Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Vở Trường Ca “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận

Những tiếng vỗ tay òa vỡ. Những lá cờ - Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - Lá cờ mang biểu tượng cho tự do, cho dân chủ cùng phất lên. Những cánh tay đưa cao cùng hát... Tiếng hát lời ca lúc thì uất nghẹn, khi thì hào hùng... tất cả đã làm nên một vở trường ca bất tận. Có thể nói đó là Bản Trường Ca Đêm Nhớ Về Sài Gòn.
Bấm vào đây để Xem Thêm Hình ảnh: Đêm Nhớ Về Sài Gòn
Facebook: Bấm vào đây để Xem Thêm Hình ảnh: Phần 1 Đêm Nhớ Về Sài Gòn  
Facebook: Bấm vào đây để Xem Thêm Hình ảnh: Phần 2 Đêm Nhớ Về Sài Gòn  

Cali Today News - Trên những tấm vé, trên các hình ảnh được chiếu trên màn hình có mang dòng chữ “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”. Đó là chủ đề của đêm văn nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận đã diễn ra tại hí viện National Civic Center tại San Jose, tọa lạc trung tâm thành phố San Jose, 135 W. San Carlos vào đêm Chủ Nhật 3/5/2015 đánh dấu 40 năm tị nạn.
Chương trình bắt đầu vào lúc 5:30pm nhưng hơn 5:00pm đã thấy khán giả “rồng rắn” trước cửa rạp hát dọc theo con đường San Carlos chờ giờ mở cửa. Trong số những khán giả đến tham dự đêm văn nghệ có những cụ già, mà có cụ 100 tuổi và có lẽ khán giả “trẻ” nhất là 6 tuổi, những người ngồi trên xe lănvà trong số đó người ta thấy có cụ Trương Đình Sữu, cựu Đại tá Trần Thanh Điền, cựu đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, cựu Trung tá Đỗ Hữu Nhơn và nhiều người lính của các quân binh chủng VNCH.
Giờ mở cửa khán giả tuần tự đi vào, nơi cửa, những chị trong Ban Tiếp Tân, những chiếc áo dài màu xanh phân phát cho mỗi khán giả một lá cờ Vàng. Chẳng bao lâu sau rạp hát đã chật kín người, có thể hơn 2,000 khán giả. Mọi người gặp nhau thân ái bắt tay nhau, chào hỏi. Nhìn quanh, chiếc ghế bên cạnh lại là người quen. Không hẹn mà gặp. Họ đến đây đêm nay để cùng tưởng nhớ về một nơi chốn mà họ đã ra đi. Mới đó đã 40 năm trôi qua. Khán giả đủ mọi thành phần. Là những cụ ông, cụ bà, những người trung niên, thanh niên nam nữ, và có cả những em nhỏ.
Tấm màn nhung mở ra. Trên sân khấu có bàn thờ Tổ Quốc với hình ảnh những vị sĩ quan Quân Lực VNCH đã tuẩn tiết vào ngày 30/4/1975. Toán Quốc Kỳ đã sẵn sàng cho lễ khai mạc. Những người lính năm xưa, trong bộ quân phục tiểu lễ của trường Bộ Binh Thủ Đức đã sẵn sàng cho lễ chào cờ. 
Lễ chào quốc kỳ bắt đầu lúc 6:25 pm. Toán quốc kỳ do Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức Bắc California đảm trách. Mọi người đứng lên nghiêm trang chào cờ. Phút tưởng niệm, kèn truy điệu trổi lên. Hai bài quốc ca Việt Mỹ cất lên hùng tráng, như chưa bao giờ hùng tráng và trang nghiêm như thế trong một đêm văn nghệ. Trong khi bài quốc ca Việt Mỹ lần lượt cất lên, hai màn ảnh lớn chiếu những hình ảnh Việt Nam. Những người lính, những lá cờ, những ngôi mộ, những chiếc thuyền bé nhỏ mong mang vượt đại dương… 
Hình ảnh cũ. 
Một đoạn đường. 
Một kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức... của những người đang có mặt trong đêm nay. Những người tị nạn đã rời quê hương “Vì 2 chữ tự do” vì “không chấp nhận sống với chế độ cộng sản”, “ta mang đời lưu vong”…
Sau năm 1975, có hàng triệu con người bỏ nước ra đi, có gần nửa trong số đó đã bỏ mình trong lòng biển, trong rừng sâu. Hải tặc! Đói khát! Bơ vơ! Và đêm nay, tất cả đã về đây để tưởng niệm ngày Quốc Hận. Tiếng kèn đồng thê thiết. Những con người cúi đầu tưởng niệm người thân đã mất.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng, Phó Giám Đốc Hệ Thống Cali Today Multi Media Network, bước ra ngỏ lời chào đón đồng hương khán giả.
“Hôm nay đây, ngày quốc hận ba mươi tháng tư nhắc nhở  chúng ta nhìn lại những lầm than của dân tộc để từ đó chúng ta phải thấy được trách nhiệm và bổn phận của một kiếp người, là sinh ra, lớn lên phải hành động hợp với lẽ phải, bảo vệ cái chân, thiện mỹ, chống lại cái gian tà, ác ôn chẳng những ở nơi đang sinh sống mà ngay trên chính quê hương Việt nam đang đối mặt với tà quyền, tham lam, hèn với giặc mà lại ác với dân. Chính thế, nguời Việt tỵ nạn khắp hoàn cầu không quên ngày quốc hận..”
“Tuổi trẻ của hôm nay và ngày mai phải ý thức cụ thể và rõ ràng rằng, chính sách độc đảng sai lầm của Cộng sản Việt nam đã đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn người vượt biển, hàng vạn thanh niên bỏ xác tại Campuchia, dân oan đầy phố phường, nghèo đói vô cùng tận, văn hóa bại hoại, giang sơn tổ quốc bị lấn chiếm, ngoại bang hăm dọa đến sự vẹn toàn lãnh thổ của tiền nhân. Do đó, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt nam dù ở hải ngoại cũng phải nổ lực để ngăn chận những hiểm họa do Đảng Cộng Sản Việt nam gây ra.”
Anh đã nói và nhắc đến nhiều sự kiện, và đó là lý do có đêm hôm nay…”
Giọng anh nói có mang hơi thở của một nỗi đau, một lời tâm sự: “Kính thưa quý vị: Nguời Việt tỵ nạn khắp hoàn cầu không quên ngày quốc hận, Nhật báo Cali Today trong lòng người Việt lưu vong đã, đang và sẽ không quên ngày này với sứ mệnh hỗ trợ cuộc đấu tranh của các chiến sĩ dân chủ tự do trong và ngoài nước hầu mang đến cho quê hương một thể chế phi Cộng sản dựa trên dân tộc, dân chủ và nhân quyền. Tuổi trẻ của hôm nay và ngày mai phải ý thức cụ thể và rõ ràng rằng, chính sách độc đảng sai lầm của Cộng sản Việt nam đã đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn người vượt biển, hàng vạn thanh niên bỏ xác tại Campuchia, dân oan đầy phố phường, nghèo đói vô cùng tận, văn hóa bại hoại, giang sơn tổ quốc bị lấn chiếm, ngoại bang hăm dọa đến sự vẹn toàn lãnh thổ của tiền nhân. Do đó, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt nam dù ở hải ngoại cũng phải nổ lực để ngăn chận những hiểm họa do Đảng Cộng Sản Việt nam gây ra.
Kính thưa quý vị: Trong giây phút này đây, chúng tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm của từng trái tim đang tưởng niệm về một ngày quốc hận đau thương. Chính sự có mặt của tất cả chúng ta đã thể hiện một niềm tin cho tiền đồ quê hương ngời sáng, một ước mơ thanh bình, dân chủ và nhân quyền cho quê hương. Bao lâu nay Nhật báo Cali Today ấp ủ một nguyện ước cho Việt nam thịnh vượng, tự do thì giờ đây quý vị đã cho Cali Today thêm năng lượng, thêm tình thương và sự quan tâm. Nếu không có quý vị, của những sự hỗ trợ bởi  nhiều nhà hoạt động cộng đồng, những nhà đấu tranh chống cộng, những thân hữu, những bảo trợ viên hào hiệp, và những cơ quan truyền thông báo chí, những nghệ sĩ, và hàng ngàn khán giả thân thương... thì làm sao chúng ta có được một đêm tưởng niệm Bốn mươi năm đầy ý nghĩa, đầy tình người, đầy hoài niệm của quá khứ nhưng cũng đầy ước mơ cho tương lai. Chính quý vị là những người đã cùng chúng tôi đồng tâm và hiệp lực để chung tay tổ chức ngày quốc hận đánh dấu bốn mươi năm thật quy mô hầu lưu dấu mai sau ... Chúng tôi xin phép quý vị cho một tràng pháo tay thật lớn để cùng hòa nhau trong sự hiệp lực với tinh thần chống cộng mạnh mẽ của tất cả chúng ta.”
Sau nghi thức chào cờ là nghi lễ đặt vòng hoa. Đại diện các đoàn thể có: Cụ Trương Đình Sữu Hội Người Việt Cao Niên Vùng Vịnh, cụ Phạm Văn Tường Hội Diên Hồng Thời Đại, cựu Đại tá Trần Thanh Điền, cựu Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, cựu Trung Tá Đỗ Hữu Nhơn đại diện Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc Cali, Ông Nguyễn Ngọc Tiên Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali, Ông Trương Thành Minh Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc Cali, Ông Lê Đình Thọ TTK Liên Hội/CQN, Ông Thái Văn Hòa Hội CSQG, TS Nguyễn Hồng Dũng Ban Tổ Chức đặt vòng hoa tưởng niệm trước đài Tổ Quốc Ghi Ơn.
Bắt đầu chương trình văn nghệ tưởng niệm. Ông Nam Lộc và cô Thùy Dương, hai người điều khiển chương trình bước ra sân khấu. Ông Nam Lộc nhắc lại những câu chuyện, những dấu mốc thời gian, lý do mà người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới. Và ý nghĩa của Ngày Quốc Hận. Thùy Dương chuyển ngữ cho các bạn trẻ.
Dường như tôi nghe đâu đó quanh tôi có những tiếng thì thào, có những tiếng nấc nhẹ, và không biết có bao giọt nước mắt rơi trong đêm nay khi đệm cho lời nói của người điều khiển thì trên màn hình liên tục chiếu nhiều hình ảnh. Một Sài Gòn hoa lệ với Dinh Độc Lập, đường Lê Lợi, đường Tự Do, Tòa Đô Chánh, những chiếc xe, những tà áo dài, những cặp tình nhân… để rồi tiếp sau đó là chiếc thuyền mong manh trên mặt biển bao la, người già khóc con, những người vợ khóc chồng, là tiếng khóc của trẻ thơ, những ánh mắt ngơ ngác của con lạc mẹ, vợ lạc chồng… những vòng kẻm gai trong trại cấm, hình ảnh người tù trong các trại “cải tạo” thảm cảnh sau ngày mất nước: 30/4/1075. Và đó là Quốc Hận.
Diễm Liên và Nguyên Khang bước ra với một liên khúc các nhạc phầm của Nam Lộc, Nguyễn Đức Thành, Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng…” để đêm đêm nhớ về Sài Gòn Thấy mình vừa trở lại quê hương, đã gặp người một trời yêu thương cho lòng thêm chút ấm. Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau, nhắc chuyện người chuyện đời thương đau Tình chia trong đêm sầu …” Phải chăng đó là tâm trạng chung của những người phải xa xứ bất đắc dĩ?
 
Đêm nhạc được dàn dựng có lớp lang, bài bản. Là một thời đất nước bị phân ly, người miền Bắc Việt Nam phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nhạc bản Nỗi lòng người đi của Anh Bằng do Vũ Khanh trình bày đánh dấu thời kỳ thứ nhất. Rồi miền Nam thân yêu có một thưởu thanh bình, người người no ấm âu ca. Tâm tình đó được diễn tả qua các nhạc phẩm  “Tôi muốn và Tình hồng”  của Lê hựu Hà, Nguyễn trung Cang, Trưng Vương khung cửa mùa thu (Nhạc ngoại quốc/lời Nam Lộc) do Thanh Lan biểu diễn.
Những ngày thanh bình đó thật ngắn, đất nước bị đưa vào cuộc chiến tranh do cộng sản chủ mưu. Người dân phải tự đứng lên, tham gia vào việc mà họ không hề muốn để giữ gìn sự bình an cho dân. Những bản tình ca của một Việt Nam Cộng Hòa với các ca khúc trữ tình tràn ngập yêu thương, đầy ắp nhân bản của một thời chinh chiến. Kẻ ở miền xa của Duy Khánh, Đêm buồn tỉnh lẻ (Tú Nhi)  do Đan Nguyên trình bày, hoặc Mấy dặm sơn khê (Nguyễn văn Đông) do Ngọc Diệp diễn tả đã nói lên điều đó thật rõ.
Nhưng người Việt không chủ động được. Miền Nam đã mất vào tay cộng sản. Người Việt đành cắt ruột lìa xa để làm người lưu vong. Thủ đô yêu dấu, Sài Gòn thân yêu đã mất. Tiếp theo là liên khúc Sài Gòn ơi vĩnh biệt, Người di tản buồn của Nam Lộc do chính Nam Lộc trình bày đã làm người xem xúc động.
Đây có phải là tâm tình của những người Việt lưu vong hôm nay?
“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời 
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời 
Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về 
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề 
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê 
Phố phường vạn ánh sao đêm 
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.”
Họ đã ra đi bằng những chiếc thuyền nhỏ. Đánh đổi mạng sống tìm 2 chữ tự do đã chấn động lương tâm nhân loại. Thuyền Nhân (boat People đã thêm vào tự điển của loài người. Nhưng người Việt lưu vong sẽ đau thắt ruột, con cháu sẽ bỡ ngỡ khi biết cha ông đã ra đi như thế nầy: 
“Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn 
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương 
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình 
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương 
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non. 
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương 
Ra đi trên chiếc thuyền 
Hy vọng vượt trùng dương 
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn 
Bỏ lại em cay đắng thật thương 
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.”
Ca khúc Đêm chôn dầu vượt biển của Châu đình An do Diễm Liên trình bày gợi lại  niềm đau, ghi dấu một thời mà người Việt đem mạng sống đổi lấy tự do. Freedom is not free, có ai cảm nhận được nó bằng người Việt tị nạn?
Những ánh đèn quét ngang sân khấu tràn xuống khán giả đang hừng hực lửa đấu tranh. Những lá cờ Vàng phất cao lên, tuôn trào như những đột sóng thần nhấp nhô tràn tới, tràn tới càng lúc càng dồn dập. Và Sài Gòn ơi ta hẹn rằng ta sẽ về. Đó có phải chăng là ước muốn của người Việt tị nạn? Người xem đã không còn đứng ngoài, họ tham dự vào sự trình diễn, họ đã nhập làm một với người ca sĩ trên sân khấu, không còn biên giới giữa người xem và người biểu diễn. Sân khấu và khán giả đã biến mất để nhường chỗ cho những người Việt yêu tự do, những người Việt mất Sài Gòn dấu ái đang bày tỏ thái độ, đang nói lên sự mong chờ, niềm hy vọng của một ngày mai!
Đến vùng đất mới, xây dựng đời sống mới. Người Việt có một dòng nhạc nhân bản tiếp nối những ngày Sài Gòn còn hoa lệ còn là Hòn Ngọc Viễn Đông. Dòng nhạc “lưu vong” tự nó đã là tiếng nói của con người từ trong đớn đau vươn lên. Dòng nhạc tình trên đất mới với: Chừng như em quanh đây (Nguyễn hoàng Duyên) do Hoàng Hiệp trình bày. Tiễn đưa (Lê Đức Long) Quốc Khanh hát.
“Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” có phải đó là khẩu hiệu khích động của những người cộng sản xúi giục dân chúng nổi loạn hầu lợi dụng? Nhưng người cộng sản không bao giờ biết rằng “gậy ông đã đập lưng ông”. Người Việt Nam không bao giờ chịu áp bức. Người Việt Nam muốn tự do. Những nhạc phẩm: Anh là ai? Việt Nam tôi đâu? (của Việt Khang) là những tiếng nói bất khuất phát ra từ trong nước. Những nhạc phẩm này do Đan Nguyên, Quốc Khanh, Nguyên Khang đã làm người nghe xúc động. Cả hội trường rạp hát bừng lên ngọn lửa đất tranh.
Đêm đã về khuya, dòng nhạc trở về với chủ đề NHẠC TƯỞNG NIỆM 30 THÁNG TƯ.
Rồi tất cả các ca sĩ cùng kết thúc đêm nhạc bằng ca khúc Triệu con tim (Trúc Hồ) Đại diện BTC, anh Nguyễn Hồng Dũng bước ra nói lời cảm và hẹn một ngày về đem lá cờ Vàng hát tại Sài Gòn.
Mỗi một bài được trình bày trong đêm nay đều mang một ý nghĩa, một kỷ niệm, một đoạn đường. Dù là tình ca, hay chôn dầu vượt biển là nỗi nhớ về Sài Gòn. Tất cả là lời của người lưu vong, mang dấu ấn của người mất nước, tiếng thổn thức của kẻ mất quê hương qua hình ảnh “Sài Gòn” đã mất tên. Nhưng trong đó ẩn chứa một lời thề sắt đá 
“Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề 
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê 
Phố phường vạn ánh sao đêm 
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên….”
Lê Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét