Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Dòng Họ Nguyễn Tường ...


kNguyên Tường Bách người con út của “gia đình Nguyễn Tường” thế hệ TỰ LỰC VĂN ÐOÀN qua đời ngày 11.5.2013 tại Orange Country California hưởng thọ 98 tuổi.
 Cụ Nguyễn Tường Bách sinh năm 1916 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, từ một gia đình gốc làng Cẩm Phô, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam dời ra sinh sống tại miền Bắc từ hai đời trước. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy là công chức không dính líu đến văn nghệ và chính trị, các người em em còn lại: Nguyễn Tường Cẩm, Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, Tứ Ly, Hoàng Ðạo – Nguyễn Tường Long, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam – Nguyễn Tường Lân, và người em út, Viễn Sơn – Nguyễn Tường Bách, đều là những người tham dự vào văn chương.
Từ thời trẻ, Nguyễn Tường Bách đã viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay.
Từng theo học trường Bưởi, trường Albert Saurraut, đại học Y Khoa Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ năm 1944.
Năm 1939, cụ tham gia đảng Ðại Việt Dân Chính cùng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Gia Trí, Khái Hưng, Nguyễn Tường Long, v.v… Năm 1942 Thạch Lam qua đời, Nguyễn Tường Bách phụ trách nhà xuất bản Ðời Nay.
Năm 1943 Ðại Việt Dân Chính hợp nhất với Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Năm 1945 VNQDÐ kết hợp với Ðại Việt Quốc Dân Ðảng dưới danh nghĩa chung Quốc Dân Ðảng.
Tháng Ba năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ làm giám đốc tờ Ngày Nay bộ mới với sự cộng tác của Khái Hưng, Hoàng Ðạo, hô hào độc lập, dân chủ.
Tháng Năm năm 1945 Việt Minh cướp chính quyền, cụ cùng với Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Ðảng ra hoạt động công khai. Ông giữ chức ủy viên trung ương, phụ trách tờ Việt Nam chống đối chính sách của đảng Cộng Sản, rồi phụ trách công tác tuyên truyền, công tác tổ chức đảng.
Cụ sáng lập Quốc Gia Thanh Niên Ðoàn, giữ chức nhiệm đoàn trưởng.
Tháng Năm, 1946, tình thế cấp bách cụ lên Ðệ Tam Chiến Khu (gồm từ Vĩnh Yên tới Lao Kay), phụ trách chỉ huy bộ cùng với Vũ Hồng Khanh. Tháng Sáu, 1946, Việt Minh tăng cường vũ trang công kích, Tháng Bảy phải rút lên Yên Bái, Lao Kay. Tháng Tám, 1946 cụ sang Trung Quốc hoạt động ngoại viện và liên lạc với các tổ chức người Việt ở hải ngoại.
Cuối năm 1946 cụ lập gia đình với bà Hứa Bảo Liên tại Côn Minh.
Năm 1947, cụ từ Vân Nam sang Hồng Kông. Quốc Dân Ðảng không tán thành giải pháp Bảo Ðại với những điều kiện Pháp đưa ra và chủ trương tiếp tục hoạt động bí mật.
Tháng Tám, 1948, Hoàng Ðạo đột nhiên mất trên xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu.
Tình thế Trung Quốc biến chuyển. Một số anh em trở về quốc nội. Vì không muốn trở về khu Pháp, cụ cùng một số anh em ở lại Trung Quốc. Từ năm 1950 cụ hành nghề bác sĩ tại Phật Sơn, Quảng Ðông, cho tới khi về hưu.
Năm 1988 cụ di dân sang Hoa Kỳ, định cư tại Nam California.
Ở hải ngoại cụ tiếp tục hoạt động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, góp sức vào sự đoàn kết và tổ chức một số phong trào liên minh và mặt trận. Cụ là một trong những sáng lập viên, và sau giữ chức cố vấn của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và là tác giả cuốn tiểu thuyết Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn và tập hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua phần I (1998) và phần II (2001). Cụ viết nhiều bài bình luận và bút ký cho một số báo hải ngoại, dưới bút hiệu Viễn Sơn.
Mạn Đàm Với Bs. Nguyễn Tường Bách
Năm 1988, bác sĩ Nguyên Tường Bách và gia đình di cư từ Trung quốc qua Californie. Một thời gian sau, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhau và trở nên đôi bạn tâm giao. Sau khi phổ biến năm 1995 quyển tiểu thuyết “Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn”, Bs Bách cho ra mắt độc giả năm 1999 “VN, Một thế kỷ qua. Hồi ký cuốn một, 1916-1946″. Tiếp theo là tập ký ức phần 2 “Việt Nam, Một thế kỷ qua. 54 năm lưu vong Trung quốc (1946-1988) và Hoa kỳ (1988-2000)” mà tôi đã nhận lời giới thiệu trong buổi ra mắt sách ngày 23.9.2001 tại Hội quán Little Sàigon Radio, California.
Từ nhiều năm, hai chúng tôi là Cố vấn của tổ chức bất vụ lợi “Mạng  Lưới Nhân quyền” thành lập tháng 11.1997. Bs Bách (NTB) là một thành viên trong nhóm sáng lập. Ngày 24.9.2005, anh chị Bách mới chấp nhận cho tôi (LLT) thực hiện một cuộc mạn đàm thân mật trên hai giờ đồng hồ tại tư thất của anh chị thuộc thành phố Westminster. Sau đây là những đoạn có thể tiết lộ trong cuộc phỏng vấn:
LLT: Xin anh vui lòng cho biết vài nét chính về vị trí của anh trong gia tộc Nguyễn Tường.
NTB: Tôi sinh năm 1916 tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Con út trong một gia đình 7 người con trong đó có Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Thị Thế, định cư và qua đời ở Hoa kỳ. Hai anh Tam và Long từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến VN thời Hồ Chí Minh. Anh Hai Nguyễn Tường Cẩm bị Việt Minh thủ tiêu khi mới 44 tuổi tại Bắc Việt mặc dù không từng tham gia đảng phái nào.
Sau khi xong tiểu học tại Hải Dương và Thái Bình, tôi về Hà Nội, đường Hàng Vôi, để tiếp tục chương trình sơ học. Tôi vào trường Bưởi, tức Chu Văn An, để luyện thi Tú tài nhưng sau một thời gian, tôi xin thôi, về nhà mua sách để tự học vì không thích không khí giáo dục bảo hộ. Đổ Tú tài 1 Pháp lối năm 1930, tôi trợt Tú tài 2. Tại trường Albert Sarraut, ban Triết, tôi được Giáo sư Bourguignon chú ý vì ông nhận thức tôi có một cái vốn Triết khá vững nhờ nghiên cứu riêng. Đậu hạng ưu, tôi ghi tên vào Trường Y khoa Hà Nội. Tôi thích văn chương hơn nhưng gia đình khuyên nên có một chọn lựa thực tế, bảo đảm đời sống tương lai.
LLT: Lúc ấy, ngành y đòi hỏi mấy năm học? Anh thi đậu năm nào?
NTB: Bảy năm, gồm có một năm chuẩn bị PCB. Tôi nạp luận án năm 1943 và qua năm sau lãnh cấp bằng bác sĩ, trước ngày 3.9.1945 Nhựt đảo chính Pháp. Trong lúc học y khoa cũng như sau    khi ra trường, tôi hoạt động hội kín trong Đảng Đại Việt Dân chính, làm thơ, viết báo với nhóm Tự lực Văn đoàn và phụ trách – trong cương vị hoặc chủ nhiệm, hoặc chủ bút – các tờ báo Ngày Nay Tập mới, Bình Minh, Việt Nam Thời báo và sau hết, tờ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam Quốc Dân Đảng.
LLT: Căn cứ vào ba tác phẩm của anh kể ở đoạn trên thì cuộc đời anh có thể chia ra thành ba giai đọạn: 1) thời niên thiếu và đấu tranh văn hóa và cách mạng trong xứ (1916-1946) 2) giai đọan lưu vong tại Trung quốc (1949-1988) 3) di cư qua Hoa kỳ năm 1988 đến nay.
Truớc hết, xin anh vui lòng cho biết về chủ trương và hoạt động của nhóm Tự lực Văn đoàn, đặc biệt vai trò cốt cán của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
NTB: Lúc còn trẻ, anh Tam đã bắt đầu viết lách và được dân chúng biết qua hai sáng tác Nho Phong và Người Quay Tơ. Khi đi học ở Pháp về với bằng cử nhân vật lý, anh trở thành chủ nhiệm tờ Phong Hóa do một người bạn nhường lại năm 1932. Cùng với một số anh em gồm có Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mở, Cù Huy Cận, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường tức hoạ sĩ Lemur…., anh thành lập Tự Lực Văn Đoàn. Chủ trương của TLVĐ là canh tân xã hội, chế diễu các tệ đoan và chống hủ lậu, phong kiến. Riêng về tôi (lúc đó là người trẻ nhất trong nhóm), tôi cũng tập tành làm thơ mới như Bàng Bá Lân, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận.. Thơ của tôi đăng báo dưới bút hiệu Tường Bách. Bài thơ được chú ý nói về Tết. Tuy nhiên tôi không thể tiếp tục lâu. Phong Hoá bị đóng cửa. Tôi phải thay thế anh Nguyễn Tường Cẩm quản lý tờ Ngày Nay.
Hoàng Đạo có bằng cử nhân luật, làm tham tá lục sự, chuyên viết bài bình luận thời cuộc và nổi tiếng, đặc biệt trong giới thanh niên, với tác phẩm Mười Điều Tâm Niệm. Hoàng Đạo không liên hệ gì đến phong trào hướng đạo của Hoàng Đạo Thúy. Về sau, Thúy là cha vợ của Tạ Quang Bửu, Tổng trưởng Quốc phòng Việt Minh, người thay mặt Bắc Việt ký vào Hiệp định Genève. Thạch Lam không làm chính trị, chỉ chuyên về văn chương, viết truyện ngắn và lo việc quản trị toà soạn. Thạch Lam chết sớm, lúc 33 tuổi, vì bệnh phổi, trong hoàn cảnh thiếu thốn.
Nhất Linh là lãnh tụ Đại Việt Dân chính. Tổ chức này hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1943. Năm 1945, VNQDĐ nhập với Đại Việt Quốc Dân Đảng dưới danh xưng chung Quốc Dân Đảng. Hoàng Đạo và Khái Hưng từng bị bắt và tra tấn ở Vũ Bản. Anh Tam cũng bị giam bốn tháng ở bên Tàu và được thả ra nhờ sự can thiệp của cụ Nguyễn Hải Thần.
LLT: Chúng ta hảy đề cập đến giai đọan 2: giai đoạn lưu vong. Trong trường hợp nào, năm 1946, với tư cách Chỉ huy trưởng Đệ tam chiến khu của Quốc Dân Đảng (gồm từ Vĩnh Yên tới Lào Kay), anh rút lên Yên Báy và từ đó, qua Trung Hoa? Chiến khu này có bao nhiêu quân? Tàn quân qua Tàu gồm có ai? Lúc đó, Nguyễn Tường Tam ở đâu? Anh giải thích như thế nào lực lượng Việt Minh có ảnh hưởng mạnh trong quần chúng? Vì sao phiá quốc gia năm 1946 tan rã mau chóng trước đám quân Việt Minh?
NTB: Tháng 8.1945, Việt Minh cướp chính quyền. Cùng với VN Cách Mệnh Đồng Minh Hội, VN Quốc Dân Đảng xuất hiện đấu tranh công khai. Tôi là ủy viên trung ương, phụ trách tờ Việt Nam để tuyên truyền chống CS. Mặt khác, tôi tổ chức Quốc gia Thanh niên Đoàn. Tháng 6.1946, Việt Minh tăng cường áp lực. Sau khi cầm cự lối nửa năm, đảng trưởng Vũ Hồng Khanh, tôi và Lê Khang, trong Bộ Chỉ huy, phải rút lên Việt Trì, rồi Yên Báy và Lào Kay. Lực lượng Đệ tam khu lúc đó gồm có lối một nghìn người: hai, ba trăm chí nguyện quân từ Trung Hoa về, cọng với một số cựu lính khố xanh của Pháp, võ trang khá thô sơ. Thành phần kể sau không có ý chí tranh đấu mạnh. Phiá ta không có đài phát thanh, thiếu phương tiện quảng bá, chỉ có tờ báo Việt Nam. Quân ta đóng chốt tại các tỉnh lỵ nên bị Việt Minh bao vây.
Việt Minh không đông nhưng ảnh hưởng mạnh quần chúng vi họ có tổ chức, biết đọat thời cơ, tuyên truyền sâu rộng và lôi cuốn đồng bào với các chiêu bài ăn khách như đả thực, chống đế quốc và áp bức. Phiá quốc gia xích mích nội bộ, chủ quan, coi thường đảng CS và đặt hết niềm tin vào sự hỗ trợ của quân đội Trung hoa nên thua là phải. Tháng 7.1946, khi hay tin Việt Minh nhóm đại hội tại Thái Nguyên và Nhật bản sắp đầu hàng, cánh quốc gia đã không tổng hành động kịp thời, tiến tới khởi nghĩa. Bị kẹt giữa Pháp và Việt Minh, các đảng quốc gia không chiếm được địa bàn đủ rộng và không có đủ sức chống lại hai thế lực đó từ Nam ra Bắc.
Một ngày cuối tháng 7.1946, toán anh em chúng tôi gồm có 8 người vượt qua cầu sắt Lào Kai – Hà khẩu để sang Trung hoa. Khi ấy anh Tam đã có mặt tại Côn Minh. Như Nam Ninh và Quảng châu, Côn Minh là nơi ẩn thân của nhiều nhà đấu tranh VN. Hội nghị đảng viên bầu một Hải ngoại Bộ để tiến hành công tác ngoại vận và gây lại các cơ sở địa phương. Thành phần lãnh đạo gồm có anh Nguyễn Tường Tam (chủ nhiệm), Nguyễn Tường Long (ngoại vụ) và Xuân Tùng (kinh tài). Tâm trạng chung lúc đó khá bối rối, phức tạp, có người tỏ ra thất vọng nhưng phần đông thông cảm tình thế khó khăn.
LLT: Trung tuần tháng 10.1949, Quân đội Mao Trạch Đông “giải phóng” Trung Hoa lục địa, Tưởng Giới Thạch rút qua Đài Loan. Lúc đó anh đã kết hôn với một sinh viên người Việt gốc Hoa, có quốc tịch Pháp, tên Hứa Bảo Liên quen từ Hà Nội. Anh chị được giấy lưu trú tại Phật Sơn. Một dư luận cho rằng chị Bách đã thuyết phục anh ở lại Trung quốc. Đúng hay không? Lý do nào khiến anh không trở về tranh đấu ở Việt Nam? Sống 40 năm dưới chế độ Tàu Đỏ có phải là một sự phí phạm hay không?
NTB: Cô Hứa Bảo Liên là một tình nguyện viên Hoa kiều Việt Nam làm việc tại Nhà thương Phủ Doãn Hà Nội trong lúc tôi tập sự nơi đây cùng với Phạm Biểu Tâm, Trần Đình Đệ… Cô cũng có hợp tác viết lách và phiên dịch trong các tờ báo do tôi phụ trách, vì thế cô quen nhiều với gia đình Nguyễn Tường. Cô là một phụ nữ có tinh thần phóng khoáng, tự lập và dấn thân. Lúc tôi vượt biên sang Trung hoa năm 1945 thì cô đang học môn văn chương tại Đại học Côn Minh, CS chưa chiếm lục địa. Chúng tôi thành hôn ở thành phố này vào giữa năm 1947. Chuyện ở lại Trung hoa là quyết định cá nhân tôi, tôi không chấp nhận về nước sống trong khu Pháp kiểm soát. Nhà tôi nhiệt tình san sẻ kiếp lưu vong của chồng.
Tôi không nghĩ đã phí phạm cuộc đời ở Trung Hoa. Anh em đồng chí chúng tôi rút kinh nghiệm để nghiên cứu tại chỗ một con đường đấu tranh mới trong thế bí của các phái quốc gia. Tháng 3.1949, chúng tôi thoát ly Quốc Dân Đảng và thành lập nhóm “Cách Mệnh Xã hội” với chủ trương chống chuyên chính vô sản và tư bản bốc lột; thực hiện một chế độ “xã hội chủ nghĩa” nhưng không độc tài theo lối Bắc Âu. Tờ báo Cách Mệnh Xã hội ra được vài số rồi ngưng xuất bản.
Tháng 2.1950, tôi được nhận làm việc tại Đệ tam Y viện tỉnh Quảng Đông. Trước dó, năm 1948, Liên được tuyển dạy văn hoá và toán ở một trường tiểu học Phật Sơn, lương trả bằng gạo. Quy chế của chúng tôi là ngoại kiều cư trú, phải đi học tập chính trị. Đời sống chật vật vì đông con. Tôi đã chứng kiến tận mắt tất cả các trận bão táp của chế độ Mao: cải cách ruộng đất, kế hoạch đấu tố tư sản, phong trào học sinh lên núi xuống đồng, cuộc vận động “ba chống, năm chống”, Đại hội 8 của Trung cộng, Cách mạng văn hóa 1968, Đại Nhảy vọt về nông nghiệp, nạn đói kinh khủng, sự phản đối khuynh hướng “hữu khuynh, xét lại” v..v..
Năm 1963, Lê Duẩn ngả hẳn về phiá Bắc kinh. Trung Cộng tự phong là “hậu phương môi hở răng lạnh” với Bắc Việt. Dân Tàu lẫn Việt đồng hát vang “Việt Nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông!”
LLT: Nhất Linh nghĩ sao về đường lối chính trị và họat động của anh tại Trung Quốc? Xin cho biết chi tiết về cái chết của Nhất Linh và Hoàng Đạo. Quyết định tự vẫn của ông Tam có hợp lý hay không?
NTB: Tháng 7.1947, tôi rời Côn Minh đi Quảng châu để cùng với Nguyễn Hải Thần, hai anh Tam, Long và một số nhân vật đến từ VN như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Bảo Toàn, Lưu Đức Trung.. v..v… hội nghị với cựu hoàng Bảo Đại tại Hồng kông về những điều kiện thương thuyết của Cao ủy Pháp Bollaert. Phiên họp không đi đến đâu vì một số – trong đó có chúng tôi – cho rằng thoả hiệp với Pháp là mất chính nghĩa.
Giữa 1948, Trung ương Quốc Dân Đảng VN cử Vũ Hồng Khanh và tôi đi Nam kinh cầu viện với Chính phủ Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi tiếp xúc với một số nhân vật Quốc Dân Đảng và Liên Minh Á châu chống Cộng, đặc biệt với Phó Tổng thống Lý Tôn Nhân. Chuyến đi này không đem lại kết quả vì, trước sự tấn công ồ ạt của CS, một số cơ quan chính phủ đã bí mật dọn đi Đài Loan.
Anh Tam chủ trương không thể cộng tác với Pháp dù là tạm thời và cũng không thể liên hiệp với CS dù là kháng chiến. Về ý kiến của chúng tôi đi tìm một sinh lộ mới cho Đất Nước, anh không tán thành hay phản đối. Xưa nay, anh không có thói quen áp đặt quan niệm của mình, có thể vì thế mà anh không tổ chức được hàng ngũ đấu tranh có kỷ luật chặt chẽ. Vả chăng, lúc ấy, anh Tam đã yếu, suy nhược thần kinh, đau dạ dày nên cần tịnh dưỡng một thời gian.
Tháng 8.1948, Hoàng Đạo qua đời đột ngột, lúc 42 tuồi, vì bệnh tim trên chuyến xe lửa đi từ Hồng kông về Quảng châu sau khi gặp vợ ở VN đưa con qua thăm. Được thông báo tin dữ, anh Tam, tôi và năm đồng chí đến ga Thạch Long để nhận xác và tống táng với tất cã lòng đau xót và thương tiếc.
Tháng 7.1963, chúng tôi đột nhiên nhận được điện tín của một người bạn tên Vũ Đức Văn gởi từ Thượng Hải cho biết Nhất Linh đã tự vẫn ngày 6 tháng 7 tại Sàigòn để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm. Anh Tam đã trở về Việt Nam để viết sách và làm báo. Anh bị điều tra trong vụ đảo chính hụt Chính phủ nhưng không có bằng chứng. Sức khoẻ của anh không tốt, bệnh đau dạ dày hành hạ. Trong lúc khủng hoảng tinh thần, anh đã lấy một quyết định đáng tiếc. Trong thâm tâm, tôi không mấy tán thành. Anh Tam qua đời lúc 59 tuổi. Anh còn có nhiều khả năng giúp đỡ Quê hương. Rất uổng! Đám táng của anh khá trọng thể, quần chúng tham gia đông đảo. Cái chết của Nhất Linh, dù sao, làm giảm uy tín chế độ đương quyền giữa lúc vấn đề Phật giáo sôi sục.
LLT: Tháng 10.1977, anh có về Việt Nam sau nhiều thập niên lưu vong. Vì lý do gì? Tiếp xúc với ai? Anh nhận xét ra sao về Đất nước thời ấy?
NTB: Đúng vậy, tôi và đứa con trai có về VN hai tháng, đi bằng xe lửa, từ Bắc Kinh đến Hà Nội, qua ngả Mạc Tư Khoa. Lý do giản dị là nhớ nhà, thăm mồ mả gia tiên và muốn biết thực trạng Quê hương. Tôi viếng nhiều chỗ: Lạng Sơn, Bắc Giang, Nam Định..vv… Tại Hà Nội, tôi bùi ngùi thấy không còn bao nhiêu dấu vết cũ của ngôi nhà từng được dùng làm toà soạn báo Phong Hoá, Ngày Nam và Việt Nam. Quê hương nghèo đói, tụt hậu và rách nát thảm thê! Buổi giã từ họ hàng và thân hữu để trở về Phật Sơn thật vô cùng cảm động, tôi nhớ mãi. Tôi không có tiếp xúc với ai cả ngoài bạn bè và thân quyến.
LLT: Bây giờ hãy nói đến giai đọan ba trong cuộc đời sôi nổi của anh chị: giai đọan định cư tại Mỹ. Vì sao lại chọn Hoa kỳ? Anh đã có những hoạt động văn hoá vá chính trị nào từ ngày đặt chân trên xứ này?
NTB: Tháng 3.1988, sau 40 năm sinh sống tại Trung Quốc, vợ chồng chúng tôi quyết định di cư qua Mỹ để đoàn tụ với hai con Hứa Anh và Hứa Chân. Lưu vong đâu nữa cũng là lưu vong. Tuổi tôi đã quá 72. Thủ tục giấy tờ phiền toái nhưng cuối cùng cũng vượt qua. Máy bay đáp xuống phi trường Los Angeles. Chúng tôi xúc động trùng phùng với người thân và đặt chân trên đất của Nữ thần Tự do. Nơi đây tôi sẽ sáng tác theo ý muốn vì đối với tôi, từ xưa nay bác sĩ là chức nghiệp, cách mạng là sự nghiệp, văn nghệ mới là ước nguyện chính. Thời gian đầu để dành đi thăm bà con và bạn bè tản lạc ở nhiều tiểu bang. Đăc biệt, tôi còn một người chị ruột là Nguyễn Thị Thế ở Virginia, gần 80 tuổi, chưa gặp quá 40 năm.
Sớm du nhập vào nếp sống Hoa kỳ, cập nhật hoá tin tức và nghiên cứu tài liệu là những nhu cầu khẩn thiết đối với tôi. Quốc tịch Hoa kỳ giúp làm thủ tục xin cho các con khác ở Trung Quốc sang định cư nếu chúng muốn.
Tôi bắt đầu viết lách lại và xuất bản được trong các năm 1995, 1999 và 2000 ba sáng tác kể ở phiá trên: một quyển tiểu thuyết và hai hồi ký. Ngoài ra, tôi hợp tác với nhiều báo Việt ngữ dưới bút hiệu Viễn Sơn. Tôi cũng tiếp xúc với nhiều hội đoàn và tổ chức người Việt. Ngày 12 và 13 tháng chạp 1988, một Đại hội đảng phái quốc gia nhóm sơ bộ tại Santa Ana, California, chỉ định tôi trình bày mục tiêu. Một Văn phòng phối hợp ra đời để nghiên cứu và thảo kế hoạch. Ngày 16.9.1989, một Đại hội chính thức được triệu tâp, tôi đọc diễn từ khai mạc, Nguyễn Long Thành Nam thuyết trình về mô thức kết hợp, Trần Đức Thanh Phong về lập trường chính trị và nội quy, Phạm Đình Đệ về kế hoạch công tác. Ngày hôm sau, Đại hội biểu quyết lấy danh xưng là “Uỷ ban Điều hợp các tổ chức đấu tranh cho VN tự do”. Văn phòng điều hợp Trung ương được thiết lập và một Thông cáo chung được thông qua. Ngày 25.5.1991, cũng tại Santa Ana, Mặt trận Dân tộc Dân chủ Việt Nam, gồm có 8 đảng và một số nhân sĩ, ra mắt quần chúng. Cơ quan ngôn luận của Mặt trận là tờ Tiếng Dân. Tiếc thay, về sau, một tổ chức trong Mặt trận vi phạm cương lĩnh bằng cách chủ trương thoả hiệp với cộng sản, đối thoại vô nguyên tắc, đầu cơ. Để tránh những xung đột vô ý nghiã giữa các thành viên, Mặt trận đã ngưng họat động vào năm 1995. Một lần nữa, giấc mơ kết hợp gây thất vọng.
LLT: Thành phần tham gia Đại hội gồm có đảng phái, chính khách nào? Tổ chức nào đã cổ động hòa giải hoà hợp với CS. Sau hết, một cách vắn tắt, anh nghĩ sao về tương lai của Việt Nam?
NTB: Theo thứ tự trong biên bản, các tổ chức tham dự là VN Quốc Dân Đảng, Mặt trận VN Tự do, VN Dân chủ Xã hội Đảng, Liên Minh Dân chủ VN, Lực lượng VN Tự do, Liên Minh Toàn Dân VN Quốc gia, Tổ chức Phục Hưng, Cơ sở Dân quyền Canada, Tổ chức Phục Việt Âu châu… Đại diện đảng và nhân sĩ gồm có Hà Thúc Ký, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Diễm, Lê Duy Việt, Lê Phước Sang, Trần Minh Công, Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Trần, Nguyễn Long Thành Nam, Hà Thế Ruyệt, Hoa Thế Nhân, Trần Huỳnh Châu, Phạm Ngọc Lũy, Lưu Trung Khảo, Trần Đức Thanh Phong, Nguyễn Văn Tại..v..v..
Sau khi Gs Nguyễn Ngọc Huy qua đời, Liên Minh Dân chủ VN vỡ làm đôi. Cánh Stephen Young tiếp xúc với Hà Nội để tìm giải pháp thoả hiệp. Tôi tin tưởng CS không tồn tại lâu ở VN vì chủ nghĩa Mác Lê đầy mâu thuẫn, tự diệt và xa dần quần chúng. Đấu tranh cho Nhân quyền có thể dấy động đại chúng và thúc đẩy áp lực của quốc tế đối với Hà Nội. Bởi thế từ 1996, tôi nhiệt liệt cổ động việc thành lập “Mạng Lưới Nhân Quyền VN”. Tổ chức này được hợp thức hóa trong Đại hội thế giới triệu tập vào tháng 10.1997 tại Californie và đang hoạt động hữu hiệu
Kết luận
Sự hấp tấp quyên sinh của Nhất Linh và bốn thập niên cố tình ẩn tích của Bs Bách tại một nước CS láng giềng là những điểm nêu câu hỏi trong giới người Việt từng dành nhiều cảm tình cho gia tộc Nguyễn Tường. Gia tộc này đã hiến cho Đất nước những người con ưu tú trong lãnh vực chính trị lẫn văn hóa.
Hồi tưởng quá khứ, Bs Bách đã bộc trực thú nhận như sau trong quyển ký ức 2 “VN, Một thế kỷ qua, 54 năm lưu vong”, trang 417: “… Dù sao việc ở lại Trung Quốc trong bốn mươi năm cũng không khỏi gây ra thắc mắc, hiểu lầm, thậm chí công kích từ một số người Việt quốc gia, trong đó có cả thân hữu. Tôi nghĩ việc này cũng là tự nhiên thôi. Mỗi người trong biến cố phức tạp của cuộc đời, có thể có những sai lầm nghiêm trọng.” Nơi trang 251 của tập Hồi ký 1 “VN Một Thế Kỷ qua”, anh Bách cũng không ngại nhắc đến câu Nhất thất túc thành thiên cổ hận, Lỡ một bước đành hận ngàn thu.
Thất bại tuy nhiên có thể là mẹ của thành công nếu biết rút những bài học thích đáng để sửa sai kịp thời. Chỉ có những kẻ khiếp nhược sợ hành động mới không bao giờ sai lầm. Bs Bách đã chọn dấn thân không sờn lòng, không mệt mỏi. Trong một trang khác của Hồi ký nêu trên, anh viết – như một lời nhắn nhủ: “Đời là một cuộc đấu tranh. Thua keo này, bày keo khác, đó là quy luật của cách mạng. Bỏ cuộc tức là chịu thua.” (trang 471). Nguyễn Tường Bách đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ trong công cuộc đi tìm con đường sáng để phục vụ lý tưởng và dân tộc.
TƯ LIỆU: 1- “Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn”, của Nguyễn Tường Bách, nxb Tân Văn 1995, Californie
2- “VN Một thế kỷ qua. Hồi ký I (1916-1946)” của Nguyễn Tường Bách, nxb Thạch Ngữ, Californie 1999
3- “VN Một thế kỷ qua, Hồi ký II. 54 năm lưu vong, Trung quốc (1946-1988) – Hoa kỳ (1988-2000)”, nxb Thach Ngữ 2000.
4- “Nguyễn Tường Bách và Tôi” của Hứa Bảo Liên, tác giả tự xuất bản, Westminster 2005.
5- “Hồi ký về Gia đình Nguyễn Tường” của Nguyễn Thị Thế, nxb Văn Hoá Ngày Nay, 1996.
 LÂM LỄ TRINH
Tài liệu đọc thêm về Gia đình  NGUYỄN TƯỜNG…
Gần đây một cuộc thống kê  ngẫu nhiên về danh tính qua 3654 người dân ở 19 xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nhưng chỉ có 87 người mang họ Nguyễn. Trong số  2,3%  người họ Nguyễn ấy, chủ yếu là Nguyễn Văn,  Nguyễn Xuân, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Nguyễn Đức, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Trọng , Nguyễn Phú, Nguyễn Huy … tuyệt nhiên không có ai họ Nguyễn Tường. Vậy mà từ những năm nửa đầu thế kỷ 19, cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi ở Cẩm Giàng có một dòng họ Nguyễn Tường từng sinh sống.
Sử sách còn ghi rằng:
 Cụ Nguyễn Văn Vân (1774-1822) là hậu duệ của một dòng họ Nguyễn sinh sống ở xã Phước Điền, phủ Hà Trung, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đến cụ Vân là đời thứ 5 mới di cư vào Gia Định thời chúa Nguyễn, và sau này lại dời ra Cẩm Phố, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, ( nay thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Năm Bính Thìn(1796) lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau ở Gia Định, cụ thi đỗ nhị trường rồi được bổ chức Lễ sinh, vào làm việc bên cạnh Nguyễn Ánh. Năm 1797 cụ theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công to, rồi đóng quân ở cửa biển Đại Chiêm- Hội An.
“Gia phả họ Nguyễn Tường” hiện đang lưu giữ ở Hội An , trong phần nói về cụ Vân có ghi  rằng : một lần  khi hành quân ở Quảng Nam, Nguyễn Ánh chỉ ngọn núi hỏi:
– Ngọn núi này tên là gì?                          
 – Bẩm, tên là núi Phước Tường.
 – Nguyễn Phước là họ của ta. Vậy ban cho ngươi họ Nguyễn Tường.
Sau đó cụ Vân đã đổi chữ đệm từ Văn thành chữ Tường .
Năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Tường Vân theo Nguyễn Ánh đánh vào Quy Nhơn, thắng trận được phong làmTham luận vệ túc trực, rồi chuyển vào giữ chức Tri bạ chánh doanh, cai quản nội gia Nguyễn Ánh
Năm Tân Dậu (1801) cụ theo Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, cụ được cử làm phó sứ cùng chánh sứ Trịnh Hoài Đức sang đề nghị nhà Thanh phong vương cho Nguyễn Ánh, lúc trở về được giữ chức Cai bạ Quảng Nam (1803). Cụ Vân có lần bị giáng chức rồi lại thăng kí lục tỉnh Bình Thuận, rồi Hiệp trấn Nghệ An. Năm 1813 được thăng Hữu Tham tri bộ Hộ, kiêm Hiệp trấn Nghệ An,. Năm Kỷ Mão –1819 sung làm Đề điệu trường thi Sơn Nam hạ, rồi lãnh chức Hộ tào Bắc thành (Hà Nội ). Khi Gia Long mất, cụ được triệu về kinh, nhưng Tổng trấn khi ấy là Lê Chất tâu xin  ở lại giữ chức Phó tổng trấn trông coi việc ở Bắc Thành. Năm Minh mệnh thứ ba(1822) được triệu hồi về Huế thăng chức Bộ binh thượng thư (tương đương bộ trưởng quốc phòng ngày nay), tước Nhuận Trạch hầu. Nhưng giữ chức chưa được bao lâu, cụ mất ngày 8 tháng 10 năm 1822, hưởng dương 49 tuổi. Mộ phần quốc táng tại xã Phú Xuân, Đại Lộc, Quảng Nam.
Cụ thượng thư bộ binh, Nhuận Trạch hầu Nguyễn Tường Vân có hai vợ. Chính thất phu nhân Phan Thị Thục sinh ra phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, từng làm Tuần vũ Định Tường. Thứ phu nhân Nguyễn Khoa Thị Nhàn, sinh ra bốn con trai là Nguyễn Tường Khuôn,  Nguyễn Tường Phổ,  Nguyễn Tường Thanh, Nguyễn Tường Tránh. Gia phả- Sách đã dẫn.
Xin chỉ nói về người con thứ Nguyễn Tường Phổ sau này ra làm quan và sinh sống tại Cẩm Giàng, trở thành vị khai nguyên dòng họ Nguyễn Tường ở đây.
Nguyễn Tường Phổ (1807- 1856), tự là Quảng Thức và Hy Nhân, hiệu Thứ Trai. Tuổi trẻ kháu khỉnh thông minh, học rộng biết nhiều, có chí khí. Đã hay văn thạo sử, lại cung kiếm toàn tài. Năm 35 tuổi đỗ Tiến sĩ Tam giáp (khoa thi Nhâm Dần 1842). Sau khi đỗ được bổ chức Hàn lâm viện biên tu Nội các, rồi thăng tri phủ Hoằng An (Bến Tre), tri phủ Tân An ( Gia Định). Năm Tự Đức thứ 6 (1853) giáng bổ Giáo thụ huyện Điện Bàn, sau thăng quyền đốc học Quảng Nam. (Các nhà khoa bảng Việt Nam- Ngô Đức Thọ chủ biên- Văn học, 1993). Cụ Phổ từng làm tri phủ Cẩm Giàng, chẳng bao lâu bị giáng chức làm giáo thụ Hải Dương. Sau làm đốc học tỉnh Hải Dương.
Cụ là người nổi  tiếng thơ văn, được sĩ phu trọng vọng. Trong cuốn sách Quốc triều đăng khoa lục, ông Cao Xuân Dục (1842- 1923)  từng  là thượng thư bộ học, lại là nhà sử học, đã bình phẩm rằng :”Đó là người có khí tiết, không a dua, không thiết gì sự  thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ, chén rượu làm vui, Người bấy giờ ví ông với Đào Tiềm ”.
Cụ Phổ sinh ra Nguyễn Tường Trấp (còn gọi là Tiếp) trưởng nam, và Nguyễn Tường Chữ thứ nam.. Không thấy nói về ông Chữ, còn Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện Cẩm Giàng, dân trong vùng quen gọi là Huyện Giám. Tại thời điểm này có ông Phạm Phú Thứ, người xã Đông Bàn, cùng huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam được triều đình Tự Đức bổ làm Tổng đốc Hải An (bao gồm cả Hải Dương bây giờ- KHL).
Ông Phạm Phú Thứ (1820-1883) hiệu Trúc Đường, đỗ tiến sĩ năm 1843, có thời kỳ làm tri phủ Lạng Giang, sau làm Tổng đốc Hải An. Chính ở đây ông huyện Giám đã xây dựng được mối giao tình giữa hai nhà họ Phạm và họ Nguyễn, đồng hương Quảng Nam sống trên đất Bắc. Ở Đà Lạt những năm 50- 60 của thế kỷ trước còn con đường mang tên Phạm Phú Thứ xanh rợp bóng lá thông . Theo Phạm Phú Minh, người cháu Tổng đốc kể lại, thì ông huyện Giám đã tặng cụ cố một đôi câu đối khá dài khắc trên gỗ mầu nâu, nguyên văn như sau : 
* Huệ chính kỳ huân, Lục Đầu giang đông hạ văn thiên lý
* Hùng văn đại bút, Ngũ Hành sơn nam trung đệ nhất phong.
Nghĩa là :
Công lao cai trị đầy ân huệ,
từ Lục Đầu giang xuôi về đông , còn nghe ngàn dặm.
Văn chương bút lực thật lớn lao,
cả Ngũ Hành sơn riêng cõi nam, phong cách đứng đầu.
 Ông huyện Giám có ba người vợ. Bà cả là Huỳnh Thị Tòng, bà thứ là Nguyễn Thị Nho, bà ba Trương Thị Lý. Trong số bốn người con của ông, Nguyễn Tường Chiếu, tục gọi là Nhu có mối quan hệ đặc biệt tới các nhân vật  trong cuốn sách này..
Ông Nhu sinh năm 1881, vừa học Hán vừa thạo chữ tây, có thời kỳ sang Sầm Nưa ( Lào) làm thông phán toà sứ, nên thường gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. (Việc này ở phần sau sẽ nói kỹ) . Ông Nhu lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật, tục gọi Quản Thuật huyện Cẩm Giàng. Ông bà Nhu  sinh  đ­ược 7 con, một gái sáu trai. Trong quyển  Hồi ký gia đình NguyễnTư­ờng của bà Nguyễn Thị Thế ấn hành năm 1974 ở Sài Gòn, kể lại như sau:
 “Thứ tự gia đình tôi theo đúng tuổi là anh cả Nguyễn Tư­ờng Thụy sau nầy làm Tổng giám đốc bư­u điện, sinh năm Quý Mão (1903),
Anh hai Nguyễn Tư­ờng Cẩm, Kỹ s­ư canh nông, Giám đốc báo Ngày Nay, sinh năm Giáp Thìn (1904),
 Anh ba Nguyễn Tư­ờng Tam, Nhất Linh, sinh năm Bính Ngọ (1906),
 Anh tư­ Nguyễn Tư­ờng Long- Hoàng Đạo sinh năm Đinh Mùi (1907),
Tôi Nguyễn Thị Thế, thứ năm , sinh năm Kỷ Dậu (1909),
Em sáu Nguyễn Tư­ờng Vinh (Lân), Thạch Lam sinh năm Canh Tuất (1910),
Em bẩy Nguyễn Tư­ờng Bách, Bác sĩ, sinh năm Bính Thìn (1916)”.     
Thời Pháp, thông phán tòa sứ là người Việt  được Pháp đào tạo về hành chính và thông thạo tiếng Pháp. Họ làm việc tại toà Thống sứ hay Khâm sứ. Thống sứ là quan Pháp cai trị Bắc Kỳ. Như vậy ông Nhu làm thông phán toà Khâm sứ, do quan cai trị người Pháp đứng đầu các xứ bảo hộ của vua, như Trung kỳ, Lào, Miên, có trách nhiệm thay mặt chímh phủ Pháp và Toàn quyền Đông dương để giao thiệp với Triều đình Huế và sắp xếp việc cai trị ở Trung Kỳ.
Vậy là tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ – người  Quảng Nam ra Cẩm Giàng làm quan trở thành vị khai nguyên cho dòng họ Nguyễn Tường trên mảnh đất này. Cụ là nội tổ của các anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Ông Nhu qua đời năm 1918 để lại cho người vợ goá 37 tuổi với một đàn con thơ bé.
Thế Uyên hồi ức: Gia đình mẹ tôi xưa nghèo, và trở thành khốn quẫn sau khi ông ( tức ông Nhu- TG chú thích) mất bên Lào . Bà buôn bán tảo tần nuôi bảy người con ở cái phố huyện buồn thiu…Các anh em trai đi học, mẹ tôi là con gái độc nhất nên ở nhà thay mẹ lo việc nội trợ( Trang 261, TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc, VHTT- 2000).
Người Việt Nam có quan niệm về thế thứ dòng họ rất giản dị: Người đầu tiên đến vùng đất nào mở mang, sinh cơ lập nghiệp, thì con cháu chắt các đời sau coi là vị  tổ của dòng họ trên vùng quê ấy. Nếu như thế,tính từ Nguyễn Tường Phổ lập nghiệp trên đất Cẩm Giàng là đời thứ nhất, thì họ Nguyễn Tường có một tri phủ (ông Phổ). Sang đời thứ hai có một tri huyện(ông Nguyễn Tường Tiếp), đến đời thứ ba có một thông phán toà sứ(ông Nguyễn Tường Nhu). Đến đời thứ tư có 3 đại biểu Quốc hội khoá I (bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam – nhà văn Nhất Linh, bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Tường Long – nhà văn  Hoàng Đạo, và bác sĩ Nguyễn Tường Bách), một tổng giám đốc Bưu điện (ông Tường Thuỵ), một kỹ sư kiêm giám đốc báo Ngày Nay(ông Tường Cẩm). Trong đó có Tự Lực Văn Đoàn, mà  ba anh em làm chủ súy(Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam). Trong bẩy người con, trừ Nguyễn Tường Thuỵ làm kỹ thuật, còn lại 6 người đều có duyên phận văn chương nghệ thuật, tham gia quản lý báo chí và nhà in Tự Lực văn đoàn. Nhất Linh đa tài hơn cả, ông làm hoạ sĩ, làm báo, say mê nhạc, thổi hắc tiêu rất hay , viết tiểu thuyết có bản lĩnh . Thời kỳ lưu lạc ở Lào, đã dùng nghề vẽ  phông kiếm sống chờ thời đi du học. Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Thị Thế từng viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường.
Đời thứ 5 họ Nguyễn Tường là các con của bẩy anh chị em Nhất Linh. Họ được sinh ra trên miền Bắc, sau này vào miền nam sinh sống, nhiều người cũng theo nghiệp chú bác làm văn chương , như Tường Hùng (con trai Nguyễn Tường Thuỵ gọi Nhất Linh là chú ruột), Thế Uyên, Duy Lam (con trai bà Nguyễn Thị Thế,gọi Nhất Linh là cậu), Trần Khánh Triệu (con trai Nhất Linh, làm con nuôi Khái Hưng), Nguyễn Tường Giang (con trai Thạch Lam)…

Không có nhận xét nào: