HLC: Xin chào ô Châu Thụy. Sách viết về trại tù vc khá nhiều và bài về những chuyến vượt biên cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên với một cuốn sách viết về đề tài tìm tự do được lồng trong môt câu chuyện tình thì có lẽ Vực Xoáy là một tác phẩm đầu tiên?
<!->
Châu Thụy:
Như chị vừa nói, trước giờ đã có rất nhiều người viết về vượt biên, mỗi một con tàu ra đi tìm tự do là một câu chuyện tang thương, nhưng đã được kể lại với tính cách phóng sự; tự thuật. Riêng Vực Xoáy, tôi muốn lồng bối cảnh vào một câu chuyện tình cảm, của Vũ và Vân, để người đọc có thể dễ dàng theo dõi câu chuyện cụ thể của hai nhân vật để thấy được toàn cảnh lúc bấy giờ. Trong VX, tình yêu mang đậm chiều sâu cao thượng, tình yêu của một tâm hồn trong sáng diệu vợi, không phải thiên về nhan sắc hay xác thịt.
Tôi không biết những chuyện kể về thuyền nhân và vượt biển được lồng trong một chuyện tình lãng mạn có phải là tác phẩm đầu tiền hay không nhưng đối với tôi VX là tác phẩm đầu tay và cũng là giấc mơ, là lời hứa của bản thân mình, với những người mà tôi đã gặp hay chưa từng gặp trên đường vượt biển tìm tự do. Viết cho họ, những người không bao giờ có được cơ hội để giải bày.
HLC: Xin cho vài nét tóm lược về sách?
Châu Thụy:
Bản thân tôi cũng là một thuyền nhân. Qua những kinh nghiệm đã trải qua của chính ban thân và sau khi có cơ hội tiếp xúc rất nhiều người từng là nạn nhân, tôi may mắn được nghe câu chuyện của chính bản thân họ. Nó thật kinh khủng và tàn nhẫn. Đến giờ sau bao nhiêu năm tháng, họ vẫn còn uất nghẹn như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi muốn gửi gắm tất cả những xúc cảm của các cô gái nạn nhân vào nhân vật Vân, để người đọc cảm nhận được nỗi đau khổ vô vọng. Vũ và Vân tượng trưng cho những người trẻ mới lớn, đang mang đầy nhựa sống, với bao ước mơ về một tương lai tốt đẹp thì biến cố 1975 xảy ra, đưa tất cà vào bế tắc và tuyệt vọng. Bên cạnh đó có những nhân vật thuộc nhiều thành phần khác nhau bị xáo trộn trong xã hội thời bấy giờ. Những người có chức vụ trước năm 1975, và ngay cả thường dân bị chế độ mới vùi dập, cho đến những kẻ nổi lên nắm được chính quyền lấy cơ hội bạo ngược, trả thù...
Hơn thế nữa, truyện dài Vực Xoáy dựa trên những sự kiện hoàn tòan có thật, bằng những lời thổ lộ thấm đẫm nước mắt và đớn đau của biết bao nạn nhân. Đây là một câu truyện đầy yêu thương và cũng đầy nước mắt của hai nhân vật nam nữ ở độ tuổi đôi mươi. Từng trang sách một, tôi muốn lột trần những tâm trạng bất hạnh đến cùng cực xẩy ra trong đời họ. Họ là biểu tượng cho những thuyền nhân tìm cách trốn thoát khỏi chế độ Cộng sản. Đã có biết bao những khổ nạn trải qua trong từng bước chân, trên từng ngọn sóng: Trong đêm tối, từng làn đạn vun vút không có mục tiêu chính xác khiến thịt máu tung té. Tiếng cười hà hê của bọn hải khấu; tiếng rên xiết nghiến răng chịu đựng của những thân thể phụ nữ trần truồng trên sàn tàu; và những ánh mắt mờ dại với hơi thở ngoi ngóp đang ngấu nghiến miếng thịt của người vừa tắt thở...
Vực Xoáy là bi khúc đưa độc giả hòa mình vào thế giới; với đủ mọi cung bậc của cảm xúc đến mức tàn nhẫn nhất đã xẩy ra trên biển cả, giữa sóng gầm, bão tố, và những ác dục...Quả thật là ngoài sức tưởng tượng của con người!
HLC: từ đâu ông có ý tưởng viết Vực Xoáy? Điều gì thôi thúc ông viết về đề tài này?
Châu Thụy:
Vì là một nạn nhân của chế độ và phải bỏ nước ra đi nên trong đầu tôi luôn hằn sâu những nỗi buồn. Khi bước vào nghệ thuật Bút Họa, tôi luôn bị ám ảnh, nghĩ đến hàng ngàn người chết trên đường vượt biển, đã thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó cho họ. Một lần khi tôi phóng bút hoa chữ "Thuyền Nhân", quá khứ bắt đầu trở lại. Rồi giống như có động lực nào đó thúc đẩy đã cho tôi cảm xúc rất mạnh, tôi ngồi xuống viết không ngừng về chuyến đi của mình và nhiều người khác.
Tôi thiết nghĩ, có một nguồn sức mạnh có lẽ của những vong linh nạn nhân xấu số đã thúc đẩy và gợi cho tôi cái cảm hứng để hoàn thành tác phẩm Thuyền Nhân này. Rồi với bao cố gắng và may mắn, tôi lại tìm được "Miếng Ván Thuyền" thật sự từ một chiếc thuyền vượt biển mục nát trôi dạt vào bờ nằm chết khô trên một bãi cạn. Mảnh ván như một lưỡi dao cắt ngọt lên tâm trí của tôi, làm sống lại những kỷ niệm tang thương cũ và thúc dục tôi phải làm một điều gì cho những người kém may mắn đã phải vùi thân nơi này và những nơi khác không thể bị quên lãng.
Và sau hơn 5 năm, tác phẩm thuyền nhân và miếng ván thuyền mang theo những hoài bảo của tôi đưa đẩy “Vực Xoáy” vào trong tác phẩm này.
Ngoài ra, Vực Xoáy gởi ra một thông điệp tình yêu đến những lứa đôi hay những người phụ nữ đơn thân chẳng may trải qua thảm nạn hải tặc trên đường đi tìm một cuộc sống có phẩm giá làm người. Xin hãy tự tin, hãy ngẩng cao đầu đi về tương lai đang mở ra chào đón họ. Tôi mong mỏi những nạn nhân tìm được niềm an ủi, lòng tha thứ và tình thương yêu để xây dựng cuộc sống ngàn lần đẹp hơn những gì đã xảy ra cho chính họ.
Bút Họa Thuyền Nhân
HLC: Khi bắt tay vào viết, ông nghĩ thể loại nào nên chọn để gia tăng sự hấp dẫn cũng như “trong sáng, dễ đọc” cho tác phẩm?
Châu Thụy:
Thật sự mà nói, không phải là người viết văn chuyên nghiệp, tôi viết vì sự hối thúc của con tim. Tôi không sắp xếp trước cho mình một loại nào trong thể văn xuôi. Khi viết, tôi để xúc động của mình vào từng trang giấy, có những khi tôi viết trong giòng, vừa nấc vừa gõ trên phiếm máy.
Thật sự mà nói, tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp, tôi viết vì sự hối thúc của con tim. Tôi không hề sắp xếp trước cho mình một loại nào trong thể văn xuôi. Khi viết từng dòng truyện cho VX, tôi đã để hết tâm tư, tình cảm của mình vào từng trang viết. Có những khi tôi viết trong cảm xúc tuông tràn để dòng nước mắt nóng chảy, nghẹn ngào trong tiếng nấc và tiếng gõ trên phiếm máy.
Trong bố cục câu chuyện, phần "tôi" là tâm sự của Vũ và phần nhật ký của Vân như hai dòng sông chảy, có lúc giao nhau; có lúc tách rời. Dòng sông có khi phẳng lặng như buổi gặp nhau ban đầu, lóng lánh màu tình yêu, rồi có khi gập ghềnh, chảy xiết và có khi cạn khô. Có những đoạn văn chuyển thể không còn là diễn tả, như tâm trạng tuyệt vọng khô cằn trong những ngày lênh đênh trên biển cả. Tôi muốn VX như một bức tranh, mời người đọc không những chỉ đọc truyện, họ còn có thể tự hình dung ra một khúc phim, một bức tranh toàn cảnh của màu sắc tình yêu, khổ đau nghiệt ngã và bản chất dục vọng của con người!
HLC: Có khoảng bao nhiêu nhân chứng được tham khảo để xây dựng “Vực Xoáy”? Để gia tăng mức giá trị, ông có đề nghị một vài người nên cho phép sử dụng danh tính thật?
Châu Thụy:
Trong thời gian ở bên trại tị nạn và sau ngày định cư tại Mỹ, tôi đã có cơ hội gặp rất nhiều những nạn nhân để nghe kể về những chuyến đi rùng rợn của họ. Tôi không thể nhớ được con số là bao nhiêu. Nhưng đa số những nhân chứng hiện đang ở California và Texas.
Thật vô cùng xin lỗi là tôi đã có lời hứa với các nạn nhân trước khi phỏng vấn là xin giữ kín. Xin cho tôi được phép tiếp tục tôn trọng và giữ kín tên tuổi của họ.
Như nhân vật nữ Vân trong Vực Xoáy là một nhân vật sống, chị đang ở ngay trong Little Sài Gòn, California. Chị là một trong những người mà tôi có cơ hội được gặp để nghe kể về quá khứ thảm khốc của mình. Lắng nghe chị vừa sợ hãi, vừa xấu hổ thuật lại chuyện bất hạnh đã xẩy ra trên 35 năm qua, với hơi thở dồn dập, ngắt quãng, giọng nức nở, uất nghẹn theo từng chi tiết, từng khúc đoạn, tôi biết chị vẫn còn đang sống trong kinh hoàng, tim vẫn còn vỡ vụn, vết thương trong hồn vĩnh viễn không bao giờ được chữa lành. Tương tự, như hoàn cảnh thương đau của nhân vật Thắng trong truyện. Khi cả gia đình đi vượt biên, bố và em bị công an bắn chết, còn người chị bị bắn mù một con mắt. Ít ngày sau đó chị bị mù luôn cả hai con vì không được chữa trị trong tù. Chị ấy hiện đang ở San Jose và vẫn tiếp tục kéo dài kiếp sống lê thê trong bóng tối. Đoạn trường hơn hết là chuyện ăn thịt sống đồng loại của nhân vật Hòa trong chuyện tôi được nghe một nhân vật biết chuyện, hiện đang sống ở Houston, Texas thuật lại. Tất cả những chi tiết viết trong Vực Xoáy đều có thật và SỰ THẬT đã xẩy ra cho biết bao người tị nạn bỏ nước ra đi trong thời điểm cách nay 40 năm. Không giấy mực nào có thể kể xiết bao nỗi thống khổ, gian truân, bất hạnh nghiệt ngã mà những người vượt biển đã trả giá bằng nước mắt, máu và ngay cả sinh mạng vì hai chữ TỰ DO.
HLC: Chi tiết “ăn thịt người”, theo ông có nên phổ biến rộng rãi vì có người lý luận rằng, nó sẽ làm người phương Tây có cái nhìn kinh sợ thay vì cảm thông? Phim hay truyện về đề tài này, nếu cần phổ biến cho người Mỹ đọc thì phải hiểu tâm lý học rất khác tâm ly người Việt. Vd điển hình thanh niên Mỹ có thể khóc sướt mướt với “Love Story” nhưng với thanh niên VN thời đó thì không.
Châu Thụy:
Tôi không nghĩ chi tiết này sẽ gây hoang mang, dư luận, hay kinh tởm cho độc giả người Mỹ. Điển hình câu truyện "Đôi Mắt Phượng" đã được chuyển qua Anh ngữ, trong đó tác giả đã tả chi tiết về chuyện ăn thịt người. Tôi đã đưa câu chuyện cho những đồng nghiệp đọc, họ sửng sốt và có những thương cảm cho nạn nhân. Ngoài ra, người Mỹ đã có cơ hội xem cuốn phim "Alive" vào năm 1993, trong đó có cảnh những người sống đã xé ăn từng miếng thịt người để chết để sống còn trong một tai nạn máy bay bị rớt và gẫy đôi, nằm trên những ngọn núi tuyết chập chùng gần Chi lê và nhiều quốc gia khác lân cận.
Tôi thiết nghĩ, sự thật vẫn là sự thật tuy điều này rất kinh hãi nhưng khi ở bước vào đường cùng đối diện với cái chết, thì bản năng tự nhiên của con người ta là phải làm bất cứ điều gì để được sinh tồn. Tâm tư của những nhân vật trong Vực Xoáy khi hành động việc này cho thấy hình ảnh những người ăn thịt đã không còn biết phân biệt mình đang ăn cái gì! Họ chỉ nhai để nuốt và không biết mình đã nuốt những gì.... Họ chỉ biết một điều rằng: Họ cần phải tồn tại!
HLC: Có một điều, tạm gọi là khá ly kỳ khi ông trở về VN, ra bãi biển và gặp con thuyền có hình dáng giống hình vẽ của ông về vượt biên? Xin nói rõ hơn?
Châu Thụy:
Khi hoàn tất tác phẩm "Thuyền Nhân", ba năm sau, trong một chuyến viếng thăm Đông Nam Á. Tôi may mắn được một người dân địa phương hướng dẫn tới thăm một vùng ven biển để nhìn lại vết tích những cuộc hải hành đầy gian khổ của thuyền nhân tị nạn nhiều năm trước. Ở đấy còn vương vãi những mảnh gỗ của những con tàu vỡ nát. Điều lạ là cạnh đó vẫn còn nguyên vẹn hình thù một con thuyền nhỏ mong manh đã bắt đầu mục rữa vì mưa gió thời gian. Con thuyền vẫn con nằm trơ vơ trên bãi cát hoang vắng, mặc cho tiếng thét gào vô tình của sóng biển từ ngoài xa vọng lại.
Tôi đứng chết lặng thật lâu trước con thuyền. Hình dáng giống tựa như tác phẩm "Thuyền Nhân" mà tôi đã vẽ. Duyên số hay định mệnh? Lòng tôi bồi hồi tưởng nhớ những nạn nhân từng có mặt trên con thuyền này và tự hỏi họ đang ở nơi nao? Có may mắn đến được bến bờ tự do như tôi hay đang an nghỉ trong lòng đại dương mà oan hồn của họ đang lang thang đi tìm công lý để bày tỏ nỗi oan khiên chưa được giải thoát?
HLC: thông điệp mà ông muốn gửi mọi người qua Vực Xoáy, là gì?
Châu Thụy:
Điều tôi ao ước là mong cuốn sách đến vớii những người trẻ, những người đến sau, và những người trong nước. Những người không biết chuyện gì xảy ra ngoài biển trong thời gian đó. Có thể họ đã nghe kể, họ biết, nhưng có rất nhiều chuyện họ không thấu hiểu hết được những đau thương. Tôi mượn câu chuyện tình cảm của Vân và Vũ, viết thành tiểu thuyết để mọi người có thể theo dõi và cảm nhận một cách dễ dàng hơn.
50 năm sau, 100 năm sau, những nhân chứng của thời vượt biên như chúng tôi không còn nữa, thì những cuốn sách này sẽ là tài liệu để họ có thể hiểu được biết bao người của thế hệ trước tìm đến thế giới tự do, đã vượt biên đã phải đau khổ như thế nào. Đọc, hiểu, buồn, so sánh để biết được rằng mình may mắn không phải chọn hai chữ tự do bằng con đường vượt biên.
HLC: Bây giờ, xin bước qua lãnh vực khác của ông. Ông, được biết đến đầu tiên về một nghệ thuật, có tên “Bút Họa”. Vì sao ông có tư tưởng về việc dùng vẽ để họa chữ và nói lên một chủ đề?
Châu Thụy:
Trong những phong trào gìn giữ văn hoá Việt Nam tại hải ngoại, chúng tôi sáng lập ra trường phái mới viết chữ và tranh được gọi là nghệ thuật Bút Họa, như là một trong những cố gắng để gìn giữ và phát huy những gì mà tổ tiên đã để lại, tiếp tục góp phần vào nền văn học qua nghệ thuật viết chữ đẹp. Trường phái đang hình thành và được đón nhận để góp phần vào sự bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Nghệ thuật Bút Họa là một nghệ thuật dùng chữ Quốc Ngữ để nói lên ý nghĩa và tính cách đặc thù của ngôn ngữ Việt, mang hồn tính riêng tư, độc đáo của người Việt Nam.
Như chúng ta biết, trong chữ Quốc Ngữ, khi nói đã có âm điệu nhạc tính. Khi viết, đã có những đường nét xuất thần, vừa tạo hình, vừa gợi cảm làm cho mỗi chữ mỗi câu thêm ý nghĩa, thêm phong phú và khởi sắc.
Bằng nghệ thuật Bút Họa, người họa ngữ dùng nhiều đường nét khác nhau, có nét thì sắc mạnh như cuồng phong bão tố, có nét thì uyển chuyển, mong manh như tơ lụa, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay. Tất cả để tạo nên cái âm hưởng, chuyển cái Hồn của chữ và ý của câu để xúc tác tâm hồn người thưởng lãm, thấm sâu vào lòng người.
HLC: Tôi có được xem bút họa về nhạc sĩ Anh Bằng. Xin chia sẻ?
Châu Thụy:
Sau những lần gặp gỡ và tiếp xúc với cố nhạc sỹ, tôi rất kính trọng, yêu thương tính hiền hòa, sự khiêm nhường và lòng nhân hậu của ông. Và sau khi biết ông có chứng bệnh hiểm nghèo trong mình, tôi muốn có một tác phẩm Bút Họa để vinh danh ông khi ông còn sinh thời. Sau một thời gian dài suy nghĩ và qua nhiều lần ngồi trò chuyện với ông để tìm hiểu về âm nhạc của ông. Tác phẩm "Nhạc Sỹ Anh Bằng - Một Đời Cho Âm Nhạc" đã hoàn thành với chữ ký của ông. Tác phẩm gồm gần 200 tựa các bản nhạc được sắp xếp thành khuôn mặt của nhạc sỹ, phần bên trái của khuôn mặt là một phần của bản đồ Việt Nam, khởi sự bằng bản nhạc "Con Đường Việt Nam" rồi đến bản nhạc Nỗi Lòng Người Đi tượng chưng cho Hà Nội, dọc về miền Nam, có Huế, Nha Trang, Đà Lạt đến Sài Gòn, là những địa danh mà Nhạc sỹ đã bỏ vào các bản nhạc. Ông rất đắc ý với tác phẩm để rồi sau đó, chúng tôi đã kết nghĩa tình cha con.
Bút họa "Nhạc sĩ Anh Bằng"
HLC: còn những tác phẩm bút họa nào mà ông tâm đắc?
Châu Thụy:
1. Bức "Thuyền Nhân" Khi tạo nét cho tác phầm Thuyền Nhân, tôi đã để cho tâm tư lãng đãng trở về khung cảnh hãi hùng của con thuyền bé nhỏ, lắc lư lên xuống trên những ngọn sóng cao vút rối lao thẳng xuống vực thẳm muôn trùng! Tôi như cảm nhận thấy sự sống mong manh của cả con thuyền tan biến trong tiếng gào thét của loài hải tặc với hình ảnh những xác chết bồng bềnh trôi dạt... Phải chăng vong linh những nạn nhân xấu số đã đem lại cho tôi cảm hứng để hoàn thành tác phẩm để đời này? Nó không chỉ là một kỷ niệm của riêng tôi mà còn giúp người thưởng ngoạn, nếu là kẻ trong cuộc, cơ hội gặp lại chính mình trong những phút giây hãi hùng, hoảng loạn giữa sự sống, sự chết với những cơn cuồng nộ của đại dương và cơn khát máu của loài giặc biển! Tôi đứng chết lặng thật lâu trước tác phẩm. Lòng bồi hồi tưởng nhớ đến những nạn nhân đã từng có mặt trên những con thuyền vượt biển và tự hỏi họ đang ở nơi nao? Đã may mắn đến được bến bờ tự do như tôi hay đang an nghỉ trong lòng đại dương mà oan hồn của họ đang lang thang đi tìm công lý để bày tỏ nỗi oan khiên chưa được giải thoát?
2. Bức "Việt Nam- Lịch Sử Đấu Tranh Cho Tự Do" Sau hơn một năm suy nghĩ, đọc về lịch sử và sắp xếp tư tưởng, tôi đã đưa danh tánh nhiều vị anh hùng, liệt nữ và những trận đánh lịch sử, chống ngoại xâm vào trong tác phẩm với hình dáng của bản đồ Việt Nam. Tôi rất vui vì khách thưởng lãm đã đứng nghiêm trang và kính cẩn trước tác phẩm vì ý nghĩa cao cả mà tôi đã gửi gấm trong đó.
Bút họa "Lịch sử Việt Nam"
3. Bức "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ ", tôi đã có cơ hội gặp Cố Nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang để nói về sự hình thành tác phẩm dựa trên lời nhạc chứa đầy sự hùng dũng của ông. Tấm hình với nền lụa màu tím, lời bản nhạc được vẽ lên như những ngọn lửa đấu tranh, cháy sáng và vươn cao như những tinh thần yêu nước của những người yêu chuộng tự do. Cố NS Nguyễn Đức Quang đã mất trước khi tác phẩm hoàn tất nên đã không có chữ ký của ông trên tác phẩm.
HLC: Xin ông cho biết có dự tính gì cho tương lai của Vực Xoáy?
CT: Sau khi VX được phổ biến rộng rãi từ tháng 4/2015, đã có nhiều độc giả khắp nơi không ngừng viết trên facebook và gửi về cho tôi những lời nhận xét rất cảm động. Họ đã khuyến khích và chia sẻ chân tình làm cho tôi thấy được việc mình làm đã đem lại những thành tựu chắc cũng đáng được quan tâm trong cộng đồng. Và ít nhiều, tôi cũng phần nào thấy ăn ủi vì đã thực hiện được lời hứa của mình với những nạn nhân kém may mắn trong những cuộc ra khơi. Bên cạnh đó, có nhiều người yêu cầu và mong đợi VX được chuyển dịch ra Anh Ngữ. Hiện nay tôi đang cố gắng, cũng như nổ lực rất nhiều để có một bản chuyển ngữ thật sát nghĩa, sao cho người đọc ngoại quốc khi tìm đọc VX, cũng sẽ có được những cảm xúc như những đọc giả người Việt mình. Có nhiều người tự nguyện phụ giúp tôi để chuyển dịch tác phẩm này, nhưng thời gian gấp rút đang là một khó khăn. Bên cạnh đó vấn đề tài chính để tiến hành công việc vẫn còn là một nan giải. Ngoài ra, cũng có nhiều người cổ động để VX được dựng thành phim.Vì trong biến cố vượt biên đi tìm tự do sau 1975 của dân tộc Việt Nam, đã có hàng trăm ngàn người chết thê thảm trên đường bộ và đường biển, chưa có một bộ phim nào được hình thành đi vào dòng chính để toàn thế giới nhìn ra giá trị của sự TỰ DO mà những người Việt Nam đã hy sinh đánh đổi bằng máu, nước mắt và biết bao sinh mạng đã là cái giá quá đắt để có sự thành công rạng rỡ của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Điều này không phải tự nhiên mà có!
HLC: một câu hỏi về quan điểm cá nhân trước khi tạm biệt. Quan điểm của ông trước hiện tình VN? Ông nghĩ mình sẽ làm gì để đóng góp vào tiến trình dân chủ tự do cho VN vì Vực Xoáy cũng như vài bút hoạ của ông đều nói đến khát kháo chính đáng của con người : Tự do-dân chủ?
Châu Thụy:
Là một người Việt Nam yêu nước tôi luôn hằng mong muốn quê hương được phùng thịnh như những nước tự do khác, được tự mình lựa chọn trở về đất Mẹ để sống mà không gặp bất cứ một đe dọa nào. Người nghệ sỹ chỉ còn có thể dùng những tác phẩm của mình để nói lên niềm ao ước của mình. Qua những tác phẩm, tôi mong muốn mang những tư tưởng để gieo rắc vào trong lòng những người còn có tấm lòng yêu quê hương, chuẩn bị cho một ngày chúng ta được trở về phục vụ và thở hơi thở tự do cuối đời trên quê hương yêu dấu của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét