Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 29/10 - Lê Minh Nguyên


Hàn Quốc: Biểu tình đòi bà Park Geun-hye từ nhiệm --- Hàn Quốc: Tổng thống Park Geun Hye bị bùa mê? --- Bị tố tiết lộ bí mật quốc gia, TT Hàn Quốc không từ chứcHàng ngàn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul hôm 29/10, yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ nhiệm.<!>
Cuộc biểu tình xảy ra sau khi bà Park yêu cầu 10 vị cố vấn cao cấp từ chức, sau khi thừa nhận bà đã cho phép một người bạn lâu năm biên tập các bài diễn văn chính trị.
Choi Soon-sil, người không nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong chính quyền, cũng bị nghi ngờ can thiệp vào quá trình xây dựng chính sách và tận dụng các mối liên hệ của bà với tổng thống để trục lợi về tài chính.

Hôm thứ Bảy 29/10, các công tố viên lục soát nhà riêng của một số trợ lý tổng thống. Nhiều máy tính và tài liệu của các quan chức được cho là đồng phạm của bà Choi đã bị thu giữ.
'Mất uy quyền'
Cảnh sát nói khoảng 8.000 người biểu tình đã xuống đường vào tối thứ Bảy. Con số mà các nhà tổ chức biểu tình đưa ra là 20.000 người.

Nhiều người mang biểu ngữ viết : "Hãy từ chức, Park Geun-hye".
"Bà Park đã mất uy quyền của một tổng thống và cho thấy bà không có những phẩm chất cơ bản nhất để điều hành một đất nước," chính trị gia đối lập Jae-myung Lee được hãng tin AP dẫn lời nói.
Lời xin lỗi của bà Park về vụ tai tiếng được phát trên truyền hình vào tuần trước thất bại trong việc làm giảm căng thẳng mà thay vào đó lại khuấy lên các cáo buộc về cách quản lý sai của chính quyền.

Vụ tai tiếng ảnh hưởng nặng nề tới sự ủng hộ đối với bà trước kỳ bầu cử năm tới, với một số đảng đối lập kêu gọi bà từ chức.

Bà Park năm nay 64 tuổi, là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hàn Quốc sau khi giành chiến thắng năm 2012. Chính bà cũng là người đề nghị tổng thống được phép ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.
Bà Choi là con gái của lãnh tụ giáo phái Choi Tae-min, người đã dẫn dắt bà Park cho tới khi qua đời năm 1994.
Bà Choi rời Hàn Quốc hồi tháng trước và hiện ở Đức, bà phủ nhận việc thu lợi tài chính qua các mối quan hệ của bà với chính phủ.

Luật sư của bà nói bà ý thức rõ mức độ nghiêm trọng của sự việc và sẵn sàng trở về Hàn Quốc nếu các công tố viên triệu tập. - BBC

***
Một vụ tai tiếng chính trị nghiêm trọng đang gây chấn động nền dân chủ non trẻ Hàn Quốc. Tổng thống Park Geun Hye bị một nữ cố vấn "giựt dây" trên mọi vấn đề kể cả chính sách đối phó với Bắc Triều Tiên. Choi Soon Sil, là con gái của một thủ lĩnh giáo phái, đã đào tẩu sang Đức, sau khi bị tố cáo biển thủ và lừa đảo doanh nhân Hàn Quốc. Toàn bộ ban cố vấn được lệnh phải từ chức.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật:

Choi Soon Sil được mệnh danh là « Raspoutine Hàn Quốc »- tên của một cố vấn Nga có ảnh hưởng trong triều đình của hoàng đế Nicolas đệ nhị. Theo báo chí Hàn Quốc, Choi Soon Sil, 60 tuổi, mỗi ngày xem xét một chồng hồ sơ mật, chỉnh sửa diễn văn cho tổng thống Park Geun Hye và tác động đến các quyết định của nguyên thủ quốc gia, kể cả chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Thế mà bà quân sư trong hậu trường này không có một chức vụ chính thức nào . Bà là con gái của thủ lĩnh một giáo phái từng là cha đỡ đầu cho bà Park Geun Hye lúc thiếu thời gặp bất hạnh, mồ côi mẹ. Nhà truyền giáo này tự cho là có khả năng tiếp xúc với linh hồn đệ nhất phu nhân Hàn Quốc bị ám sát. 
Choi Soon Sil dường như cũng có tài "mê hoặc" như cha theo nhận định của dân biểu Woo Sang Ho, chủ tịch nhóm dân biểu đối lập quan trọng nhất Minjoo. Chủ tịch đảng Minjoo, bà Choo Mi Ae lo ngại Hàn Quốc bị "chế độ thần quyền kinh khiếp".
Trên đài truyền hình, tổng thống Hàn Quốc xin lỗi dân chúng một cách lấp liếm. Bà chỉ thừa nhận là "thỉnh thoảng" có vấn ý một lần. Không ai tin vào lời bào chữa này. 

Các tổ chức xã hội công dân và sinh viên yêu cầu tổng thống từ chức. Nhiều dân biểu trong đảng cầm quyền bỏ rơi tổng thống và đòi mở cuộc điều tra. 
Đây cũng là ý kiến chiếm đa số trên mạng internet. - RFI

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã bị lôi cuốn vào một vụ tai tiếng liên quan tới những cáo buộc nói rằng bà đã cho phép một người bạn tiếp cận và can thiệp vào các vấn đề quốc gia.
Mức ủng hộ dành cho Tổng thống Park đã tuột dốc giữa lúc có nhiều người kêu gọi bà từ chức, từ khi có tin tiết lộ vụ bà trao bản thảo các bài diễn văn của bà cho bà Choi Soon-sil để được biên tập lại, trong khi bà Choi không nắm bất cứ chức vụ công cử nào, và ngay cả không được xét lý lịch an ninh.

Các tài liệu cho thấy bà Choi còn nhận được những tài liệu mật khác, kể cả các hồ sơ về Nhật Bản và Bắc Triều Tiên.
Bà Park đã ngỏ lời xin lỗi và tỏ quyết tâm duy trì chức vụ. Bà còn hơn 1 năm trước khi chấm dứt nhiệm kỳ Tổng thống hiện nay.
Truyền thông đồn đoán rằng bà Choi đã dùng ảnh hưởng của bà đối với Tổng thống Park để thuyết phục các công ty đóng góp tiền bạc cho hai tổ chức thiện nguyện của riêng bà, và dùng các tổ chức đó để trục lợi. - VOA

2.
Vua Bhumibol: Người dân được phép vào viếng trong Hoàng cung --- Thái Lan: Cuộc chiến giữa Áo đen-Áo không đen

Hàng ngàn người Thái Lan hôm thứ Bảy 29/10 được phép vào khu vực đại điện đăng quang của Hoàng cung ở Bangkok, nơi đặt thi thể Quốc vương Bhumibol Adulyadej. 
Đám đông đã tụ tập bên ngoài cung điện kể từ khi vua băng hà từ hai tuần trước, nhưng đây là lần đầu tiên họ được phép vào viếng di hài ông.
Chính quyền cho biết 10.000 người sẽ được phép cho vào khu vực đại điện đăng quang mỗi ngày.

Thời gian để tang kéo dài một năm.

"Tôi chờ ở đây từ một giờ sáng," ông Saman Daoruang, 84 tuổi, người ngồi đợi trong hàng người nối dài bên ngoài cung điện, cầm trên tay bức chân dung của vua.
"Tôi không ngủ được chút nào vì tôi hồi hộp quá và tự hào được đến đây."
Nhiều người gạt nước mắt sau khi rời cung điện.
Vua Bhumibol băng hà ở tuổi 88, được đa số người dân khắp Thái Lan tôn kính và nhiều người còn coi ông như một nhân vật bán thần.

Cho tới nay vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc khi nào Thái tử Maha Vajiralongkorn sẽ chính thức lên nhậm ngôi. Chính quyền cho biết ông muốn dành thời gian để tang cha.
Sáng nay, dòng người mặc đồ đen trải dài xung quanh công viên hoàng gia rộng lớn ở kế bên Hoàng cung.
Chính quyền nói họ chỉ cho 10.000 người vào viếng mỗi ngày, để họ được chứng kiến đỉnh đựng di cốt mạ vàng công phu, mà như trước đây, vua được đặt trong đó - nhưng Vua Bhumibol yêu cầu được quàn trong một cỗ quan tài, giấu đằng sau đỉnh.
Sẽ còn nhiều người đổ tới nơi đây, khiến nguồn lực bên ngoài cung điện chịu áp lực lớn: nhiều nhà vệ sinh được vội vã dựng lên và nơi bỏ rác cũng trở thành thách thức.

Hình ảnh vị quốc vương xuất hiện ở mọi nơi trong thành phố này - trên màn hình ở bến tàu và trung tâm mua sắm bật đi bật lại những đoạn phim chiếu cảnh ông làm việc.

Giai đoạn để tang chính thức đầu tiên sẽ kết thúc trong hai tuần tới, và cuộc sống đáng ra sẽ trở lại bình thường.

Nhưng với người nối dõi vẫn chưa chính thức lên ngôi, đất nước này chìm trong những ký ức và niềm thương tiếc lâu dài đối với vị vua trước. Phải ít nhất một năm nữa thi thể ông mới được hỏa táng. - BBC

Về Châu Á tạp chí Courrier International chú ý đến Thái Lan qua tựa đề: "Thái Lan: Bắt buộc phải buồn".
Trích dẫn báo The Bangkok Post, tuần báo Pháp nêu bật nỗi hoang mang ngày càng sâu đậm của người dân Thái, thể hiện qua sự kiện là trong lúc mà quốc tang ban hành sau khi vua Bhumibol băng hà sẽ kéo dài một năm, những người không có dấu hiệu không thọ tang đúng cách, như không mặc quần áo đen chẳng hạn, thì bị chỉ trích dữ dội.
Trước không khí nặng trĩu đau buồn hiện nay, tác giả bài viết nêu câu hỏi: Phải chăng Thái Lan đã thay đổi nghiêm trọng từ sau cái chết của vua Bhumibol trong đêm 12 rạng 13/10 ? Câu trả lời là có và không. Nếu thời gian có vẻ như ngừng lại ở cái giờ khắc nghiệt đó, thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Cái chết của đức vua mà phần đông người Thái Lan xem như là người cha, tuy rất đau đớn, nhưng đã không có sự cố gì đáng tiếc xẩy ra.

Cho dù thế, người Thái Lan vẫn cảm nhận là đất nước giờ đây không còn như trước nữa. Đám đông thì mặc toàn màu đen, giải trí vui chơi thì đã nhường bước cho sự nghiêm trang, cho tang tóc. Họ biết là với cái chết của vua Bhumibol, cả một thời đại đã kết thúc, một thời đại trong đó nhà vua là hiện thân của những chuẩn mực xã hội, cách suy nghĩ, các giá trị. Hình ảnh, lời lẽ của nhà vua tràn ngập trên mạng xã hội đã nêu rõ mối lo âu của thần dân của ngài trước một tương lai vô định.

Nhiều vấn đề nêu lên cho thấy rõ nỗi hoang mang này chẳng hạn như phải gọi đức vua quá cố như thế nào ? Đây là một vấn đề nghi thức, những cũng thể hiện những mối trăn trở đối với việc một nền quân chủ có những quy củ cứng ngắc, sẽ có một chỗ đứng như thế nào trong một xã hội Thái Lan đang thay đổi, đầy rẫy tranh chấp chính trị và bất công?
Vẫn là hai phe đối đầu nhau : một bên theo truyền thống và bên kia là tư tưởng mới mẻ, khuyến khích tự do cá nhân.
Tâm trạng bất ổn này cũng thể hiện qua cuộc tranh luận trên màu y phục: cứ tang tóc là phải mặc áo đen không thể chấp nhận màu khác. Không mặc màu đen đã trở nên nguy hiểm vì dễ dàng bị tố cáo là bất trung với vua. Chính quyền dĩ nhiên không ép buộc dân phải mặc màu đen, cho nên đã phải can thiệp .
Bài báo nhắc lại rằng nếu trước đây là cuộc chiến giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng, thì giờ đây là cuộc chiến giữa màu đen và không đen.
Bài báo kết luận là con đường gập ghềnh của Thái Lan còn rất dài. - RFI

3.
Lithuania ‘cảnh báo nguy cơ Nga tấn công’ --- Ba Lan tố cáo Nga đưa tàu chiến hạng nặng vào vùng biển Baltic

Lithuania đã cập nhật cuốn sách tự vệ dân sự, khuyên người dân làm gì khi bị Nga xâm lược.

Cuốn sách liệt kê các kỹ thuật sống sót và cảnh báo Nga sẵn sàng dùng quân sự chống lại láng giềng.
Hàng chục ngàn bản của cuốn sách 75 trang đã được phân phát.
Chính phủ cũng mở đường dây nóng để công dân trình báo các nghi phạm là điệp viên.

Quan hệ của Nga với các nước Baltic đã xấu đi từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.

Đây là bản sách thứ ba mà bộ quốc phòng Lithuania xuất bản từ 2014, nhưng phiên bản lần này tỏ ra nghiêm trọng hơn.
Nó chỉ dẫn cách xác định xe tăng, đạn, mìn của Nga.
Lithuania từng thuộc Liên Xô. Năm 2004, nước này gia nhập Nato.
Lithuania chia sẻ đường biên giới với Kaliningrad của Nga.

Các đồng minh Nato dự định gửi thêm quân và thiết bị đến các nước Baltic.
Lithuania, Estonia và Latvia đã bày tỏ lo ngại bị Nga xâm lược.
Năm ngoái, Lithuania nói họ sẽ mở lại chính sách tòng quân cho đàn ông tuổi từ 19 đến 26. - BBC

***
Hôm qua, 28/10/2016, Ba Lan đã lên án việc Nga mới triển khai hai chiến hạm, trong bị tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào vùng Baltic. Vacxava đánh giá động thái của Matxcơva là "hung hăng và vô trách nhiệm".
Giữa tuần này, Nato khẳng định Nga đã đưa hai chiến hạm lớn vào trong vùng biển Baltic. Phản ứng trước thông tin trên, ngoại trưởng Witol Waszczykowski đã tuyên bố trên đài phát thanh Ba Lan rằng: "Việc triển khai tàu chiến có khả năng mang vũ khí hạt nhân là một cách ứng xử hung hăng và vô trách nhiệm. Đó là phản ứng không tương xứng với những quyết định của NATO".

Hồi tháng 7 vừa qua, tại Vacxava, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã thông qua kế hoạch điều quân các đồng minh luân chuyển trong 3 quốc gia vùng Baltic và tại Ba Lan. Mục đích để trấn an các nước này là họ sẽ không bị bỏ rơi trong trương hợp nếu Nga lại tính chuyện can thiệp ở đó như đã làm với Ukraina năm 2014.
Ngay sau đó, Kremlin đã có động thái đáp trả bằng việc gia tăng hiện diện quân sự trong vùng Baltic. Các máy bay Nga thường xuyên có những hành động thử phản ứng trong không phận của các nước vùng Baltic, thành viên của Nato.
Đầu tháng này, Nga đã triển khai tên lửa Iskander, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong vùng Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga lọt giữa Ba Lan và Litva.
Matxcơva vẫn kiên quyết phản đối việc việc NATO mở rộng về các nước từng được coi là sân sau Liên Xô trước đây. Nga dự tính thành lập ba sư đoàn mới trong vùng tây nam và triển khai tại đó các loại vũ khí mới nhằm đáp trả những động thái mà họ coi là sự tâp trung quân sự nguy hiểm của phương tây ở biên giới với Nga. - RFI
4.
Đối lập Venezuela tổng đình công chống Tổng thống Nicolas Maduro

Các lãnh đạo đối lập ở Venezuela tổ chức đình công để kêu gọi trưng cầu dân ý lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.
Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, trường học đóng cửa hôm thứ Sáu; giao thông công cộng vắng hơn bình thường.
Nhưng việc đình công không diễn ra đồng loạt, các vùng nghèo hơn nói chung bỏ qua.
Ông Maduro đã cảnh báo các công ty có thể bị thâu tóm nếu đình công, và ông nói đình công đã thất bại.

Phát biểu trước đám đông ủng hộ, ông nói ngành dầu khí bỏ qua đình công, cũng như các ngành căn bản, ngân hàng, trường học, giao thông.
Ông Maduro cũng loan báo các biện pháp đối phó khó khăn kinh tế - chủ yếu do giá dầu sụt - bằng việc hứa hẹn tăng 40% lương tối thiểu.
Cảm xúc bên mộ Hugo Chavez
Giới phân tích nói biện pháp này không có tác dụng vì Venezuela đối diện lạm phát phi mã.

Đối lập trung tả cũng giận dữ vì quyết định chặn trưng cầu dân ý nhằm lật đổ ông Maduro.

Liên minh đối lập giành đa số trong quốc hội tháng 12 năm ngoái và tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ đầu tuần này.

Các nhà đối lập đã thu thập 1,8 triệu chữ ký đòi tổ chức trưng cầu dân ý, và giới chức bầu cử công nhận 400.000 chữ ký.
Nhưng quá trình đòi tổ chức trưng cầu dân ý bị ngừng tuần rồi sau khi giới chức nói việc thu thập chữ ký có gian lận.
Quốc hội bỏ phiếu hôm thứ Ba để mở phiên tòa chống ông Maduro với cáo buộc vi phạm hiến pháp.

Ông gọi đây là "phiên tòa chính trị".
Ông Maduro, cựu tài xế xe buýt và lãnh đạo công đoàn, bị đối lập quy trách nhiệm gây ra khó khăn kinh tế, thiếu lương thực. 
Nhưng ông cáo buộc đối lập liên hệ với nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, và muốn lật đổ ông để "chiếm dầu mỏ Venezuela". - BBC

5.
Biển Đông: Tuần duyên Trung Quốc đã rút khỏi Scarborough? --- Duterte thay đổi ván cờ ở Biển Đông --- Malaysia sắp mua tàu tác chiến ven biển của Trung Quốc

Bãi cạn Scarborough của Philippines đã vắng bóng hải thuyền Trung Quốc từ ba ngày nay. Trên đây là báo cáo của tuần duyên Philippines được tiết lộ ngày 28/10/2016, không đầy một tuần sau chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Rodrigo Duterte. Washington và Manila cho biết đang kiểm chứng hư thực.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết là đã nhận được thông tin về việc các tàu Trung Quốc đã rút khỏi khu vực bãi cạn Scarborough, một điểm nóng tại Biển Đông.

Nếu sự kiện này có thật, đúng như báo cáo của tuần duyên Philippines, thì ngư dân Philippines sẽ trở lại vùng biển đảo bị Bắc Kinh lấn chiếm từ tháng Tư năm 2012, theo bình luận của bộ trưởng Delfin Lorenzana. Tuy nhiên, ông cho biết thêm phải chờ thêm vài ngày để Không Quân kiểm chứng.
Bộ ngoại giao Philippines cũng cho biết chưa kiểm chứng được thông tin hải thuyền Trung Quốc rút khỏi khu vực bãi Scarborough.

Phát ngôn viên của tổng thống Rodrigo Duterte thẩm định đây là "một diễn tiến tích cực" trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng Manila chưa nhận được giải thích chính thức nào từ Bắc Kinh.

Washington cũng tỏ thái độ thận trọng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner cho biết đang "kiểm chứng" thông tin trên và "hy vọng" Trung Quốc cũng như Philippines tiến tới một thỏa thuận "tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài La Haye", hồi tháng Bảy năm nay.
Về phần Trung Quốc, theo Reuters, khi được hỏi về khả năng ngư dân Philippines trở lại vùng Scarborough, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng không nói gì về tin tuần duyên Trung Quốc rút khỏi khu vực bãi cạn, mà chỉ vắn tắt cho rằng "hai nước cùng hợp tác để giải quyết xung khắc". - RFI
Trang bìa tạp các tạp chí Pháp tuần này không dành cho một chủ đề thời sự chung mà cho những hồ sơ riêng lẻ. Riêng tuần báo Courrier International đã trở lại phát biểu "chia tay với Mỹ" gây chấn động của tổng thống Philippines Duterte tại Bắc Kinh. Bài "Duterte thay đổi ván cờ ở Biển Đông" đã trích phân tích trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs tại Washington, nhận định rằng qua những lời nói có tính mơ hồ của tân tổng thống Philippines, Washington đã thấy kiến trúc an ninh khu vực của mình không còn vững vàng nữa.

Bài phân tích mở đầu bằng ghi nhận là từ khi ông Duterte lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của Philippines bị hoàn toàn đảo lộn, nhân vật dân túy thô lỗ này đã thay đổi triệt để quan hệ Mỹ Philippines, một sự kiện không dự báo điều gì tốt lành cả.
Bài viết điểm lại quan hệ của Mỹ với Philippines, đồng minh lâu đời nhất của Washington ở Châu Á. Hoa Kỳ đã biến Philippines thành thuộc địa từ 1899 đến 1942. Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, hai bên cùng chống kẻ thù Nhật Bản và năm 1951 hai bên đã ký hiệp ước phòng thủ…

Dĩ nhiên có những lúc căng thẳng như vào những năm 1990. Mỹ phải rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark năm 1991, nhưng sự hiện diện quân sự Mỹ đã lại tăng cường trở lại trước mối đe dọa bành trướng quân sự của Trung Quốc. Năm 2014, Tổng thống Obama cùng tổng thống Benigno Aquino đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự hai bên… Nhưng giờ đây thì quan hệ này như đã thuộc về quá khứ.

Tổng thống Philippines đến Trung Quốc ngày 20/10 với mục tiêu thông báo chia tay với Mỹ và loan báo một liên minh mới giữa Trung Quốc- Philippines và Nga, và như lời của ông Duterte "đó là 3 người chúng tôi chống lại phần còn lại thế giới." Trung Quốc và Philippines đúc kết những hợp đồng trị giá 13 tỷ đô la, một món tiền kếch xù để thưởng công cho ông Duterte đã qua cánh đối phương.
Tác giả bài phân tích tìm hiểu tại sao lại có sự thay đổi triệt để như trên và đã đi đến kết luận rằng đó là do cá tính đặc biệt của tổng thống Duterte, bởi vì những lợi ích chiến lược và thương mại của Philippines không thay đổi mấy : Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại thứ nhì của Manila, trong lúc Nhật vẫn đứng đầu và Hoa Kỳ đứng thứ 3. Cho nên đó không phải do kinh tế thúc bách.

Trên mặt chiến lược thì càng không nên đổi phe, vì Trung Quốc vẫn quyết đoán trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, muốn thâu tóm các tài nguyên và nguồn cá. Còn nói về dân chúng thì họ cho thấy vẫn rất tin tưởng Mỹ, trong lúc quân đội Philippines thì đã hợp tác với Mỹ từ nhiều thập niên qua và đã được nhào nặn theo mô hình quân đội Mỹ, và cho dù ông Duterte vẫn lớn tiếng thóa mạ, Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng bảo vệ Philippines.

Tóm lại nếu có thay đổi, đó là do cá tính của tổng thống mới tại Philippines, một nhân vật độc tài, quyết đoán, ca ngợi Hitler, khinh miệt nhân quyền như chiến dịch chống ma túy đẫm máu đã cho thấy. Cho nên việc ông Duterte liên kết với Tập Cận Bình cũng là chuyện tự nhiên trong khi từ lâu ông rất ghét Mỹ.
Duterte xoay trục: Mỹ có nguy cơ chịu tác hại nghiêm trọng

Về phần nước Mỹ, sự trở mặt của Duterte sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu nó kéo theo một thời kỳ quá độ chiến lược lâu dài.
Đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực, Philippines là một địa bàn vô cùng quan trọng để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nếu Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc, thì Washington rất khó mà bảo vệ "chuỗi đảo thứ nhất" ở phía tây Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, các đảo Ryukyu, Đài Loan, và quần đảo Philippines. Duy trì "rào cản" này là một trụ cột của chiến lược Mỹ từ thời chiến tranh lạnh, nhưng giờ đây lại có nguy cơ bị sụp đổ do tính khí của một kẻ độc tài.

Trung Quốc có thể vô hiệu hóa đối tác trọng yếu này của Mỹ, có thể biến Philippines thành căn cứ hải quân của Trung Quốc, đe dọa các đồng minh của Mỹ như Đài Loan, Nhật Bản, Úc. Đối với Hải Quân Hoa Kỳ, thì sẽ càng lúc càng khó bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới : hàng năm 5.300 tỷ đô la hàng hóa đi qua Biển Nam Hải trong đó 1.200 tỷ là thương mại của Mỹ.
Bài báo còn ghi nhận là ở Philippines, phe đối lập đã lên án chuyến đi Trung Quốc của ông Duterte, tại Manila một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã cảnh báo rằng ông Duterte có thể bị thủ tục truất phế nếu từ bỏ chủ quyền trên bãi Scarborough.

Còn Nhà Trắng chỉ có thể hy vọng là những biện pháp của ông Duterte sẽ bị một người kế nhiệm thực tế hơn vô hiệu hóa, nếu nền dân chủ Philippines sống sót qua cơn thử thách này.

Tổng thống Duterte đang chơi trò gì?
Dưới câu hỏi này, tạp chí Courrier trích phản ứng của truyền thông Philippines trước các động thái của tổng thống Duterte.
Một nhà bình luận trang mạng Philippines Rappler thắc mắc là liệu ông Duterte có biết là ông đang chơi trò gì hay không? Ông đã bị Obama ám ảnh đến nỗi ông đã không suy nghĩ. Hillary Clinton sẽ không vui mừng trước ra đi của một cột trụ của chính sách xoay trục.

Tờ Manila Times thì tự hỏi: "Phải chăng chúng ta đang khấu đầu trước Bắc Kinh? Chính sách ngoại giao Philippines phải chăng chỉ để phục vụ Trung Quốc hay đặt quyền lợi của Philippines lệ thuộc vào Trung Quốc?".
Báo Philippine Star thì cho là tổng thống không có quyền hủy bỏ những hiệp ước của Philippines và nói những điều mà bộ Ngoại Giao không chấp nhận. Tờ báo cho là tuyên bố của ông Duterte rất lộn xộn. - RFI

Malaysia sẽ ký một hợp đồng mua các tàu tác chiến ven biển từ Trung Quốc khi Thủ tướng Najib Razak thăm Bắc Kinh vào tuần tới, theo tin đăng trên Facebook của Bộ Quốc phòng Malaysia.Bài diễn văn sắp đọc của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein được đưa lên Facebook hôm thứ ba tuần này, nhưng bị gỡ bỏ sau khi Reuters đề nghị người phát ngôn của Bộ cho bình luận.
Nếu kế hoạch mua tàu tuần tra được xúc tiến, đây sẽ là thỏa thuận quốc phòng quan trọng đầu tiên của Malaysia với Trung Quốc.

Diễn tiến này xảy ra giữa những căng thẳng tranh chấp Biển Đông và giữa bối cảnh Mỹ-Trung đang cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, ngày 28/10 nói ‘chưa rõ về chi tiết cụ thể của tình hình’, nhưng đáp câu hỏi của Reuters tại cuộc họp báo thường nhật, ông Lục lưu ý rằng Trung Quốc và Malaysia ‘tiếp tục hợp tác và liên lạc thường xuyên trong mọi lĩnh vực’.

Quan hệ giữa Malaysia với Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Bộ Tư pháp đệ đơn kiện liên hệ tới cuộc điều tra rửa tiền tại quỹ nhà nước 1MDB của Malaysia mà Thủ tướng Najib thành lập và trông coi.
Ông Najib chủ nhật này sẽ công du Trung Quốc trong 1 tuần.

“Vào ngày 5/11/16, Bộ Quốc phòng sẽ ký một hợp đồng mua các tàu tác chiến ven biển với Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc . Đây là phần quan trọng trong lịch trình chuyến công du chính thức của Thủ tướng tới Trung Quốc,” theo bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng đăng trên Facebook.
Tuy nhiên, bài diễn văn ghi hình tại Bộ Quốc phòng Malaysia không nhắc tới hợp đồng này.
Phát ngôn nhân Bộ quốc phòng Malaysia từ chối bình luận và văn phòng Thủ tướng chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Tàu chiến ven biển là tàu tuần tra cao tốc có thể được trang bị bãi đáp trực thăng và mang theo phi đạn. Tàu thường được dùng cho công tác an ninh duyên hải, tuần tra do thám biển, và cũng được triển khai cho các hoạt động cứu trợ thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. - VOA

6.
Liên Hiệp Quốc loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/10/2016 đã bầu lại 14 thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền. Kết quả đã gây ngạc nhiên khi với một số phiếu rất khít khao, Đại Hội Đồng đã bác đơn của Nga, muốn tiếp tục làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thông tín viên RFI, Marie Bourreau từ New York cho biết thêm chi tiết:

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã gây ngạc nhiên khi bất ngờ bác đơn Nga muốn ở lại Hội Đồng Nhân Quyền. Matxcơva như vậy là đã trả giá cho việc can thiệp vào Syria và cho số phận hàng trăm ngàn thường dân bị kẹt trong chiến dịch bao vậy đông Aleppo.
Nga, Croatia và Hungary tranh nhau hai ghế dành cho Đông Âu. Nga chỉ được 112 phiếu trong lúc Croatia được 114 phiếu và Hungary 144, trên tổng số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc.

Mấy hôm trước, hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi Đại Hội Đồng đừng bầu lại Nga cho một nhiệm kỳ thứ hai, tức 3 năm nữa, do việc Nga hậu thuẫn cho chế độ của tổng thống Bachar al Assad.
Dẫu sao đây cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến điện Kremlin, cho dù Nga đã nhường chỗ cho Hungary của ông Viktor Orban từng bị chỉ trích gắt gao vì chính sách đóng cửa đối với người tị nạn.
Đó cũng là những nghịch lý của một định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, cho mỗi thành viên một tiếng nói, mặc dù hàng năm các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều lên tiếng tố cáo những vị phạm tệ hại nhất của một số quốc gia được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền.
Hậu quả của việc chọn Trung Quốc, Ai Cập, hay Ả Rập Xê Út vào Hội Đồng rất cụ thể: Các quốc gia này có thể dùng hết sức lực để ngăn chận những nghị quyết, phá hỏng nhiệm vụ các báo cáo viên đặc biệt, hay cấm lập các ủy ban điều tra độc lập về các hành vi vi phạm nhân quyền. - RFI

7.
Nhật và Ấn thắt chặt quan hệ quốc phòng để đối phó với Trung Quốc

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ ngày 28/10/2016, thủ tướng Narenda Modi sẽ đến Tokyo ngày 11/11 trong một chuyến công du hai ngày. Ông Modi sẽ họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe để bàn việc tăng cường quan hệ quốc phòng, hạt nhân dân sự giữa hai nước. Tại Tokyo, thủ tướng Ấn Độ cũng sẽ có cuộc hội kiến với Nhật Hoàng Akihito.
Thông cáo bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết thêm là cuộc gặp thượng đỉnh Modi-Abe lần này "sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi kỹ lưỡng về các vấn đề song phương, khu vực và thế giới vì lợi ích chung".

Trong khi đó báo chí tại Ấn Độ đưa tin, trong cuộc gặp lần này, lãnh đạo hai nước sẽ ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, mà lần gặp trước hai bên đã thảo luận nhưng không đạt được kết quả. Một thỏa thuận hạt nhân sẽ cho phép Nhật xuất khẩu các công nghệ hạt nhân dân sự sang Ấn Độ, nước không phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khi hạt nhân của quốc tế.
Một trọng tâm khác của cuộc gặp thượng đỉnh Ấn – Nhật lần này là tăngcường hợp tác an ninh quốc phòng, trong đó có vấn đề tổ chức tập trận chung giữa quân đội hai nước.

Ấn Độ và Nhật Bản là hai nước đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ là trên đất liền và Nhật Bản là trên biển. Lãnh đạo hai nước đều được đánh giá là là những người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn.
Ngay sau khi lên lãnh đạo Ấn Độ, tháng 8 năm 2014, thủ tướng Modi đã có chuyến công du đầu tiên đến Nhật Bản. Tháng 12 /2015, thủ tướng Shinzo Abe cũng đã tới thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến đi đó hai bên đã có những phác thảo ban đầu cho cho sự hợp tác quốc phòng và hạt nhân dân sự. - RFI

8.
Nghị quyết LHQ kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân

Các nước thành viên Liên hiệp quốc đã biểu quyết với đa số áp đảo ủng hộ một biện pháp có thể dẫn đến lệnh cấm vũ khí hạt nhân.
Hôm thứ 5, Uỷ ban Giải trừ Vũ khí và An ninh Quốc tế bỏ phiếu chấp thuận một nghị quyết kêu gọi xúc tiến thương thuyết để đạt một hiệp ước mới đặt vũ khí hạt nhân ra ngoài vòng pháp luật, bất chấp sự chống đối của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bà Beatriz Fihn, Giám đốc điều hành của Chiến dịch Quốc tế Loại trừ Vũ khí Hạt nhân nói “Hiệp ước này không loại bỏ vũ khí hạt nhân trong một sớm một chiều. Tuy nhiên văn kiện này sẽ thiết lập một tiêu chuẩn pháp lý quốc tế mạnh mẽ, nêu lên tính cách xấu xa của vũ khí hạt nhân và buộc các quốc gia thành viên phải khẩn cấp hành động để giải trừ vũ khí hạt nhân.”

Bà Fihn nói đây là một “cuộc biểu quyết có tính cách lịch sử” dù cho việc thuyết phục các nước hủy bỏ vũ khí hạt nhân sẽ vô cùng khó khăn.
Nghị quyết không có tính cách ràng buộc, đã được Áo, Brazil, Ireland, Nigeria, Mexico và Nam Phi đề xuất đã được thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 quốc gia bỏ phiếu trắng. 

Các cường quốc hạt nhân đã vận động để bỏ phiếu “Không.”
Hoa Kỳ, Israel, Pháp, Nga và Anh nằm trong số các nước bỏ phiếu chống. Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng.
Các thành viên LHQ sẽ gặp nhau vào tháng 12 tới đây để bỏ phiếu về nghị quyết trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Một mục tiêu khác của nghị quyết này là tổ chức một hội nghị vào tháng 3 năm tới để thương thuyết về “một công cụ pháp lý có tính ràng buộc nhằm cấm vũ khí hạt nhân, đưa đến việc hủy bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.”

Các nước ủng hộ nghị quyết nêu lên những quan ngại sâu sắc về “những hậu quả tai hại đối với con người nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.”
Các quốc gia chống nghị quyết nói việc giảỉ trừ vũ khí hạt nhân nên được thảo luận trong các cuộc thương thuyết về Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Nghị quyết được đưa ra sau 3 hội nghị quốc tế trong năm 2013 và các cuộc thảo luận của một nhóm đặc nhiệm về giải trừ vũ khí hạt nhân năm 2016, công nhận những hậu quả tai hại đối với con người của vũ khí hạt nhân. - VOA

Tin Hoa Kỳ
9.
Bà Clinton thách FBI công bố toàn bộ dữ kiện về tai tiếng email --- FBI sẽ điều tra thêm email liên quan đến bà Clinton

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm thứ Sáu mạnh mẽ phản ứng trước tin Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang cân nhắc liệu có thông tin mật trong máy tính của ông Weiner, chồng cũ của phụ tá thân cận nhất của bà hay không.
Bà nói: “Chưa có bất cứ ai từ FBI tiếp xúc với chúng tôi. Lần đầu tôi nghe tin này, có lẽ là lúc các bạn được tin, tôi đoán thế, khi bức thư này tới tay các dân biểu đảng Cộng hoà ở Hạ viện. Chúng tôi không có đủ dữ kiện trong tay, đó là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu FBI công bố toàn bộ các dữ kiện họ đang có. Ngay cả giám đốc FBI Comey cũng lưu ý rằng thông tin mới này có thể không đáng kể. Vậy thì còn chờ gì mà không công khai nó?"

Lên tiếng tại thành phố Des Moines, bang Iowa, bà Clinton nói nhân dân Mỹ có quyền được thông tin càng đầy đủ càng tốt trước khi họ đi đầu phiếu vào ngày 8/11. 
Bà Clinton lên tiếng vài giờ sau khi FBI cho hay sẽ duyệt lại những email mới, xem liệu chúng có liên hệ gì tới cuộc điều tra về việc bà đã sử dụng máy chủ cá nhân để liên lạc bằng email thời còn làm Ngoại Trưởng hay không.
Các email mới được phát hiện trong cuộc điều tra ông Anthony Weiner về những email dâm ô bất hợp pháp của ông này, ông là chồng cũ của bà Huma Abedin, phụ tá lâu năm của bà Hillary Clinton. - VOA

***
Bà Hillary Clinton hôm thứ Sáu mạnh mẽ kêu gọi Cục Điều tra Liên bang (FBI) công bố "đầy đủ toàn bộ dữ kiện" về việc cơ quan này quyết định duyệt lại những email có liên hệ tới cuộc điều tra của họ nhắm vào máy chủ riêng tư của bà.
"Tiến trình bỏ phiếu đang diễn ra, vì vậy người dân Mỹ xứng đáng nhận được đầy đủ toàn bộ dữ kiện," bà Clinton nói trong một cuộc họp báo ngắn tại thành phố Des Moines, bang Iowa.
Bà Clinton lưu ý thông báo duyệt lại email của FBI được đưa ra 11 ngày trước ngày bầu cử, và bà không biết trong những email này có gì. Nhưng bà nói bà "tin rằng dù có gì đi nữa thì nó cũng sẽ không thay đổi kết luận hồi tháng 7," nhắc tới đề nghị của FBI không truy tố hình sự bà.

Trước đây, sau khi phát hiện trong một số email của bà Clinton có chứa thông tin mật của chính phủ, FBI đã mất khoảng một năm điều tra việc bà dùng máy chủ email cá nhân cho công vụ thời còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2013. Chính phủ Mỹ cấm lưu chuyển thông tin mật vượt ngoài các kênh an toàn.
Hồi tháng 7, Giám đốc FBI cho biết có bằng chứng cho thấy bà Clinton và nhân viên có thể đã phạm luật, nhưng FBI nói rằng công tố viên, nếu làm việc đúng tình đúng lý, thì sẽ không truy tố bà. 

Bà Clinton chưa phản hồi công khai trước tin này, nhưng chủ tịch ban vận động của bà, John Podesta, yêu cầu FBI cung cấp thêm thông tin về việc này ngay lập tức.

Ông Podesta nói ông tin rằng vụ này cũng sẽ có kết luận giống như những gì FBI đã kết luận hồi tháng 7 lúc khép lại cuộc điều tra email mà không tìm ra đủ bằng chứng để để truy tố hình sự.
Bà Clinton từng lên tiếng cáo lỗi về vụ email trước, nói rằng đó là một sai lầm.
Reuters dẫn nguồn từ New York Times cho biết các email mới vừa được phát hiện trong lúc FBI đang tiến hành điều tra về các tin nhắn tình dục của cựu dân biểu Anthony Weiner, qua việc thu giữ các thiết bị điện tử của phụ tá cho bà Clinton là bà Huma Abedin và chồng bà Abedin, ông Anthony Weiner.
Đối thủ của bà Clinton bên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đã nhanh chóng chỉ trích bà Clinton rằng đây là những sai phạm ‘trên quy mô chưa từng thấy trước nay.’

Tòa Bạch Ốc ngày 28/10 cho hay không được thông báo trước về loan báo của FBI rằng đang điều tra thêm một số email của bà Clinton. 
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Eric Schultz, cho báo giới biết tin này không làm ảnh hưởng tới sự ủng hộ của Tổng thống Obama dành cho bà Clinton. - VOA

10.
Máy bay American Airlines bốc cháy tại Chicago

Một máy bay hành khách của hãng American Airlines bốc cháy tại phi trường quốc tế O'Hare thuộc Chicago, buộc hành khách phải sơ tán khẩn cấp và đóng cửa một số đường băng.

Đài WLS của Chicago cho biết có 9 người bị thương.
Hãng American Airlines cho hay khi máy bay đang sửa soạn cất cánh đi Miami và đã lên đường băng thì bị một sự cố máy móc có liên quan đến động cơ, khiến phi công hủy cất cánh.
Khói đen bốc ra từ chiếc Boeing 767 và phi hành đoàn cho mở các đường trượt sơ tán hành khách từ hai bên thân máy bay.
Hãng American Airlines loan báo có 161 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên máy bay, tất cả đều đã được sơ tán. - VOA

11.
2017: 75% người dùng mạng qua thiết bị di động

Năm 2017, cứ bốn người dùng internet sẽ có ba người dùng qua các thiết bị di động, tăng nhẹ so với con số trong năm nay, giữa lúc số khách hàng trên thế giới tiếp cận internet qua điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày càng tăng.
Vẫn theo dự báo của công ty truyền thông Zenith đưa ra trong tuần, 60% tiền quảng cáo trên mạng internet toàn cầu trong năm 2018 sẽ xuất phát từ quảng cáo trên các thiết bị di động.
Chi tiêu cho quảng cáo trên các thiết bị di động trong năm 2018 dự báo tổng cộng khoảng 134 tỷ đôla, nhiều hơn chi tiêu cho quảng cáo trên báo, tạp chí, phim ảnh, và các hoạt động quảng cáo ngoài trời cộng lại.

Trước đây, Zenith từng ước tính năm nay,  71% lượng tiêu thụ internet là từ các thiết bị di động và chi tiêu quảng cáo di động toàn cầu năm nay dự kiến khoảng 71 tỷ Mỹ kim.
Giữa lúc tiền quảng cáo đang từ các kênh truyền hình chạy qua thế giới kỹ thuật số, các công ty và nhãn hàng đang đổ dồn qua Facebook, Snapchat, và Google, nơi họ có thể tiếp thị sản phẩm với khán giả nhiều hơn.
“Trong 4 năm, từ 40% tăng lên thành 70% người dùng net bằng thiết bị di động”, ông Scott Singer, giám đốc truyền thông kỹ thuật số và điều hành công ty tư vấn sáng kiến DDG Inc, cho biết.
Mức tiêu thụ dữ liệu trên các thiết bị di động ngày càng tăng khiến các công ty truyền thông nỗ lực tìm mọi cách lôi kéo khán giả lên mạng và đồng thời thu hút các nhà quảng cáo. - VOA

Tin Việt Nam
12
Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nói gì ở Việt Nam?

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tuyên bố “không thể xem thường” vấn đề an ninh biển khi tham dự lễ khánh thành cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa tàu của cảnh sát biển Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry B. Harris, hôm 28/10, đã cùng với các quan chức Mỹ và Việt Nam như Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka và Đại tá Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, đã dự lễ khánh thành một cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam.

Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, cơ sở này được xây dựng “với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ”, và “giúp nâng cao năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc huấn luyện nhân viên và bảo dưỡng tàu nhằm ngăn chặn hiệu quả và đối phó với các mối đe dọa trên biển dọc theo bờ biển của Việt Nam”.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Đô đốc Harris nói: “Các cơ sở này thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường hợp tác song phương và cam kết của Việt Nam đối với an ninh hàng hải của nước mình. Hoạt động đào tạo các sĩ quan cảnh sát biển Việt Nam sẽ mang lại tác động lâu dài và là biểu tượng cho cam kết bền vững của chúng tôi dành cho Việt Nam và khu vực”.
Hoa Kỳ tuyên bố rằng cơ sở bảo dưỡng trên “chứng rõ ràng của quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, thể hiện cam kết chung trong việc tăng cường quan hệ quân sự song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh biển, thực thi luật pháp và các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ”.

Đô đốc Harris nói thêm: “An ninh biển là lĩnh vực ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và là điều chúng ta không thể xem thường. Những cơ sở tốt này là một minh chứng cho công việc vất vả và sự cống hiến của rất nhiều người nhằm nâng cao khả năng chung của chúng ta trong việc đối phó với các thách thức an ninh biển”.
Trong thời gian thăm Việt Nam, Đô đốc Harris có các cuộc nói chuyện với lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội, thăm Bệnh viện Quân y 175 và chùa Ngọc Hoàng ở thành phố Hồ Chí Minh và gặp gỡ lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ở Đà Nẵng.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam đúng tuần người được cho nhiều khả năng lên kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm Hoa Kỳ, sau khi hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Phát biểu bên cạnh ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Việt Nam, hôm 25/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cập tới tới “các sáng kiến mới liên quan việc phản ứng trong tình thế khẩn cấp, hợp tác chống khủng bố cũng như khả năng thúc đẩy pháp quyền ở biển Đông”. - VOA

13.
Thủ tướng VN ‘lần đầu công du bằng máy bay thương mại'

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lần đầu đi công tác nước ngoài bằng máy bay thương mại, thay vì chuyên cơ, trong một động thái mà báo chí trong nước coi là “điều khác thường”, hay “một tín hiệu khác lạ”.
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho biết, hôm 28/10, ông Phúc và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam “đã rời Bangkok về Hà Nội trên chuyến bay thương mại mang số hiệu VN 611 của Vietnam Airlines” sau khi tới viếng Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej.

Trong một bài viết đặt ở trang nhất có tựa đề “Thủ tướng đi máy bay thương mại - Điều khác thường sẽ thành bình thường”, trang tin Soha News còn coi đó “là một tín hiệu khác lạ so với thông lệ”.
Trang tin này còn viết rằng “ngay từ khi mới nhậm chức, thông điệp xuyên suốt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thực hành tiết kiệm”.

Trước đó, theo VTC, sáng 20/10, ông Phúc nhận định trước Quốc hội Việt Nam về “tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”.

Ngoài ra, ông còn “đề cập vấn đề hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí”.
Tuyên bố của ông Phúc được đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội “nóng” vì vụ ông Trịnh Xuân Thanh, vốn bùng lên sau khi báo chí đưa tin về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do cựu quan chức tỉnh Hậu Giang sử dụng.

“Sẽ trong sạch hơn”
Trong một diễn biến được nhiều người nhìn nhận là “lắng nghe ý kiến của người dân”, hồi tháng Tám vừa qua, ông Phúc công khai ngỏ lời xin lỗi người dân vì “vụ đoàn xe hộ tống ông đi vào đường cấm” ở phố cổ Hội An sau khi mạng xã hội “dậy sóng” vì vụ này.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo từng làm trong một cơ quan truyền thông nhà nước, từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng áp lực của mạng xã hội đối với quan chức Việt Nam “đang ngày càng mạnh”, và ông cũng bày tỏ hy vọng rằng ông Phúc “sẽ trong sạch hơn, sẽ tốt đẹp hơn”.

Cựu nhà báo này nhận xét tiếp rằng ông không hy vọng Thủ tướng Việt Nam sẽ lên tiếng về những tin đồn về tài sản của ông ở trên mạng xã hội.
Năm ngoái, một trang blog “vô thừa nhận” là “Chân dung quyền lực” từng đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng độc lập về “khối tài sản lớn” của ông Phúc ở cả Việt Nam lẫn Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son từng chính thức thừa nhận sự tồn tại của “Chân dung quyền lực”, nhưng nói blog này, mà giờ đã ngưng cập nhật, "đưa tin nhảm nhí, xấu độc" và kêu gọi "tẩy chay". - VOA

14.
VN: Chọn cả Trung Quốc lẫn Mỹ là 'khôn ngoan'?

Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn Trung Quốc là đối tác chính trị, trong khi Hoa Kỳ là đối tác an ninh và sự lựa chọn này là 'khôn ngoan', theo bình luận của nhà phân tích chính trị Việt Nam về các chuyến thăm Mỹ và Trung Quốc cùng trong tháng 10/2016 của Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh.
Trao đổi với bàn tròn của BBC tuần này về chuyến thăm của chính khách cao cấp của Đảng CSVN tới Mỹ, nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung, nói:

"Nếu Trung Quốc là lựa chọn chính trị của Việt Nam như lời tuyên bố của ông Huynh, thì Hoa Kỳ là lựa chọn an ninh của Việt Nam, đó là cái mà tôi có thể nhận xét, đánh giá qua chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh thăm Mỹ."
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi toàn văn Tọa đàm Bàn tròn của BBC về chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh.
Khi được hỏi liệu các 'lựa chọn' chiến lược trên là mâu thuẫn hay thống nhất, biện chứng với nhau, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học Bình Dương nói:

"Tôi nghĩ là hoàn toàn thống nhất... Tôi cho rằng lựa chọn của Việt Nam là khôn ngoan và chuyến đi thăm Trung Quốc (của ông Đinh Thế Huynh) ngắn ngày hơn chuyến thăm Mỹ. Và tất cả những gì có thể truyền tải được đã thông qua bản thân thời hạn của chuyến đi thăm này.
"Nó không có gì mâu thuẫn cả và nhất là đối với phía Việt Nam xưa nay ta vẫn nói là Việt Nam thực hiện khá tốt chuyện cân bằng giữa các nước lớn, thì chuyến đi này cũng thể hiện điều đó. Tôi nghĩ rằng cả hai phía Mỹ và Trung Quốc nếu có bình luận gì, thì (chỉ) có thể bình luận tích cực mà thôi."

Về ý nghĩa và mục đích chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh, Tiến sỹ Vũ Cao Phan nhân dịp này đưa ra nhận xét:
"Đối với ông Đinh Thế Huynh, chuyến đi này có nhiều ý nghĩa, tôi có cảm giác nó khá giống với trường hợp của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trước đây, cũng như với ông Phạm Quang Nghị, ông Đinh Thế Huynh là người được dư luận cho là được Tổng bí thư bảo trợ, nâng đỡ và lựa chọn.

"Cho nên chuyến đi này của ông ấy chắc chắn có hai mục đích, một là giới thiệu với các giới chức Mỹ và mục đích thứ hai là cơ hội ông tìm hiểu xã hội Mỹ và tôi nghĩ tất cả những điều này là rất quan trọng, ngoài mang tính chất nghi thức, nhất là thời gian kéo dài cả một tuần. 
"Chuyến đi có thể nói là một công việc tích cực từ phía Việt Nam, nó cũng có thể trấn an với Mỹ sau những rắc rối do Tổng thống Philippines, những lời tuyên bố của Tổng thống Philippines làm Mỹ lúng túng, liên quan đến (chiến lược) châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

"Nhất là có thể kết nối với lời tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Tướng Nguyễn Chí Vịnh là một người có vai trò quan trọng trong nền ngoại giao của Việt Nam, là 'Việt Nam cam kết hỗ trợ Mỹ và đồng minh can thiệp vào tình hình khu vực, miễn sao điều đó mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng. 
"Tiếp nối với tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, tôi cho với phía Việt Nam, chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh có những ý nghĩa như thế. Thứ hai với phía Mỹ, Mỹ cũng mong mỏi chuyến đi này, chỉ cần suy luận thôi, chứ không cần nhìn vào tính chất đón tiếp có thể nói là chính thức và trọng thị của Mỹ," Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC hôm 27/10.

Quá nhiều lựa chọn?
Từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) đưa ra bình luận về lựa chọn đối tác chiến lược của Việt Nam, ông nói:
"Trở lại vấn đề lựa chọn như thế nào mà chúng ta (Bàn tròn Thứ Năm) vừa nêu, ông Đinh Thế Huynh nói rằng 'Trung Quốc là 'lựa chọn chính trị' của Việt Nam, còn Tiến sỹ Vũ Cao Phan... có nêu như vậy Hoa Kỳ có thể là 'lựa chọn an ninh' của Việt Nam, tôi cảm thấy là có nhiều quá, có vô số lựa chọn.

"Lựa chọn nhiều đến nỗi mà năm 2014, chúng ta (Việt Nam) nhớ lại, đau đớn vô cùng là khi nổ ra vụ Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc..., khi đó Việt Nam thủ trong túi một chục đối tác chiến lược, trừ Hoa Kỳ, một chục đối tác chiến lược trong đó có Nga, trong đó có Trung Quốc và không một ai chìa tay ra cho Việt Nam.
"Đó là lựa chọn của Việt Nam ư? Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước như vậy à? Nhiều quá và cuối cùng là không có gì cả. Đó là một triết lý sống còn đối với giới lãnh đạo Việt Nam và với dân tộc Việt Nam, tôi xin nhắc lại điều đó...

"Liên quan chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh..., tôi cho rằng có một điều gì đó liên quan tới chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị vào năm 2014, năm 2014, ông Nghị được ông (Nguyễn Phú) Trọng cử đi một cách thầm kín và sau đó khi về, ông Nghị phải chịu một đợt tấn công trong nội bộ và sau đó ông Nghị 'biến mất'.
"Không biết là lịch sử có lặp lại đối với ông Đinh Thế Huynh hay không? Và nếu như lặp lại với ông Đinh Thế Huynh thì coi chừng kỳ này, sau khi đi Mỹ về ông Huynh cũng phải chịu những 'chỉ trích' là nhẹ nhàng nhất ở trong nội bộ hay là một cuộc tấn công nào đó và sau đó cũng có một khả năng là ông Huynh "biến mất" trong ngoặc kép, đó là một.

"Vấn đề thứ hai nữa là nếu như lịch sử lặp lại, chúng ta nhớ là cuối tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ và sau khi đi Mỹ về xảy ra một 'cuộc chiến quyền lực' đặc biệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy tôi tự hỏi là liệu sau chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh đi Hoa Kỳ, lần này có xảy ra một cuộc chiến quyền lực nào không.
"Và nếu có xảy ra thì giữa ông Huynh với ai? Đó là một vấn đề mà chúng ta cũng cần nêu lại và có thể chờ xem nếu độ trễ trong cuộc chiến quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng là khoảng sáu tháng sắp tới Đại hội 12, thì cuộc chiến quyền lực của ông Huynh, nếu có, sắp tới, nó phải nằm ở khoảng giữa năm 2017.

"Và giữa năm 2017, tôi nghe thông tin cũng là thời điểm, khoảng thời gian quan trọng để gút những vấn đề nhân sự then chốt để chuẩn bị cho Đại hội giữa nhiệm kỳ và nếu như đúng cam kết, ông Trọng sẽ nghỉ sau hai năm tại vị," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC.

Đúng nhưng không đủ
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), người đồng thời là Chủ tịch của Think Tank 'Viet Know' đưa ra bình luận về các chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh tới các cường quốc quan trọng trong bang giao quốc tế của Việt Nam trong tháng Mười, trong đó có chuyến thăm tới Trung Quốc, ông nói:

"Bình luận mà nói Việt Nam lựa chọn quan hệ... mà nói là Trung Quốc là lựa chọn chính trị trong quan hệ, nó cũng đúng thôi nhưng mà không đủ. Nó còn nhiều thứ quan hệ khác: quan hệ láng giềng, quan hệ địa chính trị, quan hệ địa chiến lược, quan hệ ý thức hệ v.v...
"Thế nhưng có một câu nói rất nôm na mà ông (Đinh Thế) Huynh nhắc lại ở bên Trung Quốc, sau tất cả những gì đã được ghi ra, có một câu tôi rất thích là nói với Trung Quốc là 'lời nói là đi đôi với việc làm'... Câu này bản thân ông Trần Đại Quang (Chủ tịch Việt Nam) trong bài phát biểu của ông ở Viện Iseas ở Singapore, gọi là bài số 38, ông Trần Đại Quang cũng nhắc đến câu ấy, bằng cách nhắc lại lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu 'đã hứa là phải làm'...

"Đây là một tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, có một số lần mà Trung Quốc nói nhưng lại làm khác đi, như thế ông Đinh Thế Huynh ở Trung Quốc cũng rất đàng hoàng, cũng nói rất rõ, chứ không có gì là cấn cái cả.
"Và theo sự hiểu biết thông thường, Việt Nam không có cái gì phải để lệ thuộc vào Trung Quốc hết, Việt Nam là một nước độc lập, có một nền ngoại giao, đối ngoại độc lập, có một nền kinh tế độc lập và rõ ràng quan hệ Việt Nam với các nước thể hiện rất rõ bằng hai chữ rất quan trọng là 'vừa là đối tác, vừa là đối tượng'.

"Có nghĩa là cụ thể hóa hơn với Trung Quốc là 'vừa hợp tác, vừa đấu tranh', cho nên những bình luận khác tôi thấy cũng có lý do của nó, nhưng về mặt hiểu biết chính thống và theo lẽ phải thì hiểu như vậy thôi,"Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận với BBC, đặc biệt liên quan tới việc có ý kiến đặt dấu hỏi về ý nghĩa và nguyên do của việc ông Đinh Thế Huynh thăm Trung Quốc trước khi đi Mỹ trong cùng tháng này.

Nước xa, lửa gần

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà phân tích chính trị, bang giao quốc tế và Việt Nam bình luận về các chuyến thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tháng Mười của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư Đảng CSVN và chính sách, chiến lược quan hệ của Việt Nam.

Giáo sư Long nói: 
"Đối ngoại (Việt Nam) đối với Trung Quốc, Trung Quốc là nước 'núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển' với Việt Nam, thì phải đối đãi với Trung Quốc như thế nào để cho nó (nước này) khỏi gây những khó khăn cho Việt Nam liền liền.
"Việt Nam có câu là 'nước xa, lửa gần', thì không thể lựa chọn một nước nào đó để đối trọng với Trung Quốc được. 

"Tất nhiên là mình (Việt Nam) cần có một chính sách đối ngoại như thế nào để đảm bảo an ninh cho Việt Nam...
"Vấn đề lâu dài là vấn đề rất quan trọng, lâu dài không chỉ là đối với Mỹ, đối với Nhật và với nhiều nước khác trong khu vực.
"Thành ra nếu chúng ta phân tích, đánh giá như vậy, tôi thấy chuyến đi của ông Huynh hay là chuyến đi của các vị khác ở Việt Nam đối với nước khác thì cũng phải nhìn vào vấn đề tổng thể.
"Thế còn mình nhìn vào vấn về nhân sự, nhiều khi tôi thấy là sai," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC. - BBC

15.
Việt Nam, xứ sở thần tiên của các nhà xản xuất bia

Ở Việt Nam, bia được coi là "nữ hoàng của các loại đồ uống". Với số dân 93 triệu người, Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ bia tính theo đầu người cao nhất châu Á. Theo số liệu của tổ chức Nghiên Cứu Thị Trường Euromonitor của Anh, vào năm 2015, người Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia.
Ông Kevin Snowball, giám đốc công ty quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management - có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh - đánh giá "Việt Nam là một trong những thị trường bia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới". Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường bia đầy hứa hẹn này.

Hai loại bia Việt Nam nổi tiếng nhất là Bia Sài Gòn của công ty Sabeco và Bia Hà Nội của công ty Habeco. Vẫn theo tổ chức Nghiên Cứu Thị Trường Euromonitor, hiện nay, phần lớn thị trường bia tại Việt Nam thuộc về hai nhà sản xuất bia này: Sabeco chiếm 45% thị phần và Habeco chiếm 17% thị phần. AFP gọi đó là "tinh hoa" của thị trường bia Việt Nam.
Hiện Nhà nước vẫn giữ gần 82% vốn điều lệ tại Habeco và gần 90% tại Sabeco. Nhưng mới đây, nhà nước muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào hai công ty bia này và chính quyền Việt Nam dự kiến bắt đầu bán cho tư nhân cổ phần Nhà Nước tại Habeco vào quý đầu năm 2017.

Kể từ khi chính phủ Việt Nam thông báo chủ trương này, nhiều hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần. Hiện nay, hãng bia Heineken chiếm 17% thị phần bia của Việt Nam. Các hãng bia Carlsberg hay Sapporo cũng đã mở các nhà máy bia tại Việt Nam.
Nhiều người dân Việt Nam cho biết họ yêu thích các loại bia nội nhưng cũng ủng hộ việc nhà nước bán cổ phần cho nước ngoài. Một chủ nhà hàng có bán Bia Sài Gòn trong nhà hàng nhỏ của mình tại Hà Nội chia sẻ là điều đó có thể giúp các công ty bia hoạt động hiệu quả hơn, vì công nghệ sản xuất bia hiện nay đã quá cũ và cần được cải tiến. Ông cũng cho biết là điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng bia chứ không phải là việc các hãng nước ngoài nắm giữ cổ phần. Còn một vị khách hàng vốn yêu thích hương vị bia Hà Nội hơn là bia ngoại nhập cũng chia sẻ là không phản đối việc bán cổ phần cho nước ngoài, "miễn sao hương vị đặc biệt của bia được giữ nguyên". - RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét