Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Chủ Vườn Cây Lái Thiêu tại Nam California

vuoncay laithieu 1
 
SANTA ANA, California (NV) - Không treo bảng hiệu khổ lớn, không trang trí đẹp… nhưng vườn cây Lái Thiêu ở thành phố Santa Ana, miền Nam California, Mỹ, lúc nào cũng đông khách. Không chỉ đến mua cây, khách còn được chủ vườn hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng, bón phân,... để cây đơm hoa, kết trái, và trái phải ngon, ngọt. Không những vậy, khách còn được giới thiệu từng loại cây có thể trị bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Chị Hằng đang hướng dẫn khách mua cây về trồng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Không khó để tìm được các loại cây, trái bốn mùa trải dài từ Bắc vô Nam của Việt Nam tại vườn cây Lái Thiêu. Chỉ cần nhìn các loại hoa như:  sen, mai, đào, cúc, ngọc lan, lài, bông trang…; các loại cây bàng, trầu, xoan, phượng vỹ… đến các loại trái như thanh long (trắng và đỏ), cà phê Buôn Mê Thuột, sung, tắc, quýt, mít… ở vườn này là nhận ra một Việt Nam thu nhỏ. Và cũng ở khu vườn này, những loại rau, trái “nhà quê” thường mọc hoang trong rừng, trong rẫy, bờ ao… cũng hiện diện.

“Ðặc biệt ở vườn tôi có là cây nhót, một cây ăn quả được trồng nhiều ở miền Bắc, dùng ăn tươi là chính, ngoài ra trái nhót còn được nấu canh chua do chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Vừa rồi có một bác tám mươi mấy tuổi, khi đến vườn tìm cây về trồng thì thấy cây nhót, bác cứ hỏi mãi vì sao tôi có được cây dại này. Bác bảo nhìn trái nhót bác lại nhớ ngày xưa đi học lấy trái này chà sát vào quần áo để ăn, nhớ rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Tôi chọc, có phải bác nhớ người tình không, bác cười quá chừng. Rồi bác nói phải mua bằng được cây này, không cần biết có trái không, chỉ cần thấy cái cây để nhớ một thời tuổi trẻ, một thời nghèo nhưng đầm ấm,” chị Mai Tuyết Hằng - chủ vườn cây Lái Thiêu mở đầu câu chuyện.

Rau, trái dân dã:

Còn với bản thân mình, chị Hằng lại có nhiều kỷ niệm với cây trứng cá, do vậy mà bằng mọi cách chị phải mang được loại cây này qua Mỹ trồng. Chị hóm hỉnh: “Có anh kia hỏi tôi sao trồng được cây trứng cá hay quá, vì ảnh mê cây này từ nhỏ mà qua đây đi tìm hoài không thấy, muốn ăn để nhớ quê hương. Rồi ảnh hát nghêu ngao nhưng rất tâm trạng bài ‘Nhành cây trứng cá’: Bẻ một nhành cây nhành cây trứng cá/ Ðể khi vô trường chia trái cho em/ Hương trái mê ly, hai đứa xù xì/ Cô giáo phạt quỳ em lệ hoen mi… Với tôi thì cây trứng cá cũng nhiều kỷ niệm. Ngày xưa tôi vì cây trứng cá mà bị chó cắn, do nhìn trong sân nhà người ta thấy trái chín ngon quá nên lẻn vào hái trộm.”

vuoncay laithieu 2 Cây trứng cá gắn liền với tuổi thơ chị Hằng và nhiều người gốc Việt. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Rồi chị chỉ tay về phía trước vườn: “Ngoài đó là chậu trứng cá, với chậu sơ ri cùng sáu cây hoa lài, hồi sáng bà Bác sĩ người Mỹ mới mua. Tôi có hẹn năm giờ chiều cho nhân viên mang tới nhà bà ấy trồng. Bà ấy nhìn cây trứng cá lủng lẳng trái xanh, vàng, đỏ đã thích rồi, sau khi ăn thử trái thì bà ấy mua ngay. Cây sơ ri Việt Nam cũng là hàng hiếm, trái to tròn như cherry Mỹ nhưng màu thì đỏ mọng, có vị chua chua ngọt ngọt nhưng rất đậm đà. Họ thấy lạ, đẹp, và ngon là mua không chần chừ !.”

Sâu trong góc vườn, là cây bưởi với chi chít quả với hai màu trái xanh mọng, và vàng ươm. “Ðây là bưởi thanh trà Huế và bưởi Thái Lan, một cây hai loại trái. Tôi tháp cả ngàn cây, nhưng không đủ bán. Có người đặt một cây tháp năm thứ, tôi cũng làm được, và bảo đảm khi ăn mùi vị loại nào ra loại đó,” chị Hằng cho biết.

Chị Hằng tâm sự: “Ở Mỹ này, rau càng cua để bóp gỏi, bông thiên lý xào thịt bò hơi hiếm một chút nhưng không khó tìm. Nhưng rau nhút, lá cách, và bông so đũa thì rất hiếm. Ðây là các loại rau rặt miền Nam, rất dân dã, chỉ mọc ven sông, sau hè nhà. Ví dụ đơn giản nhất là ở đây đi ăn bún mắm, nhưng chưa nơi nào có rau nhút là một điều rất tiếc, vì vậy tôi tìm mọi cách để có được giống rau này. Hay ăn lẩu hoặc canh chua mà thiếu vị nhẫn nhẫn của bông so đũa, thì như thiếu thiếu một cái gì đó. Cũng như lá cách cuốn thịt bò sẽ ngon hơn, thơm hơn lá lốt, và lá cách còn trị được bệnh đau nhức, thanh nhiệt, hạ huyết áp.”

Vườn thuốc Nam tại gia:

Không những bán cây, trái, chị Hằng còn hướng dẫn cho khách biết công dụng đặc biệt của một số loại cây, trái này trong việc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Chính vì vậy mà chị không ngần ngại tìm cách mang được cây nhàu mang từ Việt Nam sang, dù cây này không mang lại giá trị kinh tế nhiều vì trái không thể ăn như ăn xoài, mận…

Theo chị Hằng, các bộ phận của cây nhàu như vỏ cây, rễ, lá, quả đều được dùng làm thuốc để trị tăng huyết áp; trị đau nhức lưng xương, đau dây thần kinh; trị táo bón, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh; trị kiết lỵ; trị tụ huyết bầm tím do chấn thương té ngã.

Chị lại tíu tít kể về món quà quê mà tuổi thơ rất khoái khi được ăn trái này với muối ớt. Trái trâm tuy không ngon, ăn vào có vị chát chát, chua chua, ngọt ngọt. Khi ăn xong, lưỡi sẽ có màu tím tím trông rất ngộ nghĩnh. Tuy loại trái này thường mọc hoang trong rừng, trong rẫy, bờ ao... nhưng đây là loại trái giàu vitamin C, giúp tiêu hóa tốt, hạ thấp đường huyết, trị tiêu chảy, giảm kích thích thần kinh dạ dày và thần kinh trung ương, hạn chế tiết dịch vị, chữa ợ chua, viêm dạ dày. Lá trâm còn được dùng nấu nước uống như trà, có lợi cho bệnh nhân tiểu đường nữa.

Chỉ vào cây xá xị, chị đố: “Cây này rất quen, nghe mùi là đoán ra được nhưng công dụng của nó thì ít ai biết. Ðó là cây xá xị trị bệnh suyễn, chỉ cần lấy lá nấu canh hoặc súp”. Lá vông làm nem cũng được chị “rinh” sang Mỹ, bởi lá này có thể chữa bệnh trĩ, mất ngủ, đau nhức xương khớp do phong thấp. Còn đối với cây nhót, tưởng rằng chỉ để ăn chơi nhưng quả chữa được kiết lỵ, tiêu chảy; rễ nhót nấu nước tắm chữa mụn nhọt; lá nhót dùng tươi hay sấy khô chữa lỵ, cảm sốt, hen suyễn, nhiều đờm.

vuoncay laithieu 3 Bưởi thanh trà Huế và bưởi Thái Lan được tháp chung một gốc. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Biến đất cằn cho trái ngọt:

Chỉ tay về phía các cây hồng quân, điều lộn hột, khế, sa pô chê (lồng mứt), măng cụt, vải, ổi, cóc, chùm ruột, nhãn, xoài cát Hòa Lộc, củ riềng, mồng tơi, chanh ngọt… chị Hằng tự hào: “Khó khăn lắm mới mang được những loại đặc sản quê này qua đây, mà khó hơn nữa là làm sao trồng được ở xứ này. Ðể rồi tôi đã mừng phát khóc khi hái trái vải ăn, mà vị ngọt đến ríu lưỡi, măng cụt cho sai trái mà trái không bị chai sượng…”

Không chỉ trồng trái cây Việt, chị còn tìm một số giống cây đặc sản các nước khác có thể trồng được như cóc Thái Lan, mận Mã Lai (bông đỏ cho trái đỏ), mận Thái Lan và Ấn Ðộ, mãng cầu Do Thái, ổi không hột Ðài Loan, xoài tượng Thái Lan, trần bì… Chị dí dỏm hít hà như vừa ăn ớt: “Cóc Thái Lan trái nhỏ, không hột, không những chấm mắm ruốc ăn rất ngon, mà nếu mua con gà hấp muối, thái củ hành, thêm rau răm, chế nước mắm ớt, và hái lá cóc non trộn vào, thì ăn ngon phải biết!”

Chị Hằng cho biết chị có nông trại ở Riverside với hơn mười mẫu Tây, là nơi để làm cây tháp, chiết, lai giống, và trồng với hơn 1,000 loại khác nhau. “Nông trại này tôi có gần 30 năm, lúc trước cũng nhờ làm mười mấy, hai chục nghề mà có được mảnh đất này, và giữ cho đến nay. Rồi cuối cùng vì đam mê cây, thích cây Việt Nam nên tôi cố gắng đi học hỏi ở nhiều nước như Nhật, Ðài Loan, mỗi nơi tôi đi cả tháng chỉ để học được cách trồng như thế nào đạt năng suất cao nhất, và phải luôn tự mình đi tìm giống mới,” chị tâm sự.

Theo chị, khó khăn nhất là khi học chiết cành, tháp vì “Phải đi mua gốc cây dở để về tháp giống ngon vào. Ví dụ muốn trồng được ổi không hột thì phải mua gốc ổi dở, hay ổi có hột về trồng, để sau này tháp ổi không hột vào. Nhưng đâu phải lúc nào cũng bứng cây được, phải lựa đúng mùa mới bứng được để cây không bị chết. Khi bứng về thì cây sum suê, phải cắt bỏ hết, không tiếc trái, nhánh. Chỉ lấy thân cây. Rồi phải canh mười ngày tưới nước một lần, chứ không được tưới mỗi ngày.”

“Ăn cái gì ngon ở Việt Nam là bằng mọi cách tôi phải mang qua để tháp liền. Chỉ có cái thất bại với tôi là cây cam sành. Tôi chiết cành qua đây để tháp 100 cây, nhưng ra trái màu vàng chứ không ra trái màu xanh, vỏ sần sần, to như của Việt Nam. Lần thứ hai cũng thất bại, chủ yếu là do khí hậu. Dù mùi vẫn như vậy, trái cũng như vậy, nhưng vỏ màu vàng không giống với Việt Nam nên tôi bỏ không trồng. Vì trồng là phải giống. Mình bán cho khách ăn ngon, người ta giới thiệu một người thì mình có được 100 khách. Còn bán dở thì mất một người là mất 100 người,” chị Hằng tiếc rẻ.

Một cái khó nữa, mà theo chị là “Trồng cây cũng trầy da tróc vảy, như một canh bạc nhiều lúc phải chấp nhận thương đau. Khi nhập cây từ Việt Nam sang, để lấy nhánh tháp, trồng, làm giống nhưng nhân viên nông nghiệp kiểm tra thấy một cây có sâu là cả lô hàng bị hủy ngay lập tức. Tôi đã từng có lô hàng 500 cây bị hủy khi vừa đến phi trường. Ðau, tiếc nhưng phải chấp nhận thôi !.”

vuoncay laithieu 4 Mai vàng Việt Nam, lựu trắng... hiện diện trong vườn cây Lái Thiêu. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Không chỉ bán cây, chị Hằng còn hướng dẫn khách mua cây cách chăm sóc để sao cho cây đơm hoa, kết trái, và tươi tốt nữa. Chị nói: “Mỗi năm qua Tết Việt Nam, trời hơi ấm thì bắt đầu bỏ phân bông để kích thích ra trái, hai tuần bỏ một lần. Còn mùa đông thì tuyệt đối không bỏ phân. Khi cây ra trái rồi thì sau đó bớt nước, một tuần chỉ tưới hai lần. Riêng cây hồng dòn và táo Tàu khi nào mọc lá, đâm chồi mới bỏ phân.”

Chị cũng hướng dẫn thêm rằng: “Mãng cầu với mận qua Tết Việt Nam phải lặt lá mới ra bông nhiều. Ðối với cây mãng cầu, để cho trái nhiều phải chấm bông. Lấy những bông nở hết chấm phấn vào các bông búp. Một bông nở làm được ba bông búp và phải làm từ ba giờ chiều trở đi mới dễ đậu trái.” Ðối với khách ở Tiểu bang lạnh hay châu Âu, chị hướng dẫn khách trồng để cây không bị chết: “Cây phải được trồng trong chậu, lấy rơm cho bò ăn (chứ cỏ không đủ ấm) để ủ trong gốc cây cho ấm, rồi dùng bao nylon màu trắng trùm kín cây vào những ngày có tuyết để giữ ấm cho cây.”

Ngoài việc bán cây giống, hoa giống, vườn cây Lái Thiêu còn bán nhiều loại phân nông nghiệp “độc quyền” giúp cho nhiều trái, ra trái ngọt, cho ra bông nhiều, cho bông đẹp, không rụng bông, giúp cây chậm phát triển mau lớn, kể cả đất để trồng cây không bị chết cây, đất để trồng lan…

Cơ duyên làm “bà đỡ” cho hàng ngàn cây trái:

Ðể có được hàng ngàn cây, trái quen thuộc tại quê nhà phục vụ cho người Việt xa quê hương, chị Hằng đã gắn bó với mảnh vườn này gần 25 năm, dù trước đó chị đã trải qua hàng chục nghề. Chị tâm sự: “Người ta nói những người thích cây là có tâm đạo nhưng không biết đúng không ?.”

Chị kể, “Ngày 28 Tháng Tư, 1975, lúc đó 19 tuổi, trước giờ miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản, tôi lên máy bay của Sĩ quan VNCH bay ra đảo Côn Sơn. Từ đây tôi bay ra Hàng không Mẫu hạm USS Midway, rồi ghé Phi Luật Tân, và đi đến đảo Guam, rồi sau đó sang Mỹ tỵ nạn. Những năm đầu tôi làm rất nhiều nghề, cùng với số vốn mang theo khi chạy nạn, tôi mở chợ Trung tâm Thực phẩm Việt Nam - một chợ đầu tiên của người Việt tại Los Angeles, song song đó tôi cũng tập tành mua bán xe.”

Rồi chị kể tiếp: “Thấy tôi ở xa, cô Lan Làng Văn kêu tôi dọn chợ về Santa Ana, vì nơi đây đông người Việt sinh sống, là khu chè Hiển Khánh Westminster hiện nay. Sau 9-10 năm mở chợ Tiết Kiệm ở Santa Ana thì tôi sang chợ và nhảy qua Rạp hát Ðại Nam ở Garden Grove. Lúc đó nhờ ca sĩ Elvis Phương mà hằng tuần tổ chức đều đặn Đại nhạc hội. Ðặc biệt nhất là khi anh Hoàng Ðoan, chồng Ca sĩ Khánh Ly, có được cuốn phim ‘Vĩnh Biệt Sài Gòn’. Giá nào tôi cũng mua cuốn phim này để chiếu cho cộng đồng xem. Và tôi chiếu phim này suốt mấy tháng trời, sau đó còn mang sang mấy chục Tiểu bang để chiếu cho bà con xem.”

“Vừa dứt phim này xong thì đến phim ‘Thiếu Lâm Tự’ do Lý Liên Kiệt đóng. Tôi bay qua Hong Kong ký với hãng Gia Hòa và giành được phim với mức $150,000 để được chiếu tại Mỹ. Sau hai cuốn phim đó tôi kiếm được rất nhiều tiền, rồi phim bộ ra nên nhắm tình hình phim lẻ không thu lợi nhiều nữa nên tôi sang rạp. Bán Rạp Ðại Nam xong thì mở kho cung cấp thực phẩm cho mấy trăm nhà hàng, sòng bài ở đây. Làm nghề này cho thiếu tiền nhiều quá rồi bị giựt. Ra tòa nhiều mệt quá, nên cuối cùng tôi về Riversdie để mở nông trại,” chị tiếp lời.

Chị lại tiếp tục thành công khi nuôi cá lóc với tôm càng, rồi cấy meo làm giống nấm rơm. Chị nói: “Hồi còn làm nấm rơm, tôm càng rất thành công vì bán cho người Mỹ, Mễ, Tàu… nước nào cũng ăn được. Chứ làm mà chỉ có một vài nước ăn thì không kiếm được nhiều tiền !.”

Cũng từ những tháng ngày lặn lội qua Ðài Loan để học cách trồng nấm rơm sao cho có năng suất cao nhất, chị lại ghé Thái Lan, Nhật Bản, và mê mẩn với cây trái ở những nơi này. Cuối cùng thì chị bỏ ngang, chỉ để đeo đuổi với nghề lai giống, chiết cành, tháp cây để cho ra nhiều loại cây ăn trái như ý muốn.

vuoncay laithieu 5 Một góc vườn cây Lái Thiêu. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Thuở ban đầu, vườn cây của chị được đặt tại chùa Phổ Ðà trên đường Hazard. Chị giải thích: “Tôi biết thầy hồi mới qua, chùa còn nghèo, tôi cũng là Phật tử trong chùa nên cũng đi gom góp để làm công quả cho chùa. Nên lúc chuyển qua trồng cây, tôi mới xin thầy cho tôi một góc nhỏ để trưng bày cây”. Ðến giờ thì vườn cây đã quá lớn, nên chị đã dọn về đường Newhope ở số 729 South, Santa Ana, CA 92704, để việc kinh doanh thuận tiện hơn.

Nói về tên gọi “Vườn cây Lái Thiêu”, chị bảo: “Không gì hay bằng đặt tên Việt Nam cho dễ nhớ và để nhớ quê hương. Mà ngoại thành Sài Gòn khi xưa thì vườn cây Lái Thiêu đã được xem là ‘Vương quốc’ trái cây. Cái thuở biết yêu, thanh niên trai trẻ thường đưa người yêu, hay bạn bè vô vườn trái cây ở Lái Thiêu để hẹn hò, hái quả, ăn trái...”

Mở rộng vườn đồng nghĩa với tăng nhân công, và càng phải chăm sóc cây kỹ hơn, bởi ba tháng nhân viên nông nghiệp đều đi kiểm tra. Họ bắt ba tháng phải xịt thuốc trừ sâu, và khi họ cấp số, dán vào cây thì cây mới được bán. Chị Hằng nói: “Họ làm rất nghiêm ngặt, nếu không thấy số trên cây là cây sẽ bị hủy. Hay khách đến mua cây, hái thử quả ăn nhưng ăn không hết rồi bỏ dưới gốc cây, nếu không nhặt ra bỏ thì lỡ bị kiểm tra, thì họ nói cây bị nhiễm trùng, phải chặt bỏ.”

Ngoài dịch vụ bán cây ăn trái và cây cảnh cho khách đem về trồng, vườn cây của chị còn phục vụ cộng đồng trong dịp lễ, Tết mỗi năm. Chị cho biết, từ sáu, bảy tháng trước Tết, chị đã chuẩn bị những loại hoa, quả mà người Việt trưng vào dịp này. Và không những chỉ có cư dân miền Nam California mới mua được những đặc sản này, sản phẩm của vườn còn được chở đi bán tại San Jose (miền Bắc California), Houston (Texas)…

Không chỉ vậy, chị Hằng còn xuất cảng cây về Việt Nam, và dựa vào nhiệt độ của vùng mà hướng dẫn để khách nên trồng loại cây gì.

Chị nói: “Nhiệt độ 30 độ C thì tôi biết nơi đó trồng được cây gì. Ở khí hậu nào tôi sẽ hướng dẫn để trồng loại cây đó. Chẳng hạn ở Ðà Lạt khí hậu mát mẻ thì trồng hồng dòn, nho Mỹ không hột; ở nơi nóng như Ðồng Nai thì trồng táo Tàu. Thường Việt Nam thích cam giống ngọt và nho, các loại trái cây này nhập về không đủ để bán nên tôi hướng dẫn nhập cây về trồng cho thuận tiện.”

Chị Hằng tâm sự: “Trồng cây, chiết cành, tháp cây, lai giống… cực đó, gian nan đó nhưng sung sướng lắm. Vô lý quá phải không? Sung sướng vì mình đã mang đến cho cộng đồng hoa tươi, trái ngọt. Hồi đó làm chợ chỉ thâu tiền trong mát, rất sướng. Tự nhiên đam mê cây, ra ngoài nắng cháy da, trời nắng, hay mưa, cũng phải đứng ngoài trời, sáng sớm bảy giờ phải ra vườn chăm cây… nhưng với tôi đó là niềm vui sướng !.”

Quốc Dũng.

Không có nhận xét nào: