(Hình REUTERS: Phi Luật Tân: Thiên tai lũ lụt làm ô nhiễm nguồn nước sạchn, mầm mống gây thêm dịch bệnh.)
(RFI) Thời tiết hành tinh của chúng ta trong những thập niên tiếp theo sẽ nóng hơn, lạnh hơn, khô hơn và dữ dội hơn. Đó là những dự đoán bi quan do các chuyên gia đưa ra. Sự biến đổi này của khí hậu chắc chắn có những tác động tiêu cực lên sức khỏe con người, như gia tăng các chứng bệnh đường hô hấp, tim mạch và các dịch bệnh, đe dọa những thành quả về y tế cộng đồng mà quốc tế đạt được trong 50 năm qua.
<!->
trên truyền hình tư nhân BFMTV ngày 30/11/2015, ông Robert Barouki, Giáo sư trường Đại học Paris-Descartes, đã khẳng định về sự tương tác giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe con người:
“Biến đổi khí hậu sẽ có những tác động lên sức khỏe con người. Điều đó đã được khoa học chứng minh. Chúng có những tác động trực tiếp chẳng hạn như những kỳ nắng nóng bức và có thể lặp lại trong những năm tới. Trong những kỳ nắng nóng như vậy, kéo theo chúng là các tia cực tím, hay như những trận ngập lụt.... Đó là những tác động trực tiếp do biến đổi khí hậu gây ra.
Bên cạnh đó còn có những tác động gián tiếp như ô nhiễm không khí. Chất lượng không khí ngày càng xấu đi, có thể dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp, bệnh hen suyễn. Chất lượng nước tiêu dùng cũng vậy, có thể bị nhiễm khuẩn. Do đó, sẽ có cả một chuỗi cộng hưởng tác động lên sức khỏe chúng ta trong những thập niên tới”.
Lời khẳng định trên không phải là không có cơ sở. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) dự đoán là từ đây cho đến hết năm 2030, mỗi năm sẽ có hàng trăm ngàn người chết trên thế giới do biến đổi khí hậu.
Nước Pháp hẳn chưa thể nào quên được kỳ nắng nóng lịch sử năm 2003, kéo dài trong ba tuần từ ngày 1/8 đến 20/8. Đợt nóng bức đó đã làm khoảng 20.000 người chết. Còn nếu tính cả Âu Châu hơn 70.000 người bị chết sớm, tăng đột biến 60% so với giai đoạn bình thường. Sự việc đã trở thành một hiện tượng “chấn thương tập thể”.
Bên cạnh những tác động trực tiếp, biến đổi khí hậu cũng có những hậu quả gián tiếp ít được nhắc đến. Theo báo cáo do Ủy ban Sức khỏe công bố hồi tháng 10/2015, khí hậu có những tác động lên chất lượng không khí. Khi nhiệt độ tăng, nồng độ các chất gây ô nhiễm như ozone chẳng hạn cũng tăng theo, gây ra các hiện tượng khói mù ô nhiễm tại các thành phố lớn như Bắc Kinh chẳng hạn và gần đây nhất là Paris, hồi tháng 3/2015. Những chất ô nhiễm này có thể ảnh hưởng đến những người có các bệnh lý về đường hô hấp mãn tính.
Nhưng biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí với các hạt bụi phân tử siêu nhỏ (PM 10 và PM 2,5), nitrozen dioxide NO2, cacbon monoxit CO và ozôn O3. Những hạt bụi này, có liên quan đến việc đốt cháy các nhiên liệu, được thải ra từ các động cơ xe ô-tô, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá và các khu công nghiệp, nhưng đôi khi cũng được phát ra từ việc đốt nhiên liệu xanh (củi rừng).
Trên đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) hồi tháng 3/2015, ông Jean Lefèvre - Bác sĩ về tim mạch, hiện đang công tác tại Hiệp hội Sức khỏe Môi trường Pháp, đã từng giải thích các phân tử này có khả năng xâm nhập sâu vào bộ máy hô hấp và tạo thuận lợi cho các chứng ung thư phổi và một số chứng bệnh về tim mạch, và đôi khi cũng làm “kịch phát” hay gây ra các chứng bệnh đường hô hấp như hen suyễn chẳng hạn.
“Ô nhiễm trong các thành phố lớn chủ yếu do các hạt bụi phân tử siêu nhỏ gây ra. Do đặc tính siêu nhỏ, nên các hạt bụi này dễ dàng xâm nhập vào phế quản, gây kích ứng các nang phổi. Nhất là các hạt bụi siêu nhỏ có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm (hay còn gọi là pm < 2,5) có thể đi vào máu, dẫn đến viêm nhiễm các mạch máu, gây ra các chứng bệnh về tim mạch.
Liên quan đến phổi, ô nhiễm gây ra những căn bệnh nghiêm trọng về phổi, nhất là bệnh suyễn. Không những vậy, ô nhiễm còn có thể làm trầm trọng hơn những triệu chứng bệnh bởi các nguyên nhân tự nhiên như dị ứng phấn hoa.
Hiện nay chúng tôi nhận thấy số người mắc các chứng bệnh tim mạch không phải là ít. Người ta chia hạt bụi phân tử siêu nhỏ thành các loại như sau: Với những hạt phân tử pm 10 µm. Loại hạt bụi siêu nhỏ này có thể đi vào các xoang gây ra căn bệnh viêm phế quản. Các loại hạt bụi nhỏ hơn, pm < 2,5 µm, quá nhỏ đến mức có khả năng vượt qua được các nang phổi để thấm vào máu.
Hiện nay, với kỹ thuật tối tân, ta còn có thể đo được các hạt bụi phân tử nhỏ hơn nữa, có kích thước khoảng 1 µm. Những hạt bụi phân tử này xâm nhập vào các mạch máu, phần nào gây ra hiện tượng viêm nhiễm, tạo điều kiện phát triển chứng xơ cứng động mạch. Do đó, chúng tôi nhận thấy với việc không khí trong các thành phố quá bị ô nhiễm cộng với tình trạng phơi nhiễm hàng ngày, ô nhiễm cũng là yếu tố rủi ro được đặt ngang hàng với việc phải hít khói thuốc lá mỗi ngày “.
Theo thống kê, mỗi năm ô nhiễm không khí gây ra khoảng 30.000 cái chết tại Pháp. Tờ Nature nói hồi năm 2013, có đưa ra dự đoán bi quan là đến năm 2100, mỗi năm có khoảng ba triệu ca chết sớm do biến đổi khí hậu, phần đông xảy ra tại các nước đang phát triển.
Các Chứng Dị ứng: Phấn Hoa hay là Khí Hậu?
Khí hậu ấm dần cộng với ô nhiễm còn là tác nhân làm trầm trọng hơn các chứng dị ứng. Nhiệt độ tăng kéo dài thời gian tạo phấn hoa, và điều này dẫn đến nguy cơ tăng các chứng dị ứng đường hô hấp.
Theo quan sát của giới Y khoa Pháp, lượng bệnh nhân chứng dị ứng đến khám tại các cơ sở y tế đặc biệt tăng mạnh vào mùa xuân, thời điểm nồng độ phấn hoa trong không khí cao nhất. Nhiều người đến tư vấn Bác sĩ đều có những triệu chứng có cảm giác nghẹt thở, nghẹt mũi và hắt hơi. Phần lớn thời gian các triệu chứng này giảm dần thậm chí bỏ luôn cả việc dùng thuốc kháng histamine.
Thế nhưng phấn hoa chưa hẳn là nguyên nhân duy nhất giải thích cho mức tăng đột biến lượng người đến tư vấn Bác sĩ trong mùa Xuân. Nếu như có nhiều người vẫn gán các triệu chứng trên cho phấn hoa, thì biến đổi khí hậu cũng có thể là một nguyên nhân, do đó có thể là những triệu chứng của viêm mũi chứ không phải là dị ứng. Trái với viêm mũi do dị ứng, viêm mũi không dị ứng có thể do những thay đổi bất ngờ nhiệt độ và độ ẩm. Lý do của sự nhầm lẫn giữa viêm mũi dị ứng và viêm mũi không dị ứng rất đơn giản: Cả hai đều có xu hướng xảy ra cùng thời điểm trong năm với những triệu chứng tương tự.
Tuy có cùng triệu chứng nhưng cách điều trị lại khác nhau, và các loại thuốc kháng histamine sẽ không có tác dụng. Giới chuyên gia khuyến cáo nên có những xét nghiệp trước khi chữa bệnh để đạt được hiệu quả cao nhất.
Trái Đất Nóng Dần, Côn Trùng Sinh Sôi, Dịch Bệnh Bùng Phát
Nếu như trong lần thượng đỉnh này các quốc gia không đưa ra được một chương trình hành động cụ thể nào để chống biến đổi khí hậu, hiện tượng nhiệt độ gia tăng sẽ thúc đẩy sự di chuyển của nhiều loại côn trùng, vi khuẩn mang các mầm bệnh như sốt rét, chikungunya hay như sốt xuất huyết. Ngày nay, gần một phần ba dân số thế giới đã bị lây nhiễm, dẫn đến mỗi năm có 600.000 ca tử vong, mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi và phụ nữ mang thai.
Về điểm này, ông Olivier Brandicourt, giám đốc điều hành hãng Sanofi, trên báo Le Monde quan ngại là loài muỗi anopheles vốn chỉ tồn tại ở những vùng Phi Châu, Châu Mỹ và Đông Nam Á, nếu như nhiệt độ tăng, sẽ có nguy cơ mở rộng vùng sinh sống của loài muỗi gây bệnh sốt rét này.
Cùng với sự toàn cầu hóa, giống muỗi này sẽ lan rộng nguy cơ gây bệnh sốt rét sang những khu vực mới, cho đến giờ vẫn chưa phát dịch bệnh. Căn bệnh này có thể lan đến các vùng núi cao như Kilimandjaro (Tanzania), rồi phát triển cả sang vùng Trung Á hay gần Âu Châu hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, hay thậm chí là tại Pháp.
Năm 2015 được xem là năm nóng nhất từ trước đến nay. Đó cũng là tác nhân làm xuất hiện các loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và chikungunya (một dạng bệnh gây sốt cao đột ngột, đau nhức dữ dội ở các khớp tay, bàn tay và bàn chân làm cho người bệnh không thể đi thẳng được).
Các số liệu thống kế của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho thấy hằng năm, có khoảng 50 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết. Khí hậu ấm dần đang tạo thuận lợi cho giống muỗi vằn thâm nhập vào Âu Châu. Sau khi đã hoành hành tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý Ðại Lợi, muỗi vằn đã có mặt tại 18 tỉnh phía Nam của Pháp, bắt đầu tấn công dần lên phía Bắc. Mùa Hè năm nay, Pháp đã phát giác có 4 ca sốt xuất huyết và 18 ca bệnh hikungunya tại vùng Languedoc-Roussillon, phía Nam nước Pháp.
Nhiệt độ gia tăng cũng làm biến đổi mạnh mẽ các hiện tượng thủy văn. Mùa Hè sẽ nóng hơn, mùa Đông sẽ lạnh hơn. Lũ lụt, hạn hán và cháy rừng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, hủy hoại môi trường sinh sống nhân loại.
Các hoạt động chăn nuôi và nông nghiệp sẽ bị xáo trộn, vốn dĩ bị lệ thuộc nhiều vào các nguồn dự trữ nước ngọt. Tuy nhiên, khí hậu biến đổi sẽ có những ảnh hưởng to lớn đến những nguồn nước ngọt do lũ lụt, hạn hán…. Các hoạt động nông nghiệp cũng bị đảo lộn vì cháy rừng, hệ quả của hạn hán và những đợt nóng bức.
Hệ quả tất yếu là sẽ có những xung đột xảy ra để tranh giành quyền kiểm soát nước ngọt, và đẩy hàng triệu con người phải từ bỏ nhà cửa đất đai đi tìm vùng sinh sống mới. Đối với ông Olivier Brandicourt, đây lại là một mối nguy lớn tiềm tàng gây dịch bệnh lao phổi. Mỗi năm, căn bệnh này gây ra cái chết cho hơn 1,4 triệu người, mà nguyên nhân lây lan ai cũng biết đến từ dòng người tị nạn. Đó là chưa kể đến sức khỏe tâm thần của những người buộc phải bỏ xứ mà đi.
Theo quan điểm của ông Olivier Brandicourt, nếu nhiệt trung bình cứ tiếp tục tăng, kết hợp với các dòng di dân, nguy cơ lây nhiễm các chứng bệnh cũng sẽ tăng theo. Những quan sát chung này cũng đủ để vạch ra một đường hướng hoạt động rõ ràng và kiên quyết: Phải hỗ trợ bằng mọi giá không ngơi nghỉ việc vận động cả cộng đồng y khoa, kêu gọi sự tham gia của các tác nhân công và tư nhân, bắt đầu từ nghiên cứu khoa học đời sống với cả một trách nhiệm là góp phần bảo vệ các tiến bộ sức khỏe cộng đồng có được từ 50 qua.
Nếu chúng ta hành động ngay từ giờ, thì chúng ta vẫn có thể giải quyết kịp những hậu quả của biến đổi khí hậu lên sức khỏe của toàn thể người dân trên hành tinh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét