Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Thoát nghèo rồi lại tái nghèo, nguyên nhân vì sao? - Hoàng Dung, thông tín viên RFA

van-kieu-622
Một gia đình Vân Kiều nghèo ở Quảng Trị.
 File photo
Về công tác xóa đói, giảm nghèo thiếu bền vững tại Việt Nam, nhiều hộ dân được cho là thoát nghèo nhưng rồi lại rơi vào ngưỡng nghèo trở lại. Lý do vì sao?<!->

Nguyên nhân

Trang kinh tế của nhà nước cho biết để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân thì mỗi năm nhà nước chi chừng 90.000 tỷ đồng; và kết quả là mỗi năm Việt Nam có từ 3 – 4% hộ nghèo thoát được cảnh nghèo. Tuy nhiên, sau đó 3-4 năm thì những hộ này lại tái nghèo, và có những năm số liệu tái nghèo lại còn cao hơn số liệu đã thoát nghèo.
Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012 nêu rõ cứ 3 hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo.
Những hộ nghèo thường tập trung ở những vùng nông thôn và các vùng dân tộc miền núi. Đó là những nơi tỷ lệ hộ nghèo cao và cơ hội thoát nghèo chưa bền vững.

Trận bão năm ngoái đã làm sập ngôi nhà, sau đó tôi phải đi vay mấy chục triệu để xây nhà nên giờ gia đình tôi lại trở lại diện hộ nghèo, không biết số tiền tôi vay khi nào mới trả lại được vì sản xuất nông nghiệp như tôi cũng chỉ đủ ăn qua ngày.
-Nguyễn Thị Lan
Khi được hỏi lý do thoát nghèo nhưng sau một thời gian lại rơi vào cảnh nghèo trở lại, chị Nguyễn Thị Lan ở Nghệ An cho biết vì lý do thiên tai nhất là về mùa mưa bão. Gia đình chị là diện hộ nghèo được hỗ trợ 30 triệu đồng để xây nhà tuy nhiên nhà đó đã sập vì trận lụt nay nhà nước không hỗ trợ nữa nên nhà chị phải chạy vạy vay mượn để xây cho được ngôi nhà mà theo nguyên văn của chị để ‘có chỗ chui ra chui vào’; thế là nhà chị lại rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn, nghèo khó:
“Trận bão năm ngoái đã làm sập ngôi nhà, sau đó tôi phải đi vay mấy chục triệu để xây nhà nên giờ gia đình tôi lại trở lại diện hộ nghèo, không biết số tiền tôi vay khi nào mới trả lại được vì sản xuất nông nghiệp như tôi cũng chỉ đủ ăn qua ngày.”
Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa ở Tp Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân do vợ ông mắc căn bệnh hiểm nghèo và để có tiền chữa bệnh cho vợ thì ông phải bán hết tài sản, rồi vay nợ tiếp để có tiền trả viện phí:
“Mới vừa rồi vợ tôi gặp phải căn bệnh hiểm nghèo, nằm viện hơn nửa năm và để có tiền trả viện phí để chạy chữa cho vợ thì gia đình tôi phải bán sạch mọi thứ, thế mà không đủ tôi còn phải vay thêm tiền mới đủ tiền trả viện phí, giờ trong nhà tôi không còn gì có giá trị nữa mà lại còn nợ mấy chục triệu nữa.”
cuu-van-622.jpg
Người dân nghèo hành nghề cửu vạn tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Còn chị Nguyễn Thị Huyền ở Hà Nội vì muốn thoát nghèo nên chị đã vay ngân hàng một số tiền để đầu tư tuy nhiên vì thua lỗ mất cả chì lẫn chài, giờ không trả được nợ thế mà lại còn hoàn nghèo.
“Tôi thấy trong năm trước giá Vàng tăng, nên tôi đã vay ngân hàng để đầu tư vào Vàng nhưng không ngờ sau đó giá Vàng giảm mạnh thế là tôi bị thua lỗ nên lãi ngân hàng vẫn chưa trả được.”
Bên cạnh những hộ tái nghèo do những hoàn cảnh khách quan như bệnh tật, thiên tai… thì còn có những người lại không muốn thoát nghèo vì gia đình thuộc diện hộ nghèo thì sẽ có được nhiều ưu đãi hơn. Đó là một số khoản như được phát gạo vào mỗi dịp tết, được khám chữa bệnh miễn phí hay là con cái đi học được miễn giảm học phí. Chị Nguyễn Thị Trang ở Quảng Bình chia sẻ:
“Hộ nghèo được rất nhiều ưu đãi nên có nhiều người không muốn thoát nghèo, hộ nghèo như tôi con cái đi học được miễn học phí, mỗi tháng tôi được nhận 180.000 đồng.”
Nguyên nhân để mà tái nghèo thì rất là nhiều, một là liên quan đến những cái rủi ro, biến đổi khí hậu những sự cố của người nghèo thì rất dễ tái nghèo thôi đó là 1 trong những lý do cơ bản nhất, hạn hán, lũ lụt, giá cả.
-Chu Thị Hạnh
Phát biểu về tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo, cô Chu Thị Hạnh phó vụ trưởng, văn phòng quốc gia về giảm nghèo cũng đồng ý với những nguyên nhân khách quan cũng như nhiều yếu tố chủ quan mà người dân nêu ra:
“Nguyên nhân để mà tái nghèo thì rất là nhiều, một là liên quan đến những cái rủi ro, biến đổi khí hậu những sự cố của người nghèo thì rất dễ tái nghèo thôi đó là 1 trong những lý do cơ bản nhất, hạn hán, lũ lụt, giá cả... những cái đó toàn là những yếu tố khách quan tác động vào cho người nghèo, nghèo thì lại tái nghèo thôi. Yếu tố chủ quan bây giờ mình khó mà đánh giá được. Chủ quan thì là do ý thức của người nghèo.”

Giải pháp?

Tại một số nơi tại Việt Nam để thoát cảnh nghèo, nhiều gia đình chọn cách thức vay nợ để cho con cái mình đi xuất khẩu lao động. Theo họ đó dường như là con đường duy nhất, để mong cho họ sớm thoát cảnh nghèo. Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết:
“Để mong thoát cảnh nghèo, tôi đã chơi canh bạc cuối cùng là cho con trai tôi đi xuất khẩu lao động nước ngoài, như vậy mới mong thoát nghèo được.”
Nhiều ý kiến lâu nay cho rằng để giải quyết tình trạng xóa đói giảm nghèo cho người dân thì ngoài biện pháp hỗ trợ tạm thời, cơ quan chức năng cần cho người nghèo chiếc cần câu cá. Một khi có nghề nghiệp ổn định, nơi cư trú bền chắc, người dân mới có điều kiện lao động để sinh sống và đóng góp cho xã hội. Đây là một kế hoạch tổng thể, lâu dài chứ không thể chắp vá như lâu nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét