Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Tin Sách số 17 - Binh An Trinh

“Đưa sách Việt đến gần người Việt”

Nhóm Chủ Trương:
UYÊN THAO
TRẦN PHONG VŨ
LÊ THỊ NHỊ
ĐÀO TRƯỜNG PHÚC
LINH VANG
HOÀNG VI KHA
HOÀNG SONG LIÊM
NGUYỄN THU THỦY
NGUYỄN MẠNH TRINH
TRỊNH BÌNH AN
<!->

Thư Gửi Bạn

TIN SÁCH do Tủ Sách Tiếng Quê Hương & Book Club Nhà Việt Nam thực hiện nhằm giới thiệu các tác phẩm giá trị trong nước cũng như hải ngoại, kể cả các tác giả ngoại quốc. TIN SÁCH được phổ biến qua 2 hình thức: bản giấy in và bản điện tử (pdf).

Rất mong được quý bạn đọc, quý tác giả và cơ sở xuất bản tham gia cùng TIN SÁCH bằng cách gởi tác phẩm cần giới thiệu và các chi tiết cần nêu về tác phẩm, cũng như góp ý về công việc.

Mọi giao dịch xin vui lòng email về:
hay gởi thơ về:
Tủ Sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O. Box 4653 – Falls Church – VA 22044 – USA
[xin bấm vào tên trang mạng để được chuyển]

Nhóm Phụ Trách Tin Sách chân thành cảm tạ quý vị.


Mục Lục

Mục Lục Tin Sách số 17 (tháng 1 & 2/2016)
. Bìa Sách: (1 trang)
. Quảng Cáo: (2 trang)
. 12 Sách Nên Đọc: (12 trang)
-   Vietnam: The Other Side (Challenging All Odds) (Tiểu thuyết – Nguyễn Dương)
-   Vietnamese Children's Favorite Stories (Truyện cổ tích – Trần Thị Minh Phước)
-   Lớn Lên Với Đất Nước (Hồi ký – Vy Thanh)
-   Người Việt Nín Lặng (Biên khảo – William Hoàng)
-   Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du (Biên khảo – Đặng Cao Ruyên)
-   Những Mảnh Đời Biệt Xứ (Truyện ngắn – Túy Hà)
-   Ký Sự Trong Tù (Hồi ký – Phạm Bá Hoa)
-   Ký Ức Sơ Sài (Hồi ký – Nguyễn Anh Khiêm)
-   Thư Võ Phiến (Sưu khảo – Nguyễn Hưng Quốc)
-   Khói Hồ Bay (Thơ Văn – Nguyễn Tường Giang)
-   Bước Lạ Đường Quê (Bút ký – Nguyễn Thị Ngọc Dung)
-   Trương Ngáo - Người Đi Đòi Nợ Phật (Tuồng Hát Bội Nôm – Nguyễn Văn Sâm)

. Bài Điểm Sách: (4 trang)
-   Strategy in Asia: The Past, Present, and Future of Regional Security
(Biên khảo – Thomas Mahnken & Dan Blumenthal) * (Giới thiệu – Đào Trường Phúc)
-   Đời Tôi
(Hồi ký – Nguyễn Liệu) * (Giới thiệu – Trịnh Bình An)

. Trung Tâm Văn Hóa VN Hải Ngoại: (1 trang)
  Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn
  
Do not read, as children do, to amuse yourself, or like the ambitious, for the purpose of instruction. No, read in order to live.
― Gustave Flaubert

Vietnam: The Other Side (Challenging All Odds)
Tiểu thuyết – Nguyễn Dương

Vietnam: The Other Side (Challenging All Odds) [Việt Nam: Phía Bên Kia (Thách Thức Mọi Vận Rủi] là tự truyện của Đặng – một cậu bé sinh ra từ miền Bắc theo gia đình di cư vào Nam. Xong Tú tài, Đặng theo học Y Khoa. Trong lúc thực tập, chàng sinh viên gặp một nữ bác sĩ Hoa Kỳ tình nguyện của Peace Corps tới VN giảng dậy. Chiến cuộc leo thang, Đặng trở thành sĩ quan Quân Y. Anh chứng kiến sự tàn ác của Việt Cộng trong  Tết Mậu Thân, chứng kiến Quân Lực VNCH bị trói tay vì không được yểm trợ đầy đủ để chống lại cả khối Cộng Sản hung hãn. Thế nhưng, dù gặp vận số không may, người chiến sĩ VNCH vẫn chiến đấu anh dũng. Vận rủi không chấm dứt sau chiến cuộc, những người lính phải chịu đựng những năm tháng ngục tù tàn khốc. Đặng sau khi ra tù đã vượt biên. Tàu gặp hải tặc nhưng rồi cũng đến được bờ. Đặng định cư Hoa Kỳ, đi học lại. Cuộc đời của Đặng – cũng như rất nhiều người miền Nam khác – là một cuộc chiến đấu trường kỳ, thách thức mọi vận rủi, nhưng cuối cùng, bằng vào nghị lực và niềm tin, đã tạo dựng nên một cuộc sống vững vàng trên vùng đất mới.
Qua cuốn sách, tác giả hy vọng góp phần "giải độc" để dư luận Hoa Kỳ thấy là Quân Lực VNCH không hèn kém như nhiều sách báo Mỹ đã rêu rao; ngoài ra, sách sẽ giúp các thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt hiểu rõ thêm về Chiến Tranh Việt Nam.

Tiểu sử tác giả NGUYỄN DƯƠNG
Sinh năm 1943 tại Hà Nội. Có 34 năm quân vụ từ Y sĩ Đại úy Việt Nam Cộng Hòa lên đến Y sĩ Đại tá Hoa Kỳ. Một số chức vụ từng nắm giữ: 1969: Y sĩ Trung úy Đại đội Trưởng Quân Y Sư Đoàn 9 BB Sa Đéc, Trà Vinh. 1972: Y sĩ Trưởng căn cứ Không Quân Phan Rang. 1980: Y sĩ Thiếu tá Chỉ huy Phó, Bệnh xá Quân Y Aberdeen Proving Grounds, MD. 1984: Phục vụ tại Tổng Y Viện Madigan, Tacoma, WA. 1985: Phục vụ tại Tổng Y Viện Frankfurt, Tây Đức. 1995-1997: Y sĩ Chỉ huy trưởng Quân Y Lục Quân Hoa Kỳ California/Nevada. 1997-1999: Y sĩ Chỉ huy Trưởng Bệnh xá Quân Y Fort Myer, VA. Trung tá Y sĩ Trưởng Sư Đoàn 1 Thiết Giáp Hoa Kỳ, Hành Quân Desert Storm / Desert Shield. 1999: Về hưu. Tác phẩm đã xuất bản: "Hà Nội tới Hoa Thịnh Đốn: Cuộc hành trình kỳ thú của một y sĩ Việt Nam trên các nẻo đường thế giới".

VIETNAM: THE OTHER SIDE
CreateSpace Publishing - 218 trang - giá 23.0 USD
Mua sách tiếng Anh trên trang Amazon.com


Vietnamese Children's Favorite Stories
Truyện Tranh – Trần Thị Minh Phước







Vietnamese Children's Favorite Stories là tập truyện cổ tích Việt Nam bằng Anh ngữ. Gồm 15 chuyện cổ tích: • Sự tích Bánh Dày Bánh Chưng • Mai An Tiêm • Sự tích Hoa Mai • Tục không quét nhà ngày Tết • Lê Lợi được gươm thiêng • Phù Đổng Thiên Vương • Sơn Tinh Thủy Tinh • Tấm Cám  • Sự tích con dã tràng • Tại sao nước biển mặn? • Thạch Sanh Lý Thông • Sự tích con muỗi • Tại sao vịt đứng một chân? • Chú Cuội dưới gốc cây đa • Sự tích thỏ ngọc.
Tác giả Trần Thị Minh Phước thổ lộ: "Cầm cuốn sách trong tay, tôi nghĩ ước gì còn mẹ để mẹ được nghe tôi đọc những chuyện cổ tích ngày xưa mà mẹ thường kể cho các con. Mỗi câu chuyện là một bức tranh viết lên những chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, tinh túy của giá trị tinh thần trong văn hóa Việt Nam".
Tác phẩm Vietnamese Children's Favorite Stories là truyện tranh thiếu nhi đầu tiên về Việt Nam của Tuttle. (Nhà xuất bản Tuttle Publishing được sáng lập năm 1948 tại Nhật Bản với tiêu chí "Sách nối kết Đông Tây").
Winner of Creative Child Magazine 2015 Book of the Year Award.
Winner of Moonbeam Children's Book Awards 2015 Gold Medal.

Tiểu sử tác giả TRẦN THỊ MINH PHƯỚC
Người Mỹ gốc Việt đầu tiên có bằng Quản thủ Thư viện và hiện làm việc cho Augsburg Park Library - Hennepin County Library tại Richfield, Minnesota. Hai họa sĩ NGUYỄN THỊ HỢP và NGUYỄN ĐỒNG khởi nghiệp ở miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960. Đã có nhiều tác phẩm hội họa và minh họa sách.

Vietnamese Children's Favorite Stories
100 trang - giấy láng, hình màu - giá 16.0 USD.
Liên lạc: Người Việt - 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA.

ĐT: (714) 892-9414 - Email: nvshop.cares@nguoi-viet.com
Sách cũng có bán trên: www.Amazon.com


Lớn Lên Với Đất Nước
Hồi ký – Vy Thanh

Lớn Lên Với Đất Nước là tự truyện của một cậu học sinh tiểu học chỉ vì bồng bột yêu nước đã dấn thân vào vùng kháng chiến. Đến khi đó cậu mới khám phá nhiều điều bẽ bàng như chứng kiến những hành vi hủ hóa của cấp lãnh đạo, các vụ xử tử đẫm máu người em của Đức Thày Huỳnh Phú Sổ và các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Sau này, cậu được "cơ cấu" vào "thành" để được học lên, đậu Tú tài, rồi được học bổng sang Mỹ với dụng ý sẽ thành một người nằm vùng cao cấp trong chính quyền Quốc Gia. Nhưng những năm đi học ở Hoa Kỳ (tiểu bang Michigan) đã giúp anh thấy ra giá trị đích thực của chính thể dân chủ với tự do, nhân quyền. Nên khi trở về nước anh đã hết lòng phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa qua vai trò một nhà giáo dục.
Sách gồm có hai phần: truyện kể và tài liệu.
• Phần truyện kể (401 trang) là bức tranh sống động về đồng quê Nam bộ. Với ngôn ngữ "miệt vườn" độc đáo, lời trần thuật rành rọt, với những chi tiết mô tả tỉ mỉ, cộng thêm những đoạn nghị luận sắc bén, kèm một chút khôi hài nhẹ nhàng, hề hà đặc biệt của người Nam Bộ.
• Phần tài liệu (352 trang) phong phú, xếp đặt khoa học, công phu. Có bản sao, phóng ảnh các văn kiện, lấy từ văn khố Việt Nam Cộng Hòa, Pháp, Mỹ, và những ghi chép từ những điều mắt thấy tai nghe của chính tác giả.

Tiểu sử tác giả VY THANH
Tên thật Nguyễn Văn Thùy. Sinh năm 1933 tại Cần Thơ. 1962 Cử nhân Viện Đại Học Sài Gòn. 1962-65 Giáo sư Văn Hóa Vụ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. 1969 Tiến sĩ Michigan State University. 1966-68 Tổng thư ký Viện Ðại Học Cần Thơ. 1970-73 Giám đốc thiết lập/xây dựng Đại học Cộng đồng. 1973-75 Giáo sư Đại học Sư Phạm. Vượt biên qua Mỹ, trở lại trường cũ MSU - Đại học đã bảo trợ cho Ðại học Cần Thơ trước năm 1975, làm chuyên viên khảo cứu. Tác phẩm đã xuất bản: "KYTB – Lò Đào Tạo Cán Bộ Sách Động của Quốc Tế Cộng Sản – Tập I".

LỚN LÊN VỚI ĐẤT NƯỚC
Nxb Sự Thật-Thật - 580 trang - giá 30.0 USD
Liên lạc: Vy Thanh - Email: vythanh2006@yahoo.com
Địa chỉ: Vy Thanh, P.O. Box 2126, Seal Beach, CA 90740, USA.
Mua sách: Nhà Sách Tự Lực - 14318 Brookhurst Street, Garden Grove, CA 92643, USA
ĐT: 888-531-2280 - Email: buybooks@tuluc.com  - Website: www.tulucmall.com


Người Việt Nín Lặng
Biên khảo – William Hoàng

Tại sao còn quá nhiều người chưa biết nguyên nhân khiến Việt Nam Cộng Hòa thất trận? Phải chăng vì còn những người nắm giữ các bí mật nhưng tới nay vẫn không lên tiếng, những "Người Việt Nín Lặng"!
Sách gồm 5 Chương: Cuộc chiến Việt Nam và những giọt lệ muộn màng • Lữ Đoàn 3 Thiết Giáp Binh Quân Lực VNCH • Anh hùng tuẫn tiết Cựu Hoàng Bảo Đại • Chuyên gia kế hoạch McNamara Tuổi trẻ Việt Nam & lãnh đạo chỉ huy.
Sách chỉ rõ 5 sai lầm chính trong binh pháp Hoa Kỳ: • Đánh mà không quyết thắng là mầm thất bại • Không tiêu diệt hậu phương địch là nuôi dưỡng chiến tranh • Bỏ rơi quyền lợi của đồng minh (Pháp) là tự chặt tay mình • Quốc Hội không cho phép mà viễn chinh là vi hiến • Giúp một nước mà không giúp họ tự lực tự cường là tạo sụp đổ.
Sách trình bày những sự kiện có tính cách quyết định giúp cho người đọc (nhất là thế hệ trẻ) dễ hiểu và thấy rõ những nguyên nhân và hậu quả chính của hai cuộc chiến 1945-1954 và 1954-1975. Tuy trình bày ngắn gọn nhưng sách đã làm sáng tỏ tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nổi bật nhất là cuộc tuẫn tiết anh dũng của các vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai và Lê Nguyên Vỹ.

Tiểu sử tác giả WILLIAM HOÀNG
Tên thật Bình D. Hoàng. Sinh năm 1936 tại thị xã Thái Bình.  Bút hiệu: William Hoàng; Hải Bằng. HDB; Hoàng Long. Tốt nghiệp Luật Khoa Sài Gòn và Lehigh College Community College, Pennsylvania. Cựu Hiệu trưởng Trung học Phụ Huynh Học Sinh, Phú Nỗ, Sóc Trăng. Cựu Sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức Khóa 14. Trưởng Phòng Quản trị Dự án/Trung tâm Ðiều hành Viễn liên - P6/Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH. Chủ biên chương trình Bạn Có Biết, Ðài Vô Tuyến Truyền Hình, Sài Gòn. Định cư Hoa Kỳ năm 1992 tại Allentown, PA.  Làm việc: Thư Viện Allentown và Mangar Medical Packaging Company. Chủ biên chương trình Văn Hóa & Văn Học Người Việt Hải Ngoại/Ðài Tiếng Nước Tôi, Arizona. Giám đốc Ðiều hành Hội Người Việt Tương Trợ, Allentown, Pennsylvania. Tác phẩm đã xuất bản: "Hương Yêu"; "Vương Miện Tuổi Tình Yêu".

NGƯỜI VIỆT NÍN LẶNG
William Hoàng - 222 trang - giá 15.0 USD
Liên lạc: William Hoàng
Email: binhhoang684@yahoo.com - ĐT: (480) 471-8659



Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du
Biên khảo – Đặng Cao Ruyên

"Bao giờ ngàn Hống (núi Hồng Lĩnh) hết cây / Sông Rum (sông Lam) hết nước, họ này hết quan" là câu ca dao về truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Vào đầu thế kỷ 17, Nguyễn Nhiệm vào Tiên Điền sinh cơ lập nghiệp, hướng dẫn cư dân trong vùng đắp đê, ngăn mặn, biến mảnh đất cằn cỗi thành đồng xanh. Nhưng đến Nguyễn Nghiễm (đời thứ 6 - thân sinh Nguyễn Du) mới thực sự bắt đầu con đường khoa bảng cho dòng họ. Nguyễn Khản (anh cả) là người tài hoa, phóng khoáng, giỏi thơ Nôm, có tài hội họa, đỗ đạt sớm. Nhưng khi đang làm Trấn Thủ Sơn Tây, ông bị chúa Trịnh Sâm khép tội mưu loạn trong Vụ Án Canh Tý. Nguyễn Quýnh (anh tư) do chống Tây Sơn nên bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền bị phá hủy. Bản thân Nguyễn Du từng theo chúa Nguyễn Ánh vào Nam rồi bị bắt và bị tù. Chỉ đến khi vua Gia Long lên ngôi, ông mới được cử làm nhiều chức quan cho tới thời vua Minh Mạng. Những biến động của "một cuộc bể dâu" đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan của ông, nên tuy làm quan nhưng Nguyễn Du vẫn sống khép kín, cẩn trọng. Mọi tâm tư, tài hoa, dường như dồn hết vào các tác phẩm thi thơ.
Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du là tác phẩm biên khảo công phu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền và sự nghiệp văn học của Nguyễn Du theo thứ tự thời gian một cách khoa học và rõ ràng. Ngoài ra còn có những cước chú (footnotes) ghi chép cẩn trọng. Thú vị là những trang kể huyền thoại và giai thoại của dòng họ Nguyễn Du. Đặc biệt thêm là 52 trang tranh vẽ (màu và đen trắng), các sơ đồ, hình bìa những cuốn Truyện Kiều từ trước đến nay.

Tiểu sử tác giả ĐẶNG CAO RUYÊN (1927-2016)
Sinh năm 1927 tại Sơn Tây. Từng phục vụ nhiều năm tại Trường Văn Hóa Quân Đội, Phòng Tổng Quản Trị - Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, và là giáo sư trường Nguyễn Bá Tòng, Gia Định. Sau 1975, trải qua nhiều năm trong trại tù cộng sản. Định cư Hoa Kỳ. Từ trần tại California ngày 07-01-2016. Được xem là một nhà biên khảo nổi tiếng về Nguyễn Du và Truyện Kiều.  Các tác phẩm đã xuất bản: "Truyện Kiều: Tác Giả, Nhân Vật và Luân Lý"; "Truyện Kiều: Nghệ Thuật và Lan Tỏa".

BỂ DÂU TRONG DÒNG HỌ NGUYỄN DU
Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ - 217 trang - giá 18.0 USD
Liên lạc: Cành Nam - 2607 Military Road, Arlington, VA 22207
Email: canhnam@dc.net  - ĐT: (703) 525-4538


Những Mảnh Đời Biệt Xứ
Truyện ngắn – Túy Hà

Những Mảnh Đời Biệt Xứ của những con người chai sạn qua lăn lóc chiến trường, chết chóc, tù đày, nhưng sao vẫn phập phồng sôi nổi? Phải chăng vì anh là lính đa tình hay vì quê mẹ giờ đã xa tầm với nên yêu nước nay chỉ còn có thể là yêu em!
Sách gồm 11 Truyện ngắn và 17 Bút ký văn nghệ.
Tình yêu là chủ đề chính trong các truyện ngắn. Tình yêu say đắm, nóng bỏng nhưng dường như vẫn lảng vảng đâu đó một vầng tối. Dĩ vãng khó gạt bỏ vì dĩ vãng đâu chỉ là khói lửa mà còn có sông nước yên ả, vườn cây ăn trái, bến thuyền neo, và cô nhỏ xinh xinh lúng túng bên chiếc xe chết máy... Tình đồng đội sống chết có nhau, giờ thành tình của những kẻ biệt xứ lưu đày. Trên xứ người, họp mặt vui vầy, xướng hát sênh sang mà sao nghe văng vẳng đâu đây cây guitar cũ mèm với người hát "đi một màn tân cổ giao duyên" ngon ơ... Đây bia, đây rượu, mà sao cứ muốn đó là những bình bi-đông rượu đế, thịt rừng tươi bày trên tấm poncho nhàu nát...
Bèo mây gặp gỡ quen hay lạ
Cũng là chung sóng nước quê nhà
Thương cánh bèo trôi
mây rơi xuống thấp
Ta lạc loài níu bạn nối tình xa.
Những câu chuyện, nhân vật dường như thuộc về hai thế giới tách biệt, một ảo, một thực; nhưng qua nét bút họa sĩ-văn gia-người lính Túy Hà, con người, khung cảnh, câu chuyện cứ quấn quýt, bện đan; bảo ảo thì ảo, bảo thật thì thật; nhưng rốt lại, vẫn đậm đà xao xuyến như một chữ... tình!

Tiểu sử tác giả TÚY HÀ
Tên thật Hà Thanh Trần. Sinh năm ​​1946​ tại Thừa Thiên. Quân nhân VNCH. Viết, vẽ, làm báo dưới các bút hiệu: Cung Bảo Bình, Đoàn Thy Vân, Nguyên Hà. Sau 1975: Cựu tù không án (10 năm). Đương kim Chủ tịch Ban Chấp Hành Văn Bút Nam Hoa Kỳ.  Trông coi các tạp chí Thời Đại, Tin Văn và Trầm Hương. Một số tác phẩm tiêu biểu: "Tình Yêu Lang Thang và Chiến Tranh"; "Những Nẻo Đường Hành Hương"; "Rực Rỡ Đời Thường"; "Dấu Ấn Da Vàng"; "Dã Quỳ Vẫn Nở"; "Cát Bụi Lưu Vong"; "Không Chỗ Gối Đầu"; "Lối Cũ Trong Tim". Triển lãm hội họa: Chân Dung Lính và Tù.

NHỮNG MẢNH ĐỜI BIỆT XỨ
NXB Gió Văn - 204 trang - giá 15.0 USD
Liên lạc: Christina Tran - 1315 st. Emanuel, Houston TX 77003, USA
Email: tuyha81@yahoo.com – ĐT: (713) 419-3187
Website: Túy Hà Thư Quán - www.tuyhathuquan.com


Ký Sự Trong Tù
Hồi ký – Phạm Bá Hoa

Ký Sự Trong Tù ghi lại ký ức của một quân nhân VNCH từ khi quân cộng sản tràn vào thủ đô Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 cho tới 20 năm sau. Sách gồm 10 chương: •  Trước ngày vào trại tập trung • Đường vào trại tập trung • Trại tập trung Long Giao • Trại tập trung Tam Hiệp • Trại tập trung Yên Bái • Trại tập trung Nam Hà • Ra khỏi trại tập trung •  Xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam • Xuất ngoại tị nạn tại Hoa Kỳ.
Dù mang thân tù tội, nhưng tác giả vẫn bình tĩnh, khôn ngoan. Ông đối phó thông minh với những lời hỏi cung ngoa ngoắt của bọn cán cộng. Ông cũng ghi nhớ những điều mắt thấy tai nghe qua tiếp xúc với người dân và người lính cộng sản trong thời gian bị giam tại các trại tập trung. Từ đó, kể lại những câu chuyện trong cái thế giới "gulag tre"  với giọng văn tỉnh rụi đôi lúc pha chút hài hước. Tiêu biểu như đoạn văn kể việc "chuyên chở rau": "Tôi dùng sợi giây quấn vòng quanh bắp chân lên đến bắp vế. Sau khi mối cuối cùng cột lại cho chặt, tay trái nong sợi giây ra rồi ghim những cọng rau vào. Cứ lần lượt như vậy cho đến khi những cọng rau nằm im hai bên ống chân từ trên xuống dưới, tôi mặc cái quần dài vào là xong!"
Khi ra nước ngoài, Phạm Bá Hoa là một trong những thành viên nòng cốt trong nhóm "Dựng Lại Cờ Vàng". Nhờ sự đấu tranh kiên định này nên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ đã công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là lá cờ đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Tiểu sử tác giả PHẠM BÁ HOA
Sinh năm 1930 tại Sóc Trăng. Sinh viên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 5. Một số chức vụ tiêu biểu: Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ); Chánh sở Kế hoạch - Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu; Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Từng thực hiện chương trình thời sự "Những Vấn Ðề Hôm Nay" trên đài TNT/Houston (2001-06). Định cư tiểu bang Texas. Các tác phẩm đã xuất bản: "Tôi Là Một H.O."; "Quê Hương và Quân Ngũ"; "Đôi Dòng Ghi Nhớ"; "Thời Sự Việt Nam 2001-2006". Hiện ông thường xuyên thực hiện các bài viết dưới dạng thư ngỏ "Thư Gửi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam" được đăng tải trên nhiều trang báo điện tử. Ông cũng là người viết kịch bản cho cuốn phim tài liệu "Hồn Việt - Quốc Kỳ & Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa" (Vietnam Film Club).

KÝ SỰ TRONG TÙ
Tủ Sách Phạm Bá Hoa - 437 trang/tập - giá 0.00 USD
Tải xuống miễn phí từ "Tủ Sách Online của Gia Đình Họ Phạm"
Hoặc nghe qua audio đọc truyện trên trang www.chinhnghiavietnamconghoa.com


Ký Ức Sơ Sài
Hồi ký – Nguyễn Anh Khiêm

          
  Ký Ức Sơ Sài là trí nhớ bất chợt, lang thang trở về những vùng trời xưa, từ Quảng Nam - quê nhà, tới Hội An - trường học. Những mẩu chuyện về thiên nhiên, con người, lối sống, tưởng chừng lan man hờ hững, nhưng đằm lòng ngẫm nghĩ mới chợt thấy ẩn hiện cái nét đẹp của miền Nam một thời khói lửa mà tràn đầy lòng nhân. Cuộc sống tuy nghèo nhưng ấm cúng tình chòm xóm dưới mái tranh, tình bạn bè dưới mái học đường...
            28 câu chuyện phô bày những bức tranh êm ả. Nhưng đột nhiên, người đọc không khỏi ngỡ ngàng với những hình ảnh thối nát đã và đang xảy ra trên khắp đất nước: xả đập thủy điện, những biệt thự lộng lẫy, chỉ số "hạnh phúc", nhà "văn hóa". Người kể, dù lòng chỉ muốn trôi vào một miền ký ức êm êm, cuối cùng vẫn phải cay đắng nhận ra sự thật: cái miền ký ức sơ sài nhưng nên thơ mà mình hằng trìu mến đắm đuối đang bị người ta cày nát không thương tiếc. Đây đó là những câu chuyện cười ra nước mắt: Một giáo sư công kích thơ Nguyễn Bắc Sơn, bảo là "thơ phản động, tả một thế hệ thanh niên lính đánh thuê mà cứ như những anh hùng". Rồi khi nhắc tới hai câu thơ: "Khi tao đi lấy khẩu phần - Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao", thì vị "ráo" sư này phê ngay một câu xanh rờn: "Đế Nùng là đế gì? Chữ đúng phải là... đế nồng!"           
             Tác giả còn nhớ tới Tô Thùy Yên với lòng đặc biệt ngưỡng mộ. Những bài thơ họ Tô "tối tăm" mà rộn ràng với vạn vật tràn đầy sức sống; trong khi con người thì mù lòa với những đam mê vô ích, loay hoay trong lao khổ, cô đơn, rồi chết.

Tiểu sử tác giả NGUYỄN ANH KHIÊM
Sinh năm 1944 tại làng Non Tiên, tỉnh Quảng Nam. Học trung học tại trường Trần Quý Cáp, Hội An. Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn 1969. Năm 1970 vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. 1973-75 dạy tại trường Trung Học Nhơn Trạch, Biên Hòa. 1976-80 dạy các trường Văn Lang, Thánh Mẫu, Trần Quốc Tuấn (Lasan Đức Minh). 1981-14 dạy Trung Học Sư Phạm, Cao Đẳng Sư Phạm Việt Nam. Hiện định cư tại Việt Nam.

KÝ ỨC SƠ SÀI
NXB Người Việt - 356 trang - giá 17.0 USD
Liên lạc: Người Việt - 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA.
ĐT: (714) 892-9414 - Email: nvshop.cares@nguoi-viet.com


Thư Võ Phiến
Sưu khảo – Nguyễn Hưng Quốc

 Võ Phiến (1925-2015) là một trong những nhà văn Miền Nam được biết đến nhiều nhất trong nửa sau thế kỷ 20. Ông không viết hồi ký. Nhưng mấy chục bức thư của Võ Phiến có thể xem như một thứ hồi ký viết dưới hình thức thư từ. Có thư kể về dòng họ; có thư kể về quãng đời niên thiếu; có thư tiết lộ những bước đầu tập tễnh đi vào con đường viết lách; có thư bộc bạch những quan niệm của ông về văn học cũng như những ý nghĩ của ông về một số người trong giới cầm bút.
Sách gồm 3 phần: • Tiểu luận về thư • Thư Võ Phiến gửi Nguyễn Hưng Quốc • Võ Phiến, những lần gặp sau cùng.
Ở phương Tây, nhiều nhà văn, nhà thơ bên cạnh đam mê sáng tác còn có đam mê viết thư (Patrick White, Voltaire, Henry Miller, v.v...). Thư không chỉ để viết riêng cho nhau mà còn là cách trình bày các luận điểm, hay dùng như một lối văn tự sự.
Cuối đời, dù trong những lúc muộn phiền nhất, văn phong Võ Phiến vẫn giản dị, hồn hậu, hóm hỉnh: "Vậy là tôi sụm hẳn hoi rồi đấy, anh à. Cả một năm qua, tôi cố gắng, tôi tự nghe ngóng, tự theo dõi mình. Rốt cuộc phải chịu là hết đường, là tịt cứng […] Tôi trốn tiếp xúc với người, lẩn thẩn đọc sách. Đọc một lúc thêm vất vả: đọc đâu quên đó. Dần dần sách nào cũng hóa khó hiểu. Sợ sách, rồi ngán luôn cả báo [...] Cả tháng nay tôi yên trí là mình đang lủi thủi đi về cõi khác. Định đi êm, không nên kể lể vớ vẩn với ai làm gì. Chuyện xoàng quá. Không đáng trầm trồ. Nhưng rốt cuộc rồi thấy nên để dăm ba kẻ thân biết. Chuyện nhảm mà trịnh trọng bảo mật, e kỳ cục".
Võ Phiến ra đi ngày 28 tháng 9 năm 2015 tại California. Thọ 90 tuổi.

Tiểu sử tác giả NGUYỄN HƯNG QUỐC
Tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn. Sinh năm 1957 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Văn Khoa Việt Nam và tiến sĩ môn Văn Học tại Úc. Nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (www.tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại Đại học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên 10 cuốn sách về văn học Việt Nam, tiêu biểu: "Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam", "Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản", "Mấy Vấn Đề Phê Bình Và Lý Thuyết Văn Học", "Socialist Realism in Vietnamese Literature", "Võ Phiến", "Nghĩ Về Thơ", Sống Với Chữ", "Văn Hóa Văn Chương Việt Nam".

THƯ VÕ PHIẾN
NXB Người Việt Books - 385 trang - giá 20.0 USD
Liên lạc: Tòa soạn Người Việt - 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683
ĐT: (714) 892-9414 - Website: www.nguoivietshop.com
Sách cũng có bán trên trang www.Amazon.com, hay, www.tulucmall.com



Khói Hồ Bay
Thơ Văn – Nguyễn Tường Giang

Nguyễn Tường Giang bắt đầu làm thơ vào giữa thập niên 1960. Bài thơ đầu tiên là Căn Phần, viết cho mẹ và các anh chị, khi tác giả 25 tuổi. Thơ ông thể hiện thái độ cùng sự biến chuyển tâm trạng của một người trẻ trí thức miền Nam: ưu tư và hoài bão về đất nước, rồi phẫn nộ và phản chiến. Ông từng từ bỏ nghề bác sĩ y khoa để tham gia các sinh hoạt văn chương, báo chí. Trong ba thập niên 1980, 1990 và 2000, trên xứ người, chủ đề chính trong thơ ông là tình bạn. Gần như bài thơ nào cũng là một mảng tâm sự dành cho bạn bè. Dường như "bạn" là những cái "bè" để nhà thơ đặt lên đó mọi nỗi niềm. Từ nỗi nhớ cố hương đến tình yêu, kỷ niệm, hoài bão xưa... những cái bè trôi lênh đênh trong biển tâm thức sâu thẳm mịt mùng nhưng bất biến cùng năm tháng.
Khói Hồ Bay phần văn xuôi gồm 7 đoản văn: ba hồi ký, ba tùy bút và một truyện ngắn (Thạch Lam-Cha Tôi Trong Trí Tưởng, Mộ Bia, Biển Trầm, Những Ngày Lạnh Rớt, Mưa, Thành Phố, Buổi Chiều Đi Chơi Với Thạch Lam). Như một định mệnh oan khiên, chỉ ba ngày sau khi người con trai út ra đời, Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) lìa bỏ cuộc đời. Văn của Nguyễn Tường Giang dường như luôn ẩn khuất một nỗi buồn. Dù tả một cơn mưa, một khung cảnh, một người tình, thì vẫn lảng vảng đâu đó một nỗi buồn. Và từ nỗi buồn sâu thẳm này, tác giả nhìn vào nội tâm với những câu hỏi về chiến tranh, về tình yêu, về kiếp người, và về chính bản thân.
"Cô gái ngắm con cá với vẻ thích thú - Anh coi này, con cá bị bắn đúng vào tim - Nhưng người đàn ông thấy nhói đau trong ngực, nhìn con vật cong mình tuyệt vọng trên bãi, nơi nó bị tước bỏ mọi sự nương tựa […] Con vật chỉ còn vùng vẫy rất yếu ớt, hình như thoi thóp thở, và chiếc miệng nhỏ rất xinh mở lớn ra, giống hệt một người bị bệnh phổi khi hấp hối".

Tiểu sử tác giả NGUYỄN TƯỜNG GIANG
Sinh năm 1942 tại Hà Nội. Con út nhà văn Thạch Lam. Học sinh Trung học Hồ Ngọc Cẩn và Chu Văn An Sài Gòn. 1968, tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn. Trước 1975, hoạt động trong nhóm văn hóa Thái Độ. Viết và đăng thơ trên Thái Độ, Đất Nước. Đồng chủ trương Tập San Văn Chương. Sáng lập nhà xuất bản Thạch Ngữ. Sau 1975, hành nghề Y khoa tại Hoa Kỳ. Viết và đăng thơ trên Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia (USA).

KHÓI HỒ BAY
NXB Thạch Ngữ - 384 trang
Liên lạc Nguyễn Tường Giang - Email: tuonggiang24@yahoo.com



Bước Lạ Quê Hương
Bút ký – Nguyễn Thị Ngọc Dung

Bước Lạ Quê Hương tường thuật chuyến du hành từ Nam ra Bắc của một phụ nữ Việt xa quê hương đã nhiều năm. Bắt đầu từ Sài Gòn, tạt qua Vũng Tàu; về quê Hà Nội, ghé Vịnh Hạ Long, lên viếng Chùa Hương, lên tận Việt Bắc; và trước khi ra đi, không quên ghé thăm Xứ Hoa Anh Đào.
Quê hương có khác mà không khác. Vẫn còn đó những hàng sấu, hàng me Hà Nội xanh um, nhưng còn hàng thùy dương Vũng Tàu sao kệch cỡm. Mọi khung cảnh, dù giữ nguyên hay thay đổi, cũng khiến lòng người xao xuyến bồi hồi với bao kỷ niệm. Và... cố nhân, không chỉ là hồi ức mà lừng lững đến thăm, khiến trái tim ai suýt đập lỗi nhịp!
Quê hương không thể thiếu các món ăn. Vốn là một tiểu thư Hà Thành với nếp nhà tinh tế trong cách ăn uống, tác giả mô tả khá chi tiết các món ăn, các "thức quà" trên suốt cuộc du lịch. Đó là món mì Sài Gòn nhạt nhẽo, là món tôm cua tươi rói Hạ Long, món cơm cháy Ninh Bình dòn tan, đến quà khoai luộc, đậu luộc, xôi đậu đen, xôi lúa Sapa...  Miếng ăn tuy nhỏ nhưng hương vị sẽ theo người về tận xứ xa.
Quê hương vẫn xinh đẹp. Bằng hữu vẫn thân thương. Nhưng sao chân bước đi mà lòng nặng trĩu, phải chăng vì tác giả không thể làm ngơ trước những thực trạng xót lòng: "Nghĩ đến quê hương lại giận những kẻ tham nhũng, bóc lột người dân đến tận cùng để xây những dinh thự còn hơn thời phong kiến xưa kia. Trong khi các hang cùng ngõ hẻm, người dân vẫn nghèo khó, cơ cực. Cuộc sống thấp kém hơn cả 50 năm về trước. Quân Tàu tràn lan, cắt xén đất nước mình. Nhà nước vô tâm, vô tình với đồng bào cùng dòng huyết sử vẻ vang, nhưng lại nhu nhược với quân Tàu phương Bắc. Giận là thế đấy!"

Tiểu sử tác giả NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
Sinh năm 1939 tại Hà Nội. Cựu nữ sinh Trung học Trưng Vương Hà Nội 1952-1954, Trưng Vương Sài Gòn 1954-1959. Làm thơ từ tuổi mười lăm. 1972, định cư tại Virginia. Từng sống tại Bruxelles (Bỉ) và Bonn (Đức) 1976-1983. Cộng tác với Tam cá nguyệt san Cỏ Thơm (1995), Chủ bút Cỏ Thơm (2001), Chủ nhiệm Cỏ Thơm (2003-2016). Tác phẩm đã xuất bản: "Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương"; "Non Nước Đá Vàng"; "Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội"; "Một Thoáng Mây Bay"; "Điểm Trang Làm Dáng Cuộc Đời".

BƯỚC LẠ QUÊ HƯƠNG
NXB Cỏ Thơm - 280 trang - giá 18.0 USD
Mua sách: Nguyễn Thị Ngọc Dung www.cothommagazine.com
11623 Chapel Cross Way, Reston, Virginia 20194, USA
ĐT: (571) 926-8962 hay Email: dsenser@yahoo.com


Trương Ngáo – Người Đi Đòi Nợ Phật
Tuồng Hát Bội Nôm Thế Kỷ 19
Phiên âm & Chú giải – Nguyễn Văn Sâm

Trương Ngáo là một kẻ ngu độn nhưng lấy phải bà vợ đanh đá. Y thị đưa Trương Ngáo năm đồng để đi buôn. Trên đường đi, thấy người ta đi lễ Chùa, Trương Ngáo bèn đem hết tiền cúng vào việc đúc tượng Phật vì nghĩ rằng sẽ thu được tiền lời. Đến khi hiểu ra tiền cúng không sinh lời, Trương Ngáo tức quá bèn đi kiếm Phật đòi nợ. Lạ thay, Phật hiện ra với anh, trả tiền cho anh và còn cho thêm trí khôn cùng... vợ đẹp.
Trương Ngáo, cùng với một số tuồng hát bội khác như Ông Trượng-Tiên Bửu, Trương Đồ Nhục, gần đây được trình diễn trên sân khấu cải lương, chèo tại Việt Nam như loại tuồng có chất hài hước nhằm thỏa mãn thị hiếu ham vui của khán giả. Thậm chí có nơi còn dùng tuồng Trương Ngáo như một phương tiện "hoằng pháp" qua cách diễn giải rằng nếu đem tiền xây chùa đúc tượng thì sẽ tạo công đức lớn và được Phật độ trì.
Tuồng được viết bằng chữ Nôm, rồi được dịch sang tiếng Pháp, nay được chuyển trọn vẹn qua chữ Quốc Ngữ, bộc lộ tính mộc mạc, dân dã nhưng đầy tình người và lòng vị tha khiến Trương Ngáo trở thành tuồng hát bội từng được giới khán giả bình dân thời ấy rất ưa thích. Bản phiên âm giúp người đọc trở về nguyên tác trong sáng với lời lẽ chân thật. Phần Chú Giải chi tiết và mạch lạc, làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa của triết lý Phật giáo mà người đọc ngày nay khó lòng nhận ra vì không quen với cách dùng chữ và cách diễn tả của người thời trước.

Tiểu sử dịch giả NGUYỄN VĂN SÂM
Sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Từng dạy nhiều trường Trung học và Đại học tại Sài Gòn và Cần Thơ. Năm 1979, định cư Hoa Kỳ, hành nghề dạy học. Trưởng ban Văn Chương Viện Việt-Học. Trước 1975, đã in: "Văn Học Nam Hà", "Văn Chương Tranh Ðấu Miền Nam", "Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp"... Đã in tại Hoa Kỳ: "Câu Hò Vân Tiên", "Ngày Tháng Bồng Bềnh", "Khói Sóng Trên Sông"... Tác phẩm dịch từ nguyên bản chữ Nôm: "Văn Doan Diễn Ca (Người Hùng Bình Định Nổi Loạn Truông Mây)", "Nam Kinh Bắc Kinh".
Đọc các bài viết của Nguyễn Văn Sâm trên trang Nam Kỳ Lục Tỉnh:

TRƯƠNG NGÁO – NGƯỜI ĐI ĐÒI NỢ PHẬT
NXB Viện Việt-Học California - 134 trang - giá 15.0 USD
Liên lạc: P.O. Box 11900, Westminster, CA 92685, USA
Website: www.viethoc.com  - ĐT: (714) 775-2050 - Email: info@viethoc.com



Strategy in Asia: The Past, Present, and Future of Regional Security
Biên khảo – Thomas Mahnken & Dan Blumenthal * Giới thiệu – Đào Trường Phúc

Chiến lược là tập hợp những quyết định về các mục tiêu dài hạn cùng những biện pháp và khả năng để đạt đến các mục tiêu đó. Trong vài thập niên tới, một trong những thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ là chiến lược tại Á Châu - Thái Bình Dương. Làm thế nào Hoa Kỳ đối phó với sự trỗi dậy của Trung Cộng? Sự cân bằng quyền lực quốc tế sẽ thay đổi ra sao khi trung tâm kinh tế của thế giới đang chuyển dần về châu Á? Triển vọng của châu Á về hòa bình và xung đột trong thế kỷ 21 ra sao? v.v.
"Chiến Lược Châu Á: Quá Khứ, Hiện Tại, và Tương Lai của An Ninh Khu Vực" tổng hợp các bài viết của 15 chuyên gia, nhằm nghiên cứu và phân tích bối cảnh chính trị - chiến lược của các nước châu Á qua các lăng kính địa dư, văn hóa và kinh tế. Những chiến lược ấy có thể sẽ được lập lại trong tương lai.
Sách gồm 16 Chương: • Chương dẫn nhập • Châu Á như một Môi Trường Chiến Tranh • Chu Kỳ Tự Nhiên của Sức Mạnh Biển Trung Hoa • Địa Lý Hải Dương Trung Hoa • (Đô đốc) Mahan và Biển Nam Trung Hoa • Cấu Trúc Đồng Minh Hoa Kỳ tại Á Châu • Chiến Lược và Văn Hóa • Binh Pháp Trung Hoa • Binh Pháp Nhật Bản • Binh Pháp Ấn Độ • Hiện Đại Hóa Quân Sự tại Á Châu • Bối Cảnh Kinh Tế của Sự Đua Tranh Chiến Lược • Phòng Thủ Vũ Khí Hạt Nhân tại Đông Bắc Á • Thi Đua Võ Trang và Tranh Chấp Dài  Hạn • Chiến Tranh Bất Thường tại Á Châu • Chương kết luận.
Chương "Chu Kỳ Tự Nhiên của Sức Mạnh Biển Trung Hoa" nêu ra rằng trong quá khứ Trung Hoa đã thất bại trong nỗ lực trở thành một sức mạnh trên biển ít nhất ba lần. Những chu kỳ này bao gồm • 1- Nhà Tần và nhà Hán • 2- Nhà Tùy và nhà Đường • 3- Nhà Nam Tống, nhà Nguyên, và nhà Minh, với đỉnh điểm là cuộc hải hành của đô đốc (thái giám) Trịnh Hòa. Tuy nhiên, các cuộc xâm lược từ phía bắc và các xung đột nội bộ đã khiến cho tham vọng vươn ra biển lớn đành phải hủy bỏ. Mặc dù ngày nay Trung Cộng cố gắng miêu tả hành trình của Trịnh Hòa là thân thiện, nhưng một tài liệu phân tích gần đây kết luận rằng họ Trịnh đã có "những hạm đội có thể đổ bộ một đội quân hùng mạnh lên các hải cảng của bất kỳ nước nhỏ nào mà Trung Hoa muốn đe dọa". Yêu sách lãnh thổ rộng lớn trên Biển Đông ngày nay, cho thấy Trung Cộng đang bước vào chu kỳ thứ tư.
Chương "Binh Pháp Trung Hoa" cho thấy nhu cầu phá bỏ một số huyền thoại:
- Huyền thoại về Vạn Lý Trường Thành: Trung Cộng thường cho rằng nước Tàu vốn có một nền văn hóa chiến lược phòng thủ và tất cả các cuộc chiến tranh trong quá khứ chỉ nhằm đàn áp những vụ nổi loạn nội bộ hoặc để bảo vệ lãnh thổ. Nhưng, mỉa mai thay, các lãnh thổ mà Bắc Kinh thường tuyên bố gay gắt nhất về chủ quyền, gồm Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, thì trong đó Tây Tạng và Tân Cương đã bị chính Trung Cộng chiếm đoạt bằng sức mạnh quân sự.
- Huyền thoại về Tôn Tử: Câu nói nổi tiếng của Tôn Tử là "không đánh mà thắng". Sự thật chiến tranh bao giờ cũng tốn kém. Vì vậy, chiến thắng mà không cần súng đạn góp phần tăng cường sự giàu có cho nhà nước. Thủ đoạn vận dụng pháp lý của Trung Cộng trong các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Nam Trung Hoa là nhằm bẻ gãy các mũi nhọn của đối phương mà không cần đến sức mạnh quân sự.
- Huyền thoại về Thép Tốt: Người Tàu ưa trưng ra câu ngạn ngữ "Thép tốt không dùng làm đinh - Đàn ông tốt không dùng làm lính", tức truyền thống trọng Văn khinh Võ, nhằm bào chữa cho việc quân đội Trung Hoa không phải là một quân đội mạnh.
Chương "Binh Pháp Nhật Bản" cho thấy văn hóa đóng một vai trò quan trọng để giải thích cách chiến đấu của quân đội Nhật trong thời Đệ nhị Thế chiến. Tại sao nhiều người chọn tự tử thay vì đầu hàng? Binh lính Nhật Bản được đào tạo dựa trên cái nền "Đạo của Chiến Sĩ" - Bushido.  Đạo đức của các Samurai (võ sĩ) không đặt nặng vào chiến lược mà vào tác phong quân sự. "Đạo của người võ sĩ là chết cho chủ tướng hơn là đánh gục đối phương", và "Còn sống sau khi thất bại là hèn nhát", và "Khi có thể sống như thể đã chết tức là đã đạt được sự tự do trong Đạo", v.v...
Chương "Binh Pháp Ấn Độ" giới thiệu tác phẩm Mahabharata - pho Sử thi bằng tiếng Phạn vĩ đại nhất của Ấn Độ (lớn gấp bảy lần bộ trường thi Iliad và Odyssey nhập lại) được coi là "đại bách khoa toàn thư" về văn hóa, các truyền thuyết và thể chế chính trị - xã hội của Ấn Độ cổ xưa. Ngoài ra, các sinh hoạt và cai trị theo lối trung ương tập quyền và những chính sách ngoại giao khéo léo của triều đại Chandragupta Maurya đã được tể tướng Kautilya ghi lại trong pho sách Arthasastra.
Chương "Chiến Lược và Văn Hóa" cho rằng tìm hiểu về văn hóa là điều cần thiết để định đoạt chiến lược, vì văn hóa bao gồm phong tục, tín ngưỡng, truyền thống, là những gốc rễ tạo ra hành động và phản ứng của con người. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng kẻ thù vẫn có thể thành công mặc dù chẳng biết gì về văn hóa (như trường hợp quân Mông Cổ). Chương này cũng đưa ra cuộc tranh luận khá lý thú về ảnh hưởng của văn hóa khi hoạch định chiến lược chống du kích (COIN = counterinsurgency) và chiến lược chống khủng bố (CT = counterterrorism), một vấn đề thời sự tại địa bàn Trung Á.
Tóm lại, trong khi Trung Cộng hung hăng tìm cách vươn ra các vùng biển, thì Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác lại hướng tới xây dựng nền kinh tế biển, tăng cường hải quân và an ninh hàng hải. Việc nghiên cứu lịch sử chiến lược của các quốc gia châu Á là điều không thể thiếu nếu muốn hoạch định một chiến lược hữu hiệu.

Tiểu sử soạn giả THOMAS MAHNKEN và DAN BLUMENTHAL
Thomas G. Mahnken là giáo sư Đại học Johns Hopkins.  Chủ bút The Journal of Strategic Studies. Dan Blumenthal là giám đốc phân bộ Asian Studies của American Enterprise Institute, cố vấn về Hoa Lục cho chính phủ Hoa Kỳ.

Strategy in Asia: The Past, Present, and Future of Regional Security
Stanford Security Studies  - 320 trang - giá 27.0 usd
Sách có bán trên trang Amazon.com




Đời Tôi
Hồi ký – Nguyễn Liệu * Giới thiệu – Trịnh Bình An
  
Nguyễn Liệu từng bị kết án lưu đày Côn Đảo bởi Tòa án Quân sự Đặc biệt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa, từng bất chấp khuôn phép hành xử thông thường khi đối đầu với Cộng sản và tệ trạng tham nhũng dưới chế độ Đệ nhị Cộng hòa. Nhưng cũng chính Nguyễn Liệu với hai bàn tay trắng đã tạo dựng Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một cơ sở giáo dục miễn phí cho học sinh nghèo. Ngôi trường này từng thu hút sự hưởng ứng khắp miền Nam và nhiều tổ chức quốc tế.
Quảng Ngãi trước 1975 là một vùng đất nghèo. Đối với nhiều em trai, chỉ có hai ngõ thoát, hoặc gia nhập quân đội Quốc Gia, hoặc "chạy núi" đi theo Cộng sản. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Liệu nghĩ tới việc xây một trường miễn phí cấp trung học để nhận các trẻ em nghèo - không phân biệt gia đình em đó là theo Quốc gia hay Cộng sản.
Nguyễn Liệu tâm sự: "Việc nêu rõ thành phần ưu tiên sẽ giúp chúng tôi không đi sai hướng và vượt qua nhiều trở ngại để đạt mục tiêu cứu vớt lớp trẻ đang bị vây hãm trong nghịch cảnh có thể tìm lại nụ cười và xua tan ý nghĩ hận thù đời."
Trong trường hợp không tiền không đất, người chủ xướng thường đứng ra kêu gọi và quyên góp. Nguyễn Liệu không làm theo cách đó, ông chọn con đường "Làm trước - Nói sau". Qua nhiều trở ngại, cuối cùng trường được thành lập tại mảnh đất gần Quốc Lộ 1 và núi Thiên Bút Phê Vân. Lễ khánh thành vào ngày 20-1-1970.
Một tấm bảng do họa sĩ Phạm Cung kẻ thật đẹp được dựng lên với hàng chữ:
QUẢNG NGÃI NGHĨA THỤC
Trung tâm giáo dục, ngoài chính trị, ngoài tôn giáo
Trung học miễn phí dành cho học sinh nghèo,
con em gia đình tử sĩ, binh sĩ và tị nạn cộng sản
Bảy tuần lễ sau, khoảnh đất hoang vu dưới chân núi biến thành một ngôi nhà lớn. Và chỉ trong một năm, có gần 20 lớp với khoảng 2,000 học sinh hoàn toàn miễn phí. Vài năm sau, trường còn mở rộng thêm một khu dạy cắt may và sửa máy.
Điều gì đã giúp Quảng Ngãi Nghĩa Thục thành công?
Nếu không có Nguyễn Liệu thì không có QNNT. Tuy nghèo về tiền nhưng Nguyễn Liệu giàu một thứ - tiếng tốt. Ông nổi tiếng là người thẳng thắn, dám nói dám làm và thường làm vì lợi ích chính đáng của người khác. Khi còn làm Quận trưởng, Nguyễn Liệu đã tổ chức chiến dịch "Về Làng", giúp đưa nông dân trở về quê cũ. Vì thế ông được nhiều người tin tưởng và ủng hộ. Nguyễn Liệu còn là người thông minh, có  khả năng thuyết phục. Hơn nữa, ông biết rõ bản thân, biết mình có tính quá mong công việc mau thành, từ đó dễ gạt bỏ ý kiến người khác, dễ thành kẻ độc tài. Vì vậy Nguyễn Liệu đặt hẳn ra một ban quản trị và ban tài chánh tách riêng như một hệ thống "tam quyền phân lập" để tránh sự lạm dụng quyền lực.
Nhưng Nguyễn Liệu không thể làm hết mọi thứ nếu không có sự cộng tác của những người trong ban quản trị và các giáo sư. Trong số đó có những người chưa từng đi dạy vì là công chức hay sĩ quan. Những người thày "không chuyên" ấy biết mình không giỏi nên cố gắng tìm hiểu cặn kẽ bài vở và thận trọng khi giảng giải, biết chắc mới nói biết, lờ mờ thì nói chưa biết, không "cương" ẩu, nên kết quả là họ dạy rất tốt. Tất cả đều làm việc tận sức nhưng không nhận thù lao. Nhờ đó tạo nên một bầu không khí anh em hết sức gắn bó. Chính không khí ấy đã ảnh hưởng tốt đến học sinh và trở thành động lực thúc đẩy các em cố gắng học hành và khép mình vào kỷ luật nhà trường.
Học sinh Quảng Ngãi Nghĩa Thục, dù Quốc hay Cộng, đều rất nghèo, ít được ăn no và thường chỉ có một bộ quần áo để đi học, hàng ngày phải đi bộ sáu bảy cây số đến trường. Nhưng học sinh vẫn đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. Niên khóa 1973-74, lần đầu tiên QNNT có học sinh thi Tú Tài, 60 em dự thi, trúng tuyển 30. Ý chí phấn đấu của các em, kỳ lạ thay, lại đem niềm tin ngược về cho người lớn, tạo ra mối tương quan "giáo sư-học sinh" tiếp sức, thúc đẩy nhau cùng tiến tới mục đích tốt đẹp.
Cũng không thể quên Quảng Ngãi Nghĩa Thục chính là sự nối dài ý tưởng của các bậc tiền nhân. Đó là các chí sĩ Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh..., những người đã sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục 65 năm về trước. Mục đích của Đông Kinh Nghĩa Thục là nâng cao dân trí, khích động tinh thần yêu nước và phổ biến những trào lưu tư tưởng mới. Và QNNT nguyện đi tiếp con đường đó.
Cuối cùng, điều giúp cho QNNT thành hình là nhờ mảnh đất miền Nam hào sảng và tự do dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ vậy, ban giám hiệu QNNT mới có thể tự định ra đường hướng giáo dục đặc biệt, và nhất là có thể nhận học sinh mà không xét lý lịch, kể cả khi biết các em thuộc gia đình có người đi theo "phía bên kia". 
Trong môi trường chiến tranh khốc liệt, với điều kiện vật chất hết sức thiếu thốn, ngôi trường hoàn toàn tự nguyện Quãng Ngãi Nghĩa Thục đã đứng vững suốt 5 năm dài, đó là nhờ tinh thần "Tự túc tự cường - Vì dân vì nước" của nhà trường, nhờ tình thương yêu đùm bọc của đồng bào, và nhất là, nhờ sự tự do của nền Cộng Hòa Nam Việt Nam.

Tiểu sử tác giả NGUYỄN LIỆU
Sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi. 1952 tổ chức nhóm học sinh chống Cộng, bị bắt ra tòa án nhân dân Liên Khu 5. 1954 tổ chức thanh niên chống đảng Cộng sản, tham gia lập chính quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Quảng Ngãi. 1958-1960 dạy học tại trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) và các tư thục ở Sài Gòn. 1964 tốt nghiệp cử nhân đại học Văn Khoa Sài Gòn, nhập ngũ khóa 20 Thủ Đức. 1965 tổ chức chiến dịch "Về Làng" tại Quảng Ngãi. 1965-1966 làm quận trưởng quận Mộ Đức. 1966-1967 làm tỉnh đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn Quảng Ngãi. 1968 trở lại Trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 27, làm sĩ quan thanh tra Quân Đoàn 3 của trung tướng Phan Trọng Chinh. 1970-1975 hiệu trưởng Quảng Ngãi Nghĩa Thục. 1975-1983 tù Cộng sản. 1985 vượt biển. Hiện cư ngụ tại tiểu bang California (USA). Tác phẩm đã xuất bản: "Bên Kia Đèo", "Em Không Khóc".

ĐỜI TÔI
NXB Tủ Sách Tiếng Quê Hương - 736 trang - đã tuyệt bản.

Đọc sách bản PDF trên trang www.nghiathuc.wordpress.com/sach/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét