1. Cho Một Thành Phố Mất Tên: Phạm Đình Chương - Hoàng Ngọc Ẩn - Mai Hương
2. Tiếng Dân Chài: Phạm Đình Chương - Như Quỳnh - Thế Sơn
3. Mưa Chiều Miền Trung: Hồng Xương Long - Như Quỳnh
4. Tình Nhỏ Mau Quên: Hàn Châu - Như Quỳnh - Tường Nguyên
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ...............
.............................. .............................. .............................. ...............
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Hiệu Minh: "Lái ngựa thành Troy Henry Kissinger" tái xuất giang hồ
Henry Kissinger: America has no permanent friends or enemies, only interests.
Khi viết bài này thấy trên kênh AMC (American Movie Channel) đang chiếu bộ phim Troy dựa vào sử thi Iliad của Homer với diễn viên Brad Pitt vào vai Achilles nổi tiếng.
Vừa xem phim vừa lướt nét. Một tin ít người để ý đó là tuần trước, Donald Trump gặp Henry Kissinger tại đại bản doanh của TT mới bầu mà sau đó Trump đã dành những từ tốt đẹp, sự tôn trọng cựu ngoại trưởng thời chiến tranh Việt Nam.
Tiếp theo vị trí gây tranh cãi như Stephen Bannon cố vấn trưởng của TT, người có xu hướng theo thuyết ưu thế của người da trắng và bài Do Thái, là những nhân vật mà Trump vừa gặp như Rudy Giuliani biểu tượng chống Hồi Giáo, tướng James Mattis bên thủy quân lục chiến đã về hưu, có biệt danh là “Mad Dog – chó điên” nhắm vào chức bộ trưởng quốc phòng.
Kris Kobach, quan chức ở bang Kansas có lập trường chống di dân trái phép, cũng đang nhắm vào một chức nào đó. Nhà tỷ phú đầu tư Wilbur Ross, một ứng viên cho chức bộ trưởng thương mại, kể cả cựu đối thủ Mitt Romney đang muốn chức ngoại trưởng.
Các chức danh như Bộ trưởng Bộ Tư pháp chính thức vào tay Jeff Sessions, Giám đốc CIA là Mike Pompeo, tướng về hưu Mike Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia.
Nhìn danh sách các nhân vật Trump đã gặp có thể nói về sự “diều hâu” trong tranh cử của Trump đang thể hiện trong lựa chọn các ứng viên không biết thỏa hiệp là gì. Bắt giam bloggers đem mặc cả sẽ không có tác dụng với loài chim chỉ biết vồ mồi, ăn tươi nuốt sống.
Đối với người Việt, tin TPP bị TT mới bầu Trump bỏ ra ngoài rìa, dường như là đáng buồn và lo nhất.
Trái lại, Trung Quốc vui về TPP vì họ hiểu chiến lược châu Á không phải là ưu tiên của Trump. Ông ta còn không nhắc tới trong thông điệp trên YouTube về tiền tệ của Trung Quốc mà ông lên án suốt thời gian tranh cử.
Thú thật, nếu TPP thực hiện ngay hôm nay và thậm chí tầm này sang năm, hay 5 năm nữa, Việt Nam chưa sẵn sàng về nguồn lực, kỹ thuật, hiểu biết toàn cầu, kể cả thể chế đi theo.
Đối với riêng người viết entry này thì cuộc gặp Kissinger-Trump gây nhiều lo ngại cho Việt Nam. Nếu nhớ lại thời Kissinger đã “giải tỏa” quan hệ Mỹ-Trung thông qua kênh ngoại giao bóng bàn, giúp giải quyết Liên Xô và Đông Âu êm thấm.
Nhưng Trung Quốc lại trỗi dậy thành nền kinh thế thứ 2 thế giới sau hơn 40 năm “hàn gắn” với Mỹ. Chiến lược xoay trục châu Á dùng TPP của Obama là nhằm chế ngự Trung Quốc đang muốn làm bá chủ thế giới vì vài thập kỷ nữa thôi, Mỹ sẽ xuống hàng thứ hai nếu không cân bằng quyền lực toàn cầu.
Trong vụ “buôn bán” Mỹ-Trung, người Do Thái (Kissinger) và người Hoa (Mao Trạch Đông) đã giở hết ngón lái buôn để làm sao có lợi cho mình nhất.
Mỹ xóa sổ được Liên Xô và Đông Âu. Trung Quốc được mở cửa. Và trong vụ đó thì Việt Nam (cả hai miền) bị thiệt thòi nhất. Miền Nam bị Mỹ bỏ rơi, miền Bắc bị Trung Quốc đánh từ phía Nam và tấn công phía biên giới. Từng là đồng minh cộng sản “máu chảy ruột mềm” thành kẻ thù không đợi trời chung, mưu nào cao hơn Kissinger
Dù sau cuộc gặp, không thấy thông báo về nội dung câu chuyện giữa Trump và Kissinger, nhưng có vài ý về quan hệ với Nga, Trung Quốc và có thể là biển Đông mà Trump muốn hiểu quyền lợi Mỹ ở đây là gì.
Theo Jeffrey Goldenberg, TongBienTap (TBT) báo Atlantic nổi tiếng của Mỹ, Kissinger luôn khôn khéo biết đối xử với Trung Quốc, hướng tới hợp tác cùng có lợi hơn là đối đầu quân sự giữa số 1 và số 2 thế giới.
Trump tỷ phú quen với kinh doanh, lợi nhuận là trên hết. Như Marx nói, vì tiền tư bản có thể giết cả cha mẹ. Đồng minh, bạn bè chẳng đóng vai trò gì trong suy nghĩ của một người thực dụng như Trump và đàn diều hâu vây quanh.
TBT Atlantic lo Trump đang tập trung những người giỏi nhất, lo về tính cách nóng nẩy, và những hành xử không thể đoán trước của TT mới bầu. Dù ông không lo chuyện Trump hứa lung tung trong bầu cử như đuổi người nhập cư, xây tường biên giới hay đưa Clinton ra tòa. Nhưng TBT Atlantic lo nhất có sự cố bất ngờ. Một hôm nào đó Giám đốc CIA đặt lên bàn làm việc báo cáo, Bắc Triều Tiên có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vượt đại châu có thể bắn vào Hoa Kỳ, thưa tổng thống, chúng ta phải làm gì.
Việt Nam đứng đâu trong bức tranh của Trump và Tập Cận Bình, điều đó cần thêm thời gian vài năm. Quan hệ làm ăn với Trung Quốc là quan trọng số 1 của Trump vì ông hứa lôi việc làm về cho người Mỹ, vì quyền lợi quốc gia để Make America Great Again.
Kissinger từng bán rẻ Việt Nam thì hoàn toàn có thể khuyên Trump bán thêm lần nữa. (Câu nói để đời của Kissinger khi đề cập đến hoàn cảnh khốn khó của Quân Dân VNCH khi rút lui về Nam năm 1975: Tại sao chúng nó không chết phức đi cho rồi). Hai nước cộng sản hục hặc với nhau càng lợi cho Hoa Kỳ như thời Liên Xô – Trung Quốc. Lái buôn Hoa và Do Thái hợp tác với nhau, thêm tỷ phú Trump chuyên các phi vụ tiền tỷ vào vai định giá thì khó mà đoán hậu quả cho các nước nhỏ.
Tại Hội nghị Paris 1973, ông Lê Đức Thọ từng chỉ mặt Kissinger “ông là kẻ lái trâu”, để đáp lời tay Do Thái sành sỏi nói ông Thọ “buôn ngựa”.
Bộ phim thành Troy đi đến hồi kết trên tivi. Cảnh thật tàn bạo, giết chóc, máu me từ đầu đến cuối. Quân Hy Lạp chiếm thành Troy bởi con ngựa gỗ chứa bên trong những chiến binh tinh nhuệ như Achilles nửa đêm mở cổng thành đón quân vào chiếm thành. Chợt nghĩ đến ngoại trưởng gốc Do Thái, Henry Kissinger, sức phá hoại của con ngựa gỗ ngoài 90 tuổi không chỉ riêng một thành Troy. Hôm nay nhìn vào bức tranh của tỷ phú Trump vừa trúng tổng thống, TPP hay Nhân quyền chỉ là chuyện nhỏ. Con ngựa gỗ đang ẩn mình đâu đó mới thực sự đáng lo với Việt Nam.
(ii) Hà Tường Cát (NV): Lần thứ nhì Mỹ bỏ rơi Việt Nam
Năm 1975, Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam sau hơn 10 năm trực tiếp trợ giúp không thành công trong việc ngăn chặn làn sóng Cộng Sản. Đã có rất nhiều bàn luận về sự kiện này, chẳng hạn tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã viết ra cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy.”
Bây giờ sau gần 10 năm chính quyền Tổng Thống Barack Obama tìm cách đưa Việt Nam vào làm một đồng minh quan trọng của Mỹ nhằm kềm chế Trung Quốc bành trướng tại Đông Nam Á, tổng thống tân cử Donald Trump dường như sẽ đảo ngược hoàn toàn đường hướng này. Một lần nữa, với hình thức khác, đồng minh lại tháo chạy khỏi Việt Nam?
Chưa thể dự đoán hết mọi biến chuyển sau ngày 20 Tháng Giêng, 2017, ngày ông Trump tuyên thệ nhiệm chức. Tuy nhiên, trong những sự kiện đã được xác định, thì TPP sẽ là “nạn nhân” đầu tiên của một loạt những hủy bỏ mà ông Trump đã hứa hẹn từ thời kỳ tranh cử.
Khi nói đến sự can dự của Mỹ ở Châu Á, người ta thường nghĩ đến sự hiện diện quân sự, và nguy cơ xảy ra xung đột. Nhưng nếu chiến tranh là một hình thức khác của chính trị, như định nghĩa của Von Clausewitz, thì sự triển khai quân lực mới chỉ là giai đoạn đầu hay sự sẵn sàng ứng phó, răn đe, mà thôi. Trong thời đại này, chưa có nhiều nguy cơ chiến tranh giữa các nước lớn, và sự đối đầu chính là kinh tế.
TPP, hay Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, là thỏa thuận mậu dịch tự do được ký kết tại Auckland, New Zealand ngày 4 Tháng Hai, 2016, giữa 12 nước: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Nhật, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam, sau năm năm thương thuyết. Tuy nhiên nhiều nước, trong đó quan trọng nhất là Mỹ, chưa phê chuẩn hiệp ước. Trị giá mậu dịch giữa các nước này được ước lượng là $27,000 tỷ mỗi năm, 40% kinh tế toàn cầu.
Không ai ngạc nhiên về việc ông Trump loan báo Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Nhưng bằng nỗ lực tối hậu, Thủ Tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đã đến New York gặp ông Trump tuần trước và thảo luận trong 90 phút. Rồi ông Abe vừa xác định rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Mỹ, thì chỉ ít giờ sau đó ông Trump loan báo qua một đoạn video dài 2.5 phút trên Youtube, vạch rõ 5 quyết định sẽ thi hành trong 100 ngày đầu ở Tòa Bạch Ốc, trong đó có việc rút khỏi TPP, nhưng không đề cập gì đến Obamacare và xây bức tường biên giới, những điều cũng đã hứa hẹn khi tranh cử. Quyết định ấy sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu dân ở 11 quốc gia vùng Thái Bình Dương, và chưa thể rõ lợi hại đối với giới công nhân Mỹ cùng tương lai của California, tiểu bang mà sự phát triển kinh tế chịu tác động mạnh nhất của mậu dịch toàn cầu.
Vui mừng đón nhận tin này là Trung Quốc, nước chưa bao giờ được tham gia thương lượng TPP và chỉ được mô tả mơ hồ sẽ làm một đối tác tương lai. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn đang cổ vũ RCEP, Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Australia, New Zealand và 10 nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhưng… không có Mỹ! Như thế chính sách bảo hộ mậu dịch mà ông Trump chủ trương và (có lẽ) thực hiện sẽ mở đường cho Trung Quốc thay thế vai trò của Mỹ tại thị trường đang tiếp tục phát triển mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh đó, về phần nước Mỹ, dù cho hùng mạnh bao nhiêu hay bằng cách nào thì cũng không thể là vĩ đại, và tương lai chỉ là cường quốc hạng nhì trên thế giới.
Zhang Yansheng, trưởng ban nghiên cứu thuộc viện kinh tế Trung Quốc, nói là “chủ trương cô lập của ông Trmp là một thách thức và cơ hội hiếm có cho Trung Quốc cùng các công ty Trung Quốc.” Theo ông: “Có thể là với chính sách kinh tế của ông Trump sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc vào thị trường Mỹ.”
Chưa có cơ sở để đánh giá dự phóng ấy, bởi lẽ ông Trump và đảng Cộng Hòa từng đe dọa áp thuế quan 45% trên hàng hóa Trung Quốc nhập cảng Mỹ, và chiến tranh mậu dịch có tiềm năng xảy ra giữa hai cường quốc.
Tuyên bố tại hội nghị APEC ở Peru tuần trước, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng “tiếp tục gia nhập vào kinh tế toàn cầu và đưa các nền kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương đến khai phóng hơn.”
Nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới không cho là việc Mỹ rút khỏi TPP là một hành động khôn ngoan. Simon Rabinovitch, chủ biên kinh tế Á Châu của tờ Economist, nói với BBC rằng “mặc dầu ông Trump gọi là một thỏa hiệp ‘kinh khiếp,’ thật ra TPP có lợi nhiều cho nước Mỹ.”
Cùng với việc xóa bỏ TPP sẽ là thay đổi chiến lược “chuyển trục về Châu Á” của chính quyền Obama. Thành tố chính của chiến lược này không phải là quân sự mà chính là kinh tế. Cùng lúc chuyển đổi cả hai chủ trương đó sẽ là bãi bỏ sự kiềm chế Trung Quốc bành trướng, phát triển quân lực và mở đường cho nước này phát triển hợp tác chính trị, kinh tế với các nước khu vực.
Việt Nam được xem là nước hưởng lợi ích nhiếu nhất với TPP. Bây giờ, hơn bất kỳ nước nào khác, Việt Nam được coi như lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu là một bảo đảm vững chắc cho nền độc lập trước mọi âm mưu xâm lược từ Trung Quốc. Ngày nay, gần như chỉ còn một mình đứng ở tuyến đầu sau khi Philippines quay ngang và nhiều nước không còn trung thành trong khối ASEAN, Việt Nam sẽ phải tìm cách thích ứng có chừng mực trong đường lối đối phó với Trung Quốc. Tuy vậy, dù tình hình khó khăn phức tạp hơn, Việt Nam vẫn có đủ khả năng uyển chuyển để không dễ dàng phải lệ thuộc đại quốc này như người ta lo ngại. Thái độ dè dặt trong mối quan hệ với Mỹ mấy năm vừa qua là một minh chứng về sự tính toán khôn ngoan của Việt Nam, dự phòng không bị bất ngờ đi vào tình trạng nan giải quá đáng trong trường hợp đồng minh Mỹ tháo chạy.
Singapore và Malaysia cũng là hai nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì không còn TPP. Kinh tế Malaysia hy vọng đạt mức tăng trưởng 5.5% năm 2025 với TPP. Singapore là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên và Thủ Tướng Lý Hiển Long đã từng bày tỏ sự thất vọng: “Cuối cùng nếu chờ đợi trước bàn thờ mà cô dâu không đến, thì theo tôi mọi người sẽ cảm thấy rất tổn thương, nhưng không chỉ về mặt tình cảm, mà thực tế là những tổn hại trong một thời gian dài tương lai.”
Sự lo ngại của các thành viên TPP về chủ trương cô lập mới của Mỹ được trình bày thẳng thắn nhất qua phát biểu của tân thủ tướng New Zealand, ông John Key. Ông nói: “Tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump về giá trị của TPP và tầm quan trọng về sự can dự của Mỹ ở Châu Á.” Và ông nói thêm: “New Zealand và các nước khác sẽ không chờ đợi mãi mãi. Nếu Mỹ không có mặt ở đây thì Trung Quốc sẽ lấp vào khoảng trống ấy và sự hợp tác của chúng tôi không có lựa chọn nào khác.”
(iii) Ls Nguyễn Văn Thân: Những ngày tháng bấp bênh sắp tới
Trái với kết quả của các cuộc thăm dò dân ý, Donald Trump đã đánh bại Hillary Clinton dễ dàng và sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông Trump chiếm được 306 phiếu cử tri đoàn so với 232 của bà Clinton. Thật ra, bà Clinton chiếm nhiều phiếu cá nhân hơn với gần 64 triệu so với 62 triệu của ông Trump. Có thể nói, Tổng thống Trump đại diện cho nhóm cử tri thiểu số ( Hôm 23/11, New York Times dẫn nguồn số liệu từ nhà phân tích chính trị Dave Wasserman của chuyên trang Cook Political Report cho biết bà Clinton đã giành được 64,23 triệu phiếu phổ thông trong khi ông Trump giành 62,21 triệu phiếu. Kết quả này tương đương bà Clinton hơn ông Trump 1,5% phiếu bầu phổ thông. Đây là mức chênh lệch phiếu chưa từng thấy với ứng viên thua cuộc từ sau cuộc bầu cử năm 1876 tại Mỹ).
Một lần nữa, tầng lớp chính trị chuyên nghiệp lại bị hố khi đưa ra những dự đoán hoàn toàn sai trật. Mọi người đã đánh giá thấp sự tức giận và niềm thất vọng của giới lao động Mỹ khi họ dồn phiếu cho ứng viên Trump để gửi một thông điệp đến giới quyền uy chính mạch đã quá xa rời quần chúng. Để cử tri có thể bỏ qua những hành vi khá tệ của một ứng viên tổng thống thì chắc là cơn giận này phải thật là đáng kể.
Phải ghi nhận Donald Trump là một hiện tượng chính trị của Mỹ. Chưa bao giờ trong lịch sử tranh cử mà có nhiều giới lãnh đạo của Đảng Cộng hòa lại từ chối vận động cho ứng cử viên tổng thống mà chính Đảng Cộng hòa bầu chọn. Thậm chí, cựu Tổng thống Bush cũng như Thượng nghị sĩ John McCain cho biết là không bỏ phiếu cho Trump. Đại tướng Colin Powell nói rõ là ông bầu cho Hillary Clinton. Tại sao một người ăn nói xấc xược và công khai bày tỏ thái độ khinh miệt, kỳ thị với di dân, người da đen và phụ nữ lại được hàng chục triệu người Mỹ ủng hộ trở thành tổng thống? Đây là câu hỏi mà giới quan sát chính trường Hoa Kỳ cũng như các nhà xã hội học sẽ không dễ dàng tìm được câu trả lời.
Chủ nghĩa dân túy cực đoan đang trên đà đi lên khắp mọi nơi với Đảng One Nation tại Úc, Brexit tại Anh và Donald Trump ở Mỹ. Theo truyền thống thì quyền lực nằm ở đa số thuộc nhóm trung hữu hoặc trung tả. Nhưng khuynh hướng cực hữu đang khai thác thành công cảm giác lo âu trước những sự kiện di dân và toàn cầu hóa. Người ta lo ngại cho tương lai công ăn việc làm cũng như lương bổng bị kìm hãm vì cạnh tranh từ nguồn lao động nước ngoài. Một nền kinh tế toàn cầu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Giới chuyên gia có tay nghề với kỹ thuật cao sẽ có cơ hội vươn lên. Thành phần lao động tay chân với tay nghề thấp sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, giới lao động trong kỹ nghệ sản xuất nhìn thấy nhiều người thân và bạn bè mất việc. Hàng loạt công nhân làm việc cho các hãng sản xuất xe tại các tiểu bang đông bắc (rust belt states) bị sa thải. Nhiều công ty Mỹ dời hãng sang Trung Quốc hoặc Mễ Tây Cơ với giá lao động rẻ. Nguyên cả cộng đồng bị tan nát. Nạn thất nghiệp dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội khác làm cho người dân có quyền chính đáng để tức giận, nhất là khi họ cảm thấy chính quyền và chính trị gia có vẻ thờ ơ trước những vấn nạn khó khăn mà họ phải đối diện.
Thật ra, câu chuyện ở Mỹ không đơn giản như vậy. Khi Obama lên nhậm chức tổng thống vào năm 2009, ông thừa hưởng một nền kinh tế lụn bại từ những chính sách phá sản của George Bush với tỷ lệ thất nghiệp hơn 10%. Kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục trong 8 năm qua dù mức độ tăng trưởng không quá 3% mỗi năm. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 4.7%. So với 2009 khi mỗi tháng có hơn 700,000 người lao động bị mất việc, Obama đã tạo ra hơn 15 triệu việc làm với trung bình mỗi tháng có hợn 250,000 việc làm. Thị trường chứng khoán cụ thể là Dow Jones tăng kỷ lục tới 150%. Ngân sách quốc gia tuy vẫn thâm hụt nhưng giảm rất nhiều xuống khoảng 2/3 nhờ vào tỷ lệ thất nghiệp thấp. Càng có nhiều người làm việc thì tiền thuế chính quyền thu vào càng cao. Dưới chính sách Obamacare, hơn 15 triệu người Mỹ nghèo khó đã có được bảo hiểm y tế. Mỹ không còn phải chi cho chiến phí vì đã rút quân ra khỏi A Phú Hãn và Iraq. Trong suốt 8 năm qua, chưa có một cuộc tấn công khủng bố nào thành công trên đất Mỹ trái với dự đoán của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney. Và dĩ nhiên, Obama hạ lệnh cho biệt kích Mỹ tiến vào Pakistan thủ tiêu trùm khủng bố Osama Bin Laden vào tháng 5 năm 2011.
Những thành tựu kinh tế tương đối ít ỏi cũng như chỉ mang lợi đến tầng lớp giàu có không thể làm hả cơn giận của giới lao động lo âu trước những thách thức hoặc chán ngán với kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất là chính sách giao thương của Hoa Kỳ. Không ai chối cãi là giao thương quốc tế mang đến thịnh vượng chung cho các quốc gia trên thế giới bằng cách nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Người Mỹ không sợ cạnh tranh nhưng với điều kiện là cạnh tranh công bằng. Nhưng làm sao họ có thể cạnh tranh công bằng với công nhân Trung Quốc và Nam Mỹ là những nơi mà tiêu chuẩn và điều kiện lao động và môi trường là những xa xỉ phẩm.
Theo các con số thăm dò ý kiến thì chỉ có khoảng 20% dân chúng Mỹ tin vào khả năng giải quyết các vấn nạn xã hội của Quốc hội Mỹ. Hệ thống dân chủ của Mỹ căn bản là một hình thức độc quyền lưỡng đảng (duopoly). Có nghĩa là một thị trường rộng lớn với hơn 300 triệu người mà chỉ có hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ có tiếng nói trong Quốc hội. So với ở Úc, Đảng Tự do có khuynh hướng bảo thủ phải cạnh tranh giành phiếu ủng hộ không chỉ với Lao động mà còn với các đảng phái hữu khuynh khác như Đảng Quốc gia và One Nation. Tương tự như vậy, Đảng Lao động không chỉ đấu với Tự do mà còn phải tự vệ từ hướng tấn công của Đảnh Xanh cấp tiến. Quốc hội của Úc hiện nay (tính luôn Thượng viện) ngoài hải đảng lớn là Tự do và Lao động còn có 7 đảng phái khác và một số dân biểu độc lập đại diện cho mọi tiếng nói đa dạng trong một quốc gia chỉ với 23 triệu dân (tức chưa tới 1/10 dân số của Hoa Kỳ). Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người Mỹ nhận định rằng Quốc hội Hoa Kỳ không đại diện hoặc phản ánh nguyện vọng của họ. Từ đó niềm tin bị đánh mất mà mất niềm tin là mất tất cả.
Thứ hai, tranh luận chính trị ngày càng mang tính cá nhân. Có tới phân nửa cử tri Đảng Cộng hòa không muốn con mình thành hôn với cử tri Đảng Dân chủ và ngược lại 1/3 cử tri Đảng Dân chủ không muốn làm sui gia với cử tri Đảng Cộng hòa. Điều này phản ánh thực tế tại Quốc hội. Đảng Cộng hòa tìm đủ mọi cách chống đối gay gắt chính sách của Tổng thống Obama từ Obamacare đến nợ trần. Chính trị gia hai bên không chỉ bất đồng quan điểm mà còn thật sự ghét nhau. Sự xuất hiện của internet cũng có mặt trái của nó. Điểm tích cực là người dân có cơ hội tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng nó cũng tạo phương tiện cho những phần tử cực đoan tha hồ chế tạo thông tin thất thiệt, phỉ báng, mạ lỵ và chửi bới vô tội vạ đặc biệt là với luật phỉ báng lỏng lẻo của Mỹ. Nhiều người dân Mỹ cảm thấy tuyệt vọng khi chính trị gia của hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa cứ lo ‘‘chơi trò chính trị’’ (play politics) thay vì tập trung vào công tác giải quyết những vấn nạn kinh tế và xã hội. Những người cha lập quốc (founding fathers) đã thiết kế một hệ thống quyền lực chồng chéo để giám sát và điều chỉnh lẫn nhau ví dụ như một đảng kiểm soát Hạ Viện còn đảng kia kiểm soát Thượng viện. Hoặc khi một đảng nắm quyền lưỡng viện thì tổng thống thuộc về đảng kia chẳng hạn như trong trường hợp hiện nay khi Tổng thống Obama thuộc Đảng Dân chủ phải làm việc với Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội. Trong một thể chế như vậy, hai đảng cần phải chấp nhận đối thoại, thương lượng và tương nhượng mới phục vụ được cho người dân. Nhưng cả hai đảng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các phần tử thiểu số cực đoan ngăn cản mọi sự tương nhượng hợp tình, hợp lý.
Thứ ba là sự chi phối của tiền bạc. Vận động tranh cử tại Quốc hội tốn ít nhất khoảng 4 triệu Mỹ kim. Ghế Thượng viện tốn khoảng 20 triệu. Dân biểu và Nghị sĩ Hoa Kỳ phải giành hơn phân nửa phần thời gia của họ vận động tài chánh để tranh cử hoặc giữ ghế. Họ phải tỏ thái độ ngoan ngoãn với các nhóm tổ chức vận động chuyên nghiệp (lobby groups) có khách hàng gồm có các tổ chức công ty hoặc nhóm lợi ích muốn duy trì quyền lợi. Một thí dụ cụ thể nhất là luật kiểm soát súng. Sau các cuộc thảm sát thường dân thì có hơn 80% dân chúng Mỹ ủng hộ luật kiểm soát quyền sở hữu súng chặt chẽ hơn. Nhưng Quốc hội Mỹ không làm gì được vì có quá nhiều dân biểu lệ thuộc vào sự tài trợ của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA). Mỗi năm, NRA chi hàng chục triệu cho các cuộc vận động hành làng và chiến dịch vận động bầu cử. Tương tự như vậy, hàng năm có khoảng 50,000 người Mỹ chết vì sử dụng thuốc giảm đau (opioid). Nhưng Quốc hội không dám đụng tới các công ty chế biến thuốc tìm rất nhiều lợi nhuận từ thị trường opioid trị giá 9 tỷ mỗi năm.
Vì mất niềm tin vào giới chính trị gia chính mạch mà bà Hillary Clinton là một biểu tượng điển hình, cử tri Mỹ không ngần ngại chọn Donald Trump là một người ‘‘ngoại cuộc’’ (an outsider). Thế giới sẽ đi vào một giai đoạn bấp bênh trong những ngày tháng tới. Phát biểu trong đêm thắng cử, chính ông Trump nhìn nhận nước Mỹ vừa trải qua một cuộc tranh cử xấu xí và người Mỹ theo Cộng hòa hoặc Dân chủ phải ngồi lại với nhau để hàn gắn vết thương. Không chỉ tại Hoa Kỳ mà Tổng thống Trump sẽ đề ra những câu hỏi lớn cho nhiều quốc gia khác trên thế giới đặc biệt là tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến công du Hoa Kỳ đã phát biểu rằng nếu Hoa Kỳ không thông qua được TPP thì các nước trong vùng phải xem xét lại kế hoạch chiến lược của họ. Có nghĩa là khi đụng trận thì họ sẽ không thể dựa vào được lời hứa của Mỹ thực hành cam kết. Không chờ tới khi bầu cử tổng thống Mỹ mà trước đó Thái Lan, Phi Luật Tân và Mã Lai đã bắt đầu chuyển trục xích gần lại với Trung Quốc. Cụ thể là cả Phi Luật Tân và Mã Lai đều tuyên bố là không muốn có nước thứ ba nào (tức là Mỹ) can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo đúng quan điểm và lập trường của Trung Quốc. TPP chết yểu thì có RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) do Trung Quốc chủ đạo sẵn sàng thay thế. Vấn đề là khi nào thì các nước còn lại tại Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Singapore và Úc cũng sẽ nối gót Thái Lan, Phi Luật Tân và Mã Lai áp dụng nhận xét của Thủ tướng Lý Hiển Long và tiến hành chính sách xoay trục từ Mỹ đi vào quỹ đạo của Trung Quốc?
(iv) Nhà báo Dan Rather: Hãy cất lên tiếng nói, chống lại chủ nghĩa cực đoan
Đôi lời: Một thông điệp mạnh mẽ trên Facebook của nhà báo nổi tiếng Dan Rather, trong 4 tiếng qua đã thu hút gần 100.000 lượt like, hơn 55.000 lượt chia sẻ và hơn 3.600 lượt tham gia bình luận.
Dan Rather, 86 tuổi, là một trong những nhà báo huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử báo chí Mỹ. Với hơn 65 năm trong nghề báo, ông đã phỏng vấn hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới và ở Mỹ, từ TT Eisenhower cho tới TT Bill Clinton, từ vụ bê bối Watergate dẫn đến sự từ chức của TT Richard Nixon, cho tới chiến trường Việt Nam, hầu như các sự kiện lớn ở Mỹ và trên thế giới đều có dấu ấn của ông.
Với 24 năm thực hiện chương trình CBS Evening News và 20 năm thực hiện chương trình 60 Minutes của đài CBS(một trong 5 đài lớn nhất ở Mỹ), Dan Rather là gương mặt quá quen thuộc của khán giả truyền hình Mỹ. Và dưới đây là thông điệp của ông gửi đến mọi người.
*
Bây giờ là thời điểm mà không ai trong chúng ta có thể đủ sức để tiếp tục ngồi nhìn hoặc im lặng. Tất cả chúng ta phải đứng lên.
Lịch sử sẽ đòi hỏi quyền được biết bạn đang đứng về phía nào. Đây không phải là một câu hỏi về chính trị, đảng phái, hay thậm chí về chính sách. Đây là một câu hỏi về các nguyên tắc cơ bản của trải nghiệm đẹp đẽ của chúng ta trong một nền dân chủ đa nguyên được điều hành bởi luật pháp.
Khi tôi nhìn thấy chủ nghĩa Tân Phát Xít giơ những bàn tay hòa tan trong nỗi sợ hãi ở nơi công cộng, trên thủ đô của đất nước chúng ta, tôi rùng mình kinh hãi. Khi tôi thấy hành động quở trách nhẹ nhàng về một tuyên bố soạn sẵn của vị Tổng thống đắc cử từ những kẻ tin tưởng mù quáng đã tán dương, sự giận dữ trong tôi gia tăng. Và khi tôi thấy một số người trong một nền báo chí mềm dẽo biến tuyên bố nhẹ nhàng đó thành điều mà họ gọi là một sự tố giác, tôi không thể kềm chế được nữa.
Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta đã để lại cho chúng ta nguyên tắc nền tảng yêu thương: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc“.
Những sự thật này có thể là hiển nhiên mà không phải là tự sao chép. Mỗi thế hệ phải làm mới những lời thề. Quốc gia này được thành lập như là một cực đối chọi với sự thất thường của một vị vua độc đoán. Chúng ta thiết lập các tổ chức như tự do báo chí và một hệ thống tòa án độc lập để bảo vệ các quyền mong manh của chúng ta. Chúng ta đã sống sót qua những cơn co thắt đẫm máu của một cuộc Nội Chiến và Phong trào các Quyền Dân sự để mở rộng hơn về các quyền này cho nhiều công dân của chúng ta. Nhưng hướng con tàu của chúng ta đi không phải luôn là hướng tiến bộ. Chúng ta đã giam cầm những người Mỹ gốc Nhật, truy nã những phần tử cách mạng thời McCarthy, và nhiều hơn nữa. Tôi cảm thấy cơn thủy triều của sự giật lùi một lần nữa đang dâng lên dưới chân tôi. Nhưng tôi có ý định vẫn tiếp tục đứng.
Trong những lần chuyển đổi nhiệm kỳ tổng thống bình thường của chúng ta giữa một chính quyền mới với một chính quyền cũ của các đảng phái chính trị khác nhau, có một số bực dọc nhất định từ một phía và sự hả hê từ phía bên kia. Và báo chí thường đứng trên lập trường, rằng, chính quyền mới ít nhất xứng đáng để có một cơ hội bắt đầu – một thời kỳ trăng mật. Nhưng lần này không phải là lần bình thường. Đây không phải về chính sách thuế, chăm sóc sức khỏe, hoặc giáo dục – mặc dù tất cả những chính sách này và các chính sách khác đều rất quan trọng. Đây là sự phân biệt chủng tộc, sự cố chấp, sự đe dọa và nỗi ám ảnh về tham nhũng.
Nhưng khi tôi đứng vững tôi không tuyệt vọng, bởi vì tôi tin rằng đa số người Mỹ cùng đứng chung với tôi. Với tất cả những dân biểu, nghị sĩ trong Quốc hội của hai đảng chính trị, với tất cả những nhà báo trong giới báo chí, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự trên toàn quốc, tiếng nói của quý vị phải được lắng nghe. Tôi hy vọng rằng Tổng thống mới đắc cử có thể học hỏi để vượt lên trên điều này và nhìn thấy được những nguy hiểm đang kéo đến. Nếu ông ta nói và làm bằng vũ lực, và với hành động, chúng ta phải sẵn sàng để đón tiếp bằng thái độ của ông ta. Tôi rất lo ngại rằng, những sự lựa chọn các cố vấn và các thành viên trong nội các của ông ta cho thấy điều ngược lại.
Tôi muốn nói với tất cả các bạn, chúng ta hãy cảnh giác. Ông Martin Luther King, Jr. vĩ đại của chúng ta biết rằng, cho dù là thiểu số, ông cũng có sức mạnh đáng kể trong cuộc chiến chống lại chế độ độc tài. Hãy nắm tay diễu hành tiến về phía trước, hãy cất cao tiếng nói của bạn, cao hơn tiếng nói của sự tự mãn, có thể chuyển dịch được núi. Và trong trường hợp này, tôi tin rằng đa số mọi người muốn nhìn thấy đất nước này tiếp tục trong sự khoan dung và tự do. Nhưng đất nước sẽ đòi hỏi mọi người cất lên tiếng nói. Tham gia vào các chính quyền dân cử của các bạn. Hãy gọi điện thoại thật nhiều vào các phòng tin hoặc các mạng lưới truyền hình nếu bạn cảm thấy họ đang rơi vào sự bình thường của chủ nghĩa cực đoan. Hãy cống hiến thời gian và tiền bạc cho những mục đích mà chúng ta sẽ chiến đấu để bảo vệ quyền tự do của chúng ta.
Chúng ta là một quốc gia vĩ đại. Chúng ta đã sống sót khi trải qua bao nhiêu thử thách trong quá khứ. Chúng ta có thể và sẽ phải làm như vậy một lần nữa. Nhưng chúng ta không thể sợ khi cất lên tiếng nói và hành động để bảo đảm tương lai mà chúng ta mong muốn cho con cháu chúng ta. (Source: ABC. Dịch: Ngọc Thu)
***Đông Phong: Bức ảnh tiết lộ quyền lực của con gái Trump
Việc cô con gái Ivanka xuất hiện trong cuộc gặp giữa cha mình và thủ tướng Nhật một lần nữa dấy lên nghi ngờ về ảnh hưởng của gia đình Trump đến chính quyền mới ở Mỹ.
Những hình ảnh về cuộc gặp của tổng thống đắc cử Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 17/11 cho thấy sự xuất hiện của con gái vị tỷ phú New York - IvankaTrump.( Ivanka và Jared đều có mặt trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, nhưng không được trao bất cứ chức vụ nào trong chính quyền sắp tới, và cũng không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Đó là lý do tại sao cư dân mạng tỏ phẫn nộ sau khi nhìn thấy bức ảnh. Ivanka, 35 tuổi, là con thứ hai của ông Trump và người vợ đầu tiên, bà Ivana, cựu người mẫu gốc Tiệp Khắc)
Đại sứ mới của Mỹ tại Nhật?
Trong bức ảnh được AFP đăng tải, ông Trump và ông Abe ngồi nói chuyện trong một căn phòng xa hoa, còn Ivanka ngồi dưới nhìn lên. Trong một bức ảnh khác, cả Ivanka và chồng Jared Kushner đều góp mặt, đứng cạnh và trò chuyện với thủ tướng Nhật.
"Khá bất thường khi một thành viên gia đình góp mặt trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, dù là cuộc gặp không chính thức", giáo sư Yoshinobu Yamamoto của Đại học Niigata nhận định.
"Điều đó cho thấy cô ấy [Ivanka Trump] sẽ có vai trò quan trọng trong chính quyền của ông Trump", vị giáo sư nói. "Tuy nhiên, cũng không bất ngờ khi thấy cô ấy xuất hiện ở đó khi cô vốn đã bước vào chính trường. Dù sao thì đó là cách của ông Trump". Ivanka Trump là nhân vật chủ chốt trong đế chế kinh doanh của cha mình. Cô cũng sở hữu nhãn hiệu thời trang và trang sức riêng. Tuy nhiên, với sự hiện diện trong cuộc gặp thủ tướng Nhật, nhiều người cho là cô đang dần xóa nhòa ranh giới giữa kinh doanh và chính trị. "Rõ ràng cô ấy đang sử dụng vị thế chính trị phục vụ cho việc làm ăn của gia đình", AFP trích nội dung một dòng tweet bằng tiếng Nhật.
Hôm 12/11, tờ Tokyo Sports của Nhật đăng tải bài viết có tựa đề "Ivanka - cô con gái tóc vàng của Trump - sẽ là đại sứ mới của Mỹ tại Nhật?". Dẫn một nguồn không xác định, bài báo nói rằng từ trước khi cuộc bầu cử Mỹ có kết quả, ông Trump đã bí mật lên kế hoạch bổ nhiệm Ivanka làm đại sứ tại Nhật. Hiện tại, người giữ vai trò này là Caroline Kennedy, con gái của cựu Tổng thống John F. Kennedy. Tuy được cho là tin lá cải, bài viết đã thu hút sự chú ý của người dân Nhật. "Tôi nghĩ khả năng Ivanka trở thành đại sứ Mỹ tại Nhật không hẳn là không có, nhưng hãy còn quá sớm để kết luận", ông Yamamoto nói.
Nhiệm kỳ 'gia đình trị'?
Vai trò của gia đình Trump trong chính quyền mới ở Mỹ trở thành vấn đề thu hút dư luận những ngày qua. Ông Trump cho 3 con của mình và cậu con rể Kushner vào trong nhóm 16 người của đội hình chuyển giao. Truyền thông cũng loan tin ông Trump xin cho cả bốn người được tiếp cận hồ sơ tuyệt mật. Vị tổng thống đắc cử sau đó đã phản bác thông tin này.
Jared Kushner ngày càng thể hiện sự ảnh hưởng của mình tới cha vợ, nhất là sau khi ông Trump loại Chris Christie, thống đốc New Jersey, khỏi vị trí đứng đầu đội hình chuyển giao chính quyền cuối tuần trước. Christie từng tống cha Kushner vào tù với lý do trốn thuế vào năm 2004.
Trong khi đó, cô con gái Ivanka Trump được cho là có thể sẽ tỏa sáng hơn mẹ kế Melania - người sẽ trở thành đệ nhất phu nhân. Con trai của vị tỷ phú, Donald Trump Jr., từng tiết lộ Ivanka chính là người con mà ông Trump yêu quý và tin tưởng nhất.
Tờ Vanity Fair nhận định chiến dịch tranh cử của Trump đã sử dụng hiệu quả ảnh hưởng của Ivanka để truyền tải thông điệp hơn là bà Melania. Ông Trump cũng được cho là đánh giá cao những góp ý của con gái trong chiến dịch tranh cử. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 8, phóng viên đã hỏi ông Trump về khả năng bổ nhiệm phụ nữ vào nội các nếu đắc cử. Ông trùm bất động sản không trả lời cụ thể, nhưng nói rằng "rất nhiều người ủng hộ Ivanka tham gia chính phủ".
Dù luật pháp Mỹ cấm các quan chức, kể cả tổng thống, bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo các cơ quan liên bang, Ivanka hoàn toàn có thể được cha bổ nhiệm làm các cố vấn cấp cao hoặc người đứng đầu các nhóm hành động cụ thể. Đây là điều từng có tiền lệ khi Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vợ là bà Hillary đứng đầu Chương trình Cải cách Y tế của Tổng thống năm 1993.
(iv) Ns Tuấn Khanh: Thư cho người bạn trẻ
Trong một thời gian ngắn, rất nhiều sự kiện trên thế giới đem lại cho chúng ta những bài học về sự thất bại. Từ thất bại của một ứng cử viên tổng thống cho đến thất bại của một quốc gia bất ngờ về người lãnh đạo của mình. Rất nhiều những câu chuyện về thất bại được kể lại với nhiều ngôn ngữ, chủng tộc. Nhưng điều đáng để ghi lại, là khi giáp mặt với thất bại, con người đã hành xử như thế nào. Điều tôi muốn nói với bạn là vậy.
Ngay tại Việt Nam, người ta cũng nhìn thấy vô số các biểu cảm về sự thất bại. Có người cảm thấy thất bại trong việc đã đặt niềm tin vào ai đó. Có người cảm thấy thất bại vì đã trông chờ vào những chuyển biến của thời cuộc tốt hơn, nhưng chỉ thấy toàn là nhiễu nhương. Trên một status của Facebook, một người bạn trẻ viết rằng anh sẽ rời bỏ trang mạng xã hội này vì đã quá mệt mỏi nuôi hy vọng về tương lai của đất nước mình. Quả là chúng ta đang đối diện với hàng loạt thất bại. Nhưng đôi khi, có cả những thất bại không phải do chúng ta gây ra, nhưng phải gánh chịu.
Thật thất bại khi phải chấp nhận một Bộ trưởng giáo dục như Phùng Xuân Nhạ, khi cười vui, bán danh dự nhà giáo vào những cuộc chè chén, coi đó là những điều bình thường. Chúng ta đang phải sống và giáp mặt với thất bại từ một nền giáo dục loay hoay với những kẻ cầm đầu vô trách nhiệm cũng như vô liêm sỉ.
Thật thất bại khi mỗi ngày người dân chúng ta nói về biển, về đảo và lòng yêu nước. Nhưng rồi bàng hoàng nhìn tàu kiểm ngư oai vệ đâm chìm tàu ngư dân, hành động hung ác và tàn nhẫn không khác gì tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam ngoài khơi xa. Loại tàu kiểm ngư không bao giờ dám xuất hiện giải cứu ngư dân khi họ gặp kẻ cướp trên biển, chỉ vênh váo gần bờ.
Thật thất bại, khi mỗi ngày các câu chuyện công an, cảnh sát giao thông đánh chết dân vẫn diễn ra, nhưng pháp luật thì bâng quơ. Những kẻ phạm pháp tồi tệ nhất được nâng đỡ chỉ bởi là đảng viên đảng cộng sản. Chúng ta cũng là những kẻ thất bại, khi nhìn thấy chung quanh mình những điều bất cập diễn ra như một sự thách thức lương tri và lẽ phải, nhưng bất lực đối diện với sự thất bại của mình mỗi ngày.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI vào tháng này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói rằng mọi thứ cần phải thay đổi để phát triển, Việt Nam sẽ phải, làm dù chậm. Sự thật là như vậy. Trong những giờ phút mệt mỏi nhất, tôi cũng đã tự hỏi sẽ còn phải đổi bao nhiêu những bất cập nữa, chịu đựng bao nhiêu quan chức tồi tệ như Võ Kim Cự hay Vũ Huy Hoàng… thì chúng ta có được những đổi thay tốt hơn, so với những thất bại từng ngày, từng giờ, trên từng phát biểu của các nhà lãnh đạo hiện nay?
Tôi cũng như bạn, và nhiều người dân Việt Nam khác, nhìn thấy sự thất bại của mình, của dân tộc mình khi nghe rau củ quả Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam với mức thuế 0%. Tôi nghe thấy thất bại khi Ninh Thuận reo mừng thực hiện nhà máy thép Cà Ná, đường biên giới phía Bắc ở Vàng Ma Chải bị Trung Quốc âm mưu lấn từng ngày. Tiếng vọng thất bại còn ở chuyện nền kinh tế Campuchia giờ đây sản xuất được cả xe hơi điện và đòi xây tường ngăn biên giới Việt Nam – Campuchia như Donald Trump tuyên bố, để cấm Việt Nam xâm phạm chủ quyền.
Tôi sống trong thất bại, chúng ta sống trong thất bại, và một cơ đồ nhìn tổng quát như hôm nay, quả là thất bại. Không ít người Việt mang tâm trạng bế tắc và buồn phiền.
Đâu đó trên Twitter, một người ủng hộ cho bà Hilary Clinton, đã viết sau khi có kết quả chung cuộc. Đại ý của cô viết rằng “Chúng ta đã thất bại. Nhưng chúng ta không trốn chạy, không ẩn nấp. 4 năm thật dài, nhưng đó là cơ hội để chúng ta tập hợp và quay lại, giành quyền quyết định cho đất nước mình”. Những dòng chữ này đã có đến hàng chục ngàn like và chia sẻ.
Quả vậy, chúng ta cũng sẽ không trốn chạy, không ẩn nấp. Dẫu rất buồn phiền. Vì bởi giáp mặt với thất bại, nếu chấp nhận đau yếu, bạn sẽ bị hủy diệt. Còn nếu nghĩ đến tương lai và giữ một niềm hy vọng, bạn có thể đi tới và băng qua thất bại của mình, cũng như của kẻ khác.
Và vì bởi, thất bại nhìn thấy hôm nay nhắc mỗi người về tương lai của một quê hương không thể tan rã, con cháu chúng ta không thể lạc loài. Có thể là một ngày thất bại, một giai đoạn thất bại, chứ không thể là một định mệnh thất bại. Hãy nuôi một niềm hy vọng cho những đổi thay tốt đẹp nhất, lên tiếng bằng sự thật và lẽ phải.
Có thể bạn nói tôi mơ ước viễn vông, nhưng đừng quên nhớ lại câu nói nổi tiếng Nelson Mandela, người từng chịu 27 năm tù cho một giấc mơ thôi aparthied trên đất nước mình, “Mọi thứ đều là bất khả, chỉ khi sự thật đến”. Chúng ta cũng có quyền nuôi một giấc mơ và hy vọng về sự thật, dẫu đang giáp mặt với thất bại.
II. Văn Nghệ
Thơ Thái Bá Tân
185
Nhà thơ muốn tử tế,
Phải trăn trở với đời,
Biết và dám nói hộ
Cái tâm tư mọi người.
Nhà thơ mà né tránh
Tiếng kêu của dân oan,
Nỗi đau toàn xã hội,
Là tôi thấy gian gian.
Mang tiếng anh cầm bút,
Sống nhờ bác đi cày,
Thì sống cho phải đạo,
Nhất là thời buổi này.
Tức là sống trung thực,
Góp vào tiếng nói chung,
Để thêm cái tốt đẹp
Và bớt cái điên khùng.
Mà rồi, không nhất thiết
Thơ cứ phải cao xa,
Rối rắm, chẳng ai hiểu,
Như đánh đố người ta.
Thời buổi này mà viết
Hoa lá cành huyên thuyên,
Làm xiếc với con chữ,
Thì sáo và vô duyên.
186
Kẻ sĩ mà mà vun vén
Cái yên ấm cho mình
Thì không còn kẻ sĩ,
Không đáng bậc tiên sinh.
Mạnh Tử nói điều ấy
Về nhiễu nhương một thời.
Giờ nước ta, ngẫm lại,
Kẻ sĩ được mấy người?
187
Một xã hội đích thực
Tự do, không giáo điều
Là xã hội chấp nhận
Những ý kiến trái chiều.
Một chính phủ đích thực
Phục thiện và thông minh
Là chính phủ kiên nhẫn
Lắng nghe người dân mình.
.............................. .............................. .............................. ..................
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét