và phương Tây gây áp lực lên chính phủ nước này về vấn đề người tị nạn Rohingya,
Nhóm biểu tình do các nhà sư khởi xướng sẽ diễu hành trên đường phố để huy động sự ủng hộ của dân chúng và lôi kéo họ cùng tham gia trước khi tập trung ở một sân vận động tại thành phố Yangon, theo kênh Channel News Asia (Singapore).
Thông qua cuộc xuống đường, nhóm này muốn thể hiện sự phản đối đối với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài ép Myanmar thay đổi chính sách đối với người Rohingya và nhận lại nhóm người này. Những người thiểu số Hồi giáo Rohingya di cư từ Myanmar đang tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn ở vùng biển Đông Nam Á.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Myanmar, phần lớn là những người theo Phật giáo, nói rằng những người Rohingya Hồi giáo đến từ Bangladesh, không phải Myanmar. Vì vậy, họ cho rằng việc dư luận quốc tế bắt ép chính phủ Myanmar nhận lại nhóm người này là vô lý, chính phủ Myanmar không có trách nhiệm đối với họ, Channel News Asia cho biết.
Hàng ngàn người Rohingya và Bangladesh vượt biên trên các con thuyền nhỏ để tìm đến vùng đất mới ở Đông Nam Á. Số liệu của Cao ủy người tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2.000 người còn mắc kẹt trên những con thuyền ngoài khơi Đông Nam Á cả tháng trời trong điều kiện thiếu nước và lương thực.
Cáo buộc thanh lọc sắc tộc tại Myanmar
Theo BBC 24.11.2016, ông John McKissick của Cao ủy người tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết quân đội chính phủ đang giết hại người Rohingya ở bang Rakhine, khiến nhiều người phải chạy trốn sang nước lân cận là Bangladesh.
Chính phủ Myanmar, còn được biết đến là Miến Điện, đang thực hiện chiến dịch chống lại các cuộc tấn công của phiến quân, kể từ khi lực lượng biên phòng bị tấn công vào hồi tháng Mười, đã phủ nhận có những hành động tàn bạo và một phát ngôn viên nói chính phủ 'rất không hài lòng' với những nhận định từ bên ngoài.
Nhà chức trách Myanmar nói chính người Rohingya đã tự phóng hỏa những ngôi nhà của họ ở bang Rakhine. Phóng viên của BBC không thể đến khu vực này để xác nhận độ khả tín do báo giới và nhân viên cứu trợ đều bị cấm.
Những người Rohingya, dân số vào khoảng một triệu người, luôn bị những người Myanmar theo Phật giáo xem là người tị nạn bất hợp pháp từ Bangladesh.
'Trừng phạt tập thể'
Mặc dù chính sách của Bangladesh không cho phép người nhập cảnh trái phép, bộ Ngoại giao nước này đã xác nhận có hàng ngàn người Rohingya vượt biên sang Bangladesh để tị nạn, trong khi hàng ngàn người khác đang tập trung tại khu vực biên giới.
Nói với phóng viên BBC ban tiếng Bengali, Akbar Hossain, người đang có mặt tại thành phố vùng biên của Bangladesh là Cox Bazar, ông McKissick từ Cao ủy người tị nạn Liên Hợp Quốc nói để giải quyết việc này cần phải bắt đầu từ 'gốc rễ của vấn đề' ngay trong nước Myanmar, đồng thời nhận định quân đội và lực lượng biên phòng Myanmar đang tiến hành 'trừng phạt tập thể đối với sắc tộc thiểu số Rohingya', sau vụ chín lính biên phòng Myanmar bị sát hại vào hôm 09 tháng Mười, mà theo các chính trị gia Myanmar cáo buộc do các phiến quân Rohingya gây nên.
Ông McKissick nói quân đội Myanmar đã 'giết hại thường dân, trong đó có trẻ em, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa và xua đuổi họ sang bên kia sông' vào lãnh thổ của Bangladesh.
"Chính phủ Bangladesh không thể tuyên bố mở cửa biên giới, vì như vậy chẳng khác nào khuyến khích chính phủ Myanmar tiếp tục có những hành động xua đuổi người Rohingya cho đến khi xoa sổ hoàn toàn sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo ra khỏi Myanmar," ông McKissick nói.
Để phản hồi, phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Myanmar Zaw Htay nói ông McKissick nên 'tỏ ra chuyên nghiệp trên tư cách một quan chức của Liên Hợp Quốc vì những nhận định của ông này hoàn toàn là cáo buộc".
"Ông ta chỉ nên nói những gì có bằng chứng rõ ràng", phát ngôn viên Zaw Htay nói.
Vào hôm thứ Tư 23/11, bộ Ngoại giao Bangladesh đã triệu tập đại sứ Myanmar để bày tỏ 'sự quan ngại sâu sắc' về các hoạt động của quân đội Myanmar tại khu vực bang Rakhine.
Bangladesh nói rất nhiều người đang tìm cách vượt biên giới vì muốn bảo vệ tính mạng và tìm một nơi trú ngụ, đồng thời yêu cầu Myanmar 'đảm bảo sự nguyên vẹn của biên giới."
Nhà chức trách Bangladesh đã tạm giữ và cho hồi hương hàng trăm người bỏ trốn khỏi Rohingya.
Vào hồi đầu tuần này, tỏ chức Quan sát Nhân quyền công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có hơn 1.200 ngôi nhà bị san bằng tại những ngôi làng của người Rohingya trong vòng sáu tuần qua.
Chuyện gì đang xảy ra tại bang Rakhine?
Một chiến dịch quân sự qui mô lớn được chính phủ Myanmar tiến hành từ tháng trước sau khi chín lính biên phòng bị sát hại tại đồn biên phòng tại Maungdaw.
Một số quan chức chính phủ Myanmar cáo buộc một nhóm phiến quân Rohingya đứng sau vụ tấn công, khiến chính phủ ra lệnh bao vây khu vực Maungdaw đồng thời cho quân đội phản công.
Những nhà hoạt động nhân quyền cho người Rohingya nói đã có hơn 100 người bị giết hại và hàng trăm người khác bị bắt giữ trong chiến dịch đàn áp của chính phủ Myanmar, trong khi chính phủ Myanmar luôn phủ nhận những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như giết hại, tra tấn và hãm hiếp và ngược lại, còn cáo buộc phiến quân đã tấn công trực thăng của quân chính phủ.
Người Rohingya là ai?
Khoảng một triệu người Hồi giáo Rohingya được xem là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh tại đất nước Phật giáo như Myanmar và không được nhập tịch dù đã sinh sống tại đây từ nhiều thế hệ.
Tình trạng bạo lực tại bang Rakhine từ năm 2012 khiến nhiều người thiệt mạng và hơn 100.000 người phải sơ tán khắp nơi, trong đó nhiều người Rohingya vẫn sống trong những khu lều trại đổ nát.
Người Rohingya thường xuyên phải đối diện với nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.
Lỗi tại chính phủ?
Chính phủ Myanmar tổ chức bầu cử lần đầu tiên trong vòng 25 năm vào tháng 11/2015 với kết quả đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo và dù không được làm Tổng thống theo qui định của hiến pháp, bà Suu Kyi, trong vài trò Cố vấn chính phủ, vẫn là người lãnh đạo trên thực tế.
Nhưng chính phủ hiện tại, dưới sự lãnh đạo của một người từng là biểu tượng đấu tranh cho nhân quyền, đang chịu sự chỉ trích nặng nề từ quốc tế về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine và bị yêu cầu giải thích tại sao phóng viên và nhân viên cứu trợ không được phép đến khu vực này.
Phat ngôn viên văn phòng Tổng thống Zaw Htay khẳng định truyền thông quốc tế không được phản ánh đúng những gì đang diễn ra tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét