Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

DÌ THẢO - Truyện của Phương Lan


Ông bà ngoại tôi có ba người con, mẹ tôi là lớn nhất, kế đến cậu Ngọc, mãi hơn tám năm sau, bà ngoại mới sanh thêm cô con gái út là dì Thảo.  Vì là út nên được cưng nhất nhà, dì Thảo học không giỏi nhưng rất đẹp, năm mười sáu tuổi dì đã nổi tiếng xinh đẹp, có thể nói dì đẹp nhất trường, đẹp nhất tỉnh.  Đến tuổi cập kê, nhan sắc của dì lọt vào cặp mắt đa tình của một chàng trai xứ Huế, dòng dõi hoàng tộc, bác sĩ Ưng Bửu, trong một buổi đón tiếp phái đoàn y tế từ Huế ra Nha Trang làm cố vấn cho việc thiết bị một bệnh viện mới thành lập: quân y viện Nguyễn Huệ.<!-->
Dì Thảo và một số nữ sinh của trường trung học Võ Tánh được cử ra phi trường để đón mừng phái đoàn, và choàng vòng hoa thân hữu.  Dáng dấp yêu kiều của cô nữ sinh hoa khôi đã thu hút anh chàng bác sĩ trẻ tuổi ngay tức khắc.  Cô nữ sinh e lệ núp sau lưng bạn, trốn tia nhìn say đắm của người thanh niên hào hoa và rất điển trai, mặt cô hồng lên, sáng tươi, rực rỡ, đẹp hơn cả hoa đào… Ngay buổi trưa hôm sau, lúc vừa tan học, dì Thảo đã thấy chàng thanh niên đa tình đang đứng chờ ngay trước cổng trường. Tim đập mạnh những cảm giác xôn xao, nàng cúi mặt thẹn thùng khi chàng bước tới… Thế là bắt đầu một cuộc tình thơ mộng.  Tình yêu đã nẩy nở giữa đôi trai tài, gái sắc trong khung cảnh biển xanh, cát trắng tuyệt vời của thành phố Nha Trang.  Đến ngày chia tay, Ưng Bửu phải theo phái đoàn trở về Huế, ông đi mà lòng bịn rịn, không muốn rời.
Đường xa không là trở ngại, bởi vì khi yêu thì chín sông cũng lội, năm, bẩy đèo cũng qua, Ưng Bửu như con thoi, hết ra Nha Trang rồi lại trở về Huế, rồi lại đi Nha Trang để gặp người yêu hàng tuần.  Họ yêu nhau ròng rã như vậy mấy năm liền, tới khi dì Thảo học xong Sư Phạm tiểu học thì mới tính chuyện hôn nhân, tại ông ngoại muốn thế, ông không muốn cho cưới quá sớm.  Năm đó dì Thảo vừa tròn hai mươi tuổi, một lễ hỏi trọng thể đã được cử hành, sắp sửa đến đám cưới thì xảy ra một chuyện đáng buồn: ông hoàng thân tử nạn xe hơi trong chuyến đi từ Huế ra Nha Trang thăm người yêu, và chuẩn bị cho lễ cưới vào đầu tháng tới.  Chiếc xe hơi nhà do chính ông cầm lái, trong lúc tránh một cái xe khác đi ngược chiều, đã đâm vào vách núi bẹp rúm. Ưng Bửu ngất đi trên tay lái, phải khó khăn lắm, người ta mới đem được ông ra.  Hôm đó trời mưa bão lớn, đường xá lầy lội, trơn trượt, đáng lẽ nên ở nhà, nhưng ông không muốn bỏ buổi hẹn quan trọng với người yêu, sắp đám cưới rồi, còn bao nhiêu việc cần phải bàn tính, và cần sự có mặt của ông như việc đặt nhà hàng, đo nhẫn cưới, và đăng ký kết hôn.  Họ đã hẹn sẽ gặp cha xứ vào sáng Chủ nhật, để bàn về chi tiết trong việc tổ chức đám cưới tại nhà thờ.  Đàng nào cũng đi, thì nên đi cho sớm, để có nhiều thì giờ bên nhau, thứ Hai phải đi làm lại rồi.  Công việc của một bác sĩ trưởng khu giải phẫu thật là bận rộn, bởi vì ngoài vấn đề chuyên môn, ông còn phải phụ trách việc giảng dạy cho các sinh viên y khoa đang thực tập tại bệnh viện.  Ông dự tính sau đám cưới, sẽ xin thôi công việc giảng dạy cho trường Đại Học Y Khoa Huế, và xin đổi ra Nha Trang đi làm tại nhà thương.  Mặc dù với chức vụ giảng sư đại học có nhiều oai quyền, và lương bổng cũng khá hơn, nhưng ông không ham địa vị, cũng không ưa làm giầu.  Hơn năm năm làm việc đủ tạo cho ông một số vốn đáng kể, ngoài ra ông còn được thừa hưởng một gia tài khá đồ sộ do cha mẹ ông mất sớm để lại. Từ khi có ý định xây dựng gia đình, ông đã tom góp vốn liếng, quyết định sẽ ra Nha Trang lập nghiệp.  Ông chiều dì Thảo là chuyện dĩ nhiên, nhưng chính ông cũng thích được sống ở vùng biển, có khí hậu trong lành, có khung cảnh  nên thơ, đẹp như trong các truyện cổ tích đời xưa…
Để chuẩn bị cho tổ ấm tương lai, ông đã mua một căn nhà nhỏ ở trên đồi, nơi vùng biển vắng, đẹp và yên tĩnh nhất của thành phố Nha Trang, chỉ cách nhà ông bà ngoại tôi có một khúc quanh ngắn ngủi.  Nhà có mặt sau trông ra biển xanh bao la bát ngát, bãi cát trắng phau chạy vòng tới chân núi phía xa, và trên bờ là những rặng phi lao, gió thổi rì rào nghe như điệu nhạc, khung cảnh thanh tịnh và đẹp tuyệt vời.  Hai người đã bỏ vào đấy bao nhiêu công sức, thuê người tu sửa, sơn phết trong ngoài đẹp đẽ, họ sắm sửa đồ đạc, trang trí các phòng, biến căn nhà nhỏ thành một tổ ấm tuyệt vời.  Công việc vừa xong, mọi thứ đều sẵn sàng để đón chờ cặp uyên ương lý tưởng.
Tai nạn xảy ra, người ta chở nạn nhân đi bệnh viện, hoàng thân Ưng Bửu bị dập phổi và xuất huyết nội tạng, thương tích rất nặng, nhưng không bị hôn mê.  Ông tỉnh dậy trong bệnh viện, và sống thêm được ba ngày.  Trong ba ngày đó, ông rất tỉnh táo và đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người vợ chưa cưới của ông là dì Thảo.  Được tin dữ, dì Thảo ngất đi, tỉnh lại mấy lần.  Hôm đám tang, dì hứa trước quan tài của người chồng chưa cưới là tình yêu của dì dành cho ông không bao giờ thay đổi, cho dù ông không còn nữa.
Cái chết của ông đã làm đảo lộn cuộc sống đang yên bình của dì. Từ một đứa con cưng trong gia đình, lớn lên dưới sự thương yêu, bảo bọc của mẹ cha, dì Thảo non nớt, yếu mềm như một nụ hoa.  Đến tuổi biết yêu, may mắn gặp được người tình trong mộng, Ưng Bửu là một chàng trai tuyệt vời, và yêu dì như chưa ai từng yêu đến thế.  Dì Thảo đúng là được trời chiêu đãi, dì đang nhìn đời qua lăng kính màu hồng, đột nhiên một cơn giông chợt đến bất ngờ làm đất trời tối xầm lại, mọi vật đều trở nên màu xám, ông trời ác nghiệt đã lấy lại tất cả những gì đã cho ra.  Cái chết của người yêu đã xô dì xuống hố sâu của tuyệt vọng, dì Thảo ủ rũ như một cành cây khô không còn nhựa sống.  Dì tự giam mình trong ngôi nhà lẽ ra là cái tổ ấm của hai vợ chồng, dì chuyển sang đấy tất cả những vật dụng riêng của dì, những đồ kỷ niệm của  người yêu, và ở luôn tại đó, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm nhà.  Dì thôi nghề dạy học, khi mà sinh kế không còn là một vấn đề thiết yếu, dì thấy không cần thiết phải đi làm nữa.  Dì dành tất cả thì giờ để mộng mơ, để tưởng nhớ đến người đàn ông mà dì đã yêu với tất cả say đắm của mối tình đầu, để đắm mình trong hạnh phúc tưởng tượng mà lẽ ra hai người sẽ được hưởng.
Vì chưa từng trải đời, dì chỉ thích sống như trong tiểu thuyết, dì muốn tình yêu của dì phải khác hơn mọi người. Việc Ưng Bửu để lại toàn bộ tài sản cho dì, khiến dì càng thêm cảm động, dì luôn luôn tự hỏi phải đau khổ dến mức nào mới xứng với tình yêu Ưng Bửu đã dành cho dì? Tuổi mới hai mươi mốt, dì sống khắc khổ như một nữ tu, và từ chối tất cả mọi đám mai mối, mặc dù có nhiều đám rất danh giá.  Không thiếu gì người si tình dì, bởi vì dì vẫn rất đẹp, hình như cái vẻ nghiêm trang, lạnh lùng lại làm tăng thêm những nét quyến rũ cho cái sắc đẹp vốn trời cho của dì.  Nhưng dì Thảo không màng để ý đến ai cả, đã ba năm qua, dì vẫn sống lặng lẽ, âm thầm một mình, một bóng, buồn bã, cô đơn như người lữ khách một mình đi giữa đêm đông. Thế rồi bà ngoại mất đi, dì lại càng cô đơn hơn nữa, mẹ tôi bận rộn bán buôn suốt ngày, dì không có ai là bạn cả, ngoài tôi năm đó mới lên tám tuổi.  Tôi thường được dì dắt đi biển chơi, hai dì cháu ngồi trên bãi cát, dưới bóng mát của một cây thông già, nhìn ra biển khơi, ngắm không chán mắt những lượn sóng từ xa xô vào bờ rồi dạt ra, tung bọt trắng xoá, hơi nước như một làn sường mù bay cao, che mờ một vùng.  Dì trỏ cho tôi thấy:
-       Cháu nhìn xem tảng đá ở ngoài xa kia, hình dạng như năm ngón tay của một bàn tay đang dơ thẳng lên trời, như người đang thề…
-       Cháu thấy rồi, giống lắm.  Rồi sao nữa dì?
-       Vị hôn phu của dì, và dì đã có lần thuê thuyền ra tới đó, cùng sờ tay lên tảng đá, để thề nguyền sẽ yêu nhau trọn kiếp.
Dì thở dài, nhắm mắt lại như để hồi tưởng, một lúc sau mới buồn bã nói tiếp:
-       Lăng biết không? bây giờ mỗi khi ra đây nhìn thấy tảng đá, dì nhớ lại lời thề, và tự nguyện với lòng là sẽ giữ vẹn thủy chung với người dì yêu, cho đến lúc chết.  Lời thề của dì nhất định sẽ bền hơn cả đá.
Hai năm sau, cha mẹ tôi rời Nha Trang vô Sài Gòn làm ăn, tôi xa dì từ đấy, tính đến nay cũng đã hơn ba năm.  Ba năm qua, bao nhiêu thay đổi, tôi lớn bồng lên thành cô bé mười ba, sắp sửa thi trung học, ông ngoại già đi nhiều,  tóc bạc trắng như bông, cậu mợ Ngọc đã có thêm một em bé nữa… Mọi sự đều khác xưa, chỉ riêng dì Thảo là vẫn không thay đổi, vẫn âm thầm một mình một bóng.  Mẹ tôi buồn lắm, bà than với cậu mợ Ngọc:
-       Không hiểu tương lai con Thảo rồi sẽ đi về đâu? không lẽ nó cứ sống như vậy suốt đời?  Tội nghiệp cái số nó đúng là số khổ, cứ xem sắc mặt hồng hồng của nó, các cụ ngày xưa thường nói hồng nhan đa truân…
Tôi không tin tướng số, mà chỉ thấy nét mặt như hoa đào của dì là rất đẹp, tiếng nói trong trẻo, nụ cười đôn hậu của dì khiến người đối diện có cảm giác thư thái, tin cẩn.  Một người vừa đẹp, vừa hiền lành như thế, không thể  khổ suốt đời được, tôi thầm cầu mong một phép lạ sẽ đến, đem dì ra khỏi vùng trời kỷ niệm tang thương mà dì đang tự giam mình vào.
 
Khi ông ngoại sắp tròn bẩy chục tuổi, cha mẹ tôi bàn với dì Thảo và cậu mợ Ngọc sẽ tổ chức một lễ mừng thượng thọ thật lớn vào dịp hè này.  Tôi vô cùng náo nức, vì đã lâu lắm chưa được về quê ngoại, và hôm nay cái ngày mong đợi đó đã tới.  Ra đón chúng tôi ở phi trường Phú Bài là dì Thảo.  Trong phòng đợi lố nhố những người, dì đi len lỏi giữa đám đông, ngơ ngác tìm kiếm.  Tôi nhìn thấy dì đầu tiên và lớn tiếng gọi:
-       Mọi người đây nè, dì Thảo! dì Thảo!
Dì quay ngay lại, tôi chạy thật nhanh tới vừa lúc dì dang tay ra đón, hai dì cháu ôm chầm lấy nhau, dì kêu lên mừng rỡ:
-       Lăng đây hả? Trời ơi! lớn bằng từng này rồi cơ à?
Tôi cao gần bằng dì, chỉ cần kiễng chân lên một chút, tôi đã bá lấy cổ dì, và được dì đặt một cái hôn thật kêu lên má.  Mẹ tôi mỉm cười, vừa lúc đó cha tôi và chú Lãm cũng đang đi tới, dì hơi khựng lại khi nhìn thấy người lạ.  Cha tôi giới thiệu:
-       Đây là cô Thảo em của nhà tôi, còn đây là chú Lãm, người em con cô, con cậu ruột của tôi từ Sài Gòn ra đây nghỉ mát vài tuần, tôi rủ đi chung cho vui.
Dì Thảo cúi đầu chào, dưới cái mũ rơm, mặt dì ửng hồng vì nắng, màu áo đen làm tôn nước da trắng nõn của dì.  Bây giờ tôi mới có thì giờ ngắm nghía, mặc dù tuổi gần ba mươi nhưng trông dì còn trẻ, và vẫn rất đẹp.  Chú Lãm kín đáo khẽ liếc nhìn, và lịch sự nghiêng mình đáp lễ, chú vui vẻ nói:
-       Thật ra cũng không phải hoàn toàn chỉ đi nghỉ mát đâu, tôi ra đây là vì công việc. Tôi định mở một cuộc triển lãm tranh, và nếu thích thì ở lại ít lâu, vẽ vài cái phong cảnh.
-       Nếu thế thì ông chọn đúng nơi rồi, vì phong cảnh ở đây đẹp lắm.  Dì Thảo nói.  
Cha tôi vui vẻ:
-       Đúng ra thì chú Lãm là một họa sĩ truyền thần, chú có biệt tài vẽ chân dung sống động như người thật, và đã được giải thưởng quốc tế cách đây mới hai năm.
-       Lại quảng cáo rồi, chú Lãm cười, anh đợi đến hôm khai mạc hãy nói có hơn không, ở đây làm gì có khán giả?
Mọi người cùng cười xoà, dì Thảo cũng mỉm cười và quay sang mẹ tôi:
-         Dạo này trông chị hơi gầy đi, nhưng khỏe ra.  Mọi người đi đường có mệt không ?
-       Không! bay có hai tiếng mà mệt gì?
Hai người nói chuyện thời tiết, trong khi cha tôi và chú Lãm đi lấy hành lý. Mẹ tôi ghé tai dì, nói nhỏ:
-       Cho chú Lãm quá giang về khách sạn ở gần nhà mình, vì chú ấy không có người quen nào ở tỉnh này cả.
Dì Thảo gật đầu :
-       Được, để em sẽ bảo bác Tài.
Mẹ tôi hỏi:
-       Dạo này cha có khoẻ không? Cuối tháng này, chị em mình sẽ tổ chức lễ thượng thọ cho cha, anh chị có ý định sẽ tặng cha một bức hoạ truyền thần, do chú Lãm vẽ.  Kể ra thì cũng hơi gấp, vì chỉ còn có mười ngày nữa, nhưng Lãm nói không sao cả, chú ấy sẽ cố gắng làm cho xong trước ngày lễ mừng.
-       Được vậy thì tốt lắm.
Câu chuyện tới đây tạm ngưng, vì hai người đàn ông đã quay lại, trên tay khệ nệ những hành lý, túi xách.
Những ngày chú Lãm đến vẽ cho ông ngoại thì dì Thảo lánh mặt ở nhà riêng, dì chỉ xuất hiện vào hôm lễ thượng thọ.  Mẹ cằn nhằn :
-       Bữa nay cô làm ơn bỏ cái bộ đồ đen đó đi, được không?
Dì Thảo cau mày, hơi có vẻ bất bình:
-         Tại sao em lại phải thay đổi một thói quen?
Tám năm qua, từ khi người yêu qua đời, quanh năm dì Thảo chỉ mặc toàn đồ đen, như để tang cho người xấu số, hôm nay cũng không ngoại lệ.  Mẹ tôi nhìn dì bằng cặp mắt thương xót lẫn ái ngại, nhưng bà vẫn cương quyết nói:
-       Tại sao à? Vị hôn phu của cô qua đời đã tám năm rồi, cô định để tang cho tới bao giờ?  Hôm nay là ngày lễ mừng thọ cha, cô mặc đồ tang như thế sẽ đem lại điềm xui, chứ còn sao nữa?
Dì Thảo có vẻ nghĩ ngợi một lúc rồi thở ra:
-         Thôi được rồi, để em đi thay áo.
Một lúc sau, dì trở lại, tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi khác lạ của dì.  Dì Thảo trông đẹp hẳn lên trong chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông màu vàng nhạt, mái tóc đen óng ả trước đây dì vẫn buộc túm lên sau gáy, bây giờ được thả xuống tự nhiên, những lọn quăn buông xõa trên hai vai, dì Thảo trông đẹp như tiên nữ.  Mẹ cười hài lòng:
-       Như thế có phải hơn không nào ? Tội gì cô cứ phải tự làm cho mình già và xấu đi?
Dì Thảo lặng thinh không trả lời.  Có tiếng bấm chuông, vì tôi đang bế em bé, con của mợ Ngọc, nên mẹ nhờ dì ra mở cửa.  Chú Lãm đến, khệ nệ đem theo bức tranh sơn dầu vừa mới hoàn thành, có lồng khung cẩn thận.  Cũng như tôi, chú ngẩn người ra ngắm dì, chú nhìn không chớp mắt người con gái mà mới gặp lần đầu đã làm tim chú xao xuyến, hôm nay trông đẹp quá. 
Dì Thảo bối rối quay đi trốn ánh mắt say đắm của người đàn ông đang đứng trước mặt, tay dì run run và mặt dì đỏ bừng, trong một thoáng, dì hơi ngỡ ngỡ ngàng, ánh mắt sao giống như ánh mắt người xưa… 
Nhưng rồi rất nhanh chóng, dì lấy lại bình tĩnh, mở toang hai cánh cổng, mặt dì trở lại thản nhiên như cũ.  Tuy nhiên, những biến chuyển tình cảm trên mặt dì, không qua khỏi cặp mắt tinh tường của chú Lãm.  Qua phút xúc động, chú chợt tỉnh và thấy mình hơi có vẻ sỗ sàng, chú ngượng nghịu nói giọng cố làm ra vẻ tự nhiên:
-       Chào cô Thảo! cô vẫn khoẻ chứ? Tôi đến có sớm quá không?
-       Ồ không đâu, dì Thảo vội vã nói, gần trưa rồi, mọi người cũng sắp tới bây giờ.  Mời ông vào!
Dì khép cổng rồi quay vào nói:
-       Để tôi phụ với ông một tay.
 Chú Lãm cố từ chối nhưng không được, hai người khiêng bức tranh vào nhà, lớp giấy bao được bóc đi, mọi người xúm lại ngắm nghía, tấm tắc khen tranh giống y như người thật.  Dì Thảo dứng ngắm bức họa rất lâu, nét mặt đăm chiêu như đang suy tính việc gì.  Quả vậy, ngay chiều hôm sau, khi chú Lãm đến chơi, dì đề nghị:
-       Tôi muốn nhờ hoạ sĩ vẽ dùm một bức tranh.
-       Tôi sẵn lòng, cô muốn vẽ gì thế?
-       Vẽ hình tôi . 
Chú Lãm gật đầu một cách sốt sắng:
-       Tưởng gì chứ chỉ có thế, tôi rất hân hạnh.
-       Tôi phải nói trước, bức tranh này có hơi đặc biệt một chút…
-       Cô cứ nói!
-       Tôi muốn nhờ họa sĩ vẽ hình tôi mặc áo cô dâu, đứng bên người chồng sắp cưới của tôi là hoàng thân Ưng Bửu.
-       Nhưng ông ta đã chết rồi kia mà?
-       Không sai!  Chúng tôi đang chuẩn bị làm đám cưới, thì anh ấy tử nạn. Tôi nghĩ điều tiếc hận duy nhất của anh ấy là chưa cưới được tôi, nên tôi muốn làm thoả mãn ước mơ của anh ấy.
-       Nghĩa là cô muốn có một bức tranh đám cưới với người đã chết?
-       Đúng vậy! Ưng Bửu đặt bao nhiêu hy vọng vào ngày thành hôn, chắc chắn anh ấy sẽ rất hài lòng khi thấy hình đám cưới của hai vợ chồng được trưng trong căn nhà hạnh phúc của chúng tôi.
Từ nãy giờ, mọi người đều xửng sốt trước ý định kỳ lạ của dì Thảo, ông ngoại thở dài bỏ ra ngoài trước tiên, sau đó là cha tôi và cậu mợ Ngọc.  Tới đây, thì mẹ tôi không thể im lặng được nữa, bà bực bội lên tiếng:
-       Tôi không muốn ngăn cản em gái tôi, nhưng thật sự tôi không tán thành cái ý định ấy.
-       Không sao cả!  Chú Lãm vội vã nói, chị cứ để cô ấy làm theo ý muốn, đó cũng là quyền tự do tín ngưỡng mà chúng ta phải tôn trọng.
Quay sang dì Thảo, chú hỏi:
-       Cô có hình của anh ấy chứ?
-       Dĩ nhiên! nhưng đó là hình mặc thường phục, hoạ sĩ có thể biến nó thành lễ phục chú rể được chứ?
-       Chuyện đó dễ thôi, tôi sẽ vẽ hình cô trước, sau đó sẽ vẽ hình anh ấy đứng cạnh cô như đôi tân hôn trong ngày cưới.  Cô muốn như vậy phải không?
Dì Thảo mỉm cười hài lòng, nhưng nét mặt rất buồn, sau đó hai người bàn bạc về ngày giờ và địa điểm làm việc.  Mẹ tôi nắm lấy tay tôi kéo ra khỏi phòng, bà lắc đầu ngao ngán và nói nhỏ với riêng tôi:
-       Dì Thảo mày điên rồi, không hiểu rồi đây sẽ còn nghĩ ra những trò quái gở nào nữa?  Lạ một điều là chú Lãm lại đồng ý hợp tác trong việc này?
Tôi mỉm cười:
-       Mẹ chẳng tâm lý tí nào, mẹ không để ý đến ánh mắt của chú Lãm mỗi khi nhìn dì Thảo hay sao?  Con biết ngay là chú đã si tình dì Thảo lắm rồi, đây là cơ hội để hai người gặp gỡ hàng ngày, dại gì chú lại bỏ qua?
Mẹ tôi ngẫm nghĩ rồi gật đầu, nét mặt tươi như hoa:
-       Con nhận xét đúng lắm!
Bà ngắm nghía tôi một lúc rồi vui vẻ nói:
-       Lăng đã lớn rồi đó.
-       Dĩ nhiên! con sắp mười bốn tuổi rồi chứ bộ?
Dì Thảo sau lần hội kiến đó, lại trở về nhà riêng, đóng cửa lại, thả hồn theo những tưởng tượng về cái hạnh phúc lứa đôi lẽ ra dì sẽ được hưởng, nếu không bị cái số phận cay nghiệt kia ngăn lại.  Ôi! thật là tội nghiệp cho người con gái xấu số, chưa lấy chồng đã thành goá phụ.  Người dì đáng thương của tôi từ nhỏ vẫn sống trong tháp ngà, chưa từng va chạm với đời, nên không có sức phấn đấu.  Bản chất yếu đuối, nhu nhược, dì muốn buông xuôi tất cả, chỉ để tưởng nhớ đến người tình đã khuất. Tính dì Thảo rất kiên cuờng, khi đã quyết định việc gì thì không ai khuyên can được, kể cả bà ngoại lúc còn sống, và mẹ tôi bây giờ, vì thế nên tôi rất mừng khi chú Lãm đến với dì, hy vọng chú sẽ làm chảy tan đi cái tảng băng lạnh lùng kia.  Cuộc hẹn là tuần sau, ngày hẹn, dì Thảo mặc cái áo đẹp nhất và trang điểm như cô dâu khi chú Lãm đến.  Chú lịch sự trao cho dì một bó hoa thật đẹp:
-       Cô quên là cô dâu thì phải cầm hoa hay sao?
Vì chú nói thế, nên dì Thảo phải vui vẻ nhận.  Hôm đó là một ngày đẹp trời, không khí mát mẻ, trong lành.  Mới hơn 7 giờ sáng, nên cỏ non còn lóng lánh sương đêm, chim chóc mới ra khỏi tổ, nhảy chuyền trên cành ca hót ríu rít, từng cơn gió nhẹ thoang thoảng mùi hương hoa trong vườn, hơi hướng của mùa hè đang độ rực rỡ nhất.  Dì Thảo ngồi trên ghế kê ngoài vườn, dưới gốc một cây tường vi nở đầy hoa màu tím nhạt.  Mặt trời mới lên sau ngọn cây, chiếu những tia nắng sớm vàng nhạt xuống cảnh vật, ánh nắng lọc qua khe lá rơi lốm đốm trên áo cô dâu màu trắng, nắng chiếu phớt nghiêng qua mái tóc, ánh nắng làm mặt dì ửng hồng.  Mặt chú Lãm cũng ửng hồng, chú đưa tay ra hứng nắng, đắn đo một lúc, rồi sửa lại thế ngồi cho dì:
-       Như thế nhé? nhưng cô phải vui lên mới được, làm cô dâu không được buồn.
Dì Thảo hơi mỉm cười, nét mặt tươi lên, đôi môi mọng đỏ xinh đẹp, hai cọng tóc mai uốn quăn thả lơi hai bên má, đong đưa theo mỗi cơn gió nhẹ, chưa bao giờ tôi thấy dì đẹp đến thế.  Chú Lãm đã mặc áo choàng và đang mở hộp đồ nghề sơn và cọ, một khung vải được dựng bên giá vẽ.  Bàn tay người nghệ sĩ tài hoa hơi run vì xúc động, chú khẽ liếc nhìn người thiếu nữ ngồi trước mặt với một vẻ say đắm, như người đang chiêm ngưỡng một tuyệt tác phẩm của tạo hóa.  Chú cầm cọ lên, và bắt đầu những nét phác họa đầu tiên…  Chú Lãm vẽ cẩn thận và tỉ mỉ lắm, để hết cả tâm hồn vào bức tranh, hình như trong đời chú, chưa bao giờ chú làm việc một cách hứng khởi và say mê đến thế, hai người vừa làm việc vừa nói chuyện.
Chú Lãm là một người vui tính, và có biệt tài pha trò rất có duyên, mỗi khi chú có mặt ở đâu, thì nơi đó rộn ràng những tiếng nói, cười.  Căn nhà của ngoại xưa nay vẫn lặng lẽ vì vắng khách, từ dạo có chú  bỗng vui vẻ hẳn lên. Thường thì chú làm việc từ sáng sớm cho tới khi mặt trời lên cao mới ngưng.  Chú nói với dì Thảo:
-       Tôi chỉ ngại cô không chịu được nắng, chứ được làm việc với cô bao lâu tôi cũng không thấy mệt.
Dì Thảo khẽ chớp mắt nhưng không nói gì, chú đưa cho dì mấy cuốn sách, bảo dì đọc cho đỡ buồn rồi mới ra về.  Ông ngoại sai cha tôi đem bức tranh vào nhà, và sáng hôm sau lại đem ra để ở chỗ cũ, cho hoạ sĩ vẽ tiếp.  Bây giờ đã thành cái lệ, hôm nào chú không đến, nhà như thiếu vắng một cái gì, mọi người đều mong đợi chú với vẻ nôn nóng.  Chắc dì Thảo cũng thế, tuy dì kín đáo không nói ra, nhưng đã có lần tôi bắt gặp dì nhìn đồng hồ tới mấy lần hôm chú tới trễ.  Dạo này dì cũng ít về nhà riêng, dì gần như ở hẳn tại nhà ông ngoại “ để có thì giờ riêng tư với mẹ cháu ”, dì giải thích.  Lũ trẻ con chúng tôi được dịp tha hồ ăn những món ngon do dì nấu nưóng.
Ba tuần lễ trôi qua nhanh chóng, sau cùng thì bức tranh sơn dầu vẽ hình cô dâu cũng hoàn tất, xem cách chú Lãm trân trọng bức tranh, tôi có thể đoán đây là tác phẩm ưng ý nhất của chú.  Mọi người xúm lại ngắm nghía và trầm trồ khen ngợi :
-       Đẹp lắm, đẹp lắm! giống y như người thật.
-       Cô dâu trông tươi quá!
Tôi nhìn lên khung vải, dưới nét bút tài tình của người họa sĩ, khuôn mặt dì Thảo hiện ra sống động như một người bằng xương, bằng thịt, có điều là một dì Thảo trẻ trung xinh đẹp, một dì Thảo vui tươi yêu đời, với ánh mắt long lanh và nụ cười rạng rỡ.
-         Hoạ sĩ tài thật.  Mợ Ngọc nói, mới biết đây thôi, làm sao ông có thể vẽ lại hình ảnh của cô Thảo thuở chưa biết buồn?
-    Chỉ cần chú ý đến những nét đặc biệt của người mẫu, họa sĩ có thê diễn tả được hình ảnh của đối tượng qua đủ mọi sắc thái, khi vui cũng như lúc buồn.
Chú Lãm nói xong quay sang nhìn dì Thảo với một vẻ rất chân thành:
-       Tôi đâu có vẽ cô Thảo bây giờ, mà là cô Thảo trong tương lai… Tôi muốn cô sống vui vẻ.
Dì Thảo nhìn chú Lãm tỏ vẻ biết ơn.  Mẹ tôi nói giọng cảm động:
-       Nhìn tranh, chị nhớ lại hình ảnh của em lúc còn đi học, vui tươi nhí nhảnh, ca hát suốt ngày như chim sơn ca, chứ không ủ dột như bây giờ.  Em nên quên cái chuyện rủi ro đó đi mới phải, nỗi buồn nào rồi cũng phai theo thời gian, miễn là mình đừng cố ý nuôi dưỡng nó.
Mỗi khi mẹ dùng tiếng em để gọi dì là lúc bà rất xúc động, dì Thảo cũng thế, tôi chợt nhận ra là mắt của hai người đều đỏ hoe.  Chú Lãm không nói gì, nhưng ánh mắt chú nhìn dì Thảo đã nói lên cả một trời yêu thương.
Hôm sau, chú Lãm lại đến để tiếp tục công việc, chú nói với dì Thảo:
-       Bây giờ đến luợt vẽ hình chú rể, cô cho tôi xem một tấm hình của anh ấy.
Dì Thảo lục trong túi xách, đưa ra một cái hình nhỏ đã được dì trân trọng đặt vào trong một cái khung bằng bạc có lộng kiếng :
-       Tôi chỉ có tấm hình này là hình mới nhất của Ưng Bửu, chụp trong ngày lễ đính hôn của chúng tôi.
-       Nghĩa là cách đây đã tám năm?
-       Phải!
Chú Lãm cầm tấm hình đã hơi vàng ố lên xem và khen:
-       Chà! anh ấy trông trẻ và đẹp trai quá.
-       Chính thế! Dì Thảo nói một cách hãnh diện, anh ấy đẹp trai như tài tử Alain Delon, chỉ tiếc là chết rất trẻ, Ưng Bửu chết lúc mới ba mươi hai tuổi.
-       Thật là chuyện đáng buồn!
-       Đúng vậy, cú xốc kinh khủng đó đã làm cho tôi chới với, tôi không biết làm thế nào có thể đứng vững lại được.
-       Tôi hiểu, sau cái tai hoạ bất thình lình giáng xuống, thái độ đau khổ của cô là lẽ dĩ nhiên, ai cũng có thể thông cảm, miễn là đừng kéo dài quá lâu.
-       Nhưng tôi đã đánh mất niềm tin vào cuộc đời rồi ông ạ! Đối với tôi bây giờ, cuộc đời không còn nghĩa lý gì hết, trước đây tôi sống vì Ưng Bửu, bây giờ anh ấy không còn nữa, tôi còn gì để vui sống? Nhiều lúc tôi ước mình có thể hoá điên để khỏi cảm thấy đau khổ..
-       Ai lại ước dại dột thế?  Chú Lãm cười dịu dàng, nhiều người đau khổ vì bệnh tật, chỉ cầu mong được khoẻ mạnh, còn cô… Xem ra ở đời hiếm ai được hoàn toàn như ý muốn, mỗi người một hoàn cảnh, và ai cũng có đôi lúc gặp trở ngại, nhưng phải cố gắng mà vượt qua.  Hãy quên cái quá khứ đau buồn đó đi! chẳng lẽ cô định sống suốt đời với một bóng ma à?
-       Chắc là vậy, bởi vì tôi yêu cái bóng ma ấy.  Mỗi khi tôi nhắm mắt, hình ảnh của Ưng Bửu lại hiện ra y hệt như lúc còn sống. Tôi hình dung ra Ưng Bửu vào thời gian cuối cùng trước khi anh ấy mất…
-       Và hình ảnh ấy mãi mãi vẫn không thay đổi, đúng không? vì người chết đâu có già đi.  Nhưng chúng ta, những người còn sống, chúng ta không thể đi ngược lại qui luật của tạo hoá, chúng ta vẫn phải quay theo bánh xe của thời gian, tôi muốn nói chúng ta mỗi ngày một già đi.  Cô định chờ anh ấy cho tới bao giờ?
-       Cho tới ngày xuôi tay nhắm mắt… Tôi sẽ nối lại tình xưa với Ưng Bửu ở bên kia thế giới.
-       Cái ngày đó có thể không bao giờ có, hoặc nếu có, thì tình thế cũng sẽ thay đổi, đâu còn giống như xưa?
-       Tại sao?
-         Cô thử nghĩ xem? ba, bốn chục năm nữa, cô sẽ thành một người đàn bà sáu, bảy chục tuổi, trong khi Ưng Bửu mãi mãi vẫn là một chàng trai ba mươi, liệu hai người có còn xứng đôi với nhau nữa không?  Ấy là chưa kể theo kiếp luân hồi, anh ấy đâu có thể tồn tại mãi để mà đợi cô? Như thế, sự chờ đợi của cô có phải là vô ích không?
Dì Thảo cúi đầu nghĩ ngợi, nét mặt hết sức buồn bã.  Chú Lãm lại gần, đặt tay lên vai dì, dịu dàng nói:
-       Cái gì đã qua nên để cho nó qua đi, không nên níu giữ.  Thời  gian chẳng dừng lại đâu, chúng ta có tuổi xuân, đừng để qua đi uổng lắm.  Cuộc đời không đến nỗi tệ như cô nghĩ đâu, còn thiếu gì cái đẹp?  Cô hãy nhìn xem ngoài kia!
Vừa nói chú Lãm vừa mở tung các cửa sổ, một cơn gió nhẹ ùa vào đem theo làn không khí mát mẻ làm dịu lòng người.  Theo ngón tay chỉ của chú Lãm, dì Thảo nghiêng mình bên cửa sổ, nhìn ra xa xa, rặng núi xanh rì mập mờ ẩn hiện trong làn sương mù buổi sớm, dưới chân núi là mặt biển màu xám bạc,
vài con chim hải âu bay liệng trên không trung, vừa vỗ cánh vừa cất tiếng gọi bạn nghe ríu rít.   
Thật lạ lùng, khung cảnh quen thuộc này đâu có gì mới lạ, dì vẫn nhìn thấy hàng ngày, nhưng lần đầu tiên dì chợt chú ý và nhận thấy là rất đẹp, rất thơ mộng.  Dì ngây người đứng ngắm, lòng bồi hồi một cảm giác rung động nhẹ nhàng.  Chú Lãm đưa tay ngắt một bông hồng đang đong đưa bên cửa sổ, trao cho dì, dịu dàng nói: 
-         Đi!  Chúng ta ra ngoài một lúc, cô có muốn đi dạo biển không?
Dì Thảo gật đầu, lặng lẽ đi theo chú ra cửa, hai người bước đi song song bên nhau.  Đang đi, bỗng nhiên dì vấp phải một tảng đá nhỏ và ngã chúi xuống, chú Lãm vội dơ tay ra đỡ, chú nắm tay dì kéo đứng lên.  Qua phút bàng hoàng, dì gượng lại được và ngượng ngùng khẽ rút tay lại, cảm giác của sự đụng chạm với người khác phái làm dì rùng mình, nóng ran hai má.  Để che dấu bối rối, dì vờ cúi xuống phủi một cái lá mới rơi vương trên áo.  Khi ngẩng lên, dì chợt có cảm tưởng như cảnh vật vừa đột nhiên sáng bừng lên, trong một phút, dì Thảo ngỡ ngàng tưởng mình đang lạc vào một vùng trời xa lạ nào đó, dì ngẩn ngơ một lúc rồi mới tiếp tục bước tới. 
Phong cảnh đẹp hơn khi hai người ra đến bên ngoài.  Bình minh đang lên, mặt trời to như một cái đĩa lửa khổng lồ, đang từ từ nhô lên khỏi mặt biển, chiếu những tia sáng đỏ rực làm hồng một góc trời ở phương đông.  Những lượn sóng nhuộm ánh vàng xô vào bờ nghe rạt rào như tiếng nhạc của một điệu luân vũ.  Gió biển ào ạt từng cơn làm lả ngọn những rặng phi lao mọc thành từng hàng trên bãi.  Trên nền trời trong vắt, những đám mây trôi lang thang, không biết đi về đâu.  Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, con người cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối và vô cùng cô đơn, tự nhiên dì Thảo đi sát vào chú Lãm như tìm một sự che chở, chàng thanh niên này trông vững vàng quá, và đầy vẻ bao dung.  Hai người ra gần mé nước, những dấu chân in trên cát ướt phút chốc bị xoá ngay bởi sóng.  Họ nắm tay nhau đi tới, rồi cùng chạy thật nhanh vào bờ mỗi khi có một lượn sóng to xô tới, hai người nghịch ngợm như trẻ con.  Tự nhiên dì Thảo cảm thấy trẻ lại như thuở còn vô tư, hít một hơi dài làn không khí thơm mùi gió biển, dì cảm thấy đầu óc trong sáng như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng.  Dì khẽ liếc nhìn người đàn ông đang đi bên cạnh, lắng nghe anh ta kể chuyện đời mình, và những ước mơ trong tương lai:
-       Tôi làm họa sĩ chỉ vì yêu nghệ thuật, chứ không sống bằng nghề này.  Thỉnh thoảng tôi mới mở một cuộc triển lãm tranh, và bán với giá rất đắt cho những ai hiểu được giá trị của hội hoạ.  Số người này không có nhiều đâu, nhưng tôi không nhắm vào thị trường tiêu thụ, và tôi cũng không vì mục đích kiếm tiền.  Tôi có một căn nhà nhỏ, và một trang trại ở Đà Lạt trồng đủ mọi loại hoa, cung cấp cho các tỉnh miền tây Nam kỳ, hoa lợi đủ sống.  Tôi định sẽ về ở hẳn tại đó, khi tôi lập gia đình với người con gái tôi yêu…
Chú Lãm ngưng một lúc, rồi lại tiếp tục:
-         Bao nhiêu năm qua, tôi đã đi khắp nơi, mong tìm được một người bạn đời hiểu tôi, và cùng tôi chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống.  Hai vợ chồng sẽ sống một cuộc đời giản dị, không bon chen tại trang trại vắng vẻ, nhưng rất nên thơ của tôi, cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc.  Nơi đó phong cảnh đẹp lắm, có rừng phong lá đỏ, có núi đồi, có suối trong, và quanh năm hoa nở bốn mùa…
-       Nghe tả thôi, Thảo đã thấy là thơ mộng lắm.
-       Đúng vậy, khi nào Thảo chán cuộc sống buồn tẻ ở đây, và muốn có một sự thay đổi, tôi sẽ đưa cô lên Đà Lạt thăm trang trại thần tiên đó, ý cô ra sao?
-       Để Thảo suy nghĩ lại.
-       Cô cứ nghĩ cho chín chắn, tôi sẽ đợi, bao lâu cũng được.
Sau ngày triển lãm tranh khá thành công, chú Lãm đến chơi để từ biệt.  Hai người lại rủ nhau ra biển, chú Lãm nói:
-       Tôi chỉ còn ở đây nốt tuần này, hoàn tất xong bức tranh cho cô, tôi sẽ rời Nha Trang.
Dì Thảo hơi giật mình:
-       Nhanh vậy sao?
Dì đưa mắt nhìn ra ngoài khơi mênh mông, mặt biển trắng xóa dưới nắng trưa, dì nói giọng trầm hẳn xuống:
-    Vắng ông biển sẽ buồn lắm…
-       Còn Thảo có buồn không?
Dì Thảo quay mặt đi chỗ khác, tránh không trả lời, chú Lãm thở dài:
-       Quên chuyện đó đi!  Bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ không đến nữa, tôi phải tập làm quen với ý nghĩ không có cô.  Ngày mai tôi sẽ bắt đầu vẽ, và sẽ hoàn tất bức tranh trước khi rời Nha Trang.  Tôi sẽ đặt giá vẽ ở đây, để vừa vẽ vừa ngắm cảnh.
-       Ông vẽ gì thế? vẽ biển hay vẽ đồi thông?
-       Không, vẽ hình chú rể của cô chứ, cô quên rồi à? bức tranh chưa hoàn tất, mà tôi đâu còn bao nhiêu thì giờ.
Dì Thảo giật mình, ngẩn ngơ tiếc những ngày vui sắp qua đi, nghĩ đến việc sắp phải từ biệt chàng trai đã đem đến cho mình những đổi thay mới lạ, dì cảm thấy nao nao như nuối tiếc một cái gì.  Còn chú Lãm nói xong, nhìn đăm đăm vào mắt người con gái, tia nhìn vừa buồn rầu, vừa thiết tha đắm đuối, làm dì Thảo cúi mặt bâng khuâng.  Trời ơi! dì kêu thầm trong lòng, thì ra tình cảm trong ta vẫn chưa chết hẳn, ta còn biết rung động hay sao?  Dì thẹn thùng không dám ngẩng đầu lên, hai vành tai đỏ ửng, không biết vì nắng hay vì mắc cở. Toàn thân dì nóng bừng trong một cảm giác xôn xao kỳ diệu, tưởng chừng như có một luồng sinh khí mới thổi qua, làm ấm lại con tim băng giá, làm hồi sinh những tình cảm tưởng như đã chết… Dì Thảo bàng hoàng như người vừa tỉnh dậy sau một cơn mê dài, dì thấy cảnh vật hôm nay sao đẹp quá, nắng buổi trưa không còn gay gắt, mà chỉ làm hoa cỏ thêm rực rỡ, tiếng chim hót, tiếng sóng biển và tiếng gió rì rào nghe như một điệu nhạc hoà tấu vui tươi…
Khẽ chớp cặp mắt rất đẹp, dì Thảo nhìn chú Lãm dịu dàng nói:
-       Thảo thấy là không cần thiết nữa .
-       Tại sao vậy?  Chú Lãm hỏi, mắt sáng ngời, hình như chú không dám tin ở tai mình.
-       Tại vì Thảo đã thay đổi ý định rồi.  Dì Thảo cúi mặt xuống nói nhẹ như hơi thở, không cần phải hoàn tất bức tranh đó nữa. Thảo muốn ông dành thì giờ vào việc khác, ông hứa ông sẽ đưa Thảo đi thăm trang trại trồng hoa của ông, phải không?
Chú Lãm cười thật tươi:
-       Đúng vậy! nhưng… lẽ ra cô phải nói là trang trại thần tiên của chúng ta mới đúng.
Vừa nói, chú vừa nhìn dì Thảo một cách tình tứ, khiến dì thẹn thùng không dám ngẩng lên.  Dì ngồi im bối rối, trong khi bàn tay dì vẫn vô tình vẽ nguệch ngoạc trên cát những hình thù vô nghĩa.  Còn chú Lãm sau khi thốt ra những lời tỏ tình kín đáo đó, cũng không biết nói gì thêm.  Hai người cùng im lặng, lắng nghe tiếng lòng xôn xao, lắng nghe hai con tim cùng đập chung một nhịp điệu yêu đương.  Đưa tay gỡ một chiếc lá rơi vương trên tóc người yêu, chú Lãm đắn đo một lúc rồi mới hỏi:
-      Thảo này! còn bức tranh, em có để ý gì không?
-   Làm sao ạ?
-      Tôi thấy bên cô dâu còn chỗ cho một người, em muốn tôi vẽ gì vào khoảng trống đó?
Mặt ửng hồng, dì Thảo bẽn lẽn cúi đầu, nói thật nhỏ :
-       Thảo nghĩ chẳng lẽ anh lại không biết tự họa hay sao?
Mỉm cười sung sướng, chú Lãm bạo dạn kéo dì Thảo sát lại gần, hôn phớt lên tóc dì, âu yếm:
-        Hãy quên đi dĩ vãng buồn, em nhé? Sau cơn mưa, trời sẽ lại quang đãng…
Dì Thảo gật đầu, ngước nhìn người tình với cặp mắt đầy tin yêu:
          -   Bóng tối đã qua rồi, cám ơn anh đã đem ánh sáng đến cho đời em.
Chú Lãm xiết nhẹ dì Thảo vào lòng, cả hai cùng nhìn theo đôi chim hải âu đang tung cánh bay về phía biển khơi xanh thẳm ngoài xa, chú cúi xuống, âu yếm hôn lên đôi mắt rất đẹp của người yêu, thì thầm:
-       Chúng ta cũng giống như hai con chim liền cánh kia, cùng bay về hướng chân trời tươi sáng.  Anh tiếc không thể cho em tình yêu đầu, nhưng anh sẽ cho em tất cả tình sau và cũng là tình cuối.

PHƯƠNG LAN
Truyện này được trích trong tác phẩm Tiếng đàn xưa của Phương Lan
Nhà sách Tự lực phát hành 

Không có nhận xét nào: