(Hình AFP: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vỗ tay sau khi đọc diễn văn bế mạc Đại hội đảng lần thứ 12 tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016.)
<!->
LONDON (RFA) - Ðài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay hôm 29/1/2016 vừa qua, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế - Amnesty International, ra thông cáo kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng, người được tái đắc cử vào chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỳ đại hội 12, phải mau chóng cải thiện thành tích nhân quyền tệ hại lâu nay.
Theo Ân Xá Quốc Tế thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ngày càng cố tự bảo vệ cho rằng họ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hiện Việt Nam đảm trách một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và vào cuối năm 2015 cũng mới phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn.
Tuy vậy, không cần phải tìm hiểu kỹ, người ta thấy ngay một bức tranh rất khác đằng sau những chức vụ và hoạt động vừa nêu. Tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam vẫn không hề giảm.
Ân Xá Quốc Tế nhận định cũng mang tính đặc trưng như tình trạng tranh giành quyền lực được giấu kín, thực tế hiện nay ở Việt Nam cho phép chính quyền Hà Nội tránh những chỉ trích của cộng đồng quốc tế, không để thành tích nhân quyền được xem xét tường tận.
Ân Xá Quốc Tế nhắc lại thông báo của Bộ Công An CSVN đưa ra vào tháng ba năm 2015 cho thấy trong vòng 3 năm tính đến tháng 9/2014, có 226 trường hợp nạn nhân chết khi bị công an giam giữ.
Công an cho rằng nguyên nhân tử vong của số đó là vì bệnh hay bởi nguyên nhân tự nhiên khác. Trong khi đó thì thân nhân của những người chết tại cơ quan công an khẳng định nạn nhân trước khi vào đồn hoàn toàn khỏe mạnh, không có vấn đề về sức khỏe.
Cơ quan chức năng Việt Nam còn chính thức thừa nhận đã bắt giữ và giải quyết hơn 1400 sự việc liên quan đến 2680 người với cáo buộc ‘vi phạm an ninh quốc gia’. Đây là từ mà chính quyền Hà Nội thường sử dụng để chỉ đến những nhân vật cổ xúy cho nhân quyền.
Bộ Công An trong thông báo năm 2015 cũng cho biết họ phá vỡ được 60 nhóm đối lập bất hợp pháp.
Tuy nhiên, theo Ân Xá Quốc Tế thì rất ít giải thích về những số liệu vừa nêu được đưa ra cho công chúng. Những con số này còn có thể không bao gồm những trường hợp các nhà bảo vệ nhân quyền và tiếng nói chỉ trích chính quyền trên khắp cả nước bị tấn công. Năm 2015, có gần 70 nạn nhân của 36 vụ tấn công bạo lực. Thủ phạm được nói là chính công an hay những thành phần mặc đồ dân sự mà được tin chính là những thành phần làm việc cho công an hay hợp tác với lực được công quyền đó.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng nếu chính quyền Việt Nam muốn tỏ rõ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì phải chấm dứt hình thức xâm phạm như thế. Cải tổ căn bản và sâu rộng để thực thi cam kết nhân quyền và những ràng buộc luật pháp quốc tế phải là ưu tiên của đội ngũ lãnh đạo dưới nhiệm kỳ mới của ông Nguyễn Phú Trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét