SAN JOSE, California (NV) – “Tôi có được rất nhiều thứ, và chỉ không có một thứ, đó là sự đoàn kết của cộng đồng để đi lên. Cho nên, nếu bây giờ được có một ước nguyện thôi thì tôi chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là người Việt Nam đoàn kết với nhau.”<!>Ước nguyện của nữ luật sư gốc Việt Jenny Đỗ, hiện đang sống tại San Jose, miền Bắc California, được phát ra giữa lúc những di căn của căn bệnh ung thư đang hoành hành, tàn phá cơ thể cô một cách tàn nhẫn nhất, có thể khiến bất kỳ một người Việt nào cũng cảm thấy giật mình, cúi mặt.Không chỉ vậy, câu chuyện của người phụ nữ mang hai dòng máu Việt-Mỹ đang ở giữa lằn sinh – tử này còn mang đến cho người nghe nhiều suy nghĩ về một thái độ sống, một lẽ sống trong đời.Luật Sư Jenny Đỗ, “Nếu bây giờ được có một ước nguyện thôi thì tôi chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là người Việt Nam đoàn kết với nhau.” (Hình: Jenny Đỗ cung cấp)‘Đằng nào cũng chết, sao không chọn chết vẻ vang?’Thật khó để hình dung người phụ nữ vừa chạm tuổi 50, với gương mặt khiến người đối diện khó lòng rời mắt, đang từng phút đối diện với cơn đau tận xương tủy, lại có thể khẳng khái nói ra điều đó, cùng nụ cười trong trẻo lẫn ngạo nghễ.Jenny Đỗ đến Mỹ năm 1984 theo diện con lai đầu tiên. Khi ấy cô vừa tròn 18 tuổi. Từ thân phận một đứa con lai bị coi thường tại quê mẹ, cô đã biết nắm bắt cơ hội làm lại cuộc đời trên đất cha, vừa học vừa làm, để có thể tốt nghiệp bang luật sư.Không chỉ thành công trong vai trò của một luật sư, cô còn được biết đến qua những sinh hoạt văn hóa và cộng đồng tại San Jose. Luật Sư Jenny Đỗ từng tích cực vận động cho đạo luật Con Lai Về Quê Cha (Amerasian Home Coming Act), cho phép gần 30,000 con lai tại Việt Nam được sang Mỹ định cư.Bên cạnh đó, Jenny Đỗ còn là chủ tịch sang lập Hội Thân Hữu Huế (Friends Of Hue Foundation), sau này là Trung Tâm Từ Thiện Thân Hữu Huế, nơi chăm sóc, cưu mang trẻ em đường phố, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, bị bán vào các đường dây mại dâm…Chín năm trước, khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, Jenny được bác sĩ phát hiện ra căn bệnh ung thư vú.Tiếng gọi tử thần đó không làm cô nao núng. Chữa trị và tiếp tục làm việc. Cho đến Tháng Chín năm rồi, bác sĩ lại báo: Ung thư đã di căn vào xương sống, tấn công các hạch bạch huyết.Đó là lý do vì sao thời gian gần đây cô phải mỗi tháng một lần vào bệnh viện cấy xương, mà “mỗi lần như vậy rất là đau,” nhưng “nếu không làm, xương sống sẽ xụm xuống, còn nguy hiểm và đau đớn hơn vì tê liệt.”Cô kể, “Trước khi về Việt Nam hồi Tháng Hai vừa rồi để sắp đặt những công việc còn lại cho các con nuôi, tôi có làm kiểm tra y khoa, thì hai lá phổi giống như hai cây đèn Noel, sáng rực lên. Xương sống cũng sáng trưng lên. Tức là tế bào ung thư đã ăn hết hai lá phổi và xương sống. Hiện giờ, sau mấy tháng điều trị, muốn biết sức khỏe xuống hay lên, thì phải làm xét nghiệm nữa, nhưng bác sĩ không dám làm thêm vì chất phóng xạ họ sử dụng mạnh quá, nên phải đợi.”Tuy nhiên, “cách đây hai tuần, khi thấy bắt đầu khó thở trở lại là tôi tự biết sức khỏe mình đang có vấn đề rồi nhưng mà công cuộc mình đeo đuổi đã quá gần rồi. Nhà thương bảo 13 Tháng Năm vô cấy xương, nhưng tôi hẹn đến ngày 17, chờ thêm năm ngày không có chết đâu,” người luật sư có khuôn mặt khả ái nói cùng nụ cười hóm hỉnh.Cô trải lòng, “Tôi nghĩ cái gì cũng có số hết. Nếu tôi qua được, tôi làm công việc này mà tạo được cộng đồng một sức mạnh mới, một tinh thần mới thì nếu tôi nằm xuống cũng không sao hết. Đằng nào cũng chết, thà mình chết vẻ vang vẫn hay hơn chết dần chết mòn, đúng không?”“Tôi không bao giờ muốn kéo dài đời sống một cách vô vị. Nếu cho tôi sống, phải cho tôi làm việc. Còn bảo đừng làm việc, chỉ nên ngồi thiền, niệm Phật, như nhiều người khuyên, rồi uống ăn kiêng khem, kỹ lưỡng thì thôi, thà cho tôi ra đi sớm. Tại vì tôi là một người hoạt động từ xưa đến nay rồi,” cô Jenny nói, dù có lúc tiếng cô như khàn đi.Người phụ nữ mà cuộc sống như mành treo trước gió tiếp tục câu chuyện, “Người ta nói rằng tôi đốt đèn cầy hai đầu thì làm sao chịu nổi. Câu trả lời của tôi là đốt một đầu hay đốt hai đầu thì rồi cũng hết cây đèn cầy, nhưng nếu mình đốt hai đầu thì nó sáng hơn là đốt một đầu.” Cô lại cười, tiếng cười của một người quá đỗi bản lĩnh, tự tin trước nghịch cảnh.Những công việc đang nung nấuCô Jenny chia sẻ, “Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ bị bất lực, tàn phế mà thôi. Điều đó đáng sợ hơn thần chết. Tôi biết đây là sứ mệnh của mình, và tôi nung nấu để làm chuyện này. Cho nên cái giá của nó như thế nào cũng phải trả.”“Vậy, những công việc chị đang nung nấu và mong muốn hoàn thành, để phải dời cả việc đi cấy xương, là gì?” Tôi thắc mắc.“Lý do hoãn năm ngày đi cấy xương là để cho xong lễ hội ‘Áo Dài Festival’ tổ chức vào ngày 15 Tháng Năm. Năm nay ‘Áo Dài Festival’ được hưởng ứng nhiều hơn là do có ngày “Áo Dài Day” vừa được Thượng Viện California thông qua hôm đầu tháng. Cứ hình dung nếu mọi người cùng mặc áo dài thì sẽ như thế nào? Điều này đối với tôi quan trọng hơn là chuyện cấy xương, xương đợi thêm năm ngày nữa mọc cũng không sao,” chị lại cười.Quả thật, lần đầu tiên trong lịch sử California, Thượng Viện Tiểu Bang đã chính thức công nhận ngày 15 Tháng Năm là Ngày Áo Dài, sau khi đồng thuận thông qua Nghị Quyết Thượng Viện SR 73, do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn làm tác giả chính, cùng với Thượng Nghị Sĩ Jim Beall (Dân Chủ-San Jose) và Thượng Nghị Sĩ Richard Pan (Dân Chủ-Sacramento) làm đồng tác giả. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng, người viết kiến nghị và miệt mài vận động cho điều này trở thành sự thật từ nhiều năm qua chính là Jenny Đỗ.Bên cạnh đó, những việc mà người phụ nữ này vẫn còn đang bận lòng là hoàn thành Trung Tâm Cộng Đồng ở San Jose và việc sắp đặt công việc cho trung tâm từ thiện của Hội Thân Hữu Huế ở Việt Nam.Cô cho biết, “Trung Tâm Cộng Đồng ở San Jose tôi nghĩ chắc sắp xong rồi. Nơi đó sẽ phải là điểm tựa cho cộng đồng, là nơi giáo dục và che chở cộng đồng, ai có vấn đề gì thì cũng có thể chạy đến đó. Tôi đã làm hết khả năng mình rồi, giờ là đến lúc thành phố và quận hạt vào cuộc. Phải bảo đảm rằng họ làm theo nguyện vọng của người mình, tức không phải làm có lệ, mà phải làm thật sự.”“Còn Trung Tâm Trẻ Em Friends of Huế có những cháu tôi đã nuôi bao nhiêu năm nay. Tôi không nghĩ là tụi nó không thể sống mà không có tôi. Tôi nghĩ công việc mình đã sắp xếp xong rồi, tất cả nhân viên của trung tâm đều do tôi đào tạo từ nhỏ lên, và bây giờ các cháu đã vững vàng, có thể tự lo được,” cô Jenny nói tiếp.Người phụ nữ mang hai dòng máu Việt-Mỹ nói như trút hết nỗi niềm về duyên cớ vì sao cô lại gắn bó đời mình với số phận của những đứa trẻ “không có một quá khứ đẹp đẽ nào hết, đứa nào cũng có quá khứ vô cùng tàn nhẫn.” Cô nói như chưa bao giờ được nói về cách cô truyền cho những đứa bé ấy niềm tin, niềm tự hào, niềm kiêu hãnh mà cô học được từ chính người mẹ của mình:“Ngày còn ở Việt Nam, đã hai lần người ta năn nỉ mẹ tôi bán tôi đi để lấy tiền, mà mẹ tôi không chấp nhận. Vì khi mình là con lai, họ thấy mình dễ bị bán. Khi mình nghèo họ nhìn mình bằng cặp mắt rẻ rúng, xem thường. May cho tôi, là mẹ tôi lúc nào cũng có niềm kiêu hãnh của một dòng họ mình, và điều đó không để cho mẹ tôi làm việc đó, dù chúng tôi có đói lả đi. Cho nên, tôi nói với các cháu rằng, nếu mình không có nền tảng, không có niềm tin căn bản thì mình không thể ứng phó với đời sống. Trong cuộc đời có những sóng gió khiến mình mất tất cả, nhưng cái hay của mình là có đứng dậy được hay không.”Người phụ nữ đi lên từ những nghiệt ngã, khổ đau nhất của cuộc đời, nói tiếp, “Nhiều người ở đây cứ thắc mắc không hiểu sao tôi cứ về Việt Nam lo cho ‘cộng sản’. Chẳng lẽ cưu mang những đứa trẻ vô tội đang bị hành hạ là có lỗi sao? Chuộc lại những cô gái lầm than bị bán ra nước ngoài là có tội sao? Tôi không làm điều này, cộng sản nó vẫn mạnh. Tôi làm, nó vẫn mạnh. Nhưng vấn đề là nếu mình không làm thì những nạn nhân này ai lo?”“Có người nói tôi làm chỉ như cát bỏ biển. Nếu nói như vậy thì sẽ không ai làm gì hết. Tôi chỉ cần biết là tất cả những con người mà tôi đụng đến, nghĩa là họ đã được cứu, như vậy là đủ. Rồi những người được tôi cứu, sẽ lại đi cứu những người khác. Đó là dây chuyền. Ngày xưa nếu không vì những người thương tôi cứu tôi thì làm sao tôi làm được những điều như hôm nay,” cô khẳng định.Ước nguyện duy nhấtTrả lời cho câu hỏi “Ngay trong lúc này, điều chị mong muốn nhất là gì?,” người luật sư đang tính thời gian tồn tại của mình bằng tháng, bằng ngày, nói không ngại ngần, “Tôi có được rất nhiều thứ, và chỉ không có một thứ, đó là sự đoàn kết của cộng đồng để đi lên. Cho nên, nếu bây giờ được có một ước nguyện thôi thì tôi chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là người Việt Nam đoàn kết với nhau.”“Tôi muốn được nhìn thấy một cộng đồng Việt đoàn kết nhưng không cách gì đoàn kết được hết. Con cháu mình không có chỗ đứng, mà mình ở đây đã hơn 40 năm rồi. Đó là điều tôi không an tâm khi ra đi. Cho nên, ước nguyện duy nhất của tôi là người Việt Nam đoàn kết với nhau, vì đoàn kết mình mới có sức mạnh, mà có sức mạnh thì con cháu mới được nhờ. Đó là điều tôi khao khát.”Phàm ở đời, người ta luôn khao khát và ước nguyện những điều khó có thể là hiện thực.Ngọc Lan/Người Việt
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét