Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Khi có cơ hội làm việc Thiện, đừng do dự!

Tục ngữ cổ có nói, “Làm điều thiện, quý ở chỗ kiên trì không mệt mỏi. Lớn bắt đầu từ nhỏ; triệu có được từ một; toà tháp chín tầng bắt đầu xây nên từ nền mà có; hành trình ngàn dặm bắt đầu với bước đầu tiên.” Nếu bạn nhận thấy một điều tốt đẹp, hãy thực hiện nó ngay, thực hiện nghiêm túc và bền bỉ.<!>
Ví dụ, Hàn Kỳ đời Bắc Tống là một người đức cao vọng trọng, ông luôn ân cần tử tế. Khi ông gặp điều gì tốt đẹp và cần làm ngay, ông đều hết lòng thực hiện. Khi ông nghe thấy có những người đang làm việc từ thiện, ông ca ngợi họ và truyền tin cho nhiều người hay, và nói rằng ông mong mình cũng có thể làm được như họ. Người ta hỏi ông lí do, ông trả lời: “Thiện ý làm việc tốt là điều cao quí nhất. Ca ngợi những người làm việc tốt sẽ động viên họ cố gắng hơn nữa trong tương lai và sẽ truyền cảm hứng cho những người khác khi nghe tin ấy. Điều này cũng khiến cho những người làm việc xấu cảm thấy hổ thẹn và thay đổi bản thân mình. Vậy nên khuyến khích làm việc tốt rất là quan trọng.” Ông thường đọc và khuyến khích đọc sách thánh hiền, bởi vì “sách chỉ đạo con người ta trở thành chính nhân quân tử”. Hàn Kỳ sau này trở thành một vị tể tướng đức độ, được phong làm Ngụy Quốc Công, đạt được cả “ngũ phúc” (trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức, thiện chung). Hậu duệ của ông nhiều đời làm quan tại triều cho đến tận giai đoạn cuối của triều đại Nam Tống. Tất cả mọi người đều tin rằng ông được đền báo vì tất cả những việc tốt mà ông đã làm.
Có một số người nhìn thấy việc thiện hiển nhiên nhưng lại chối từ không làm, như vậy họ đã mất đi cơ hội. Ví dụ, cuối thời nhà Chu, Tề Hoàn Công đi qua đống đổ nát của gia đình họ Quách, bèn hỏi một người già nơi đây: “Gia tộc họ Quách sao suy bại diệt vong vậy?” Ông lão trả lời, “Họ sa sút vì không làm điều thiện khi có cơ hội.” Tề Hoàn Công lại hỏi, “Sao lại vậy?” Ông lão nói,”Gia tộc họ Quách thích gặp điều lành, nhưng tự họ lại chẳng làm điều thiện. Họ ghét điều ác, nhưng lại không tiết chế bản thân mình đừng làm điều ác. Đó là lý do họ suy bại diệt vong.”
Một ví dụ khác là Diêu Hảo Vấn đời nhà Minh, là một huyện lệnh rất thận trọng và liêm khiết. Nhưng ông lại không có ý chí mạnh mẽ và dễ bị người khác gây ảnh hưởng. Một lần vào cuối xuân, trời mưa hơn 40 ngày liền, nên Diêu đến các làng để điều tra thiệt hại. Quan sát thấy hàng trăm mẫu ruộng ở Làng Tây bị ngập lụt, trong khi đó cánh đồng của những làng bên cạnh vẫn vô sự, ông nghĩ là cần phải báo cáo ngay rằng khu vực làng Tây đang gặp thảm họa. Nhưng viên tuỳ tùng lại nói “Các làng khác trong huyện chúng ta vẫn bình an vô sự. Dù hiện nay làng Tây có bị ngập, nhưng họ vẫn có thể trồng vụ khác khi nước rút đi. Nếu chúng ta làm một báo cáo đặc biệt, có thể người ta lại tra vấn truy xét.” Diêu Hảo Vấn biết tư tưởng viên tuỳ tùng là ích kỉ nhưng ông lại không muốn gây rắc rối, nên ông đã ém nhẹm sự việc mà không trình báo. Kết quả là làng Tây không nhận được một sự hỗ trợ nào.
Diêu Hảo Vấn muốn xây trường học miễn phí cho trẻ em nghèo và xây một phổ tế đường cho những người nghèo khó, nhưng đều bị thư dịch ngăn cản. Ông đã ở tuổi 50 nhưng không có con, mẹ và vợ thường hay đau ốm, cả gia đình khá là phiền muộn. Một ngày mẹ ông bị ngất do ốm bệnh. Khi bà tỉnh lại, bà nói với Diêu, “Mẹ gặp một viên phán quan chốn u minh. Ông ấy nói, con là một người thận trọng và liêm khiết, đáng được hưởng phúc có con. Nhưng mỗi khi con thấy một điều thiện nên làm và biết rất rõ là con phải làm, con đều dừng lại vì những điều người khác nói. Hãy lấy thảm họa ngập lụt làm ví dụ, sao con lại có thể giấu sự thật mà không báo cáo? Việc con che giấu sự thật khiến người ta phải bán con trai con gái đi để trả nợ thuế lúa gạo. Tội lỗi của con quá lớn, gây nên các khó nạn cho con. Viên quan nói, “Một người ngu dốt có thể tha thứ được, bởi vì hắn chẳng biết gì hơn. Những kẻ biết việc thiện mà chối từ không làm là những kẻ mà Trời ghét nhất. Bà nên nói với con trai, nếu anh ta muốn có phúc, anh ta phải làm thật nhiều việc thiện, không ngại khó khăn, và không được cẩu thả. Nhìn thấy những việc thiện cần làm, muốn làm, mà dừng lại là không tốt. Nếu con làm thật nhiều việc thiện, con có thể có phúc báo bù đắp lại những tội lỗi mà con đã phạm phải khi giấu giếm thảm họa trận lụt.” Tuy đã được nghe lời mẹ dạy, nhưng Diêu Hảo Vấn vẫn bị mê hoặc khi viên thư kí nhỏ mọn kia bịa đặt những điều sàm ngôn, và ông vẫn chứng nào tật nấy, không bỏ được tính xấu đó. Cuối cùng, ông ta bị bãi chức và gia đình bắt đầu sa sút.
Nhìn thấy những việc thiện lành cần làm thì phải gắng hết sức mà làm ngay. Nếu biết sửa sai hướng thiện, người ta có thể bù đắp tổn thất, tiêu trừ tội nghiệp và gia tăng phúc báo. Nếu một người vẫn cứ chần chừ nghi hoặc và không nghe khuyên bảo, hoặc những ai không thể thực sự tự chủ bản thân, họ có thể sẽ gây nên nghiệp chướng. Hối hận thì cũng đã muộn.

Không có nhận xét nào: