Như Nguyệt là tên cũ của sông Cầu dưới thời Lý, đoạn từ ngã ba Xà (xã Tam Giang, huyện Yên Phong) đến Phả Lại (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Hơn 900 năm trước, trên khúc sông hiền hòa này, quân dân ta đã chặn đứng cuộc tiến công của quân Tống xâm lược.<!>
Ngày nay, dọc hai bên bờ sông vẫn còn nhiều di tích lịch sử gợi nhắc về chiến thắng huyền thoại năm xưa. Đây cũng là tuyến du lịch đầy hấp dẫn với những người đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Đoạn sông Như Nguyệt nơi Lý Thường Kiệt lựa chọn để xây dựng phòng tuyến nay thuộc địa bàn các xã: Yên Phụ, Hòa Tiến, Đông Tiến, Tam Giang, Yên Trung, Dũng Liệt và Tam Đa (huyện Yên Phong). Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Yên Phong hiện có hơn 30 di tích lịch sử được xếp hạng liên quan đến chiến thắng sông Như Nguyệt năm 1077 gồm: Núi Đồn, Cánh Hồng Dinh, đền Núi, điếm Trung Quân (xã Yên Phụ); đình Yên Tân, Yên Vĩ (xã Hòa Tiến); bến Bà, đền-đình-chùa Vọng Nguyệt, đình Nguyệt Cầu, đền-chùa Bồ Vàng, bến Như Nguyệt, đền Xà, đình Đông (xã Tam Giang); đình-chùa Đông Xuyên (xã Đông Tiến); đình Thân Thượng (xã Yên Trung), chùa Thiệu Khánh, Dinh Lai, đình-đền Chóa (xã Dũng Liệt); đền Phấn Động, chùa Đông Quy, đền-đình-bến Can Vang, đình-đền-nghè Đại Lâm (xã Tam Đa). Tất cả đều là những điểm đến không thể bỏ qua với du khách trên hành trình khám phá câu chuyện lịch sử về dòng Như Nguyệt.
Đền Can Vang, bãi Miễu, đền Phấn Động là nơi ghi dấu trận phản công vang dội của quân binh nhà Lý chống trả trận tập kích vượt sông của quân Tống. Những địa danh lịch sử như: Trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt, kho gạo ở dốc Gạo, kho tiền ở dốc Bạc (thôn Thọ Đức)… nơi từng có nhiều trại đóng quân lớn do vua tôi nhà Lý thiết lập hiện vẫn còn dấu tích trong lòng đất và trong truyện kể của người dân.
Đền Xà, nằm ngay trên bãi bồi ngã ba Xà là nơi từng diễn ra trận quyết chiến chiến lược chống giặc Tống. Cũng chính nơi đây, Lý Thường Kiệt đã khảng khái đọc lên bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng và lòng yêu chuộng hòa bình của quân dân Đại Việt, làm nhụt nhuệ khí quân thù, góp phần vào thắng lợi cuối cùng, đưa nước ta vào thời kỳ thịnh trị, tự chủ.
Những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đình, đền, chùa, miếu… dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt còn là những di sản chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ nhiều di vật lịch sử như thần tích, sắc phong, bia đá, ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối… Trong đời sống tinh thần, các di tích này là nơi gắn với những sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương.
Đều đặn 5 năm một lần, vào ngày 18-2 (Âm lịch), người dân thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong) lại náo nức mở hội để tưởng nhớ công ơn người anh hùng dân tộc Thái uý Lý Thường Kiệt. Lễ hội diễn ra trang trọng với phần rước, tế lễ tái hiện lại chiến công oai hùng của dân tộc; phần hội sôi động với những trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, hát Quan họ… thi bơi chải trên sông Cầu, thu hút đông đảo người dân trong xã và các vùng lân cận đến tham gia.
Những di tích lịch sử cùng những giá trị văn hóa, tâm linh dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt xưa chính là minh chứng hào hùng cho lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Một lần về với dòng sông Như Nguyệt lịch sử để được chứng kiến âm hưởng dậy sóng của cha ông từ ngàn xưa vọng về. Quá khứ, hiện tại như đang hòa quyện vào nhau, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ của mỗi người dân Việt Nam.
Linh Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét